Phản Biện Phim THE VIETNAM WAR – Hoàng Đình Khuê

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phản Biện Phim THE VIETNAM WAR – Hoàng Đình Khuê

Hoàng Đình Khuê

Bộ phim The Vietnam War do đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick đã được trình chiếu kể từ ngày 17 tháng 9 năm 2017 trên Đài Truyền Hình WETA TV 26 & PBS của Hoa Kỳ.
Trong thời gian qua , tại Little Saigon, Nam Cali nhiều báo chí, truyền thanh, truyền hình, youtubes và emails đã phê bình và phản biện bộ phim rất xôn xao.
Có người khen mà cũng lắm kẻ chê vì bộ phim đã phản tác dụng tâm lý của cộng đồng và thiếu sự khách quan nếu không nói là thiên vị có lợi cho cộng sản Bắc Viêt
Nói chung bộ phim không có gì mới lạ so với các phim khác về chiến tranh VN, vẫn với góc nhìn của một người Mỹ để biện minh cho sự phản bội của chính quyền Hoa Kỳ với đồng minh VNCH.
Trong phim, Ken Burns và Lynn Novick muốn chia sẻ những nổi đau nhục của các chiến binh Mỹ tham chiến tại VN. Ông  lên án cuộc chiến là phi lý, đã giết hại 58,000 sinh mạng người Mỹ và đã ủng hộ sai lầm miền Nam VN thay vì là miền Bắc VN.
Ken Burns và Lynn Novick cũng tố cáo chính quyền HK đã lừa dối nhân dân Mỹ về sự thật của cuộc chiến:
– Tổng thống Johnson đưa quân vào VN mà không cho dân Mỹ biết cho mãi đến năm 1965.
–  Tổng thống Nixon đã qua mặt Quốc hội Mỹ ký một mật ước cam kết sẽ trả cho Hà Nội $US 4.75 tỉ tiền viện trợ gồm có $US 3.25 tỉ tiền bồi thường chiến tranh và $US 1.5 tỉ giúp Hà Nội phát triển kinh tế. Đây là tiết lộ của đạo diễn Lynn Novick và mật ước này đang nằm trong thư viện Quốc hội Mỹ, chỉ được giải mật sau khi Kissinger chết được 5 năm.
– Tổng thống Nixon ra lệnh thả bom tại Kampuchia mà không thông báo cho Quốc
hội  cũng như dối trá với dân Mỹ là đã thành công trong chiến dịch Hạ Lào  để mong thắng cử…

Xét cho cùng thì bộ phim này  còn  thua cuốn phim “Ride the Thunder” của Richard Botkin và Fred Kostner dám nói sự thật về những chiến thắng của QLVNCH, những câu chuyện về tình đồng đội, về tinh thần quốc gia cũng như về sự dũng cảm và lòng hy sinh của QLVNCH trong trận đánh tại Đông Hà mà quân CS Bắc Việt đã tấn công QLVNCH với lực lượng gồm 20,000 quân và 200 chiến xa, nhưng đã bị một tiểu đoàn TQLC của QLVNCH gồm 700 người đánh bật khỏi vị trí phòng thủ và gây tổn thất nặng nề cho địch.

Bộ phim “The VietNam War” được thực hiện trong 10 năm, chi phí là $US 30 triệu  gồm 10 tập kéo dài 18 tiếng đồng hồ. ( Từ “ Dé jà Vu”(1858-1961) đến “Riding The Tiger”(1961-1963; “The River Styx”(1964-1965); “Resolve”( 1966-1967); “This Is What We Do”( 7/1967-12/1967); “Things Fall  Apart”( 1/1968-5/1968); “The Veneer Of Civilization”(6/1968-3/1969);”The History Of The World”(4/1969-5/1970); “A Disrespectful Loyalty”(5/1970-3/1973) và Tập cuối “The Weight Of Memory”(3/1973-về sau)
Ken Burns đã phỏng vấn 79 nhân vật và chia làm ba phe:
– Phe người Mỹ gồm các nhà lãnh đạo, các nhà truyền thông, các cựu chiến binh và  gia đình.
– Phe CS miền Bắc gồm các bộ đội quân đội nhân dân Bắc Việt, các nhà văn, nhà  báo và dân chúng.
– Phe VNCH gồm các cựu sĩ quan cấp Tá, cấp Tướng, nhà ngoại giao, nhà trí thức, dân biểu cùng một nhà văn nữ có gia đình theo kháng chiến.

Như trên đã nói, Ken Burns và Lynn Novick đã không giữ được tính cách khách quan trên phương diện lịch sử lẫn tâm tư tình cảm của các nhân vật được phỏng vấn, vì những lý do sau:
1- Ken Burns là thành viên trong phong trào phản chiến, ông là người thiên tả và ủng hộ phe Dân chủ. Ông đã được đảng Dân chủ giao cho nhiệm vụ thực hiện các cuốn phim tài liệu nói về chiến tranh hay những sự kiện quan trọng của đảng.

