Tin Việt Nam – 20/10/2017
Phạt 5 triệu vì ‘bôi nhọ’ Bộ trưởng Kim Tiến
Một nguồn từ Bộ Y tế Việt Nam nói với báo Người Lao Động rằng Bộ này “không đề nghị” tỉnh Thừa Thiên – Huế xử phạt bác sĩ bị cho là “bôi nhọ” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên Facebook.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện vì bài đăng trên Facebook tối 14/7.
Trung tâm y tế huyện Phong Điền cũng kỷ luật bác sĩ Truyện với hình thức khiển trách.
Báo Tuổi Trẻ hôm 19/10 tường thuật, hồi tháng Bảy, trang cá nhân có nick Hoàng Công Truyện trên Facebook “đăng nội dung khuyên bà Nguyễn Thị Kim Tiến nên nghỉ việc do yếu kém về công tác tham mưu, vấn đề an ninh ở bệnh viện… Kèm với đó là ảnh chụp cận cảnh mặt bà Tiến.”
“Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế xác minh và xử lý chủ sở hữu trang Facebook nói trên. Bộ Y tế khẳng định nội dung trên Facebook này là bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y,” theo báo Tuổi Trẻ.
Tuy vậy, ngày 20/10, báo Người Lao Động trích lời một “đại diện” không nêu tên từ Bộ Y tế nói văn bản không đề nghị địa phương xử phạt bác sĩ này.
Nguồn này nói rằng công văn Bộ Y tế “đề nghị làm công tác giáo dục, đạo đức tư tưởng cán bộ y tế trong ngành; việc xác minh, làm rõ sự việc và xử lý theo quy định”.
Tin xử phạt đã gây tranh luận.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lên tiếng: “Theo tôi, người dân đóng góp ý kiến cho Bộ trưởng thì đây là chuyện hết sức bình thường. Sắp tới luật về khiếu nại sẽ đặt vấn đề khiếu nại trên mạng có được không chứ không chỉ nói đến việc phát biểu ý kiến của mình.”
Người dân đóng góp ý kiến cho Bộ trưởng thì đây là chuyện hết sức bình thườngDương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội
Em chồng Bộ trưởng Tiến có ghế ở VN Pharma
Vụ VN Pharma: Bộ Y tế nói ‘làm đúng quy trình’
Tài khoản Facebook liên quan được xác định là của bác sĩ Hoàng Công Truyện, phó khoa Hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền,Thừa Thiên – Huế.
Văn bản thi hành kỷ luật ông Truyện do Giám đốc Nguyễn Đức Lợi của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ghi: “Hình thức kỷ luật: Khiển trách. Lý do: “Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức.”
Báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Đức Lợi – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền cho biết sau khi “xin ý kiến của trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của UBND tỉnh”, Sở Y tế thống nhất là phải có hình thức gì đó xử phạt để bác sĩ Truyện rút kinh nghiệm.
Sau đó, Sở Y tế đưa về cho Trung tâm để tự chọn mức xử phạt bác sĩ Truyện.
“Khi Sở đưa về cho Trung tâm chọn mức xử phạt bác sĩ Truyện thì anh em ở đây đã họp và quyết định chọn mức xử nhẹ nhất. Nếu có hình thức xử phạt nào nhẹ hơn nữa thì anh em cũng xét mức nhẹ hơn vì bản thân bác sĩ Truyện có nhân thân tốt, chưa vi phạm lần nào,” ông Lợi cho hay.
Nói với Infonet, ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, cho biết việc xử phạt áp dụng Nghị định 174/2013 của Chính phủ.
Theo Nghị định này, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
‘Chưa thỏa đáng’
Hôm 20/10, trả lời BBC từ Hà Nội, Tiến sĩ Trần Đáng, cựu Cục Trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y Tế, nói: “Theo tôi, quyết định xử phạt như vậy là chưa thỏa đáng, vì đó là quyền tự do ngôn luận của mỗi người.”
“Muốn phạt thì phải xác định có hành vi vi phạm dân sự cụ thể.”
“Tôi thấy hành vi của ông Truyện chưa tới mức bị xử phạt, cùng lắm là bị nhắc nhở thôi.”
“Ông ấy có thể kiện lại quyết định xử phạt mình.”
Cùng ngày, BBC gọi cho ông Hoàng Công Truyện và ông Nguyễn Đức Lợi nhưng không nhận được phản hồi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41675869
Nhà hoạt động bị chất vấn về Hội Anh Em Dân Chủ
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn vào ngày 20 tháng 10 làm việc với Công an Thành phố Đà Nẵng, nơi anh này có đăng ký thường trú.Sau một ngày làm việc, nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn cho đài Á Châu Tự Do biết một số điều mà anh có thể chia sẻ:
“Cả một ngày làm việc họ hỏi facebook như thế nào, quan hệ các một số bài báo viết trên mạng và phỏng vấn đài RFA, trong cam kết họ nói em là không được tiết lộ những vấn đề liên quan đến an ninh vụ án đang điều tra, và em ngầm hiểu là của hội anh em dân chủ, liên quan đến vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài. Kết thúc buổi làm việc chiều, là giấy triệu tập thứ 5, họ hẹn em 8 giờ sáng mai tiếp tục. Tất nhiên những quá trình điều tra họ không cho phép tiết lộ bởi vì đây là bí mật cam kết với họ vì đây là vụ án rất quan trọng, liên quan đến bộ áp lực xuống, họ làm việc em thấy mấy người tham gia nói, và mình ở trong đó như cá nằm trên thớt vậy đó, mình bắt buộc phải trả lời thôi”
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn là một trong những người bị cơ quan chức năng Việt Nam mời đi làm việc trong những ngày qua liên quan đến ‘vụ án’ cựu tù chính trị Nguyễn Văn Đài như trường hợp cựu tù chính trị-nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào ngày 18 tháng 10 vừa qua.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đến ngày 30 tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết khởi tố vụ án đối với ông này và cáo buộc mới được nêu thêm là ‘hoạt động lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào ngày 30 tháng 7, bốn cựu tù chính trị gồm nhà hoạt động Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo tự do Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn bị bắt cũng với cáo buộc hoạt động lật đổ chính quyền
Một Việt Kiều Mỹ bị cấm nhập cảnh VN:
‘Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC’
Một người Mỹ gốc Việt bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam, do từng tham gia biểu tình ở phố Bolsa và đăng hình ảnh được cho là “nói xấu chế độ.”
Ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster bang California, hôm 18/10 đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, “mời làm việc” và sau đó thông báo miệng từ chối nhập cảnh.
Hôm 19/10, từ thành phố Westminster, ông Dominic cho VOA biết sự việc xảy ra tại phòng nhập cảnh sân bay Nội Bài:
“Lúc bước ra khỏi máy bay, tới nơi trình hộ chiếu để họ kiểm tra thì thấy có ba chú đang nói chuyện trên điện thoại, rồi họ bảo tôi vào trong phòng làm việc.
Họ chỉ nói tại vì tôi chống cộng.
Ông Dominic Phạm
nên họ không được hài lòng lắm. Họ nói nếu tôi không chống cộng nữa và sau khi tôi về Mỹ thì liên hệ với họ để họ cứu xét cho trở về thăm quê nhà.”
Ông Dominic có cung cấp cho VOA các thẻ lên máy bay (boarding pass) của ông cho thấy ông đáp chuyến bay Eva Air từ thành phố Las Vegas quá cảnh Đài Bắc, về đến Nội Bài trưa ngày 18/10 và cũng trưa cùng ngày ông bị buộc phải quay về Mỹ.
Ông Dominic Phạm nói công an cửa khẩu sân bay không cấp biên bản về việc từ chối nhập cảnh đối với ông:
“Không có bất cứ một văn bản nào. Tôi được chỉ vào trong phòng đó, họ hỏi qua hỏi lại, chờ cho đến giờ lên máy bay quay về Mỹ. Họ chờ cho đến khi hành khách lên máy bay xong cả thì họ dẫn mình ra trở lại máy bay.”
VOA chưa liên lạc được với Cục Xuất Nhập cảnh hay Cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh sân bay Quốc tế Nội bài để xác nhận sự việc.
Sau khi về lại Mỹ, ông Dominic viết lên Facebook rằng trong thời gian thẩm vấn, ông không được đụng đến điện thoại, và bị phía an ninh mặc thường phục yêu cầu cung cấp mật khẩu để “kiểm tra.”
“Tôi chỉ nói ngắn gọn: ‘tôi không biết các chú là ai, các chú mặc quần áo dân thường, không bảng tên, không phù hiệu, ăn nói như đầu đường xó chợ nên tôi không nhất thiết phải tuân phủ theo các mệnh lệnh của chú.”
Ông Dominic cho biết các câu hỏi thẩm vấn của một cán bộ xuất nhập cảnh như sau:”Về Việt Nam anh sẽ ở đâu? Thăm những ai? Tại sao anh lại chống cộng? Anh có biết Việt Tân không? Có biết Đào Minh Quân không? Anh có vào đảng phái nào không? Hầu như các cuộc xuống đường ở Bolsa đều thấy anh tham gia, Vali anh có tài tiệu gì không? Anh đã về Việt Nam biểu tình lần nào chưa?”
Ông Dominic nhận định lý do ông bị cấm nhập cảnh:
“Cũng có thể vì do đợt này Tổng thống Donald Trump về Đà Nẵng cho nên chế độ họ sợ tất cả những người chống Cộng mà về Việt Nam trong đợt này có thể gây rắc rối, lên tiếng này họ. Khoảng cả tháng nay, họ đã triệu tập, gửi giấy mời, bắt bớ những anh chị em đấu tranh trong nước, cũng có thể là vì lý do này.”
Blogger Phan Cẩm Hường tại Hà Nội viết trên Facebook về ông Dominic: “Anh là người Việt sống tại Mỹ, anh thường dành dụm những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt để giúp dân oan & những người dân yếu thế trong nước. Anh cũng thường lên tiếng phản đối những bất công sai trái của xã hội Việt Nam qua mạng.”
Blogger Trịnh Bá Phương ở Hà Nôi viết trên Facebook sau khi ông Dominic bị cấm nhập cảnh: “Chú Dominic Pham là người luôn quan tâm đến dân oan và hiện tình đất nước,” đăng kèm với một bức ảnh ông Dominic Pham lần trước về thăm Việt Nam và tặng quà cho dân nghèo Dương Nội.
Nhà tranh đấu cho dân oan Dương Nội nhận định: “Đây rõ là một thủ đoạn đê hèn mà Việt Nam đã đối xử với Việt kiều, trong khi họ vẫn ra rả kêu gọi hoà giải và gọi kiều bào bằng mỹ từ ‘Khúc ruột ngàn dặm.’
Việt Nam nhập khẩu than đá để chạy nhà máy nhiệt điện
Chỉ trong 9 tháng đầu năm Việt Nam đã chi ra đến 1 tỉ 30 ngàn đô la Mỹ để nhập khẩu than đá để dùng cho các nhà máy nhiệt điện.
Than nhập khẩu của Việt Nam đến từ Indonesia, Nga, và Australia.
Việt Nam có một khu vực mỏ than lớn ở vùng Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Than ở đây cũng được xuất khẩu nhưng ngày càng giảm, và theo các số liệu của Hải quan Việt Nam thì trong chín tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu than đá của Việt Nam chỉ có 207 triệu đô la Mỹ.
Hiện nay các khu vực có tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác phần lớn, các dự án điện hạt nhân lại bị hủy bỏ, nhà nước Việt Nam đang dự tính nguồn năng lượng tương lai bằng cách xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá. Chỉ riêng ở khu vực Đông bằng Sông Cửu Long đã có đến 14 dự án nhà máy điện chạy than. Một số nhà máy khi hoàn thành đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì gây ô nhiễm môi trường như ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/coal-plant-pollution-10202017095631.html
Đề nghị dìm bùn thải ở Vũng Tàu
Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam đang xem xét cấp giấy phép cho Cục hàng hải Việt Nam thực hiện việc nhận chìm 900 ngàn mét khối bùn thải trên vùng biển Vũng Tàu.
Báo chí Việt Nam loan tin này và nói rõ số bùn thải do nạo vét luồng lạch cho tàu biển di chuyển trên sông Thị Vải.
Tin cũng cho hay là từ trước tới nay bùn nạo vét như vậy đều được đổ ra biển. Sắp tới đây với việc tu sửa, nạo vét các luồng lạch cho tàu chạy vào các cảng khu vực Sài Gòn, sẽ có đến 6 triệu 830 ngàn mét khối bùn được dự kiến sẽ nhận chìm xuống biển.
