Tin khắp nơi – 20/10/2017
Triều Tiên:
Mỹ phải ‘chấp nhận’ Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói hôm 20/10 tại Moscow rằng Bình Nhưỡng không có kế hoạch thảo luận về chương trình hạt nhân với Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington sẽ “phải chấp nhận” thực tế là nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Đây là vấn đề sinh tử đối với chúng tôi”, ông Choe Son-hui, một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói tại một hội nghị về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Choe khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là cần thiết để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào.
Triều Tiên đã nhiều lần nói rằng chương trình vũ khí hạt nhân của họ không phải là đối tượng để đàm phán, và đã bác bỏ những lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc phi hạt nhân hoá.
Triều Tiên dường như chỉ mất vài tháng nữa là đạt được khả năng tấn công Hoa Kỳ bằng tên lửa hạt nhân, theo hai quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ.
Giám đốc CIA, Mike Pompeo, nói ông “rất lo lắng” về mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên và khả năng nước này có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trên khắp khu vực Đông Á.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Tướng H.R. McMaster sau đó nói rằng Washington đang chạy đua để giải quyết tình hình, chỉ còn thiếu nước sử dụng biện pháp quân sự.
Triều Tiên ‘mời’ Úc thôi liên minh với Mỹ
Úc khẳng định họ là một trong những nước nhận thư của Triều Tiên “mời” Úc từ bỏ liên minh với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop cho hay thư đã được đại sứ quán Triều Tiên ở Jakarta, Indonesia gửi tới đại sứ quán Australia ở nước này.
Theo bà Bishop, thông điệp đó cho thấy chương trình gây áp lực ngoại giao và trừng phạt của cộng đồng quốc tế đang có hiệu quả, và rốt cuộc sẽ đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Nhưng Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull không lạc quan giống bà. Phát biểu với đài phát thanh 3AW hôm 20/10, ông Turnbull cho hay bức thư “thực sự không nói gì nhiều về Australia, mà về cơ bản là những lời cằn nhằn rằng ông Donald Trump xấu xa ra sao”.
Triều Tiên đã gửi nhiều lá thư ngỏ đến các quốc hội và chính đảng nước ngoài hồi tháng 9, một vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa “tiêu diệt hoàn toàn” Bình Nhưỡng trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Nếu ông Trump nghĩ rằng ông ta sẽ buộc CHDCND Triều Tiên, một cường quốc hạt nhân, phải quỳ gối bằng lời đe dọa chiến tranh hạt nhân, đó sẽ là một tính toán sai lầm lớn cũng như thể hiện sự ngu dốt”, bức thư viết.
Đối với thủ tướng Úc, thông điệp này chỉ là một cách diễn đạt khác những lời đao to búa lớn hùng hổ của Triều Tiên. “Nó nhất quán với những lời càu nhàu và kêu ca của họ về ông Donald Trump. Nhưng thực tế là Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, ông nói.
“Chính Triều Tiên đang đe dọa bắn tên lửa hạt nhân vào Nhật, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Chính Triều Tiên đang đe dọa sự ổn định của thế giới, và chính đất nước đó, chế độ đó phải tỉnh táo lại và chấm dứt cách hành xử bất cần đời đó”, ông nói thêm.
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương, Thủ tướng Úc Turnbull là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên cam kết ủng hộ ông Trump nếu Triều Tiên thực hiện lời đe dọa là tấn công lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ hoặc các mục tiêu khác trên đất liền của Mỹ. “Chúng ta thân thiết như thể anh em”, ông nói về mối quan hệ đồng minh của nước ông với Hoa Kỳ.
(theo Newsweek, CNN)
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-moi-uc-thoi-lien-minh-voi-my/4079109.html
Tây Ban Nha sắp ngưng quy chế tự trị của Catalonia
Tin cho hay Tây Ban Nha sắp đình chỉ quy chế tự trị của Catalonia vào ngày thứ Bảy, sau khi lãnh đạo vùng này đe dọa tuyên bố độc lập.
Văn phòng chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nói họ sẽ kích hoạt điều 155 vào ngày thứ Bảy này để áp dụng trực trị, xóa bỏ chính quyền địa phương Catalonia.
Điều 155 của Hiến pháp năm 1978 chưa từng được sử dụng trong bốn thập niên, kể từ khi Tây Ban Nha có nền dân chủ sau khi chế độ phát xít của Tướng Francisco Franco chấm dứt.
Nhà lãnh đạo Catalan, Carles Puigdemont, nói trước đó, Quốc hội vùng sẽ bỏ phiếu độc lập nếu Tây Ban Nha “tiếp tục đàn áp”.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tiếp tục các thủ tục được nêu trong Điều 155 của Hiến pháp để phục hồi tính hợp pháp trong tự trị của CataloniaThủ tướng Mariano Rajoy
Một số người lo sợ những động thái này có thể gây ra bất ổn.
“Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tiếp tục các thủ tục được nêu trong Điều 155 của Hiến pháp để phục hồi tính hợp pháp trong tự trị của Catalonia,” tuyên bố của Thủ tướng Mariano Rajoy nói.
Điều 155 của Hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha cho phép Madrid áp đặt nguyên tắc trực tiếp trong một cuộc khủng hoảng nhưng nó chưa bao giờ được kích hoạt.
Các nhà lãnh đạo chính trị ở Madrid và Barcelona đang ở trong một tình huống đối đầu căng thẳng kể từ cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trước đó, hôm 11/10, người đứng đầu vùng Catalonia, Carles Puigdemont và các lãnh đạo cấp vùng khác đã ký tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi kêu gọi mọi nhà nước và tổ chức quốc tế công nhận cộng hòa Catalonia là nhà nuớc độc lập có chủ quyền.”
Nhưng họ nói sẽ chưa tiến hành trên thực tế trong vài tuần tới để diễn ra đàm phán với chính phủ ở Madrid.
Ông Puigdemont nhấn mạnh với nghị viện rằng “ý chí của nhân dân” là tách khỏi Madrid nhưng ông muốn “giảm” căng thẳng.
Ông nói nghị viện hãy tạm thời chưa chính thức tuyên bố độc lập để có đối thoại.
Trưng cầu dân ý hôm 1/10 tại tỉnh đông bắc này với kết quả ủng hộ độc lập đã bị Tòa hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố không hợp lệ.
Lãnh đạo Catalonia chịu áp lực trước khi tuyên bố ly khai
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Trong hôm thứ Ba, ông Puigdemont nói với nghị viện Catalonia ở Barcelona rằng vùng này đã giành được quyền độc lập nhờ cuộc bỏ phiếu.
Không rõ triển vọng đối thoại chính trị với Madrid sẽ là thế nào, vì chính phủ ở Madrid đã tuyên bố không chấp nhận cuộc bỏ phiếu.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ họp ngày thứ Tư để ra phản ứng trước tuyên bố của ông Puigdemont.
Ada Colau, thị trưởng Barcelona là người chỉ trích cả hai phe, đã kêu gọi giảm căng thẳng.
Bà thị trưởng cảm ơn ông Puigdemont trên Twitter vì lựa chọn “đối thoại”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối lời kêu gọi của ông Puigdemont muốn EU làm trung gian, nói rằng Madrid có thể giải quyết vấn đề.
Chính quyền Catalonia nói 90% người bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập, nhưng tỉ lệ đi bầu chỉ là 43%.
Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha, chiếm 1/4 sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Catalonia, một vùng khá giả với dân số 7,5 triệu người tại đông bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Là khu vực có quyền tự trị cao, nhưng Catalonia không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp Tây Ban Nha.
Hiện Catalonia đã có lực lượng cảnh sát riêng, ‘Mossos d’Esquadra’, có quy chế truyền thanh truyền hình riêng và một số sứ bộ ngoại giao như là ‘sứ quán mini’ ở nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Nhưng hiện nay công tác kiểm soát biên giới, hải quan, quan hệ quốc tế, quốc phòng và ngân hàng trung ương là do chính quyền Tây Ban Nha kiểm soát.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41678790
Catalonia thề đẩy nhanh tiến trình độc lập
nếu bị tước quyền tự trị
Lãnh đạo Catalonia, Carles Puidgemont, hôm 19/10 tuyên bố nghị viện Catalonia sẽ tiến hành bỏ phiếu độc lập nếu chính phủ Tây Ban Nha không tham gia đối thoại và thực hiện lời đe dọa sẽ tước quyền tự trị của vùng này.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ra thời hạn chót là sáng thứ Năm 19/10 để ông Puidgemont xác minh rõ liệu ông có thực sự tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu hồi đầu tháng này hay không.