 2- Ken Burns và Lynn Novick cũng không qua được thông lệ của sự dối trá trắng trợn của truyền thông Mỹ về cuộc chiến VN:
– Nào là hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công Bảy Lốp ở đường phố Saigon.
( Việc này đã sáng tỏ với bức thơ xin lỗi của phóng viên Eddie Adams; ”Tôi xin lỗi Ông. Nước mắt dâng tràn trong mắt tôi” )
– Nào là hình ảnh của Nick Út chụp người con gái trần truồng tên Kim Phúc bị phỏng bom napalm.
( Việc bỏ bom napalm lầm lẫn của KQ/HK là chuyện bất khả kháng cũng như đã từng bỏ lầm ở Iraq và Afghanistan)
– Nào là hình ảnh Trung úy William Calley bắn giết dân lành gồm đàn bà con nít ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968.
(Việc này đã được Tóa án quân sự Mỹ xử chung thân)
– Nào là hình ảnh chết chóc với nhiều quan tài phủ quốc kỳ Mỹ.
( Việc này gây tác dụng tâm lý dân chúng Mỹ đưa tới Phản chiến)…

*Trong khi đó những hình ảnh tàn ác của VC như sát hại dân lành, đốt phá nhà cửa, trường học, nhà thờ, chùa chiềng, điển hình là vụ pháo kích trường tiểu học Cai Lậy giết chết hơn 200 em học sinh…; hoặc
*Hình ảnh người dân chạy nạn bị VC thảm sát trên Đại lộ Kinh hoàng, QL 7; hoặc
*Hình ành Tổng công kích Tết Mậu Thân với những ngôi mộ tập thể chôn sống từ 5,600 đến 6,000 người thay vì chỉ có 2,800 người như Ken Burns công bố…
Những hình ảnh này không được phổ biến qua bất cứ truyền thông nào!

3- Ken Burns và Lynn Novick đã thiên vị khi nêu lên những trận đánh nhỏ mà phần thiệt hại về phía QLVNCH và Cố vấn Mỹ như Ấp Bắc, Bình Giả, Đồng Xoài trong khi những trận đánh lớn cấp Quân đoàn hoặc nhiều Sư đoàn chủ lực với chiến thắng vang dội của QLVNCH như Kontum, An lộc, Quảng Trị- Mùa Hè Đỏ Lửa mà không đề cập đến.

4- Ngoài ra Ken Burns và Lynn Novick không nhắc đến những nhân vật chính đã quyết định cuộc chiến như Henry Kissinger, William Westmoreland… đưa đến khai tử miền Nam.

5- Ken Burns và Lynn Novick đã không công bình khi chọn số người phỏng vấn trong ba phe không đồng đều và thời lượng phát biểu cũng không bằng nhau.

  • Phe người Mỹ : số người được phỏng vấn vượt trội và thời gian phát biểu lâu hơn hai phe kia; gồm các nhân vật tên tuổi trong  chánh quyền HK, ngoại giao, tình báo, các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Tom Vallely, John Laurence, Neil Sheehan (nhà báo thiên tả của New York Times, chống VNCH và là tác giả của bộ sách “A Bright Shining Lie”) và một số cựu chiến binh tiêu cực, hèn nhác, đáng thương như John Musgrave hay Mogie Crocker và gia đình. Đa số họ đều trách cuộc chiến và có khuynh hướng thiên về phản chiến.

  • Phe CS Bắc Việt cũng khoảng trên 20 người gồm bộ đội  Bắc Việt như Bảo Ninh, Lê Quang Công, Nguyễn Văn Tống, Lê Công Huân, Đồng Sĩ Nguyên; các nhà văn, nhà báo như Huy Đức, Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê … Coi như họ đã thành công với sứ mạng mà đảng và nhà nước giao phó với những lời phát biểu đanh đá, có bài bản, thuộc lòng như con vẹt, đã được hướng dẫn và tham mưu trước, phải nói như thế nào và không được nói những gì. Đây là những tiết lộ của đạo diễn Lynn Novick trong cuộc phỏng vấn cuả BBC tiếng Việt.

  • Phe VNCH với số người được phỏng vấn ít nhất, chỉ gốm 8 người

cùng những lời phát biểu rất ngắn đôi  khi chỉ được 1 hay 2 câu.

  1. Trung tá Trần Ngọc Harry Huế (khóa 18/TVBQGVN) xuất hiện rất ít, chỉ ở Tập 1 và 9. Trong Tập 1 ông chỉ nói một câu lên án CS tàn ác với những người theo Pháp và trong Tập 9 ông chỉ phớt qua địa danh Hạ Lào và tâm sự rằng trước khi qua Hạ Lào ông có linh tính sẽ không trở về và nhắn với cố vấn David Wiseman săn sóc vợ con cho ông.

