Tin Việt Nam – 11/10/2017
Người Thị Trưởng ‘vác tù và’ ở Westminster
Thành phố Westminster quanh năm nắng ráo mát mẻ, trải rộng trên diện tích 26 kilomet vuông thuộc miền Nam California, sát bên bờ Thái Bình Dương. Nơi đây là nhà của 94.000 dân trong đó có đến gần một nửa là người gốc Việt.
Kể từ cuối năm 2012 đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử thành phố và cũng là của cả nước Mỹ, Westminster có thị trưởng gốc Việt do dân bầu, ông Tạ Đức Trí.
Tinh thần cống hiến
Đắc cử ở tuổi 39, ông Trí được rất nhiều người Việt ở Mỹ đánh giá là một chính trị gia trẻ, tài năng, và là niềm hãnh diện của cộng đồng. Trong 6 năm liên tục trước đó, ông đã là nghị viên và phó thị trưởng luân phiên.
Sau hơn 4 năm rưỡi nắm quyền, với hai lần tái cử, ông Trí – năm nay 44 tuổi – tạo ra những ấn tượng tốt đẹp với người dân.
Tại Đền thờ Đức thánh Trần và những nơi đông người Việt ghé thăm hay kinh doanh, như trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ và ABC Supermarket, VOA đã được nghe những nhận xét chân thực từ người dân về Thị trưởng Tạ Đức Trí.
Ông Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Đền thờ Đức thánh Trần, nói:
“Đây là một thành công của người Việt tị nạn cộng sản. Đó là một sự hãnh diện, và công sức lớn lao này là từ ông thị trưởng Tạ Đức Trí”.
Ấn tượng chung mà nhiều người cùng nhắc đến là tinh thần vì cộng đồng Việt của ông Trí. Ông Tạ Tiến, 76 tuổi, nhận xét:
“Dân chúng ở đây, theo ý tôi, rất vừa lòng với tính cách làm việc của ông ấy. Ông thị trưởng này có nhiều sáng kiến và đi sát với đồng bào. Mọi chuyện về cộng đồng thì ông lo cũng rất tốt”.
Ông Nguyễn Giai, khoảng 60 tuổi, trân trọng dùng từ “ngài” để nói về vị thị trưởng trẻ tuổi hơn mình rất nhiều:
“Lâu lâu vẫn thấy ông trên đài nói chuyện này kia, thấy ngài rất có tinh thần cho cộng đồng”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, hơn 40 tuổi, hồ hởi nói:
“Ông Tạ Đức Trí, oh, theo tôi thì ông này good [tốt]. Có nhiều công việc của ông có liên quan tới cộng đồng. Tôi rất thích gia đình này. Tôi nghĩ là ông này làm việc tốt. Tôi thấy đa số hội họp hay chuyện gì lớn của cộng đồng đều có mặt ông ấy hết. Ông rất là quan tâm”.
Đến Mỹ năm 19 tuổi trong một gia đình buộc phải xa xứ sau biến cố năm 1975, nhìn lại, ông Trí nói việc tranh cử và phục vụ trên cương vị thị trưởng là cách ông “trả ơn cho Mỹ quốc” đã cưu mang cộng đồng người Việt phải rời đất mẹ. Bên cạnh đó, ông cũng muốn đóng góp cho sự phát triển của thành phố:
“Tôi cũng muốn cống hiến kinh nghiệm và những gì mình đã học hỏi được cho cư dân của thành phố. Việc tôi ra tranh cử chỉ trong mục đích tôi muốn phục vụ, cống hiến cho cư dân của thành phố Westminster”.
Ông cho biết thêm rằng tinh thần cống hiến này đến từ ba mẹ. Cha ông là kịch tác gia, mẹ là giáo sư Anh văn ở Hội Việt Mỹ trước năm 1975.
