Tin khắp nơi – 16/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/10/2017

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp tục ngoại giao với Bắc Hàn

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kiên quyết khẳng định rằng Tổng thống Donald Trump muốn giải quyết cuộc đối đầu với Bắc Hàn thông qua ngoại giao.

Và điều này sẽ tiếp tục cho đến khi “quả bom đầu tiên rơi xuống,” ông nói với CNN.

Ông nói, các biện pháp trừng phạt và ngoại giao đã mang lại sự đoàn kết thống nhất chưa từng có của cộng đồng quốc tế để đối mặt với chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Trong khi đó vào tháng trước, ông Trump nói với ông Tillerson rằng không nên lãng phí thời gian hội đàm với Kim Jong-un.

Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran

Mexico cảnh báo Mỹ về động thái ngưng Nafta

TQ phản đối tàu Mỹ vào sát quần đảo Hoàng Sa

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson đưa ra những tuyên bố trên khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung gần đây nhất trong vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu khu trục và tàu sân bay.

Các cuộc tập trận thường làm Bắc Hàn nổi giận, và Bình Nhưỡng từng cáo buộc các cuộc tập trận này là “cuộc diễn tập cho chiến tranh”.

Trong cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật, ông Tillerson một lần nữa từ chối bình luận về việc ông có gọi ông Trump là một kẻ đần độn sau một cuộc họp tháng Bảy tại Lầu Năm Góc hay không.

“Tôi sẽ không bàn về vấn đề nhỏ nhặt này,” ông nói.

Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó đã trả lời bằng cách thách thức ông Tillerson cùng thử một cuộc kiểm tra chỉ số IQ nhưng người phát ngôn cho biết đó là một trò đùa.

Trong những tháng gần đây, Bắc Hàn đã bác bỏ quan điểm của quốc tế bằng việc tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và phóng hai tên lửa bay qua Nhật Bản.

Các nhà phân tích nói rằng nhà nước cộng sản bí mật này rõ ràng đang tập trung vào việc phát triển một tên lửa hạt nhân có khả năng đe doạ lục địa Mỹ mặc cho các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Vào cuối tháng trước, ông Tillerson tiết lộ rằng Mỹ đang “trao đổi trực tiếp” với phía Bắc Hàn và xem xét khả năng đàm phán.

Tuy nhiên, vào ngay ngày hôm sau, ông Trump lại đăng một dòng tin trên Twitter cho ông Tillerson ghi: “Tiết kiệm năng lượng của mình đi Rex, chúng ta sẽ làm những gì cần phải làm!”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41632244

 

TQ giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập

Kể từ khi ra đời năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng có một số luận thuyết cầm quyền, từ tư tưởng Mao đến lý luận Đặng Tiểu Bình.

Nay, đảng này sắp đưa ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ vào Điều lệ, sự kiện từng xảy ra khi Lâm Bưu được ghi là ‘người kế tục duy nhất’ của Mao.

Mao và tư tưởng cách mạng nông dân

Trước khi thắng Tưởng Giới Thạch trong Nội chiến Trung Quốc năm 1949, lãnh tụ Mao Trạch Đông nêu ra một số suy nghĩ, sau được gom lại và gọi là tư tưởng.

Tiền chính phủ TQ tới Việt Nam bao nhiêu?

TQ sắp ‘sửa điều lệ Đảng’ và ‘bổ sung’ tư tưởng Tập Cận Bình

Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’

TQ mua ‘quán bia ông Tập từng thăm’

Qua những gì ông nói, ‘tư tưởng Mao’ trước 1949 gồm mấy ý chính:

Cách mạng vô sản kiểu Trung Quốc: cuộc kháng chiến chống Nhật và Quốc Dân Đảng được Mao gọi là “cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản-quý tộc”.

Quần chúng nhân dân Trung Quốc làm cuộc cách mạng này qua liên minh công-nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Vì đa số dân sống ở nông thôn, Đảng Cộng sản làm cách mạng bằng lực lượng vũ trang xuất thân nông dân nhưng được cải tạo thành “quân đội vô sản”.

Chiến tranh du kích kéo dài (Cửu Trì Chiến): Đây là cuộc chiến của nhân dân, trên thực tế là nông dân, nhằm bao vây thành thị, địa bàn của bọn đế quốc, tư sản phản động, tiêu hao lực lượng của chúng để tiến tới tổng phản công.

Dân chủ nhân dân: Sau năm 1949, Mao chủ trương nền ‘dân chủ nhân dân’ trong điều kiện các mâu thuẫn giai cấp trong xã hội vẫn còn tồn tại.

Để giải quyết mâu thuẫn này, cần có Cải cách Thổ địa để tiêu diệt kẻ thù giai cấp.

Các đợt cải tạo chống tư sản ở đô thị và tẩy não trí thức ‘bị nhiễm’ lối nghĩ cũ, cũng được tiến hành tàn khốc.

Ông Tập muốn quân đội TQ ‘không tham nhũng’

Cháu Mao không còn là ‘hạt giống đỏ’?

Giáo sư mất việc vì phê phán Mao

Mao là ‘ông tổ’ của cách mạng vô sản nông dân thông qua ‘công tác tư tưởng’.

Đảng thực hiện các cuộc vận động để ‘biến đổi tư tưởng’ đảng viên, bất kể xuất thân, qua sinh hoạt nội bộ, ‘phê và tự phê’.

Sang thời Tập Cận Bình, phê và tự phê chưa đủ .

Các ‘phán quan’ của Đảng trong hệ thống ‘song quy’ trực tiếp bắt và lấy cung quan chức mắc vào lưới trời chống tham nhũng.

Cả triệu lượt cán bộ bị kỷ luật, không ít bị tù.

Về lý luật Marxist, Mao cho rằng tính biện chứng của cộng sản Trung Quốc đến từ ba nguyên tắc:

Chân lý đến từ thực tiễn: Mao coi đây là thuyết ‘duy vật biện chứng’.

Đảng gắn bó với quần chúng. Cán bộ ‘ba cùng’ vào nhà máy, về nông thôn.

Trung Quốc độc lậpnhưng không cô lập: Không bế quan tỏa cảngmà còn phổ biến cách mạng sang các nước Thế giới thứ ba và Bắc Kinh ngày càng xa quỹ đạo Moscow.

Ảnh hưởng Đặng Tiểu Bình giảm đi

Sau Mao Trạch Đông, chỉ có Đặng Tiểu Bình được ghi nhận có “lý luận”.

Sau ông Đặng, Trung Quốc cũng đề cao “thuyết ba đại diện” của Giang Trạch Dân chủ yếu để công nhận vai trò ‘cũng yêu nước’ của doanh nhân.

Đến thời Tập Cận Bình, giới đại gia bị truy bắt, tịch thu tài sản, cấm thành đại tập đoàn vì Đảng sợ hình thành tầng lớp ‘oligarch’ như ở Nga, dẫn tới sụp đổ chế độ.

