Thà một lần đau
10-10-2017
Nhân vật thú vị nhất chính trường Việt Nam hiện nay, thậm chí từ 1975 đến nay, là ông Nguyễn Phú Trọng. Từ ngày đầu nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng có một phát ngôn mà đến nay làm tất cả bất ngờ: “Tôi không muốn để lại dấu ấn.”
Câu nói ấy bị nhiều người mổ xẻ theo hướng không tích cực, thậm chí là châm biếm. Nhưng cũng không nhiều người nhận ra ông Trọng có một mục đích khác ngay từ đầu: chỉnh đốn Đảng.
Hậu hội nghị trung ương 6, Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khóc với cử tri trong vai trò một Đại biểu Quốc hội. Ông đã không thể xử lý được “đồng chí X” dù rằng trong một thập kỷ trước đó, chưa bao giờ ngân sách Việt Nam bị tham những “gặm” kinh khủng như vậy.
Ông Trọng còn một câu nói khác: “Ném chuột đừng để vỡ bình.” Hiểu đơn giản là sự ổn định vì “đại cuộc”. Nhưng một vị đã không còn là Ủy viên Bộ Chính trị hay gần đây là xử lý Ủy viên trung ương Đảng là những kết quả cho thấy không có ai “không thể đụng đến”. Có lẽ điều này đúng với tinh thần Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng vào đầu 2016 đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.”
(Trước khi viết tiếp, tôi phải khẳng định bản thân mình hết sức ủng hộ chống tham nhũng để lấy lại nội lực đất nước.
Có lần ra Đà Nẵng và nghe các bô lão nhận xét về một lãnh đạo thời kỳ trước như vầy: “Thèng ni eng thì eng mà lồm ra lồm.” (Thằng này ăn thì ăn mà làm ra làm.) Nhân dân luôn độ lượng và hiểu với đồng lương công chức còm cõi thì “không eng lấy chi mà sống?”. Nhưng đừng chơi kiểu ăn mà không làm hay phá để ăn. Đây là một thực tế rất Việt Nam!)
Nhưng nhân dân chờ đợi một điều lớn lao hơn các mức kỷ luật nghiêm khắc của Đảng: Xử lý bằng pháp luật đối với các cán bộ biến chất! Nó đúng với tinh thần của xã hội pháp quyền chứ không phải “cách chức” sau khi về hưu hay cho rời khỏi hàng ngũ Đảng để hỏi “có đau không?”.
Lấy ví dụ về 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương từng một thời là “nắm đấm thép kinh tế nhà nước”. Sau khi “đấm vỡ mặt” nhân dân bằng các khoản siêu lỗ, siêu nợ cùng công nghệ lạc hậu của Tàu thì thu ngân sách chẳng khác hốt bát nước đã đổ vào sa mạc tham lam.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công nói rằng: “Nên chấp nhận một lần đau!” trong việc xử lý các cá nhân quản lý nhiều sai phạm cũng như chấp nhận phá sản các dự án không thể cứu chữa. PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Chắc chắn phải có sự hy sinh!” khi nói về việc tinh gọn bộ máy chính trị lẫn bộ máy nhà nước vốn có nhiều Đảng viên.
Khi đó, cần một quyết tâm không “đóng cửa bảo nhau” của Đảng và từ chối mọi ân tình đồng chí hay các quan hệ “con anh Sáu, cháu chú Ba, người nhà chị Tám”. Và dĩ nhiên, cần cả quyết tâm của cả hệ thống Đảng và người đứng đầu.
Nhiều lần nói về việc thay đổi thể chế – thay đổi hệ thống luật bất cập và các văn bản pháp quy, các quy định mà chính thể đặt ra; tôi vẫn tin cuộc đổi mới sẽ bắt đầu từ Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên chủ chốt là Đảng viên. Chỉ khác một điều, họ không còn dư địa nào về ngân sách lẫn tài nguyên để trông cậy ngoài thuyết phục nhân dân và chính bộ máy rằng cách mạng 4.0 nói riêng và tiến trình vận động chung của thế giới sẽ loại bất cứ ai phủ định các giá trị tiến bộ.
Nếu không lấy lại nội lực thì sức đâu để ra biển lớn? Nếu không chống tham nhũng thì sức mạnh đâu để đòi lại chủ quyền biển Đông? Nếu không thay đổi, chính thể sẽ lại “loạn sứ quân” các tỉnh, các bộ ngành ư?
Có một “phe” duy nhất mà người viết bài này lựa chọn: NHÂN DÂN & TỔ QUỐC, với đầy đủ nghĩa viết hoa. “Tổ Quốc đang bão giông từ biển”* và Nhân Dân thì chịu hết siết với những cán bộ “ăn của dân không từ một thứ gì”**. Nên tôi buộc phải ủng hộ một cách thụ động quyết tâm chống tham nhũng của “người đốt lò”. Ít ra, cho đến lúc này, sau nhiều năm quan sát và tìm hiểu của bản thân; ông Nguyễn Phú Trọng là một Đảng viên liêm khiết.
Nhưng tôi nghĩ rằng việc càng mở rộng chính trị từ bộ máy hành chính đến hệ thống Quốc hội, Hội đồng Nhân dân để có càng nhiều cán bộ do dân cử, dân bầu thì càng tốt. Nhân dân đã đủ sợ hãi những cán bộ phá ngân sách nhưng được bổ nhiệm “đúng quy trình” lắm rồi.
Chú thích: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – nhân tố quan trọng trong cuộc chỉnh đốn Đảng. Tôi chờ và hy vọng ông Phúc tinh giản bộ máy và giảm bội chi ngân sách ra sao.
* Lời bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến
** Nhận xét của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
** Nhận xét của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan