Tin Việt Nam – 12/10/2017
Mưa lũ kỷ lục khiến 37 người chết, hàng chục bị thương
Đợt mưa lũ được cho là lớn nhất trong nhiều năm qua, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ của Việt Nam.
Báo Thanh Niên dẫn số liệu của Văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, tính đến 5 giờ chiều 11/10, đã có 29 người chết, 21 người mất tích và 14 người bị thương.
Bàn tròn: Hội nghị TƯ6 bế mạc – Bình luận & Phân tích
Philippines: Bão Nock-ten vào Manila
Tuy nhiên theo bản tin của Reuters vào sáng 12/10, con số người chết đã lên đến 37 người, số người bị thương là 21 và 40 người vẫn mất tích.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn, mưa lớn tập trung chủ yếu ở nam Sơn La, bắc Nghệ An, trọng tâm vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, với lượng mưa 50-100mm.
Ở Yên Bái, ba người chết vì bị lũ cuốn trôi và sập nhà. Nước lũ làm sập gãy hai nhịp cầu Ngòi Thia ở Thị xã Nghĩa Lộ. Một phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam đã bị lũ cuốn khi tác nghiệp.
Ở Thanh Hóa gần 3000 hộ dân bị ngập, hàng ngàn phải sơ tán trong đêm để đến nơi an toàn.
Dấu hiệu biến đổi khí hậu ‘khôn lường’
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói với báo Thanh Niên rằng, lượng mưa hôm Thứ Hai “rất đặc biệt”, kết hợp hai hoàn lưu kép tạo nên diện mưa rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra các tỉnh miền núi phía bắc.
“Thông thường tháng 10 rất ít mưa tại khu vực này, đây là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu rất khôn lường,” báo Thanh Niên dẫn lại lời ông Cường.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía đông Philippines có khả năng trở thành báo số 11.
Báo Thanh Niên dẫn lời chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, dự báo áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão, và đổ bộ các tỉnh phía bắc miền Trung vào 16/10.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41591595
Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy buổi làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với lũ lụt tại một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất vì đợt thiên tai bất ngờ.
Xem thảo luận Facebook Live 12/10 về lũ lụt Việt Nam.
Theo trang baochinhphu.vn ông Phúc đã tới thị sát đập tràn Lạc Khoái ở Gia Viễn, Ninh Bình để chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ đê.
Ông Phúc cũng đi ca-nô trên sông Hoàng Long để nắm bắt tình hình.
Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè
VN: mưa lũ làm hàng chục người chết và bị thương
Cũng có tin ngày 11/10, Ninh Bình ra lệnh sơ tán 200 nghìn dân tại vùng bị ngập lụt to do mưa lớn từ 9/10 đến ngày 11/10.
Vẫn trang web của Chính phủ Việt Nam cho hay “tổng lượng mưa đo được đến hết ngày 11/10 là trên 400 mm, riêng ngày 11/10 lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 180 mm”
Trang này nói đã có “tình trạng ngập úng nội đồng và xuất hiện lũ lớn trên sông Hoàng Long với nước từ Hưng Thi (Hòa Bình ) đổ về”.
Báo Việt Nam cũng đăng hình Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Tại Hòa Bình, con số đến ngày 12/10 là 14 người dân bị chết vì thiên tai, và đất lở do mưa lũ đợt này.
Còn tại Hà Nội, được biết Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và trước đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cũng ra các vùng ven đô để chỉ đạo chống lũ.
Các báo Việt Nam và thông tấn quốc tế như Reuters đưa tin mưa lũ làm hàng chục người chết ở Nghệ An, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hóa.
Không chỉ có tin nhiều tuyến đường bị sạt lở mà có các tin thiệt hại về tài sản như vụ hàng nghìn lợn bị chết trong một trại ở Thanh Hóa.
Các báo và thông tấn cũng đăng hình nhà chức trách, công an, quân đội Việt Nam cứu giúp nạn nhân lũ lụt.
Vỡ đê hay chỉ nước tràn?
Người phát ngôn huyện Chương Mỹ khẳng định với BBC hôm 12/10 rằng không có chuyện vỡ đê Bùi 2 như trên thông tin trên một số báo Việt Nam, mà chỉ là “cho tràn nước tự nhiên”.
Đê Bùi 2 dài gần 10km, thuộc địa phận hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
VietnamNet hôm 12/10 ghi nhận “Khoảng 6:00 sáng nay, đê Bùi 2 thuộc Chương Mỹ, Hà Nội đã bị vỡ, rất may, không có thiệt hại về người.”
Báo này dẫn lời ông Lê Trung Hà, chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, khẳng định “đê Bùi 2 đã bị vỡ và các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục.”
Báo Thanh Niên cùng ngày cho hay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và trước đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đã về huyện để “nắm tình hình thực tế và chỉ đạo ứng phó với mưa lũ”.
Hôm 12/10, trả lời BBC, ông Hoàng Minh Hiến, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm người phát ngôn huyện Chương Mỹ nói:
“Tôi không hiểu tin vỡ đê Bùi 2 ở đâu ra. Những ngày qua do có các trận mưa lớn, lũ từ các tỉnh Tây Bắc tràn về nên theo thiết kế thì chúng tôi cho tràn nước tự nhiên, đê bị xói khoảng 15m chứ không phải vỡ.”
“Hầu hết những người dân trong vùng trũng đã được sơ tán lên vùng cao trước đó, nên chỉ có một số nhà, trang trại bị ngập.”
“Hàng năm, chúng tôi đều có kiểm tra, gia cố, sửa chữa các đoạn đê bị sạt lở nên đê này không thể vỡ được, nước ngập đến mức nào đó là tràn thôi.”
Người phát ngôn của thành phố Hà Nội, chánh văn phòng Phạm Quí Tiên sau đó cũng khẳng định qua điện thoại với BBC rằng “đê Bùi 2 không bị vỡ mà chỉ tràn theo thiết kế.”
Dư luận và nguyên nhân
Mạng xã hội và dư luận Việt Nam đang chú ý nhiều đến phản ứng của quan chức, lãnh đạo trước đợt thiên tai gây chết nhiều người, mà con số mới nhất nay lên 52.
Vụ một bí thư phường ở TP Thanh Hóa “mặc váy, đi bè thăm dân bị lụt” đã bị phê phán nhiều, khiến người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Tâm phải lên tiếng giải thích rằng câu chuyện không phải như thế.
Trong thảo luận Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm 12/10 từ London, cũng có bạn đọc trang này đặt câu hỏi “Vì sao hội nghị trung ương 6 của ĐCS cứ họp mà không có một lời chia buồn” trước tin người dân chết vì lụt, nước cuốn.
Làng báo Việt Nam và dư luận cũng chú ý đến tin phóng viên TTXVN, anh Đinh Hữu Dư, bị lũ cuốn tại Yên Bái hôm 11/10 và sang ngày 12/10 vẫn bị cho là “mất tích”.
Trong phần Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm 12/10, phóng viên môi trường BBC, ông Navin Singh Khadka nói:
“Việt Nam đang đương đầu với thiên tai khắc nghiệt. Tôi được biết cơ quan phòng chống, ứng phó thiên tai khẩn cấp tại Việt Nam mới được thành lập trong vòng một năm thì liệu họ có ứng phó được không và có thông tin dự báo chính xác cũng như chuyên biệt về thảm họa?”
“Điều quan trọng là cần có cảnh báo sớm về những trận mưa với cường độ lớn, tình trạng lở đất… Một vấn đề cần quan tâm là Việt Nam có hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để có thể ứng phó hiệu quả hơn hay không?”
“Ngoài ra, cũng phải xem xét đến yếu tố liên quan của các nhà máy thủy điện với thiên tai để tính đến việc giảm thiểu rủi ro ngay từ khi các nhà máy này còn là dự án.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41599914
‘Đã nhúng chàm liệu còn rửa được không?’
Bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 hôm thứ Tư có những điểm gây ‘khó hiểu’, theo một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Bình luận về Hội nghị vừa kết thúc sau bảy ngày làm việc và đặc biệt về diễn văn bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng, hôm 12/10/2017, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC:
Từ đây trở đi là được hiểu thế nào? Tức là những sai phạm mới à? Từ đây trở đi, còn những sai phạm vừa qua, các ngày vừa qua thì thế nào?Luật sư Trần Quốc Thuận
“Bài diễn văn đó cũng là một cách để khái quát hóa lại [Hội nghị], nhưng có một chữ mà tôi nghe tôi không hiểu chữ đó được hiểu như thế nào, tức là từ đây trở đi, những sai phạm thì phải xử lý. Từ đây trở đi là được hiểu thế nào?
“Tức là những sai phạm mới à? Từ đây trở đi, còn những sai phạm vừa qua, các ngày vừa qua thì thế nào?”
Nghe ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận
Ông Nguyễn Phú Trọng có chỉnh đốn nổi Đảng?
Bế mạc Hội nghị TƯ6 – Bình luận & Phân tích
Ông Trọng nhắc đảng viên ‘tránh đi vào vết xe đổ’
Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Trọng hôm thứ Tư có đoạn: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và cùng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân…
“Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.”
Luật sư Thuận bình luận tiếp: “Rồi tay đã lỡ nhúng chàm thì phải tự sửa, mà ở Việt Nam, theo tục ngữ Việt Nam, người ta đã dùng chữ nhúng chàm thì không sửa được, mà bây giờ đã nhúng chàm tự sửa được? “
‘Chưa thấy đả động đến’
Sáp nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ?
Hội nghị TW 6 ‘sắp đặt lại hệ thống chính trị’
‘Không hẳn giảm quan tham là tăng nhân tài’
Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận diễn văn bế mạc Hội nghị TƯ6 của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Cũng trong diễn văn hôm 11/10, nhà lãnh đạo Việt Nam có đoạn nhắc nhở đảng viên của đảng cộng sản: “tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa.”
Cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm đưa ra nhận xét tiếp với BBC:
“Cho nên cách nói như thế, tôi nghe trước đây có những vụ này, vụ kia, người ta cũng nói như thế, thì được hiểu rằng phải chăng là bất đầu mở ra là không đánh những vụ án vừa qua, những vụ đại án vừa qua liên quan đến những vụ ngân hàng này kia, không biết có mở rộng tiếp hay không hay là từ đây trở đi?
“Thì chữ ‘từ đây trở đi’ tôi rất chú ý đến chữ đấy, không biết chữ đấy nội hàm như thế nào? Đây là một cách nói, nhưng từ ngữ không rõ ràng, tôi hiểu là từ đây trở đi, thì những vụ phát sinh mới, còn những vụ cũ thì từ từ khép lại bớt hay sao?”
Về các vụ đại án được Việt Nam đưa ra xét xử thời gian gần đây và liên quan các thông tin kỷ luật được đưa trước kỳ Hội nghị, Luật sư Thuận nhìn lại Hội nghị 6 và bình luận:
“Những vụ liên quan vụ đại án, lớn nhất là một vụ ngân hàng và một vụ đại án, liên quan đến những người bây giờ đang ở vị trí rất cao trong bộ máy của Đảng, thì chưa thấy đả động đến, đặt ra, người ta mong chờ như thế. Và cũng ngay cả vụ Ocean Bank, các luật sư cũng nêu ra cái thư mà ông Đinh La Thăng gửi cho các đơn vị thành viên, thì cũng không thấy đả động đến.
“Hay như nói một cách nào thì những vị trí mấu chốt đó, rõ ràng chưa thấy động đến.
“Cho nên cái người ta mong muốn là những người ở cấp cao đó liên quan đến các vụ án thì phải xử, đó cũng là trách nhiệm gây thiệt hại hàng vạn tỷ, để lại nợ xấu khổng lồ hàng triệu tỷ như thế, thì rõ ràng phải có trách nhiệm.”
Những người nhóm lợi ích có một tỷ lệ khá lớn, mà phải nói trên 50% là trong Đại hội và trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, bỏ phiếu họ mới chúng cử… khối đó bây giờ như thế nào?Luật sư Trần Quốc Thuận
Và Luật sư Thuận nêu tiếp băn khoăn, thắc mắc của mình về việc này, ông nói:
“Nhưng không hiểu là cách xử làm sao? Không biết là người ta có thủ thuật để làm giãn ra đến [Hội nghị] Trung ương 7 thì xử tiếp, hay là giữa, từ Hội nghị Trung ươn 6 đến Trung ương 7, người ta sẽ tiếp tục làm các vụ án cụ thể hơn, thuyết phục hơn?
“Cho nên tôi cũng thường nói là những người nhóm lợi ích có một tỷ lệ khá lớn, mà phải nói trên 50% là trong Đại hội và trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, bỏ phiếu họ mới chúng cử, như vậy đại diện cho khối đó, khối đó bây giờ như thế nào?
“Và ai chi phối khối lớn bầu cho, tạm gọi như là, ‘chiến hữu của Đồng chí X’ mà người ta gọi là nhóm lợi ích?
“Bây giờ họ vẫn còn đó, như vậy khối đó bây giờ như thế nào, không thấy ai phân tích, đánh giá cho rõ,” Luật sư Trần Quốc Thuận nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41595338
Thanh Hóa: Bí thư phường ‘thay quần áo ba lần’
Câu chuyện bức ảnh hai nữ cán bộ địa phương ở Thanh Hóa đứng trên bè được kéo đi để ‘thăm dân bị mưa lũ’ đã gây ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhưng nay có lời giải thích họ chỉ muốn nhanh chóng đi thăm dân.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Đảng phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa nói với phóng viên một tờ báo Việt Nam hôm 11/10/2017 rằng sau một cuộc họp sáng ở phường, “khi nghe người dân báo cáo bị ngập nên mọi người không kịp về nhà thay quần áo mà mặc luôn váy đi thị sát tình hình”.
VN: mưa lũ làm hàng chục người chết và bị thương
Nhân vật trong bức ảnh được bình luận nhiều cũng giải thích:
“…Đi vào vùng nước ngập đến ngang bụng ở đường Thành Thái, một anh cán bộ trong phường thấy chúng tôi mặc váy lại đi vào vùng nước sâu nên bảo đứng lên bè để kéo đi cho tiện.”
“Chúng tôi cũng chỉ đứng lên đi một đoạn rồi cùng xuống lội bộ. Từ sáng đến giờ tôi thay ba bộ quần áo rồi. Không kịp về nhà, tôi phải đi mượn hàng xóm để mặc.”
Truyền thông Việt Nam cho hay chỉ riêng tại Thanh Hóa, ngay phường Đông Thọ có 500 hộ dân cư bị ngập nước ở bốn khu phố và nước sông Hạc vẫn đang dâng lên.
Tới sáng 12/10, con số người chết đã lên đến 37 người, số người bị thương là 21 và 40 người vẫn mất tích.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn, mưa lớn tập trung chủ yếu ở nam Sơn La, bắc Nghệ An, trọng tâm vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, với lượng mưa 50-100mm.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41594644
Tấm bằng Mỹ đem lại gì ngoài khâu ‘cho oai’?
Tiến sỹ Trần ThanhGửi đến BBC từ Oklahoma, Hoa Kỳ
Nhân chuyện mảnh bằng tiến sĩ Mỹ làm xôn xao dư luận Việt Nam, tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc những suy nghĩ cá nhân về bằng đại học ở Mỹ, bằng tiến sĩ và chuyện giáo dục cùng thị trường lao động nước này.
Hy vọng bài giúp cho những ai có nhu cầu du học tại Hoa Kỳ và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp một cơ hội tham khảo để rút ra bài học cho bản thân.
Bằng cấp và giáo dục
Không phải chỉ ở Việt Nam (quốc gia có truyền thống khoa cử), ở Mỹ, việc tốt nghiệp một chương trình giáo dục/đào tạo là niềm tự hào của mọi người. Nó đánh dấu sự trưởng thành và là một cột mốc trong sự nghiệp của chúng ta.
Du học sinh ở Anh chơi gì trong dịp Giáng Sinh?
