Tin khắp nơi – 12/10/2017
Bộ An ninh Nội địa Mỹ sắp có lãnh đạo mới
Tổng thống Donald Trump theo dự kiến sẽ đề cử bà Kirstjen Nielsen làm lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, một giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 11/10 cho biết.
Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Nielsen sẽ lãnh đạo một trong những Bộ quan trọng và quy mô với hơn 240 ngàn nhân viên chịu trách nhiệm về an ninh biên giới, an ninh phi trường Mỹ, chính sách di trú-người tị nạn, đáp ứng thảm họa…v…v.
Bà Nielsen, 45 tuổi, một chuyên gia về an ninh mạng, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh nội địa. Bà từng làm việc cho Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải và là thành viên trong Hội đồng An ninh Nội địa của Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Bà Nielsen từng là chánh văn phòng của ông John Kelly khi ông còn làm Bộ trưởng An ninh Nội địa trong những tháng đầu Tổng thống Trump nhậm chức.
Khi ông Kelly đưa bà Nielsen vào Tòa Bạch Ốc làm phó cho ông khi ông được Tổng thống đề bạt chức Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc hồi tháng 7.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/bo-an-ninh-noi-dia-my-sap-co-lanh-dao-moi-/4066499.html
Mỹ rút lui do Unesco ‘thành kiến với Israel’
Hoa Kỳ rút lui khỏi tổ chức giáo dục, văn hóa, khoa học của Liên Hiệp Quốc, và cáo buộc Unesco tổ chức này có “thành kiến với Israel”.
Unesco được biết đến nhiều về việc chọn, bảo tồn các địa điểm di sản thế giới, như Palmyra của Syria và Đại vực (Grand Canyon) của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ thành lập một ủy ban giám sát tại trụ sở chính của Unesco ở Paris để thay thế cho cơ quan đại diện chính thức của mình.
‘Sách hóa nông thôn’ được giải Unesco
UNESCO công nhận hát xoan là di sản
Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova nói việc Mỹ rút lui là điều “vô cùng đáng tiếc”, là tổn thất cho “gia đình Liên hiệp quốc” và cho chủ thuyết hợp tác đa quốc gia.
Hồi 2011, Hoa Kỳ đã hủy việc đóng góp cho ngân khoản Unesco để phản đối việc tổ chức này ra quyết định cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine.
Việc Mỹ rút khỏi Unesco cũng do bởi mục tiêu tiết kiệm tiền, tạp chí Foreign Policy tường thuật.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích điều mà ông coi là sự đóng góp bất cân xứng của Hoa Kỳ cho các tổ chức của Liên hiệp quốc.
Mỹ hiện đóng góp 22% vào ngân sách thường lệ của UN, và 28% cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Bầu chọn lãnh đạo Unesco
Unesco hiện đang trong tiến trình bầu chọn tân lãnh đạo.
Các cựu bộ trưởng Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp đang dẫn đầu trong cuộc đua thay vị trí của bà Bokova.
Ứng viên VN rút khỏi cuộc đua lãnh đạo Unesco
Bầu lãnh đạo UNESCO: Đại sứ VN ít phiếu nhất
Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam là một trong bảy gương mặt ra ứng cử.
Sau khi về vị trí áp chót ở vòng bầu chọn thứ hai, ông Phạm Sanh Châu đã rút lui khỏi cuộc đua.
Để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu trong tổng số 58 thành viên của hội đồng bầu chọn.
Nếu không có ứng viên nào giành được đa số quá bán sau vòng bầu chọn thứ tư, thì tiếp theo sẽ là vòng đối đầu trực tiếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất.
Ứng viên được ủy ban bầu chọn cũng phải được 195 quốc gia thành viên của UNESCO chuẩn thuận trong tháng 11, tuy đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41599386
Tướng Myanmar nói người Rohingya không phải dân bản xứ
Cộng đồng người Hồi Giáo Rohingya đang sinh sống ở Miến Điện không phải là người dân bản xứ, báo chí quốc tế cố tình thổi phồng con số người Rohingya bỏ chạy lánh nạn, là những điểm đáng chú ý mà Tướng Min Aung Hlaing, Tư Lệnh Quân Đội Miến Điện, nói với ông Đại Sứ Mỹ Scot Marciel trong buổi gặp gỡ diễn ra hồi sáng ngày 12 tháng 10 ở Yangon.
Trong cuộc gặp, Tướng Min Aung Hlaing gọi cộng đồng Hồi Giáo Rohingya có xuất xứ từ Bangladesh, được người Anh chấp thuận cho vào Miến từ thời Miến Điện còn là thuộc địa của Anh. Dựa vào đó, Tướng Min Aung Hlaing nói thêm rằng chính quyền thuộc địa Anh phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
Tướng Tư Lệnh Quân Đội Miến cũng lên tiếng chỉ trích truyền thông quốc tế, cho rằng báo chí cố tình thổi phồng con số người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh lánh nạn, khẳng định không hề có chuyện quân đội và an ninh Miến đàn áp tập thể thiểu số Hồi Giáo, cũng không hề có chuyện hơn nửa triệu người Rohingya phải bỏ chạy lánh nạn.
Cũng trong cuộc gặp với ông Đại Sứ Mỹ, Tướng Tư Lệnh Quân Đội Miến không nói gì tới lời cáo buộc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra từ tháng trước, cho rằng quân đội Miến đang thực hiện chính sách diệt chủng có hệ thống nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya.
Tướng Min Aung Hlaing chỉ cho biết kế hoạch truy lùng khủng bố đang diễn ra ở bang Rakhine được đại đa số người dân Miến ủng hộ, nói thêm là quân khủng bố đã giết chết 30 người Rohingya và 90 người theo Ấn Giáo, chỉ vì tình nghi những người này có liên hệ với chính phủ Miến.
Bang Rakhine là nơi phần đông người Rohingya cư trú. Các con số do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thiện nguyện quốc tế đưa ra đều nói từ hồm 25 tháng Tám tới nay đã có tới 520.000 người Rohingya phải chạy lánh nạn vì bị quân đội và an ninh Miến Điện đàn áp dưới những hình thức khác nhau, như bắt giữ, bắn chết, cướp của, hãm hiếp và đốt nhà.
Tại bang Rakhine, viên chức đặc trách nội vụ của bang này là ông Tin Maung Swe nói với hãng thông tấn Reuters là ngày nào cũng có người Rohingya tự ý trở về Bangladesh để đoàn tụ với thân nhân.
Ông này cũng bảo rằng không hề có chuyện đàn áp, không hề có chuyện binh sĩ nổ súng bắn giết người Rohingya, cũng không hề có chuyện họ bị chính phủ Miến bỏ đói cho tới chết.