“Ba mẹ của chúng tôi đều dạy dỗ rằng sống trên đời điều quan trọng là chúng ta phải phục vụ và cống hiến. Khi chúng ta cống hiến, phục vụ, chúng ta sẽ mang lại niềm vui cho người khác. Nếu chúng ta qua Mỹ, cố gắng học để đạt được bằng cấp, rồi sau đó đi làm và cố gắng, chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống ổn định, sung túc. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bản thân, theo thiển ý của tôi, tôi cảm thấy vẫn còn thiếu một cái gì đó. Để thành công cho chính mình, nếu cố gắng, chúng ta sẽ làm được. Nhưng nếu chúng ta cố gắng để phục vụ người khác, chúng ta nghĩ đến người khác, điều đó theo thiển ý tôi, quan trọng và quý vô cùng”.
Điều đó cũng được đánh giá cao trong cách nhìn của ông Hứa Trung Lập, hơn 70 tuổi, kế toán trưởng của Đền thờ Đức thánh Trần:
“Tạ Đức Trí là một người trẻ, dấn thân. Ở đây thật sự mà nói sự dấn thân như vậy cũng khó kiếm người. Tôi cũng mong giới trẻ sắp tới sẽ dấn thân thêm”.
Gia cảnh thanh đạm
Những chữ “cống hiến,” “dấn thân” mà ông Trí và ông Lập nói đến ở đây là chính xác theo nghĩa đen.
Quả thực, công việc của thị trưởng tuy quan trọng, bận rộn nhưng tiền lương chỉ có tính tượng trưng. Gia đình ông sống bằng thu nhập của vợ ông, một dược sĩ, là chính. Ông Trí cho biết:
“Lương thị trưởng của thành phố Westminster chỉ có 900 Mỹ kim một tháng. Thị trưởng và các nghị viên đều được bảo hiểm sức khỏe. Đó là những cái rất tượng trưng và căn bản. Ngoài ra, thị trưởng và nghị viên không có được thêm bổng lộc nào khác. Thành ra những người ra tranh cử các chức vụ thị trưởng, nghị viên của thành phố Westminster đều là những người muốn đóng góp hay cống hiến, phục vụ”.
So với thu nhập bình quân đầu người tiểu bang California là xấp xỉ 30.000 đôla/năm, tiền lương của một thị trưởng như ông Trí chỉ bằng 1/3.
Dù vậy, khác với nhiều nước đang phát triển, nơi quan chức chính quyền nhận lương ít ỏi nhưng họ tự “bù đắp” lại bằng các khoản “thu nhập” từ hối lộ, buôn lậu, v.v… ông Tạ Đức Trí không hề có bất cứ chuyện “lem nhem” nào về tiền bạc, theo cách nhìn từ chính cử tri của ông.
Ông Tạ Tiến nhận xét:
“Tôi nghĩ ông Trí không có vụ tai tiếng tiền bạc gì hết”.
Bà Mỹ Dung nói:
“Ông Trí này có giàu có gì đâu. Nhưng mà ông có cái tâm. Tôi thấy vậy”.
Có phần chắc là người dân Westminster không lạ gì về gia cảnh không giàu có của vị thị trưởng.
Gia đình ông gồm vợ chồng và hai con gái gần đây mới chuyển đến ở trong một căn nhà riêng nho nhỏ 3 phòng ngủ nằm trong một khu dân cư trung bình, sau nhiều năm cư trú trong nhà di động (mobile home) trên đường Bolsa, trục lộ chính chạy ngang Little Saigon.
Cuộc sống không giàu có của ông cũng dễ thấy khi hàng ngày ông lái chiếc Toyota Sienna 10 năm tuổi đưa các con đi học, cũng như cho các việc công và tư khác.
Chiếc xe cũ kỹ từ ngoài vào trong với nội thất có lẽ đã nhiều tháng – nếu không phải là nhiều năm – không được lau dọn, cho thấy ít nhất là nếu không vì lý do tiền bạc, thì cũng vì ông quá bận rộn đến mức không có thời gian chăm sóc cho vẻ bề ngoài của chiếc xe.
Ngày làm việc bận rộn
Ông Trí cho biết một ngày của ông bắt đầu từ 7h sáng. Sau khi đưa hai con gái 10 và 15 tuổi đi học, ông và vợ ăn sáng.
Tiếp đó, do tính chất công việc, có lúc ông có thể làm việc ở nhà, lúc khác ông phải vào văn phòng của thành phố.
Đến trưa, vợ ông, dược sĩ Đoàn Quế Anh, đi làm đến tối. Thường 9, 10 giờ tối hai ông bà mới ăn tối với nhau.