Ông Puidgemont đã đưa ra một tuyên bố độc lập có tính biểu tượng trong một bài phát biểu hồi tuần trước, nhưng nói rằng tại thời điểm này, ông đang đình chỉ bất kỳ bước đi chính thức nào trong cuộc đàm phán với chính phủ ở Madrid. Ông cũng bày tỏ quan điểm mới nhất trong một bức thư hôm thứ Năm, ngay trước hạn chót được loan báo.
Văn phòng Thủ tướng Rajoy đã thức thì hồi đáp, nói rằng họ đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày thứ Bảy để kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, cho phép chính phủ có quyền tước đi một phần hay toàn bộ quyền tự trị của Catalonia.
Cử tri tại Catalonia đã biểu quyết chọn giải pháp độc lập trong cuộc trưng cầu ngày 1/10, tuy nhiên chưa tới phân nửa số người đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, trong khi phe chống đối tẩy chay tiến trình này. Chính quyền ông Rajoy đã bác bỏ cuộc trưng cầu với lý do đây là một cuộc biểu quyết bất hợp pháp.
Catalunya : Madrid và Barcelona đối đầu trực diện,
EU từ chối can thiệp
Hôm nay 20/10/2017, một ngày trước khi chính phủ Tây Ban Nha họp khẩn để quyết định về việc rút lại quyền tự trị của Catalunya, cả Madrid và Barcelona đều tỏ ra không khoan nhượng, trong khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói rõ là không muốn đóng vai trò trọng tài.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp thượng đỉnh EU hôm qua tại Bruxelles nhìn nhận là tình hình đáng lo ngại, nhưng tỏ rõ sự ủng hộ Madrid. Ông tuyên bố : « Không có chỗ cho việc hòa giải, một sáng kiến nào đó hoặc một sự can thiệp quốc tế. Mỗi chúng ta đều có nỗi xúc động và sự đánh giá riêng, nhưng quan điểm chính thức là EU không can thiệp vào ».
Trước đó thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ chủ trương của chính phủ Tây Ban Nha, và hy vọng sẽ tìm được giải pháp trên cơ sở Hiến pháp ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, các lãnh đạo châu Âu sẽ gởi đi thông điệp đoàn kết xung quanh Tây Ban Nha. Ngay cả thủ tướng Bỉ Charles Michel vốn đã từng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Madrid, cũng thanh minh là không hề có « sự cố ngoại giao » với Tây Ban Nha.
Trong khi đó chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont vẫn chưa trả lời tối hậu thư của chính quyền Tây Ban Nha, hạn định đến hôm qua phải làm rõ có tuyên bố độc lập hay không. Ông
Puigdemont cũng không hề làm theo yêu cầu của Madrid là phải « tái lập trật tự hợp hiến ». Trong lá thư gởi cho thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông chỉ viết : « Nếu chính quyền nhất định ngăn trở đối thoại và tiếp tục đàn áp, Nghị viện Catalunya có thể bỏ phiếu về việc chính thức tuyên bố độc lập ».
Madrid coi lá thư này là một sự đe dọa, cho biết sẽ kích hoạt điều 155 Hiến pháp để ngưng toàn bộ hay một phần quyền tự trị của Catalunya. Ngày mai nội các sẽ họp khẩn để quyết định, sau đó chuyển sang Thượng Viện để được thông qua vào cuối tháng 10.
Theo các nhà quan sát, thủ tục mất nhiều thời gian này sẽ giúp các bên có thể tiến tới thương lượng. Đây cũng là phép thử của chính quyền Madrid, với hy vọng phe ly khai sẽ bị chia rẽ. CUP, liên minh cực tả của ông Puigdemont kêu gọi xuống đường đòi độc lập, còn giới kinh doanh muốn nhượng bộ : trên 900 công ty đã dời trụ sở chính ra khỏi Catalunya, và số lượng du khách sụt giảm.
Catalunya: Tổng thống Nga chỉ trích thái độ
« lá mặt lá trái » của châu Âu
Cuộc khủng hoảng Catalunya tiếp tục là vấn đề thời sự hàng đầu được thảo luận tại các hội nghị quốc tế. Hôm qua 19/10/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng coi đây là « công việc nội bộ » của Tây Ban Nha, đồng thời, ông cũng chỉ trích chính sách « lá mặt lá trái » của Liên Hiệp Châu Âu trước những ý định giành độc lập của các dân tộc.
Phát biểu này của người đứng đầu điện Kremlin được đưa ra bên lề một hội nghị được tổ chức tại Sotchi, trong khuôn khổ diễn đàn thường niên của Câu lạc bộ Valdai, nơi quy tụ các học giả Nga và quốc tế nhằm mục đích thảo luận về sự phát triển, cũng như tiếng nói và tầm ảnh hưởng chính trị của siêu cường này trong một thế giới đa cực.
Tổng thống Putin đã nhắc lại thái độ trung lập của chính quyền Matxcova đối với vấn đề đòi độc lập của vùng Catalunya. Song, ông chỉ trích mạnh mẽ cách ứng xử thiếu công bằng – « nhất bên trọng nhất bên khinh » – của các nước châu Âu trước các cuộc đấu tranh đòi độc lập cho các vùng tự trị.
Nguyên thủ Nga nói:
« Trong trường hợp Catalunya, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án không khoan nhượng những người ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, với trường hợp Kosovo, những quốc gia này lại quyết định ủng hộ vô điều kiện cho vùng này được độc lập, nhằm làm vừa lòng người anh cả Hoa Kỳ của họ – và quyết định này đã tạo ra một tiền lệ tại những vùng đất khác ở châu Âu cũng như trên thế giới.
Ngược lại, khi bán đảo Crimée chọn lựa nền độc lập thông qua trưng cầu dân ý, sau đó là xin sát nhập vào Nga, điều này không làm họ hài lòng … Có lẽ trong mắt của một số đối tác của chúng ta, có những người ủng hộ độc lập và tự do « chính đáng », và có những « kẻ đòi ly khai » không được phép tự vệ, thậm chí là thông qua các cơ chế dân chủ. Chính sách « nhất bên trọng nhất bên khinh » này rất nguy hiểm cho sự phát triển và ổn định của châu Âu cũng như của các châu lục khác. »
Vì sao ít đảng viên nữ tại Trung Quốc?
2.280 đại biểu đang tham dự Đại hội Đảng 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Nhưng chỉ một phần tư số này là phụ nữ.
Có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có “vấn đề phụ nữ”?
Đảng Cộng sản Trung Quốc có 89.4 đảng viên.
Nhưng chưa đầy 23 triệu đảng viên là phụ nữ – chiếm 26%.
Phụ nữ chiếm 24% thành viên Quốc hội Trung Quốc. Không nhất thiết là đảng viên mới được bầu vào cơ quan lập pháp này.
Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?
Càng lên cao trong chính trường, càng ít phụ nữ.
Sau Đại hội Đảng năm 2012, chỉ có 33 phụ nữ ngồi trong Ban Chấp hành Trung ương – chiếm 9%.
Trong Bộ Chính trị 25 thành viên, có 2 phụ nữ – tức là 8%.
Vì sao tại Trung Quốc, phụ nữ thường khó lên cao trong chính trị, mặc dù Đảng cam kết bình đẳng giới, và số phụ nữ học đại học thực ra còn nhiều hơn đàn ông?
Phái nữ thường vào Đảng khi còn ở đại học, hoặc khi đi làm.
Nhưng cơ hội thăng tiến ở trên cấp huyện xã thì rất khó.
Giáo sư Lynette H. Ong, Đại học Toronto, giải thích: “Quan điểm lâu đời rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà, trong bếp khiến họ không được khuyến khích có tham vọng.”
Cấp cao
Phụ nữ cũng bị cản trở vì họ cần lãnh đạo đảng hay chính phủ ở cấp tỉnh trước khi lên được trung ương.
Nhiều phụ nữ làm các vị trí lãnh đạo cấp trung nhưng ít người lên được vị trí lãnh đạo cao nhất.
Tuổi về hưu sớm hơn cho phụ nữ cũng cản trở cơ hội của họ. Ở Trung Quốc, đàn ông nghỉ hưu lúc 60, phụ nữ làm công chức và doanh nghiệp nhà nước 55, và phụ nữ các lĩnh vực khác 50.
Nhưng thực tế ở Trung Quốc có bất thường không nếu so với các nước?
Dĩ nhiên không thể hoàn toàn so sánh số đại biểu Quốc hội Trung Quốc với Mỹ hay Anh.
Nhưng có một điểm rõ ràng: trên thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, phụ nữ thường chỉ chiếm số ít trong các cơ quan chính trị.
Tại Hạ viện Anh, phụ nữ chiếm 32% số dân biểu – mà đây đã là con số cao kỷ lục.
Tại Nhật, số dân biểu nữ chỉ là 9%.
