Tin Việt Nam – 18/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/10/2017

Làm sao giảm thiểu những cái chết

“đúng quy trình” trong mưa lũ?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Số người thiệt mạng trong các đợt mưa lũ hàng năm tại Việt Nam lên đến hàng chục hay hàng trăm người. Và dư luận càng thêm phẫn nộ khi các cơ quan chức năng luôn khẳng định đã ứng phó với thiên tai một cách “đúng quy trình”.

Chết bởi nhân tai?

“Hôm bị bão lũ, chỗ khe suối bé tí thôi nhưng nước nhiều và chảy rất xiết. Lúc ấy tầm 3:30 sáng, cậu em vẫn ở trong lán và bị lũ cuốn trôi. Ở đó cũng có mấy nhà hàng xóm bị trôi. Có một nhà mất luôn 5 người, với lại một nhà khác bị mất một đứa con.”

Đây là chia sẻ của một cô gái dân tộc Thái, ở bản Hát, xã H Lìu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái về người cậu tên Mè Văn Hướng bị lũ cuốn trôi vào khi trời chưa sáng trong ngày 11 tháng 10 và đến ba ngày sau mới tìm được xác cách xa tận 50 cây số.

Không chỉ có 7 người bị thiệt mạng tại bản làng của người thiểu số như vừa nêu mà có đến 72 người chết, 30 người bị mất tích và 33 người bị thương trong đợt lũ lịch sử vừa qua ở khu vực các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, theo thông báo trên website của Chính phủ Việt Nam, đăng tải vào ngày 16 tháng 10.

Hôm bị bão lũ, chỗ khe suối bé tí thôi nhưng nước nhiều và chảy rất xiết. Lúc ấy tầm 3:30 sáng, cậu em vẫn ở trong lán và bị lũ cuốn trôi. Ở đó cũng có mấy nhà hàng xóm bị trôi. Có một nhà mất luôn 5 người, với lại một nhà khác bị mất một đứa con

-Người dân ở Yên Bái

Trước những số liệu về thiệt hại tài sản và nhân mạng được cho là quá nhiều chỉ trong vòng vài ngày mưa lũ quét qua, dư luận dấy lên sự phẫn nộ tột cùng khi giới chức của các cơ quan chức năng tuyên bố “Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy là hoàn toàn đúng quy trình” hay “Đê Hữu Bùi tại Chương Mỹ, Hà Nội vỡ theo kế hoạch” và “Trong đó có nguyên nhân chủ quan của người dân”.

Trong tình thế thiên tai diễn ra liên tục khắp nơi trên toàn cầu và Việt Nam nằm ở vị trí nhìn ra biển Đông nên hứng chịu tai hoạ của thiên nhiên là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điệp khúc thương tâm mà người dân phải nhận lãnh trong mỗi mùa mưa lũ hàng năm bị quy cho là lỗi bởi “nhân tai”, trong đó, chính quyền không thừa nhận trách nhiệm thuộc về họ.

Một ví dụ điển hình qua câu hỏi của cư dân mạng, có tên GV Tran rằng “hàng ngàn héc-ta rừng biến mất lâu nay, mưa triền miên nhiều ngày, thủy điện Hòa Bình xả 8 cửa đập vào sáng ngày 11, nước từ thượng nguồn đổ về theo con thác Khanh, tạo ra nhiều thác nước trải dài từ trên triền núi. Rạng sáng ngày 12, lở núi xóm Khanh. Có sự liên quan nào không?” Thế nhưng những thắc mắc như vậy được lãnh đạo đập thủy điện Hòa Bình, ông Đặng Trần Công giải thích với báo chí là người chết không phải do xả lũ của hồ gây ra, mà bởi mưa lớn gây sạt lở đất, lũ cuốn ở sông và suối nhỏ.

Trong khi đó, vào chiều ngày 16 tháng 10, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng. Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và đồi núi đã bị “cạo trọc”.

Cần làm gì để giảm thiểu?