Cũng vào ngày 12 tháng 10, tin từ Rangon cho hay cuối tháng tới khi đến thăm Miến Điện, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ kêu gọi hòa bình, chấm dứt căng thẳng mang tính tôn giáo đang xảy ra giữa tập thể Hồi Giáo thiểu số ở quốc gia đại đa số theo Phật Giáo.
Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn AFP, Linh Mục Mariano Soe Naing, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Miến Điện, nói rằng chưa rõ Đức Giáo Hoàng Phan Xị Cô sẽ nói những gì trong thông diệp của Ngài, nhưng Ngài sẽ thúc đẩy hòa bình, vì đó là một trong những mục tiêu của Đức Giáo Hoàng khi chọn Miến Điện để ghé thăm.
Miến Điện và Tòa Thánh Vatican trao đổi quan hệ ngoại giao hồi tháng Năm vừa rồi, sau khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi sang Rome diện kiến Đức Thánh Cha.
Vài tuần trước khi đón bà Aung San Suu Kyi, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô có nói trong một bài giảng rằng phải đón nhận người Hồi Giáo như anh chị em một nhà, bảo thêm đã đến lúc phải đem lại bằng an cho những người đang phải gánh chịu đau khổ.
Những điều Đức Giáo Hoàng nêu ra khiến cho một số người Miến bất bình, cho rằng người đang lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã cố ý can thiệp vào chuyện nội bộ của Miến, khi tìm cách bênh vực cho người Hồi Giáo Rohingya.
Cũng cần nói thêm sau Miến Điện, Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm Bangladesh.
TQ nói có quyền
không cho nhà hoạt động Anh vào Hong Kong
Trung Quốc vào ngày 12 tháng 10 lên tiếng cho rằng nước này có quyền chặn không cho người nào đó vào đặc khu hành chánh Hong Kong. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi xảy ra chuyện một nhà hoạt động người Anh muốn nhập cư vào Hong Kong bị cơ quan chức năng đặc khu này chặn lại.
Sau khi xảy ra vụ việc và London yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích lý do ngăn không cho công dân Anh vào đặc khu hành chánh Hong Kong, nơi từng thuộc Anh Quốc, Bắc Kinh đã có phản đối ngoại giao với phía London.
Việc chính thức phản đối như vừa nêu được bà phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo thường nhật vào ngày 12 tháng 10.
Theo lời bà Hoa Xuân Oánh thì chính quyền trung ương Bắc Kinh chịu trách nhiệm về những vấn đề ngoại giao liên quan Hong Kong; chuyện ai được cho vào và ai không được cho vào đặc khu này thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 với thỏa thuận đó là đặc khu có qui chế ‘Một quốc gia, hai thể chế’; theo đó hứa hẹn dành cho Hong Kong mức độ tự trị cao và những quyền tự do mà ở Hoa Lục không có.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây giới chỉ trích cáo buộc chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong khuất phục Bắc Kinh và ngày càng giới hạn các quyền tự do, trong đó có quyền tự do biểu đạt và biểu tình.
Indonesia, Malaysia, Philippines
tiến hành tuần tra trên không
Ba quốc gia Indonesia, Malaysia và Philippines vừa khởi sự những cuộc tuần tra phối hợp trên không nhằm tăng cường công tác chống lại các tay súng Thánh chiến Hồi Giáo.
Hoạt động vừa nêu được tiến hành 4 tháng sau khi ba lân bang vừa nêu ở khu vực Đông Nam Á cùng phát động hoạt động tuần tra chung trên biển. Mục tiêu của công tác tuần tra chung trên biển của ba nước Indonesia, Malaysia, Philippines là để ngăn chặn những phiến quân có liên hệ với nhóm Thánh chiến Hồi giáo tại miền nam Philippines chạy sang nước khác.
Nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với ISIS từng vây chiếm thành phố Marawi ở miền nam Philippines. Tình trạng này gây quan ngại về chuyện ý thức hệ bạo lực của ISIS bén rễ tại khu vực miền nam Philippines nơi mà những người Hồi giáo ly khai suốt nhiều thập niên đấu tranh đòi hỏi quyền tự trị nhiều hơn nữa.
Trong ngày 12 tháng 10, Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia, Hishamuddin Hussein, lên tiếng phát biểu rằng xung đột chứng tỏ những tổ chức khủng bố có dính líu đến ISIS từng khai thác vùng biên giới dễ qua lại giữa các nước trong hoạt động kết nối với nhau.
Cuộc khẩu chiến giữa Trump và báo chí leo thang
Tổng thống Donald Trump ngày 11/10 đề nghị đặt vấn đề với giấy phép hoạt động của đài NBC và các mạng lưới tin tức khác, sau khi báo đài đăng tin rằng Ngoại trưởng Tillerson, sau một cuộc thảo luận về kho võ khí hạt nhân của Mỹ, đã mô tả Tổng thống là một người lớn xác nhưng suy nghĩ và hành xử như một đứa con nít.
“Với những tin vịt từ NBC và các mạng lưới tin tức, tới lúc nào thì thích hợp để đặt vấn đề về giấy phép hoạt động của họ đây? Tệ hại cho quốc gia!” ông Trump đăng trên Twitter.
Tổng thống Trump và những ủng hộ viên của ông nhiều lần dùng từ ‘tin vịt’ để gieo rắc nghi ngờ về các bài báo chỉ trích chính quyền Trump, nhưng không trưng ra bằng chứng để ủng hộ tố cáo của mình rằng những bài báo đó là sai sự thật.
Khi xuất hiện cùng Thủ tướng Canada hôm 11/10, ông Trump một lần nữa bày tỏ sự nghi ngờ giới truyền thông khi nói rằng “Thật đáng kinh tởm khi báo chí có thể tự ngoáy bút viết ra bất cứ chuyện gì họ muốn viết.”
Cổ phiếu các công ty truyền thông rớt giá sau dòng tin của ông Trump trên Twitter, cho thấy có thể cuộc khẩu chiến sẽ tiếp tục leo thang.
Ông Gordon Smith, giám đốc điều hành Hiệp hội Phát thanh Phát hình Quốc gia bênh vực quyền tự do ngôn luận của truyền thông, nói rằng một giới chức chính phủ đe dọa thu hồi giấy phép hoạt động của truyền thông chỉ vì bất đồng quan điểm với tường trình của báo chí là hành động đi ngược lại các quyền cơ bản.