Với ông Trí, buổi chiều cũng thường bận rộn công việc hơn vì có họp hành hoặc nghe điều trần từ người dân về các khiếu nại, tranh chấp.
Hai con ông sau giờ học còn tham gia các hoạt động ngoại khóa và rời trường lúc 6 giờ chiều. Nếu không bận công việc, ông Trí sẽ đón con.
Nhiều lúc, có những cuộc họp bàn về các kế hoạch lớn của thành phố, hay điều trần về các dự án hoặc tranh chấp kéo dài từ 5h chiều đến hơn 9h tối, buộc ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hai bên nội, ngoại. Ông nói:
“Trong những lúc thí dụ ngày thường có những cuộc họp khẩn cấp của thành phố, hay thành phố cần tôi, và trong trường hợp tôi không đi đón hai cháu được, thì tôi lại nhờ chị ruột của tôi cũng sống trong thành phố Westminster đi đón hai cháu, lo cho hai cháu. Thí dụ trong những lúc khẩn cấp, các bà chị bên vợ tôi cũng san sẻ, đã và đang giúp cho gia đình chúng tôi từ lúc tôi là nghị viên cho đến thị trưởng. Thành ra, trong 11 năm tôi có cơ hội phục vụ trong vai trò từ nghị viên cho đến thị trưởng, gia đình của chúng tôi đã hy sinh rất nhiều, từ vợ tôi, ba mẹ tôi, ba mẹ vợ tôi, cho đến các chị vợ, anh vợ, đã giúp cho rất nhiều”.
Thành tựu của thị trưởng
Nhờ những giúp đỡ, hy sinh đó, ông toàn tâm toàn ý làm việc vì người dân thành phố. Vị thị trưởng nói ông tâm đắc nhất về hai thành tựu lớn trong nhiệm kỳ. Thứ nhất là nhiều công trình mang dấu ấn Việt được thông qua, hiện diện ở Westminster:
“Riêng với cộng đồng Việt tại thành phố Westminster, chúng ta đã có tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, chúng ta đã có tượng đài của Đức thánh Trần, chúng ta đã có tên của bảng đường Sài Gòn, và thêm phần tiếng Việt cho Bolsa Avenue là Đại lộ Trần Hưng Đạo, rồi chúng ta có tượng đài thuyền nhân. Và trong năm nay thì thành phố Westminster cùng với tập thể người Việt lại xây dựng được bia tưởng niệm các tướng lãnh, sĩ quan, quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết vào 30/4/1975. Tấm bia này cũng là một phần để thành phố Westminster tỏ lòng tri ân sự hy sinh của thế hệ đi trước”.
Ngay sau khi đắc cử thị trưởng, một động thái cũng mang dấu ấn của ông là việc đưa ra hội đồng thành phố bỏ phiếu gia hạn vĩnh viễn nghị quyết “không chào đón, không thân thiện” với sự có mặt của các quan chức cộng sản Việt Nam tại thành phố.
Ở đầu nhiệm kỳ thứ 3, tháng 12 năm ngoái, ông Trí cùng một nghị viên đưa ra nghị quyết chống việc trưng bày “cờ cộng sản” trong thành phố.
Trên bình diện rộng hơn, thành phố phát triển nhiều, thương mại được thúc đẩy, đó là thành tựu thứ hai. Ông Trí nói:
“Thành phố Westminster trong 5 năm qua đã phát triển khá mạnh về mặt kinh tế. Khi tôi lên đảm nhiệm vai trò thị trưởng vào tháng 12/2012, tôi đã đưa ra chính sách phát triển thành phố bằng cách giảm thiểu hết các luật lệ còn rườm rà, giấy tờ không cần thiết để giúp giới thương mại, đầu tư phát triển. Các luật lệ đó đang và đang tiếp tục được cải thiện. Tôi tin tưởng rằng một thành phố muốn phát triển phải là một thành phố hấp dẫn được thương vụ và thương mại. Muốn hấp dẫn thương vụ, thương mại, chỉ có một hướng giải quyết là luật của thành phố phải tạo ra sự thuận lợi”.
