Tin khắp nơi – 17/10/2017
Ông Jerome Powell có thể
sẽ là tân lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang
Ông Jerome Powell có thể lẽ sẽ làm chủ tịch kế tiếp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) – kết quả thăm dò của Reuters cho thấy một tỉ lệ đa số sít sao các nhà kinh tế cho ý kiến như vậy, mặc dù phần lớn nói rằng đương kim chủ tịch Fed, bà Janet Yellen sẽ là chọn lựa hợp lý nhất.
Chỉ hơn một nửa trong tổng số 40 kinh tế gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters diễn ra trong mấy ngày qua cho rằng Thống đốc Powell của Fed sẽ được Tổng thống Donald Trump đề cử làm chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang khi nhiệm ký bốn năm của bà Yellen chấm dứt vào ngày 1/2/2018.
Ông Powell, một luật sư và là cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư, đã làm ủy viên của Hội đồng Thống đốc Fed từ tháng 5/2012.
Nhà phân tích Ryan Sweet của Moody nhận định rằng: “Sự tiếp tục hợp lý nhất của chức lãnh đạo Fed sẽ là từ bà Yellen sang ông Powell. Trong bối cảnh chúng ta đang ở trong chu kỳ chặt chẽ, sự ổn định sẽ được thị trường tài chính hoan nghênh.”
Ông nói tiếp rằng: “Thay đổi chế độ quản lý có thể gây ra những giao động và làm cho thị trường lo lắng.”
Một chọn lựa thứ hai sau ông Powell có nhiều khả năng sẽ là ông Kevin Warsh, một cựu ủy viên của Hội đồng Thống đốc Fed trong thời kỳ khủng hoảng tài chánh. Ông Warsh được 13 phiếu dự đoán được đề cử. Bà Yellen chỉ nhận được 4 phiếu.
Trên danh sách chọn lựa, ngoài các nhân vật có nhiều tiềm năng được để cử nêu trên còn có ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Richard Davis, cựu lãnh đạo ngân hàng U.S. Bancorp, ông Glenn Hubbard của trường Columbia Business School, ông John Allison, cựu lãnh đạo ngân hàng BB&T và Giáo sư John Taylor của Đại học Stanford.
Khi được hỏi ai sẽ là chọn lựa thích hợp nhất, khoảng hai phần ba số các nhà kinh tế cho rằng Tổng thống Trump nên để cho bà Yellen tiếp tục lãnh đạo Fed, còn ông Powell đứng thứ hai, với 7 phiếu trong tổng số 37 phiếu.
Không có sự khác nhau rõ rệt nào giữa quan điểm quản lý của ông Powell và bà Yellen, và các nhà kinh tế dự đoán rằng ông Powell sẽ không thực hiện một sự thay đổi sâu rộng nào trong chính sách.
Tổng thống Trump cuối tháng trước nói rằng ông sẽ chọn chủ tịch Fed trong hai, ba tuần tới. Ông đã gặp gỡ với bốn ứng viên, nhưng chánh văn phòng của ông cho biết rằng ông chưa đưa ra một quyết định nào.
Hồi tháng 7, Tổng thống Trump nói ông có thể quyết định tái đề cử bà Yellen tiếp tục làm chủ tịch Feb nhiệm kỳ 4 năm kế tiếp, hoặc cũng có thể chuyển sang ông Cohn. Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ với ông Taylor vào thứ Tư 18/10 để bàn về chức vụ này.
Điều gì đưa các lãnh đạo trẻ lên nắm quyền?
Tại Áo, ông được gọi là “Wunderwuzzi” – có nghĩa “thần đồng” hay “thiên tài”.
Ở tuổi 31, lãnh đạo phái bảo thủ Sebastian Kurz trở thành Thủ tướng trẻ nhất châu Âu , sau khi đã làm thay da đổi thịt Đảng Nhân dân Áo.
Chẳng có điều gì là quá nhỏ đối với chính trị gia trẻ tuổi đầy tham vọng đang nhắm tới đỉnh cao quyền lực chính trị.
Năm 2011, ông Kurz chụp hình trên chiếc xe Jeep cho chiến dịch vận động “Màu đen là sành điệu” (Black is Cool) – khi màu đen là màu của Đảng Nhân dân Áo
Nhưng trong kỳ bầu cử này, khi mà ông là chắc chắn sẽ là người thắng cuộc, ông đổi màu của đảng thành xanh lam, một thay đổi thương hiệu lớn.
Màu mới này rõ ràng là có tác dụng. Nhưng còn những yếu tố nào đưa lớp chính trị gia trẻ tuổi đầy sức hút lên vị trí quyền lực trong những năm gần đây?
Macron lên án cuộc tấn công mạng ‘quy mô’
Thế hệ Macron hết nghĩ về VN qua HCM
Tham vọng ngất trời
Ông Kurz là nhà lãnh đạo trẻ mới nhất trên chính trường quốc tế làm rung chuyển hệ thống chính trị ở nước mình.
Trước đó, nước Pháp đã bầu Emmanuel Macron làm tổng thống khi ông chỉ mới ở tuổi 39. Macron làm một cuộc cách mạng chính trị bằng việc lập ra một đảng tự do mới, Đảng Cộng hòa Tiến bước (La République En Marche!). Chỉ vài tuần sau khi ông Macron thắng cử, đảng này giành chiến thắng lớn trong các kỳ bầu cử quốc hội.
Năm 2014, nước Ý có thủ tướng trẻ nhất – ông Matteo Renzi, khi đó cũng mới 39 tuổi. Cũng như Macron, ông chưa bao giờ làm trong quốc hội, và là một người chưa có kinh nghiệm trên chính trường.
Nước Estonia bé nhỏ cũng có “Wunderkind” riêng của mình. Tham vọng chính trị đã đưa Taavi Roivas lên giữ chức thủ tướng từ 2014 đến 2016 khi ông mới 38 tuổi.
Thành công của những nhà lãnh đạo trẻ này cho thấy cử tri tìm kiếm nhiều điều hơn là kinh nghiệm khi họ bầu chính trị gia của mình. Tuổi trẻ và sức hút đóng vai trò đáng kể, cũng như khả năng thuyết trình đầy thuyết phục khi tranh cử.
Có ý kiến lo ngại rằng trong thời đại số giờ đây, khi hình ảnh và mạng xã hội thống trị, hình thức thắng thế nội dung trên chính trường.
“Họ trông bảnh bao, nhưng họ có thực lực tương đương với hình thức không?” ông Kadri Liik, chuyên gia chính trị Estonia tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu đặt câu hỏi.
Thạo về truyền thông và năng chơi thể thao
Hình ảnh khoáng đạt của “thần đồng” Kurz thể hiện sự khôn ngoan của ông – ông nhận thấy người Áo trẻ đang mong mỏi có sự thay đổi chính trị.
Phong cách mặc áo mở khuy cổ và chải tóc vuốt ngược của Kurz đưa ra một hình ảnh trẻ trung – không như hình ảnh già cỗi của những chính trị gia Áo mặc những bộ vét xám.
Trang trọng nhưng thoải mái cũng là phong cách của Matteo Renzi, người từng có những bức ảnh mặc áo phông trắng và áo khoác da.
Bà Sophie Gaston, phó giám đốc Viện nghiên cứu Demos của Anh, cho rằng lớp lãnh đạo mới này “có chung hiểu biết về những thế mạnh cần thiết thời hiện đại khi đi vận động tranh cử – đặc biệt là thông thạo kỹ thuật số và mạng xã hội – và làm thế nào tận dụng mạng xã hội để kết nối trực tiếp với cử tri.”
“Điều này làm họ vượt trội so với giới chính trị tinh hoa ‘truyền thống’ ở các đảng chính thống.”
Các ông Kurz, Macron và Renzi đều nổi lên từ các cơ cấu đảng truyền thống, nhưng họ thuyết phục được các cử tri rằng họ là một làn gió mới và thực sự muốn thay đổi.
Đưa ra hình ảnh khỏe mạnh và năng chơi thể thao cũng góp phần cho thành công của những vị lãnh đạo này.
Trong chiến dịch bầu cử năm 2008, Barack Obama chơi bóng rổ khi chụp hình ở Indiana. Và khi đã lên tổng thống, ông thường xuyên chơi golf.
Nhiều vị lãnh đạo ngày nay có ảnh chụp khi họ đang chạy bộ, trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau, 45 tuổi.
Theo ông Robyn Urback, một phát thanh viên của hãng truyền thông Cadana CBC, không phải ngẫu nhiên mà nhiếp ảnh gia riêng của Trudeau chụp các kiểu ông đang chạy bộ có “một nhóm trẻ em đang chụp ảnh trên đường ven hồ” đứng đằng sau. Những bức ảnh này mang đến cảm giác “dễ chịu” cho người xem.
Tổng thống Macron thì chơi tennis trên xe lăn hồi tháng Sáu – một cơ hội chụp hình khó quên.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41652467
‘Dân chủ Trung Quốc làm lu mờ Phương Tây’
Trước Đại hội Đảng 19, dự kiến khai mạc ngày 18/10 này tại Bắc Kinh, trang Tân Hoa ca ngợi dân chủ đa đảng của Trung Quốc ‘làm lu mờ Phương Tây ‘.
Trang này, trong bài xã luận cũng nói Phương Tây ‘chìm trong khủng hoảng, hỗn loạn’ và cái gọi là nền dân chủ bên đó chỉ phục vụ các nhóm lợi ích, phân rẽ và chống phá nhau.
Trong khi đó, “nền dân chủ Trung Quốc” là minh chứng cho thấy hệ thống này đang là “tiêu chuẩn cho sự phát triển và tiến bộ”.