Ủy ban Truyền thông Liên bang, một cơ quan độc lập liên bang, nói Tu chính án thứ nhất không cho phép Ủy ban kiểm duyệt các nội dung phát thanh-phát hình và rằng vai trò của Ủy ban trong việc coi sóc nội dung chương trình phát thanh-phát hình rất hạn chế.
Đài NBC từng tường trình về căng thẳng giữa Tổng thống Trump với Ngoại trưởng Rex Tillerson và loan tin rằng Tổng thống Trump muốn gia tăng kho võ khí hạt nhân của Mỹ trong cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng 7 và rằng sau sự kiện này, Ngoại trường Tillerson đã nhận định Tổng thống hành xử như ‘trẻ con.’
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-khau-chien-giua-trump-va-bao-chi-leo-thang-/4066496.html
Moscow tố cáo Mỹ đánh cắp quốc kỳ Nga
Nga ngày 11/10 lên tiếng phản đối Mỹ sau khi tố cáo rằng quốc kỳ Nga tại tòa lãnh sự ở San Francisco bị đánh cắp.
Nhân viên ngoại giao Nga rời khỏi lãnh sự quán này hồi tháng trước sau khi Washington yêu cầu Moscow phải bỏ bớt một số cơ sở ngoại giao, một phần trong cuộc chiến ‘ăn miếng trả miếng’ trong lúc quan hệ song phương đang căng thẳng.
Kể từ khi nhân viên Nga rời khỏi cơ sở vừa kể, các giới chức Mỹ đã ‘tiếp thu’ các khu vực hành chính trong khu nhà này.
Tòa đại sứ Nga tại Mỹ viết trên Twitter rằng “Thêm một sự cố mới nữa đáng xấu hổ. Tại San Francisco, quốc kỳ Nga bị đánh cắp từ cao ốc lãnh sự quán Nga.”
“Chúng tôi yêu cầu giới hữu trách Mỹ trả lại biểu tượng quốc gia của chúng tôi,” đại sứ quán Nga nói kèm theo bức ảnh chụp một cột cờ trơ trọi trên đỉnh tòa lãnh sự.
Báo chí Nga dẫn tin từ đại sứ quán Nga cho hay Bộ Ngoại giao Nga đã nộp kháng thư chính thức về vụ việc.
“Chúng tôi xem đây là một bước cực kỳ thiếu thân thiện,” sứ quán Nga nhấn mạnh.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/moscow-to-cao-my-danh-cap-quoc-ky-nga-/4066492.html
TT Trump sẽ công du Anh đầu năm 2018
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có chuyến công du Anh vào đầu năm 2018, tiếp sau là chuyến thăm cấp nhà nước đúng nghĩa, nhưng ngày giờ chưa xác định, tờ London Evening Standard đưa tin hôm 11/10.
Văn phòng của Thủ tướng Theresa May đã từ chối bình luận về chuyến thăm, và nói quan điểm của họ về chuyến thăm cấp nhà nước không có gì thay đổi. Lời mời đã được đưa ra, ông Trump đã nhận lời, và ngày giờ chưa được thu xếp.
Bà May đã mời ông Trump thăm cấp nhà khi bà đến Washington gặp ông hồi tháng Giêng, ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Kế hoạch này tỏ ra gây nhiều tranh cãi ở Anh, dự báo sẽ có các cuộc biểu tình lớn để “đón” nhà lãnh đạo Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-cong-du-anh-dau-nam-2018/4066028.html
TT Trump: Tăng vũ khí hạt nhân là ‘tin thất thiệt’
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư 11/10 bác bỏ “tin thất thiệt” của đài truyền hình NBC News nói rằng vài tháng trước ông gợi ý tăng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lên gấp 10 lần.
Trích nguồn tin từ ba quan chức tham dự cuộc họp của Tổng thống Trump tại Ngũ Giác Đài với các quan chức an ninh quốc gia và quân đội hồi tháng 7, NBC loan tin rằng ông Trump đã bàn về quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, hiện tại có khoảng 4.000 vũ khí. Phát biểu sau thuyết trình ngắn gọn về tốc độ giảm đều và đáng kể quy mô kho dự trữ của Mỹ kể từ những năm 1960, Tổng thống nói ông muốn một kho vũ khí lớn hơn, theo NBC.
Các quan chức tại cuộc họp, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson, được cho là đã bất ngờ trước lời đề nghị của ông Trump và giải thích ngắn gọn những hạn chế về mặt pháp lý và trên thực tế về việc mở rộng quy mô hạt nhân, phần lớn bị giới hạn bởi các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí. Các quan chức nói với đài NBC rằng Mỹ không có kế hoạch mở rộng vũ khí hạt nhân.
Hiện tại, ông Trump đang ở giữa hai làn tranh chấp quốc tế liên quan đến vũ khí hạt nhân. Dự kiến trong tuần này, ông Trump sẽ từ chối chứng nhận việc Iran tuân thủ một hiệp ước quốc tế về hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng lời qua tiếng lại với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên có thể bắn tên lửa tầm ngắn tuần tới
Triều Tiên đang chuẩn bị bắn nhiều tên lửa tầm ngắn trong thời gian gần ngày 18/10, ngày khai mạc đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra 5 năm 1 lần, theo tin của một nhật báo Hàn Quốc.
Hai quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ gần đây đã phát hiện khoảng 30 tên lửa Scud được đưa Hwangju, phía nam thủ đô Bình Nhưỡng đến một cơ sở bảo trì tên lửa ở thành phố bờ biển miền tây Nampo, tờ Nhật báo Kinh doanh châu Á đặt ở Seoul cho biết, trích dẫn một người không nêu danh tính.
Một tin của Express.co.uk nói người ta nghĩ rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tức giận với Trung Quốc sau khi đất nước đồng minh duy nhất của Triều Tiên đã đứng về phe của Tổng tống Mỹ Donald Trump tiến hành trừng phạt Triều Tiên.
Các tên lửa tầm ngắn phóng từ Nampo có thể đánh được các mục tiêu như Đại Liên (cách hơn 520 km) hay Thanh Đảo (cách hơn 320 km) của Trung Quốc. Trên thực tế, nhà lãnh đạo độc tài ở Bình Nhưỡng có thể ra lệnh phóng chúng ra biển.
Hành động của Triều Tiên có thể là một thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Triều Tiên vẫn là một thế lực không thể bỏ qua.
Tuy việc phóng hàng chục tên lửa tầm ngắn cùng một lúc là điều bất thường, song việc này không phải là chưa từng diễn ra. Tháng 3/2014, chế độ của ông Kim Jong Un đã bắn 71 quả tên lửa như vậy trong một tuần.
Một động thái như vậy cũng cho thấy Triều Tiên có khả năng ra sao về tiến hành nhiều hình thức khiêu khích. Trong vài tháng gần đây, họ đã thử các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới đại lục Mỹ.
