Sau thảm họa, các nạn nhân cần được giúp thế nào?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sau thảm họa, các nạn nhân cần được giúp thế nào?
Julissa TrevinoBBC Future
6 giờ trước
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Raquel Barrera cảm thấy buồn nôn. Cô bé không ăn hay ngủ gì cả.
“Cháu cũng cảm thấy chóng mặt nữa. Cháu hoảng sợ khi nghĩ rằng chuyện này sẽ xảy ra lần nữa,” em nói.
Trước đó một tuần, em Barrera, 12 tuổi, đã có mặt vào lúc trận động đất mạnh 7,1 độ richter khiến cho hàng trăm người chết và làm đổ sụp nhiều tòa nhà ở miền trung Mexico.
Vào lúc xảy ra động đất vào lúc hơn 1 giờ trưa vào ngày 19/9, Barrera đang ở trong lớp học. Mẹ của em, bà Eucevia Roma, đứng đợi ở ngoài để đón em.

Hành động kịp thời

Những triệu chứng mà em mắc phải – buồn nôn, mất ngủ và ăn không ngon – không cần phải chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, những ngày sau đó, ba mẹ em đã quyết định đưa em đi khám sau khi nghe nói rằng các bác sỹ đang khám cho các bệnh nhân bị thảm họa ảnh hưởng tại một tòa nhà chính phủ ở trung tâm Xochimilco, một trong những quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở thủ đô Mexico City.
Các bác sỹ đã chuyển em đến một chuyên gia tâm lý vốn nằm trong nhóm được triển khai để giúp đỡ các trẻ em và những người lớn đang đau buồn vượt qua được thảm họa.
Thông thường, đa phần những hỗ trợ về tâm lý mà các nạn nhân nhận được sau thảm họa nếu có là nhiều tháng sau khi thảm họa xảy ra và sau khi những nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng.
Nhưng Mexico đã có sự thay đổi khi mà giờ đây các tư vấn và các nhà tâm lý đã hành động kịp thời hơn để giúp đỡ người dân ngay lập tức. Hàng trăm chuyên gia tâm lý đã tiến hành tư vấn miễn phí từ những chỗ trú ẩn trong các tòa nhà chính phủ hoặc thông qua đường dây nóng chỉ vài giờ sau khi động đất xảy ra.
Nỗi kinh hoàng mà trận động đất gây ra đã ảnh hưởng đến rất nhiều người dân – không chỉ với những ai đã mất người thân mà còn những người đã được di tản khỏi các tòa nhà, những người lần đầu tiên trải qua động đất hay những người nhớ lại những tàn phá của trận động đất năm 1985 cũng như hàng trăm tình nguyện viên được huy động để tham gia nỗ lực cứu trợ.
Julissa TrevinoBản quyền hình ảnhJULISSA TREVINO
Thông thường sau khi thảm họa xảy ra, những người sống sót trải qua một quá trình từ không tin, sững sờ, không thể tập trung, phủ nhận, lo lắng, sợ hãi và cuối cùng là trầm cảm và đau buồn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên nếu có điều gì đó mà thế giới có thể học được từ thảm họa ở Mexico thì đó là sự can thiệp nhanh chóng để hỗ trợ tâm lý lập tức có lẽ là chìa khóa để giúp các nạn nhân vượt qua đau thương về lâu dài – nhất là đối với những em nhỏ như Barrera.