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
TQ sắp ‘sửa điều lệ Đảng’ và ‘bổ sung’ tư tưởng Tập Cận Bình
Việt Nam ‘cô độc trước Trung Quốc’
Giải mã chiến thuật ba bước của Trung Quốc
Bài “Enlightened Chinese democracy puts the West in the shade” hôm 17/10 trên xinhuanet.com nói Đại hội 19 là cơ hội để phân tích “tính xã hội chủ nghĩa độc đáo” của mô hình Trung Quốc.
Bài bình luận trên Tân Hoa Xã cho rằng đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt thành tựu ‘xã hội tiểu khang’ (Xiaokang), để chuẩn bị đánh dấu 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản (1921).
Đa đảng kiểu Trung Quốc
Nhưng điểm quan trọng nhất trong bài là sự thách thức trực diện dân chủ Phương Tây và đề cao mô hình “đa đảng kiểu Trung Quốc”.
“Khác với chính trị Phương Tây cạnh tranh nhưng đối đầu, Đảng CSTQ và các đảng không cộng sản hợp tác với nhau, cùng làm việc vì sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội, nỗ lực cải thiện mức sinh hoạt của người dân. Đây là mối quan hệ đem lại chính trị ổn định, xã hội hài hòa và đảm bảo chính sách hiệu quả và cách thực hiện.”
Hiện nay ngoài Đảng Cộng sản có 89 triệu đảng viên, Trung Quốc còn có tám đảng không cộng sản nhưng tuân thủ sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Một số vụ thanh trừng khét tiếng lịch sử
TQ: Hồng Vệ Binh kiểu mới – SV yêu nước
Bài báo tin rằng hệ thống Trung Quốc đem lại xã hội đoàn kết chứ không chia rẽ như tính chất đối nghịch nhau của dân chủ Phương Tây.
Bài cũng nói đến 100 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa, năm 2049, Giấc Mộng Trung Quốc ‘phục hưng quốc gia’ mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra sẽ hoàn tất.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41650385
Úc: cảnh báo nguy cơ ‘buông lỏng’ luật kiểm soát súng
Một trong những người thiết lập luật kiểm soát súng nghiêm ngặt tại Úc cảnh báo nguy cơ luật này đang bị buông lỏng.
Chính phủ Úc tiến hành cải cách luật sở hữu súng sau vụ 35 người thiệt mạng trong một vụ xả súng ở bang Tasmania năm 1996.
Một số người cho rằng Hoa Kỳ nên áp dụng luật tương tự sau vụ thảm sát tại Las Vegas mới đây.
Xả súng ở Mỹ: Tay súng đặt camera trong khách sạn
Bạn gái tay súng Las Vegas nói không biết gì về vụ tấn công
Tuy nhiên, Tim Fischer, cựu Phó thủ tướng Úc năm 1996, cho biết nước ông đang có nguy cơ “buông lỏng” luật kiểm soát súng.
Cảnh báo của ông được đưa ra sau khi có ý kiến cho rằng “các chủ sở hữu vũ khí hợp pháp” đang bị kiểm soát quá mức.
“Liệu chúng ta có muốn nhập khẩu các thuật ngữ của Hiệp hội Súng trường Quốc gia của Mỹ?” ông Fischer nói trên kênh ABC.
“Tôi chắc chắn sẽ phản đối điều đó.”
Úc cấm vũ khí tự động và bán tự động vào năm 1996 theo Thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc gia do cựu Thủ tướng John Howard, phe bảo thủ, đưa ra.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Tổ chức Kiểm soát súng cho thấy không có bang nào tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận này – dù những điều khoản quan trọng nhất của thỏa thuận được duy trì.
Ông Fischer nói dù luật kiểm soát súng đang “dần bị buông lỏng” nhưng luật này vẫn mạnh hơn nhiều nước và làm giảm số ca tử vong do súng tại Úc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41648302
Đại hội Đảng TQ ‘ít kịch tính’ hơn Đại hội 12 ở Việt Nam
Một nhà quan sát dự báo với BBC rằng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc ngày 18/10 sẽ ‘không kịch tính’ như Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ 12 hồi năm 2016.
Hôm 17/10, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói với BBC: “Nếu như so với Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ 12, có lẽ Đại hội lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra bình lặng, ít kịch tính hơn, dù cũng có đấu đá hoặc thanh trừng nội bộ trước sự kiện.”
“Người ta không thấy có sự ganh đua gay cấn như của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm ngoái.”
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Tiền chính phủ TQ tới Việt Nam bao nhiêu?
“Điều này có thể là do cơ cấu quyền lực của Trung Quốc trong thời Tập Cận Bình có sự tập trung cô đặc và dưới bàn tay đạo diễn của ông Tập, mọi sắp xếp nhân sự diễn ra êm thắm, không có bất đồng chống đối trong nội bộ.”
“Còn do ở Việt Nam cơ cấu quyền lực có sự phân tán hơn nên có những thách thức, cạnh tranh lẫn nhau dẫn tới kịch tính như trong Đại hội Đảng năm ngoái.”
‘Mua ảnh hưởng’
Ông Hiệp cũng nói thêm: “Về nhân sự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hà Nội sẽ quan tâm đến ai sẽ là người được đề bạt lần này và liệu có thay đổi gì về chính sách đối ngoại trong tương lai.”
“Hà Nội cũng quan tâm đến chính sách kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc vì đây là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và rút ra được các bài học từ nước láng giềng.”
Hà Nội cũng quan tâm đến chính sách kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc.Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ
“Nhưng có lẽ điều Hà Nội quan tâm nhiều nhất là chính sách của Trung Quốc về Biển Đông vì đang có quan ngại sau khi kết thúc Đại hội Đảng, ông Tập có thể củng cố quyền lực, Trung Quốc có lẽ sẽ trở lại chính sách xác quyết trước đây về Biển Đông và có những bước đi bất lợi cho Việt Nam.”
“Trong 5 năm qua từ khi ông Tập lên nắm quyền thì quan hệ Việt – Trung nhìn chung có xu hướng trở nên căng thẳng hơn so với thời ông Hồ Cẩm Đào. Và xu hướng này có thể tiếp tục duy trì trong 5 năm tới do vấn đề Biển Đông.”
“Trung Quốc muốn thiết lập vị thế và ảnh hưởng trong khu vực, trước khi vươn lên vai trò lớn hơn trên toàn cầu.”
“Do vậy, họ mua ảnh hưởng thông qua các hoạt động viện trợ, hợp tác kinh tế, đầu tư… Nhưng cũng có lo ngại rằng những chính sách tích cực của Bắc Kinh không đủ bù đắp lại những tiêu cực mà họ tạo ra tại Biển Đông.”
“Việt Nam tuy tích cực tham gia các hoạt động, ủng hộ sáng kiến hợp tác của Trung Quốc nhưng cũng tỏ ra cứng rắn khi bảo vệ lợi ích tại Biển Đông dẫn đến những va chạm căng thẳng như sự cố giàn khoan hồi năm 2014 và có những lo ngại sự cố này sẽ tái diễn.”
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung ở Hà Nội, nói ngắn gọn:
“Tôi không có bình luận gì về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chỉ nói rằng, cái gì có lợi cho họ thì họ làm thôi.”
“Nhìn chung thì Bắc Kinh luôn bảo vệ bá quyền của họ bằng mọi cách.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41648303
Thành phố Marawi được giải phóng khỏi IS
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 17 tháng 10 tuyên bố thành phố Marawi ở miền nam nước này được giải phóng khỏi các tay súng Thánh chiến Hồi giáo IS. Mặc dù Quân đội nước này nói vẫn còn từ 20 đến 30 phiến quân nổi dậy còn cầm giữ chừng 20 con tin và tiếp tục chiến đấu.
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố thành phố Marawi được giải phóng của ông Duterte khi phát biểu với binh lính nước này một ngày sau khi có tin hai chỉ huy liên minh nổi dậy bị hạ sát.
Cũng theo lời ông, ông sẽ không để các tay súng tàng trữ nhiều vũ khí, Marawi đã được tự do và đã đến lúc hàn gắn các vết thương và xây dựng lại thành phố.
Đợt chiếm đóng kéo dài gần 150 ngày thành phố Marawi tại miền nam Philippines được cho là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất tại đất nước có số đông tín đồ Công giáo này.
Vùng núi non, rừng rậm và biên giới dễ thâm nhập gây quan ngại đảo Mindanao ở miền nam Philippines có thể trở thành nơi thu hút những tay súng IS bị truy đuổi khỏi Iraq và Syria.
Hôm ngày 16 tháng 10, Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute ở miền Nam Philippines nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã đặc biệt của Mỹ, bị tiêu diệt trong một trận chiến của quân đội Philippines nhằm chiếm lại thành phố Marawi từ tay phiến quân.
Hoa Kỳ không loại trừ đối thoại với Bắc Hàn
Hoa Kỳ không loại trừ việc có thể nói chuyện trực tiếp với Bắc Hàn, tiếp tục mong muốn sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng do Bình Nhưỡng gây nên ở bán đảo Triều Tiên, nhưng đồng thời Washington cùng hai đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản vẫn phải sửa soạn để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Đó là nội dung phát biểu được ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ John Sullivan đưa ra trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 17 tháng 10, sau khi thảo luận với các viên chức cao cấp Nhật Bản về chính sách chung cần thực hiện để đối phó với Bắc Hàn.
Ý kiến thảo luận trực tiếp với Bình Nhưỡng để giải quyết căng thẳng đang xảy ra là điều Trung Quốc thường xuyên nói tới, nhưng theo quan điểm của Hoa Kỳ, đối thoại trực tiếp chỉ diễn ra với diều kiện Bắc Hàn phải ngưng theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Việc Hoa Kỳ vẫn không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn được nói tới chỉ ít giờ sau khi chính phủ Bình Nhưỡng lên tiếng cảnh báo các nước không nên hợp tác quân sự với Mỹ để chống lại họ.