Theo nhật báo Hàn Quốc, việc phóng các tên lửa còn có thể là hành động phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, trong đó huy động cả các khí tài quan trọng của Mỹ như tàu sân bay.
Triều Tiên đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm túc về khả năng nổ ra Thế chiến III khi nước này tiến hành một loạt các cuộc thử tên lửa năm nay, trong đó có loại tên lửa đan đạo liên lục địa Hwasong-14 có thể đánh vào đại lục Mỹ.
(theo Bloomberg, Express.co.uk)
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-co-the-ban-ten-lua-tam-ngan-tuan-toi/4067508.html
Chủ đầu tư Hàn Quốc phản đối
Triều Tiên tự mở cửa lại KCN Kaesong
Các công ty đầu tư Hàn Quốc bị buộc phải ngưng hoạt động tại Khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên năm 2016 yêu cầu chính phủ ở Seoul điều tra tin nói Bình Nhưỡng tự mở cửa lại liên doanh này mà không có sự đồng ý của họ.
Liên doanh giữa hai miền nam bắc Triều Tiên này đã bị Seoul cho ngưng hoạt động để trừng phạt chính phủ Kim Jong Un về các vụ thử hạt nhân và tên lửa, và để cắt nguồn thu tài chánh mà Bình Nhưỡng dùng tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Thông tin chưa được xác nhận
Tuần trước, trang web tuyên truyền Meari của Bắc Triều Tiên ám chỉ rằng hoạt động ở khu công nghiệp Kaesong đã được mở lại, và một trang web tuyên truyền khác tên là Uriminzokkiri loan tải một bình luần nói rằng “chẳng liên quan đến doanh nghiệp của ai, những việc chúng tôi làm trong khu công nghiệp, nơi thuộc chủ quyền của chúng tôi.”
Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên không thể xác minh tin tức khu công nghiệp Kaesong đã mở cửa trở lại, nhưng bộ này nói rằng họ đang theo dõi các chuyển động của xe cộ và các đèn có chụp bằng nhôm trên đường trong khu công nghiệp.
123 công ty của Hàn Quốc có nhà máy trong Khu công nghiệp liên doanh Kaesong hôm thứ Năm 12/10 nói rằng họ muốn cử một phái đoàn đến kiểm tra tài sản của họ.
Ông Kim Seo-jin của Hiệp hội Khu công nghiệp liên doanh Kaesong nói: “Đó là tài sản của chúng tôi mà chúng tôi đã đầu tư theo luật của Triều Tiên, và làm theo đúng những quy định mà chính phủ của hai hai miền Triều Tiên đã đặt ra. Trong tư cách là chủ sở hữu tài sản, điều cần thiết là chúng tôi cần phải kiểm tra tình trạng tài sản của chúng tôi và tìm hiểu xem liệu khu công nghiệp có đang mở cửa hoạt động trở lại hay không.”
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ không cho phép các chủ đầu tư Hàn Quốc đến kiểm tra tài sản của họ trong khu công nghiệp trong bối cảnh quan hệ cẳng thẳng tăng cao hiện nay giữa hai nước liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Theo các chủ đầu tư Hàn Quốc có nhà máy trong khu công nghiệp Kaesong, để cho khu công nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại, Triều Tiên cần phải tìm nguồn cấp điện thay cho nguồn điện do Nam Triều Tiên cung cấp.
Hợp tác Liên Triều
Khu công nghiệp liên doanh Kaesong ở Bắc Triều Tiên cách Seoul 54 kilômét về hướng tây bắc được thành lập năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy cho sự hợp tác Liên Triều và tạo cho người lao động miền Bắc cơ hội biết thêm về đời sống ở miền nam, trong đó có những loại thức ăn đóng gói như bánh Choco Pies và các sản phẩm vệ sinh được sản xuất tại khu công nghiệp này và bán ra thị trường miền bắc như là những sản phẩm hảo hạng.
Các công ty Nam Triều Tiên hoạt động trong khu công nghiệp Kaesong được hưởng lợi từ giá nhân công Triều Tiên rẻ để sản xuất các sản phẩm tốn nhiều công lao động, như quần áo và đồ gia dụng.
Bình Nhưỡng phản ứng lại quyết định của Seoul vào năm 2016 bằng việc đóng cửa liên doanh, đưa quân đội vào kiểm soát khu công nghiệp, phong tỏa tất cả tài sản công ty trong khu Kaesong, và trục xuất tất cả nhân viên và quản đốc Nam Triều Tiên.
Khu công nghiệp Kaesong đóng cửa khiến 54.000 người lao động Bắc Triều Tiên mất việc làm.
Hiệp hội các công ty ở Kaesong ước tính các nhà đầu tư Hàn Quốc đã để lại nhà máy, thiết bị và nguyên liệu thô ở khu công nghiệp trị giá khoảng 600 triệu đôla, và nhiều công ty chưa phục hồi được hoạt động của họ khi không tìm ra nguồn lao động giá rẻ như ở khu công nghiệp Kaesong.
Ông Kim của Hiệp hội khu công nghiệp Kaesong nói: “Đó là một trong những lý do các nhà đầu tư muốn liên doanh hoạt động lại bằng việc nhanh chóng bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.”
Khi khu công nghiệp Kaesong đóng cửa vào năm 2016, chính phủ bảo thủ của Tổng thống Park Geun Hye lúc bấy giờ nói rằng 70% quỹ lương 100 triệu đôla mỗi năm phía Nam Hàn chuyển cho chính phủ Bắc Hàn được Bình Nhưỡng dùng tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên một giới chức của chính quyền có chủ trương đối thoại với Bắc Hàn hiện nay của Tổng thống Moon Jae-in nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng sử dụng quỹ lương công nhân Kaesong cho chương trình vũ khí của họ.
Catalonia đòi độc lập:
Khủng hoảng chính trị lớn ở Tây Ban Nha
Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm 11/10 đưa ra bước đầu tiên để đình chỉ quy chế tự trị chính trị cho Catalonia, để áp đặt quyền cai trị trực tiếp tại đây hầu phá vỡ phong trào đòi độc lập cho Catalonia, tách ra khỏi Tây Ban Nha.
Ông Rajoy đòi chính quyền khu vực xác đinh liệu Catalonia có đơn phương tuyên bố độc lập hay không, sau bài diễn văn của Thủ Hiến Carles Puigdemont vào đêm hôm trước, thứ Ba 10/10.
Lời yêu cầu chính thức của Thủ Tướng Rajoy là bước cần thiết trước khi khởi động Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, cho phép Madrid đình chỉ quy chế tự trị chính trị của khu vực.