Cuba có tỉ lệ rất cao: phụ nữ chiếm 49% trong quốc hội.
Ở cấp thấp hơn thì thế nào?
Việt Nam và Cuba đều là các nước độc đảng. Theo thống kê gần nhất, khoảng 33% số đảng viên hai nước này là phụ nữ.
26% thành viên đảng CDU của bà Angela Merkel là phụ nữ, và đảng Bảo thủ của bà Theresa May ở Anh có khoảng 30%.
Vậy là “vấn đề phụ nữ” không chỉ tồn tại ở riêng Trung Quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41681535
Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?
Trong ngày khai mạc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ngáp và xem đồng hồ nhiều lần liên tục rồi thiu thiu ngủ khi người đương nhiệm Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 giờ rưỡi hôm khai mạc.
Năm nay đã 91 tuổi, ông Giang Trạch Dân được mời đến dự lễ khai mạc và ngồi cạnh ông Tập Cận Bình và cùng bàn một cựu Tổng bí thư, Hồ Cẩm Đào.
Một nhà báo nước ngoài, Neil Connor, nhắn trên mạng xã hội rằng khi vào đưa tin Đại hội 19 của ĐCSTQ, anh đã dùng ống nhòm xem và đếm thấy ông Giang Trạch Dân nhìn đồng hồ 10 lần khi ông Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 tiếng rưỡi.
Hiện không rõ cái ngáp và chuyện xem đồng hồ của ông Giang Trạch Dân là sự vô ý vì tuổi cao, ngồi lâu thấy mệt, hay là cách ông gửi ra tín hiệu gì khác.
Quyền lực ngày càng tăng của Tập Cận Bình
Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’
Sau khi ông Tập Cận Bình về ghế, một người tiền nhiệm khác, ông Hồ Cầm Đào đã quay sang nói gì với ông Tập và chỉ tay vào đồng hồ.
Không rõ ông Hồ khen ông Tập “nói khoẻ” hay cho thấy là bài phát biểu đã quá dài.
‘Trung Quốc Mộng’
Cũng có hình ông Giang Trạch Dân ngáp và gãi đầu khi nghe bài diễn văn về Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình.
Hiện hơn 2200 đại biểu dự Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thảo luận về những nghị trình có thể đưa bổ sung vào Điều lệ.
Một số báo chí chính thống Trung Quốc nêu rằng tư tưởng Tập Cận Bình có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Diễn văn của ông Tập Cận Bình nói nhiều về tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa.
Theo đó, đây là thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.
Không xa rời nền tảng Marx-Lenin, tư tưởng này đặt ông Tập Cận Bình vào vị trí ‘hạt nhân’ của Đảng Cộng sản, và Đảng này sẽ đóng vai trò phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.
Về nội bộ, ông Tập Cận Bình “dùng Đảng trị quốc”, và sẽ mở rộng vai trò cho các cơ quan của Đảng Cộng sản.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41681298
EU-Anh ‘dọn đường đàm phán thương mại’
Lãnh đạo 27 nước EU đồng ý mở đường để bắt đầu đàm phán thương mại với Anh Quốc trong tiến trình Brexit.
Tuy không phải là bước đột phá, vì hai bên vẫn còn nhiều vấn đề cần đồng ý nhưng tuyên bố của EU trong cuộc họp với Thủ tướng Anh, bà Theresa May tại Brussels hôm 20/10 cũng là bước tiến triển quan trọng.
EU nói việc đàm phán có thể bắt đầu ngay từ tháng 12 năm nay.
Trước đó, EU đưa ra một loạt điều kiện và cho rằng hai bên phải đồng ý được với nhau thì Anh Quốc mới có thể bước vào đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Frankfurt lên ngôi sau Brexit?
EU không bị nguy cơ sau Brexit
Lãnh đạo EU phản ứng về Brexit
Bản thân bà May thừa nhận “vẫn còn đoạn đường khá dài” trong đàm phán và EU cũng mới dừng lại ở lời tuyên bố là “đàm phán chính thức chưa bắt đầu”.
Hiện hai bên đồng ý được rằng “thảo luận nội bộ” có thể bắt đầu để “dọn đường” cho quá trình chính thức.
Có thỏa thuận hay không?
Chính thức mà nói, tháng 3/2019 là hạn chót để Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu.
Nhưng chính phủ ở London đã đề nghị có thêm ít nhất là hai năm quá độ, trong thời gian đó, Anh không còn là nước thành viên nhưng các cam kết tài chính và những quy định pháp lý như thành viên vẫn tạm giữ nguyên.
Lo ngại tại Anh là cho dù có hai năm quá độ, Anh và EU không có đủ thời gian để hoàn tất đàm phán thương mại nhằm duy trì giao thương hàng hóa, dịch vụ sau Brexit.
Khả năng ‘không đạt thỏa thuận nào’ (No Deal) trở thành vấn đề lớn cho chính trị Anh.
Các doanh nghiệp lớn nhất của Anh đã cảnh báo ‘Không Thỏa thuận’ có nghĩa là họ phải chịu các khoản thuế xuất rất cao khi bán hàng vào EU, từ vị thế không phải đóng thuế nhập vào thời điểm này, khi Anh nằm trong thị trường chung châu Âu.
Nay ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy hội châu Âu nói ông “căm ghét phương án không thỏa thuận” mà muốn Anh Quốc có được một “thỏa thuận công bằng” (fair deal).
Tại cuộc họp hai ngày 19 và 20/10 tại Brussels, ngoài vấn đề Brexit, quan chức EU còn bàn về Bắc Hàn, và thỏa thuận nguyên tử với Iran bị Hoa Kỳ phê phán.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41694307
TQ: ‘Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt’
Quan chức cao cấp dự Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 đã gây chú ý của dư luận khi ca ngợi lãnh tụ Tập Cận Bình “phá tan một âm mưu đoạt quyền”.
Ông Lưu Sĩ Dư, quan chức phụ trách chứng khoán, được trích lời trên báo Trung Quốc hôm 19/10/2017 cho rằng đã có một “âm mưu soán Đảng đoạt quyền” bị phá vỡ.
Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?
‘Dân chủ Trung Quốc làm lu mờ Phương Tây’
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Không chỉ tham nhũng mà còn ‘tạo phản’?
Theo các báo nước ngoài, những người bị nêu tên đã tham gia “âm mưu” này gồm có Tôn Chính Tài, nguyên Bí thư Trùng Khánh, và cả người tiền nhiệm của ông ta, Bí thư Bạc Hy Lai.
Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nêu ra các vụ việc của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài, trong phần phát biểu “chống tham nhũng”, theo trang tiếng Trung của đài Đức, Deutsche Welle.
Nhưng sau đó, ông Lưu Sĩ Dư đã có phát biểu trong một diễn đàn bên lề Đại hội Đảng ở Bắc Kinh hôm 19/10, cáo buộc các quan chức trên là “âm mưu cướp quyền”.
Ngay sau đó, một “ngôi sao đang lên” của chính trị Trung Quốc, ông Trương Khánh Vệ, Bí thư Hắc Long Giang lại lên tiếng “ca ngợi” nỗ lực cứu Đảng.
Ông Trương nêu hẳn tên của ông Tôn Chính Tài là “kẻ lập mưu đoạt quyền của Đảng”.
Ngay trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài (sinh năm 1963) đột nhiên bị điều tra ‘tham nhũng, lạm quyền’ và tước hết mọi chức vụ.
Nay ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Quốc gia lên án “những kẻ quyền cao chức trọng nhưng rất hủ bại, và đã lập mưu để soán đoạt quyền của Đảng và Nhà nước”.
Những kẻ quyền cao chức trọng nhưng rất hủ bại, và đã lập mưu để soán đoạt quyền của Đảng và Nhà nướcLưu Sĩ Dư
Kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng phụ trách an ninh bị hạ bệ, giới quan sát Trung Quốc cho biết đã có những lời đồn đoán về “âm mưu thoán đoạt”.
Cuối năm 2016, ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập trong công cuộc chống tham nhũng, được Nhân dân Nhật báo trích lời nói:
“Có những kẻ thậm chí còn tìm cách đoạt quyền, chia rẽ Đảng và đe dọa nghiêm trọng ổn định chính trị của quốc gia.”
Nhưng đây là lần đầu tiên có hai quan chức cao cấp nói công khai về “âm mưu lật đổ” tuy thật khó biết về độ khả tín của các cáo buộc này.
Theo trang South China Morning Post ở Hong Kong hôm 20/10, ông Lưu Sĩ Dư còn cho rằng qua việc phá vỡ âm mưu đó, ông Tập Cận Bình không chỉ “cứu Đảng, Nhà nước Trung Quốc” mà còn “cứu cả chủ nghĩa xã hội”.