Cảnh báo được Phó Đại Sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc Kim In Ryong đưa ra ngày hôm qua ở New York, trong một cuộc hội thảo về võ khí hạt nhân do Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Phó Đại Sứ Bắc Hàn nói rõ là chính phủ nước ông không sử dụng hay đe dọa sử dụng võ khí hạt nhân với những nước không tham gia hoạt động quân sự chung với Mỹ để chống lại Bắc Hàn.
Trong bài phát biểu, Phó Đại Sứ Bắc Hàn cũng nói rằng tình hình bán đảo Triều Tiên nghiêm trọng tới mức cả thế giới phải quan tâm tới, và một cuộc chiến hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bảo thêm rằng Bình Nhưỡng không bao giờ đặt chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ lên bàn đàm phán.
Bài bình luận do thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn phổ biến ngày 17 tháng 140 nói thêm rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đối phó với mọi sức ép của Mỹ, từ sức ép cấm vận cho đến quân sự. Bài bình luận viết thêm là Bắc Hàn luôn sẵn sàng sử dụng sức mạnh võ khí hạt nhân để bảo vệ sự sống còn của họ.
Trước cảnh báo của Bắc Hàn về một cuộc chiến hạt nhân, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng không một nước nào có lợi khi chiến tranh xảy ra, vì thế Trung Quốc kêu gọi tất cả những nước liên quan phải bình tĩnh, tìm cách giảm bớt mức độ căng thẳng.
Tại Tokyo, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama cho báo chí biết rằng Nhật ủng hộ chính sách Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đang thi hành đối với Bắc Hàn, nhưng Nhật cũng mong muốn thấy vấn đề sẽ được giải quyết bằng dường lối ngoại giao, với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga.
Tổng Thống Trump từng nhiều lần nói là tất cả mọi giải pháp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đều được đặt trên bàn của ông, kể cả giải pháp quân sự. Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng từng nói nếu Bắc Hàn tấn công Hoa Kỳ hay tấn công hai nước đồng mình của Mỹ là Nhật Bản và Nam Hàn, lúc đó ông sẽ ra lệnh trả đũa bằng sức mạnh thế giới chưa từng thấy.
Ông Trump cũng từng lên tiếng đe dọa sẽ tiêu diệt Bắc Hàn, và tỏ ý cho thấy quân sự là giải pháp duy nhất để giải quyết căng thẳng do Bình Nhưỡng gây nên.
Mỹ trung lập trong cuộc đụng độ Iraq-Kurd
Hoa Kỳ, nước đang hỗ trợ các lực lượng Iraq và giúp huấn luyện chiến binh người Kurd, kêu gọi các bên hãy bình tĩnh trong cuộc đôi co về thành phố Kirkuk. Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai 16/10 tuyên bố Washington sẽ “không đứng về phía nào” trong cuộc đụng độ này. Từ Ngũ Giác Đài, thông tín viên Carla Babb của VOA tường trình thêm chi tiết.
Cuộc khẩu chiến đầy căng thẳng và các cuộc trưng cầu dân ý đã bùng phát thành một cuộc xung đột giữa hai đồng minh của Mỹ ở bắc Iraq: người Kurd và lực lượng an ninh Iraq, đang đụng độ chung quanh thành phố Kirkuk.
Theo một phóng viên của VOA có mặt ở Iraq, các đơn vị quân sự hỗn hợp được Iran hậu thuẫn hôm 15/10 đã rút ra khỏi phía nam Kirkuk vài km, cho phép một số đơn vị an ninh Iraq tiến vào trám chỗ. Ít nhất đã nổ ra một cuộc giao tranh qua đêm giữa chiến binh Peshmerga người Kurd và các lực lượng Iraq. Các giới chức Mỹ nói các chiến binh chống khủng bố Iraq đã tiến vào căn cứ không quân K1 của thành phố Kirkuk và nắm quyền kiểm soát khu vực này.
Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway, nói:
“Giữa lúc lực lượng an ninh Iraq xông lên, chúng ta hầu như chứng kiến một cuộc rút lui có phối hợp của lực lượng Peshmerga ra khỏi những khu vực nơi mà các đơn vị Iraq đã có mặt. Có một vài tiếng súng lẻ tẻ vào sáng hôm nay, nhưng chúng tôi xem đó như một sự cố đơn lẻ.”
Trong khi các quân xa của Iraq đang diễu hành mừng chiến thắng chung quanh thành phố, các giới chức Mỹ khẩn khoản cả hai bên nên duy trì hòa bình, và tập trung vào cuộc chiến hầu tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo – IS, đẩy bật chúng ra khỏi đất nước, thay vì quay sang kình chống nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:
“Chúng tôi không đứng về bên nào, nhưng chúng tôi không thích việc hai bên đụng độ.”
Các binh sĩ Mỹ hợp tác với cả lực lượng Iraq và Peshmerga và có mặt trong khu vực gần thành phố Kirkuk. Các giới chức Mỹ xác nhận rằng lực lượng Iraq tiến vào thành phố Kirkuk mới đây là lực lượng do quân đội Mỹ huấn luyện và trang bị.
https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-lap-trong-cuoc-dung-do-iraq-kurd/4073813.html
Nhà Nước Hồi giáo bị đánh bại tại cứ địa Raqqa
Các lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết họ đã chiếm được các khu vực cuối cùng còn lại của thành phố Raqqa của Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo – IS.
Nói chuyện với báo chí, một phát ngôn viên của lực lượng SDF, một lưc lượng gồm các dân quân người Kurd và người Ả Rập, cho hay các cuộc giao tranh ở thành phố Raqqa đã kết thúc. Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cũng loan báo thành phố Raqqa đã được giải phóng.
Các chiến binh của lực lượng SDF xông vào một sân vận động, nơi từng là căn cứ cuối cùng của IS trong thành phố. Trước đó SDF đã chiếm được một bệnh viện, được IS dùng làm trung tâm chỉ huy.
Cuộc tấn công nhằm đẩy bật phiến quân Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Raqqa đã bắt đầu hồi tháng 6, chiến dịch này được sự yểm trợ của máy bay không kích và các lực lượng khác của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hỗ trợ.
Phát ngôn viên của lực lượng liên minh, Đại uý Ryan Dillon, nói trên trang Twitter rằng 90% thành phố Raqqa đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng SDF.
Raqqa được coi như thủ đô trên thực tế của IS, nơi lên kế hoạch để thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài, đây cũng là nơi quân IS ăn mừng chiến thắng đạt được ở Iraq và Syria, và cũng là à nơi họ thực hiện các vụ hành quyết.
Nhà nước Hồi giáo vẫn kiểm soát các khu vực quanh thành phố Deir el-Zour và ở phía nam thung lũng sông Euphrates.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-nuoc-hoi-giao-bi-danh-bai-tai-cu-dia-raqqa/4073675.html
‘Cuộc chiến’ về lệnh cấm du hành của Trump vẫn tiếp diễn
Một thẩm phán Mỹ đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các luật sư đại diện những tổ chức người tị nạn và những người bênh vực di dân tìm cách lật ngược chính sách gần đây nhất của chính quyền ông Trump cấm công dân của một số nước không được vào Mỹ.
Thẩm phán liên bang Theodore Chuang ở Maryland ngày 16/10 nghe tranh cãi bênh vực và chống lại lệnh cấm mới của Tổng thống Donald Trump được loan báo ngày 24/9 và có hiệu lực vào ngày 18/10.
Lệnh này hạn chế vô hạn định những người Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad và Triều Tiên đến Mỹ. Một vài giới chức chính phủ Venezuela cũng bị cấm.
Tất cả các nước này, trừ Chad, Triều Tiên và Venezuela, đều có tên trong hai danh sách đầu tiên cấm đến Mỹ mà những người chống ông Trump nói là một nỗ lực được nhẹ nhàng che đậy để hoàn tất lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump là “hoàn toàn cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ.”
Thẩm phán Chuang bác bỏ lệnh cấm trước đây của ông Trump. Lệnh này đã được Tối cao Pháp viện Mỹ phục hồi một phần vào tháng 6 năm nay.
Tòa án nghe tranh luận về việc có nên ngăn chận thi hành lệnh cấm từ 3 vụ kiện chồng chéo nhau do Dự án Trợ giúp Người tị nạn Quốc tế, Liên minh người Iran qua biên giới, Hoạt động Quan hệ Hoa Kỳ-Hồi Giáo và những tổ chức khác khởi kiện hay không. Luật sư của những tổ chức phải trả lời chất vấn của thẩm phán Chuang.
Ông Omar Jadwat, luật sư của Liên minh các quyền Tự do dân sự Hoa Kỳ, cho rằng văn bản mới “là một văn bản lớn hơn, khắc nghiệt hơn của cùng một lệnh cấm” mà ông Trump mong muốn trước đây.
Những tổ chức này nói các biện pháp của ông Trump vi hiến vì kỳ thị Hồi Giáo và cũng vi phạm luật di trú cấm dựa vào quốc tịch để ngăn cản vào Mỹ.
Ông Trump cho rằng những hạn chế này cần thiết để thắt chặt an ninh và ngăn ngừa những cuộc tấn công khủng bố.
Lệnh cấm thứ ba được đưa ra dưới hình thức thông cáo của Tổng thống sau khi chính phủ tiến hành rà soát lại việc chia sẻ thông tin và các thủ tục kiểm tra an ninh của các nước trên toàn thế giới. Các chuyên gia về luật pháp nói những hạn chế mới chắc chắn có những căn bản vững chắc hơn vì có nhiều tiến trình liên hệ đến nhiều cơ quan hơn.
