Cộng Sản Bắc Hàn và vũ khí nguyên tử
Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) – Một trong những thủ thuật của Độc tài CS trên thế giới, kể cả đảng CSVN, là cai trị và duy trì quyền lực qua sự sợ hãi. Sự kiện Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử làm báo chí và quần chúng Úc quan tâm và tin tức thế giới cho biết Bắc Hàn cảnh cáo và hăm dọa chính phủ Úc rằng tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ là “một hành động tự sát” (a suicidal act).
I. Chế độ Cộng Sản Bắc Hàn muốn gieo rắc sự sợ hãi trên toàn thế giới:
Các chỉ dẫn khách quan cho thấy ngay rằng Kim Jong Un và đảng Cộng Sản Bắc Hàn (hoặc Bắc Triều Tiên) đã thành công trong mục tiêu gieo rắc sự sợ hãi cho dân chúng không những tại Bán Đảo Triều Tiên mà cả tại các quốc gia khác. Một chế độ độc tài hoàn toàn vô trách nhiệm, sở hữu một số võ khí nguyên tử tương đối khiêm nhượng (5 hay 6 quả với tầm sát hại rất nhỏ) mà đã gieo rắc sự sợ hãi cho những người công dân một quốc gia xa xôi tận Úc Châu như thế thì sự lo sợ của một người dân miền Tây duyên hải Hoa Kỳ (California), Nhật Bản (Đông Kinh), Trung Quốc (Bắc Kinh) và Nam Hàn (Hán Thành) phải nhân lên gấp bội.
Các chế độ độc tài nhất là cộng sản, từ Liên Xô, đến Trung Quốc và Việt Nam, đều duy trì sự sống còn và quyền lực của mình qua sự sợ hãi họ gieo rắc trong tâm thức của quần chúng.
II. Vấn nạn vũ khí nguyên tử:
Muốn tìm hiểu thêm về vấn nạn vũ khí nguyên tử chúng ta phải nêu một số vấn đề thảo luận sau đây:
1. Các quốc gia nào đầu tiên có võ khí nguyên tử?
2. Tác dụng chiến lược của võ khí nguyên tử là gì?
3. Những cá nhân hay thực thể nào ham muốn có võ khí nguyên tử?
4. Những chặng đường quan trọng nào trong tiến trình phát triển võ khí nguyên tử của Bắc Hàn là gì?
A. Những quốc gia nguyên tử đầu tiên:
Vào giai đoạn cuối Thế Chiến Thứ Nhì, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên có võ khí nguyên tử (1945). Sau đó là Liên Xô (1949), Anh Quốc (1952), Pháp (1960), Trung Quốc (1964), Ấn Độ (1974), Pakistan (1998) và bây giờ là Bắc Hàn (2006). Nhiều chỉ dẫn cho thấy Do Thái (1986) cũng có từ 100 đến 200 đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên quốc sách của Do Thái là không công nhận cũng không chối bỏ mình có võ khí nguyên tử hay không.
Nhiều thập niên về trước, có tin đồn rằng Đức Quốc Xã của Hitler là chế độ có nhiều tiến bộ về phát triển võ khí nguyên tử nhất. Tuy nhiên Hitler bị bại trận quá sớm, nếu không đã thống trị thế giới qua vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ, Liên Xô và các quốc gia như Anh hoặc Pháp có võ khí nguyên tư nhanh hay chậm là do bắt được nhiều khoa học gia về nguyên tử của Đức Quốc Xã khi họ bại trận hay không.
Thực ra, theo tôi nghĩ, bom nguyên tử (nuclear bomb) cũng như năng lượng nguyên tử sử dụng cho hòa bình (nuclear energy for peaceful purposes), là bước tiến tự nhiên của khoa học. Hoa Kỳ là quốc gia kỹ nghệ chiến tranh vượt trội cho nên trở thành cường quốc nguyên tử đầu tiên và cũng là quốc gia đầu tiên sử dụng võ khí nguyên tử để dành chiến thắng trên chiến trường, với 2 quả bom nguyên tử thả tại Hiroshima (6 tháng 8, 1945) và Nagasaki (9 thắng, 1945) Nhật Bản.