Đua nhau ca ngợi
Trong bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, có sáu người đã lên tiếng công khai ca ngợi “Tư tưởng Tập Cận Bình” tại Đại hội 19.
Họ đã nói nhiều lần về tư tưởng này, coi đó là nền tảng cho một ý thức hệ mới.
Tuy thế, các nhà quan sát quốc tế vẫn đang cố gắng giải mã tư tưởng Tập Cận Bình là gì.
Cho tới nay, theo những gì báo chí Trung Quốc công bố, tư tưởng này chỉ nêu rằng ông Tập Cận Bình “đưa Trung Quốc vào một thời đại mới là chủ nghĩa xã hội với tính đặc sắc Trung Hoa”.
Tân Hoa Xã trước Đại hội 19 đăng bài ca ngợi mô hình Trung Quốc đang làm “lu mờ” chế độ đại nghị kiểu Phương Tây, đang “chìm đắm trong hỗn loạn, chia rẽ”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41694306
Giám đốc CIA: Bắc Hàn ‘ở ngưỡng’ năng lực hạt nhân
Giám đốc CIA Mike Pompeo cảnh báo rằng Bắc Hàn đang ở ngưỡng có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.
Ông nhấn mạnh rằng Washington vẫn muốn chọn giải pháp ngoại giao và trừng phạt nhưng cho biết giải pháp quân sự vẫn được tính đến.
Bình Nhưỡng tuyên bố họ có khả năng tấn công Hoa Kỳ.
Bắc Hàn thử tên lửa ‘lại hỏng’
Phát biểu tại Quỹ Bảo vệ các Thể chế Dân chủ, ông Pompeo nói: “Bắc Hàn đang tiến gần đến mục tiêu năng lực hạt nhân của họ và chúng ta phải có cách hành xử tương thích.”
“Họ đã đi quá xa theo hướng đó, vấn đề bây giờ là làm sao để ngăn chặn họ trong những bước cuối cùng.”
Ông cảnh báo rằng Bình Nhưỡng bây giờ đang có tiến bộ nhanh về công nghệ tên lửa đến mức gây khó cho tình báo của Mỹ khi dự báo về thời điểm quốc gia bị cô lập đạt được thành công trong lĩnh vực này.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump muốn giải quyết xung đột với Bắc Hàn qua đường ngoại giao.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi ông Trump công khai nói với ông rằng đừng lãng phí thời gian tìm kiếm hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41675868
Ngân hàng Anh bị nghi vấn ‘rửa tiền ở Nam Phi’
Các cơ quan quản lý tài chính Anh đang xem xét liệu các ngân hàng HSBC và Standard Chartered có liên quan đến một bê bối tham nhũng ở Nam Phi hay không.
Vụ việc này bắt đầu bị tiết lộ sau khi Thượng nghị sĩ Peter Hain cho biết các ngân hàng có thể “vô tình là đường vận chuyển” cho các phi vụ rửa tiền.
Nhà lập pháp Đảng Lao động nói với Thượng viện Anh rằng có thể đã có khoảng 400 triệu Bảng Anh, tức khoảng 524 triệu đôla, từ các quỹ bất hợp pháp đã được chuyển bởi các ngân hàng Anh.
Những lo ngại của ông liên quan đến vụ việc giữa Tổng thống Nam Phi Zuma Jacob với một gia đình giàu có, Guptas.
Ngân sách Anh : không ‘chi tiêu thoải mái’
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh và Mỹ
Bầu cử Anh ảnh hưởng gì tới kinh doanh châu Á
Ông Hain đã gửi một lá thư đến Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond ghi rằng một người tố giác đã cho ông biết nhiều ngân hàng Anh “có thể vô tình đã vận chuyển tiền phi pháp.”
Ông Hain nói với BBC rằng ông đã liệt kê tên của 27 người trong bức thư, ngoài tên của các công ty ngân hàng.
Bộ Tài chính đã chuyển thư của ông Hain tới các cơ quan quản lý, bao gồm Cơ quan Quản lý Tài chính và Văn phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng.
Một phát ngôn viên Bộ Tài chính nói: “Chúng tôi coi những cáo buộc về hành vi sai phạm về tài chính rất nghiêm trọng, và đã chuyển lá thư của Thượng nghị sĩ Hain cho Cơ quan Quản lý Tài chính và các cơ quan liên quan, bao gồm Cơ quan Tội phạm Quốc gia và Văn phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng, để thống nhất đưa ra một hành động.”
Phóng viên BBC ở Johannesburg, Andrew Harding, cho biết lá thư của Thượng nghị sĩ Hain là “một bước ngoặt mới trong một vụ bê bối khổng lồ đang làm rung chuyển nhà nước Nam Phi, và phá hoại danh tiếng của rất nhiều công ty toàn cầu.”
Ông Zuma và Guptas mạnh mẽ phủ nhận hành vi sai trái, và nói rằng họ là nạn nhân của một cuộc săn lùng chính trị.
Nhưng các email bị tiết lộ và các cuộc điều tra chính thức đã thúc đẩy các cáo buộc rằng Guptas đã mua ảnh hưởng trong chính phủ để bóc lột các doanh nghiệp nhà nước.
Ở Nam Phi, vụ bê bối đã hủy hoại công ty quan hệ công chúng Anh Bell Pottinger và hãng kiểm toán KPMG, loại bỏ đội ngũ điều hành hàng đầu trong nước.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41690313
Nhật Hoàng sẽ thoái vị vào năm 2019
Vào ngày 20 tháng 10, tờ Asahi Shimbun đưa tin Hoàng Đế Akihito sẽ thoái vị vào ngày 31 tháng Ba năm 2019, nhường ngôi lại cho con là Hoàng Thái Tử Naruhi.
Trích dẫn nguồn tin từ chính phủ, tờ báo cho biết thêm là tháng tới, Thủ Tướng Abe sẽ gặp hoàng gia để thảo luận về việc này, trước khi chính thức thông báo cho người dân biết.
Nhật Hoàng Akihito năm nay 83 tuổi. Năm ngoái khi loan báo tin sẽ thoái vị, Ngài nói rằng sức khỏe và tuổi tác không cho phép Ngài tiếp tục phục vụ đất nước. Mới đây, Hoàng Thái Hậu Michiko cũng nói tới điều này, cho hay điều Bà vui nhất là khi nghĩ đến những ngày Nhật Hoàng có thể tỉnh dưỡng, an vui tuổi già.
Vài hàng về hoàng đế tương lai của Nhật Bản: Hoàng Thái Tử Naruhito năm nay 57 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Nhật và Anh Quốc. Ông lập gia đình với Công nương Masako, và hai người chỉ có một người con gái là công chúa Aiko.
Chuyện hoàng thái tử chỉ có con gái cũng từng là đề tài được tranh luận ở Nhật Bản, vì theo quy định của hoàng gia, ngai vàng chỉ trao cho người nam chứ không trao cho người nữ.
Tranh cãi này chấm dứt hồi 2006, sau khi em trai của Hoàng Thái Tử là hoàng thân Hisahito sanh con trai, tức có người nối dõi ngôi vua. Nói cách khác, người kế vị Hoàng Thái Tử Naruhito sẽ là người cháu trai gọi ông là bác.
Nhật chuẩn bị bầu cử và mưa bão
Cũng liên quan đến Nhật Bản, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi cử tri bỏ phiếu sớm, sau khi Sở Khí Tượng Thủy Văn thông báo Chủ Nhật tới đây sẽ có mưa to do bão Lan gây nên, ảnh hưởng tới số cử tri đi bầu chọn đại biểu quốc hội.
Trao đổi với báo chí, Thủ Tướng Abe nói rằng cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật này sẽ quyết định tương lai của đất nước, do đó, ông kêu gọi mọi người nên bỏ phiếu sớm, tránh trường hợp bị trở ngại vì thời tiết.
Trong 2 lần bỏ phiếu gần đây, số cử tri đi bầu chỉ ở mức 60%, do đó các nhà quan sát bầu cử e ngại thời tiết sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật sắp tới.
Ấn Độ sẵn sàng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ
Ấn Độ sẵn sàng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đưa ra cam kết mở rộng hợp tác như là cách đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á.
Chính quyền New Dehli cho biết như vừa nêu vào ngày 20 tháng 10. Cụ thể một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng ông Rex Tillerson từng có bài phát biểu quan trọng về tương lai của quan hệ Hoa Kỳ- Ấn Độ và New Dehli đang chờ để thảo luận chi tiết về kế hoạch mở rộng hợp tác giữa hai nước.
Vào tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đến thăm Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du khu vực của ông này. Và trong một bài phát biểu vừa qua, ôngTillerson nói rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu thảo luận về những giải pháp thay thế cho nguồn tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc chi ra ở Châu Á.