Thẩm phán Chuang nói ông sẽ quyết định sau về việc có cho phép những người khởi kiện yêu cầu xét lại lệnh cấm hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chien-ve-lenh-cam-du-hanh-cua-trump-van-tiep-dien/4073432.html
Kẻ đánh bom New York đối mặt với tù chung thân
Người đàn ông bị cáo buộc đặt hai quả bom tại New York làm 30 người bị thương vào tháng 9 năm ngoái bị tòa kết tội ngày 16/10.
Ahmad Khan Rahimi, 29 tuổi, cư ngụ tại Elizabeth, New Jersey, đang đối mặt với bản án tối đa là tù chung thân vì sử dụng vũ khí giết người hàng loạt và đánh bom nơi công cộng.
Trong một thông báo của Bộ Tư pháp, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Dana Boente nói phán quyết này là một bước quan trọng trong việc qui trách nhiệm cho Rahimi về các tội của bị can.
Rahimi bị cáo buộc lấy cảm hứng từ Nhà nước Hồi Giáo và Al-Qaida, cài đặt và cho nổ bom trên đường phố Chelsea, trung tâm New York, và tại New Jersey, với ý định sát hại và làm bị thương càng nhiều người vô tội càng tốt.
Luật sư biện hộ cho biết sẽ kháng án, sau hai tuần lễ xét xử.
Tuy nhiên các công tố viên nói có những chứng cứ quá rõ ràng chống lại Rahimi trong đó có dấu tay và DNA trên các quả bom và những video theo dõi suốt đêm hành động của can phạm.
Một quả bom nổ tại khu vực Chelsea ở New York vào ngày 17/9/2016. Rahimi bị cáo buộc đặt một quả bom thứ hai gần một cuộc chạy đua từ thiện của Thủy quân lục chiến ở Công viên Seaside, New York, ngày 17/9. Quả bom này phát nổ khi toán đặc nhiệm đang nỗ lực tháo bom.
https://www.voatiengviet.com/a/ke-danh-bom-new-york-doi-mat-voi-tu-chung-than/4073416.html
Trump: Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể chấm dứt
Bất chấp tranh cãi từ Châu Âu và từ các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thỏa thuận này có thể bị kết thúc.
Từ trụ sở EU ở Brussels hôm 16/10, Đại diện Ngoại giao EU, Federica Mogherini, một lần nữa khẳng định Châu Âu vẫn hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là JCPOA.
Bà nói loan báo của ông Trump tuần rồi xem như là một vấn đề chính trị nội địa.
“Liên hiệp Châu Âu khuyến khích Mỹ duy trì cam kết với thỏa thuận JCPOA và cân nhắc những điều liên quan tới an ninh cho nước Mỹ, các đối tác và khu vực trước khi có thêm những bước kế tiếp. Dù EU bày tỏ quan ngại liên quan đến phi đạn đạn đạo và căng thẳng leo thang ở khu vực, nhưng Châu Âu tái khẳng định cần phải giải quyết những vấn đề này bên ngoài hiệp ước JCPOA và bằng các thể thức thích hợp.”
Phát biểu tại cuộc họp nội các từ Tòa Bạch Ốc hôm 16/10, ông Trump nói thỏa thuận hạt nhân Iran đang được xem xét hết sức cẩn trọng:
“Quý vị biết đấy, chúng tôi đang điều nghiên thỏa thuận hạt nhân Iran. Tôi nghĩ nhiều người đồng tình với chuyện tôi làm. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những gì tôi đã làm. Tôi chán cảnh đất nước này bị lợi dụng. Nói thật nhé, đất nước này đã bị lợi dụng trong rất nhiều năm, nhiều thập kỷ, và tôi chán nhìn thấy cảnh đó. Thỏa thuận hạt nhân Iran là điều tôi cảm thấy cần phải làm. Chúng ta sẽ thấy giai đoạn hai ra sao. Giai đoạn hai có thể là tích cực, có thể hết sức tiêu cực, có thể là một sự kết thúc hoàn toàn. Khả năng đó hết sức xác thực, có thể nói là có nhiều khả năng như thế.”
Sau tuyên bố hôm thứ sáu rằng sẽ không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran nữa, Tổng thống Trump trao cho Quốc hội quyết định có nên hay không tái áp đặt các trừng phạt kinh tế với Iran vốn có từ trước khi Mỹ, Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Nga, và Trung Quốc đạt được thỏa thuận 2015 với Iran.
Đại diện Ngoại giao EU loan báo tháng sau sẽ tới Washington để thảo luận về quyết định của ông Trump.
Châu Âu và các nước còn lại trong thỏa thuận, không nước nào đồng ý với quan điểm phản đối của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-thoa-thuan-hat-nhan-iran-co-the-bi-cham-dut-/4073013.html
Mỹ-Hàn tập trận chung, Trung Quốc kêu gọi tự chế
Có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, các nhà phân tích cảnh báo.
Trung Quốc ngày 16/10 kêu gọi tự chế trên bán đảo Triều Tiên khi Hàn quốc và Hoa Kỳ bắt đầu 5 ngày tập trận hải quân trong vùng biển kế cận.
Cuộc tập trận trùng hợp với một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10, và các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể xem cuộc tập trận này là một cử chỉ không thân thiện.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 40 chiến hạm của cả hai nước, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, sẽ tham gia các cuộc diễn tập ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để đáp ứng trước những đe dọa của chương trình hạt nhân và phi đạn Triều Tiên.
Bắc Kinh cảnh báo là căng thẳng tiếp tục tại bán đảo Triều Tiên không có lợi cho bên nào cả.
“Chúng tôi hy vọng là tất cả các bên liên hệ có thể tự chế và làm việc để tình hình hiện tại giảm bớt căng thẳng và tái tục đối thoại,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Cuộc tập trận, chấm dứt vào ngày 21/10 bắt đầu 2 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc để chọn lãnh đạo kế tiếp trong năm năm tới.
Những cuộc tập trận này diễn ra không chỉ tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên mà còn ở phần phía Tây mà Trung Quốc gọi là Hoàng Hải.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Cát Lâm, ông Wang Sheng, nói cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể là một cách gây áp lực đối với Trung Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Nếu như vậy, cuộc tập trận này sẽ có ảnh hưởng ngược.
Trong năm 2010, Trung Quốc phản đối cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sau khi hộ tống hạm Cheonan bị đánh chìm mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Bắc Kinh im lặng không phản đối những cuộc tập trận tương tự diễn ra cách đây 1 năm.
Triều Tiên gọi những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là “diễn tập chiến tranh.”
Các nhà phân tích Trung Quốc nói có nhiều khả năng Triều Tiên có thể xem cuộc tập trận tuần này là cơ sở để thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa.
Các nhà lập pháp Nga trở về sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng trước đây trong tháng cho hay Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm phi đạn tầm xa có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ.
Thêm vào đó, các giới chức tình báo và các nhà phân tích Hàn Quốc nói Triều Tiên có thể cố ý thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn trùng hợp với Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc.
“Bình Nhưỡng có lịch sử thực hiện các vụ thử nghiệm khi Trung Quốc đang tổ chức một sự kiện quan trọng để bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc hiện đang cộng tác với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế để làm áp lực lên Triều Tiên,” ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán nói. “Do đó lần này căng thẳng sẽ rất cao.”
(Nguồn SCMP/The Korea Times online)
https://www.voatiengviet.com/a/my-han-tap-tran-chung-trung-quoc-keu-goi-tu-che/4073021.html
California vật lộn với bão lửa
Dân sơ tán thuộc một số quận hạt ở California được phép trở về nhà, lực lượng chữa cháy cho biết đã có bước đột phá trong công tác dập tắt các đám cháy rừng hoành hành tiểu bang này.
Một phát ngôn nhân của Cơ quan Bảo vệ rừng và Phòng cháy Chữa Cháy California ngày 15/10 cho biết một số đám cháy đã được khống chế trên dưới 60%.
Số cư dân được lệnh sơ tán giảm từ gần 100 ngàn xuống còn 75 ngàn, một ngày trước đó.
Bà Cristina Schott, cư dân Napa, bang California, cho biết:
“Khi gió lùa về, lửa bốc cháy như một trận hỏa sóng thần, như một quả cầu lửa, gió rất mạnh.”
Bà Tammy, cư dân Santa Rosa, bang California, tiếp lời:
“Mỗi một người bạn của tôi sống gần đây, sống ở đây 29 năm trời, đều trở thành vô gia cư. Không một người nào trong số đó tìm được chỗ ở, không người nào. Một trong những người bạn của chúng tôi sống ở cuối phố, ông ấy 98 tuổi rồi, vợ 92 tuổi, họ sống ở đây 60 năm rồi, và bây giờ họ lâm cảnh màn trời chiếu đất.”
Các đội cứu hỏa khắp tiểu bang vẫn đang vật lộn với cơn bão lửa. Số tử vong tính tới ngày 14/10 ít nhất là 40 người. Ít nhất 16 đám cháy. Một mặt của vành đai lửa lan rộng 160 cây số vuông, phá hủy 5700 nhà cửa và cơ sở kinh doanh.
Những đợt gió Santa Ana khô và mạnh từ trên núi thổi xuống dịp cuối hè, đầu thu càng khiến cho lửa lây lan nhanh chóng.
Hơn 9 ngàn người đang tham gia chữa cháy, kể cả nhân viên cứa hỏa địa phương và hàng ngàn tình nguyện viên đổ về khu vực này trong mấy ngày nay.
https://www.voatiengviet.com/a/california-vat-lon-voi-bao-lua-/4073010.html
Triều Tiên: Chớ theo Mỹ nếu không muốn bị trả đũa
Triều Tiên khuyến cáo các nước tại Liên hiệp quốc ngày 16/10 rằng chớ có tham gia với Mỹ trong các hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng nếu không muốn bị trả đũa.