Chấm điểm cho công việc chính quyền của chồng, bà Quế Anh đánh giá:
“Có thể 8 điểm [trên 10]. Vẫn còn những điều có thể cải thiện được trong công việc. Anh Trí nói chung là người cầu toàn. Lúc nào làm gì đó anh cũng nghĩ có thể sẽ phải làm tốt hơn”.
Nhưng về mặt làm chồng, làm cha, bà Quế Anh cho ông Trí số điểm gần tuyệt đối:
“Vào thời điểm 1998 tôi quen anh, anh là người rất lãng tử. Những bạn bè cũ của anh Trí nghĩ là anh không phải là người thích đời sống gia đình, thích ràng buộc. Nhưng khi có gia đình rồi, anh Trí là người chăm lo cho gia đình, và đặt gia đình lên trước. Những việc liên quan đến hai con gái, bao giờ anh Trí cũng đặt ưu tiên lên hàng đầu. Vì những điều đó, về mặt người chồng, người cha, chắc cũng cho anh Trí được … 9 điểm”.
Tình yêu dẫn dắt sự nghiệp
Hai ông bà quen nhau năm 1998 khi cả hai còn rất trẻ. Điều làm họ gắn bó với nhau là tình yêu văn chương, triết học.
Cho đến hôm nay, ông Trí vẫn không quên ấn tượng buổi gặp gỡ đầu tiên, khi bà Quế Anh say sưa nghe ông nói về triết học, một điều hiếm thấy ở các cô gái trẻ.
Liên tiếp trong năm 1999 và năm kế tiếp, đôi bạn trẻ khi đó đã xuất bản chung các tập thơ và truyện.
Niềm say mê triết học Tây phương và Đông phương của ông có từ khi ông theo đuổi ngành chính trị học. Ông tâm niệm rằng triết học giúp hiểu được giá trị con người và cuộc đời.
Sau này, khi đã trở thành chính trị gia, ông đúc kết thêm một điều: Triết học khiến người lãnh đạo hiểu được giá trị của sự cống hiến.
Nhớ lại những kỷ niệm của hai vợ chồng, ông Trí nói chính bà Quế Anh mới là người đưa ông vào con đường chính trị.
Bà đã chủ động rủ ông sinh hoạt trong tạp chí Non Sông của Tổng hội Sinh viên Miền Nam California, mà theo lời ông Trí, ông đã cố phục vụ để làm vui lòng bà, dù hai người còn chưa chính thức là người yêu của nhau.
Từ những sinh hoạt trong hội, được sự khuyến khích và ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng, ông Trí tranh cử và đắc cử Chủ tịch Ban đại diện cộng đồng, phục vụ từ năm 2002 đến 2005. Đó là tiền đề cho những thành công chính trị của ông từ 2006 đến nay.
Nhắn nhủ thế hệ tương lai
Dù rằng làm công việc đúng như một ngạn ngữ của Việt Nam, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Trí mong rằng sự dấn thân của ông trong chính quyền thành phố Westminster giúp cho thế hệ trẻ hiểu được hơn “giá trị của việc đóng góp và phục vụ”.
Mỗi cá nhân nỗ lực để bản thân họ thành công trên đất Mỹ đều đáng quý, theo ông Trí. Nhưng ông cho rằng khi các cá nhân giúp cho tập thể thành công, điều đó còn đáng quý hơn nhiều. Ông mong những người trẻ sẽ có nhiều cơ hội dấn thân, phục vụ. Ông có lời nhắn nhủ:
“Sự phục vụ của chúng ta là chìa khóa để giúp cộng đồng chúng ta ngày càng phát triển và tiến mạnh. Còn rất nhiều lĩnh vực cần sự dấn thân, cần sự đại diện, cần sự tham gia trong chính quyền để chúng ta có tiếng nói. Cộng đồng chúng ta muốn có tiếng nói trong những quyết định, chính sách, chủ trương từ cấp thành phố, cấp quận, cấp tiểu bang, liên bang, hay chúng ta đành để số phận của cộng đồng cho người khác quyết định?”