Động thái này có thể đào sâu hơn nữa sự đối đầu giữa Madrid và Catalonia, nhưng cũng là một tín hiệu chỉ ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị được đánh giá là nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 1981.
Điều có khả năng xảy ra nhất là Thủ Tướng Rajoy sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm bất thường trong khu vực, sau khi khởi động cơ chế hiến pháp cho phép ông làm như vậy.
Trong một động thái có tính biểu tượng, Thủ Hiến Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào đêm thứ Ba, tuy nhiên ông đình chỉ tuyên bố này ngay lập tức và kêu gọi đàm phán với chính phủ ở Madrid.
Trong một bài diễn văn phát đi trên đài truyền hình ngay sau buổi họp để cân nhắc cách đáp ứng của chính phủ, Thủ Tướng Mariano Rajoy nói:
“Sáng hôm nay, nội các đã đồng ý chính thức yêu cầu chính quyền khu vực Catalonia hãy xác nhận liệu họ đã tuyên bố độc lập hay chưa, bất chấp những sự hoang mang có chủ ý về cách thi hành tuyên bố đó.”
Trong khi không đưa ra một thời hạn chót để chính quyền Catalonia phải hồi đáp, ông Rajoy nói: “Câu trả lời của Thủ Hiến Puigdemont sẽ quyết định những sự kiện xảy ra trong những ngày sắp tới.”
Hiện chưa rõ liệu và khi nào thì chính quyền Catalonia sẽ hồi đáp yêu cầu chính thức của Thủ Tướng Rajoy, tuy nhiên lãnh đạo Catalonia giờ đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, theo các nhà phân tích chính trị.
Nếu ông Puigdemont xác nhận đã tuyên bố độc lập, chính phủ Tây Ban Nha sẽ khởi động Điều 155 Hiến pháp. Nếu ông nói ông không tuyên bố độc lập, thì đảng cực tả CUP có phần chắc sẽ rút lại sự ủng hộ dành cho chính phủ thiểu số của ông.
Antonio Barroso, Phó Giám Đốc công ty nghiên cứu Teneo Intelligence có trụ sở đặt ở London, nói:
“Ông Rajoy có hai mục tiêu: nếu Thủ Hiến Puigdemont vẫn lửng lơ mập mờ, thì phong trào ủng hộ độc lập sẽ càng lúc càng bị chia rẽ hơn. Nếu ông Puigdemont nhất quyết bảo vệ giải pháp độc lập, thì ông Rajoy sẽ khởi động Điều 155. Đàng nào thì các cuộc bầu cử sớm khu vực cũng sẽ diễn ra tại một thời điểm nào đó.”
Bác bỏ đàm phán
Trước đó nhiều người trông đợi Thủ Hiến Catalonia Carles Puigdemont đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia hôm thứ Ba 10/10, sau khi chính quyền Catalonia nói 90% cư dân đã biểu quyết ủng hộ giải pháp tách ra khỏi Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10. Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp giữa lúc đa số thành phần chống đối, tẩy chay không tham gia.
Madrid phản ứng giận dữ sau bài diễn văn của ông Puigdemont, nói rằng chính quyền Catalonia không thể hành động dựa trên kết quả cuộc biểu quyết đó.
“Không một ai, dù là ông Puigdemont hay bất cứ người nào khác, có thể thương thuyết, nếu không quay lại với nguyên tắc hợp pháp và dân chủ… Đàm phán phải diễn ra giữa những nhà dân chủ và chỉ trong khuôn khổ của luật pháp.”
Khởi động Điều 155 để giải tỏa cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong 4 thập niên qua, có thể phá hoại triển vọng đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, và khiến cho giải pháp này càng thêm xa vời.
Sáng thứ Tư 11/10, một người phát ngôn của chính quyền Catalonia nói nếu Madrid xúc tiến ý định đó, thì Catalonia sẽ tiến hành giải pháp đòi độc lập.
Thủ lãnh Đảng Xã hội Pedro Sanchez cho biết sẽ ủng hộ Thủ Tướng Rajoy nếu ông này khởi động Điều 155, ông còn cho biết đã thỏa thuận với Thủ Tướng Rajoy để khởi sự một chương trình cải cách hiến pháp nội trong 6 tháng để thảo luận làm cách nào Catalonia có thể thích ứng hơn như một phần thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha.
Thị trường chứng khoán thở phào
Bài diễn văn của ông Puigdemont đã gây thất vọng cho giới ủng hộ giải pháp độc lập, hàng ngàn người theo dõi các diễn biến trên màn ảnh lớn bên ngoài tòa nhà quốc hội buồn bã ra về.
Tuy nhiên các thị trường tài chính thở phào nhẹ nhõm vì Catalonia đã tránh, không lập tức tuyên bố độc lập.
Ngay sau bài diễn văn của ông Puigdemont, chỉ số IBEX của Tây Ban Nha tăng tới 1,6%, vượt mức tăng của chỉ số STOXX 600 trên toàn Châu Âu, và lần lượt đẩy cao các chỉ số chứng khoán chủ yếu trên thế giới. Chỉ số ‘All-World’ gồm 47 nước của MSCI tăng cao kỷ lục.
Tại Bruxelles, nhiều người cũng thở phào nhẹ nhõm bởi vì nền kinh tế lớn thứ 4 của EU ít ra đã có thêm một chút thì giờ để mà ứng phó với cuộc khủng hoảng, dù cho một giải pháp chung cuộc hãy còn xa vời.
Cuộc khủng hoảng Catalonia đã gây những chia rẽ sâu xa trong khu vực cũng như trên toàn quốc. Các cuộc thăm dò thực hiện trước cuộc biểu quyết cho thấy một thiểu số khoảng 40% ủng hộ giải pháp độc lập.
Kết quả chung cuộc sẽ có những hậu quả rất lớn. Để mất Catalonia, một khu vực có ngôn ngữ và văn hóa riêng, có thể khiến Tây Ban Nha mất đi 1/5 tổng sản lượng kinh tế.
Một số tập đoàn công ty lớn đã dời trụ sở chính ra khỏi khu vục, và một số sẽ theo chân, trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập.
Tổng thống Philippines
đe dọa trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 12/10/2017 đe dọa trục xuất đại sứ các nước Liên Hiệp châu Âu, với cái cớ là các chính phủ châu Âu âm mưu làm Manila bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc.
Trong một bài diễn văn thô bạo, ông Duterte nói rằng ông không chấp nhận việc châu Âu chỉ trích chính sách chống ma túy của Philippines. Chiến dịch được tung ra từ lúc ông Duterte trở thành tổng thống năm 2016, đã dẫn đến việc cảnh sát giết chết ít nhất 3.850 người.