Hành xử quyền lực quốc gia, qua sức mạnh của vũ khí, là một tác động bình thường của các dân tộc trên thế giới.
B. Tác dụng chiến lược của vũ khí nguyên tử:
Thực ra sức hủy diệt vĩ đại của vũ khí nguyên tử không phải hoàn toàn tiêu cực.
Trước hết quả địa cầu chỉ có một bầu khí quyển. Vũ khí nguyên tử có tầm hủy diệt và mức ô nhiễm phóng xạ cao nên có xác suất ô nhiễm toàn bộ và giết hại hoặc làm tổn thương cả nhân loại, bao gồm kẻ sử dụng vũ khí nguyên tử. Chính vì thế trừ khi vạn bất đắc dĩ, không ai sử dụng cả và như thế chiến tranh không xảy ra một thời gian rất dài từ năm 1945 đến nay.
Sau đó, nếu 2 bên đều có vũ khí nguyên tử thì “tính hủy diệt cả hai” (mutual destruction) của vũ khí nguyên tử đưa đến 1 hệ lụy không kém quan trọng về chiến lược nữa: Đó là san bằng sự khác biệt giữa một nước nhỏ và một nước lớn.
Lý do đơn giản là không một quốc gia lớn nào dại dột để hủy diệt một quốc nguyên tử nhỏ hơn, nếu trong cuộc chiến đối thủ có thể tiêu diệt hằng chục triệu dân mình. Điều này có thể so sánh với một người giết chết địch thủ nhưng sau đó cụt cả tứ chi vậy.
Hệ lụy này là lý do tại sao:
1. Do Thái (8 triệu dân) có vũ khí nguyên tử (mặc dầu không chính thức công nhận) hầu đối đầu với thế giới Á Rập Hồi Giáo (mấy trăm triệu dân)
2. Pakistan (200 triệu) có võ khí nguyên tử đối đầu với Ấn Độ (1,3 tỷ)
3. Anh (66 triệu) hoặc Pháp (65 triệu) đối đầu với Liên Xô (286 triệu năm 1990) và bây giờ là Nga Sô (144 triệu)
4. Bắc Hàn (25 Triệu) đối đầu với Nam Hàn (50 triệu), Nhật Bản (127 Triệu), Hoa Kỳ (324 triệu) hoặc Trung Quốc (1,4 tỷ) tùy theo quan điểm của từng cá nhân.
Đây cũng chính là lý do tại sao, trong tương lai, một chính quyền tại Việt Nam (94 triệu dân) có thể phải xét đến vũ khí nguyên tử như một sự chọn lựa chiến lược cuối cùng (last resort strategy) nếu Trung Quốc (1,4 tỷ dân) tiếp tục hiếp đáp và xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.
C. Như vậy, trên thế giới đương đại, cá nhân hay thực thể nào muốn có võ khí nguyên tử?
Trong hoàn cảnh chính trị, kinh tế và công nghệ thế giới đương đại, chưa có cá nhân nào có khả năng chế tạo và sở hữu võ khí nguyên tử vì nó vượt ra khả năng kỹ thuật, tài chánh, địa dư của cá nhân. Tuy nhiên không có nghĩa là trong tương lai sẽ không có: một khoa học gia khùng điên sở hữu nhiều người máy và các phương tiện kỹ thuật như trong các phim khoa học giả tưởng chẳng hạn.
Những tổ chức khủng bố Hồi Giáo cực đoan sở hữu vũ khí nguyên tử có thể sẽ là một ác mộng của nhân loại.
Thực tế thì khả năng này nằm trong tay một số định chế (institutions) và quốc gia (nation-states).
Những định chế bao gồm những tổ chức có đẳng cấp và quyền lực như Đức Quốc Xã của Hitler, Các đảng cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn thậm chí các đảng chính trị dân chủ tại các nước tây phương. Các quốc gia thì dễ hiểu bao gồm các quốc gia như Hoa Ký, Nga, Trung Quốc, Việt Nam etc…
Như một quy luật tổng quát, trong một thể chế dân chủ, vũ khí nguyên tử dùng để bảo vệ quốc gia, bất chấp quốc gia đó do đảng phái nào nắm quyền. Trong một chế độ độc tài thì vũ khí nguyên tử không có mục tiêu bảo vệ quốc gia, mà chỉ bảo vệ một chính quyền đang nằm trong tầm kiểm soát của một định chế chính trị duy nhất (chẳng hạn Đảng Lao Động Bắc Hàn).