Người đứng đầu thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ luôn “thao thức” về việc làm sao để tiếng nói của người gốc Việt ngày càng có nhiều ảnh hưởng sau 42 năm họ xây dựng cuộc sống và hòa nhập vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-thi-truong-vac-tu-va-o-westminster/4064472.html
Phiên xử bà nghị ‘chạy’ ghế:
Tín hiệu âm thanh mất ‘đúng quy trình’
Tín hiệu âm thanh từ phòng xử án ngày 9/10 mất đột ngột đến 2 lần khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và luật sư nói về 12 tỷ đồng “chạy” dự án. Cộng đồng mạng gọi đây là sự cố “tắt đúng quy trình”, trong khi một luật sư từ Việt Nam cho đây là điều “rất không hay” cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Theo Tiền Phong, trong phiên xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dự án B5 Cầu Diễn, khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đến số tiền “chạy” ghế đại biểu quốc hội, tín hiệu âm thanh từ phòng xử sang phòng báo chí bị tắt đột ngột, chỉ còn lại phần hình ảnh. Đáng ngạc nhiên là tín hiệu âm thanh lại tiếp tục “mất lần hai” khi luật sư nói đến 12 tỷ đồng “chạy” dự án.
Một trong những nhân chứng có mặt trong phòng xử, Luật sư Trương Anh Tú, nói với VOA rằng ông không hay biết gì về chuyện này.
“Bản thân tôi là người bào chữa trong phiên tòa thì thấy không khí diễn ra một cách bình thường. Hội đồng xét xử rất dân chủ. Không gian để luật sư làm việc trong vụ này tương đối thoải mái. Còn ở phía ngoài thì tôi không rõ tình huống xảy ra thế nào”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi sát và có nhiều ý kiến được quan tâm về vụ án, diễn giải sự việc:
“Các nhà báo ngồi ở phòng khác. Còn các luật sư ngồi ở phòng có bị cáo. Cho nên cho dù có hay không thì mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, người ta sẽ lập luận rằng vấn đề kỹ thuật này chỉ xảy ra đối với phòng có các nhà báo thôi. Đó là vấn đề kỹ thuật, còn việc xét xử chúng tôi vẫn làm đầy đủ”.
Theo cáo trạng, bà Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng cho môi giới, chi hơn 80 tỷ đồng cho mục đích cá nhân và hoạt động của công ty Housing Group do bà đứng đầu. Ngoài ra, Housing Group còn thực hiện một số dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tin cho hay bà cựu đại biểu Quốc hội đã thu của khách hàng hơn 377 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án xây dựng ở Hà Nội. Trong đó, có 157 tỷ sử dụng không có chứng từ. Theo Vietnamnet, bà Nga khai ngoài số tiền đã chi cho 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc Housing Group, bà đã chi 47,7 tỷ đồng để “chạy” dự án và để được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Trong một video đăng trên trang mạng của Zing ngày 10/10, bà Nga đã đề nghị “làm rõ vấn đề tội danh” và “trong bản án có những vấn đề chưa khách quan”. Bà nói: “Tôi khẳng định tôi cùng tất cả 9 bị cáo ở đây, chúng tôi không lừa đảo, chúng tôi không chiếm đoạt tài sản, nên tôi đề nghị Hội đồng Xét xử làm rõ giùm tôi thực chất vấn đề này là gì”.
Trong phiên xử trước đó vài ngày, khi bà Châu Thị Thu Nga xin khai về số tiền 30 tỷ đồng (tương đương 1,5 triệu đôla) mà bà “chạy” chức bà nghị, tín hiệu âm thanh trong phòng báo chí cũng bị mất.
Trên mạng xã hội, một số người nói tín hiệu âm thanh trong phòng xử bà Nga đã “tắt đúng quy trình”, trong khi nhiều người khác tỏ ý nghi ngờ về những chi tiết “nhạy cảm” của vụ án có thể đã bị ngăn chặn để tránh hậu quả lớn.
