Tin Biển Đông – 18/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 18/10/2017

Hoàng Sa: Mỹ Thách Thức TC

Vi Anh

Không còn nghi ngờ gì nữa, chánh quyền Mỹ thời TT Trump, xông tới ở Biển Đông, thách thức chiến lược chiếm cứ biển đảo của TC, để bảo vệ tự do hàng hải quốc tế cũng là quyền lợi cốt lõi của Mỹ.
Vào ngày 10/10/2017, chiến hạm USS Chafee của Hải Quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là lần thứ tư của chánh quyền TT Trump cho Hải Quân tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, với chiến lược gọi là FONOPS, theo đó Mỹ và các nước đều có quyền cho tàu và máy bay đi đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Lần tuần tra này tuy tàu Mỹ chỉ di chuyển bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo trong khu vực quần đảo Hoàng sa. Nhưng TC phản ứng  quyết liệt, bằng những hành động trên hiện trường, lẫn trên bình diện ngoại giao.

Có lẽ TC kiếm chuyện chống đối mạnh mẽ để các nước nhược tiểu trong vùng lo sợ, lơ là với chuyến công du Á châu của TT Trump vào đầu tháng 11. Và có thể chuyến tuần tra của vùng biển đảo Hoàng sa, là vùng Quốc Hội TC đã ra pháp lịnh biến Hoàng sa thành huyện Tam sa, sáp nhập vào lãnh thổ TQ, tỉnh Hải Nam. Đây cũng có thể là chuyến tuần tra của Mỹ vào cạnh của tam giác chiến lược mà TC dùng để khống chế Biển Đông. Tam giác TC nối liền vùng bãi cạn Scarborough của Phi luật tân, Hoàng sa và Trường sa của VN mà bản đồ hình lưỡi bò của TC liếm gần hết rồi. Nhứt là từ khi TC chiếm lấy Hoàng sa sau cuộc tử chiến của Hải Quân VN Cộng hoà, chưa bao giờ CSVN có hành động tái chiếm trừ những lời tuyên bố chủ quyền sáo mòn bay theo gió biển.

Nên TC ngay ngày hôm sau là 11/10, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ đã «vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật lệ quốc tế có liên quan, phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc». Bà Oánh cũng cho biết là Bắc Kinh đã gởi công hàm cực lực phản đối đến Washington.

Còn ngoài hiện trường, khi Mỹ tuần tra, quân đội TC đã lập tức phái hộ tống hạm có trang bị hoả tiễn Hoàng San (Huangshan), thuộc lớp 054A, cùng hai chiến đấu cơ J-11B và một trực thăng Z-8 để ra nhận dạng và cảnh cáo tàu Mỹ, buộc phải rời khỏi khu vực. Hải quân TC vẫn tiếp tục tuần tra theo luật quốc tế về biển.

Thông tấn xã Anh Reuters  cho biết 3 giới chức cao cấp Mỹ đã nói rõ cuộc tuần tra này cũng nhằm thách thức các «yêu sách chủ quyền biển đảo thái quá».

Còn đài RFI của Pháp ngày 12-10-2017 thì nói “Tàu Mỹ gần Hoàng Sa: Trung Quốc phản ứng mạnh trước một thách thức nhẹ.”

Theo hãng Reuters, chiến dịch tuần tra lần này của chiến hạm Mỹ như vậy không mang tính chất «khiêu khích» mạnh như ba chuyến tuần tra gần đây, từ lúc tổng thống Donald Trump lên cầm quyền

tại Washington. Hãng tin Anh đã lồng điều này vào trong bối cảnh vào tháng 11 tới đây, ông Trump sẽ ghé Trung Quốc trong khuôn khổ vòng công du châu Á, và vẫn cần đến Bắc Kinh để giải quyết hồ sơ nguyên tử, hoả tiễn của  Bình Nhưỡng.

Các giới quan sát trong vùng đều nhận thấy qua chuyến tuần tra vào Hoàng sa là vùng TC đã thôn tính bằng luật của Quốc Hội là  hành động Mỹ khẳng định chủ trương tăng tốc các cuộc tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây không phải lần đầu mà đây là lần thứ tư trong vỏn vẹn năm tháng mà Hải Quân Mỹ cho thực hiện một chiến dịch như vậy, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với giới quan sát, không còn nghi ngờ gì cả: chính quyền Donald Trump đang khai triển hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.

Chỉ mới năm tháng từ sau khi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông được tái lập vào ngày 24 tháng Năm vừa qua, với khu trục hạm USS Dewey xâm nhập vùng 12 hải lý quanh Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, đã có thêm ba cuộc tuần tra được thực hiện: Ngày 02/07, tàu khu trục USS Stethem đã áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa; một tháng sau, ngày 10/08, đến lượt chiếc USS John S. McCain trở lại vùng Bãi Vành Khăn; và mới đây là chiến dịch tuần tra khu vực Hoàng Sa ngày 10/10 của chiếc USS Chafee.

So với thời TT Obama, thì rõ ràng là các chiến dịch tuần tra thời TT Trump mang tính đều đặn  và sâu sát hơn. Trung bình cách nhau từ một đến hai tháng, và  thường vào bên trong vùng 12 hải lý mà TC đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Thời TT Obama vỏn vẹn chỉ có 4 cuộc tuần tra từ tháng 10/2015 đến hết năm 2016. Tình trạng trồi sụt trong quan hệ Mỹ-Trung đã làm cho các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mất đi giá trị của một công cụ củng cố luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng của hoạt động này.

Một yếu tố khác đã được giới phân tích ghi nhận trong các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông thời tổng thống Trump: đó là các chiến dịch này là những cuộc tuần tra đích thực, với các chiến hạm thực hiện các hoạt động tập huấn hay diễn tập hải quân bình thường trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không «rón rén» áp dụng thủ tục qua lại vô hại như thời Obama.
Chuyến tuần tra của chiếc USS Chafee hôm 10/10 không tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông. Cho dù vậy, các quan chức Mỹ được hãng tin Anh trích dẫn vẫn xác định là chiếc tàu Mỹ đã có những hoạt động bình thường để thách thức các yêu sách chủ quyền thái quá của TC. TC yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho quần đảo Hoàng sa này, một điều không được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển  chấp nhận.

Bắc Kinh hiểu rất rõ mục tiêu của Mỹ, vì vậy, từ bộ Quốc Phòng cho đến bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh, các phát ngôn viên Trung Quốc đều đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Nhìn chung, cách tiếp cận Biển Đông của chính quyền Donald Trump có vẻ dứt khoát hơn thời Obama, nhưng về căn bản, lập trường Hoa Kỳ không hề thay đổi, vẫn không thiên vị bên nào, mà chỉ bảo vệ quyền tự do hàng hải./.(VA)

https://vietbao.com/p123a273349/hoang-sa-my-thach-thuc-tc