Về lý luận, hai tên tuổi Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ngày càng ít được nói đến để nhường chỗ cho “tư tưởng Tập Chủ tịch”.

Điểm khác biệt là ở chỗ, ông Đặng chủ trương “ẩn mình chờ thời”, còn ông Tập lại muốn phô trương, thể hiện sức mạnh Trung Quốc.

Tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa (Trung Quốc Mộng), nêu rằng Tập Cận Bình tạo ra thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.

Không xa rời nền tảng Marx-Lenin, tư tưởng này ‘lập thuyết’ rằng Mao là vị khai quốc, Đặng Tiểu Bình là nhà cải cách, còn Tập Cận Bình là người phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.

Về nội bộ, tư tưởng Tập Cận Bình “dùng Đảng trị quốc”, và Đảng Cộng sản là tất cả, với ông Tập là “hạt nhân”.

Trung Quốc được vận hành khác thời Cải cách Khai phóng khi Đặng Tiểu Bình, Trần Vân chủ trương “Đảng tách khỏi chính quyền”, và “Đảng ở dưới Hiến pháp”.

Tăng sự tập quyền vào tay một người khiến Trung Quốc nay có phần giống thời Mao hơn thời Đặng, khi ý thức hệ nhường chỗ cho hiệu quả kinh tế – Mèo trắng hay mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột.

Phương châm ngoại giao

Với nước ngoài, có lẽ điều được quan tâm hơn là ‘Giấc mộng Trung Hoa’ được diễn giải thế nào.

Trung Quốc đưa phi hành gia vào quỹ đạo

Trung Quốc và món da lừa châu Phi

Đâu là toan tính của TQ ở Biển Đông?

Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã có bài gần đây trên Tân Hoa Xã diễn giải “tư tưởng đồng chí Tập Cận Bình” trong ngoại giao Trung Quốc.

Bài viết vài nghìn chữ dạng văn kiện có thể tạm cô đọng lại trong 9 điểm:

Ngoại giao là một phần tối quan trọng trong công tác Đảng và Nhà nước.

Ngành ngoại giao phải đặt ra các mục tiêu chiến lược, các sứ mệnh trọng yếu cho công tác đối ngoại Trung Quốc ở kỷ nguyên mới.

Tăng sự tin tưởng vào Trung Quốc với tư cách nước xã hội chủ nghĩa lớn với đặc trưng Trung Hoa.

Đề ra viễn kiến vĩ đại xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại.

Thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện để thiết lập một mạng lưới đối tác toàn cầu.

Thực thi đợt mở cửa lần tiếp theo vì Sáng kiến Con đường và Vành đai.

Chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc đề cao chủ quyền và quyền lợi an ninh.

Tìm hiểu cách tiếp cận mới và thực tiễn mới về quản trị toàn cầu.

Thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác đối ngoại.

Tùy cách nhìn người ta có thể coi đây là danh sách liệt kê các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao hay là biểu hiện của tư tưởng mang tên Chủ tịch Tập Cận Bình cho nước Trung Quốc trong thế kỷ 21 nay đã có 1,4 tỷ dân.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41642465

 

Venezuela: Đảng cầm quyền thắng cử, đối lập lên án

Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã thắng áp đảo trong bầu cử thống đốc bang, theo Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Tổng thống Nicolás Maduro nói đây là chiến thắng cho Chavismo, tư tưởng chủ nghĩa xã hội được cựu tổng thống Hugo Chavez phát triển.

Nhưng phe đối lập cáo buộc gian lận.

Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) không chịu thừa nhận kết quả và đòi đếm phiếu lại.

Phe đối lập MUD thắng ở sáu bang, còn đảng cầm quyền thắng 17 bang.

Cựu tổng thống Costa Rica, Laura Chinchilla, gần đây thăm Venezuela theo lời mời của phe đối lập. Bà viết trên Twitter: “Độc tài không bao giờ thua.”

Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại

Venezuela bắt hai lãnh đạo đối lập

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41635718

 

Giới luật sư quốc tế cảnh báo

về nền pháp trị tại Hong Kong

Trong thư ngỏ phổ biến tại Hồng Kong ngày 12 tháng 10, một số luật gia hàng đầu của thế giới viết rằng việc chính quyền đặc khu mới tuyên án những nhà đấu tranh dân chủ là bằng chứng cho thấy nền tư pháp Hồng Kong đang bị chi phối bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thư ngỏ còn có đoạn viết rằng pháp quyền và những quyền tự do căn bản của người dân Hồng Kong đang bị đe dọa, đi ngược lại với những điều Bắc Kinh đã cam kết khi được chính phủ Anh trao trả lại khu đất này, là không can dự vào chuyện nội bộ của đặc khu, theo đúng với quy định một quốc gia nhưng 2 hệ thống điều hành riêng biệt nhau.

Lá thư ngỏ nêu ra trường hợp hồi tháng Tám mới đây, 3 nhà tranh đấu dân chủ, trong đó có thủ lãnh thanh niên sinh viên Hoàng Chi Phong, bị tòa Hồng Kong bỏ tù chỉ vì tổ chức và tham gia những cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do, dân chủ hồi 2014.

Những cuộc biểu tình đó được các luật gia ký tên trong thư ngỏ gọi là các cuộc biểu tình ôn hòa nhất mà thế giới trông thấy.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/top-international-lawyers-say-hongkong-rule-of-law-under-threat-10162017093406.html

 

Campuchia sẽ phân phối lại ghế quốc hội

nếu đảng đối lập giải tán

Đảng Nhân dân Campuchia đang cầm quyền hôm 16 tháng 10 bỏ phiếu nhất trí phân phối lại các ghế ở quốc hội do Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đang nắm giữ nếu đảng này bị giải tán trong vài tuần tới.

Hồi đầu tháng này, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã đệ đơn lên tòa tối cao đòi giải tán CNRP. Hiện tòa Tối cao chưa đưa ra ngày sẽ có phán quyết nhưng quyết định của tòa sẽ được đưa ra nội trong năm nay.

Tất cả 67 dân biểu của đảng cầm quyền bao gồm Thủ tướng Hun Sen đã bỏ phiếu đồng ý thay đổi luật cho phép giới chức bầu cử được quyền phân phối lại các ghế hay vị trí tại địa phương do một đảng bị giải tán đang nắm giữ. Không có một dân biểu nào của đảng CNRP tham gia bỏ phiếu hôm 16/10.

Sự tồn tại của đảng CNRP hiện được cho là ngàn cân treo sợi tóc khi Thủ tướng Hun Sen trong các tháng gần đây tiến hành một loạt các tấn công về pháp lý nhắm vào giới lãnh đạo của đảng này và khiến phần đông trong số 55 dân biểu thuộc đảng này phải chạy ra nước ngoài. Chủ tịch đảng này là ông Kem Sokha bị buộc tội phản quốc.