Ông Duterte tố cáo các nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) can thiệp vào việc nội bộ của Philippines. Ông tuyên bố trước báo chí: « Các vị ấy nói với chúng tôi là sẽ bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc. Đồ chó đẻ, cứ làm tới đi ! ». Cho rằng các nước châu Âu bắt bí một Philippines nghèo khổ, ông nói: « Quý vị cho chúng tôi tiền rồi bắt đầu bảo rằng phải làm gì, hay không được làm những gì…Nhưng bây giờ không còn là thời thuộc địa nữa ».
Tổng thống Philippines cảnh báo các đại sứ châu Âu : « Chúng tôi có thể ngưng các kênh ngoại giao ngay ngày mai, và tất cả các vị phải rời lãnh thổ nước tôi trong vòng 24 tiếng đồng hồ ».
Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ đưa ra lời bình luận về khả năng Philippines bị đặt ra ngoài lề Liên Hiệp Quốc. Nhưng trong một nghị quyết năm ngoái, Nghị viện Châu Âu đã bày tỏ quan ngại trước « số lượng quá lớn những người bị sát hại trong chiến dịch của cảnh sát » trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố. Nghị quyết kêu gọi ông Rodrigo Duterte « chấm dứt làn sóng hành quyết không thông qua xét xử, và sát nhân ».
Trong thông cáo hôm nay, phái đoàn EU tại Philippines, ngược lại, nhấn mạnh sự hợp tác với chính quyền Manila. « EU và Philippines cùng làm việc một cách xây dựng và hiệu quả trong nhiều lãnh vực, tất nhiên nhất là trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc ».
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước đây, ông Duterte đã hứa hẹn diệt trừ nạn buôn ma túy, có thể hạ sát thậm chí đến 100.000 nghi can buôn bán ma túy và con nghiện.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171012-tong-thong-philippines-de-doa-truc-xuat-cac-nha-ngoai-giao-chau-au
Pháp : Tổng thống Macron hứa cải thiện thu nhập nông dân
Ngày 11/10/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ dùng sắc lệnh để tái điều chỉnh các hợp đồng thương mại giữa nông dân và các nhà phân phối, nhằm cải thiện thu nhập cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị tập hợp tất cả các tác nhân trong ngành nông nghiệp ở Rungis, chợ đầu mối quốc tế, tổng thống Pháp cho rằng giá cả buôn bán nông phẩm phải “xuất phát từ giá thành sản xuất” sao cho có lợi cho nhà nông. Do đó, chính phủ sẽ có những điều chỉnh luật lệ để đảo cách lập giá. Tham vọng của tổng thống Pháp là tìm các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng “nghèo hóa” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ngược lại, ông Macron yêu cầu lĩnh vực sản suất nên có những chuyển đổi cần thiết để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội và môi trường. Trước các đại diện nhà nông, công nghiệp, các nhà phân phối và các dân biểu, tổng thống Macron kêu gọi các bên nên hợp sức cùng nhau “xây dựng một nước Pháp nông nghiệp mới”.
Tổng thống khẳng định dự luật sửa đổi sẽ được trình và thông qua bằng sắc lệnh vào “quý I/2018”. Ông mong muốn có một sự “chuyển đổi sâu sắc” nhằm nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm. Tổng thống yêu cầu từ đây đến cuối năm mỗi lãnh vực sản xuất nông nghiệp (sữa, thịt, ngũ cốc…) phải đề ra “chiến lược” của mình.
http://vi.rfi.fr/phap/20171012-phap-tong-thong-macron-hua-cai-thien-thu-nhap-nong-dan
Catalunya : Châu Âu ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha
Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 11/10/2017, mạnh mẽ tuyên bố là đang chờ đợi « một sự tôn trọng hoàn toàn trật tự theo Hiến pháp Tây Ban Nha », sau khi chủ tịch Catalunya « tuyên bố độc lập » rồi hoãn lại. Thủ tướng Tây Ban Nha ra kỳ hạn vào thứ Hai tới, phe ly khai phải làm rõ Catalunya có đòi độc lập hay không.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Quentin Dickinson nhận định :
« Cả sự nhập nhằng trong các tuyên bố liên tiếp của phe ly khai Catalunya, lẫn tối hậu thư do chính phủ Madrid đưa ra, đều không làm thay đổi quan điểm của các định chế châu Âu và các quốc gia thành viên : sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Tây Ban Nha.
Tối qua một viên chức cao cấp châu Âu nhắc lại : « Trật tự theo Hiến pháp của Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ trong nước ». Tương tự, sẽ không có việc châu Âu đứng ra làm trung gian hòa giải, nếu hai bên không yêu cầu, một khả năng mà nay rõ ràng đã bị loại trừ.
Điều này không ngăn trở những cuộc tiếp xúc giữa thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, cũng như chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk. Ngoài ra nhiều lãnh đạo các nước châu Âu cũng gọi điện cho ông Rajoy trong ngày.
Sự ủng hộ công khai dành cho thủ tướng Tây Ban Nha là do mức độ lo lắng trong giới kinh doanh đang tăng lên, trước sự bất định về lối thoát cho cuộc khủng hoảng Catalunya ».
Hôm nay 12/10 là ngày Quốc khánh Tây Ban Nha. Lần đầu tiên từ 30 năm qua, cảnh sát quốc gia được mời tham gia diễu binh cùng với quân đội, không đầy hai tuần sau khi bị lên án vì những hành động thô bạo trong cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của Catalunya. Bộ Quốc Phòng công bố một video chiếu cảnh các máy bay chiến đấu đang hoạt động, với #OrgullososdeserEspanoles, tức « Hãnh diện là người Tây Ban Nha ».
Một phi cơ quân sự đã bị rơi sau cuộc diễu binh, gần căn cứ Không quân Los Llanos, cách thủ đô 300 km. Theo báo chí Tây Ban Nha, đó là một chiếc Eurofighter, loại chiến đấu cơ do Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha hợp tác sản xuất. Trước đây đã có hai chiếc Eurofighter bị rơi ở Tây Ban Nha, khiến phi hành đoàn tử vong.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171012-catalunya-chau-au-ung-ho-chinh-phu-tay-ban-nha
Trung Quốc:
Cán bộ Đảng phải tránh xa tôn giáo và mê tín dị đoan
Các quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải cảnh giác, không để « bị ru ngủ qua việc cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng đức Phật ». Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo hôm nay 12/10/2017 cảnh báo như trên, nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản không thể tách rời khỏi chủ trương vô thần, và mê tín là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, các cán bộ đảng cần phải ghi nhớ lời của Các Mác, rằng « chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ngay lập tức với chủ nghĩa vô thần ». Tờ báo cũng cho rằng : « Mê tín dị đoan là tư tưởng ô nhiễm, một sự ru ngủ tinh thần không thể xem thường, cần phải bài trừ toàn bộ ».
