Bao giờ báo chí thôi đóng vai quan tòa?
20-10-2017
Đóng vai quan tòa là một trong những lỗi mà các báo lớn nhỏ ở Việt Nam thường xuyên mắc phải. Dưới đây là 2 ví dụ:
Ở vụ án giết người (bài bên trái), toàn bộ tít của bài “Thuê người đốt xe làm cha chết vì tài sản” chỉ là nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, chứ làm sao báo dám chắc là sự kiện thực tế (fact) mà lại giật tít như vậy? Lẽ ra báo phải để toàn bộ tít đó trong ngoặc kép, và ghi rõ đây là nhận định của cơ quan điều tra. [1]
Tệ hơn nữa chính là dòng đề tựa của bài trên trang Facebook của báo. Sao lại coi nhận định của cơ quan điều tra chắc chắn là “sự thật vụ án”? Thế thì cần gì tòa án với quá trình tranh tụng nữa?
Bài báo cũng thật kém chất lượng khi chỉ dẫn nguồn tin từ một phía là cơ quan điều tra – vốn luôn theo hướng buộc tội, trong khi phía gia đình và luật sư của các nghi phạm thì hoàn toàn không có tiếng nói trên mặt báo.
Còn với vụ án hoạt động lật đổ (bài bên phải) thì lại càng chứng tỏ Báo Pháp luật quên hẳn nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Điều 31 Hiến pháp 2013. Bà Trần Thị Xuân chỉ mới là nghi phạm, và khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa thì vẫn được xem là không có tội, hà cớ gì giật tít như thể kết án người ta luôn vậy? Tít chỉ nên là “Bắt khẩn cấp nghi phạm hoạt động lật đổ chính quyền”.[2]
Lời đề tựa cho bài trên trang Facebook của báo cũng thật là hàm hồ. Làm sao báo biết được việc bắt giữ đúng trình tự, quy định của pháp luật? Phóng viên của báo cùng tham gia bắt giữ hay sao? Đây chỉ là một câu nằm trong thông cáo báo chí của cơ quan điều tra, vậy nên khi dẫn ra báo cần phải để trong ngoặc kép và nói rõ đây là quan điểm của cơ quan điều tra. Đó là chưa nói nếu báo có trách nhiệm thì còn cần phải tìm hiểu, kiểm tra nhiều nguồn tin khác nhau để xem liệu nội dung trong thông cáo báo chí của cơ quan điều tra có gì đáng nghi vấn hay không.
Không biết đã có bao nhiêu vụ oan sai có sự góp phần của các ngòi bút lười biếng và cẩu thả, chỉ biết phản ánh quan điểm một chiều của cơ quan điều tra và làm thay công việc của tòa án, tạo ra một thứ dư luận kết tội bủa vây quá trình tố tụng, như những gì thể hiện trong các bài báo này.
PS1: Nhiều báo Việt Nam mắc các lỗi tương tự như trên nhưng ở đây dẫn Báo Pháp luật làm ví dụ vì lẽ một khi mang tên như thế này (cơ quan chủ quản lại là Sở Tư pháp Tp.HCM – một cơ quan có chuyên môn về pháp luật), báo phải chú trọng đến các chuẩn mực pháp lý trong tác nghiệp, tránh những lỗi sơ đẳng như trên.
PS2: Chương 35 đến 38 trong cẩm nang bên dưới hướng dẫn cách viết tin, bài hình sự kèm với những lưu ý về đạo đức nghề nghiệp khi viết dạng tin này, là một tham khảo tốt dành cho bạn nào muốn tìm hiểu thêm: Volume 2: Advanced reporting Introduction (The newsmanual).
[1] Thuê người đốt xe làm cha chết vì tài sản (PLTP).
baotiengdan.com/…/bao-gio-bao-chi-thoi-dong-vai-quan-toa