Những thay đổi trong luật hiện vẫn cần phải được Thượng viện thông qua và có chữ ký của nhà vua. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây chỉ là những bước mang tính hình thức.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodian-mps-prepare-to-take-over-seats-if-opposition-dissolved-10162017092703.html

 

Hoa Kỳ, Hàn Quốc bắt đầu tập trận hải quân

Tại Nam Hàn, cuộc tập trận kéo dài 10 ngày giữa hải quân Hoa Kỳ và hải quân đồng minh Nam Hàn đã khởi đầu, ở ngay gần ranh giới lãnh hải phân chia Nam và Bắc Hàn.

Đây là một trong những cuộc tập trận quy mô nhất, với sự tham dự của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và 2 khu trục hạm. Mục tiêu được chính phủ Seoul nói là nhằm đo lường khả năng sẵn sàng của binh sĩ hai nước trong trường hợp bị tấn công bởi Bình Nhưỡng, nhưng các nhà quan sát cho rằng của Hoa Kỳ lẫn Nam Hàn muốn dùng cuộc thao diễn để chứng tỏ sức mạnh quân sự, nhằm răn đe Bắc Hàn.

Hôm 15 tháng 10, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Nam Hàn cũng cho hay ngoài cuộc tập trận này, còn có một cuộc tập trận sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng Mười Một, trong đó bao gồm cả chương trình huấn luyện di tản binh sĩ Mỹ và gia đình của họ khi có biến.

Trong những tháng gần đây, tình hình bán đảo Tiều Tiên ngày một trở nên bất ổn hơn, đặc biệt sau vụ nổ thử nghiệm hạt nhân mà Bắc Hàn thực hiện hồi đầu tháng Chín vừa rồi. Song song với điều này, Bình Nhưỡng còn liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo, đồng thời đe dọa có đủ khả năng để bắn vào lãnh thổ Mỹ.

Trước những đe dọa của Bắc Hàn, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nhiều lần lên tiếng nói Washington cương quyết bảo vệ an ninh quốc phòng cho chính mình và các nước đồng minh, đồng thời cảnh báo rằng nếu chiến tranh xảy ra, Bắc Hàn sẽ phải gánh chịu mức trả đũa mạnh mẽ nhất của Mỹ mà thế giới chưa từng thấy.

Ông Trump cũng không ngần ngại cảnh báo là có thể sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề Bắc Hàn. Mười ngày trước đây, ông Trump viết trên tài khoản Twitter rằng tất cả những giải pháp ngoại giao mà các vị tổng thống và các chính phủ tiền nhiệm đã làm trong 25 năm qua đối với Bắc Hàn đều thất bại, thành thử ra “chỉ có một điều tác dụng” với Bình Nhưỡng. “Điều tác dụng” này được hiểu là giải pháp quân sự.

Tuy nhiên mới hôm 15 tháng 10 khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền Hình CNN, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ không muốn chiến tranh xảy ra, thay vào đó, Hoa Kỳ muốn giải quyết vấn đề Bắc Hàn bằng đường lối ngoại giao, ôn hòa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-south-korea-begin-major-navy-drill-10162017092436.html

 

Thủ lĩnh IS tại Philippines bị tiêu diệt

Thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute ở miền Nam Philippines và nằm trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã đặc biệt của Mỹ là Isnilon Hapilon vừa bị tiêu diệt hôm ngày 16/10 trong một trận chiến của quân đội Philippines nhằm chiếm lại thành phố Marawi từ tay phiến quân.

Cuộc tấn công cũng diệt được một thủ lĩnh khác của nhóm Maute là Omar Maute.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các nhà phân tích an ninh cho biết Hapilon là nhân vật quan trọng của nhóm phiến quân Hồi giáo đòi thành lập nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á trong khi chúng đang phải chịu những thất bại trên chiến trường tại Iraq và Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho báo giới biết việc tiêu diệt được Hapilon có ý nghĩa quan trọng đối với quân chính phủ, và cái chết của Hapilon giống như một cú đánh có tính biểu tượng đối với sức chiến đấu của phiến quân trong khu vực vì Hapilon được coi như là người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.

Trước đó chính phủ Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu đô la cho những thông tin dẫn đến việc bắt Hapilon.

Sau cái chết của Hapilon, các chuyên gia và giới chức tình báo Philippines cho rằng có nhiều khả năng một kẻ khủng bố khác có tên Mahmud Ahmad người Malaysia và đã từng được đào tạo bởi Al-Qaeda sẽ trở thành lãnh đạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.

Các giới chức tình báo cho biết Mahmud Ahmad là một người tìm nguồn tài trợ và tuyển mộ người cho khủng bố. Người này cũng giúp tạo dựng mối liên minh giữa các chiến binh ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tiến đánh thành phố Marawi vào tháng 5 vừa qua.

Giới chức Philippines cho biết họ vẫn đang truy tìm Mahmud.

Tướng Eduardo Ano của Philippines hôm 16 tháng 10 cho báo chí biết dựa theo các thông tin mà quân đội Philippines có được, Mahmud hiện vẫn ở trong khu vực chiến trường cùng với một số người Indonesia và Malaysia khác. Tuy nhiên, ông cho biết, thái độ của những người này giờ đây không còn hung hăng như trước.

Tướng Ano thúc giục 30 chiến binh Hồi giáo vẫn còn sót lại ở chiến trường đang thu nhỏ đầu hàng và thả các con tin trong khi quân chính phủ đang gia tăng tấn công.

Trong khi đó, các giới chức tình báo của Malasia cho biết Mahmud đã rời Marawi an toàn vài tháng trước.

Mahmud Ahmad năm nay 39 tuổi là người có bằng tiến sĩ về tôn giáo và là một giảng viên tại một trường đại học ở Kuala Lumpur. Theo báo cáo của Viện Phân tích chính sách và xung đột ở Indonesia hồi tháng 7 vừa qua, Mahmud là người đứng thứ hai sau Hapilon trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/is-southeast-asia-chief-killed-in-philippines-govt-says-10162017091630.html

 

iPhone 7 vẫn bán chạy hơn iPhone 8

Điện thoại iPhone 8 của Apple Inc không bán chạy bằng iPhone 7, trong khi hãng này sắp tung dòng điện thoại cao cấp iPhone X, công ty môi giới KeyBanc Capital Markets trích dẫn kết quả khảo sát của các nhà cung cấp dịch vụ di động cho Reuters biết.

Theo truyền thống, các phiên bản mới của iPhone bán nhanh hơn phiên bản cũ và người hâm mộ thường xếp hàng để mua được phiên bản mới nhất. Thế nhưng kết quả cuộc khảo sát cho thấy iPhone 8 có dấu hiệu không được người tiêu dùng ưa chuộng bằng các phiên bản trước.

Nhà phân tích John Vinh của công ty KeyBanc cho biết: “Nhiều người trả lời khảo sát đã chỉ ra rằng một số lượng lớn khách hàng vẫn đang chọn mua iPhone 7 thay vì iPhone 8, vì iPhone 8 không có những cải tiến đáng kể.”