Thông cáo này có trong bài diễn văn soạn sẵn của phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, Kim In Ryong, để thảo luận về võ khí hạt nhân tại một ủy ban của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nhưng ông Kim đã không đọc to đoạn văn này lên.
“Miễn một nước không tham gia vào các hành động quân sự của Mỹ chống lại Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng hay đe dọa dùng võ khí hạt nhân chống lại bất kỳ nước nào khác,” theo văn bản soạn sẵn của ông Kim.
“Toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng tôi và nếu Mỹ dám xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi dù chỉ là một li, Mỹ khó lòng thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề của chúng tôi tại bất kỳ nơi nào trên thế giới,” thông cáo nói.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ngày 16/10 tuyên bố với ủy ban của Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng “Trừ phi chính sách thù nghịch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ được xóa sổ hoàn toàn, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt vấn đề võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của chúng tôi lên bàn thương lượng dưới bất kỳ trường hợp nào.”
Trong một diễn tiến liên quan, cùng ngày 16/10, Mỹ và Nhật nhất trí hợp tác chặt chẽ trong các biện pháp chế tài Triều Tiên, theo loan báo của Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Nhật, Taro Aso.
Theo Reuters
Sau bão Texas tới cháy rừng California
Theo Sở Cứu hỏa Anaheim, một thị trấn với khu giải trí Disneyland nổi tiếng gần Quận Cam, lửa bốc cháy vào sáng ngày thứ Hai 9 tháng 10 tại khu đồi Anaheim Hills và lan nhanh chóng vì gió Santa Ana từ đông bắc thổi về phía bờ biển. Một số nhà cửa và trường học được di tản và một số xa lộ đông xe cộ qua lại bị đóng. Nhà chức trách ước lượng có khoảng từ 3.000 đến 4.000 cư dân bị ảnh hưởng.
Anaheim Hills là một khu sang trọng, cư dân bao gồm các giám đốc điều hành các công ty, nhạc sĩ, chính trị gia, tài tử điện ảnh, các tuyển thủ thể thao…
Luật sư Nguyễn Quốc Lân thuộc Hội đồng Giáo dục Học khu Garden Grove cho biết nhà cửa tại Anaheim Hills đều có sân cỏ rộng rãi, cây cối bao bọc chung quanh như rừng nên dễ cháy và trận cháy lớn ngày 9/10 làm ô nhiễm không khí trong vùng nên học khu phải thông báo cho các trường học cảnh giác. Luật sư Lân nói:
“Cháy rừng ở một khu lớn như vậy nên khói lên mịt mù và làm ô nhiễm không khí, tàn lửa rớt xuống phần lớn khu vực Quận Cam, trung tâm Quận Cam, nơi đó học khu chúng tôi có 68 trường trung tiểu học, nên chúng tôi phải theo dõi ảnh hưởng đó và đã có quyết định không cho các học sinh ra ngoài sân trường, giới hạn các hoạt động trong phòng ốc thôi.”
Ông Phục, cư dân Placentia, phía bắc Quận Cam, cho biết:
“Tất cả đường tới đó đóng hết để chữa lửa, người ngoài không vô được. Khu nhà tôi không nhìn thấy lửa, chỉ thấy khói trên trời thôi. Bửa đó trời mù hết, không khí có mùi hôi, nhiều người không dám ra đường.”
Ông Thiệu cư ngụ tại Quận Cam chia sẻ thêm:
“Hôm đó từ sáng đến chiều khói mù mịt với lại tro bay xuống tận Santa Ana này, nhưng chỉ một ngày thôi. Ngày hôm sau chỉ lai rai.”
Đề cập đến vụ bảo hiểm nhà cửa tại đây, luật sư Lân cho biết:
“Cả California không bán bảo hiểm động đất vì mỗi lần bị thì bị nặng quá, nhưng bảo hiểm về cháy vẫn có bán nhưng không đến nổi đắt để người ta không mua được. Ở đây hầu hết đều có bảo hiểm, đặc biệt những nhà nào còn vay tiền nhà băng thì nhà băng bắt phải mua bảo hiểm. Nhà đã trả hết nhà băng rồi cũng nên mua bảo hiểm vì đây là một đầu tư tốt. Một căn nhà ở đây trị giá năm bảy trăm ngàn là chuyện thường, bảo hiểm chỉ trong vòng bảy tám trăm cao lắm là một ngàn một năm thôi.”
Trong khi đó, số tử vong do các đám cháy rừng tại miền Bắc California không ngừng gia tăng. Ở phía Bắc thành phố San Francisco, ở hai quận Sonoma và Napa nổi tiếng về các vườn nho và các xưởng sản xuất rượu vang, trong đó có vườn nho và xưởng sản xuất rượu vang của tỉ phú người Việt Hoàng Kiều, các đám cháy đang đe dọa khu vực sản xuất rượu vang nổi tiếng này. Hiện chưa rõ tại sao các đám cháy xảy ra cùng một lúc vào đêm Chủ Nhật 8/10 vừa qua. Kể từ khi các đám cháy bùng phát đã có 31 người thiệt mạng và 900 người được chính thức ghi nhận mất tích. Tính đến nay, 75.000 hecta rừng bị cháy cùng với 3.500 nhà và cơ sở thương mại bị thiêu rụi.
Gió mạnh đã làm cho các đám cháy lan rộng và khó chữa. Giới hữu trách cho biết trong ngày 12/10, có 22 đám cháy bùng phát, nhưng các đội chữa lửa chỉ dập tắt được một đám.
Sáng ngày 13/10, Sở Phòng cháy Chữa cháy rừng bang California cho biết 22% đám cháy tại hai quận Sonoma và Napa được chế ngự. Có khoảng 8.000 lính cứu hỏa tại California và những nơi xa xôi khác đến trợ giúp chữa cháy, kể cả lực lượng từ Canada và Australia. Gió Santa Ana khô và mạnh từ trên núi thổi xuống mỗi năm vào cuối hè và đầu thu khiến việc dập tắt các đám cháy thêm phần khó khăn.
Nhà cầm quyền chưa biết rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng năm nay, nhưng phỏng đoán là có thể do một đường dây điện rớt xuống đất bị chập hay một người nào đó vô tình vứt một điếu thuốc còn đang cháy dang dở xuống đất.
Ông Trân, cư ngụ tại phía bắc Sacramento, thủ phủ của bang California, đặt nghi vấn về những đám cháy này:
“Mọi lần California cháy rừng, cháy cây cỏ không, bây giờ cháy nhà ào ào vậy, không hiểu là ai đốt. Tôi không nghĩ là tự nhiên cháy nhà cỡ đó vậy.”
Nơi ông Trân ở cách khu vực Napa hơn một tiếng đồng hồ lái xe, nhưng vẫn bị ảnh hưởng:
“Mấy bữa thì không thấy nhưng hôm 11/10 vào sáng sớm bị gió thổi về nên bị mùi khói, thành ra trong đài khuyên là đừng có mở cửa sổ và nếu không cần thiết thì đừng đi ra ngoài vì ngửi cái đó độc.”
Ông Trân nói thêm:
“Cháy lúc 1 giờ sáng nên nhiều người ngủ ngon quá chạy không kịp. Mình không hiểu có lẽ nó đốt trong rừng nên nhà mới cháy cỡ đó được, mà gặp mấy ngày đó gió lớn lắm.”
Trong lịch sử cháy rừng của tiểu bang California, đây là đợt cháy rừng gây thiệt hại nặng nề nhất dù con số cuối cùng chưa tổng kết được.
Vào tháng 10 năm 1991, cháy rừng tại Oakland và khu đồi Berkelay cũng bùng phát vào ngày Chủ Nhật làm cho 25 người thiệt mạng.
Tổng thống Donald Trump ngày 10/10 đã chấp thuận trợ cấp liên bang khẩn cấp cho California, theo yêu cầu của Thống đốc Jerry Brown.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-bao-texas-toi-chay-rung-california/4072580.html
Trung Quốc “không đẹp” trong mắt Châu Á
Đa phần các nước Châu Á Thái Bình Dương không có thiện cảm về sức mạnh quân sự gia tăng và sự chi phối của Trung Quốc, theo khảo sát vừa công bố hôm 16/10 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).
Sức mạnh và chi phối
Khảo sát Thái độ Toàn cầu 2017 của Pew cho thấy dù sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc không được xem là mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu, nhưng lại là mối quan ngại chính của nhiều nước Châu Á-Thái Bình Dương.
Bên ngoài khu vực, trung bình 10 người được hỏi, chỉ có gần 3 người (27%) xem sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc là mối đe dọa chính cho quốc gia của họ.
Trong khi đó, giữa 7 nước Châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát (Úc, Nhật, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ) trung bình cứ 10 người được hỏi thì có gần phân nửa (47%) coi Trung Quốc là mối đe dọa chính.
Trong số này, dân Việt Nam (80%) và Hàn Quốc (83%) xem sức mạnh và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với đất nước.
Sức mạnh quân sự
Về lĩnh vực quân sự, 90% người Việt Nam được hỏi trả lời rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc là ‘một điều xấu’ cho đất nước của họ. Tỷ lệ có cùng nhận xét như thế ở Nhật là 90% và ở Hàn Quốc là 93%.
Đa số trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ngân sách quân sự chính thức của Bắc Kinh trong thập niên qua mỗi năm tăng chừng 9%, và rất ít nước láng giềng hoan nghênh mức tăng này.
Kinh tế
Trong số các nước Châu Á-Thái Bình Dương có quan điểm tiêu cực về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam dẫn đầu, với tỷ lệ 64% người được hỏi cho rằng kinh tế tăng trưởng của Trugn Quốc là một ‘điều xấu’ cho đất nước của họ. Dân Úc (70%) tỏ ra lạc quan nhất về kinh tế Trung Quốc trong số các nước tham gia khảo sát.