Nhiều định chế hoặc quốc gia phát triển vũ khí nguyên tử và gặp nhiều trở lực khác nhau trong mục tiêu của họ. Riêng Bắc Hàn và Iran thì gặp nhiều trở lực hơn hết.
Sau Hoa kỳ thì các quốc gia như Liên Xô, Anh và Pháp phát triển vũ khí nguyên tử tương đối sẽ dàng một phần vì kỹ nghệ chiến tranh tiến bộ và một phần không nhỏ vì họ là những kẻ chiến thắng Đức Quốc Xã và có chân trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UN Security Council) đầy quyền lực. Dĩ nhiên Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cũng như thế nhưng chỉ 4 năm sau (1949) thì bị đảng CS của Mao Trạch Đông đánh bật khỏi lục địa phải chạy ra Đài Loan.
Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia rất lớn và những nền văn hóa lâu đời. Tự họ đủ tầm cỡ và chính danh để có vũ khí nguyên tử và dù Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cấm vận kinh tế hoặc quân sự, cũng không thể ảnh hưởng đến sự phát triển vũ khí nguyên tử của họ. Nhất là khi họ có sự giúp đỡ tích cực của một Liên Xô đang muốn kéo đồng minh (như Ấn Độ) hầu đối đầu với Hoa Kỳ.
Riêng Do Thái và Pakistan là những trường hợp đặc biệt, được Hoa Kỳ hỗ trợ. Do thái đã là thành trì của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Bắc Phi từ nhiều thập niên. Pakistan nhiều thập niên về trước đối đầu với Ấn Độ và lúc đó, Ấn Độ tuy là một quốc gia dân chủ, nhưng chịu rất nhiều ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa của Liên Xô trên phương diện kinh tế. Chính vì thế Hoa Kỳ ủng hộ chương trình vũ khí nguyên tử của Pakistan. Dĩ nhiên bây giờ tình thế địa chính trị ấy đã thay đổi và Ấn Độ đã trở thành một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, nhất là trong bàn cờ Đông Nam Á.
Trước hết Đảng Lao Động Bắc Hàn, như một định chế chính trị, cần có vũ khí nguyên tử. Nhân Dân Bắc Hàn không cần. Lý do là vì trong tình thế địa chính trị hiện nay, Trung Quốc không có nhu cầu thôn tính hoặc sát nhập Bắc Hàn. Hàn Quốc như một dân tộc lại có nhu cầu thống nhất tự nhiên và nếu thống nhất thì Nam Hàn dân chủ sẽ có khả năng nuôi nấng, bảo bọc và từng bước nâng cấp Bắc Hàn từ chính trị đến kinh tế và giáo dục, như Tây Đức dân chủ đã từng làm đối với Đông Đức cộng sản vậy. Tuy nhiên nếu thống nhất như thế thì tuy nhân dân Bắc Hàn có lợi nhưng đảng cộng sản như một định chế quyền lực thì phải triệt tiêu và dĩ nhiên họ không chấp nhận điều này.
Lẽ sống của họ không khác đảng CSVN như một định chế quyền lực. Đảng CSVN cương quyết không dân chủ hóa và hợp tác với Hoa Kỳ lẫn các nước dân chủ Tây Phương vì làm như thế thì toàn dân Việt có lợi nhưng đảng CSVN như một định chế quyền lực phải diệt vong.
Như vậy thì kẻ thù của đảng Lao Động Bắc Hàn là Nam Hàn, tại sao lại kéo vào cả Nhật Bản và Hoa Kỳ?
Lý do là vì Nam Hàn là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ cũng là đồng Minh Quân sự của Nhật Bản. Thêm vào đó, có sự hợp tác về tình báo vô cùng sâu rộng giữa Nam Hàn và Nhật Bản liên hệ đến Bắc Hàn. Hơn nữa cả 3 quốc gia này đều là những nền kinh tế phồn thịnh liên hệ mật thiết với nhau. Hủy diệt Nhật Bản chẳng hạn sẽ gây sự xáo trộn kinh tế làm tê liệt Hoa Kỳ và cả thế giới.
