Những mộ phần tương lai

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những mộ phần tương lai
15-10-2017
Đám tang tập thể những người bị chết vì sạt lở đất hôm 12/10 tại Hòa Bình. Ảnh: Báo PLTP
Ở trên xứ thiên đường này, không cần quá nhiều góc ảnh và mất quá nhiều thời gian để có thể chộp lấy được những khoảnh khắc rất đỗi bi thương của những thân phận người. Và cũng không thiếu cảnh những kẻ giàu sang trên sự hoang tàn và kiệt quệ của quê hương.
Những mảnh đời vất vưởng và bi ai thì nhiều vô số, những đứa trẻ không quần, không áo, không trường, không lớp. Những hình hài lớn lên trong sự bỏ mặc của những bàn tay tàn phá chính đất nước mình. Những gia đình nghèo nàn, thiếu chất sống, cả tinh thần và vật chất.
Bao nhiêu dự án, tài nguyên, bấy nhiêu rủi ro và nguy cơ đẩy con người tới tai hoạ trong những mưu tính đầu tư và khai thác, một cách bất chấp.
Bao nhiêu kẻ thao túng và vơ vét tài sản rồi rời bỏ đất nước tìm kiếm cuộc sống sung túc và an toàn nơi khác, bỏ lại Tổ quốc ô nhiễm, nghèo nàn dần đi và con người sống trong cảnh giành giật nhau từng chút lợi ích mà không chịu bồi đắp lại cho con người và quê hương.
Không phải chỉ vài trận mưa, lũ, sạt lở mới khiến chúng ta lao đao và khốn đốn, mà nhờ nó ta mới biết con người chúng ta là những kẻ yếu thế thế nào trước thiên nhiên và trước những biến động, sự cố mà thực ra chính chúng ta là một phần đóng góp vào đó hậu quả mà mình phải đối diện một cách liên tiếp. Chúng ta là những kẻ không có phương cách vì sống nay đây mai đó, tạm bợ, được ngày nào hay ngày đó, không có kế hoạch cho tương lai và những tai ương. Chúng ta vui vẻ qua ngày đoạn tháng, vơ vét tiền bạc tài nguyên làm mục đích sống, phô bày sự xa hoa và lấy sự đẳng cấp để phân hạng người trong xã hội. Chúng ta chẳng để lại gì cho con cái và mai sau, chúng ta sống rất tàn ác với nhau và với các thế hệ con cháu mình. Chúng ta cứ an nhiên sống và tìm kiếm lợi ích ngắn hạn và tìm cách chạy trốn khi xã hội trở nên suy cấp và bất an.
Chúng ta đã sản sinh ra những thế hệ người đáng thương, vị kỷ và hèn nhát, chỉ có né tránh và trốn chạy làm phương cách sống an lành. Và nếu có, sẽ đổ vấy việc xây dựng hoặc trách nhiệm kiến thiết “cho người khác”.
Và mỗi khi thiên tai, hay nhân tai ập đến, chúng ta chết chìm trong nó và hoảng sợ mà không có thiết sách đối phó và làm nó trở nên an hoà.
Rừng bị cạo trọc, nhà máy thuỷ điện mọc lên khắp các thượng nguồn, các nhà máy công nghiệp vô tư xả thải ra khắp các nguồn nước, đất và không khí trong lòng tổ quốc chúng ta. Ngay cả môi trường giáo dục và thông tin cũng trở nên hỗn loạn vô phương cách cứu chữa. Văn hoá, tâm linh và tôn giáo đều nhuốm màu thương mại hoặc bị lợi dụng làm những trò lố bịch hại người, khiến dân chúng u mê vào thần thánh, tâm linh, chẳng màng tới luật pháp mà hành xử. Những con người tụ tập rượu bia hô hào khắp các quán nhậu, trên những đau thương chết chóc của những người khác.
Nếu cứ sống trong sự bỏ mặc cho những kẻ tham lam hoành hành và chúng ta vô tư sống bên cạnh rất nhiều những bi ai, mất mát và khổ nạn của đồng loại thì chúng ta như những kẻ vô loài, tự sát hại tương lai và cuộc sống của chính mình.
Không phải là chuyện của cơn lũ, mà là chuyện gây nên bởi sự ngu dốt và tham lam của con người. Tham lam một cách tàn ác, không trừ bất kể ai và bất kể thứ gì để chiếm đoạt lợi ích, cả con người và tự nhiên, cả hiện tại và tương lai.
Những nén hương thắp cho từng cây rừng, cũng là những nén hương dành cho những mộ phần của tương lai thế hệ sau.