Xin nhắc lại là cách đây vài tháng một kế hoạch dìm 1 triệu mét khối bùn nạo vét cảng Tuy Phong của các nhà máy nhiệt điện chạy than của tỉnh Bình Thuận, đã bị hủy bỏ vì bị dư luận và báo chí phản đối.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mud-dumping-vungtau-10202017094048.html
Nhà máy giấy Lee & Man chính thức hoạt động
Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang chính thức được Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam cho phép vận hành. Lý do được bộ này nêu ra là đáp ứng được những yêu cầu về môi trường của bộ này đề ra.
Trong khi đó giới chuyên môn và người dân địa phương vẫn tỏ rõ quan ngại về tác động môi trường do nhà máy giấy được nói là lớn nhất khu vực này sẽ gây nên.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nói rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý của nhà nước phải tăng cường giám sát không để xảy ra ô nhiễm rồi mới xử lý.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng trong báo cáo sau chuyến đi thị sát của Bộ Tài Nguyên & Môi Trường tại nhà máy này, ông không thấy nói rõ về việc xử lý chất thải rắn.
Ngoài ra còn một quan ngại nữa là nguồn nguyên liệu của nhà máy này là giấy phế thải nhập khẩu từ nước ngoài, cho nên phải được kiểm tra cẩn thận.
Nhà máy giấy Lee & Man do Trung Quốc đầu tư, đã bị dân chúng và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phản đối vào tháng Sáu năm ngoái khi bắt đầu tiến hành chạy thử, vì lo ngại gây ô nhiễm lớn cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong khi đó, tại một trại chăn nuôi heo tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bị dân chúng địa phương biểu tình đòi ngừng hoạt động vì gây hôi thối mà theo lời người dân địa phương là không thể nào chịu đụng nổi..
Vào ngày 20 tháng 10, người dân tiếp tục chặn xe tải chở thức ăn cho heo không cho vào trang trại.
Những người biểu tình nói rằng mùi hôi thối bốc ra từ trại này làm cho họ rất khó chịu.
Đại diện của chính quyền huyện Ninh Phước đã đến yêu cầu chủ trang trại, trong vòng một tuần, phải “di dời” đàn heo và thực hiện đầy đủ các các công trình xử lý nước thải.
Tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm khiến dân địa phương sống quanh nhà máy không chịu được phải tiến hành chặn không cho nhà máy tiếp tục hoạt động diễn ra tại nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian qua.
Một trường hợp gần nhất là ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; người dân lập lán chặn không cho nhà máy dệt Pacific Crystal tại khu công nghiệp Lai Vu tiếp tục sản xuất vì xả thải gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Thế nhưng lực lượng phối hợp đã đến giải tán và người dân nói họ bị đánh đập bởi cương quyết không để doanh nghiệp gây ô nhiễm hoạt động.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lee-man-running-pollution-10202017092803.html
Thu phí vào trung tâm Sài Gòn có hợp lý?
Tuần trước, ông Lâm Thiếu Quân, một quan chức, đồng thời là một trí thức của nhà nước, đang phục vụ cho hệ thống chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, trong một cuộc họp với Sở giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đã đề xuất dự án thu phí đầu vào trung tâm thành phố. Đề xuất này nhanh chóng gây dư chấn trong nhân dân. Bởi hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều vấn đề trục trặc, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến mật độ dân cư, an ninh trật tự, tình trạng ngập lụt và mất vệ sinh vào mùa mưa, tình trạng kẹt xe… Giờ lại thêm một đề xuất thu phí vào trung tâm thành phố, chắc chắn ý tưởng này sẽ có vấn đề để bàn.
Ngân sách thành phố có vấn đề?
Ông Luật, một cán bộ hưu trí ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Cái đó trái với lương tâm, trái với chính sách. Bởi vì từ thành phố qua thành phố mà phải đóng thuế, qua trạm thì quá bất cập. Đây không phải từ một nước này qua một nước khác mà phải đóng. Cái này thì nên xin dân người ta ủng hộ chứ không nên đặt trạm, qui định như vậy. Các trạm BOT đã bỏ rồi thì các ông lại quen thói, lại dựng nó lên để tiếp tục khai thác…”.