Vào tháng trước, hãng Apple đã giới thiệu iPhone 8 và iPhone 8 Plus, tương tự như dòng iPhone 7 trước đó nhưng có thêm tính năng sạc pin không dây.

Trong khi iPhone 8 có giá khởi điểm 699 đôla ở Hoa Kỳ, iPhone 7 có giá bán lẻ giảm còn 549 đôla.

“Thông tin phản hồi từ các cửa hàng cho biết khách hàng đang chờ mua iPhone X hoặc để so sánh iPhone X trước khi mua iPhone 8,” ông Vinh, người được hãng Thomson Reuters StarMine đánh giá là 4/5 sao vì những dự báo chính xác của ông về sản phẩm Apple.

iPhone X được hãng Apple rất kỳ vọng, đó là một điện thoại có vỏ bằng thép không rỉ, mặt kính, màn hình sắc nét, sẽ được tung ra thị trường vào ngày 3/11. iPhone X có giá từ 999 đôla, là điện thoại di động đắt nhất của hãng Apple từ trước đến nay, ra đời đúng vào dịp Apple mừng sinh nhật thứ 10.

Một lý do khác khiến cho iPhone 8 bán chậm có thể là do không được các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet ở Mỹ quảng cáo mạnh.

“Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại tiếp tục chương trình khuyến mại cho iPhone 8 mới, họ quảng cáo cho iPhone 8 ít hơn nhiều so với iPhone 7 hồi năm ngoái”, ông Vinh nói.

KeyBanc đã thực hiện các cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Apple không bình luận về việc này.

Cổ phiếu của công ty tăng 0.8%, lên 158.20 đôla trong phiên giao dịch sáng ngày 16/10.

https://www.voatiengviet.com/a/iphone-7van-ban-chay-hon-iphone8/4072412.html

 

Áo sẽ có tân thủ tướng trẻ nhất châu Âu

Sau hơn sáu thập kỷ do các chính phủ ôn hòa và trung dung nắm quyền, nay dường như Áo đang trở nên hữu khuynh hơn, khi Bộ trưởng Ngoại giao thuộc phe bảo thủ Sebastian Kurz tuyên bố thắng cử hôm 15/10 và sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp.

Bộ Nội vụ Áo hôm 15/10 cho biết rằng kết quả kiểm phiếu gần hoàn thành cho thấy rằng Đảng Nhân dân của ông Kurz đang dẫn đầu với 31,4 % số phiếu bầu. Đảng Tự do cánh hữu đứng thứ nhì với 27,4% số phiếu. Đảng Dân chủ Xã hội Áo thuộc phe trung-tả, hiện đang nắm quyền trong liên minh cùng với Đảng Nhân dân, chỉ nhận được 26,7% số phiếu.

Trong bài diễn văn thắng cử tại thủ đô Vienna, ông Kurz kêu gọi những người ủng hộ tổ chức ăn mừng và sẵn sàng cho ngày mai khi “công việc bắt đầu.”

Ông Sebastian Kurz, Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo, nói rằng hôm nay là ngày mà “dân chúng Áo đã cho chúng tôi niềm tin để mang lại một phong cách mới về văn hoá chính trị” và “quan trọng nhất là đưa nước Áo tiến về phía trước”.

Ông Kurz, 31 tuổi, người có sức thu hút trên truyền hình, sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Âu.

Ông Heinz-Christian Strache, lãnh đạo Đảng Tự do cánh hữu Áo, khi trò chuyện với những người ủng hộ tại trụ sở của đảng và ca ngợi thành tựu trong cuộc tổng tuyển cử này nói rằng đảng của ông là “một yếu tố chính trị lớn của phong trào chính trị Áo.”

Sau cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015 khi ấy có gần 100.000 người xin tị nạn vào Áo – gần bằng 1% dân số Áo, ông Kurz kêu gọi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, thực hiện các chương trình hội nhập tốt hơn, và kiểm soát chặt chẽ đối tượng nhập cư có tên “Hồi giáo chính trị” được tài trợ từ nước ngoài.

https://www.voatiengviet.com/a/ao-se-co-tan-thu-tuong-tre-nhat-chau-au/4072378.html

 

Ký giả VOA bị thương trong vụ đánh bom ở Somalia

Một phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nằm trong số hơn 200 người bị thương trong vụ đánh bom xe tải còn làm hơn 230 người chết ở thủ đô Mogadishu của Somalia hôm 14/10.

Ông Abdulkaidr Mohamed Abdulle là một phóng viên cho ban tiếng Somalia của VOA. Vợ ký giả này xác nhận rằng ông bị thương ở cổ, đầu và tay phải.

Hiện chưa có ai hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom, nhưng các vụ tấn công tương tự từng do nhóm cực đoan Hồi giáo al-Shabab thực hiện.

Tổ chức có liên hệ với nhóm al-Qaida này đang tìm cách lật đổ chính phủ nhằm thiết lập một chính quyền Hồi giáo hà khắc.

Các quan chức y tế nói rằng vụ đánh bom hôm 14/10 là vụ nổ lớn nhất ở Mogadishu trong lịch sử hiện đại của Somalia

Cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công đồng thời gửi lời chia buồn tới thân nhân các nạn nhân.

Tổng thống Mohamed Abdullahi Farmaajo cho biết rằng nước ông “sẽ dành ba ngày quốc tang cũng như để cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội”.

Ông cũng kêu gọi người dân đoàn kết chống khủng bố. Ông nói rằng “đây là lúc đoàn kết và cùng nhau cầu nguyện”, và rằng “khủng bố sẽ không thắng thế”.

https://www.voatiengviet.com/a/phong-vien-dai-tieng-noi-hoa-ky-bi-thuong-trong-vu-danh-bom-lon-o-somalia/4071312.html

 

Trung Quốc ‘thắt lưng buộc bụng’ dịp đại hội đảng

Không có hoa quả miễn phí trong phòng khách sạn; không được cắt tóc “free” và hải sâm bị đưa khỏi thực đơn… đó là những thay đổi tại kỳ đại hội đảng ở Trung Quốc lần này nhằm thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình về chống tham nhũng và lãng phí.

Trả lời một đài phát thanh nhà nước, phát sóng hôm 15/10, ông Wang Lilian, người từng phụ trách việc đón tiếp các đại biểu tới tham dự ba kỳ đại hội đảng lần trước, nói rằng lần này, mọi chuyện sẽ rất khác.
Ông này nói thêm, các khách sạn sẽ không treo các biểu ngữ chào đón hay trang trí hoa như các năm trước, theo Reuters.

Ông Wang cho biết thêm rằng điểm khác biệt lớn nhất liên quan tới phòng khách sạn và đồ ăn.
“Lần này sẽ không có hoa quả bày trong phòng khách sạn”, ông cho biết, nói thêm rằng đồ ăn lần này sẽ nấu theo kiểu gia đình và đơn giản.