Để tìm kiếm giải pháp làm thế nào đối phó với nạn phá rừng tại Việt Nam, Đài RFA trao đổi với một số chuyên gia ở trong nước và được cho biết có hai biện pháp cấp thiết, bao gồm các cơ quan pháp luật phải nghiêm khắc trong việc kiểm soát chống lại lâm tặc và cần làm cho người dân ý thức bảo vệ nguồn lợi rừng.

Mặc dù vậy, giải pháp thứ nhất dường như gặp nhiều thách thức vì những vụ phá rừng mới nhất, bị phát hiện trong năm 2017, có sự cấu kết giữa lâm tặc với chính quyền. Truyền thông quốc nội, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, đưa tin vụ phá rừng gỗ quý pơ-mu ở Quảng Nam và phá rừng ở Yên Bái có sự thông đồng của công an biên phòng với lâm tặc hay có người chống lưng cho những hoạt động này.

Cách đây 30 năm, trong một đề tài nghiên cứu về Tây nguyên những năm 80. Lúc bấy giờ chúng tôi đi nghiên cứu và thấy rằng vì đồng bào ở Tây nguyên khổ quá, người ta phải phá rừng đốt nương làm rẫy nên chúng tôi có một kiến nghị là giảm bớt lượng xuất khẩu gạo và lấy gạo xuất khẩu ở đồng bằng Sông Cửu Long mang lên miền núi nuôi dân để dân bảo vệ rừng… Nhưng mà chả ai nghe
-Giáo sư Tương Lai

Về giải pháp thứ hai, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều chuyên gia đã từng nghiên cứu cũng như đề nghị với Chính phủ Hà Nội từ những thập niên trước và đến nay các đề nghị này vẫn không được lắng nghe.

Giáo sư Tương Lai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam cho biết ông từng tham gia trong một nhóm nghiên cứu về Tây nguyên. Các chuyên gia đã nhìn thấy viễn cảnh hậu quả mà quốc gia phải gánh chịu do tình trạng phá rừng từ khi có chương trình “kinh tế mới” và dù người dân tộc thiểu số gắn bó mật thiết với rừng nhưng họ cũng bắt chước người Kinh phá rừng vì nhu cầu đời sống thường nhật. Giáo sư Tương Lai nói với RFA:

“Cách đây 30 năm, trong một đề tài nghiên cứu về Tây nguyên những năm 80. Lúc bấy giờ chúng tôi đi nghiên cứu và thấy rằng vì đồng bào ở Tây nguyên khổ quá, người ta phải phá rừng đốt nương làm rẫy nên chúng tôi có một kiến nghị là giảm bớt lượng xuất khẩu gạo và lấy gạo xuất khẩu ở đồng bằng Sông Cửu Long mang lên miền núi nuôi dân để dân bảo vệ rừng. Như vậy, rừng được bảo vệ, dân được no và đất nước sẽ được quản lý. Bởi vì phá rừng thì 30-50-100 năm sau, đất nước sẽ chịu thảm họa môi trường. Giấy tờ kiến nghị vẫn còn đây. Tôi đang còn giữ cuốn sách ‘Tây nguyên trên đường phát triển’, trong đó có kiến nghị của chúng tôi, nêu rất rõ, ký tên hẳn hoi. Nhưng mà chả ai nghe cả.”

Sau đợt lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 10, nhiều cư dân mạng lên tiếng kêu gọi đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần thiết tổ chức các hội thảo khoa học để giảm thiểu những thiệt hại về người và của trong mùa mưa lũ, như Facebooker Nguyễn Phước Anh Dũng, hiện làm việc tại trường Đại học Chulalongkorn University, Thái Lan chia sẻ đã từng nghiên cứu đề tài liên quan đến việc điều tiết xả lũ đập thủy điện một cách hiệu quả và ông sẵn sàng tham gia nếu Nhà nước Việt Nam cho phép; hay cư dân mạng Loi Phan, ở Đức lên tiếng sẽ quyên góp một tháng lương cho các nghiên cứu khoa học xoay quanh chủ đề “Xả lũ đập thủy điện, nguyên nhân, hậu quả và cách chống lại”.