Câu hỏi mà ông Luật đặt ra xuyên suốt cuộc nói chuyện là lẽ nào ngân sách thành phố đã có vấn đề, bị thiếu hụt nên phải tìm cách thu chỗ này, buộc chỗ nọ để vá víu? Bởi theo chỗ quan sát suốt quá trình công tác của ông Luật thì hiếm có thành phố nào trên cả nước lại có ngân sách lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh. Bởi các nguồn thu từ thuế doanh nghiệp, Sài Gòn đứng đầu cả nước, các nguồn thu từ cho thuê đất công, nguồn thu từ viện trợ và rất nhiều nguồn thu chiết khấu từ VAT cũng như giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, khai thác tài nguyên… Nhìn chung là rất cao.
Thế nhưng hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh lại cần một khoản tiền mà theo ông Luật là bất hợp lý từ việc đánh phí vào những ai muốn đến trung tâm thành phố nghe ra có vẻ không ổn chút nào. Vì thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố công thương nghiệp lớn nhất trên cả nước, vấn đề di chuyển trong thành phố này càng thông thoáng, càng tự do bao nhiêu thì sức thương mại càng mạnh bấy nhiêu.
Và chặn đầu vào để đánh thuế thông qua tấm vé thu phí là một lựa chọn sai lầm nếu không muốn nói là hồ đồ. Bởi đề xuất này vô hình trung trở thành một trở ngại cho những ai muốn vào thành phố buôn bán, đầu tư. Nhất là lĩnh vực thương nghiệp, một lĩnh vực mà nhu cầu đi lại, giao thương mạnh hơn mọi lĩnh vực, đặc biệt trong phân khúc buôn bán nhỏ lẻ, người ta phải đi ra, đi vào thành phố thường xuyên, nếu như phải liên tục đóng phí mỗi khi ra vào thì người ta buộc phải suy nghĩ lại có nên tiếp tục buôn bán ở thành phố hay chọn một tỉnh khác để làm ăn.
Nhưng đây chỉ mới là một vấn đề nhỏ. Còn hàng loạt vấn đề về du lịch, người nghèo vào thành phố, người lao động thường xuyên vào ra thành phố… Tất cả sẽ gặp trở ngại khi nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu phí vào trung tâm thành phố. Và giả sử có thêm một trạm thu phí vào thành phố thì trạm này sẽ gọi là trạm gì? Gọi BOT cũng không đúng vì nó sẽ được xây dựng trên tiền thuế của dân, ngay cả thành phố hình thành, hiện hữu và phát triển cũng dựa trên tiền thuế của dân, bây giờ dân phải đóng thêm một lần thuế để đi vào lần thuế thứ nhất hay sao?!
Hãy nghĩ đến điều tử tế hơn!
Một cư dân thành phố Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Việc dựng trạm thu phí đi vào thành phố thì tôi thấy không hợp lý. Di chuyển là hành động tự nhiên của con người, vào Sài Gòn hay ra Hà Nội là một nhu cầu tự nhiên, không có lý do gì để áp đặt người ta phải đóng thuế. Điều này cho thấy người dân đã bị súc ruột trong lúc nhà cầm quyền đang bước chân vào một nửa của sự thất bại, sụp đổ trong kinh tế…”.
Theo vị này, thành phố Sài Gòn, mà bây giờ gọi là thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên xấu xí, xa lạ với cư dân Sài Gòn gốc bởi có qúa nhiều thứ xa lạ ghé đến. Nạn trộm cướp gia tăng đột biến ở thành phố này, nạn kẹt xe, nhà cửa trở nên lộn xộn, các con sông bị lấn chiếm, một số con kênh biến mất, rồi thêm chuyện một hệ thống qui định nghe có vẻ trái khoáy, không hợp lòng dân đã áp đặt lên thành phố này khiến cho nó càng trở nên xấu xí, xa lạ.
Vị này muốn nhấn mạnh đến vấn đề chính sách, một chính sách tử tế rất cần thiết cho thành phố Hồ Chí Minh, bởi chỉ có một chính sách tử tế mới có thể cứu nổi thành phố này thoát khỏi những cái tệ, cái xấu không đáng có. Giải thích về cái gọi là chính sách tử tế, vị này nói rất đơn giản, đó là một chính sách giáo dục tử tế, một chính sách y tế tử tế và một chính sách an sinh xã hội tử tế. Chỉ cần ba chính sách này tử tế sẽ kéo theo các chính sách khác tử tế.
