1,000 doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam bị ảnh hưởng vì biểu tình
Đài Loan đã đưa ra lời phản đối chính thức với Việt Nam trong tuần này về việc những người biểu tình đã phóng hỏa, gây hư hại và cướp phá những công xưởng tại các khu công nghiệp gần thành phố Sài Gòn.
Chính phủ ở Đài Bắc cho biết bạo động ảnh hưởng đến 1.000 nhà máy do Đài Loan đầu tư, khiến cho hàng trăm nhà đầu tư phải rời khỏi Việt Nam. Chính phủ đang có kế hoạch tăng cường những chuyến bay để đưa những người này trở về Đài Loan.
Đài Bắc cũng đang chuẩn bị để yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản dù Đài Loan cho biết là không có cách gì ước đoán số thiệt hại. Ông Alexander Huang, giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói các giới chức Đài Bắc đã làm tất cả mọi việc có thể được.
“Tôi nghĩ hiện nay Đài Loan đã cố gắng thực hiện tất cả mọi việc, sắp xếp tăng cường các chuyến bay, vận động qua các kênh ngoại giao, và Đài Loan chỉ có những công cụ giới hạn để đối phó với vấn đề này. Chúng tôi không muốn châm dầu vào lửa và làm nguy hại thêm cho những nhà đầu tư của chúng tôi tại đó. Chúng tôi có một số sức mạnh trong việc thương thuyết, và giao tiếp với chính phủ Việt Nam, nhưng chắc chắn chúng tôi không phải là một siêu cường.” Người Việt Nam nhắm vào người Đài Loan như là một sắc tộc tương tự như những người tại Hoa lục sau một tranh chấp trước đây trong tháng này về việc Bắc Kinh đặt một giàn khoan khổng lồ tại vùng biển Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền. Những nhà máy được Đài Loan yễm trợ nhiều hơn những nhà máy do các nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng trong khu vực mà những cuộc biểu tình trở nên bạo động vào ngày thứ Ba vừa qua.
Nếu có số đông các doanh nghiệp Đài Loan rời bỏ Việt Nam thì nền kinh tế của cả hai nước sẽ bị tổn thương. Có ít nhất 3.000 công ty Đài Loan hoạt động tại Việt Nam, khiến cho đảo quốc này trở thành một trong những nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh Singapore và Nam Triều Tiên. Nhiều công ty Đài Loan hoạt động tại những khu công nghiệp bên ngoài thành phố Sài Gòn để chế tạo phụ tùng xe hơi, đồ gỗ và những hàng hóa bằng plastic.
Kim ngạch mậu dịch giữa Đài Loan và Việt Nam lên đến 11,5 tỉ đô la trong năm 2013, làm cho Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng thứ 13 của Đài Loan.
Một số nhà máy lớn do Đài Loan điều hành sử dụng hàng ngàn công nhân địa phương. Đầu tư nước ngoài của tất cả các quốc gia chiếm từ 3 đến 12% của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm kể từ năm 1990.
Đài Loan xem Việt Nam như là nơi sản xuất giá thành hạ kể từ năm 1986 và đặc biệt trong thập niên qua giữa lúc phí tổn gia tăng tại Trung Quốc, một nơi đầu tư khác được Đài Loan ưa chuộng.
Tuy nhiên, do giá đất tăng cao, lao động bất ổn và đồng tiền Việt Nam dao động kể từ năm 2008, nhiều người trong số 40.000 người Đài Loan có mặt tại Việt Nam đã xem xét việc chuyển đi các nơi khác tại châu Á.
Kể từ năm 2012 các giới chức Đài Bắc đã đưa ra những biện pháp để lôi kéo những nhà đầu tư Đài Loan trở về nước và đầu tư tại Đài Loan.