Về mặt chính thức, Nhà nước đảm bảo tự do tín ngưỡng, nhưng đảng viên phải có tư tưởng vô thần, và đặc biệt là không được có những hành động « mê tín dị đoan » như đi coi bói chẳng hạn. Theo Nhân dân Nhật báo, các quan chức tham nhũng đã bị « đả hổ » thường cũng tham gia vào « các hoạt động mê tín tàn dư của phong kiến ».
Tờ báo của đảng Cộng Sản viết : « Trên thực tế, một số quan chức đôi khi đi chùa, cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng Phật » ; nêu ví dụ cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành (Li Chuncheng), bị kết án 13 năm tù vào năm 2015, vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông này cũng rất mê thuật phong thủy.
Mao Trạch Đông cấm xem bói toán, nhưng những thói quen truyền thống đã dần dà quay lại cùng với sự mở cửa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171012-trung-quoc-can-bo-dang-phai-tranh-xa-ton-giao-va-me-tin-di-doan
Tổng thống Mỹ
có thể không xác nhận Iran tôn trọng thỏa ước nguyên tử
Hôm nay 12/10/2017 tổng thống Hoa Kỳ sẽ phát biểu về thỏa ước nguyên tử với Iran. Theo luật, Nhà Trắng cứ mỗi ba tháng phải xác nhận Iran có đáp ứng hoàn toàn các điều kiện của hiệp ước hay không. Ông Donald Trump đe dọa từ chối công nhận, cho dù các đối tác khác khẳng định Teheran tôn trọng cam kết.
Theo phân tích của thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington, việc ông Trump không chịu công nhận không có nghĩa là Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân nói trên :
« Tổng thống Donald Trump không ngớt tố cáo hiệp định nguyên tử, và lần này ông có thể biến những bài diễn văn trước đó thành hành động, qua việc từ chối công nhận là Iran đã tôn trọng các cam kết. Trong trường hợp này, hồ sơ sẽ quay trở lại Quốc Hội, các dân biểu sẽ quyết định có nên đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran hay không.
Nhưng xem chừng Quốc Hội không vội vã lắm. Ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa cũng chia rẽ : nhiều thượng nghị sĩ bảo thủ cho rằng nếu nhanh nhẩu bỏ phiếu cho trừng phạt là thiếu thận trọng. Những người có trách nhiệm trong Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện – một dân biểu Cộng Hòa và một của đảng Dân Chủ – hôm qua đã cảnh báo việc ra khỏi hiệp ước có nguy cơ làm Hoa Kỳ bị mất đi mọi sự tin tưởng.
Bản thân ông Donald Trump mới đây cũng khẳng định sẽ không chính thức rút khỏi hiệp định. Từ chối xác nhận Iran tôn trọng cam kết là một loại giải pháp thứ ba, giúp cho tổng thống Mỹ làm hài lòng cử tri của mình, mà không phải xé bỏ một văn bản đã được thương lượng gay go ».
Châu Âu nặn óc tìm phương cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran
Sau hàng tháng trời hoài công vận động hành lang để thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump là đừng phủ nhận thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, các nước châu Âu đang cố gắng thảo luận đằng sau hậu trường, để tìm cách cứu vãn một hiệp định đã phải hết sức nhọc nhằn mới đạt được vào năm 2015.
Đối với Donald Trump, hiệp định mà người tiền nhiệm Barack Obama của ông đã chấp nhận là một thỏa thuận « tệ hại chưa từng thấy », với phía bên kia là Iran bị ông tố cáo là không thực hiện đúng theo cam kết. Quan điểm này của ông Trump tuy nhiên không được 5 cường quốc cùng tham gia vào các cuộc đàm phán, chia sẻ.
Trong thời gian qua, cả thủ tướng Anh Theresa May và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sử dụng Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để cố thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi cái nhìn của ông về Iran, nhưng vô hiệu, tương tự như những nỗ lực khuyên can ông Trump về Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, từng được cả công chúng lẫn chính quyền Pháp, Anh và Đức phối hợp thực hiện.
Thấy rằng Nhà Trắng rõ ràng là bịt tai trước các lời khuyên của họ, các nhà ngoại giao châu Âu đang quay sang vận động các thành viên Quốc Hội Mỹ, mà cả hai viện đều do đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Đức Rainer Breul đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP: « Đại sứ quán của chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan lập pháp (Mỹ)… Chúng tôi đang tìm kiếm đối thoại, giải thích quan điểm của chúng tôi và giải thích tại sao theo quan điểm của chúng tôi, thỏa thuận của Iran là một thành công. »
Nguyên nhân sâu xa của việc vận động Quốc Hội Mỹ là các lợi ích về kinh tế. Sau khi tổng thống Mỹ chính thức phủ nhận hiệp định với Iran, Quốc Hội Mỹ có 60 ngày để quyết định xem là có nên tái lập các biện pháp trừng phạt, từng được gỡ bỏ khi hiệp định này có hiệu lực.
Trong thời gian một năm qua, các tập đoàn châu Âu đã rầm rộ đổ vào Iran để khai thác thị trường đang phát triển và béo bở này. Các biện pháp trừng phạt tài chánh của Mỹ có nguy cơ hạn chế khả năng kinh doanh của các tập đoàn đó.
Đi đầu trong việc làm ăn với Iran là các hãng Pháp, từ tập đoàn đầu khí Total, cho đến hai hãng xe hơi Renault và Peugeot, với nhiều tỷ đô la đầu tư. Tập đoàn khổng lồ Đức Siemens cũng đã công bố một số hợp đồng lớn, trong lúc tập đoàn Airbus của châu Âu cũng vừa giành được hợp đồng cung cấp 73 phi cơ cho hai hãng hàng không Iran.
Một nhà ngoại giao châu Âu, xin giấu tên, nhận định : « Nếu Quốc Hội Mỹ tái lập trừng phạt, tôi sẽ không thấy nhiều giám đốc điều hành đề nghị với hội đồng quản trị của họ là “hãy đầu tư vào Iran” ».
Thierry Coville, một nhà phân tích tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) ở Paris, cho rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng nên phối hợp hành động với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc khác là thành viên của hiệp định Iran.