Bởi thành phố này trở nhên chộn rộn và chụp giật là do thiếu chính sách giáo dục, chính sách y tế và chính sách an sinh xã hội tử tế. Người ta sẽ không còn bình tĩnh để suy nghĩ đến điều tử tế một khi sáng ra mở mắt, bước xuồng đường là có hàng trăm khoản phí đang réo gọi, từ tiền nộp học cho con cái đến tiền bảo hiểm y tế, tiền viện phí nếu bệnh tật, tiền điện, tiền nước, tiền gởi xe, tiền chợ búa… Mọi khoản phí quấn lấy con người và người ta loay hoay trong các khoản phí này.
Bên cạnh đó, các khoản phí mà dân sài Gòn vẫn gọi là phí trời đánh khi ra đường hay kinh doanh, ví dụ như ra đường thì gặp công an giao thông xin bánh mì đểu, mở khách sạn, nhà hàng thì bị công an khu vực thăm đểu để nhận phong bì. Mà một khi văn hóa phong bì thấm nhuần trên thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chắn một điều là người ta chạy đua để có cái mà phong bì và để lấy lại cái đã mất bởi phong bì. Giờ lại thêm một khoản phí vào trung tâm thành phố nữa thì nghe ra có vẻ quá mệt mỏi, nặng nề khi làm cư dân thành phố Hồ Chí Minh.
Vị này chia sẻ thêm: “Và những người làm những cái hành động dựng trạm thu phí này không vì cái chung. Còn rất nhiều cái khác để thay đổi cơ sở hạ tầng, thay đổi, ổn định giao thông một cách hiệu quả mà không phải tốn kém nhiều như họ đã nói. Trong lúc nền kinh tế đang lụn bại, lẽ ra phải tạo cơ hội cho người dân làm ăn, sinh sống thì họ lại bắt chẹt thêm nhân dân, làm cho nhân dân thêm gánh nặng… Điều này cho thấy thời đại hiện tại còn kinh khủng hơn của Tắt Đèn của Ngô Tất Tố nữa!”.
Vị này tha thiết kêu gọi các trí thức nhà nước hãy nên nghĩ tới những điều tử tế, hãy nghĩ đến quyền lợi và nỗi khổ của người dân nhiều hơn là nghĩ đến cơ hội thăng tiến hoặc cơ hội được lòng cấp trên. Bởi hơn bao giờ hết, nhân dân đã quá khổ và cần một chính sách tử tế thực sự của nhà nước!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Anh Quốc : Các tổ chức từ thiện
muốn chặn đứng nạn buôn người ngay từ Việt Nam
Các tổ chức từ thiện chống nạn bóc lột nô lệ ở Anh, hôm qua 20/10/2017, cho rằng, công tác đẩy mạnh việc gây quỹ nhằm ngăn chặn nạn buôn người từ Việt Nam sang Anh làm nô lệ trong các nhà thổ, tiệm sửa móng và các trại trồng cần sa, cần phải ưu tiên những người dễ bị rơi vào tay những kẻ buôn người nhất.
Bà Mimi Vu, giám đốc khối vận động chính sách của Quỹ Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links Foundation) tại Việt Nam, khẳng định rằng, « ngăn chặn thực sự là cách duy nhất để tạo nên điều khác biệt ». Theo bà, nhiều nạn nhân bị vướng vào các mạng lưới buôn người bởi họ mơ ước được ra nước ngoài làm việc và mang theo niềm hy vọng của gia đình.
Chính phủ Anh tuần này đã thông qua một khoản tiền trị giá 3 triệu bảng để truy bắt những kẻ buôn người, giúp đỡ các nạn nhân, cũng như giúp những người khác tránh được những cạm bẫy của những mạng lưới buôn người. Đây là một phần trong chiến dịch chống tội phạm của chính phủ Anh đối với những quốc gia thường xuyên có nạn nhân bị đưa sang Anh làm nô lệ, từ Nepal đến Nigeria.
Theo ông Justine Curell, giám đốc điều hành của tổ chức chống nạn bóc lột nô lệ Unseen, chính phủ Anh cần có cách tiếp cận dài hạn đối với những sáng kiến này, và làm việc chặt chẽ với chính quyền và các nhà hoạt động ở các nước sở tại.