Châu Á-Thái Bình Dương cũng là một trong những khu vực có nhiều người cho rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng chứng tỏ có ít lòng tin vào Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Đáp câu hỏi về các vấn đề của thế giới, bạn tin tưởng bao nhiêu rằng ông Tập hành xử đúng, cứ 10 người Việt Nam được khảo sát thì hơn 7 người (74%) chọn câu trả lời ‘Chẳng tin tưởng chút nào cả’ trong khi 81% dân Nhật cũng bày tỏ thái độ tương tự.
Nhìn chung, chỉ 34% dân ở Châu Á-Thái Bình Dương chọn câu trả lời ‘Tin tưởng nhiều’ hoặc ‘Có chút tin tưởng.’
Tại Ấn, Nhật, Việt Nam và Philippines, dân chúng có mức tin tưởng với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trái lại, ở hai nước có hiệp ước đồng minh với Mỹ, Úc và Hàn Quốc, người dân lại có lòng tin ở ông Tập nhiều hơn ông Trump.
Theo pewresearch.org
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khong-dep-trong-mat-chau-a-/4073012.html
Ukraina : Đối lập biểu tình
chống chế độ chuyên quyền và tham nhũng
Tại Ukraina, liên minh các nhà đối lập với tổng thống Petro Porochenko tổ chức một cuộc biểu tình có quy mô lớn vào ngày 17/10/2017 ở trung tâm thủ đô Kiev. Gần bốn năm kể từ đầu cuộc cách mạng Maidan, phe đối lập cáo buộc chế độ chuyên quyền và tham nhũng, đồng thời tìm cách khôi phục phong trào cải cách.
Thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình từ Kiev :
« Họ là những nhà đấu tranh chống tham nhũng, theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, cải cách tự do, cựu binh tham chiến ở miền Đông hoặc cựu tổng thống Georgia, Mikheil Saakachvili. Tất cả đều có một điểm chung là đối lập với ông Petro Porochenko và mong muốn khởi động lại nỗ lực cải cách từng được khơi mào từ cuộc cách mạng 2014.
Ông Serhiy Leshchenko, một nghị sĩ tự do nhận định : « Chúng tôi hiểu ra rằng chúng tôi không thể đạt được bất kỳ một tiến bộ nào trong việc áp dụng các biện pháp cải cách mà không gây áp lực theo nhiều cách. Chính quyền không hề có bất kỳ ý định chính trị nào để cải cách ».
Các biện pháp cải cách này gồm các việc : biên soạn lại luật bầu cử, hệ thống tư pháp hay thành lập một tòa án tối cao chống tham nhũng. Đúng là chính phủ của tổng thống Petro Porochenko đã thành công trong việc khôi phục nền kinh tế và kiềm chế cuộc chiến ở miền đông Ukraina, nhưng lại bị chỉ trích cả ở trong nước lẫn nước ngoài vì giả vờ tiến hành cải cách và bảo vệ các đối tượng tham nhũng.
Không dấu hiệu nào cho thấy đối lập có thể khiến tổng thống lay chuyển. Nhưng ông Porochenko có vẻ lo lắng. Tại Kiev, lực lượng Vệ binh quốc gia đã thông báo đóng cửa một phần trung tâm thành phố để ngăn biểu tình. Tuy nhiên, các nhà đối lập không vì thế mà thoái lui. Một ngày căng thẳng bắt đầu tại thủ đô của Ukraina ».
Nga : Mạng xã hội Telegram bị phạt 18.000 euro
Ngày 16/10/2017, một tòa án Nga đã tuyên án phạt 18.000 euro (800.000 rúp) đối với mạng trao đổi trực tuyến mã hóa Telegram, rất nổi tiếng tại Nga, vì từ chối cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh.
Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva cho biết, trên trang Vkontakte (kiểu Facebook của Nga), ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram và Vkontakte, lập tức phản đối và tuyên bố không có chuyện cung cấp thông tin đời tư cho các cơ quan tình báo Nga. Theo ông, các yêu cầu của cơ quan tình báo FSB là « vi phạm » Hiến Pháp vốn bảo vệ quyền giữ bí mật thông tin. Nhà sáng lập Telegram có ý định kháng án, còn điện Kremlin khẳng định chưa có ý định « chặn » Telegram.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171017-ukraina-doi-lap-bieu-tinh-chong-che-do-chuyen-quyen-va-tham-nhung
Tập Cận Bình đổi mới chiến lược khống chế Á châu
Ngày 18/10/2017, đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Đại Hội thứ 19. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất của Hoa lục. Đại hội này hợp thức hóa vai trò lãnh đạo tột đỉnh của Tập Cận Bình, tóm thâu tất cả quyền lực và mở đường cho nhiệm kỳ hai và có thể xa hơn nữa với một chiến lược rất lợi hại. Theo giới phân tích, châu Á phải dè chừng.
Trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hàng loạt quan chức cao cấp bị thanh trừng trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Danh sách những người sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí chiến lược – không được thông báo trước – sẽ được gần 2.300 đại biểu thuộc các cơ cấu địa phương và quân đội biểu quyết chấp thuận.
Theo nhận định của Carly Ramsay, một chuyên gia quốc tế ở Thượng Hải, Đại Hội lần này sẽ cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình, một người rất sợ đối trọng, đã « to lớn đến mức độ nào ».
Ngay khi lên thay Hồ Cẩm Đào vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nhanh chóng trực tiếp kiểm sóat quân đội. Với tư cách là chủ tịch quân ủy trung ương, Tập Cận Bình thường duyệt binh trên xe chỉ huy mui trần để khẳng định ở Trung Quốc ông là tổng tư lệnh tối cao.
Để trực tiếp kiểm sóat quân đội, Tập Cận Bình dẹp bỏ cấu trúc theo lối Liên Xô phân chia ban ngành phức tạp, để thống nhất thành một bộ tham mưu liên quân theo kiểu quân đội Tây phương.
Bước thứ hai là Tập Cận Bình tung chiến dịch bài trừ tham nhũng, cách chức tổng cộng 39 tướng tá, kể cả phó chủ tịch quân ủy trung ương như Từ Tài Hậu, bị bắt quả tang buôn quan bán tước.
Theo nhà phân tích chính trị quốc tế Renaud Giraud của Le Figaro, những vị trí chỉ huy then chốt ngay lập tức được chủ tịch Trung Quốc bổ nhiệm người thân tín vào thay thế. Một trong những hệ quả của chính sách chống tham nhũng là dàn chỉ huy quân đội được « trẻ hóa »một cách ngoạn mục : trong số 300 đại biểu của quân đội tham dự Đại Hội Đảng lần thứ 19, thì tỷ lệ người mới lên đến 90%.
Chính sách cải tổ quân đội Trung Quốc được tiến hành song song với một chiến lược quân sự mới, ưu tiên phát triển hải quân. Trong số 3 triệu quân, Tập Cận Bình cho giải ngũ 600.000 nhưng không đụng đến lính biển mà còn bật đèn xanh đóng hàng không mẫu hạm thứ ba, để khống chế Biển Đông và Hoa Đông.
Để thực hiện mục tiêu này, Tập Cận Bình chứng tỏ là một chiến lược gia lợi hại. Ông thay thế một loạt tướng lãnh có tiếng là « hữu dõng vô mưu ». Từ ba tháng nay, trên biển không xảy ra một « sự cố » nào với hải quân Mỹ, Nhật, Philippinnes hay Việt Nam. Bắc Kinh còn cỗ vũ cho một « quy tắc ứng xử » ở Biển Đông, với dụng ý làm quên đi phán quyết bất lợi của Toà Trọng Tài La Haye ngày 12/07/2016.
« Đục nước béo cò »
Hành động hung hăng của « đàn em » Bắc Triều Tiên càng làm cho Trung Quốc giữ thái độ khiêm tốn tránh chọc giận Donald Trump. Thêm vào đó, Bắc kinh biết rõ, sự kiện Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ nhanh chóng trong công nghiệp động cơ tên lửa và bom hạt nhân khiến Trung Quốc bị nghi ngờ có một phần đóng góp.
Trong bài « Trung Quốc canh tân chiến lược quân sự », nhà phân tích Renaud Giraud lý giải thêm : Tuy lên án Bắc Triều Tiên chế bom hạt nhân nhưng trên thực tế Bắc Kinh ngầm đồng ý như đã từng ủng hộ Pakistan. Trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc biết rằng về lâu về dài họ sẽ được lợi lớn. Bởi vì, cho dù Donald Trump có đe dọa trên Twitter nhưng sẽ không tấn công Bình Nhưỡng bằng quân sự.
« Bất chiến tự nhiên thành »
Chiến lược của Trung Quốc là « từng bước triển khai sức mạnh quân đội hiện đại hóa ra khắp địa bàn châu Á và chứng minh với các nước trong vùng là nước Mỹ chỉ là một con cọp giấy, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh bất cứ lúc nào như đã đối xử với Nam Việt Nam vào năm 1975 ».
Tôn Tử, chiến lược gia đầu tiên của Trung Hoa đã ghi trong chương « bất chiến tự nhiên thành» : hãy để cho các nước đối nghịch, vì sợ hãi, mà tự nạp mình xin đầu hàng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171017-tap-can-binh-doi-moi-chien-luoc-khong-che-a-chau
Đại Hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc có gì để xem ?
2.287 đại biểu Trung Quốc từ ngày 18/10/2017 tề tựu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại Hội Đảng Cộng Sản, bầu ra 205 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban này đề cử bầu 25 ủy viên Bộ Chính Trị, cùng nhiều thành viên trong các tổ chức then chốt khác tại Bắc Kinh. Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc có gì mới ?
Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình:
“Các nhà Bắc Kinh Học” phải bói mới biết được gần 2.300 đại biểu Trung Quốc bàn thảo những gì nhân Đại Hội Đảng. Đối với ông Tập Cận Bình, Đại Hội lần này là dịp đầu tiên để thay đổi nhân sự : 5 trong số 7 ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ tịch Trung Quốc gài những người thân tín vào bộ phận then chốt này trong guồng máy Đảng.
Theo phân tích của nhà chính trị học Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), mục tiêu của ông Tập Cận Bình là nhằm xóa đi ảnh hưởng của phe phái, những người thân thuộc với Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập :
“Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm nữa quyền lực khi đưa những nhân vật thân tín vào Ban Thường Vụ. Ông học tập được từ chính sách của Mao và tập trung quyền lực trong tay mình không thua gì Mao Trạch Đông. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã mặc nhiên bị ban lãnh đạo dưới thời ông ấy cầm quyền đẩy vào hàng thứ yếu. Tập Cận Bình muốn tránh lập lại sai lầm của người tiền nhiệm”
Ai được “kết nạp” vào Bộ Chính Trị ?
Trong số những ngôi sao đang lên phải kể đến ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner). Mùa hè vừa qua, nhân vật này được cất nhắc vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thất sủng.
Một câu hỏi then chốt khác, liệu rằng Tập Cận Bình có giữ được nhân vật rất trung thành với ông là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đến tuổi phải về hưu hay không ? Chính nhờ họ Vương, người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương mà Tập Cận Bình đã loại được những đối thủ chính trị nặng ký như Bạc Hi Lai (Bo Xilai), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang) và nhiều người khác nữa trong khuôn khổ chính sách bài tham nhũng, “đả hổ diệt ruồi”. Mặt trái của chiếc mề đay là ông Tập Cận Bình cũng có lắm kẻ thủ.
Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng, đây không phải là lúc để ông Tập hạ mức độ đề cao cảnh giác :
“Tập Cận Bình không thể thoái lui. Ông đã dằn mặt tất cả mọi thành phần, từ cánh trí thức có đường lối tự do cho tới bên các doanh nhân. Đâm lao phải theo lao. Giải pháp duy nhất là phải tiếp tục tập trung tối đa quyền lực. Nếu như uy thế của ông bị suy yếu, Trung Quốc có nguy cơ bị chao đảo. Do vậy Tập Cận Bình phải kiểm soát tất cả và đảng Cộng Sản phải vững chắc”.
Liệu Tập Cận Bình có kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đảng Cộng Sản Trung Quốc?
Hiện tại ông đã là tổng bí thư, là chủ tịch nước, là tổng tư lệnh tối cao. Từ năm ngoái ông lại còn được tặng thêm danh hiệu là “hạt nhân-trung tâm” của đảng Cộng Sản Trung Quốc, một vinh dự mà tới nay chỉ dành cho cố chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên theo phân tích của nhà chính trị học David Kelly, Viện China Policy tại Bắc Kinh, trên con đường chinh phục quyền lực, ông Tập Cận Bình sẽ không dừng lại ở đây :
“Tập Cận Bình sẽ không chỉ hài lòng với danh hiệu “hạt nhân-trung tâm” của Đảng. Chúng ta sẽ còn nghe nói nhiều đến tư tưởng Tập Cận Bình, đến tư tưởng của ông về việc lãnh đạo một cường quốc. Ở đây mọi người chú ý tới chính sách ngoại giao hung hăng của Tập Cận Bình. Đấy là chưa kể, ông đã tranh thủ lấp chỗ trống mà nước Anh và Mỹ để ngỏ sau Brexit, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã tự đặt mình vào tư thế của một vị cứu tinh cho cả thế giới”.
Tập Cận Bình phải chăng là vị lãnh đạo mới của thế giới đang trên đà chinh phục phương Tây để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” ? Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) phân tích :
” Xưa kia Mao Trạch Đông muốn xuất khẩu mô hình cách mạng, giờ đây ông Tập Cận Bình xuất khẩu tư bản Trung Quốc và đang xây mộng ngự trị trên một vương quốc đỏ : Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong thế giới toàn cầu hóa, và kinh tế Trung Quốc sẽ áp đảo thế giới, nhờ chiến lược Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21″.
Putin hóa quyền lực
Người được mệnh danh là vị Hoàng Đế Đỏ dường như đã tìm được một giải pháp, để tiếp tục trụ lại nắm quyền khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì vào năm 2022. Chuyên gia Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) giải thích :
“Cương lĩnh của Đảng buộc Tập Cận Bình phải chỉ định người kế nhiệm, nhưng lãnh đạo Trung Quốc này lại đầy tham tham vọng và có nhiều khả năng là ông sẽ tìm cách áp đặt một thể chế tổng thống chế, toàn quyền định đoạt mọi việc. Tập Cận Bình sẽ theo gương Vladimir Putin và sẽ có nhiều mánh khóe để thay đổi luật chơi, kéo dài thời hạn cầm quyền”.
Tập Cận Bình, Hoàng Đế Đỏ Trung Hoa
Là nhà lãnh đạo thế lực nhất tại Bắc Kinh trong 25 năm qua, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, đang thâu tóm quyền lực củng cố vai trò của Đảng tránh để Trung Quốc tan rã như Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbatchev.
Với khuôn mặt đầy đặn, vóc dáng chững chạc, ông Tập Cận Bình đang tập trung rất nhiều quyền lực trong tay. Nhà Trung Quốc học Jean Pierre Cabestan, đại học Hồng Kông cho rằng, ông Tập là hình ảnh của một đất nước Trung Quốc vững mạnh được trọng nể.
Giấc mơ tái sinh của cả một dân tộc, sau một thế kỷ bị thua kém phương Tây chính là chìa khóa giúp Tập Cận Bình củng cố vị thế trên chính trường.
Ông xuất hiện hầu như mỗi ngày trên đài truyền hình Nhà nước, khi thì trong tư cách chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo trên thế giới, lúc thì thăm hỏi thần dân, hay là những khi phát biểu tại các cung hội nghị trong tiếng hoan hô vang dậy.
Đấy là một sự dàn cảnh theo kiểu thời Liên Xô cũ với bộ máy tuyên truyền tinh vi. Bên cạnh hình ảnh đó là cả một mảng tối : từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013, chính sách đàn áp của Bắc Kinh trở nên lợi hại hơn. Nạn nhân của ông là những tiếng nói chống đối, là các diễn đàn trên mạng internet.
Nhà báo François Bougon, tác giả cuốn ” Dans la tête de Xi Jinping, -Trong tâm tư Tập Cận Bình” -nhà xuất bản Actes Sud, đưa ra nhận định : tuy áp dụng chính sách tuyên truyền theo kiểu của Liên Xô, nhưng lãnh đạo Trung Quốc là một người trái ngược hẳn với lãnh đạo Liên bang Xô Viết cuối cùng, Mikhail Gorbatchev.
Ông Tập vẫn còn bị hình ảnh Liên Xô sụp đổ ám ảnh. Đó là động cơ khiến ông nắm chặt lấy quyền lực, và như ghi nhận của François Bougon đành rằng thân phụ của ông Tập Cận Bình có là nạn nhân của Đảng, nhưng đương kim chủ tịch Trung Quốc “muốn khẳng định ông là người đem lại một làn gió mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không theo đuổi mục đích trả thù Đảng”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171017-dai-hoi-19-dang-cong-san-trung-quoc-co-gi-de-xem
Châu Âu tăng cường trừng phạt quân đội Bắc Triều Tiên
Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 16/10/2017 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt nhắm vào quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời gây áp lực lên một số nước nhằm thúc đẩy áp dụng chặt chẽ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam.
Thông cáo của Hội Đồng Châu Âu cho biết quân đội Bắc Triều Tiên và bộ Quốc Phòng của nước này đã được thêm vào danh sách đen, có nghĩa là tài sản tại 28 nước EU sẽ bị phong tỏa. Các biện pháp này nhằm gây thêm sức ép để Bình Nhưỡng phải tôn trọng các cam kết về giải trừ hạt nhân.
Thông cáo giải thích, Quân đội Nhân dân Triều Tiên bị cho vào danh sách đen vì đang kiểm soát các đơn vị hỏa tiễn nguyên tử và vũ khí quy ước ; cùng với bốn định chế, công ty khác của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ tham gia các hoạt động nguyên tử. Ba cá nhân trong đó có hai lãnh đạo phụ trách đạn dược của bộ Công Nghiệp Quốc Phòng không chỉ bị phong tỏa tài sản mà còn bị cấm nhập cảnh vào EU.
Các doanh nghiệp châu Âu bị cấm xuất khẩu dầu và đầu tư vào Bắc Triều Tiên, cấm gởi tiền mặt quá 5.000 euro so với hiện nay là 15.000 euro. Các nước châu Âu nhất trí không gia hạn hợp đồng đối với lao động Bắc Triều Tiên, biện pháp này chủ yếu nhắm vào vài trăm lao động làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Ba Lan.
Liên Hiệp Châu Âu cũng quyết định « tiến hành các bước phối hợp kể từ cuối tuần này » đối với 25 quốc gia, để các nước này áp dụng nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhằm làm cạn nguồn tài chính của Bình Nhưỡng. Trong số đó EU đặc biệt muốn gây áp lực lên Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritréa, Angola, đảo quốc Fidji.
Danh sách đen của EU hiện có 104 cá nhân và 63 định chế được cho là có liên quan đến chương trình đạn đạo và nguyên tử của Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171017-chau-au-tang-cuong-trung-phat-quan-doi-bac-trieu-tien
Thượng Viện Mỹ đề nghị Trump hợp tác với châu Âu về Iran
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 16/10/2017 đề nghị chính quyền Donald Trump hợp tác chặt chẽ với châu Âu để hình thành một chính sách mới về Iran.
