‘33 nhà văn Việt Nam sống tại 13 nước trên thế giới’ là những ai?

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘33 nhà văn Việt Nam sống tại 13 nước trên thế giới’ là những ai?

21/10/2017

Vietnam – Cali Today News – Đã hoàn toàn biến mất cái tên “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”, mà thay vào đó là Cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chính thức khai mạc ngày 20/10, tại Hà Nội.
Cũng hoàn toàn biến mất từ “hòa hợp” để thay bằng “đại đoàn kết” – một cụm từ mang “tính đảng” thuần túy mà giới nhà văn hải ngoại không quen dùng.
Phải chăng “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ thất bại lần đầu của “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” vào tháng 4/2017, Hội Nhà văn Việt Nam mà cụ thể là chủ tịch Hữu Thỉnh đã tham mưu cho đảng lấy tên “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”?
Cuộc gặp mặt trên được Thông Tấn Xã Việt Nam mô tả “Tham dự cuộc gặp mặt ý nghĩa này có hơn 100 nhà văn tiêu biểu ở trong nước và các nhà văn Việt Nam sống tại 12 nước trên thế giới”.
Không thấy Ban tổ chức cuộc găp mặt trên công bố danh sách “33 nhà văn Việt Nam sống tại 13 nước trên thế giới” (!?). Ảnh: TTXVN
Nhưng lại không thấy Ban tổ chức cuộc găp mặt trên công bố danh sách “33 nhà văn Việt Nam sống tại 13 nước trên thế giới”, ngoài thông tin “Hội cũng đã trao giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm có giá trị của 3 nhà văn: Như Thuận ở Pháp, Đoàn Minh Phượng và Nguyễn Văn Thọ ở Đức; kết nạp nhiều nhà văn ở nước ngoài cùng nhiều nhà văn ở miền Nam trước năm 1975 vẫn ở lại trong nước”.
Cách đưa tin mập mờ của báo đảng khiến người xem không thể biết chắc những nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài là Như Thuận, Đoàn Minh Phượng và Nguyễn Văn Thọ đã có mặt tại cuộc gặp trên hay không.
Bởi một vụ việc đình đám là trước khi “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” lần thứ nhất hoàn toàn phá sản, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát đi trên năm chục thư mời đến các nhà văn hải ngoại nhưng đã chẳng có tin gì về hồi đáp từ những người được mời.
Đến đầu tháng 9/2017, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã trực tiếp gửi thư cho nhà văn Phan Nhật Nam – tác giả của sách “Mùa hè đỏ lửa” và từng là người bên kia chiến tuyến, đang định cư ở Hoa Kỳ, mời ông Nam về Việt Nam “gặp mặt” với các nhà văn trong nước “với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp”.
Tuy nhiên ngay sau đó, nhà văn Phan Nhật Nam đã thẳng thừng từ chối lời mời này và nói thẳng” Đảng muốn hòa hợp với hải ngoại thì trước hết phải hòa hợp với giới bất đồng chính kiến trong nước”.
Nhưng với việc từ “hòa hợp” biến mất trong Cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”, có thể xem đây là thất bại lần thứ hai liên tiếp của Hội Nhà văn Việt nam, cá nhân ông Hữu Thỉnh và đương nhiên của đảng.
Chủ nào tớ nấy. Hẳn ông Hữu Thỉnh đã quá chủ quan với não trạng “cứ mời về là bọn nó vồ lấy ngay”, chẳng khác gì vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” mà nghĩ là người Đức sẽ im lặng…
Chẳng có gì chứng tỏ là những nhà văn hải ngoại tên tuổi đã hiện diện trong “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”.
Trở lại bản chất của vấn đề. Với “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” hay “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”, đảng đã chọn một cách thức khôn lanh khi không tự xuất hiện mà đưa một hội đoàn ra làm “thí điểm” là Hội Nhà văn Việt Nam.
Có tin cho biết ý đồ và kế hoạch về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” đã được Hữu Thỉnh trình cho tổng bí thư đảng là Nguyễn Phú Trọng vào khoảng thời gian cuối năm 2016, đầu năm 2017. Mặc dù đây là một sự kiện “chưa từng có” và quá nhạy cảm về chính trị khi lần đầu tiên đảng phải chấp nhận mời mọc và ve vuốt nhiều nhân vật ở nước ngoài mà cho đến nay đảng vẫn xem là “ngụy quân ngụy quyền” và “thế lực thù địch”, song ông Trọng đã mau chóng đồng ý với đề xuất của Hội Nhà văn Việt Nam. Một lý do đủ thuyết phục do Hội Nhà văn Việt Nam nêu ra là việc tổ chức “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” sẽ đáp ứng tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về “công tác người Việt Nam ở nước ngoài”.
Còn món lợi dễ thấy nhất và có thể là duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong chiến dịch trên chỉ là cơ hội lớn để xin ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh hội đoàn này đã bị ngân sách cắt giảm kinh phí đến 50% trong vài năm qua.
Trong khi đó, tình cảnh kinh phí lẫn nội tình Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng tồi tệ. Mới đây, một nhà văn là Lương Ngọc An than thở trên FB của ông:

Mời xem Video: Nỗi lo lớn của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang hiện nay qua lời kể của người trong cuộc?

 

“Đến hôm nay, khi lòng tin không còn, tôi nhận ra cách hành xử của lãnh đạo cơ quan HNV lâu nay còn có gì đó như một sự tàn nhẫn. 4 tháng nay anh em trong báo Văn nghệ không có lương, 2 tháng nay không có nhuận bút trả cho cộng tác viên, chúng tôi có lúc phải bỏ cả tiền túi ra để làm việc công mà chẳng hề kêu ca, bởi biết đó có phần là do sự kém cỏi của mình. Song các anh ấy coi việc để tan nát một tờ báo, làm đổ vỡ lòng tin và sự tôn trọng của bao người như thế giống như việc ở tận đâu đâu thì không ổn chút nào, vì rõ ràng trong đó có những nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Hội…
 
Đưa mãi lên đây cái công văn số 11 của HNV không phải tôi muốn kêu oan cho mình, hay đay nghiến gì các anh ấy như kiểu “giậu đổ bìm leo”, mà thực sự chỉ muốn các anh ấy thấy rằng đã từng có việc khi cần thiết thì được xử lý nhanh và kiên quyết như vậy, thì đừng nên có những việc lần khân đến cả năm trời, đến chai cả mặt như việc của tôi và của báo Văn nghệ, với một thái độ im lặng đầy trịch thượng, vô trách nhiệm và vô văn hoá như bấy lâu nay”…
Thiền Lâm
(Cali Today News)