Trường học Scotland bỏ bài tập về nhà
Việt Nam: Chiếc xe đò mang tên Đại học
Không chỉ là niềm tự hào cho cá nhân và gia đình, nó thực sự đem lại nhiều vận hội mới về công ăn việc làm và quan hệ xã hội cho chủ nhân.
Điều cốt lõi không nằm ở cái bằng mà ở kiến thức và kỹ năng mỗi cá nhân học hỏi được qua quá trình đào tạo.
Tấm bằng (diploma) thật sự chỉ là giấy chứng nhận cấp cho đương sự; nó chỉ mang tính trang trí, thường được đóng khung và treo trong phòng làm việc hay ở nhà.
Khi tuyển dụng lao động, người ta sẽ xem bảng điểm, phân tích lý lịch (resume hay CV ) và quan trọng nhất là phỏng vấn để đánh giá ứng viên.
Không ai cần bạn nộp bằng và bạn chỉ có một dòng trong lý lịch để đề cập đến nó.
Điều đó không có nghĩa là bằng cấp hoàn toàn vô giá trị. Khi xử lý hồ sơ ở vòng đầu, người tuyển dụng lao động có để ý đến “nguồn gốc” của ứng viên.
Việc tốt nghiệp từ một trường có thứ hạng cao hay có chứng chỉ chất lượng (accreditation) sẽ làm hồ sơ của bạn “sáng” hơn và giúp bạn có khả năng được mời phỏng vấn.
Vai trò của tấm bằng chấm dứt ở đây.
Liệu bạn có được tuyển dụng và thành công trong công việc phụ thuộc vào khả năng làm việc của bạn.
Nói tóm lại, tấm bằng có vai trò rất hạn chế.
Điều quan trọng là kiến thức và kỹ năng mà bạn tích cóp được cho mình trong quá trình học và khả năng ứng dụng chúng vào công việc của bạn.
Học đại học để làm gì?
Nhiều bạn sinh viên (và cả phụ huynh) thường hỏi tôi câu này, đặc biệt khi đối diện với số tiền học khổng lồ mà các em sẽ phải trả cho bốn năm đại học.
Học phí Vinschool gây tranh cãi?
Anh đóng cửa website bán bằng rởm
ĐH Chiết Giang đào tạo MBA cho VN
Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn cần đặt một câu hỏi khác: Học gì ở đại học?
Đa số sinh viên, người Việt lẫn người bản xứ, đều cho rằng việc học đại học khá đơn giản, chỉ cần đăng ký lớp, lên giảng đường, đọc sách, làm bài tập (assignments và projects) và đi thi.
Khi lấy đủ tín chỉ, nghiễm nhiên bạn sẽ tốt nghiệp và con đường hoạn lộ bắt đầu từ đây.
Thực tế không đơn giản và nhiều bạn cuối cùng nhận ra rằng sau bốn năm đèn sách, mảnh bằng đại học không có phép màu đem lại việc làm cho chủ nhân của nó.
Có lần, một bạn sinh viên đến gặp tôi nhờ viết cho thư giới thiệu (reference letter) để xin việc.
Bạn cũng ngạc nhiên khi tôi nói bên tuyển dụng đặc biệt chú ý đến những thứ mà bạn không có, như kinh nghiệm làm việc hay hoạt động xã hội ngoại khoá.Trần Thanh
Bạn cho biết đã nộp hơn 50 đơn nhưng chưa nhận được một hồi âm nào dù điểm trung bình (GPA) khá cao.
Bạn cũng ngạc nhiên khi tôi nói bên tuyển dụng đặc biệt chú ý đến những thứ mà bạn không có, như kinh nghiệm làm việc hay hoạt động xã hội ngoại khoá.
Sinh viên này không biết rằng bốn năm học đại học không chỉ đơn thuần là lên lớp và tiêu tiền của bố mẹ mà quan trọng hơn là quá trình xây dựng lý lịch cho mình qua nhiều hoạt động khác nhau.
Các trường đại học ở Mỹ có nhiều loại hình sinh hoạt học thuật và cộng đồng đa dạng nhằm mục đích nâng cao khả năng tuyển dụng (placement) của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường dành một nguồn ngân quỹ (dưới dạng grants) cấp trực tiếp cho sinh viên để các em tham gia các đề tài nghiên cứu khác nhau (undergraduate research).
Đừng chỉ biết có học
Ví dụ trường tôi có chương trình tên là Research, Creative, and Scholarly Activities (RCSA) chuyên cấp grants cho sinh viên để thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình.
Theo chương trình này, các sinh viên được trả lương cho thời gian nghiên cứu (5 giờ mỗi tuần), được trả một phần học phí (tuition waivers), và được cấp kinh phí để tham gia các hội thảo khoa học ở các nơi.
Việt Nam và cải cách sách giáo khoa
Giáo dục tại nhà qua ví dụ nước Anh
Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’
Nếu tích cực hơn, các em có thể đăng ký làm trợ lý nghiên cứu (research assistants, thường gọi là RA) cho các giáo sư trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu của họ, hay làm trợ giảng (teaching assistants, thường gọi là TA).
Các vị giáo sư thường có ít nhiều kinh phí lấy từ các nguồn trong và ngoài trường và họ thường trích một phần kinh phí để thuê các bạn sinh viên trợ giúp công việc nghiên cứu.
Điều quan trọng ở đây là ngoài cơ hội kiếm thêm ít thu nhập, các em sẽ được học trực tiếp từ kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn của các giáo sư.
Theo cá nhân tôi, kiến thức và kinh nghiệm từ những hoạt động này được các công ty đánh giá cao hơn những kiến thức học trong lớp.
Hồ sơ xin việc của các em sẽ được chú ý đặc biệt nếu trong lý lịch (resume) của mình, dưới mục Khen thưởng (Honors and Awards) là danh sách những khoản grants được cấp và dưới phần Kinh nghiệm (Professional Experience) là những đề tài nghiên cứu mà các em tham gia hay những vị trí trợ giảng mà các em đảm trách.
Điều này đặc biệt hữu ích cho các em du học sinh vì luật di trú Mỹ cấm sinh viên với visa F1 đi làm bên ngoài nhưng lại cho phép các em làm việc bán thời gian trong trường.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu và học thuật, các hoạt động ngoại khoá trong trường và ngoài cộng đồng được đánh giá rất cao. Các bạn có thể tham gia nhiều tổ chức/câu lạc bộ liên quan đến ngành nghề của mình; hầu như mỗi chuyên ngành (major) đều có một vài tổ chức như thế.
Ví dụ, bạn có thể tham gia American Marketing Association (AMA) nếu bạn theo học Marketing hay tham gia American Society of Mechanical Engineers (ASME) nếu theo học ngành cơ khí.
Các câu lạc bộ này thường được trường hỗ trợ với kinh phí trích từ học phí các em đóng. Hoạt động của chúng rất đa dạng nhưng đa phần đều xoanh quanh câu chuyện việc làm cho các thành viên của mình.
Họ thường mời giám đốc các công ty trực tiếp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhiều bạn thậm chí được mời thực tập sau những buổi nói chuyện như vậy. Những hoạt động này giúp các em xây dựng quan hệ (networking) và rèn luyện các kỹ năng tổ chức và lãnh đạo, những điều mà các công ty Mỹ rất quan tâm.
Tuy vậy, nhiều sinh viên (đặc biệt là du học sinh) thường không quan tâm đến các hoạt động này, có lẽ vì không ý thức được tầm quan trọng của chúng.
Ngoài ra, các hoạt động từ thiện giúp cộng đồng địa phương cũng góp phần làm tăng giá trị cho hồ sơ của bạn.
Các tổ chức y tế, tôn giáo và xã hội thường tổ chức nhiều hoạt động giúp người nghèo, đặc biệt vào các mùa lễ tết. Họ luôn cần tình nguyện viên.
Những năm gần đây, một số trường nhận ra tầm quan trọng của các hoạt động cộng đồng và trực tiếp khuyến khích các bạn sinh viên tham gia bằng cách tạo ra các ePortfolios ghi nhận những hoạt động này của sinh viên.
Đến đây, câu trả lời cho câu hỏi ban đầu có lẽ đã rõ. Bạn nên xem bốn năm học đại học là quá trình đầu tư tiền của và công sức cho bản thân và sự nghiệp tương lai, chứ không phải chỉ để lấy mảnh bằng trang trí.