Ông Tillerson không nói rõ giải pháp nào sẽ được dùng để thay thế cho nguồn tài trợ của Trung Quốc đó. Trong khi ấy, lâu nay Ấn Độ cũng ngày càng quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh tăng cường thương mại và xây dựng những tuyến giao thông tại Châu Á.
Ấn Độ là nước lớn duy nhất ở Châu Á không cử đại diện đến tham dự hội nghị thượng đỉnh ‘Vành Đai- Con Đường’ do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5 vừa qua. Lý do của việc vắng mặt đó được cho biết là vì hành lang kinh tế mà Trung Quốc đang thiết lập tại Pakiastan đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
New Dehli cảnh báo rằng kế hoạch ‘Vành Đai, Con Đường’, thường được gọi là ‘Con đường Tơ Lụa’ thời hiện đại của Trung Quốc, sẽ tạo nên gánh nặng nợ nần cho nhiều nước.
Vị phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Dehli đã đồng ý với kêu gọi của ông Rex Tillerson về một trật tự quốc tế dựa trên căn bản pháp luật mà hiện bị cho đang đứng trước nguy cơ thái độ quyết đoán của Bắc Kinh tại Châu Á.
Washington lặp đi lặp lại chỉ trích là Bắc Kinh bất tuân luật pháp quốc tế khi tiến hành cải tạo, xây dựng rồi quân sự hóa các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông. Đây là nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên hải sản, dầu khí dồi dào và Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực này.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng kêu gọi mở rộng phạm vi hợp tác an ninh giữa ba nước Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản ra thêm những nước khác nữa như Úc. Đây là kế hoạch mà trong quá khứ Trung Quốc từng lên tiếng cáo buộc là gây bất ổn trong khu vực.
Tuy vậy, New Dehli cũng còn do dự trước kêu gọi của Washington có vai trò lớn hơn trong đó có tham gia tuần tra chung tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thái độ do dự này được nói xuất phát từ quan ngại sẽ làm cho Trung Quốc giận dữ hơn nữa với Ấn Độ.
Phe Cộng Hòa tại Thượng viện thông qua dự luật ngân sách
Với 51 phiếu thuận, 49 phiếu chống, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà ở Thượng viện khuya hôm thứ Năm (19/10) thông qua một ngân sách có thể lót đường cho kế hoạch của Tổng thống Trump mà ông nói sẽ “cắt giảm và cải cách thuế trên diện rộng.”
Trong một thông báo sau cuộc biểu quyết, Toà Bạch Ốc nói:
“Nghị quyết này tạo ra một lối đi để cởi trói tiềm năng của nền kinh tế Mỹ thông qua cải cách và cắt giảm thuế, như vậy sẽ đơn giản hóa bộ luật thuế vụ cực kỳ phức tạp, giảm bớt gánh nặng tài chính của các gia đình trên khắp nước, và giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.”
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà đang bị áp lực phải chấp thuận biện pháp cắt giảm thuế trước các cuộc bầu cử giữa kỳ năm tới, sau khi thất bại, không thông qua được nỗ lực được ông Trump hậu thuẫn để hủy bỏ luật chăm sóc sức khỏe giá phải chăng, thường được biết đến dưới tên Obamacare.
Thượng nghị sĩ Rand Paul, đại diện bang Kentucky, là đảng viên Đảng Cộng hoà duy nhất biểu quyết chống dự luật cải cách thuế. Ông nói biện pháp này quá tốn kém và nó từ bỏ mục tiêu của Đảng Cộng hoà là hủy bỏ luật Obamacare.
Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện, McConnell, nói:
“Đêm hôm nay chúng ta đã hoàn tất bước đầu tiên hướng tới việc thay thế bộ luật thuế vụ vô hiệu quả của chúng ta, bằng cách thông qua một ngân sách toàn diện có trách nhiệm về mặt tài chính sẽ giúp đặt chính quyền liên bang trên con đường tiến đến cân bằng ngân sách.”
Dự luật này có thể tăng mức thâm hụt ngân sách thêm 1,5 nghìn tỉ đôla trong thập niên tới để có thể trang trải các khoản thuế được cắt giảm.
Đảng Dân chủ mạnh mẽ chỉ trích dự luật này, nói rằng nó chỉ có lợi cho những cá nhân lắm tiền của và các tập đoàn công ty, các doanh nghiệp giàu có.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ:
“Thưa Tổng thống, đây không phải là một dự luật ngân sách tồi, mà là một dự luật ngân sách khủng khiếp, cực kỳ ác độc, một ngân sách bất công nhất từng được đề xuất trong lịch sử cận đại của đất nước chúng ta.”
Ông Sanders nói ngân sách này sẽ cắt giảm Medicaid, chương trình liên bang trả chi phí y tế cho người nghèo và người tàn tật, tới 1 nghìn tỉ đôla, và khiến 15 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden từ Oregon nhận định:
“Thật đáng tiếc là có một khoảng cách rất lớn giữa những lời khoa trương của chính quyền này về các vấn đề đó, và thực tế về những gì đang xảy ra trên giấy tờ.”
Ông Wyden là thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy ban soạn thảo thuế của Thượng viện, nói rằng dự luật cải cách thuế “nghiêng hẳn về phía thành phần ăn trên ngồi trốc.”
Thượng viện và Hạ viện phải đạt thỏa thuận về một nghị quyết ngân sách cho năm tài chính mới thi các thành viên Đảng Cộng hoà mới có thể đạt mục tiêu là thi hành dự luật thuế, sẽ được đệ trình cho Tổng thống Trump để ký thành luật trước cuối năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-tai-thuong-vien-thong-qua-du-luat-ngan-sach/4079013.html
Ngoại trưởng Nga nói về các vấn đề hạt nhân
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 20/10 kêu gọi các cường quốc thế giới ủng hộ một lộ trình hợp tác Nga-Trung để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Phát biểu tại một hội nghị về không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow, ông Lavrov nói rằng thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran bị phá vỡ sẽ gửi một thông điệp đáng lo ngại về các cơ chế an ninh quốc tế và có thể ảnh hưởng đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, ngoại trưởng Nga cũng phát biểu rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở châu Âu cần phải được đưa trở về lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ông Lavrov cũng bày tỏ quan ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ông nói lá chắn tên lửa do Washington đang xây dựng ở nước ngoài là một vấn đề rất quan trọng đối với Nga và Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-noi-ve-cac-van-de-hat-nhan/4078926.html
Mỹ đề nghị cấm mang laptop trong hành lý ký gửi
Chính phủ Mỹ kêu gọi cấm hành khách để những thiết bị điện tử cá nhân cỡ lớn như laptop trong hành lý ký gửi trên các chuyến bay vì có khả năng gây cháy.
Cơ quan Hàng Không Liên bang Mỹ, trong một văn bản gửi cho một cơ quan Liên hiệp quốc chuyên đề ra các tiêu chuẩn an toàn cho hàng không quốc tế, cho biết các cuộc trắc nghiệm cho thấy khi pin Li-ion dùng trong các máy tính xách tay, điện thoại di động hay các thiết bị khác bị nóng quá mức và gần các chất phun xịt thì có thể gây nổ.
Các cuộc thử nghiệm để pin nóng quá mức trong các hành lý chứa đầy các sản phẩm tiêu dùng như chất tẩy rửa sơn móng tay, chất tiệt trùng rửa tay cũng gây ra cháy lớn.
Theo AP
https://www.voatiengviet.com/a/my-de-nghi-cam-laptop-trong-hanh-ly-ky-gui-/4078207.html
Cháy rừng California: Gần 7 ngàn nhà cửa bị thiêu rụi
Các trận cháy rừng tàn phá bang California trong tháng này gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ đô la về tài sản có bảo hiểm, các giới chức ngày 19/10 loan báo, số nhà cửa và các cơ sở khác bị hủy hoại tăng gần 7 ngàn.
Tử vong hiện được báo cáo là 42 người.
Ước tính vừa nêu dựa trên các đơn khai thiệt hại với 8 hãng bảo hiểm lớn nhất trong vùng bị ảnh hưởng, số này chưa kể tới các tài sản không có bảo hiểm.
Số nhà cửa và các cơ sở bị thiêu rụi từ 5700 tăng vọt thành 6900 khi các toán cứu hỏa quay lại những khu dân cư khó tiếp cận nhất và đánh giá những vùng xa xôi và nông thôn mà trước đây họ không tiếp cận được, một phát ngôn nhân Cơ quan Bảo vệ Rừng và Phòng cháy Chữa cháy California cho biết.
22 trong số 42 trường hợp tử vong vì cháy rừng ở California trong tháng 10 này xảy ra trong quận hạt Sonoma.