“Sẽ không có hải sâm, tôm hay những thứ đại loại như vậy. Tất cả sẽ theo kiểu ăn buffet”.

Ông Wang nói thêm rằng các đại biểu sẽ không được cắt tóc, được chăm sóc sắc đẹp miễn phí và sẽ không có các cửa hàng quà tặng. “Sẽ không có bất kỳ dịch vụ nào như vậy lần này”, ông nói.

Theo Reuters, bản thân ông Tập Cận Bình cũng quảng bá cho lối sống đơn giản và truyền thông nhà nước thường đưa tin rầm rộ về các món đơn giản mà ông ăn khi đi công cán ở trong nước.

Truyền thông cũng hay đưa tin chỉ trích các quan chức sở hữu nhiều nhà, cửa, tài sản hay thích ăn tiệc.

Cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập Cảnh báo rằng việc không kiểm soát được tham nhũng sẽ ảnh hưởng tới quyền lực của đảng.

Đại hội năm năm một lần ở Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 18/10 với bài phát biểu quan trọng của ông Tập.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-that-lung-buoc-bung-dip-dai-hoi-dang/4071273.html

 

Chủ trương “Nước Mỹ trên hết”

đang đẩy Hoa Kỳ vào tình thế bị cô lập

Trọng Nghĩa

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, đả kích thỏa thuận hạt nhân với Iran mà các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ xem là chuẩn mực của hợp tác quốc tế, tiếp tục được bình luận. Trong bài phân tích ngày 15/10/2017, hãng tin Pháp AFP đã không ngần ngại cho rằng quyết định đó của ông Trump đã nêu bật nguy cơ là chính sách ngoại giao theo hướng “Nước Mỹ trên hết (America First)” của ông, có khả năng chuyển hóa thành “Nước Mỹ đơn độc (America Alone)” khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Thoạt đầu, các nhà quan sát còn phân vân, tự hỏi là chính sách của tân tổng thống Mỹ sẽ ra sao. Thế nhưng, họ đã nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt các quyết định của ông, từ việc rút nước Mỹ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương, thách thức các đồng minh cố hữu, cho đến việc xé bỏ các hiệp định quốc tế: Đó là ông Trump kiên quyết không để cho bị bất kỳ một quan hệ quốc tế nào ràng buộc.

Một nhà nghiên cứu có uy tín là ông Richard Haass, chủ tịch định chế tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations đã khẳng định rằng chính sách đối ngoại của ông Trump đang đi theo “học thuyết triệt thoái”.

Ông Trump chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông nói sẵn sàng làm việc đó nếu Quốc Hội Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ không đồng ý ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Ngay trước khi quyết định về Iran, ông đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức văn hóa LHQ UNESCO. Trước đó, ông đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, và dường như ông đã sẵn sàng xóa bỏ một hiệp ước lớn hơn là Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ – NAFTA.

Ông còn đặt vấn đề về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khối NATO, ra lệnh cho rà soát lại lợi ích của việc Mỹ tham gia các định chế LHQ, thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Cơ sở của các quyết định kể trên, như ông luôn tuyên bố, đó là chủ trương của ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên tất cả. Có điều là hệ quả của các hành động trên rất nghiêm trọng. Ông Ben Rhodes, cựu cố vấn cao cấp trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, đã cảnh cáo : “Các quốc gia khác sẽ không muốn ký thỏa thuận với Hoa Kỳ”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người đã đàm phán thỏa thuận hạt nhân, cho rằng hành động của ông Trump sẽ gây thiệt hại lâu dài cho uy tín của Hoa Kỳ, vì sẽ không còn ai tin tưởng vào chính quyền Hoa Kỳ để tham gia đàm phán những vấn đề dài hạn.

Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một kiến ​​trúc sư chủ chốt của thỏa thuận với Iran, đã cho rằng quyết định của ông Trump đã làm suy yếu vai trò của Mỹ, khiến Mỹ mất đồng minh…

Các đồng minh truyền thống của Washington ở Châu Âu lúc đầu rất thận trọng trong cách tiếp cận đối với ông Trump, với hy vọng ông sẽ bớt cực đoan khi vào Nhà Trắng. Thế nhưng, hy vọng này đã bị quyết định về Iran phá tan, và châu Âu đã nhất loạt phản ứng.

Theo chuyên gia Barbara Slavin thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), “ông Trump có vẻ như nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đủ để cho Hoa Kỳ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vào bất cứ lúc nào… Điều mà ông ấy không hiểu là Hoa Kỳ chỉ ở đỉnh cao quyền lực khi vận động để đạt đến sự đồng thuận quốc tế”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-chu-truong-nuoc-my-tren-het-dang-day-hoa-ky-vao-tinh-the-bi-co-lap

 

Gìn giữ hòa bình ở châu Phi:

“Nhiệm vụ bất khả thi” của Liên Hiệp Quốc?

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đang bị dồn vào chân tường. Trong cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 09/2017, Hoa Kỳ, nước tài trợ chính, đã thông báo giảm bớt 1,3 tỉ đô la cho ngân sách của Liên Hiệp Quốc và xác định một chính sách mới qua phát biểu của phó tổng thống Mike Pence : “Tóm lại, khi một phái bộ sẽ đi đến thành công, chúng ta sẽ dừng lại. Nếu nhiệm vụ đó không đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta sẽ điều chỉnh nó. Và nếu một phái bộ kết thúc bằng những thất bại liên tục, chúng ta cũng sẽ ngừng”.

Theo bài viết “Gìn giữ hòa bình, phiên bản Liên Hiệp Quốc : bắt mạch sự bất lực” của Thierry Vircoulon, chuyên gia về an ninh và xung đột tại châu Phi, giảng viên trường Khoa Học-Chính Trị (Sciences Po) của Pháp, với ngân sách 7,8 tỉ đô la và 15 phái bộ gìn giữ hòa bình dường như không có hồi kết, Liên Hiệp Quốc buộc phải giảm bớt lực lượng lính Mũ Xanh, hiện có khoảng 95.000 người.

Nhìn từ châu Phi, phương án mới này có vẻ nguy hiểm, thậm chí là phản tác dụng vì mọi dấu hiệu bất ổn đều hội tụ đủ tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo (RDC), nơi tổng thống Joseph Kabila muốn tiếp tục nắm quyền nên lùi bầu cử hết năm này sang năm khác, điều này khiến các nhóm vũ trang huy động lực lượng ở thành phố Uvira. Trong khi đó, nước Trung Phi đang dần tan rã, còn Mali và Nam Sudan vẫn không áp các thỏa thuận hòa bình để giải quyết các cuộc xung đột tại chỗ vẫn chưa được áp dụng, sau hai năm ký kết.

