Một trong 10 nghịch lý từ Đồng bằng sông Cửu Long: Nhân tai hay thiên tai?
13-10-2017
Bây giờ là đúng 0 giờ, bắt đầu ngày-thứ-sáu-mười-ba tháng 10. Báo, tivi, mạng, vẫn là những thông tin khủng khiếp về lũ lụt đổ ập càn quét các tỉnh miền bắc, trong khi ở SG trời mưa liên miên. Tôi đọc bài Mai Quốc Ấn viết về những cơn lũ trong lòng người. Gần 80 người chết, còn nhiều người mất tích và vô số tài sản thiệt hại cho tới lúc này, chỉ trong một đợt lũ vài ngày. Ấn đếm, và phân tích. Cơn lũ đầu tiên mang tên phá rừng (Tôi từng kể là những đêm ngủ trên núi Madrak, huyện cuối của Daklak, cả đêm tôi cứ nghe xa xa tiếng cưa máy bên kia đồi nghiến vào những thân cây rừng vừa bị hạ). Rừng sạch trắng trên đầu nguồn, đâu còn gì giữ nước.
Cơn lũ tiếp theo là đầu tư thủy điện. Ấn kể có một đại gia gỗ tâm sự: “Làm thủy điện đầu tiên là làm gỗ. Sau đó là làm đường. Và cuối cùng mới làm điện.” Nên có những công trình thủy điện đặt giữa tim rừng.
Cơn lũ thứ ba mang tên quy trình xả lũ. Không người dân nào chạy nhanh hơn sức nước đổ về. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi,… phăng phăng trôi. Và điệp khúc “làm đúng quy trình” vẫn được lặp lại hàng năm.
Rồi nối tiếp là những cơn lũ di dân, cứu trợ, bệnh tật, gánh nặng xã hội, an ninh trật tự… Thiên tai năm 2017 khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ năng nề, gây thiệt hại lớn hơn các nơi khác của thế giới, theo phúc trình do Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên hiệp quốc phụ trách khu vực châu Á (ESCAP) công bố ngày 10/10: các nước nghèo, có thu nhập trung bình thấp thì phải chịu thiên tai cao gấp 5 lần dân nơi khác, nền kinh tế quốc gia sẽ mất khoảng từ 2,5% và 4% tổng sản lượng nội địa hàng năm và thiệt hại về người, tỉ lệ tử vong cao gấp 15 lần những nước giàu.
Thiên tai đe dọa khủng khiếp như vậy. Đồng bằng sông Cửu Long mấy năm nay thiệt hại nặng vì biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo số liệu thống kê về đồng bằng được công bố tại HN thích ứng biến đổi khí hậu hai tuần trước thì cứ 1km2 đất trên bộ thì tương ứng (có) 72 km đường thủy, nhưng trong 10 năm gần đây Nhà nước chỉ đầu tư 10% cho giao thông.
Nhưng đâu phải chỉ do thiên tai. Làm việc với các chuyên gia có uy tín về BĐKH mới biết thêm môt sự thực khác: cứ tưởng BĐKH là nước biển sẽ dâng, nhấn chìm đồng bằng, nhưng thực ra, thiên tai còn đến chậm hơn … nhân tai! Chỉ một bán đảo Cà Mau mà có tới 10.000 cái giếng được đào để lấy nước ngầm, thì làm sao mặt đất không bị sụt lún, khi mà tốc độ nước biển dâng chỉ bằng 1/10 tốc độ khai thác nước ngầm …
PS: “Quản lý tài nguyên nước” ở ĐBSCL là một trong 5 đề tài nghiên cứu sẽ công bố tại Mekong Connect 2017, ngày 26/10/2017 tại Bến Tre, bên cạnh 4 nghiên cứu về phát triển cho dừa, gạo, cá, sen. Bạn hãy tham gia để chia sẻ thông tin và nói lên ý kiến cùng giải pháp của bạn.