Có nên sang Mỹ du học?
Vậy liệu có nên đầu tư học đại học ở Mỹ hay không?
Câu trả lời phụ thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh. Mỗi người sẽ có một chỉ số và phương thức “hoàn vốn” khác nhau.
Xin được kể câu chuyện của hai trong số các em du học sinh từng làm việc với tôi để bạn đọc cùng so sánh.
Theo tôi, cả hai đều đạt được nguyện vọng của mình. Một em theo học kỹ sư điện và vừa được Samsung Austin Semiconductor ở Texas nhận.
Em có lẽ là điển hình cho nhiều bạn noi theo. Em không chỉ làm RA cho tôi mà còn cho nhiều giáo sư khác trong trường. Nên biết rằng các vị giáo sư rất cần RA và rất thích những sinh viên chủ động tiếp xúc xin việc. Em là thành viên năng nổ của Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) của trường tôi.
Lần nào cũng vậy, tôi đều gặp em tại các hoạt động từ thiện do VSA hay cộng đồng và nhà thờ tổ chức. Tôi tin rằng với năng lực của em, rất nhiều công ty sẽ sẵn sàng hỗ trợ thủ tục và chi phí pháp lý để em có được visa làm việc H1B và sau đó là thẻ cư trú.
Bạn sinh viên thứ hai cũng là du học sinh (tuy không phải người Việt).
Bạn không đi làm mà học tiếp chương trình MBA sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi khuyến khích bạn tập trung luyện thi GMAT và chuẩn bị hồ sơ để xin học tiến sĩ.
Hồ sơ của bạn này có một số điểm nổi bật như có những hai đề tài nghiên cứu của riêng mình trong thời gian học đại học; cả hai đều được cấp grants của trường.
Một đề tài được báo cáo ở hội nghị khoa học của Federation of Business Disciplines tổ chức ở Dallas (Texas) vào năm 2014, còn đề tài kia được viết thành một bài báo và được một tạp chí nhận đăng.
Bạn còn là trợ giảng trong thời gian học MBA. Có lẽ vì đã xác định rõ mục đích của mình là học lên nữa, nên bạn đã tập trung thời gian và sức lực của mình cho hoạt động học thuật nhiều hơn hoạt động xã hội.
Với những gì bạn tích lũy được, mong rằng bạn sẽ “dài hơi và đủ sức”để đi đến cái đích mình muốn.
Làm tiến sĩ
Quay sang đề tài làm tiến sĩ ở Mỹ, điều này không hấp dẫn như nhiều người nghĩ.
Đây là con đường không dễ dàng và chỉ một số rất ít quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đầy chông gai này.
Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Mỹ mất trung bình 5 năm. Rất nhiều bạn đã bỏ cuộc giữa đường vì nhiều lý do khác nhau; lý do phổ biến nhất là không lường trước được thách thức và thiếu quyết tâm.
Nhiều người đùa vui (nhưng rất thật) rằng đây là 5 năm làm nô lệ với mức lương dưới ngưỡng nghèo và luôn bị đe doạ mất đi “quyền làm nô lệ” nếu “cày” không khoẻ.
Cũng như mảnh bằng đại học, tấm bằng tiến sĩ không phải là con gà đẻ trứng vàng; có nó rồi thì cứ ngồi mát ăn bát vàng.Trần Thanh
Họ chọn con đường này vì sự đam mê theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy.
Cũng như mảnh bằng đại học, tấm bằng tiến sĩ không phải là con gà đẻ trứng vàng; có nó rồi thì cứ ngồi mát ăn bát vàng.
Nó chỉ là tấm vé vào cửa hay nói vui là giấy chứng nhận “biết cách cày”. Sau khi có nó rồi, người chủ cần tiếp tục cày, cày nữa và cày mãi…
Có lẽ dễ hiểu tại sao công việc phổ biến của các tiến sĩ là làm giáo sư ở các trường đại học hay chuyên gia tại các trung tâm nghiên cứu.
Ở đây, họ được hưởng quyền tự do học thuật (nghiên cứu bất kỳ đề tài nào họ quan tâm), được hỗ trợ tài chính cho công tác nghiên cứu (từ máy móc, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu đến chi phí đi lại, tham gia hội thảo khoa học,…) và được trả một mức lương tương đối khá. Bạn không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày, nhưng đừng mơ trở thành triệu phú với đồng lương giáo sư ở Mỹ.
Một số rất nhỏ quay lại môi trường bên ngoài (back to the industry) để theo đuổi sự nghiệp quản lý hay chính trị.
Bản chất tư bản và kinh tế thị trường của nước Mỹ thể hiện ở mọi nơi, kể cả trong môi trường hàn lâm (academia). Các trường đại học ở Mỹ luôn cần giáo sư và họ luôn cạnh tranh với nhau để tuyển dụng tiến sĩ.
Điều đó không có nghĩa là họ bỏ qua tiêu chí chất lượng để có đủ con số. Ngược lại, họ đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu và sẵn sàng trả lương cao hơn mặt bằng thị trường khi tuyển các vị tiến sĩ mới ra trường.
Lý do rất đơn giản: Những đề tài các vị ấy đang nghiên cứu hay những công trình sẽ được đăng trong tương lai sẽ làm tăng danh tiếng của trường, thu hút sinh viên và các nhà tài trợ cho trường.
Nên biết rằng, cả trường công lẫn tư ở Mỹ đều rất chú trọng đến việc thu hút các nhà tài trợ. Điều này đặt áp lực nặng lên chất lượng của các chương trình đào tạo tiến sĩ và đó là lý do tại sao các chương trình này kéo dài và đòi hỏi rất nhiều ở người học.
Sau khi được nhận, các vị tân tiến sĩ sẽ trải qua một quá trình “chua” không kém để được thâm niên (tenure) rồi được phong học hàm phó giáo sư (associate professor) và sau cùng là giáo sư (full professor).
Quá trình này kéo dài từ 5 đến 10 năm nếu suôn sẻ.
Nói tóm lại, con đường làm tiến sĩ dài và khó, cộng với tương lai đầy thách thức, chẳng phải là điều hấp dẫn, đặc biệt đối với sinh viên bản xứ bởi họ có nhiều lựa chọn khác tốt hơn cho sự nghiệp của mình.
Tiến sĩ ‘không chính quy’
Thế nhưng không phải chương trình tiến sĩ Mỹ nào cũng như nhau.
Nếu chịu khó tìm, ta cũng có thể kiếm được vài trường “dễ” với chương trình đào tạo mang tính “có vào ắt có ra”.
Thường thì họ không có chứng chỉ chất lượng và mục tiêu của họ không phải là đào tạo tiến sĩ có sức cạnh tranh trên thị trường giáo sư.
Chương trình đào tạo của họ có thể “ngắn ngày”, từ xa hay online. Đối tượng phục vụ của họ thường là những người chỉ cần cái tờ giấy gọi là tấm bằng (diploma) và sẵn sàng trả học phí toàn phần vì một lý do nào đó.
Cần lưu ý rằng đây không phải là trường ma và bằng do họ cấp không phải là bằng giả.
Có điều chắc chắn rằng đây không phải là sự lựa chọn cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy.
Suy cho cùng, giáo dục Mỹ dù có những đặc điểm riêng cũng vẫn tuân theo những nguyên tắc rất cơ bản của mọi thị trường: có cung, có cầu và mọi thứ đều có cái giá của nó.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tiến sỹ Trần Thanh, hiện là Phó Giáo sư, đang làm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại Học Central Oklahoma, Hoa Kỳ.
Xem thêm bài về Tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh:
Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh
‘Việt Nam là cứ bám víu quá mức vào cái bằng’
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41587238
Hội Cờ Đỏ tại Việt Nam: “Hồng Vệ Binh” của thời đại internet
Hòa Ái, phóng viên RFA
Giới ủng hộ dân chủ tại Việt Nam cho biết các dư luận viên thuộc Hội Cờ Đỏ ngày càng đông đảo và trở thành lực lượng được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói của người dân vì xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Dư luận nói gì về những hoạt động của Hội Cờ Đỏ hiện nay?