Giáo sư Tương Lai cũng cho rằng rất cần tổ chức các hội thảo khoa học như thế, nhưng phải mời những chuyên gia tài giỏi và trung thực chứ không nên tổ chức mang tính chất hình thức với rất nhiều chuyên gia  đến tham  dự để phát biểu những điều ”bốc thơm” nhằm mục đích làm vừa lòng lãnh đạo mà thôi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-to-limit-the-right-process-deaths-in-flood-ha-10182017090933.html

 

Lũ Thanh Hóa: 700 tù nhân ‘cô lập nhưng an toàn’

Nhà chức trách tại Việt Nam bác bỏ tin ‘300 phạm nhân ‘chết vì lụt’ ở Thanh Hóa nhưng xác nhận có 700 tù nhân phải chuyển trại và bị cô lập nhưng an toàn.

Số phạm nhân này cũng được cung cấp thức ăn bằng ca-nô, theo giới chức Bộ Công an Việt Nam nói với báo chí hôm 18/10/2017.

Một trung tá từ Trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an được báo chí Việt Nam trích lời khẳng định “không có chuyện phạm nhân tại Trại tạm giam chết do mưa lũ”.

Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè

Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh

VN tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người

Trung tá Trịnh Dũng Tiến nói “đó là thông tin bịa đặt”, theo trang Người Lao Động.

Vẫn báo này đăng bài nói có tin trên một số tài khoản Facebook phê phán “công an đã không có kế hoạch di tản tù nhân và gia súc do tù nhân nuôi”.

Thông tin lan truyền nhanh trên mạng xã hội cáo buộc “700 tù nhân bị mắc kẹt trong những buồng giam ngập nước và hơn 4000 heo chết đuối trong chuồng”.

Cứu người không kịp cứu lợn?

Báo Việt Nam cũng trích lời giải thích của quan chức trại giam số 5, huyện Yên Định, Thanh Hóa là “do lực lượng chức năng phải lo cho sự an toàn của các phạm nhân nên không thể cứu được khoảng 4.000 con lợn”.

Số gia súc này, do trại giam liên kết chăn nuôi, đã bị chết đuối gần hết.

Các hình ảnh xác lợn trôi nổi đã được lưu truyền trên mạng xã hội và gây choáng cho rất nhiều bạn đọc.

Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình

Chương Mỹ: Ngàn hộ dân bị cô lập vì ngập lụt

Các báo Việt Nam cho hay đợt mưa lũ 9 – 13 tháng 10 làm vỡ đê sông Hép, huyện Yên Định, khiến nước tràn vào phía trong phân trại số 2 và 3 của Trại giam số 5 khiến 700 phạm nhân bị cô lập.

Sau khi chuyển họ lên một địa điểm khác và cử 100 cán bộ canh giữ, trại giam đã phải dùng ca-nô đưa thức ăn vào cho các phạm nhân.

Trong đợt mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam vừa qua đã có trên 80 người thiệt mạng, và sự tàn phá cho nhà cửa, tài sản, giao thông và hoa màu, gia súc rất lớn.

Thanh Hóa hiện đã đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có số lượng hộ nghèo lớn nhất Việt Nam năm 2016, bị thiệt hại nặng vì mưa lũ.

Báo Việt Nam hôm 17/10 cho hay cũng tại tỉnh này, “nhiều đoạn quốc lộ nứt toác sau mưa lũ, và có nơi bị sụt lún sâu gần hai mét, có nơi nước cuốn mất quá nửa mặt đường”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41670672

 

BBC thăm đoạn đê Bùi 2 có ‘sự cố’

Nước hiện đang chảy ngược từ khu vực dân cư ra phía bên kia đê sông Bùi ở đoạn thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ.

Nguyễn Hoàng của BBC được một số người dân địa phương cho biết đây là đoạn đê “tự lở”, và với tốc độ chảy như hiện nay thì có lẽ cần khoảng hai tuần nữa mức nước ở trong và ngoài đê mới cân bằng.

