‘Trình độ lý luận chính trị’ dùng vào việc gì?
Trân Văn– VOA Blog
Tuần vừa qua, ba nhân vật chính của ba scandal từng làm dư luận tại Việt Nam rúng động cùng được xác định là… không đạt yêu cầu về “trình độ lý luận chính trị”.
Ngày 5 tháng 10, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ – cơ quan thay mặt Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng CSVN giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – loan báo đã hủy ba quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng. Theo đó, ông Hoàng, 27 tuổi không những không còn đảm trách vai trò Vụ phó Vụ Kinh tế của cơ quan này mà còn bị loại khỏi hệ thống công quyền, không được xem là công chức nữa.
Năm ngoái, ông Hoàng là nhân vật chính của scandal liên quan đến qui trình tuyển dụng – bổ nhiệm mà báo giới Việt Nam gọi là “thần tốc”, xảy ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Tháng 6 năm 2014, Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN đồng ý cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tuyển dụng ông Hoàng, lúc đó 24 tuổi và đang du học tại Bỉ vào làm “chuyên viên” tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Dù cư trú ở ngoại quốc nhưng tháng 1 năm 2016, ông Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế rồi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho phép ông Hoàng đến Nhật học tiến sĩ. Một tháng sau, Chủ tịch thành phố Cần Thơ có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ “xin” đích danh ông Hoàng về làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – Hội chợ triển lãm của Cần Thơ. Ông Hoàng ghé qua Cần Thơ nhận quyết định bổ nhiệm và… qua Nhật học tiếp!
Khi việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng “bục” ra, trở thành scandal, lúc đầu, ông Nguyễn Quốc Việt, một trong các Phó Ban của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định bằng văn bản, việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng là “đúng qui trình”. Sau đó, một Phó Ban khác của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, phát hành thông báo thu hồi văn bản mà đồng liêu đã ký vì việc ký – công bố văn bản, khẳng định việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng “đúng qui trình” là… “không đúng quy trình”. Kế đó chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định có nhiều “sai sót nghiêm trọng”. Trong những “sai sót” khiến việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định là “nghiêm trọng” có yếu tố ông Hoàng không hội đủ yêu cầu về… “trình độ lý luận chính trị”.
Lý do chính khiến ông Ngô Văn Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị “khiển trách” hồi cuối tháng vừa qua cũng liên quan tới tuyển dụng – bổ nhiệm nhân vật chính của một scandal khác (bà Trần Vũ Quỳnh Anh, 31 tuổi), khi đương sự không hội đủ yêu cầu về… “trình độ lý luận chính trị”.
Năm 2010, bà Anh, lúc đó 24 tuổi được tuyển vào vào làm tạp vụ cho Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Năm sau bà Anh đột nhiên được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng làm công chức mà không cần thi tuyển. Từ 2011 đến 2015, chỉ trong vòng bốn năm, bà Anh liên tục được cất nhắc rồi trở thành Trưởng phòng Quản lý nhà – Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa kiêm Đảng ủy viên của cơ quan này. Cũng trong năm 2015, bà Anh được quy hoạch để làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa… Dù lương chỉ có 6 triệu đồng/tháng nhưng bà Anh là chủ hàng chục biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng và sử dụng một chiếc Cadillac Escalade trị giá khoảng sáu tỉ.
Tháng 9 năm 2016, mạng xã hội rồi báo giới Việt Nam bắt đầu nêu nghi vấn, phải chăng bà Anh thăng tiến và giàu có bất thường vì bà có “quan hệ” với ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa (?). Bà Anh bỏ việc, mất tích, hồ sơ công chức của bà “không cánh mà bay”. Điều duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam có thể làm đối với bà Anh là đành để bà “tự ý bỏ việc”, tuyên bố khai trừ bà ra khỏi Đảng CSVN.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, người bị kẻ gian cuỗm mất 385 triệu đồng khi đang thanh tra 30 doanh nghiệp mà hoạt động có thể nguy hại cho môi trường ở Long An, hôm 26 tháng 9, cũng vừa bị đặt vấn đề về việc không hội đủ điều kiện về… “trình độ lý luận chính trị”.
Theo báo giới Việt Nam thì việc bổ nhiệm ông Quang trở thành đáng ngờ vì ông chưa có chúng chỉ “cao cấp lý luận chính trị”. Giống như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa, từng phân bua về trường hợp ông Hoàng, trường hợp bà Quỳnh Anh, đại diện Vụ Tổ chức của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng biện bạch, ông Quang là “trường hợp đặc biệt”, Tổng cục Môi trường đã gửi ông Quang đi học “cao cấp lý luận chính trị” nhưng vì “chỉ tiêu hàng năm rất ít nên ông Quang phải chờ”.