Thành viên “Hội Cờ Đỏ” là ai?
Những người thuộc “Nhóm Cờ Đỏ” vào sáng ngày 4 tháng 9 mang theo súng ngắn, roi điện, bình xịt hơi cay đến Giáo xứ Thọ Hòa, ở tỉnh Đồng Nai để đe dọa “có biện pháp trừng phạt” đối với Linh mục Nguyễn Duy Tân vì ông từng kêu gọi trưng cầu dân ý cũng như lên tiếng về các vấn đề trong xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình.
Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ việc tại Giáo xứ Thọ Hòa, vào ngày 6 tháng 10, Công an huyện Xuân Lộc công bố kết quả điều tra với sự chứng kiến của linh mục quản hạt và linh mục văn phòng Tòa Giám Mục. Theo đó, có 11 người tham gia vụ gây rối trật tự bị phạt hành chính 750 ngàn đồng và riêng thanh niên tên Trần Hiếu Nghĩa bị phạt 8, 2 triệu đồng do “mang theo súng đồ chơi nguy hiểm”. Linh mục Nguyễn Duy Tân thuật lại với RFA rằng Công an huyện Xuân Lộc đã từ chối trao văn bản kết quả điều tra theo như yêu cầu của linh mục quản hạt:
Ông Lợi là Công an huyện Xuân Lộc, ông nói rằng ‘Đây là súng đồ chơi nguy hiểm’. Cho nên họ chỉ phạt có 8, 2 triệu đồng…Họ không ghi được mã số khẩu súng, cũng không ghi khẩu súng có bao nhiêu viên đạn và cũng không ghi nguồn gốc súng mua từ đâu về. Họ không cung cấp giáy tờ kết quả điều tra cho Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
-Linh mục Nguyễn Duy Tân
“Theo nguyên văn của ông Lợi là Công an huyện Xuân Lộc, ông nói rằng ‘Đây là súng đồ chơi nguy hiểm’. Họ dùng từ ‘súng đồ chơi nguy hiểm’. Cho nên họ chỉ phạt có 8.200.000 đồng. Phía bên Ban Hành giáo thì không có ý kiến gì cả, chỉ đòi hỏi chính quyền làm sao phải có trách nhiệm răn đe những ‘đồng chí Cờ Đỏ’ để họ mai mốt không đến quấy rối Giáo xứ Thọ Hòa nữa thôi. Đôi với tôi thì tôi cũng chê trách các đồng chí công an (huyện Xuân Lộc) làm việc kém quá. Bởi vì, họ không ghi được mã số khẩu súng, cũng không ghi khẩu súng có bao nhiêu viên đạn và cũng không ghi nguồn gốc súng mua từ Campuchia hoặc Mỹ hay từ đâu về…Họ không cung cấp giáy tờ kết quả điều tra cho Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.”
Cộng đồng cư dân mạng biết đến “Nhóm Cờ Đỏ” không chỉ qua vụ việc gây rối trật tự tại Giáo xứ Thọ Hòa, mà trước đó đã từng xảy ra những trường hợp các nhà hoạt động vì dân chủ tại Việt Nam bị côn đồ hành hung với tuyên xưng là người yêu nước, tôn trọng quốc kỳ cờ đỏ ngôi sao vàng, xử lý những kẻ phản động như vụ 3 phụ nữ bị tấn công dã man tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 5 năm nay.
Mới đây nhất, hai “Hội Cờ Đỏ” vừa được thành lập ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu và xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Trước khi tuyên bố chính thức thành lập “Hội Cờ Đỏ”, những thành viên của các hội, nhóm này, kể từ tháng 6, liên tục sách nhiễu, đe dọa, phá hoại tài sản, đánh đập người dân ở khu vực địa phương nêu trên. Đặc biệt, những người này nhắm vào giáo dân Công giáo với mục đích được cho là chia rẽ lương giáo.
Hồi hạ tuần tháng 9, bảy linh mục quản xứ thuộc Giáo hạt Đông tháp đồng ký tên vào Đơn tố cáo liên quan tình trạng bất ổn xảy ra liên tục trong khu vực Giáo xứ Đông Kiều, tính từ thời điểm hai “Hội Cờ Đỏ” tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, các vị linh mục quản xứ nói với RFA rằng chính quyền địa phương luôn thoái thoát trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc mà họ đã trình báo.
Do chính quyền dựng lên?
Mặc dù hầu hết các vụ việc xảy ra mà cả người bị hại lẫn dư luận đều khẳng định liên quan đến hội, nhóm “Cờ Đỏ”, thậm chí có sự thông đồng cũng như hỗ trợ từ phía chính quyền nhưng chính quyền địa phương giải thích là do người dân tự phát. Và sự tự phát ngày càng công khai, rầm rộ như thế khiến cho cộng đồng cư dân mạng gọi các thành viên của nhóm, hội “Cờ Đỏ” là các “Hồng Vệ Binh” kiểu mới, được chính quyền dựng lên để phá hoại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ tôn giáo với mục đích tấn công những người đấu tranh ôn hòa vì môi trường, xã hội, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
Bây giờ họ không thể nào bịt mắt quốc tế. Họ không thể bưng bít được nữa. Họ không thể ngang nhiên như thời xưa được nữa thì đương nhiên họ càng ở trong bóng tối, càng giấu mặt bao nhiêu càng tốt
-Nhà báo Sương Quỳnh
Nhà báo tự do Sương Quỳnh, một nạn nhân từng bị côn đồ hành hung có sự trợ giúp của công an lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng chính sách dùng côn đồ để cai trị người dân trong nhiều thập niên. Và chính sách này được sao chép y khuôn từ những cách thức của Bắc Kinh đối xử với dân chúng ở Đại Lục; đồng thời những người trong lực lượng đàn áp được gửi sang Trung Quốc học hỏi và huấn luyện một cách bài bản. Nhà báo tự do Sương Quỳnh còn nhấn mạnh trong thời đại internet cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhà cầm quyền Việt Nam càng tận dụng thành phần dư luận viên “Hồng Vệ Binh” là các hội, nhóm “Cờ Đỏ”:
“Bây giờ họ không thể nào bịt mắt quốc tế. Họ không thể bưng bít được nữa. Họ không thể ngang nhiên như thời xưa được nữa thì đương nhiên họ càng ở trong bóng tối, càng giấu mặt bao nhiêu càng tốt. Chính sách tốt đẹp nhất để họ phủi tay, đó là dùng chính người dân đánh người dân và dùng giang hồ để hành hung người dân rồi họ trút bỏ hết trách nhiệm.”
Qua một số cư dân mạng mà Đài RFA chúng tôi tiếp xúc, nhiều người cho rằng chính sách dựng lên các hội, nhóm dư luận viên “Hồng Vệ Binh” kiểu mới của chính quyền Hà Nội chẳng khác nào như con dao hai lưỡi vì sự bất ổn xã hội do các hội, nhóm này gây nên càng nhiều thì uy tín của chính quyền sẽ càng giảm đi trên trường quốc tế.
Thường vụ Quốc hội họp ngay sau Hội nghị TW6
Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nhóm họp ngay sau khi Hội Nghị Trung ương 6 bế mạc. Tại ngày họp 12 tháng 10, Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nói tất cả 13 mục tiêu đề ra đều đạt; trong đó tăng trưởng GDP cả năm 2017 của Việt Nam ước tính đạt 6,7%.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2017 quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương 225 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là khoảng 2.400 USD.
Chính phủ dự kiến năm 2018, GDP tăng từ 6,5 đến 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây Việt Nam đạt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có những chỉ tiêu trước đó rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi,…
Tuy nhiên ông Lưu cũng chỉ ra một số vấn đề như nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự tính. Trong đó, nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh nhất, cụ thể giảm 7,7%.
Cũng tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho biết mức tăng trưởng của VN năm 2017 đáng ghi nhận, nhưng họ băn khoăn về chất lượng của sự tăng trưởng này.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói rằng tăng trưởng năm 2017 của VN dựa vào các doanh nghiệp FDI lớn như Sam Sung, Formosa.