Thống đốc bang California, Jerry Brown, tối ngày 18/10 ra sắc lệnh yêu cầu tăng tốc nỗ lực phục hồi vì lính cứu hỏa đã chặn được đà tiến của các đám cháy.
Hàng chục ngàn dân đã được phép trở về nhà, hơn 15 ngàn người vẫn còn sơ tán. Số dân sơ tán từ thứ bảy tuần trước là 100 ngàn người.
Theo AP
https://www.voatiengviet.com/a/chay-rung-california-gan-7-ngan-nha-cua-bi-thieu-rui-/4078196.html
New Zealand: Thủ Tướng trẻ tuổi nhất sắp lên nắm quyền
New Zealand sắp có một chính phủ liên hiệp trung tả được lãnh đạo bởi vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước này trong hơn 150 năm qua.
Đã gần một tháng trôi qua từ khi người dân New Zealand đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử toàn quốc. Cả hai đảng chính trị chủ yếu, là đảng Quốc gia trung hữu, đã nắm quyền lực trong gần một thập kỷ và giành được nhiều ghế nhất so với các đối thủ, và Đảng Lao động trung tả, đảng đã giành được đa số ghế tại quốc hội. Cả hai đều đã cố gắng thành lập một chính phủ liên minh tiếp theo sau cuộc bầu cử hồi tháng 9.
Trong suốt nhiều tuần lễ, hai đảng này đã thương lượng với Winston Peters, lãnh đạo của đảng “New Zealand Trên Hết”, vốn giành được 9 ghế trong cuộc bầu cử tháng trước. Ông Peters là một nhân vật phi truyền thống, có tư duy độc lập, muốn kiềm chế nhập cư và hạn chế người nước ngoài sở hữu tài sản ở New Zealand.
Ông Peters nói ông đứng trước quyết định nên chọn “duy trì hiện trạng” hoặc nên “thay đổi” và cuối cùng quyết định chọn “thay đổi”.
Với quyết định này, ông sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp với Đảng Lao động và Đảng Xanh, một đảng nhỏ khác.
Đứng đầu chính phủ liên hiệp trong cương vị Thủ tướng là lãnh đạo của Đảng Lao động, bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, người chỉ vừa được đưa lên nắm quyền kiểm soát đảng Lao Động có vài tuần trước cuộc bầu cử.
Bà Ardern nói có ba lý do chính tại sao liên minh ba đảng của bà sẽ thành công.
“Lý do thứ nhất là bản chất của các thỏa thuận chia quyền, thứ hai là các mối quan hệ mà tôi đã xây dựng với lãnh đạo của hai đảng kia, và lý do cuối cùng là, Đảng Lao động trước đây đã từng tham gia một thỏa thuận với đảng “New Zealand Trên Hết. Chúng tôi đã thành lập một chính phủ liên hiệp dựa trên đa số phiếu, và do đó cũng dựa trên những gì mà phần lớn cử tri New Zealand tìm kiếm trong cuộc bầu cử này.”
Đảng Lao động vận động ráo riết để thuyết phục giới trẻ New Zealand về các chính sách trợ cấp giáo dục, môi trường và gia cư.
New Zealand trước đây là thuộc địa của Anh ở Nam Thái Bình Dương, dân số nước này vào khoảng 4,5 triệu người. Các cuộc bầu cử được tổ chức khoảng ba năm một lần.”
https://www.voatiengviet.com/a/new-zealand-thu-tuong-tre-tuoi-nhat-sap-len-nam-quyen/4079158.html
TQ chào mừng Tập, lãnh tụ ‘vĩ đại, sáng suốt’
Các quan chức Trung Quốc hôm 19/10 lên tiếng ca ngợi tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, được công bố một ngày trước tại Đại hội Đảng Cộng sản quan trọng, một dấu hiệu cho thấy tư tưởng này có thể được ghi trong điều lệ đảng và củng cố thêm quyền lực của ông.
Một số quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xúc động tán dương ông Tập bằng những màn hát, múa và khóc, một ngày sau khi ông Tập khai mạc đại hội đảng được tổ chức 5 năm một lần, ông cam kết xây dựng một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại” cho một kỷ nguyên mới.
Theo Tân Hoa Xã, ba ủy viên mãn nhiệm của Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 người do ông Tập đứng đầu ca ngợi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới”.
Những phát biểu như vậy chỉ ra rằng ông Tập có thể củng cố quyền lực với việc khẩu hiệu mới mang tên ông được đưa vào điều lệ đảng. Liệu chủ thuyết đó có được đưa vào và mang tên ông hay không, đó là thước đo quan trọng về vị thế của ông, theo các nhà phân tích.
Không một nhà lãnh đạo nào khác được đưa chủ thuyết mang tên mình vào văn kiện đó của đảng khi còn đang nắm quyền kể từ thời ông Mao Trạch Đông, người khai sinh nước Trung Quốc hiện đại.
Ông Tập sắp bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai vào tuần tới.
Các quan chức đảng đã chào mừng ông Tập với tư cách là một “lãnh tụ” vĩ đại và sáng suốt, một từ đầy kính trọng chỉ dành cho hai người khác, ông Mao và người kế nhiệm trong thời gian ngắn là ông Hoa Quốc Phong. Đây là dấu hiệu nữa cho thấy ông Tập đã tích lũy nhiều quyền lực hơn những người tiền nhiệm ngay trước ông, và có thể khôi phục chức chủ tịch đảng làm tiền đề để vẫn nắm một số chức năng sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2022.
Vẫn chưa rõ ý nghĩa chính xác của khẩu hiệu mới mà ông Tập đưa ra, mặc dù không có gì lạ đối với việc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đưa ra những khẩu hiệu to tát và rồi sau đó bổ sung các chi tiết khi thực hiện.
Ông Ryan Manuel, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cho rằng một hệ tư tưởng được đặt tên ông Tập để chỉ đạo Trung Quốc và đảng sẽ củng cố thêm quyền lực của ông.
Ông nói: “Đây là một khái niệm bao trùm tốt để ông ấy cứ tiếp tục nói bất cứ điều gì ông ấy muốn và hệ thống phải đáp ứng và nghiên cứu nó”.
Những người tiền nhiệm gần nhất của ông Tập, các ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, đã được đưa những khái niệm ý thức hệ vào điều lệ đảng, nhưng không mang tên của họ.
Đảng đã phong cho ông Tập danh xưng lãnh tụ “cốt cán” cách đây một năm, tăng cường vị thế của ông trước đại hội, điều này là tăng những phỏng đoán là ông Tập có thể còn duy trì quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai như thường lệ và thậm chí còn khôi phục chức danh chủ tịch đảng ở thời ông Mao.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-chao-mung-tap-lanh-tu-vi-dai-sang-suot/4079008.html
Virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc
có khả năng gây đại dịch
Các cuộc thử nghiệm trong phòng lab về chủng virus cúm gia cầm H7N9 mới đang bùng phát tại Trung Quốc cho thấy virus này có thể lây truyền dễ dàng từ động vật này sang động vật khác và có thể gây ra bệnh dịch gây tử vong, nâng cao báo động rằng H7N9 có khả năng kích hoạt một đại dịch trên người.
Virus H7N9 đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 2013, gây bệnh dịch nghiêm trọng cho những ai phơi nhiễm với gia cầm bệnh.
Năm ngoái, số trường hợp mắc bệnh nơi người tăng cao và virus này tách ra thành 2 dòng, khác biệt đến nổi chúng chống cự được với vaccine hiện tại.
Một trong hai chủng này cũng đã trở nên có khả năng gây bệnh cao, có thể giết chết gia cầm bị nhiễm, đề ra mối đe dọa cho ngành công nghiệp gia cầm.
Các nhà khoa học Mỹ và Nhật nghiên cứu mẫu bệnh phẩm của dòng gây bệnh cao này để xem khả năng lây lan của chúng ‘lợi hại’ tới mức nào.
Trong cuộc nghiên cứu đăng trên Cell Host & Microbe, chuyên gia về cúm Yoshihiro Kawaoka thuộc Đại học Wisconsin và các đồng nghiệp thử nghiệm chủng H7N9 mới lấy từ mẫu bệnh phẩm của một nạn nhân tử vong vì nhiễm cúm gia cầm hồi đầu năm.
Họ phát hiện rằng thậm chí một lượng nhỏ virus thôi cũng có thể gây ra bệnh trầm trọng.
Từ năm 2013, virus gia cầm H7N9 đã gây bệnh cho ít nhất 1562 người ở Trung Quốc và làm thiệt mạng ít nhất 612 người. 40% bệnh nhân nhập viện vì virus này không qua khỏi.