Từ Hà Nội, LS. Trần Vũ Hải cho rằng đây là một điều “rất không hay” cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Ông nói: “Vụ này khiến người ta nhớ lại nhiều vụ án khác nhạy cảm hay liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng. Phải chăng người ta ngại rằng có những thông tin nào đó nhạy cảm lọt ra ngoài, các nhà báo sẽ đăng lên Facebook hoặc trên báo chí thì sẽ là phốt. Tức là chúng ta suy đoán rằng có sự lo ngại về vấn đề đấy, nhưng chúng ta không có bằng chứng. Tuy nhiên nếu việc này xảy ra nhiều, người ta sẽ nghi ngờ rằng phía tòa án đã có lệnh của ai đó, không muốn thông tin đầy đủ của vụ án bị đưa ra ngoài”.
Hội đồng Xét xử vụ án nói lý do không để bà Nga và luật sư đề cập đến số tiền 157 tỷ đã sử dụng là vì hết thời hạn điều tra.
LS. Trương Anh Tú giải thích thêm về yếu tố “vướng” này:
“Thời hạn điều tra trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế này thì cũng chỉ được phép diễn ra hơn 1 năm thôi. Mà vụ án này đã điều tra đến hai năm, họ không thể ngâm hồ sơ mãi đến 3, 4, 5 năm rồi mới giải quyết được. Cho nên xét về mặt hình thức, một số nội dung có thể được tách ra để giải quyết trong một vụ án khác để tránh việc xâm phạm thời hạn điều tra trong tố tụng hình sự. Còn về mặt nội dung thì nói chung là phức tạp”.
Trong khi đó, LS. Trần Vũ Hải cho rằng việc tách riêng nội dung có liên quan đến việc “chạy” dự án và ghế Quốc hội là không đúng.
“Đúng ra phải có cái quyết định tách của ban điều tra. Nhưng theo tôi được biết, không có quyết định tách này. Quyết định bằng văn bản ra quyết định tách, căn cứ theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự, hoặc khởi tố vụ án khác về vụ đưa nhận hối lộ là không có. Cho nên việc thẩm phán dựa vào các văn bản của cơ quan điều tra mà lại không đúng theo trình tự thủ tục tố tụng thì theo tôi là không đúng”.
Theo ông, các luật sư và các bị cáo có thể khiếu nại về việc này.
Trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, LS. Trần Vũ Hải nói “việc bà Nga chạy dự án (cùng việc chạy ghế bà nghị) cũng liên quan mật thiết đến vụ án này, để xác định nguyên nhân, sự thật của vụ án”.
Theo ông, lời khai của bị cáo, vốn là người trong cuộc, cần phải được tôn trọng, nhất là khi Đảng và Nhà nước Việt Nam đang “kêu gào chống tham nhũng, đặc biệt trong chạy chức, chạy dự án”.
Ông Nguyễn Phú Trọng có chỉnh đốn nổi Đảng?
Hàng triệu đảng viên cộng sản ở Việt Nam vẫn thờ ơ, bàng quan trước công cuộc chống tham nhũng, bất kể ông Nguyễn Phú Trọng ‘tả xung hữu đột’, một nhà quan sát từ TPHCM bình luận tin Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc.
Nếu công cuộc chống tham nhũng thất bại thì vị thế chính trị của ông Trọng cũng bị ảnh hưởng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chương trình thảo luận của BBC Tiếng Việt chiều 11/10/2017.
Tham gia thảo luận trên Kênh YouTube của BBC Tiếng Việt, ông Phạm Chí Dũng bình luận về sự so sánh hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, giống như cặp bài trùng Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tại Trung Quốc, dùng chiến dịch chống tham nhũng để giải quyết các vấn đề nhân sự.
Tuy thế, ông Phạm Chí Dũng nói so sánh riêng ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng.
Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có ‘5 quan chức kê khai tài sản sai’ trên cả triệu người phải khai, theo ông Phạm Chí Dũng.
Nhất thể hóa thế nào?
Hai khách mời cũng nói về ý tưởng ‘nhất thể hóa’ vị trí Đảng và chính quyền ở cấp huyện và xã mà TBT Trọng nêu ra trong diễn văn bế mạc Hội nghị TW6.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, TBT Trọng nói sẽ “cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân”, ở cấp xã và huyện.
Đây là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ “tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao”.
Lãnh đạo VN chúc Tết thôi nhắc CNXH
Bà Nguyễn Thị Bình hỏi về ‘số đông Đảng viên’
VN: ngôn từ XHCN ngày càng giảm?