Theo ông Bình thì doanh số của Samsung năm nay cao vượt trội, khoảng 55 tỷ USD. Nhưng ông cho rằng đây là một doanh nghiệp nước ngoài nên phải phân tích rõ các chỉ số kinh tế, ngân sách mà tăng trưởng tạo ra.
Còn Formosa là thủ phạm từng gây ra thảm họa môi trường cho các tỉnh khu vực miền Trung khi xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt từ đầu tháng 6 năm ngoái.
Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra vấn đề là kinh tế Việt Nam phát triển nhưng GDP đầu người vẫn thấp hơn Lào. Trong khi đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng thiên tai đang ảnh hưởng đến nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, quỹ bảo hiểm có nguy cơ vỡ,…
Kêu gọi trả tự do cho nữ tù chính trị Blogger Mẹ Nấm
Chính quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; cũng như chấm dứt tình trạng bắt bớ mở rộng ra nữa đối với những blogger và nhà báo theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Civil Rights Defender, trụ sở tại Thụy Điển, ra thông cáo với kêu gọi như vừa nêu nhân tròn 1 năm blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt và rồi đưa ra tòa tuyên án 10 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88.
Nhà hoạt động nữ, Trịnh Kim Tiến, người hiểu rõ những công việc mà blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thực hiện suốt thời gian trước khi bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2016, cho biết ý kiến về thông tin liên quan:
“Em nghĩ bây giờ bất cứ tiếng nói nào lên tiếng cũng đều là ủng hộ tinh thần cho gia đình rất nhiều, và việc quốc tế lên tiếng mạnh mẽ cho Mẹ Nấm đó là điều rất tốt, mặc dù không nhiều đi chăng nữa thì cũng có phần sức ép lên việc họ bắt giam một người phụ nữ đơn thân, việc lên tiếng đó thể hiện họ vẫn luôn quan tâm đến Việt Nam và luôn quan tâm về Mẹ Nấm.”
Cô này cũng cho biết những người quan tâm đang chờ phiên xử phúc thẩm đối với blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
“Đến hôm nay gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin về phiên xử kế tiếp. Hằng tháng mẹ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn cho con của chị ấy đi thăm nuôi, mỗi lần thăm nuôi chị được gặp tầm 15 phút, tình trạng sức khỏe Quỳnh rất yếu, tay chân co rút, đến đợt gần đây nhất họ cho chị Quỳnh nhận thuốc từ gia đình gởi vào nhưng tình trạng vẫn hết sức là yếu.
Kể từ năm 2006, hoạt động qua công cụ mạng xã hội của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được cho biết nhằm mục đích chống lại tình trạng tham nhũng tràn lan của các cấp chính quyền Việt Nam, cũng như nạn vi phạm quyền con người, và chính sách đối ngoại của Hà Nội với Bắc Kinh trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông.
Civil Rights Defender cho rằng biện pháp bắt bỏ tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của chính quyền Việt Nam là vì động cơ chính trị.
Việt Nam và Nga thảo luận hợp tác trong kỹ thuật quân sự
Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự được tổ chức, vào sáng ngày 12 tháng 10, tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, Thượng tướng Bế Xuân Trường và Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga, ông Vladimir Nikolaevich Drozhzhov.
Tại kỳ họp vừa nêu, hai phía đánh giá cao vai trò của hợp tác quốc phòng, hợp tác kỹ thuật quân sự song phương trong tổng thể mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Nga. Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được trên các lãnh vực đã ký kết và đồng ý tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong sự hợp tác cũng như trao đổi thống nhất Kế hoạch hợp tác kỹ thuật quân sự năm 2018 và thảo luận nội dung cho giai đoạn đến năm 2020.
Nga từng là một đồng minh quan trọng của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Trước đây Nga được thuê Cảng Cam Ranh trong một thời gian dài. Ngoài ra Nga là nước cung cấp nhiều loại vũ khí cho Việt Nam.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai nước từng có chung ý thức hệ Cộng sản có lúc bị gián đoạn và nay trong chủ trương đối ngoại “làm bạn với tất cả”, Hà Nội tái tục nhiều thỏa thuận với phía Nga; nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra lấn lướt tại khu vực Biển Đông.
Lãnh đạo mới của Đà Nẵng, người làm vừa lòng mọi người
Kính Hòa RFA
Sau khi lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, bị cách chức, Trung ương đảng cộng sản Việt Nam điều về thành phố quan trọng này của Việt Nam ở miền Trung, ông Trương Quang Nghĩa, đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, làm Bí thư thành ủy, vị trí quyền lực cao nhất của một thành phố.
Một thành tích mờ nhạt
Tin ông Trương Quang Nghĩa về phụ trách thành phố Đà Nẵng trên cương vị Bí thư thành ủy được những nhà quan sát ở Đà Nẵng đón nhận khá lạnh nhạt. Ông Trương Duy Nhất, một nhà báo độc lập, nói với hãng tin BBC rằng trong tình hình hiện nay thì nhân vật nào được điều về thành phố này thì cũng giống nhau.
Một nhà báo khác là ông Huỳnh Ngọc Chênh, cũng ở Đà Nẵng, đánh giá không cao ông Trương Quang Nghĩa:
“Ông ấy làm bên Bộ Giao thông thì thấy không hay lắm. Làm thế nào chưa biết mà thấy ăn nói hơi linh tinh. Ổng có những phát biểu không hay, ví dụ như ông ấy nói hàng không lấy hết khách của đường sắt, thì đường sắt ế, rồi bênh vực cho BOT, rồi vụ sân golf, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì không mở rộng về phía Bắc để tránh né sân golf.”
Ông Nghĩa phụ trách Bộ Giao thông vận tải trong khoảng thời gian chỉ hơn một năm, thay cho ông Đinh La Thăng về làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2016 ông nói rằng ngành hàng không Việt Nam phát triển với giá rẻ là không tốt vì lấy hết khách của ngành đường sắt làm cho ngành này không phát triển. Phát biểu này bị nhiều người chỉ trích là không tôn trọng kinh tế thị trường.
Trước ổng làm phó bí thư ở đây rồi, mà chẳng thể hiện gì hết, chưa có dấu ấn nào đóng góp cho Đà Nẵng hết, ngoài cái chuyện ổng là người lớn tuổi, biết làm vừa lòng mọi người.
-Ông Huỳnh Ngọc Chênh.
Ngày 8, tháng Sáu, 2017, ông nói rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là không khả thi, giữa lúc dư luận đang quan tâm đến việc những nhóm lợi ích làm chủ sân golf phía Bắc sân bay đang thao túng đất công cộng gây cản trở cho việc phát triển.
Ngày 15, tháng Tám, 2017, ông lên tiếng bênh vực cho các dự án xây dựng chuyển giao (BOT) trong ngành giao thông, sau khi các tạm thu phí của các dự án này bị dân chúng phản đối từ Nam ra Bắc.
Một người khác tại Đà Nẵng là ông Trần Văn Lĩnh, nguyên Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, tuy không nêu lên những phát biểu gây chỉ trích trên kia của ông Nghĩa, nhưng cũng có nhận xét là mặc dù làm tròn nhiệm vụ nhưng không có gì đặc biệt:
“Anh Nghĩa có hai năm làm phó bí thư của Đà Nẵng, nhưng mà thời đó anh Bá Thanh ảnh nổi quá, nên không thấy cái bóng dáng của anh Nghĩa. Thậm chí có nhiều người cũng không biết anh Nghĩa từng làm phó bí thư Đà Nẵng. Cái thứ hai nữa là khi ảnh qua làm đảng ủy khối công nghiệp, thì mình cũng chẳng biết, vì thực ra nó chỉ là công tác đảng thôi, chẳng để lại thành quả cụ thể nào.”
Tương lai của một người làm hài lòng mọi người
Tuy vậy ông Lĩnh nói thêm là thành tích trong quá khứ chỉ là một điều kiện để được bổ nhiệm thôi, điều quan trọng là tương lai sắp tới ông Nghĩa có làm được gì hay không, ông nói tiếp:
“Tuy nhiên trong cái thời kỳ mà kinh tế trời ơi đất hỡi như hiện nay, thì cái việc ảnh giữ cho mình trong sáng, không có vấn đề gì, rồi giữ được hai nhiệm kỳ trong trung ương đảng, thì cũng có thể nói đây là một người chín chắn, biết giữ mình tuy là chưa có cái gì đột phá.”