Một công cụ đánh giá rủi ro mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ xếp H7N9 là dòng virus cúm hàng đầu nơi động vật có khả năng gây đại dịch nơi người.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/virus-cum-gia-cam-h7n9-co-kha-nang-gay-dai-dich-/4078204.html
Châu Âu tỏ thái độ lạc quan về vòng đàm phán Brexit
Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm qua 19/10/2017, bày tỏ trước báo giới thái độ lạc quan về khả năng tiến triển trong cuộc thương lượng về Brexit.
Những bình luận của bà Merkel được đưa ra ngay sau phiên họp khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Lãnh đạo chính phủ Đức cho rằng, cuộc thương lượng đang « tiến triển từng bước », và bà không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy là các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thất bại. Lời trấn an này của thủ tướng Đức, một mặt đáp lại lời kêu gọi từ phía thủ tướng Anh Theresa May nhằm giúp xoa dịu những chỉ trích ngay tại Anh Quốc và phá thế bế tắc của cuộc đàm phán, mặt khác, phần nào xua đi nguy cơ đàm phàn Brexit rơi vào bế tắc.
« Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì nếu chúng ta cùng nhau tập trung (thảo luận vấn đề), chúng ta sẽ có thể đạt được kết quả tốt », Reuters dẫn lời bà Merkel.
Một số quan chức châu Âu khác cũng đã có thái độ tích cực trước lời kêu gọi này của thủ tướng Anh. Thủ tướng Malta Joseph Mucat gọi đây là một động thái tốt nhất từ phía đồng nhiệm Anh và nhìn nhận lời kêu gọi của bà là nhiệt thành và thẳng thắn. Tuy nhiên, theo thủ tướng Áo Christian Kern những tuyên bố về việc đàm phán tiến triển cần phải đi đôi với những kết quả cụ thể.
Liên Hiệp Châu Âu hiện vẫn đang tìm kiếm một cam kết rõ ràng hơn từ phía Anh nhằm giải quyết các nghĩa vụ tài chính liên quan tới sự ra đi của nước này. Hôm nay 20/10/2017, các lãnh đạo châu Âu sẽ đề ra cho Luân Đôn một hạn chót là tới tháng 12 nhằm thúc đẩy việc giải quyết các nghĩa vụ tài chính, đồng thời tiến hành các chuẩn bị nội bộ cho bước tiếp theo của cuộc thương lượng về Brexit.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171020-chau-au-to-thai-do-lac-quan-ve-vong-dam-phan-brexit
Trung Quốc: Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020 ?
Không dễ !
Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa rằng mọi ý hướng ly khai để đòi độc lập cho Đài Loan đều sẽ bị đánh bại. Tuyên bố này nêu bật lập trường trước sau như một của Bắc Kinh là sát nhập Đài Loan, kể cả bằng võ lực nếu cần. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Easton, thuộc cơ quan nghiên cứu mang tên Viện Dự Án 2049 – Project 2049 Institute – thì Bắc Kinh đã có kế hoạch xâm lược Đài Loan ngay vào giữa thập niên 2020. Kế hoạch là như thế, nhưng theo chuyên gia này, thực hiện không phải dễ.
Trên báo mạng Digital Journal ngày 15/10/2017, biên tập viên Paul Wallis, đã phân tích nội dung quyển biên khảo của Ian Easton, mang tựa đề « Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược – The Chinese Invasion Threat », theo đó Bắc Kinh đã vạch kế hoạch xâm chiếm Đài Loan vào khoảng giữa những năm 2020. Washington, có vẻ tin vào tính xác thực của các kế hoạch đó.
Ian Easton đã dựa trên những thông tin được rò rỉ, cũng như tiết lộ của những người trong cuộc về quan hệ Đài Loan – Trung Quốc để kết luận rằng thông tin về kế hoạch xâm lược Đài Loan đáng tin vì ba lý do :
1. Trung Quốc luôn muốn thống nhất với Đài Loan từ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc năm 1949
2. Trong lúc đó thì về phía Đài Loan, với hướng chuyển qua một thể chế dân chủ đang tồn tại, việc tự nguyện thống nhất với Trung Quốc khó thể thực hiện
3. Tài liệu của quân đội Trung Quốc được sử dụng cho thấy là Trung Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ học thế hệ thứ tư, nâng khả năng đánh nhanh lên một trình độ cao hơn so với những thế hệ trước.
Đánh chiếm : Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt
Tuy nhiên có kế hoạch không có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công, mà chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã lên kế hoạch sẵn sàng cho quân đội của họ để hành động khi cần.
Hệ quả của việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thì ai cũng đã thấy rõ : Hoa kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan và nhờ đến sự trợ giúp các đồng minh khu vực. Úc và cả Nhật Bản, có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Theo tác giả bài báo, sẽ không sai lầm chút nào khi cho rằng không bên nào thích thú với việc này. Một cuộc chiến với Trung Quốc – chỉ cách Hoa Lục vài phút đồng hồ – quả là không thú vị chút nào. Đối với Đài Loan, điều đó có nghĩa là với trận mưa lửa từ Trung Quốc trút xuống, Đài Bắc sẽ bị thiệt hại to lớn, và cả đảo bị vạ lây.
Nhưng bản thân Trung Quốc cũng có thể có một số đắn đo. Một chiến dịch với mục tiêu đơn thuần là chinh phục Đài Loan, không phải một cái gì lớn lao, giành được một hòn đảo khô cằn trên Biển Đông có lẽ không đáng với công sức bỏ ra.
Cho dù Trung Quốc có thắng, chi phí cho việc chiếm đóng và tái thiết rất to lớn. Kẻ xâm lược còn phải đối mặt với dân cư thù ghét họ, với các hệ quả thương mại và ngoại giao thật sự tồi tệ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc mở cuộc tấn công không phải là một ý hay.
Ian Easton từng nêu lên một mối lợi là Trung Quốc có thể dùng Đài Loan làm một căn cứ tốt để từ đó triển khai lực lượng ra khu vực nhưng thật ra thì Trung Quốc cần phóng ra bao nhiêu lực lượng ?
Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là lực lượng võ trang Đài Loan không chịu ngồi yên, và Mỹ có khả năng lao vào cuộc chiến để bảo về đồng minh.
Chỉ riêng trên bình diện tác chiến, Đài Loan là một mục tiêu khó nuốt, có thể đáp trả bằng những đòn đau điếng, gây nhiều thiệt hại cho Trung Quốc. Quân đội Đài Loan dĩ nhiên không hùng mạnh như Mỹ nhưng rất đông, kể cả với quân trù bị, vũ khí cũng rất nhiều, tóm lại, có khả năng chiến đấu mãnh liệt.
Nếu Đài Loan có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải điều hành một chiến dịch quân sự khó khăn nhất của họ từ trước đến nay, với lực lượng đổ bộ vấp phải rào cản của Hải Quân Mỹ. Điều đó có nghĩa là kế hoạch tác chiến phải dự trù trường hợp đối mặt với một nhóm tàu sân bay Mỹ.
Không Quân và Hải Quân Trung Quốc như vậy sẽ có một nhiệm vụ gay go : Đối phó với một hải đội tàu sân bay tác chiến có nghĩa là tăng cường đáng kể năng lực quân sự và cũng có thể là dùng đến tàu sân bay của Trung Quốc. Một môi trường tác chiến như thế quả là không dễ dàng chút nào cho mục tiêu xâm chiếm bất kỳ nơi nào.
Chiến thuật ‘phi thường’
Để đánh bại một hải đội tàu sân bay Mỹ, cái mà Trung Quốc thường gọi là chiến thuật ‘phi thường’ sẽ được sử dụng để tạo cơ may thắng lợi mà không bị thiệt hại lớn lao. Biên khảo của Ian Easton đã nêu bật vấn đề thực thụ quan trọng đó đối với giới đề ra kế hoạch tại Trung Quốc.
Theo bài viết thì quả là Trung Quốc đã có một chiến thuật ‘phi thường’, tức là tấn công bất ngờ và/hay là triển khai vũ khí lạ chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ trước khi chiến dịch được thực hiện. Gián điệp Trung Quốc cài ở Đài Loan sẽ phải làm việc căng thẳng, những cuộc tấn công tin học sẽ rất ồ ạt.
Đánh Đài Loan một cách bất ngờ, hay như trong trường hợp này, đánh vào hệ thống tình báo Mỹ, không phải là một chuyện dễ. Khu vực Đài Loan luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao. Bất kỳ động tĩnh nào trong vùng đều bị theo dõi chặt chẽ. Như vậy, muốn tấn công bất ngờ, Trung Quốc phải tính đến các thông số như vệ tinh gián điệp của Mỹ, máy bay giám sát và hệ thống tình báo.