Khoản tài trợ này góp phần hiện thực hóa cam kết hồi tháng trước của London về việc tăng khoản tiền hỗ trợ cho các dự án chống nạn bóc lột nô lệ lên 150 triệu bảng, với 33,5 triệu sẽ được dành cho các nước « có nguy cơ cao », trong đó có Việt Nam. Theo ước lượng của chính phủ Anh, có khoảng 13 000 người bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục và lao động như nô lệ tại hộ gia đình. Tuy nhiên, cảnh sát Anh cho rằng, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Thành viên Ủy ban độc lập chống nạn nô lệ, ông Kevin Hyland, tháng trước đã hối thúc chính phủ Anh phát triển chương trình chống nạn buôn người ở Việt Nam, đồng thời thắt chặt việc kiểm soát các tiệm làm móng, vốn nổi tiếng là bóc lột các nạn nhân chủ yếu đến từ Việt Nam.
Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có số lượng nhiều nhất các nạn nhân của nạn bóc lột nô lệ thời hiện đại ở Anh. Phần lớn các nạn nhân trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Cách đây không lâu, hơn 150 thiếu niên người Việt, từng được giải cứu khỏi tay những kẻ buôn người, đã mất tích hẳn khỏi các nơi tạm trú. Rất nhiều em có thể đã bị bắt trở lại làm nô lệ.
Đại sứ Mỹ gặp Giám mục Nguyễn Thái Hợp
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vừa có cuộc gặp với Giám mục Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh.
Hôm 19/10 đại sứ Mỹ thông báo trên Facebook: “Thật là tuyệt vời được tiếp đón Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp từ giáo phận Vinh.”
Nhà ngoại giao Mỹ không tiết lộ chi tiết nội dung trao đổi với giám mục, nhưng không loại trừ khả năng hai bên nói về vụ giáo dân khiếu kiện nhà máy Formosa Hà Tĩnh vì gây ô nhiễm môi trường và vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Năm năm trước đây, Đại sứ Hoa Kỳ tiền nhiệm, David Shear, khi họp với cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, Nam California nói rằng vào tháng 9 năm 2012 ông có vào Nghệ An để thăm đức giám mục Hợp nhưng khi đến nơi, ông được chính quyền thông báo là “cuộc gặp sẽ không diễn ra được.”
Trước đây, giám mục Hợp đã công du châu Âu và Đài Loan, vận động quốc tế, đồng hành cùng các ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó có giáo dân ở giáo phận Vinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vụ ô nhiễm môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.
Giám mục Nguyễn Thái Hơp vào tháng 8 năm nay, viết thư cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đại diện cho gần 600,000 giáo dân trong Giáo Phận Vinh, bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, nói: “Chúng tôi là nạn nhân trực tiếp của thảm trạng gây ô nhiễm của công ty Formosa Hà Tĩnh vào ngày 6/4/2016.”
Sau biến cố ô nhiễm khủng khiếp này, Giáo phận đã thành lập Ban Hỗ Trợ Nạn nhân Ô nhiễm Môi trường Biển với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân Formosa Hà Tĩnh đòi lại công bằng, công lý.
Trong thư, người đứng đầu giáo phận Vinh yêu cầu chính phủ Đài Loan xem xét sự nghiêm trọng của vấn đề này nhằm đảm bảo các quyền con người và tránh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trả lời phỏng vấn VOA vào tháng 5, giám mục Nguyễn Thái Hợp nói những câu hỏi rất căn bản của người dân như nguyên nhân của thảm họa, tác hại của nó thế nào, kéo dài bao lâu, khi nào biển miền Trung được khôi phục trở lại… vẫn chưa được chính quyền trả lời thỏa đáng.
“Cho tới hôm nay, tôi thấy rằng chúng tôi chỉ gặp được những câu trả lời một cách rất mị dân và vô trách nhiệm. Có những người trả lời một cách vô trách nhiệm rằng biển miền Trung cũng như dân tộc Việt Nam oai hùng nên nó tự có thể tẩy xóa được thảm họa, những chất độc trở lại tình trạng ban đầu.”
https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-my-gap-giam-muc-nguyen-thai-hop/4079269.html