Nói về tương lai của thành phố Đà Nẵng và tân Bí thư Thành ủy, ông Huỳnh Ngọc Chênh không thấy sẽ có điều gì mới:
“Trước ổng làm phó bí thư ở đây rồi, mà chẳng thể hiện gì hết, chưa có dấu ấn nào đóng góp cho Đà Nẵng hết, ngoài cái chuyện ổng là người lớn tuổi, biết làm vừa lòng mọi người, chứ còn nghĩ rằng ổng làm cái chi được cho Đà Nẵng thì chắc chả làm được cái gì.”
Nhận định của ông Chênh rằng ông Nghĩa là một người làm vừa lòng mọi người cũng là điều khá phổ biến trên mạng xã hội sau khi có tin ông Nghĩa được điều về Đà Nẵng, với lo ngại rằng sự thỏa hiệp sẽ không tạo được đột phá cho Đà Nẵng, cũng như sẽ không thể đấu tranh được với các nhóm lợi ích để giữ gìn khu rừng Sơn Trà, không cho nó biến thành các khu nhà cao cấp của giới giàu có.
Đây là một cơ hội cho ảnh, nếu ảnh làm mạnh mẽ… thì có thể ảnh sẽ được trung ương đảng giữ lại một nhiệm kỳ nữa, cấu tạo vào Ban bí thư, Bộ chính trị.
-Ông Trần Văn Lĩnh.
Ông Trần Văn Lĩnh lại cho rằng việc được bổ nhiệm về Đà Nẵng là một cơ hội cho ông Trương Quang Nghĩa:
“Năm nay anh ấy 58 tuổi, nếu anh ấy cứ mờ nhạt thì sẽ về hưu vào năm 60, cho nên đây là một cơ hội cho ảnh, nếu ảnh làm mạnh mẽ thì có thể là từ một trong bốn thành phố lớn của trung ương, ảnh làm mạnh mẽ, làm cho Đà Nẵng khắc phục những nhược điểm do những người cũ để lại, phát huy những thành quả của họ, làm cho Đà Nẵng nổi bật lên, thì có thể ảnh sẽ được trung ương đảng giữ lại một nhiệm kỳ nữa, cấu tạo vào Ban bí thư, Bộ chính trị.”
Bốn thành phố lớn mà ông Trần Văn Lĩnh đề cập là Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, và Đà Nẵng thường được xem là nơi bắt đầu con đường thăng tiến của nhiều nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam hiện nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/danang-chief-10122017100513.html
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng củng cố quyền lực,
nhưng chống tham nhũng trầy trật
Kính Hòa RFA
Quyền lực một mối
Sau sáu ngày nhóm họp, Hội nghị trung ương đảng cộng sản lần thứ sáu đã kết thúc mà không có thay đổi nhân sự lớn lao nào ở tầm mức Bộ chính trị, cũng như trung ương đảng, những cơ quan có quyền lực thực sự cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Có hai ủy viên trung ương được vào Ban bí thư là ông Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng, một ủy viên trung ương khác chuyển công tác là ông Trương Quang Nghĩa chuyển từ Bộ giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam sống ở Sài Gòn nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí quyền lực của mình một cách vững chắc:
“Ông Trọng hiện nay không còn đối thủ chính trị trực tiếp để cạnh tranh với mình về chức vụ Tổng Bí thư nữa, mà ngay cả nếu ông ấy muốn hợp nhất hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thì cũng khó có ai cạnh tranh với ông ấy.”
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, hiện nay quyền lực đang tập trung vào tay ba người đứng đầu Bộ chính trị là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính, và ông Trần Quốc Vượng, trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách lãnh đạo đảng ở hai ngành công an và quân đội, đã nắm gần như quyền lực tuyệt đối ở Việt Nam hiện nay.
Ông Trọng hiện nay không còn đối thủ chính trị trực tiếp để cạnh tranh với mình về chức vụ Tổng Bí thư nữa.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Trước khi hội nghị trung ương sáu diễn ra với những thông tin rằng hội nghị này sẽ bàn về vấn đề nhân sự, người ta đã trông chờ việc kỷ luật khai trừ khỏi trung ương đảng, thậm chí xử lý hình sự đối với ông Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ chính trị, vì những sai phạm của ông khi còn đứng đầu ngành dầu khí. Ông Thăng bị cách chức ủy viên Bộ chính trị, và Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh trước khi hội nghị trung ương lần thứ sáu diễn ra vài tháng. Nhưng việc đó đã không xảy ra.
Thay vào đó, hội nghị chỉ công bố một bản án kỷ luật dành cho ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí Thư thành ủy Đà Nẵng, vì những sai phạm của ông khi tiếp nhận những quà biếu, và sử dụng bằng cấp không đúng. Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc lại vụ việc này, và cảnh báo các quan chức, theo nguyên văn lời ông, đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rữa.
Khi được hỏi về câu chuyện này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng thực ra ông Nguyễn Xuân Anh chưa bị kết luận là tham ô, vì chiếc xe quà biếu là quà biếu dành cho thành ủy Đà Nẵng, còn hai căn nhà ông đang cư ngụ vẫn đứng tên doanh ngiệp cho ông mượn. Tuy vậy ông Lĩnh cho rằng ông Xuân Anh, với tư cách một người lãnh đạo cấp cao, bị kỷ luật là xứng đáng. Ông nói tiếp:
“Đảng họ đã làm như vậy tôi cho là kịp thời, kỷ luật như vậy là nghiêm khắc. Giá mà, từ trước đến nay không phải chỉ Đà Nẵng mà là nhiều nơi, không phải chỉ mình Xuân Anh mà nhiều người khác, cũng được thực hiện một kỷ luật như vậy thì có lẽ niềm tin vào Đảng nó không giảm sút giống như hiện tại. Nhưng mà thôi, nếu từ trước đến giờ không làm được, nhưng nay vụ Xuân Anh làm được thì từ nay tiếp tục làm như vậy, không phải Xuân Anh mà nhiều người khác, không phải Đà Nẵng mà nhiều nơi khác, cũng làm nghiêm khắc như vậy thì dân mình đỡ khổ.”
Vụ kỷ luật ông Xuân Anh đã được công bố trước khi hội nghị trung ương diễn ra, và trong hội nghị ông bị chính thức khai trừ ra khỏi trung ương đảng.
Chống tham nhũng vất vả
Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như diễn tiến của hội nghị trung ương sáu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội cũng cho rằng trường hợp kỷ luật ông Xuân Anh là đáng hoan nghênh, tuy nhiên ông nói tiếp:
Chiến dịch (chống tham nhũng) đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
“Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến dịch sâu rộng, và cho đến nay đạt được rất nhiều tiến bộ về những trường hợp cụ thể. Nhưng chiến dịch đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực.”
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, mặc dù đã tập trung được quyền lực, nhưng có thể ông Trọng vẫn bị những thế lực mạnh mẽ là sự liên kết với nhau của các quan chức, để bảo vệ họ chống lại chiến dịch chống tham nhũng của ông. Ông Dũng nêu lên vấn đề thanh tra tài sản của các quan chức:
“Từ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra việc kiểm tra tài sản đến 1000 quan chức, khá là rầm rộ. Nhưng cho đến nay không nghe nói chiến dịch này được triển khai như thế nào. Không có thông tin, cũng không có bằng chứng nào là chiến dịch này được triển khai. Trong khi đó lại có những bằng chứng là ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vụ mà tài sản quan chức bị dư luận lên án, chẳng hạn như cái biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quí, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, em bà Phạm Thanh Trà, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Điều đó cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị trung ương 6 này vẫn trầy trật, vất vả.”