  2. Trung tá Trần Ngọc Toàn (khóa 16/TVBQGVN), xuất hiện nhiều hơn Trần Ngọc Huế. Có thể nói ông Toàn đã được Ken Burns chú ý nhiều vì ông là ĐĐT/ ĐĐ1/ TĐ 4- TQLC bị thương rất nặng coi như  đã chết 3 ngày… rồi sống lại trong trận Bình Giả.
    Nhưng rất tiếc ông đã không nói lên sự thật về cuộc chiến hay những gì liên quan đến thành tích chiến đấu của QLVNCH.
    Trong Tập 1 ông cho biết khi Pháp vào VN ông coi Pháp là kẻ thù.
    Trong Tập 6 ông đã lập lại theo luận điệu bộ phim “Tướng Loan dùng súng Colt 45(?) bắn Nguyễn Văn Lém.
    Theo tôi biết cả hai Trung tá Trần Ngọc Huế và Trần Ngọc Toàn đều là những SQ xuất sắc và có đi tù cải tạo CS Bắc Viêt.
    Nếu hai ông nói lên được kinh nghiệm và thành tích chiến đấu của mình hay hình ảnh CS trả thù tù binh bằng cách đối xử tàn ác vô nhân đạo như bỏ đói, gông cùm trong conex hay xử bắn những ai trốn trại thì hay biết mấy. Thật tiếc thay!

  3. Hai vị Tướng là Trung tướng Lâm Quang Thi và Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất cũng không nói nhiều về QLVNCH, về tính nhân bản và tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính miền Nam hay là nói lên những chiến thắng vang dội mà các vị đã từng chỉ huy để làm sáng tỏ sự thật về cuộc chiến hầu lấy lại danh dự cho QLVNCH đã bị xuyên tạc và cố tình bị đánh giá sai lệch trong suốt nửa thế kỷ nay.

  4. Vị cựu quân nhân đã có một thời nổi tiếng ở miền Nam là Trung tá Trần Ngọc Châu, nguyên Tỉnh trưởng Kiến Hòa và sau là Tổng thơ ký VP/Hạ viện .  Ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm tín nhiệm giao cho chức vụ nói trên, ông cũng được các giới chức lãnh đạo Mỹ như  Edward Lansdale và William Colby hết lòng ủng hộ.
    Trước kia hai anh em ông có tham gia kháng chiến nhưng sau đó ông không thích CS vì CS thường trừng phạt những ai có quan điểm khác họ, do đó ông trở về làm việc với chánh quyền miền Nam.
    Trong Tập 2, ông  đã phát biểu ngược lại quan điểm về Ấp Chiến Lược của Đệ I CH.
    Ông cho rằng chánh quyền có nhận định sai khi cho người dân tỉnh thành có thiện cảm với chánh quyền, còn người dân quê đều là VC? Nếu chánh quyền giết 1 người, thì sẽ có 1 người khác thay thế; nhưng nếu chánh quyền giết lầm 1 người sẽ có 10 người khác thay thế, mà hầu hết đều bị giết lầm.
    Ông đã không đưa ra quan điểm đúng  đắn của chế độ miền Nam mà ông đã từng hưởng ân huệ; ngược lại ông đã phê bình khắt khe tạo sự bất lợi cho phía VNCH.

  5. Thẩm phán Phan Quang Tuệ là trưởng nam của BS Phan Quang Đán . Thời Đệ I CH, BS Phan Quang Đán có tham gia đảo chánh ngày 11/11/1960. Đảo chánh thất bại, BS Đán bị tù ở Côn đảo.
    Trong Tập 5, Thẩm phán Phan Quang Tuệ chê chế độ miền Nam,
    cho  Kỳ là người ít học, chỉ có rượu và gái.
    Khi bầu cử Tổng thống, Thiệu, Kỳ tranh giành quyền lực để dễ tham nhũng và tạo phe nhóm. Ông tuyên bố: ”Chúng tôi phải trả giá vì có những lãnh đạo như Kỳ và Thiệu.”

Trong Tập 6, Thẩm phán Tuệ phê phán Mỹ đã bỏ tiền và sinh mạng  để bảo vệ chế độ không đáng. Ông lên án những tiêu cực của chế độ một cách thái quá, tạo dư luận xấu cho miền Nam. Có phải do tình cảm xung đột và ân oán với chế độ cũ chăng?