Tuy nhiên, nghịch lý này chỉ là bề nổi. Thực vậy, bên lề Liên Hiệp Quốc tại New York, trong nội bộ các phái đoàn phương Tây hay trên thực địa châu Phi, không một ai tin rằng lực lượng Mũ Xanh sẽ ngăn được một cuộc khủng hoảng mới tại CHDC Congo, giải giới các nhóm vũ trang ở Trung Phi và buộc áp dụng các hiệp ước hòa bình tại Mali và Nam Sudan. Theo tác giả bài viết, lý do rất đơn giản : Từ 10 năm nay, Liên Hiệp Quốc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột như chữa bệnh ung thư bằng phương pháp vi lượng đồng căn (homeopathy).

Từ giải quyết xung đột đến “bình ổn” quá trình sa lầy

Cỗ máy gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc càng trở nên chuyên nghiệp với việc thành lập Bộ Tác Chiến Gìn Giữ Hòa Bình, DUMP (do một đại diện của Pháp điều hành từ 20 năm nay), thì các phái bộ lại càng sa lầy và mất dần ý nghĩa.

Tại châu Phi, những thành công cuối cùng mà lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đạt được là vào đầu thế kỷ XXI ở các nước Sierra Leone, Liberia, Burundi. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo của DUMP quyết định rằng các phái bộ gìn giữ hòa bình được triển khai tại châu Phi không nhằm giải quyết xung đột, mà để “ổn định” chúng. Hiểu theo “định nghĩa” bên ngoài hành lang Hội Đồng Bảo An, các nhiệm vụ này nhằm bảo vệ thường dân và tái lập chính quyền Nhà Nước.

Bảo vệ thường dân được coi là nhiệm vụ ưu tiên số một của các phái bộ gìn giữ hoà bình sau vụ thảm sát Srebrenica (1995) và nạn diệt chủng tại Rwanda (1994), nhưng đây lại là một mục tiêu hão huyền vì các nước cung cấp lực lượng Mũ Xanh bị chia rẽ. Tác giả Thierry Vircoulon nhận định, trên thực tế, cái được gọi là “ổn định” đồng nghĩa với việc sa lầy tại chỗ.

Năm 2014, người phụ trách phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại CHDC Congo (MONUSCO) đã phải công khai xin lỗi vì sự thụ động của lực lượng Liên Hiệp Quốc trong cuộc thảm sát tại làng Mutarule (06/06/2014). Tại Nam Sudan, một bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc về các vụ đụng độ xảy ra vào tháng 07/2016 tại Juba cho thấy lính Mũ Xanh không đáp lại những lời cầu cứu của người dân. Tại Trung Phi, hiện đang có ít nhất một cuộc điều tra nội bộ về hành vi của lực lượng Mũ Xanh trong một vụ thảm sát gần đây.

Bất chấp quy mô các vụ bạo động nhắm vào người nhập cư ở gần các căn cứ của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, 15 nước thành viên của Hội Đồng Bảo An vẫn không đạt được một tiếng nói chung trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết nhằm thành lập một lực lượng bảo vệ vào năm 2016 vì một số thành viên coi việc bảo vệ thường dân là một chính sách nhân đạo, còn số khác (đặc biệt là Nga và Trung Quốc) thì lại coi đó là ý đồ nguy hiểm chống chính phủ.

Tái lập một Nhà Nước… không tồn tại

Nhiệm vụ thứ hai của các phái bộ “bình ổn” (hiện ở Mali, Trung Phi và CHDC Congo) là lập lại chính quyền Nhà Nước. Cách gọi này được hiểu đơn giản là các vùng đất của nước liên quan phải do đại diện của Nhà Nước quản lý, chứ không phải do các nhóm vũ trang nổi dậy.

Ngoài việc gây mập mờ giữa Nhà Nước và chính phủ, cách gọi trên còn né tránh một vài thực tế chính trị-lịch sử, ví dụ có những vùng đất chưa bao giờ nằm dưới sự quản lý của chính quyền trung ương, như tại tây Congo, bắc Mali và Trung Phi.

Các cuộc bầu cử do cộng đồng quốc tế tài trợ và đứng ra tổ chức một cách chóng vánh nhằm cố lấp đầy thiếu sót lịch sử này… trong vẻn vẹn vài tuần. Trong khi đó, các vấn đề sinh tồn của các nước này từ lúc độc lập lại bị lờ đi “một cách lịch sự” ở Liên Hiệp Quốc, nơi chỉ biết có một nguyên tắc chính là chủ quyền của các nước, bất kể mức tồn tại thực tế ra sao.

Phái bộ gắn liền với tai tiếng

Vì bị sa lầy nên các phái bộ lại gây rắc rối hơn là đưa ra giải pháp, cơ chế quản lý thì có vấn đề. Một mặt, các phái bộ trở thành cỗ máy gây tai tiếng và mất uy tín : thông tin bị bóp méo hoặc bị che giấu về các tội ác ở Darfour (Phái bộ UNAMID/MINUAD), từ chối bảo vệ thường dân ở Nam Sudan (Phái bộ UNMISS/MINUSS), buôn lậu và lạm dụng tình dục tại Trung Phi và Congo (phái bộ MONUSCO và MINUSCA).

Phái bộ MONUSCO giữ kỷ lục về các vụ lạm dụng tình dục với khoảng 2.000 cáo buộc trong vòng 12 năm, trong đó có 700 cáo buộc tại Congo. Trong khi Bộ Tác Chiến Gìn Giữ Hòa Bình, DUMP, là cỗ máy gây tai tiếng, người ta tự hỏi tại sao ngành ngoại giao Pháp vẫn cố duy trì cơ quan này.

Ngoài ra, các phái bộ không còn là một nhân tố giúp thay đổi mà chỉ nhằm bảo toàn. Từ năm 1999, Liên Hiệp Quốc chi khoảng 15 tỉ đô la cho một phái bộ gìn giữ hòa bình ở CHDC Congo nhưng vẫn không giải giới được các nhóm vũ trang và dân chủ hóa chế độ. Đội ngũ lãnh đạo phái bộ gần như nghiêng về phía chính quyền tại vị và thái độ trung lập của họ nhanh chóng bị tác động vì các vụ dàn xếp nhỏ.

Đây là trường hợp tại ba nước châu Phi trên. Các phái bộ giữ im lặng về tình trạng tham nhũng để tránh bị chính phủ tuyên bố persona non grata (“nhân vật không được hoan nghênh”) đối với nhân viên Liên Hiệp Quốc. Các phái bộ còn cung cấp cho ba chính phủ trên sự bảo vệ và tính chính đáng bề ngoài được lãnh đạo các nước đó sử dụng và lạm dụng để chống thường dân. Một trường hợp điển hình là nhờ hỗ trợ hậu cần và quân sự của phái bộ MONUSCO, quân đội CHDC Congo đã vi phạm nhân quyền, và, vào cuối tháng 09/2017, đã đàn áp lực lượng tự vệ maï-maï ở thành phố Uvira.