Nhưng còn một khía cạnh khác của chiến dịch, không rõ ràng cụ thể như những điều nói ở trên, nhưng then chốt đối với một kế hoạch tấn công thực sự. Thất bại sẽ rất nguy hiểm đối với Trung Quốc và là thảm họa đối với bất kỳ người chỉ huy nào. Thất bại nặng nề trong chiến dịch sẽ có hậu quả kinh khủng ở trong nước, trong đó có việc làm chế độ mất ổn định. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải quan tâm đến những rủi ro này.
Lập trường của Mỹ
Từ năm 1949, bảo vệ Đài Loan luôn là một nguyên tắc vững như bàn thạch của chiến lược Mỹ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, có nhiều nguyên do cho việc này :
1/ Để Đài Loan bị chiếm đóng sẽ là mở cửa vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc, và qua đó cho Liên Xô.
2/ Đài Loan là một tiền đồn tốt vào thời ấy,
3/ Cho dù vậy, trên bình diện cá nhân, tổng thống Mỹ Truman rất ghét Tưởng Giới Thạch, và muốn có một người chống cộng cứng rắn đặc trách Đài Loan.
4/ Nguy cơ chiến tranh kiểu Đông Dương hay Triều Tiên sau đó lan ra trong khu vực đã khiến Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ trong vùng Châu Á.
5/ Mỹ không có nhiều nơi trong vùng để có thể triển khai một lực lượng phòng thủ tiền phương nhắm vào Trung Quốc, và Đài Loan là một chọn lựa hiển nhiên.
Mỹ chưa bao giờ thay đổi quan điểm về tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan mặc dù có bao thay đổi trên thế giới và sự tiến bộ nhẩy vọt của công nghệ quân sự. Một trong những lý do mà việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông được xem là quan trọng đó là vì Đài Loan.
Triết lý gọi là ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump cũng không có tác động gì nhiều trên vấn đề này. Đối với giới phân tích quân sự chuyên nghiệp, bỏ đi chiến lược dấn thân dài hạn bên cạnh Đài Loan sẽ bị đánh giá là thể hiện một sự yếu đuối ghê gớm (nếu không muốn nói là ngu xuẩn). Việc xét lại chính sách Đài Loan hoàn toàn không có cơ sở quân sự nào, nhất là khi mà nhiều đồng minh quan trọng Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản lại sát cửa Đài Loan.
Vị trí tiền đồn phòng thủ của Đài Loan cho phép Mỹ uyển chuyển hơn trong việc tiến hành các chiến dịch của mình. Guam, Đài Loan và Nhật tạo thành một thế chân vạc rất tốt nếu có tranh chấp với Trung Quốc… Các kế hoạch gia của Trung Quốc cũng thấy điều này…
Cần phải nhớ rằng Mỹ không thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc. Leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân có nghĩa là tình hình đã đến lúc tàn cuộc và thậm chí đến Thế Chiến 3 không chừng. Mỹ chỉ có thể dùng vũ khí quy ước trong một cuộc chiến với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chính sách bảo vệ Đài Loan vẫn còn hiệu lực.
Kết luận : Đề cao cảnh giác
Đối với tác giả bài viết khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan không thể xem thường. Điều được ghi nhận trong chính sách của Trung Quốc từ 70 năm nay là Trung Quốc và Đài Loan sẽ thống nhất. Chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ nhìn chung đều được thế giới chấp nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chiến tranh không phải là không thể nổ ra. Ai cũng thấy thế giới đã suy sụp như thế nào trong 20 năm qua, và có thể suy sụp hơn nữa và rất nhanh.
Sự sát nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một kịch bản khác có thể diễn ra, nếu Trung Quốc và Đài Loan mềm dẻo hơn với nhau. Chỉ hy vọng là hai bên không đi đến chiến tranh, vì sẽ không có ai thắng mà chỉ là số người chết khổng lồ sẽ bôi đen lịch sử nhân loại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171020-trung-quoc-chiem-dai-loan-vao-giua-thap-nien-2020-khong-de-ok
Syria: Liên quân Ả Rập Kurdistan
bàn về số phận quân thánh chiến nước ngoài
Ba ngày sau khi thành phố Raqqa được giải phóng, số phận của những chiến binh thánh chiến người nước ngoài vẫn chưa rõ ràng. Hôm qua 19/10/2017, ông Talal Sello, phát ngôn viên của Lực lượng dân chủ Syria, đã tuyên bố rằng những chiến binh khủng bố nước ngoài này đã bị bắt sống, và sẽ được đưa ra xét xử. Song quan chức quân sự này bỏ ngỏ khả năng liệu họ có được trao trả về quê hương hay không.
Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth:
Liên quân Ả Rập Kurdistan, với sự hỗ trợ của không lực liên quân quốc tế gồm Mỹ, Pháp và Anh, đã chiếm được thành phố Raqqa và bắt sống hơn 120 chiến binh thánh chiến thuộc khoảng một chục quốc tịch khác nhau.
Các nguồn tin Syria thân chính quyền cũng như thân phe đối lập khẳng định rằng một số chiến binh thánh chiến người nước ngoài đã được trao trả cho cơ quan tình báo của các nước đó; các cơ quan tình báo này đang hoạt động trong vùng được kiểm soát bởi người Kurdistan. Giám đốc Đài quan sát nhân quyền ở Syria, ông Rami Abdel Rahman cho rằng đó là trường hợp của các chiến binh người Pháp thuộc Nhà nước Hồi giáo IS. Quan chức này tuyên bố rằng trong số các chiến binh nói trên có thể có những kẻ đã tham gia vào việc lên kế hoạch các vụ khủng bố ở Paris và Bruxelles.
Theo nhật báo An-Nahar của Liban, bộ trưởng Ả Rập Xê Út Al Sabhane đã tới Raqqa vào đầu tuần này để bàn bạc với ông Brett MacGurk, đại diện người Mỹ của liên quân quốc tế, về việc tái thiết thành phố. Tờ báo này cũng cho biết thêm, vị bộ trưởng này đã về nước, áp tải một số kẻ là người Ả Rập Xê Út thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Về phần mình, kênh truyền hình liên Ả Rập Al Alam của Iran, đưa tin là một quan chức cao cấp người Chetchenia đã tới sân bay Qamichii hôm 18/10, trong vùng người Kurdistan ở phía đông bắc Syria. Đài này khẳng định rằng quan chức Chetchenia nói trên đã thảo luận với giới chức Kurdistan về số phận của những công dân Chetchenia đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Barack Obama «tái xuất»,
chỉ trích chính sách gây chia rẽ nước Mỹ
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn không hề tham dự một cuộc mít-tinh nào từ khi rời Nhà Trắng, hôm qua 19/10/2017 đã xuất hiện trước công chúng để ủng hộ hai ứng cử viên Dân Chủ đang tranh chức thống đốc. Tại tiểu bang New Jersey và Virginia, cuộc đua tỏ ra rất gay go.
Từ tháng Giêng đến nay, Barack Obama đã nhiều lần phát biểu trong những cuộc vận động gây quỹ, nhưng tránh mọi tranh luận mang tính chính trị. New Jersey và Virginia là hai tiểu bang bầu thống đốc vào năm lẻ, cụ thể là ngày 7/11 tới, một năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết lần này ông đã gián tiếp chỉ trích người kế nhiệm :
« Tuy Barack Obama không hề nêu đích danh, nhưng chiếc bóng của Donald Trump vẫn thấp thoáng trên hai bài diễn văn của ông hôm qua.
Trước hết tại New Jersey, vào buổi chiều, cựu tổng thống Mỹ tuyên bố : « Một số chính khách có vẻ như đã ngủ quên. Tôi muốn nói rằng những người này đưa chúng ta thụt lùi lại 50 năm về trước. Chúng ta đang ở vào thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 19 ! »
Đến tối, tại Virginia, Barack Obama tiếp tục tiến công. Ông lại chỉ trích chính sách quay về với quá khứ thay vì hướng đến tương lai, và tập trung gợi lên tâm lý sợ hãi thay vì hy vọng. Nhưng cựu tổng thống cũng muốn vận động cử tri phe Dân Chủ, hiện đang phân tán và hoàn toàn mất tinh thần.
Ông nói : Nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm, và ngay tại Virginia này cũng vậy. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn ! Các cuộc bầu cử sẽ mang lại tác động, lá phiếu của các bạn sẽ giúp thay đổi, các bạn sẽ gởi đi thông điệp trên khắp đất nước và trên toàn thế giới. Tôi yêu mến các bạn, cầu mong Thượng đế ban phước lành cho Virginia, và hãy đi bầu !
Chỉ trong một buổi tối, các cử tri Dân Chủ đã thấy lại được sự cuốn hút của một chính khách, mà họ tiếp tục tôn sùng và tiếc nuối. Nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa, để bảo đảm được chiến thắng cho thống đốc Virginia, hiện nay đang bị đối thủ được Donald Trump ủng hộ bám sát ».