  1. Nhà  Ngoại giao kỳ cựu là Cựu Đại sứ Bùi Diễm.
    Quan điểm của ông cũng giống những lần Hội thảo về Chiến tranh VN trước đây:
    – Hội thảo “Việt Nam 30 năm nhìn lại” tại Washington DC ngày 9/4/2010.
    – Hội thảo “Voices From The Second Republic Of South VN”
    do GS Keith W.Taylor tổ chức tại Đại học Cornell.

Ông đã không đưa ra một sáng kiến mới nào có tánh thuyết phục hay những ưu điểm của chế độ mà ông là người trong cuộc.

  1. Đặc biệt nhà văn nữ tên Dương Vân Mai Elliot là nhân vật được xuất hiện nhiều nhất và phát biểu lâu nhất trong phim. Bà đã nói lên một cách trung thực về tình hình chính trị và quân sự ở miền Bắc VN trước 1954, cũng như ở miền Nam sau 1954.

Xét qua thân thế, thân phụ Bà làm việc cho chính quyền Pháp ở ngoài Bắc. Cả gia đình di cư vào Nam 1954 trừ người chị tên Thăng ở lại kháng chiến. Năm 1960 bà được học bổng và qua Mỹ  học về ngành ngoại giao. Năm 1964 bà lập gia đình với người chồng Mỹ cùng ngành và sau đó cả hai vợ chồng được làm việc ở Sai Gòn cho RAND Corporation từ 1964-1967 (Research  and Development). Bà là tác giả của cuốn “The Sacred Willow” được đề cử giải Pulitzer trong đó nói về 4 thế hệ của cuộc sống trong một gia đình VN.

Sở dĩ chúng tôi nói qua  thân thế của bà Dương Vân Mai Elliot vì tôi muốn dựa vào gốc gác của bà để nói lên quan điểm của bà về chiến tranh VN. Bà đã phát biểu rõ ràng chi tiết, nhưng cái nhìn của Bà vẫn ở lăng kính của môt người Mỹ 50%.
Bà luôn có quan điểm cho rằng miền Bắc sẽ thắng miền Nam:
Phút 29’/Tập 2, bà Dương Vân Mai Elliot phát biểu “ Biến đau thương thành hành động”
Phút 32’/Tập 2, bà cho rằng VNCH không dốc sức như VC, cấp lãnh đạo lại tham nhũng và thiếu năng lực, thâm tâm bà lo ngại cuối cùng CS sẽ thắng.

Duyệt qua nhận định trên đây, rõ ràng bộ phim The VietNam War của Ken Burns và Lynn Novick đã gây bất lợi cho phía VNCH. Ông đã nói lên quan điểm của ông và phe nhóm “siêu quyền lực”, đã áp đặt lên Hành pháp, Lập pháp, Truyền thông Mỹ và chuẩn bị dư luận quần chúng tạo ra những cuộc biểu tình phản chiến để khóa tay chánh quyền Mỹ hầu thực hiện cuộc rút quân trong danh dự, tránh bị mang tiếng là bỏ rơi và phản bội đồng minh.

Chúng tôi rất thất vọng nhận thấy bộ phim The VietNam War lệch lạc, thiếu trung thực và phiến diện được tiết lộ bí mật “nhà làm phim lịch sử đã làm phim theo đơn đặt hàng  nhưng cuối cùng không nhận hàng “… qua cuộc phỏng vấn đạo diễn Lynn Novick của Đài BBC phổ biến ngày 4 tháng 10 năm 2017.

Chúng tôi càng đau lòng hơn với những lời phát biểu của “Phe ta”, đã bỏ lỡ cơ hội để nói lên những gì mà cộng đồng chúng ta cần phải nói để làm sáng tỏ chánh nghĩa và sự thật của cuộc chiến cũng như trả lại danh dự cho miền Nam và tập thể chiến sĩ của QLVNCH.
Chúng tôi không biết ý đồ của Ken Burns và Lynn Novick có cắt xén phần phỏng vấn của phe VNCH hay không?

Chúng tôi viết ra đây để nói lên tâm tư khắc khoải của một thành viên trong tập thể đã bó tay trước những cảnh đau lòng và uất hận.
Trong tâm chúng tôi luôn khắc sâu 6 chữ “Danh Dự, Tổ Quốc, Trách nhiệm” và chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ miền Nam Tự do, và phải bảo vệ Danh Dự cho QLVNCH cũng như lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Chúng tôi cũng muốn nói cho người Mỹ nhất là những người Mỹ phản chiến, cho tất cả người Việt khắp Năm Châu và nhất là thế hệ mai sau, con cháu hậu duệ của chúng ta hiểu rõ ràng về Chân lý của chiến tranh VN, về sự tàn ác gian dối của CS và tại sao Cha Ông của  các cháu phải lìa bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn để lưu lạc xứ người?

Quận Cam, ngày 18 tháng 10 năm 2017
Hoàng Đình Khuê
(Khóa 16 TVBQGVN)