Tuy nhiên, vấn đề chưa rõ là việc nhất thể hóa sau đó có được áp dụng ở các cấp cao hơn, thậm chí cao nhất trong bộ máy hay không.
Nay ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi:
“Nếu nhất thể hóa tới mà ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước thì ông Trần Đại Quang đi đâu? Hoặc nếu ông Trần Đại Quang làm Tổng Bí thư Đảng thì ông Trọng đi đâu?”
Vì thế, ông Dũng nói, “điều này chưa thể diễn ra bây giờ trong Đại hội 12 mà phải chờ Đại hội 13, nếu có Đại hội 13”.
Còn blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói rằng có khả năng ‘nhất thể hóa’ sẽ diễn ra ở các cấp huyện xã, rồi đô thị lớn, sau đó mới lên trung ương.
Ông Nhất cũng nói rằng trước Hội nghị TW 6 có ý kiến mong đợi bầu thêm vào Bộ Chính trị nhưng hóa ra tại Hội nghị này là bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
“Đây là một điều ngạc nhiên,” ông Trương Duy Nhất nói.
Các nhân vật đang lên
Hai vị khách cũng bình luận về vai trò tăng lên của ông Trần Quốc Vượng, và ông Phạm Minh Chính.
Báo VN lược bỏ lời Phó Đại sứ Đức
Chống tham nhũng là ‘tự ta đánh ta’?
TBT Trọng ‘không chỉ muốn chống tham nhũng’
Trong tuần này, có ý kiến trên báo chí chính thống ở Việt Nam nói trích lời một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.
Ông Trần Quốc Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Còn Trưởng Ban Tổ chức Trưng ương Phạm Minh Chính cũng xuất hiện trong lễ trao chức Bí thư Đà Nẵng cho ông Trương Quang Nghĩa, người thay ông Nguyễn Xuân Anh.
“Nhân vật Phạm Minh Chính cũng là nhân vật nặng ký trong cuộc đua vào chức vụ cao nhất sau này,” theo đánh giá của ông Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng.
Dư luận nghĩ gì?
Trên trang Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt đã có nhiều ý kiến về chủ đề này, cho thấy sự quan tâm của dư luận.
TQ: ‘Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội’
VN: ngôn từ XHCN ngày càng giảm?
Van Ha viết:
“Các vị bình luận cứ bảo chống tham nhũng chỉ là chiêu bài, thực chất là các phe nhóm “đánh nhau” để tranh giành quyền lực. Vậy nếu có thể thật mà nhóm thắng thế toàn tâm toàn lực vì đất nước để đưa đất nước đi lên chẳng lẽ không tốt sao?”
Còn bạn Van Jang viết:
“Nhìn quá khứ để biết tương lai. Sợ rằng giang sơn dễ dời bản tính khó thay. Bản chất xấu đã xấu thì vào tù cải tạo thế nào cũng không thể thay đổi được. Lev Tolstoi từng nói, cái xấu không tự nó thay đổi được. Một người lười nhác ăn cắp ham rượu chè thì khó bỏ lắm…”
Còn bạn Sang Dang thì viết, “dân mất lòng tin vào chế độ, vào đảng lâu, lâu lắm rồi”.
Cũng trên Facebook, Thương Vũ đặt câu hỏi, “Nói thật giờ ông có nói hay cỡ nào cũng chẳng mấy ai quan tâm, nếu ông không muốn đa Đảng, sợ mất quyền mà làm tin được ông thử cơ cấu chính quyền 5-5 xem sao, nghĩa là 5 người do Đảng cử, là đảng viên, còn 5 người do dân cử (không phải là đảng viên), Chủ tịch là người của đảng thì phó Chủ tịch là người không Đảng?
Tóm lại phải có đối trọng để giám sát lẫn nhau, nâng cao dân chủ một bước để chống tham nhũng bè phái… còn không thì vẫn cứ là bình cũ rượu mới…”
Xem toàn bộ thảo luận hôm 11/10 trên YouTube của BBC Tiếng Việt.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41584752
Luật sư ở Việt Nam vẫn là ‘vật trang trí’?