Ngay cả Bắc Kinh cũng nằm trong tầm nhắm của đảng Lao Động Bắc Hàn. Ý thức hệ không còn là một căn bản kết bạn nữa. Quyền lực và quyền lợi mới là độc tôn. Hơn nữa, nếu Bắc Hàn đạt đến mức độ võ khí nguyên tử căn bản bảo đảm được “sự hủy diệt cả hai” (mutual destruction) thì ngay cả Bắc Kinh cũng phải nể sợ họ nữa.
D. Một cách tóm tắc các chiến lược gia Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) đang chạy đua để đạt đến các mục tiêu sau đây:
1. Một kho vũ khí nguyên tử từ 30 đến 50 đầu đạn
2. Các hỏa tiễn liên lục địa mạnh có tầm xa có thể bay đến ít nhất các thành phố bờ biển Thái Bình Dương miền Tây Hoa Kỳ
3. Hoặc kỹ thuật làm các đầu đạn nguyên tử cỡ nhỏ và nhẹ hơn bình thường hầu có thể gắn trên các hỏa tiễn nhằm đạt đến tầm bắn xa hơn.
Một khi họ đạt đến các tiêu chuẩn trên thì không quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ có thể tấn công họ và họ nghiễm nhiên gia nhập Câu Lạc Bộ các quốc gia Vũ khí nguyên tử (Nuclear club) của thế giới.
Lúc đó, họ có thể yên tâm toàn tâm toàn lực củng cố mạnh mẽ hơn guồng máy công an trị trong nước và thống trị dân tộc Bắc Hàn miên trường vĩnh viễn.
Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ phải làm gì để ngăn chặn?
Các chiến lược gia các quốc gia này đã nghĩ qua nhiều phương pháp. Tiêu biểu là:
a. Cấm vận kinh tế Bắc Hàn
b. Bắn rơi tất cả các hỏa tiễn Bắc Hàn muốn thí nghiệm
c. Xua quân đánh chiếm Bắc Hàn và giải thể chế độ
d. Đánh phủ đầu (pre-emptive strike) và hủy diệt mọi hạ tầng cơ sở xây dựng vũ khí nguyên tử
e. Oanh tạc hủy diệt kho vũ khí nguyên tử
Tuy nhiên, mỗi biện pháp đều có ưu và khuyết điểm.
III. Câu hỏi nhiều người nêu ra là: liệu chiến tranh sẽ xảy ra hay không?
Câu trả lời theo tôi là có thể bao gồm trong các trường hợp sau đây:
1. Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ
2. Liên minh 3 quốc gia này tấn công Bắc Hàn hầu ngăn chặn Bắc Hàn phát triển vũ khí đạt đến mức độ mutual destruction nêu trên
3. Nhật bản đơn phương bất ngờ tấn công hủy diệt các cơ sở nguyên tử Bắc Hàn
4. Trong 1 đến 2 năm cuối nhiệm kỳ, nếu Tổng thống Donald Trump cảm thấy mức ủng hộ của dân chúng quá thấp và nếu đánh Bắc Hàn sẽ giúp ông đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì thì chiến tranh sẽ xảy ra. Lúc đó sự kiện Bắc Hàn có phải là một đe dọa thật sự cho Hoa Kỳ và các đồng minh hay không không còn quan trọng nữa.
Một cách tổng quát thì khuyết điểm của Bắc Hàn là sự nghèo nàn phương tiện, khoa học kỹ thuật kém. Ưu điểm của họ là thời gian. Càng kéo dài thời gian thì họ càng tiến gần mục đích.
Khuyết điểm của Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản là thiếu thông tin về nội bộ kẻ địch. Ưu điểm của họ là kỹ thuật và vũ khí vượt trội.
Thêm vào ưu điểm đó, chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng tranh đấu để sống còn của các dân tộc như Nam Hàn hoặc Nhật Bản. Nhất là một dân tộc bất khuất như Nhật Bản. Đe dọa sự sống còn của họ không phải là một sách lược khôn ngoan, dù đến từ một định chế toàn trị như Đảng Lao Động Bắc Hàn.
12/10/2017