Rối loạn tâm lý

Ở nơi chỉ cách tòa nhà mà Barrera đến khám chỉ vài bước chân, cô bé đã gặp Adriana Chavez, nhà tâm lý thuộc Viện Phụ nữ Mexico City, một tổ chức chính phủ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và an toàn cho phụ nữ trong thành phố. Tổ chức đã đã dựng một mái lều ở đó để mỗi chuyên gia có thể gặp tư vấn từng nạn nhân động đất.
“Cô bé đang gặp phải những triệu chứng như căng thẳng sau chấn thương do hậu quả thiên tai,” Chavez cho biết. “Chúng tôi muốn mọi người hiểu những khái niệm này nghĩa là gì. Đó là lần đầu tiên Barrera trải qua một trận động đất cho nên tôi đã giải thích cho em hiểu động đất là như thế nào và những cảm xúc bình thường mà ai cũng trải qua sau thảm họa: hỗn độn, bàng hoàng, sợ hãi. Rốt cuộc, chúng tôi cùng trải qua sang chấn tâm lý.”
Sau khi gặp Chavez, Barrera đã cảm thấy dễ chịu hơn. “Cô ấy đã bảo cháu phải tránh xa những tin tức về động đất và chỉ cho cháu cách luyện tập hơi thở,” Barrera nói.
Julissa TrevinoBản quyền hình ảnhJULISSA TREVINO
Những trải nghiệm của cô bé 12 tuổi là điều bình thường của một người bị sang chấn tâm lý, Chavez cho biết và nói rằng đa phần đều trở lại bình thường vào tuần thứ hai. Nhưng nếu không được chữa trị thì những nạn nhân của thảm họa có thể bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương – một tình trạng có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm với những triệu chứng như hồi tưởng, tránh các cảm xúc, lo lắng hay trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy có đến 29% những người sống sót sau thảm họa phát chứng PTSD và họ có khả năng cao hơn rất nhiều sẽ bị rối loạn lo lắng hay rối loạn tình cảm suốt đời.
Một khảo sát trên người trưởng thành ở 75 khu tạm trú ở Mexico City sau trận động đất năm 1985 cho thấy 32% trong số họ mắc chứng PTSD và những nạn nhân trực tiếp của thảm họa cho biết họ giận dữ, trầm cảm và rối trí nhiều hơn.
Sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 1999, 17% những người sống sót nói rằng họ đã có ý nghĩ muốn tự sát.

Nạn nhân trẻ em

Cũng theo các nghiên cứu thì một vài ngày đầu tiên sau khi thảm họa xảy ra là khoảng thời gian các vấn đề tâm lý xuất hiện và cần được chữa trị.
Julissa TrevinoBản quyền hình ảnhJULISSA TREVINO
Ở phía bên kia thành phố ở khu Colonia Roma, Rosa Inez Borga, 27 tuổi, ngồi cùng với đứa con gái 4 tuổi của cô, Salma. Hai mẹ con cô sống trong khu trú ẩn dựng tạm sau khi được di tản khỏi nhà của họ. Vào lúc động đất xảy ra Salma đang ở nhà trẻ. “Cháu chỉ khóc,” cô bé nói. “Cô giáo bảo chúng cháu ngồi xuống và hát với chúng cháu.”
Borga cho biết một bác sỹ tâm lý đã đến gặp Salma – chủ yếu là chơi với cháu và kéo sự chú ý của cháu sang chuyện khác.
Không có quy tắc cố định về cách giao tiếp với trẻ bị ảnh hưởng bởi thảm họa, ông Fernando Alvarez, điều phối viên của một tổ chức tìm kiếm cứu nạn tình nguyện mà mọi người hay gọi là Topos, nói. “Đôi khi chỉ là chơi trò chơi, làm các hoạt động, vẽ. Tùy theo mỗi cháu mà sẽ có cách làm khác nhau,” ông cho biết.
Alvarez nói rằng không có tổ chức cứu trợ quốc tế nào khác hỗ trợ về tâm lý trong sứ mạng tìm kiếm cứu nạn của họ. Nhiều tổ chức chỉ đơn giản là không hề hỗ trợ tâm lý. Tuy nhiên những kiến thức và đào tạo về sơ cứu tâm lý ban đầu đang ngày càng được lưu tâm.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
“Chúng tôi đã nhận thấy rằng nếu chúng tôi giúp đỡ các em ngay từ đầu thì sẽ giúp cho các em tránh được các căng thẳng hậu chấn thương,” Alvarez nói. “Nếu các em được trợ giúp ngay lập tức thì các em sẽ hồi phục nhanh hơn, nhất là các em còn nhỏ.”