Đối với ba scandal vừa kể, “trình độ lý luận chính trị” rõ ràng là tuyệt chiêu dùng để kết liễu “sinh mạng chính trị” (triển vọng thăng tiến) những cá nhân “đặc biệt”.
***
Từ khi Đảng CSVN trở thành tổ chức chính trị lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam, “trình độ lý luận chính trị” đã trở thành yếu tố “để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch cán bộ, công chức theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Theo thời gian, “trình độ lý luận chính trị” được chia thành ba bậc: Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp với nhiều qui định hết sức rối rắm, từng bị xem là cản trở cải tổ hệ thống công quyền (chẳng hạn không thể bổ nhiệm những cá nhân được xem là có năng lực, triển vọng đóng góp cao vì không hội đủ tiêu chuẩn về “trình độ lý luận chính trị”).
Trừ những cá nhân tốt nghiệp các ngành: Triết học Mác Lênin, Kinh tế – chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Lịch sử Đảng CSVN, Tư tưởng – Văn hoá,… ở bậc đại học trở lên, những cá nhân còn lại bất kể học vị đều bị xem là chưa đủ “trình độ lý luận chính trị” mức cao cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc không đủ tiêu chuẩn để đảm nhận những vai trò như bí thư, trưởng công an cấp quận huyện, giám đốc các sở trở lên.
Cho đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vẫn là nơi độc quyền đào tạo “trình độ lý luận chính trị” mức cao cấp. Tuy BCH Trung ương Đảng CSVN chưa bao giờ công bố cả chi phí duy trì hoạt động lẫn chi phí đài thọ chuyện đi lại, ăn ở cho các cá nhận được gửi đến học viện này để theo học các khóa “cao cấp lý luận chính trị” (giảng dạy về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng CSVN, các vấn đề về chính trị và lãnh đạo,… kéo dài trong 18 tháng) nhưng chắc chắn hệ thống cồng kềnh (sáu phân viên, 17 viện, trung tâm nghiên cứu) ấy ngốn không ít tiền.
Năm ngoái, do những rối rắm và tốn kém mà yêu cầu về “trình độ lý luận chính trị” tạo ra, Thành ủy TP.HCM từng đề nghị Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN tổ chức các khóa “cao cấp lý luận chính trị” ngay tại Sài Gòn nhưng đại diện Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN từ chối vì qui định về học chính trị “rất ngặt nghèo”, phải dựa vào chức vụ để quyết định ai được học trung cấp, ai được học cao cấp để hội đủ tiêu chuẩn về “trình độ lý luận chính trị”.
***
Trước khi BCH Trung ương Đảng CSVN khóa 12 họp hội nghị lần thứ sáu (từ 4 tháng 10 đến 11 tháng 10), ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN, bảo rằng, kỳ vọng lớn nhất mà ông Hương đặt vào hội nghị này là “một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ” vì tham nhũng đã quá nghiêm trọng và dân chúng đã bất bình đến cực độ.
Ông Hương kể tên hàng loạt viên chức cao cấp do BCH Trung ương Đảng CSVN quản lý: Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM), Vũ Huy Hoàng (cựu Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, cựu Bộ trưởng Công Thương), Nguyễn Xuân Anh (cựu Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Trịnh Xuân Thanh (cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang),… nhân vật chính trong hàng loạt scandal và nêu thắc mắc, tại sao BCH Trung ương Đảng CSVN có hàng loạt ban (Tổ chức, Nội chính, Kiểm tra,…) mà không phát giác? Tại sao không có viên chức nào xin lỗi dân chúng, từ chức.
Ông Hương nhấn mạnh, ông chưa thấy quốc gia nào, bộ máy tổ chức – hành chính nào mà không có ai đứng ra nhận trách nhiệm trước những vụ tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Những Thăng, Hoàng, Xuân Anh, Thanh,… và các viên chức lãnh đạo cao cấp của cả Đảng CSVN lẫn nhà nước, quốc hội, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có “trình độ lý luận chính trị” ở mức cao cấp. Đối với những trường hợp dạng này, “trình độ lý luận chính trị” là công cụ thăng tiến. Mức độ cao, thấp của “trình độ lý luận chính trị” tương ứng với hậu quả. “Trình độ lý luận chính trị” càng cao thì tổn thất mà xã hội phải gánh chịu càng lớn. Bất kể thế nào thì “trình độ lý luận chính trị” vẫn là tiêu chí có tính bắt buộc trong sắp đặt, bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận của BCH Trung ương Đảng CSVN là một trong hai người vừa được các ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN bầu vào Ban Bí thư.