Một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ
Mon, 10/16/2017 – 11:56 — nguyenvubinh
RFA Blog
Chúng tôi xin được trình bày ba vấn đề, hay ba câu hỏi là nguyên nhân và cảm hứng để chúng tôi nghiên cứu và tìm ra cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ.
Câu hỏi 1: Tại sao trên thế giới có khoảng 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mà chỉ có chưa đầy 30 quốc gia (bao gồm Mỹ, Tây Âu, Nhật, Úc và mới đây là Đài Loan, Hàn Quốc…) là người dân thực sự được tự do. Còn lại, hơn 120 quốc gia cũng có thể chế dân chủ, ví dụ Mê-hi-cô, Thái Lan, Nga, In donexia… người dân lại không có được tự do? Những nước này thường chỉ được gọi là có dân chủ trong tuyển cử.
Câu hỏi 2: Khi các chế độ độc tài sụp đổ, ví dụ Ai Cập, Tuy-ni-di… nếu có một cuộc khảo sát với người dân ở các quốc gia này: tự do là gì, nhân quyền bao gồm những quyền gì? như thế nào? Dân chủ là gì?… thì có bao nhiêu phần trăm người dân biết, hiểu được những khái niệm đó? Vậy mà, tất cả các nhà khoa học chính trị, các nhà chính trị học đều nói rằng, người dân là chủ thể tham gia xây dựng nên thể chế dân chủ để bảo đảm tự do và lợi ích của chính người dân?!? Như vậy, có sự lệch pha trong nhận thức của người dân và việc tham gia xây dựng thể chế dân chủ, việc xây dựng thể chế dân chủ có thực sự bảo đảm tự do và lợi ích của người dân hay không?
Câu hỏi 3: Trên thế giới hiện nay đã có định nghĩa, khái niệm chung, thống nhất về dân chủ hay chưa? Nếu có thì đó là định nghĩa nào???
Theo chúng tôi được biết, hiện nay trên thế giới chưa có khái niệm, định nghĩa chung, thống nhất về dân chủ. Có tài liệu nói rằng, tính đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã có trên 500 định nghĩa về dân chủ. Từ những năm đó tới hiện nay, tức là hơn 50 năm sau, thì có thêm bao nhiêu định nghĩa nữa về dân chủ? Tại sao lại như vậy, nếu không có định nghĩa chung, khái niệm thống nhất thì liệu có phải chưa có sự thống nhất về bản chất của dân chủ hay không???
Suy tư về câu hỏi thứ nhất, chúng ta buộc phải công nhận, thể chế dân chủ hiện hành trên thế giới có khuyết tật chung. Phải có khuyết tật chung mới dẫn tới tình trạng ¾ số quốc gia cũng có thể chế dân chủ mà người dân lại chưa được tự do. Kết hợp với câu hỏi thứ ba, tức là thế giới chưa xác định được định nghĩa, khái niệm chung, thống nhất về dân chủ… dẫn tới kết luận rằng, thế giới chưa tìm ra được bản chất thực sự của dân chủ. Điều này có nghĩa là, trong rất nhiều định chế của thể chế dân chủ, chúng ta chưa tìm ra được định chế dân chủ cốt lõi, thể hiện bản chất của dân chủ, hay chưa tìm ra được định chế dân chủ cốt lõi bảo đảm được tự do của con người. Chỉ khi xác định được định chế dân chủ cốt lõi, bảo đảm được tự do của con người và xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh định chế dân chủ cốt lõi mới bảo đảm được tự do của con người.
Trên mạch lo-gic đó, chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra được định nghĩa, khái niệm dân chủ thể hiện được bản chất của dân chủ. Chúng tôi đi từ khái niệm chung nhất về dân chủ, được nhiều người công nhận nhất: dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người. Vấn đề cần xác định trong định nghĩa này, tự do là gì? Và chúng tôi đã xác định: “tự do là các quyền con người và khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi một cá nhân”. Như vậy, chúng ta cần có, cần xây dựng được một định chế cốt lõi mà ở đó mỗi cá nhân có thể, có khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình. Đó chính là định chế TÒA ÁN NHÂN QUYỀN ở tất cả các cấp. Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra Dự án xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh định chế cốt lõi TÒA ÁN NHÂN QUYỀN, để bảo đảm tự do của con người.
Liên quan đến câu hỏi thứ hai, chúng tôi xác định, cần trang bị đầy đủ kiến thức cho toàn thể nhân dân về tự do, dân chủ, nhân quyền để người dân có đầy đủ nhận thức tham gia vào xây dựng thể chế dân chủ. Chỉ có những con người có đủ kiến thức về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền mới có thể tham gia xây dựng lên thể chế dân chủ bảo đảm tự do và quyền lợi của mình. Toàn bộ vấn đề này nằm trong mục các bước đi và cách thức xây dựng thể chế dân chủ của dự án.
Dự án của những người Việt Nam, đất nước chưa bao giờ có tự do, dân chủ, lại bàn về những vấn đề thế giới đã đi qua hàng trăm năm không khỏi gây ra những hoài nghi, thắc mắc. Cộng thêm việc dự án được nghiên cứu và trình bày theo lối tư duy Á Đông sẽ làm cho nhiều người cảm thấy khó đọc và tiếp cận. Nhưng chúng tôi tin rằng, những người trăn trở với các câu hỏi được nêu ở đầu bài viết, sẽ vượt qua được những trở ngại rất nhỏ này.
Trân trọng mời quý vị tham khảo Dự án xây dựng thể chế dân chủ và các tài liệu liên quan trên trang nghiencuutheche.com của chúng tôi./.
Hà Nội, ngày 16/10/2007
N.V.B