Bất lực trong việc giải quyết các xung đột, các phái bộ gìn giữ hòa bình đành “đồng hành”theo thời gian. Các thành viên Hội Đồng Bảo An không đủ dũng cảm để bỏ phiếu rút lui (vì thảm kịch diệt chủng Rwanda vẫn còn đó), và cũng chẳng dám trao thêm phương tiện cần thiết và vạch ra một chiến lược thật sự để giải quyết xung đột. Sự bất lực này vẫn được gọi một cách mĩ miều là một “giải pháp chính trị”.

Để tránh nhiệm vụ trọng tài khó khăn, Hội Đồng Bảo An chọn một đồng thuận phủ định (không thế này, cũng chẳng thế kia) quanh một “chính sách hòa bình” mà họ biết rõ là vô hiệu vì ít nhất ba lý do :

1. Bất lực quân sự

Các phái bộ gìn giữ hòa bình không có lực lượng quân sự, dù 95.000 lính Mũ Xanh đều mặc đồng phục, được trang bị vũ khí, phương tiện cơ giới, trực thăng chiến đấu và thiết bị bay theo dõi không người lái… nhưng họ không phải là lực lượng quân đội.

Trong các cuộc đàm phán kín giữa Liên Hiệp Quốc và các nước góp quân, một số nước gay gắt thương lượng phạm vi hoạt động phái bộ của họ, đôi khi loại cả việc sử dụng vũ lực, trong khi điều này được quy định trong chương VII – Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc. Một ví dụ điển hình là lực lượng Mũ Xanh Nhật Bản rút khỏi phái bộ MINUSS dẫn đến tai tiếng chính trị nội bộ sau đó.

Trên thực địa, người dân không hiểu tại sao hàng nghìn người mặc quân phục được triển khai với đủ loại vũ khí mà lại không chiến đấu. Vậy thì tăng quân số, phương tiện và ngân sách thì có ích gì khi vẫn tồn tại một thỏa thuận ngầm cấm sử dụng ?

2. Thiếu chiến lược

Trong nhiều trường hợp, các phái bộ Liên Hiệp Quốc không có chiến lược giải quyết khủng hoảng. Họ chỉ đóng vai trò thay thế sự thiếu vắng biện pháp giải quyết xung đột hoặc tránh cho các cường quốc phải gây sức ép chính trị đối với các “nước bạn hàng”.

Điều này được thể hiện rõ ở việc sứ mệnh của các phái bộ, chỉ là bản sao chép những biện pháp đã thất bại trong các chiến dịch trước đó ở các nước khác. Ví dụ, không bận tâm đến những điểm khác biệt giữa các nước từ CHDC Congo đến Mali, về bản chất các cuộc xung đột hay các tác nhân, 80% nhiệm vụ của các phái bộ MINUSCA, MONUSCO và MINUSMA là giống nhau : chương trình giải trừ vũ khí, giải giáp và tái hòa nhập các nhóm vũ trang, cải cách lĩnh vực an ninh, nền tư pháp quá độ, tuyên truyền nhân quyền…

3. Học thuyết lỗi thời

Nhiều nước (không chỉ có Nga và Trung Quốc) phản đối việc áp dụng học thuyết duy trì hòa bình vào các cuộc xung đột mới.

Theo báo cáo Capstone năm 2008, học thuyết này không còn thích hợp với các cuộc xung đột thế kỷ XXI, vì đó không còn là sự cạnh tranh giữa hai nước có quân đội quy ước, mà là mối đe dọa khủng bố (ở Mali, Somali) hoặc xung đột dân tộc lịch sử (CHDC Congo, Trung Phi). Vì vậy, giải pháp cần thiết không phải là “áp đặt hòa bình”, mà là tạo điều kiện đàm phán hòa bình và tôn trọng các thỏa thuận hòa bình. Tại Trung Phi, Mali và Nam Sudan, cần phải lật ngược quan hệ lực lượng trên thực địa và trừng phạt những bên vi phạm các thỏa thuận hoà bình.

Vì giữa các thành viên Hội Đồng Bảo An và các nước góp quân chưa có đồng thuận, nên từ nhiều năm qua, rất nhiều đề xuất được đưa ra trong các bản báo cáo về cải cách phương pháp gìn giữ hòa bình vẫn bị “bỏ xó”.

Trên thực địa, như tại Trung Phi, trước các vụ bạo động vi phạm thỏa thuận hòa bình và đàn áp thường dân, phái bộ MINUSCA chỉ cảnh báo các nhóm vũ trang là “hành động của họ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhân đạo và nhân quyền, và có thể bị coi là tội ác chiến tranh mà họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự trước các định chế tư pháp quốc gia và quốc tế có thẩm quyền”.

Trước tình trạng không lối thoát, chính quyền Mỹ đã rút ra hệ quả và quyết định giảm đóng góp tài chính. Nguy cơ đối với Liên Hiệp Quốc là có thể sẽ có nhiều nước đi theo con đường của Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-gin-giu-hoa-binh-tai-chau-phi-%E2%80%9Cnhiem-vu-bat-kha-thi%E2%80%9D-cua-lien-hiep-quoc

 

Tổng thống Pháp Macron tìm cách trấn an công luận

Thanh Hà

Sau 5 tháng cầm quyền, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên trả lời trên đài truyền hình vào tối 15/10/2017. Trong chương trình 1 tiếng 15 phút, tổng thống Macron cố giải thích với công chúng về những hồ sơ gây nhiều tranh cãi trong những tuần qua.

Tổng thống Pháp giữ vững lập trường và tuyên bố sẽ tiến hành tới cùng các chương trình cải tổ đã đề xuất trong thời kỳ vận động tranh cử, bất chấp phản đối trong một phần công luận.

Các kế hoạch cải tổ được nguyên thủ Pháp đề xuất gồm cải cách luật lao động đã được ông ký sắc lệnh ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/09/2017.

Bước kế tiếp, chủ nhân điện Elysée đang xúc tiến đàm phán với bên công đoàn để soạn thảo dự luật trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như dự án cải tổ chế độ trợ cấp thất nghiệp. Tổng thống Macron kỳ vọng các biện pháp cải tổ đang tiến hành sẽ cho phép nước Pháp giải quyết thất nghiệp trong vòng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm.

Ngoài ra, ông Emmanuel Macron đã dành đến 15 phút trong buổi nói chuyện tối qua trên đài truyền hình để xua tan những thành kiến cho rằng, ông là một tổng thống của những thành phần giàu có. Cáo buộc này xuất phát từ chỗ chính phủ dự trù xóa thuế ISF đánh vào những thành phần giàu có nhất nước Pháp, đồng thời giảm trợ cấp nhà ở APL của người nghèo.