Tuy nhiên theo ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng thanh tra chính phủ, thì tình trạng tham nhũng trong năm 2018 sẽ giảm bớt nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Theo số liệu của truyền thông trong nước thì năm 2016 có 1 triệu 100 ngàn người kê khai tài sản, trong đó 77 người được kiểm tra, và chỉ có ba trường hợp vi phạm, nhưng không rõ là ai.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tw6-power-corruption-10112017142029.html
Tại sao Việt Nam rút khỏi cuộc đua
giành chức lãnh đạo UNESCO?
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tự hào là người Việt Nam đầu tiên ra ứng cử trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO, nhưng nay đã rút lui trước vòng 3 cuộc bầu chọn cho vị trí cao nhất trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc.
Nhà ngoại giao 56 tuổi – hiện là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO – là một trong 9 ứng cử viên dự tranh ghế tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Theo trang web chính thức của UNESCO, đại diện Việt Nam đã rút lui khỏi cuộc đua mà trước đó ông đã trực tiếp vận động tại 30 quốc gia thành viên với lời cam kết “sẽ giúp UNESCO đoàn kết hơn.”
Trong 1 bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michael Worbs, đại sứ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO, bà Trần Thị Hoàng Mai, thông báo với tổ chức của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Việt Nam quyết định rút ứng viên khỏi cuộc đua. Trong thư, bà Mai tái khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức của UNESCO và với tân Tổng giám đốc kế tiếp của tổ chức này.
VOA không thể liên lạc với đại sứ Châu để xin bình luận về quyết định của ông.
Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên ra tranh chức Tổng giám đốc tổ chức văn hóa của LHQ được Hà nội coi là “bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế.”
Phóng viên TTXVN tại Paris nói “tranh cử góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế” và “thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện” của Việt Nam.
Mục tiêu này của Việt Nam vấp phải trở ngại khi cách đây vài tuần, Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng kéo dài giữa Berlin và Hà nội về việc Đức tố cáo mật vụ Việt Nam ở Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trên đất Đức hồi cuối tháng 7.
Kể từ đầu tháng 8, một tổ chức có tên là Liên hội nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã mở một cuộc vận động toàn cầu, đặc biệt nhắm vào Bộ Ngoại giao và đại sứ của hầu hết các nước thành viên Hội đồng hành pháp UNESCO để thuyết phục họ bác ứng viên của Việt Nam trong cuộc đua vào chức vị cao nhất của tổ chức này. Liên hội nhân quyền nói Việt Nam “không thể nào được bầu vào chức tổng giám đốc UNESCO sau vụ tổ chức bắt cóc người giữa Berlin.”
Từ Stuttgart, Tiến sĩ Dương Hồng Ân thuộc Diễn đàn Việt Nam 21 của cộng đồng người Việt, nói không có cơ sở để khẳng định liệu vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có ảnh hưởng đến việc tranh cử của đại diện Việt Nam hay không, nhưng ông cho biết cộng đồng người Việt không ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào chức vụ Tổng giám đốc UNESCO.
“Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến các nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ Cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới.”
Một số nghị sĩ Đức cũng chỉ trích những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh và vận động các nước thành viên Liên minh châu Âu không ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt -EU.
Tại vòng 2 diễn ra hôm 10/10, đại diện Việt Nam chỉ nhận được 5 phiếu trong tổng số 58 phiếu bầu cho chiếc ghế cao nhất UNESCO, và như vậy được xếp hạng áp chót, cùng với đại diện của Trung Quốc – Qian Tang. Ở vị trí chót bảng sau đại diện Việt Nam và Trung Quốc là đại diện của Li băng, bà Vera El-Khoury Lacoeuilhe, chỉ đoạt được có 2 phiếu.
Tại vòng 3 diễn ra ngày 11/10, đại diện của Pháp, Audrey Azoulay, và của Qatar, Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari, cùng dẫn đầu với số phiếu 18 cho mỗi người. Các đại diện khác từ Azerbaijan, Iraq và Guatemala cũng đã rút lui.
Nhận định về khó khăn của Việt Nam trong cuộc đua, báo Thể Thao Văn Hóa của TTXVN nhận định “không ít nước đang chờ đợi một ứng cử viên Tổng giám đốc từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi các nguồn vốn nhằm mục đích giải quyết được tình hình khó khăn về mặt tài chính của UNESCO.”
UNESCO sẽ chính thức thông báo Tổng giám đốc mới vào ngày 13/10.
Trong một động thái khác, Bộ ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO và duy trì với tư cách quan sát viên, thay vì là thành viên.
Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh
‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn’
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng miêu tả việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, là ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.’ Tuy nhiên, các nhà bình luận nghi ngờ về động cơ, mức độ, cũng như ‘tính nhân văn’ của biện pháp kỷ luật này.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nhận định:
“Tôi không nghĩ rằng có chuyện nhân văn ở đây đâu. Dư luận cũng không bao giờ tin vào các hình thức kỷ luật. Người ta nghi ngờ liệu rằng kho đốt lò thì củi nào cũng cũng cho vào không hay đây là vấn đề phe phái, hay ông chỉ đốt củi của phe kia thôi, còn người của ổng thì chừa ra. Nhiều người và cả tôi cũng nghi ngờ về động cơ tiêu diệt tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.”
Các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nói đến “tính nhân văn” trong kỷ luật đảng, mà theo đó cấp dưới đề nghị lên cấp trên xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống,” và lấy “xây” là chính.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có một loạt sai phạm và đề nghị Bộ Chính trị xem xét hình thức kỷ luật. Cuối cùng hội nghị hôm 6/10 cách chức bí thư và tước chức ủy viên Trung ương khoá 12 của ông Xuân Anh vì “những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.”
Báo VietnamNet trích lời ông Trọng nói rằng đa số cán bộ, đảng viên đều đồng ý rằng mức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.”
Ông Trọng từng tuyên bố:
“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!…”
Ông Trọng còn khuyên răn các cán bộ hãy tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, và “nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa.”
Có ý kiến hoan nghênh, như ông ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói với VOA rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là “dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận” trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Đài Tiếng nói Việt Nam VOV trích lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “cán bộ là Ủy viên Trung ương mà tham quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm cả pháp luật thì rất đáng tiếc.”
Tuy nhiên, cũng có người tỏ thái độ dè dặt và nghi ngờ các hình thức kỷ luật này vì theo họ đó là dấu hiệu của một cuộc “thanh trừng phe phái” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến của nhà báo Tường Thụy, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.
“Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín.”
Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nói Hội nghị trung ương 6 “cho ra rìa một ủy viên trung ương là Nguyễn Xuân Anh – người được đồn đoán là “thân” với Trần Đại Quang – Chủ tịch nước,” nhưng đây rốt cuộc cũng chỉ “diệt ruồi.”
Ông Nguyễn Tường Thụy có cùng nhận định trên và chỉ ra rằng ông Trọng chỉ xử lý kỷ luật ở mức cách thức chứ chưa thu hồi được số tiền thiệt hại do cán bộ tham nhũng làm thất thoát:
“Chỉ đánh được mỗi ông Nguyễn Xuân Anh thôi, còn những ông ‘bự’ như ông Đinh La Thăng thì cũng bị cách chức thôi. Cái chức ổng ban cho thì nay ổng cách chức thôi, chứ chưa thu hồi được đồng nào, trong khi ông Thăng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.”
Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị, ông Trọng nói: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy nói rằng ông rất nghi ngờ các nỗ lực chống tham nhũng kiểu “hô hào” của người đứng đầu hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam:
“Bây giờ đặt ra vấn đề là những cái gì mà họ làm hại cho dân cho nước thì có thu hồi được đồng nào hay không? Dân quan tâm đến chuyện ấy. Chứ còn không có ông này làm bí thư thành ủy thì ông khác sẽ làm bí thư thành ủy. Trong chuyện này đầy rẫy nghi ngờ và chẳng hiệu quả.”
Ngay khi hội nghị kết thúc sau 7 ngày làm việc “khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm,” nhà báo Pham Đoan Trang ở Hà Nội bình luận trên Facebook: “quăng cả củi tươi, củi khô lẫn thuốc pháo vào đốt lò”, nhưng “củi Yên Bái, củi Hải Phòng, củi Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An… rất khó đốt!”