Phát biểu với các nhà báo bên lề cuộc họp đầu tiên của Thượng Viện, sau quyết định của tổng thống Trump về Iran, thượng nghị sĩ Bob Corker cho biết, nếu chính quyền tích cực hợp tác với các đồng minh châu Âu, thì hồ sơ này có thể tiến triển.
Ông Bob Corker đang chủ trì ủy ban nhằm soạn thảo một dự luật mới, xác định lại các điều kiện để Hoa Kỳ tham gia vào các hiệp ước quốc tế. Dự thảo luật đề nghị tái lập tự động các biện pháp trừng phạt, nếu Washington thấy rằng Iran có được khả năng làm giàu uranium đủ để chế tạo bom nguyên tử trong vòng không đầy một năm.
Tuy chưa soạn xong, nhưng các đường hướng chính gây ra lo ngại là Hoa Kỳ sẽ vi phạm thỏa thuận đã ký với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Các thượng nghị sĩ Dân Chủ nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc chung với EU. Phe Cộng Hòa tuy chiếm đa số tại Thượng Viện nhưng khoảng cách quá ngắn, nên đa số dự luật cần phải tham khảo trước ý kiến của phe đối lập.
Các ngoại trưởng châu Âu hôm qua họp tại Luxembourg đã tái khẳng định sự ủng hộ hiệp ước nguyên tử đã ký với Iran tháng 7/2015, kêu gọi Quốc Hội Mỹ không trừng phạt Teheran. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu là bà Federica Mogherini sẽ đến Washington vào đầu tháng 11 để bênh vực cho thỏa ước « chủ chốt cho an ninh khu vực ».
Năm 2015, tất cả các đại biểu Cộng Hòa và một số thuộc phe Dân Chủ đã chống lại hiệp ước nguyên tử do chính quyền Obama thương lượng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171017-thuong-vien-my-de-nghi-trump-hop-tac-voi-chau-au-ve-iran
Catalunya chuẩn bị biểu tình
phản đối việc câu lưu hai lãnh tụ ly khai
Những cuộc biểu tình dự kiến diễn ra hôm nay 17/10/2017 tại Catalunya nhằm phản đối việc câu lưu hai lãnh tụ quan trọng, bị tư pháp Tây Ban Nha cáo buộc tội ly khai.
Tối hôm qua, một thẩm phán đã ra lệnh câu lưu hai ông Jordi Cuixart và Jordi Sanchez, lãnh đạo hai hiệp hội chủ trương Catalunya độc lập là Omnium Cultural và Quốc Hội Catalunya (ANC). Hai ông bị cáo buộc hôm 20/09 đã khuyến khích hàng trăm người phong tỏa lối ra vào một tòa nhà bị quân cảnh lục soát, có liên hệ với việc tổ chức trưng cầu dân ý.
Phát ngôn viên chính quyền ly khai Catalunya cho đây là « hành động khiêu khích của chính phủ Tây Ban Nha », kêu gọi những người ủng hộ biểu tình phản đối một cách ôn hòa. Chủ tịch vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont viết trên Twitter : « Đáng buồn thay, chúng ta lại có thêm những tù nhân chính trị ».
Trước đó, ông Jordi Cuixart, chủ tịch hiệp hội Omnium Cultural đã ghi lại một video, với lời nhắn nhủ : « Nếu các bạn nhìn thấy video này, có nghĩa là bộ máy Nhà nước đã quyết định tước đi quyền tự do của tôi. Tôi rất thanh thản », và cho biết nếu cần, hiệp hội sẽ « lui vào bí mật »nhưng hoạt động một cách ôn hòa. Ngay trong đêm hôm qua, nhiều người dân đã gõ xoong nồi để phản đối vụ bắt giữ, nhiều lời kêu gọi biểu tình lan tràn trên mạng xã hội.
Hai hiệp hội trên có thể huy động đông đảo người xuống đường, và việc tạm giữ hai thủ lãnh có nguy cơ làm nặng nề thêm cuộc khủng hoảng giữa Madrid và Barcelona.
ANC và Omnium Cultural có đến 100.000 hội viên. Omnium Cultural hoạt động từ năm 1961, nhằm bảo tồn ngôn ngữ Catalan, bị cấm đoán dưới thời nhà độc tài Franco. Còn ANC mới thành lập từ năm 2011, nhưng đã đạt được trọng lượng chính trị đáng kể trong vùng.
Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dầy 39 trang áp đặt một số lệnh cấm đối với Bắc Triều Tiên, chiểu theo nghị quyết 2321 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được thông qua ngày 30/11/2016, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng.
Trang web Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc, trích thông tin từ cổng tài liệu tư pháp của Nga ngày 16/10/2017, cho biết Matxcơva cũng sẽ tạm ngừng chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật với các cá nhân và cơ quan đại diện của Bắc Triều Tiên.
Cũng trong ngày 16/10, chủ tịch Thượng Viện Nga, Valentina Matviyenko, đã thất bại khi tìm cách đứng ra làm trung gian đối thoại giữa các nghị sĩ đại diện của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bên lề diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại Saint-Peterbourg.
Theo thông cáo của Thượng Viện Nga được AFP trích dẫn, các đại biểu Bắc Triều Tiên khẳng định « chưa đến lúc đàm phán với Hàn Quốc ». Tại diễn đàn trên, phó chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên, Ahn Dong Chung, cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bình Nhưỡng là « kiểu khủng bố Nhà nước ».
Ông khẳng định : « Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ bàn về quyền có vũ khí nguyên tử của mình », chừng nào Mỹ còn tiếp tục « đe dọa tấn công nguyên tử và áp dụng chính sách hiếu chiến »đối với Bình Nhưỡng. Ông nói thêm : « Dân tộc và quân đội Bắc Triều Tiên sẵn sàng tăng cường thêm sức mạnh hạt nhân của mình ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171017-tong-thong-nga-ky-sac-lenh-trung-phat-bac-trieu-tien
Donald Trump cáo buộc Cuba
tấn công thính giác các nhà ngoại giao Mỹ
Ngày 16/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc đích danh Cuba là nguồn gốc các vụ tấn công thính giác bí hiểm khiến 22 nhân viên của sứ quán Mỹ tại La Habana mắc bệnh từ cuối năm 2016. Vụ việc được tiết lộ từ tháng 8/2017, các nạn nhân đều có chung triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ và ù tai.
Từ Washington, thông tin viên RFI Anne Corpet tường trình :
« Cho đến nay, chính quyền Washington đã lưu ý không chỉ đích danh chính quyền Cuba phải chịu trách nhiệm trực tiếp về bệnh tình mà các nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana mắc phải một cách bí hiểm.
Quyết định hồi hương một nửa số nhân viên của sứ quán được đưa ra vào cuối tháng 09/2017 để bảo vệ sức khỏe của các công dân Mỹ có liên quan. Nhưng trong bản thông cáo, bộ Ngoại Giao vẫn nhắc lại : « Chúng tôi không biết nguồn gốc cũng như cách hành động của các vụ tấn công này ».
Lần này, tổng thống Mỹ tố cáo trực tiếp Cuba. Ông nói : Tôi tin rằng Cuba phải chịu trách nhiệm. Đúng, tôi tin như vậy ! Như quý vị biết, đó là những vụ tấn công bất thường. Đúng thế, tôi tin là Cuba phải chịu trách nhiệm về việc này.
Tiến trình xích lại gần nhau mang tính lịch sử giữa Cuba và Hoa Kỳ được tiến hành dưới thời chính quyền Obama từng bị ông Donald Trump đánh giá là lựa chọn kinh khủng và bất cẩn.
Với tuyên bố mới này, tổng thống Mỹ gây nguy cơ kích động bầu không khí vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại không công bố bất kỳ yếu tố mới nào để khẳng định những cáo buộc nhắm vào chế độ Cuba ».
Bắc Triều Tiên :
Chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Theo Bloomberg, hôm nay 17/10/2017, Bắc Triều Tiên cảnh cáo chiến tranh nguyên tử « có thể nổ ra bất cứ lúc nào », trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu một trong những cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi bờ biển cả phía đông lẫn phía tây bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 16/10 tuyên bố nước mình đã hoàn toàn trở thành « một cường quốc hạt nhân, sở hữu những phương tiện đa dạng » và cảnh báo « toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn » của Bình Nhưỡng. Ông cũng tự cho Bắc Triều Tiên là « một cường quốc nguyên tử có trách nhiệm ».
Phó đại sứ Bắc Triều Tiên nói thêm : « Một khi không tham gia các hành động quân sự của Mỹ chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng vũ khí nguyên tử hay đe dọa nước khác ».
Những tuyên bố trên cũng giống như những lời cảnh báo trong vài tháng qua của Bắc Triều Tiên, vào lúc căng thẳng gia tăng với chính quyền Donald Trump. Chế độ Bình Nhưỡng nhiều lần nói rằng cần có vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa bị Mỹ tấn công.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia về quốc phòng Bruce Bennett nhận định : « Bắc Triều Tiên phải phóng đại tối đa, vì họ nghĩ nếu có nhiều người lo sợ, thì sẽ tránh được những hành động của Mỹ-Hàn. Vấn đề là Bắc Triều Tiên thường sử dụng những từ ngữ khoa trương, nay họ bị sốc khi thấy người Mỹ cũng dùng phương pháp tương tự ».
Ông Donald Trump từng tuyên bố giải pháp quân sự là một chọn lựa, còn ngoại trưởng Rex Tillerson hôm Chủ Nhật 15/10 nói rằng tổng thống muốn ông xúc tiến các hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng « cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171017-bac-trieu-tien-chien-tranh-nguyen-tu-co-the-xay-ra-bat-cu-luc-nao