Một người dân nói tại khu vực ngập nước, ngoài nhà cửa, hoa màu còn có những diện tích nuôi cá, và tình trạng hiện nay khiến gia đình ông mất hết toàn bộ số cá nuôi, trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hôm 12/10, truyền thông trong nước đưa tin đê Bùi 2 bị vỡ.

Tuy nhiên, giới chức sau đó nhanh chóng nói đây là việc ‘vỡ có kế hoạch’.

Ông Đỗ Đức Thịnh, người đứng đầu Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội hôm 13/10 nói với các phóng viên rằng “người dân nhìn vào nói vỡ đê là chưa hẳn đúng”, trang Zing đưa tin.

“Chúng tôi đã chủ động đưa nước vào vùng bờ lũ của sông Bùi để đảm bảo an toàn cho đê tả Bùi,” ông Thịnh được Zing dẫn lời nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-41658071

 

Vai trò của nghiệp đoàn độc lập

trong công cuộc đòi quyền lợi công nhân

Nhiều cuộc đình công với qui mô từ hàng trăm đến hàng ngàn công nhân ở Việt Nam trong hai tháng vừa qua với mục đích đòi quyền lợi thoả đáng cho người làm việc được báo chí trong nước loan tin khá chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và kết quả.

Hướng dẫn “ngầm” của nghiệp đoàn độc lập

Chỉ trong hai tháng 9 và 10 đã xảy ra bốn cuộc đình công của công nhân, trong đó có ba vụ diễn ra ở miền Trung và một vụ ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Đó là công nhân của Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá; công nhân Công ty TNHH dệt may U World Sports Việt Nam đóng tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam; công nhân của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành đóng tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và công nhân Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tường thuật của báo chí trong nước cho thấy những vụ đình công này có những điểm khá tương đồng, về mục đích, hình thức diễn ra sự việc và kết quả. Hàng trăm ngàn công nhân của các nhà máy, xí nghiệp thực hiện việc đình công với mục đích đòi hỏi quyền lợi mà theo họ là chính đáng và đã có thoả thuận giữa ban giám đốc và người làm việc. Cũng có những nơi công nhân bức xúc vì những “quy định vô lý như “trường hợp nhà có người chết, tai nạn, ốm đau phải báo trước 3 ngày mới được nghỉ” (trường hợp công nhân của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành).

Cách thức diễn ra các vụ đình công qua ghi nhận của báo trong nước cho thấy đó là các công nhân đồng loạt ngưng tiến độ công việc và cùng tập trung ra trước hoặc sân, hoặc bãi đậu xe của nhà máy cho đến khi có những buổi đối thoại với lãnh đạo công ty.

Trả lời RFA tối thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt cho biết đó là những đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ông Đoàn Huy Chương cho biết những cuộc đình công này được “sự hướng dẫn của những người hiện nay còn giấu mặt”.

“Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hoà, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được.”

Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hoà, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được. – Đoàn Huy Chương

Nói rõ thêm về vai trò những “người dấu mặt” đã “hiện diện” trong các cuộc đình công, ông Đoàn Huy Chương cho biết :

“Những anh em trong nghiệp đoàn độc lập hướng dẫn cho những người đình công về các quyền lợi và luật để họ hiểu rằng đình công như thế nào để tránh sự đàn áp của chính quyền địa phương.”

Liên quan đến luật và quyền lợi, RFA đặt vấn đề với Thạc sĩ Luật Hoàng Việt, từ Sài Gòn, ông cho biết Bộ Luật Lao động của Việt Nam đã qua rất nhiều thời kỳ thay đổi và hiện tại là Bộ Luật 2012 với những điều lệ ông cho là khá tiến bộ. Tuy nhiên chỉ có một vấn đề duy nhất liên quan đến quyền đình công và các thủ tục đình công của công nhân.

“Cho đến nay ở Việt Nam chỉ có 1 tổ chức duy nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và dưới nó là các công đoàn được thành lập ở các công ty nhà máy xí nghiệp.

Trong Luật Lao động Việt Nam qui định là một cuộc đình công của công nhân phải do các công đoàn lãnh đạo thì mới được xem là hợp pháp.

Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả.”

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, có hai lý do cho điều này mà Việt Nam còn hạn chế, thứ nhất là do luật, thứ hai là do thực thi pháp luật.

Điều quan trọng hơn, theo nhận định của ông Hoàng Việt, “công đoàn không phải là đại diện cho giới lao động nhiều mà đại diện cho giới chủ nhiều hơn”.

Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả. – TS Hoàng Việt

Đồng ý với nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt, ông Đoàn Huy Chương đưa ra ý kiến về vai trò khác nhau của công đoàn nhà nước và nghiệp đoàn độc lập.

“Công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách chính đáng và dùng hết tâm huyết của mình để làm việc có lợi nhất cho người lao động.

Còn công đoàn nhà nước thì tuy rằng họ hưởng lương của công nhân, thêm vào đó họ hưởng lương của nhà nước vì công đoàn này do Đảng Cộng Sản lập ra, nên mọi việc họ đều theo sự hướng dẫn của Đảng Cộng sản, không bảo vệ người lao động.”

Thành công một nửa

Trở lại với những cuộc đình công lớn gần đây ở các tỉnh miền Trung cho thấy, bằng hình thức ngưng việc, chính những người công nhân đã đứng lên đòi quyền lợi chính đáng như đề nghị công ty tăng lương cơ bản cho phù hợp mức sống hiện tại; khi công nhân nghỉ ốm đau, có việc quan trọng đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần; không quá ép sản lượng đối với công nhân; đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho nữ công nhân…

Hoặc bắt buộc nhà máy, công ty phải chấm dứt những quy định như công nhân không được mang nhiều nước, thức ăn vào chỗ làm; những phụ nữ có thai cũng không được mang sữa vào để uống dặm, các nữ công nhân không được mặc áo khoác chống nắng để vào chỗ làm…

Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi. – TS Hoàng Việt

Những đòi hỏi này, theo ông Chương, tuy không được đáp ứng hoàn toàn, nhưng các nhà máy đã chấp nhận khoảng 50%.

“ Những nghiệp đoàn độc lập luôn luôn theo sát họ và luôn luôn hướng dẫn cho những người công nhân biết những gì nên đòi và những gì không nên đòi.

Đó tạm gọi là sự thành công của người công nhân.”

Bước kế tiếp?

Khi nói về những hoạt động nhằm để truyền tải cho người công nhân nhiều hơn nữa nhận thức về quyền lợi cho chính họ, ông Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA những kế hoạch trong tương lai.

“Sắp tới đây những công đoàn độc lập sẽ hướng dẫn cho người công nhân hiểu về cách đình công và đòi hỏi những quyền lợi của mình 1 cách hiệu quả, hướng dẫn cho họ những luật, chỉ dẫn cho họ luật quốc tế và những gì Việt Nam đã ký kết với quốc tế.”

Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định dựa trên khái niệm khá tổng quát về tổ chức xã hội dân sự, mà theo ông là một cách hiểu khác của nghiệp đoàn độc lập.

“Ở Việt Nam hiện giờ chưa có đủ điều kiện để phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi.”

Chia sẻ này khá tương đồng với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, trong một lần đề cập đến nghiệp đoàn độc lập với RFA, ông có ý kiến khá tích cực về tương lai của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam: “Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-role-of-independent-unions-in-labor-rights-10172017131405.html

 

Hà Tĩnh: Một người bị bắt vì Điều 79

Thông cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh nói bà Trần Thị Xuân bị bắt ngày 17/10 vì hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo văn bản của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh, bà Trần Thị Xuân, 41 tuổi, “bị bắt khẩn cấp theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.”

“Việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp bà Xuân đảm bảo đúng trình tự, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.”

Khởi tố LS Đài theo hai điều là ‘chưa có tiền lệ’

Việt Nam: Thêm một người bị bắt vì Điều 88

Bà Trần Thị Xuân ít được biết đến ngay cả trong giới hoạt động.