Hỗ trợ ban đầu

Ông cũng chỉ ra rằng việc trợ giúp tâm lý dự phòng sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều so với giải quyết các vấn đề tâm lý xảy ra sau này.
Một ngày sau động đất, sinh viên, giáo sư và cựu sinh viên tâm lý thuộc Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) đã tập hợp lại để tham công tác tình nguyện. Họ lập thành những đội thay ca đến thăm những trung tâm tạm trú và những khu vực thảm họa trên khắp thành phố.
“Hỗ trợ ban đầu của chúng tôi tập trung vào việc ổn định tâm lý và xác định xem làm cách nào để các nạn nhân có thể vượt qua những chấn thương tâm lý như thế này,” Silvia Morales, điều phối viên đào tạo và dịch vụ hỗ trợ tại khoa tâm lý của Đại học UNAM, cho biết. “Điều đó không dễ chút nào, nhất là khi họ bị thương hay mất người thân.”
Phương pháp hỗ trợ tâm lý ban đầu bao gồm một số cách để giúp cho nạn nhân vượt qua: tập thở chậm theo nhịp đếm từ một đến ba vốn giúp cơ thể thư giãn và giảm lo lắng; dẫn dắt bệnh nhân qua một tình huống tưởng tượng. Các nạn nhân cũng sẽ cảm thấy tốt hơn khi kể về những gì mà họ đã trải qua hay nỗi sợ của họ. Tuy nhiên phương pháp này cần sự giúp đỡ của chuyên gia do nó gây ra những tình cảm tiêu cực.
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân thảm họa cũng thay đổi tùy thời điểm, Morales cho biết. “Hỗ trợ tức thì sau thảm họa là để can thiệp khủng hoảng và giúp cho các nạn nhân hiểu được điều gì đã xảy ra. Sau đó sẽ là giai đoạn giúp họ kiểm soát cú sốc tâm lý, nỗi đau buồn và những cảm giác sau chấn thương khác.”

Nhân viên cứu trợ

Có khoảng 400 tình nguyện viên đã đăng ký tham gia hỗ trợ thông qua UNAM. Trường đại học này cũng lập hai đường dây nóng để trợ giúp với các tình nguyện viên làm việc ngày đêm. Francisco Martinez, người quản lý đường dây nóng, cho biết họ nhận được khoảng 100 cuộc gọi mỗi ngày.
“Chúng tôi nghe rất nhiều cuộc gọi từ những người đang gặp khủng hoảng. Họ lo lắng, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra,” Martinez nói. “Một số người cảm thấy như có sự rung rinh khi có một chiếc xe tải chạy ngang qua và nó khiến họ lo sợ. Giờ đây tất cả mọi thứ đều khiến họ quan tâm và đưa họ trở lại với trận động đất. Đó là nỗi sợ rằng họ sẽ không an toàn. Mục tiêu của chúng tôi là giúp họ bình tĩnh trở lại và giảm lo lắng.”
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Martinez cho biết phụ nữ gọi đến nhiều hơn nam giới bởi vì điều đó giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn. “Điều đó phần lớn là do văn hóa, truyền thống nhưng chúng tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi ở đây. Mục tiêu hỗ trợ của chúng tôi là như một cho dù đó là phụ nữ hay nam giới.”
Martinez cũng cho rằng một vấn đề cũng cần phải giải quyết là ổn định tâm lý cho các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ. Trong một nghiên cứu hồi năm 2007 tìm hiểu về tác động của thảm họa đối với những người phản ứng đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những người làm việc trong vùng thảm họa có tỷ lệ mắc chứng phản ứng căng thẳng cấp (ASD) và trầm cảm rất cao, cao hơn nhiều so với những đồng nghiệp của họ không tham gia cứu trợ trực tiếp.
Petra Gante, 41 tuổi, là một người dân ở Mexico City vẫn phải vật lộn với hậu quả tâm lý nhiều ngày sau trận động đất. “Tôi cảm thấy không được khỏe kể từ khi nó xảy ra,” Gante nói với BBC Future. “Đầu óc tôi căng thẳng. Tôi không thấy đói. Tôi đã chứng kiến mọi hỗn loạn, và điều này càng khiến tôi thêm lo lắng. Tôi cảm thấy sợ hãi khi ở nhà.”
Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Mặc dù gia đình cô vẫn bình an, cô nói cô luôn nghĩ về những gì có thể đã xảy ra. “Tôi bắt đầu nhớ về trận động đất hồi năm 85. “Xe cứu thương. Tiếng rền rĩ,” cô kể lại. “Lúc đó tôi mới chín tuổi. Tôi đã bắt đầu quên những ký ức đó, vậy mà trận động đất này lại khiến tôi nhớ lại thời khắc đó bởi vào lúc đó chúng tôi cũng mất điện và nước.”
Một tuần sau trận động đất, cuộc sống trong thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Nhiều trường học vẫn đóng cửa, các tình nguyện viên vẫn đang phân phát đồ cứu trợ và dọn dẹp các đống đổ nát.
Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trong những ngày đó mà Raquel Barrera nói em đã hồi phục, qua được những triệu chứng căng thẳng, rối loạn tâm lý. “Cháu đang tập theo cách được [Chavez] hướng dẫn,” em nói. “Phải mất vài ngày, nhưng cháu đã thấy ổn hơn.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.