Một số nhà ngoại giao còn lo xa hơn về tác hại tiềm tàng đối với uy tín của phương Tây nói chung, nếu Mỹ xé bỏ hiệp định đã ký kết. Một cán bộ ngoại giao cao cấp của châu Âu, cũng xin giấu tên, lo ngại là việc không tôn trọng thỏa thuận đã ký sẽ khiến các nước khác không đàm phán với phương Tây nữa, vì có đàm phán thì kết quả vẫn không được tôn trọng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171012-chau-au-nan-oc-tim-phuong-cuu-van-hiep-dinh-hat-nhan-iran
Bắc Kinh: Châu Âu và Mỹ “thiếu hiểu biết” các quy định WTO
Bộ Thương Mại Trung Quốc trong buổi họp báo ngắn ngày 12/10/2017 chỉ trích việc Liên Hiệp Châu Âu có những biện pháp chống hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là thiếu hiểu biết về các quy định của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO).
Bộ Thương Mại Trung Quốc đã có nhận xét như trên sau khi hồi tuần trước Liên Hiệp Châu Âu thông qua các quy định mới nhằm chống lại hàng nhập khẩu Trung Quốc giá rẻ, kết thúc 18 tháng tranh cãi về quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Khi được hỏi về việc Hoa Kỳ hoãn việc quyết định về thuế chống phá giá về nhôm nhập khẩu và việc trao quy chế kinh tế thị trường đối với Trung Quốc, ông Cao Phong (Gao Feng), phát ngôn viên bộ Thương Mại cho đấy là lối suy nghĩ kiểu “Chiến Tranh Lạnh”.
Theo ông, khái niệm về quốc gia có nền kinh tế thị trường không tồn tại trong quy định của WTO và chỉ do vài nước thành viên áp dụng. Sau cùng, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc hối thúc Liên Hiệp Châu Âu nên tuân thủ các quy định của WTO.
Reuters nhắc lại vào tháng 8/2017, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo tạm thời áp dụng mức thuế chống phá giá trên mặt hàng nhôm nhập khẩu Trung Quốc từ 17% – 81%. Mức thuế mới và thông báo về quy chế thị trường cho Trung Quốc sẽ được thông báo vào cuối tháng 11/2017.
Úc: Tin tặc đánh cắp nhiều dữ liệu về chiến đấu cơ F-35
Bộ Quốc Phòng Úc ngày 12/10/2017 cho biết tin tặc đã đánh cắp nhiều dữ liệu nhạy cảm từ một nhà cung ứng liên quan đến các chương trình trang bị vũ khí cho không quân Úc. Trong một cuộc họp báo, ông Mitchell Clarke, lãnh đạo Cơ quan chống tội phạm mạng ASD, khẳng định tổng cộng có khoảng 30 Gb “dữ liệu nhạy cảm” đã bị đánh cắp.
Theo hãng tin Pháp AFP, những dữ liệu này có liên quan chủ yếu đến chiếc F-35, một loại chiến đấu cơ đa năng, hay chiếc P-8 Poseidon, máy bay trinh sát do hãng Lockheed Martin của Mỹ thiết kế, với sự phối hợp của nhiều nước. F-35 được coi là chương trình đầu tư tốn kém nhất trong lịch sử quân sự Mỹ, với tổng trị giá gần 400 tỉ đô la.
Đọc thêm : F-35 tàng hình của Mỹ: Hiệu quả không chiến gấp 6 lần
Ngoài ra, tin tặc còn đánh cắp cả những thông tin về các loại tầu chiến mới của hải quân Úc, những thông tin chi tiết đến mức có thể thấy rõ cả chỗ ngồi của thuyền trưởng.
Tuy không nêu tên nhà cung ứng, nhưng lãnh đạo ASD cho biết rõ tin tặc đã sử dụng công cụ gọi là “China Chopper”, một phần mềm rất hay được các tin tặc Trung Quốc sử dụng, theo khẳng định của nhiều chuyên gia tin học.
Vẫn theo lãnh đạo ASD, vụ việc xảy ra vào tháng 7/2016, nhưng phải đến tháng 11 cùng năm mới được ASD phát hiện. Bộ trưởng Công Nghiệp Quốc Phòng Úc đã phải lên tiếng trấn an : “Những thông tin đó không được xếp loại mật, do đó không gây nguy hiểm cho kế hoạch quân sự”.
Ông từ chối cho biết ai bị tình nghi đứng sau vụ tin tặc này, nhưng theo AFP, nhiều nước phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp các bí mật công nghiệp và quân sự của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171012-uc-tin-tac-danh-cap-nhieu-du-lieu-ve-chien-dau-co-f-35
Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand
gây lo ngại
Một sự kiện tại New Zealand hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện (Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch New Zealand, nhân vật này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc của mình, cũng như quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung Quốc.
Những tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những thành phần được báo chí gọi là « đạo quân thứ năm », mà mục tiêu là uốn nắn chính sách của New Zealand đi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.
Thái độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính phủ New Zealand, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Zealand Canterbury thực hiện.
Dân biểu New Zealand mà hành xử như tay sai của Trung Quốc
Bản báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội New Zealand, trong đó có việc tung tiền tài trợ cho các đảng phái ở New Zealand.
Bản báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh hưởng của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại New Zealand, cũng như của các tổ chức cộng đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở New Zealand cho biết ông Dương Kiện, hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu Chiến Binh tại New Zealand, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đang sinh sống tại New Zealand. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của nhóm này nhân chuyến thăm New Zealand của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung Quốc…
Trần Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung Quốc hơn là một nhà lập pháp New Zealand.
New Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đã trở thành một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của New Zealand, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được ký năm 2008.
Ông Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung Quốc vào New Zealand có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã kêu gọi New Zealand cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang làm.
Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh
Nếu New Zealand mới bắt đầu quan ngại về « đạo quân thứ năm » của Trung Quốc trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của New Zealand đã được đánh động về mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.
Tháng 6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là người hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.
Một trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
« Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung Quốc »
Như vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến các khoản đầu tư vào kinh tế.
Một cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng này rập khuôn theo quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.
Ngoài giới chính khách và các đảng phái, Trung Quốc còn chú ý đến việc tấn công vào lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm chí huy động các du học sinh Trung Quốc rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.
Các cố gắng của Trung Quốc tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần vạch trần âm mưu của Trung Quốc.
Ngay cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây, trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc Kinh.
Nhìn chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn New Zealand rất hóc búa : đó là làm sao ngăn không cho Trung Quốc tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa.
Sau đây là bài phỏng vấn nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171012-dao-quan-thu-nam-cua-trung-quoc-o-uc-va-new-zealand-gay-lo-ngai