Một nguồn tin của BBC cho hay bà Xuân thường tham gia hoạt động của các linh mục ở miền Trung và có tham gia vụ biểu tình hàng ngàn người tại Ủy Ban Nhân Dân huyện Lộc Hà ở Hà Tĩnh hôm 3/4.

Sức nóng?

Hôm 18/10, trả lời BBC, một người quan sát, luật gia Nguyễn Đình Hà, thừa nhận ông không biết bà Trần Thị Xuân.

Tuy vậy, ông Hà cho rằng: “Thời gian gần đây, nhiều người liên tiếp bị bắt cũng với cáo buộc tương tự. Tôi cảm nhận thấy sức nóng của cuộc trấn áp của chính quyền đối với giới đối lập ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.”

“Nếu bắt những cá nhân hay đè bẹp các hội, nhóm có tiếng nói đối lập, phản biện, thúc đẩy dân chủ – nhân quyền, hay chỉ vì họ thực hiện đúng quyền hiến định thì chính quyền Việt Nam tiếp tục đi ngược lại cam kết, công ước quốc tế và Hiến pháp Việt Nam.”

Hôm 17/10, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) phát đi thông cáo nói họ mở chiến dịch StopTheCrackdownVN (Chấm dứt đàn áp quyền tự do thông tin tại Việt Nam) cùng với chín nhóm nhân quyền quốc tế khác.

Văn bản của tổ chức này đề cập đến trường hợp của sinh viên Phan Kim Khánh, 24 tuổi – người phải ra tòa hôm 25/10 và phải đối mặt với bản án lên đến 20 năm tù, theo Điều 88. Ngoài ra, hai trường hợp khác bị bắt gần đây là blogger Bùi Hiếu Võ và Đào Quang Thực (theo Điều 79).

Daniel Bastard, trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố: “Tại một quốc gia mà chính phủ đưa ra các chính sách kiểm duyệt các cơ quan truyền thông nhà nước, thông tin do Khánh, Võ và Thực cung cấp rõ ràng là vì lợi ích công chúng.”

“Việc cố gắng điều tra tham nhũng hoặc sai phạm môi trường không có nghĩa là họ đang tìm cách lật đổ chính phủ. Bộ Chính trị cần nhận ra điều đó. Với việc truy tố những người kể trên, Việt Nam đang mất dần uy tín, cả trong mắt của xã hội dân sự và trên trường quốc tế. “

Hồi tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 88, và các Điều 79, 87, 245 và 258 Bộ luật hình sự mà họ nói là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.

Thông cáo của Cao ủy nhân quyền cũng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho “toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41648304

 

Ông Hà Văn Thắm kháng cáo

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) hôm 18/10.

Trong đơn, ông Thắm xin tòa xem xét lại mức án chung thân cho tội Tham ô tài sản.

Ông Thắm cũng xin xem lại yêu cầu bồi thường hơn 800 tỷ đồng.

18 bị cáo khác, trong đó có cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn, đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tuyên hôm 29/9.

Bị cáo Hà Văn Thắm đã bị tuyên phạt tù chung thân về bốn tội danh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên tử hình, nhưng kháng cáo rằng mình không phạm tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Sơn chỉ thừa nhận đã phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) bị tuyên 17 năm tù, nhưng kháng cáo toàn bộ bản án.

Phiên sơ thẩm kéo dài một tháng, xử 51 bị cáo, liên quan vụ án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank.

Tòa nói ông Hà Văn Thắm phải bồi thường 847 tỉ đồng, Nguyễn Xuân Sơn bồi thường khoảng 200 tỉ đồng.

Có 34 bị cáo nguyên là giám đốc OceanBank các chi nhánh bị tuyên 18-36 tháng tù nhưng hưởng án treo.

Bàn tròn Điểm tin tức cuối tuần (từ 24-30/9/2017)

Vụ xử OceanBank: Các bị cáo ‘nói lời cuối’

Luật sư nói gì về ‘mắt xích’ PVN-OceanBank?

Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam

Tại phiên sơ thẩm, tòa cũng kiến nghị điều tra việc chỉ đạo PetroVietnam (PVN) gửi tiền vào OceanBank khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, PVN góp vốn vào OceanBank 800 tỉ đồng tính đến ngày 17/5/2011, tương đương 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Cùng với việc góp vốn, ông Nguyễn Xuân Sơn vốn là người của PVN được giới thiệu làm đại diện phần vốn góp của VPN.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41635723

 

Cơ quan chức năng triệu tập nhiều người

hỏi về vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài

Cựu tù chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.

Vào lúc 4:20 chiều ngày 18 tháng 10, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mà ông này chia sẻ sau buổi sáng làm việc với cơ quan chức năng:

“Họ hỏi về Hội Anh Em Dân Chủ và những hoạt động liên quan.”

Hiện nay có một số nhà hoạt động tại Việt Nam cũng bị cơ quan chức năng mời đi làm việc. Nội dung giấy mời như của ông Nguyễn Xuân Nghĩa ghi rõ làm việc liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài; trong khi đó có giấy như gửi cho nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng lại chỉ ghi là ‘vụ án’; khiến người nhận phải đặt nghi vấn và yêu cầu làm rõ.

Trong những bản tin bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân mà truyền thông trong nước loan đi vào ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam nhắc lại vụ việc vào ngày 30 tháng 7. Lúc đó Cơ quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An tiến hành khởi tố bị can đối với cựu tù chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Vào ngày 30 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ 4 cựu tù chính trị gồm ông Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo độc lập Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn.

Cả 4 người bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

Tại Nghệ An vào ngày 26 tháng 7, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt một nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, ông Lê Đình Lượng, cũng với cáo buộc tương tự.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activists-summoned-relating-to-the-subversion-case-10182017103810.html

 

Luật sư đã tiếp xúc Trịnh Xuân Thanh, ‘thân chủ vẫn khỏe’

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh đã tiếp xúc với ông Thanh trong trại giam và cho biết sức khỏe của ông bình thường.

Hôm 17/10, Luật sư Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày. Nữ luật sư Đức nói thân chủ của bà “bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn,” tại một nhà tù ở Hà Nội.

Luật sư người Đức không tiết lộ tên của luật sư đối tác tại Việt Nam, nhưng cho biết thêm rằng “tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường.”

Vào tháng 8, báo Pháp Luật nói Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã gia hạn thời gian tạm giữ hình sự đối với ông Thanh để phục vụ công tác điều tra.

Truyền thông Việt Nam vào đầu tháng 8 nói ông Thanh tự ra “đầu thú,” sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự.”

Bộ Ngoại giao Đức sau đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam trước đó, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Đức nói hành vi ‘bắt cóc trắng trợn’ tại Đức của an ninh Việt Nam là “không thể chấp nhận được,” và đã trục xuất ít nhất hai viên chức ngoại Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, hôm 22/9, Đức ra thông báo về việc “sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.”

Ông Thanh bị Việt Nam cáo buộc tội mắc sai phạm trong quản lý khi ông đứng đầu một công ty thành viên thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam, gây thiệt hại tới 150 triệu đôla. Ngoài ra ông còn bị các cáo buộc khác về tham ô.

Trước nguy cơ phải chịu án tử hình nếu bị kết tội, ông Thanh đã lặng lẽ biến mất từ tháng 7 năm ngoái. Người ta tin rằng ông đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Đức cáo buộc rằng một nhóm người có vũ trang đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông đang ở Đức và xin tị nạn, rồi đưa ông về Việt Nam.

Báo Taz của Đức hôm 16/10 nhận định rằng lý do thực sự của việc truy tố ông Trịnh Xuân Thanh là vì tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ báo này nói đó là cuộc đấu tranh của phe cải cách kinh tế do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu với phe ý thức hệ bảo thủ thân Trung Quốc, do Tổng bí thư Đảng 73 tuổi Nguyễn Phú Trọng lãnh đạọ. Ông Trọng được coi là một trong các nhà ý thức hệ bảo thủ được Trung Quốc hậu thuẫn.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-da-tiep-xuc-ong-trinh-xuan-thanh-ong-van-khoe/4075697.html