Tổng thống Pháp trả lời đài truyền hình vào lúc điểm tín nhiệm của ông tuột dốc. Và câu hỏi đặt ra là liệu Emmanuel Macron có thuyết phục được công luận hay không, thì theo thăm dò của viện Harris Interactive thực hiện ngay khi chương trình kết thúc, 61% những người được hỏi trả lời là “Không”.

http://vi.rfi.fr/phap/20171016-phap-tong-thong-macron-tim-cach-tran-an-cong-luan

 

Liên Hiệp Châu Âu

kiên quyết duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran

Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran sau phiên họp các ngoại trưởng ngày 16/10/2017, tại Luxembourg. Theo các nước châu Âu, thỏa thuận lịch sử này còn là điều cần thiết để thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Ngày 13/10, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận Teheran tôn trọng thỏa thuận được ký tại Vienna năm 2015 với sáu cường quốc. Trong khi đó, 5 nước còn lại (Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh) đều nhất trí bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong một bản thông cáo chung, được AFP trích dẫn, ba nước Pháp, Anh và Đức đều tỏ ra « quan ngại » về « các hệ lụy đối với an ninh của Hoa Kỳ và các nước đồng minh » của các biện pháp mà chủ nhân Nhà Trắng yêu cầu.

Đến tham gia buổi họp các ngoại trưởng sáng 16/10 tại Luxembourg, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu khẳng định : « Đây là một thỏa thuận được thực hiện tốt và đó là điều chúng ta cần đối với nền an ninh ».

Vẫn theo bà Federica Mogherini, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, AIEA, tổ chức từng tiến hành nhiều đợt thanh tra tại các cơ sở hạt nhân của Iran, « chưa từng phát hiện bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào từ phía Iran ».

Những lời tuyên bố của tổng thống Mỹ khiến chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngai vì « có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự » giữa Hoa Kỳ và Iran, như cảnh báo của ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.

Trước đó, ngày 15/07, do cộng đồng quốc tế phản đối các cáo buộc của chủ nhân Nhà Trắng, nhiều quan chức của chính quyền Washington đã lên tiếng xác định rằng Hoa Kỳ trước mắt vẫn gắn bó với phần còn lại của thoả thuận hạt nhân Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC, bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Teheran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Song bà tỏ ý quan ngại trước những hoạt động hạt nhân của Iran không nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận, bao gồm việc bán vũ khí và tài trợ cho các nhóm chiến binh, trong đó có phiến quân Hezbollah.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-lien-hiep-chau-au-kien-quyet-duy-tri-thoa-thuan-hat-nhan-voi-iran

 

Bắc Triều Tiên từ chối đối thoại với Hàn Quốc tại Nga

Duy Anh

Bên lề diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại thành phố Saint-Petersburg (Nga) ngày 16/10/2017, các chính khách Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều hiện diện, nhưng không tiến hành đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, bất chấp lời kêu gọi của Nga.

Theo báo chí Nga, bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Thượng Viện Nga, sẽ lần lượt có cuộc hội đàm riêng với phó chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và người đứng đầu Nghị Viện Hàn Quốc về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chính quyền Matxcova từng kêu gọi đôi bên tận dụng cơ hội cùng có mặt tại Nga để đối thoại, song ngày 15/10, hãng thông tấn Nga RIA, trích lời ông Piotr Tolstoi, phó chủ tịch Hạ Viện Nga, cho biết là sẽ không có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa hai phái đoàn Triều Tiên. Một quan chức trong phái đoàn Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng, chính việc Hoa Kỳ gây áp lực trên Bình Nhưỡng, và cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là yếu tố khiến cho cuộc đối thoại không thể diễn ra.

Trong một nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy đàm phán, ông Konstantin Kosachyov, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Nga cho biết là chính quyền Nga ngày 16/10, sẽ lại kêu gọi hai phái đoàn trực tiếp đối thoại với nhau. Theo quan chức Nga này, đoàn đại biểu của chính quyền Bình Nhưỡng kiên quyết từ chối đối thoại, trong khi phái đoàn Hàn Quốc tỏ ý sẵn sàng tham gia cuộc gặp.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNN ngày 15/10, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng, các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên « sẽ vẫn tiếp tục cho tới khi quả bom đầu tiên được thả xuống ».

Người đứng đầu cơ quan Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, Washington đã phải mất nhiều thời gian để thảo luận về những phương án nhằm đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng, và tổng thống Trump hiện đã có trong tay những đối sách quân sự này. Song ông Tillerson cũng nhấn mạnh rằng, chủ nhân Nhà Trắng muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, thay vì phát động một cuộc chiến tranh.

Các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của chính quyền Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây làm cộng đồng quốc tế lo ngại bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã tăng cường lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc đã chủ trương một kế hoạch giảm căng thẳng, theo đó Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận rầm rộ, đồng thời chính quyền Kim Jong Un ngừng chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa. Đó là những động thái nhằm dọn đường cho các cuộc thương lượng đa phương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171016-bac-trieu-tien-tu-choi-doi-thoai-voi-han-quoc-tai-nga

 

Bầu cử Quốc Hội Áo: Đảng bảo thủ chiến thắng

Thanh Hà

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Áo ngày 15/10/2017, theo kết quả dựa trên 86% số phiếu đã kiểm, đảng bảo thủ ÖVP về đầu với 31%. Về nhì là đảng Xã Hội Dân Chủ SPÖ của thủ tướng mãn nhiệm Christian Kern với chưa đầy 27%, chỉ hơn đảng cực hữu trong đường tơ kẽ tóc, khoảng 26%. Thế nhưng FPÖ lại có rất nhiều triển vọng trở lại chính quyền, trong một chính phủ liên minh với đảng bảo thủ của cựu ngoại trưởng Sebastian Kurz.

Trong thời gian từ 2000 đến 2006, FPÖ từng liên minh với đảng bảo thủ lãnh đạo đất nước. Khi đó, sự hiện diện của đảng cực hữu trong chính quyền Vienna làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ tại Liên Hiệp Châu Âu. Đảng FPÖ xem người nhập cư là một mối đe dọa đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của Áo.

Về phía Sebastian Kurz, với tư cách ngoại trưởng Áo, mùa thu 2015, ông là một trong những người đầu tiên lên tiếng phản đối chính sách hào phóng đón nhận người nhập cư của Đức.

Như vậy là lãnh đạo đảng bảo thủ, Sebastian Kurz, sẽ trở thành thủ tướng tương lai của nước Áo. Mới 31 tuổi, ông đoạt kỷ lục lãnh đạo trẻ tuổi nhất tại châu Âu, vốn đang do thủ tướng Ai Len, Leo Varadkar, 38 tuổi, nắm giữ.

Bầu cử cấp vùng tại Đức : Thất bại của thủ tướng Merkel

Còn trong cuộc bầu cử cấp địa phương ngày 15/10/2017 tại vùng Niedersachsen (Basse Saxe), miền bắc nước Đức, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Angela Merkel thất bại. Liên minh đảng Xanh và Xã Hội Dân Chủ – cánh tả, về đầu với 37,3% số phiếu. Đảng của thủ tướng Merkel thua 4 điểm. Thất bại này càng tạo đà cho đảng Xanh “mặc cả” với thủ tướng Merkel trong việc thành lập chính phủ liên minh.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-bau-cu-quoc-hoi-ao-thang-loi-cua-dang-bao-thu