Dù đã có nhiều cải cách tiến bộ để tăng cường vai trò và mở rộng quyền năng của luật sư, nhưng giới luật sư Việt Nam nói họ vẫn gặp muôn trùng “gian nan” và khó khăn khi tác nghiệp.
Tranh cãi xoay quanh ngày Truyền thống Luật sư?
Hôm 10/10, đánh dấu bốn năm kể từ khi chính phủ Việt Nam lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam.
Điều này dựa vào việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 10/10/1945 ký Sắc lệnh số 46/SL về việc quy định tổ chức các đoàn luật sư, được cho là đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc ra đời nghề luật sư của Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, một số luật sư lại có quan điểm khác.
“Đối với tôi, ngày nay không phải là ngày truyền thống luật sư Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám thì cụ Hồ lên cầm quyền lúc đó bộ máy nhà nước chưa được hoàn chỉnh cho nên một trong những điều mà chính phủ quan tâm là tổ chức lại định chế luật sư như thế nào,” luật sư Lê Công Định nói với BBC hôm 10/10.
“Sắc lệnh 10/10 hoàn toàn không phải là điều gì mới mẻ. Nghề luật sư đã có từ 1867, theo một nghị định bởi một ông thống đốc Nam kỳ ban hành để du nhập định chế luật sư vào xã hội Việt Nam. Xét theo phương diện truyền thông, luật sư có truyền thống lâu đời hơn ngày 10/10/1945 rồi.”
“Tôi nghĩ luật sư là một định chế bổ trợ tư pháp dù dưới chính thể nào. Dù ở chế độ cộng sản hay không cộng sản, luật sư vẫn là một định chế độc lập không dính dáng đến thể chế chính trị,” luật sư Định nói.
Luật sư bảo vệ Mẹ Nấm sẽ bị xử nặng?
Khởi tố LS Đài theo hai điều là ‘chưa có tiền lệ’
Luật sư ở Việt Nam ‘gian nan muôn trùng’
Cả ba luật sư đang tác nghiệp tại Việt Nam đều nói, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan khi tác nghiệp ở Việt Nam, từ phía xã hội, chính quyền và từ chính đồng nghiệp của mình.
“Người dân vẫn chưa đánh giá cao vai trò của luật sư. Khi gặp vướng mắc thì ưu tiên hàng đầu là chạy chọt, nhờ vả người có chức có quyền, không có ưu tiên con đường tranh tụng với luật sư. Đây là khó khăn về thực tiễn trong xã hội,” luật sư Trần Thu Nam nói.
“Còn khi làm một số vụ liên quan đến vấn đề nhạy cảm. Tôi và một luật sư khác từng bị hành hung, đánh đập khi đi tác nghiệp. Con mắt của các luật sư đồng nghiệp khác xa lánh chúng tôi,” luật sư Nam nói thêm.
Còn luật sư Võ An Đôn thì nhận định: “Các cơ quan tiến hành tố tụng không độc lập, bởi vì nó không phải là tam quyền phân lập. Các cơ quan này chịu sự chỉ đạo của đảng, của nhà nước, nên việc tranh luận không dựa trên quy định pháp luật.
“Ở Việt Nam còn nhiều tình trạng án bỏ túi. Luật sư ra tòa chỉ mang tính hình thức thôi. Hội đồng xét xử nhiều khi đã ra quyết định trước rồi. Luật sư tranh luận theo ý mình là không được,” luật sư Đôn nói.
Không chỉ các cơ quan tố tụng, mà ngay cả tổ chức đáng lẽ đứng ra bảo vệ luật sư cũng không “độc lập,” theo luật sư Định.
“Liên đoàn luật sự thật ra là một phần của Mặt trận Tổ Quốc. Lúc tổ chức đại hội Liên đoàn luật sư lần đầu tiên, tôi đã ở đó. Tôi đã thấy cái áp lực của đảng cầm quyền trong việc lựa chọn những người đứng đầu liên đoàn nó căng thẳng như thế nào. Họ tìm cách loại trừ người nào không phải đảng viên hoặc không thể kiểm soát được.
“Bây giờ, các luật sư tỏ ra bản lĩnh hơn. Họ chỉ tuân thủ luật pháp không chịu sự áp đặt đảng cầm quyền thì ngay lập tức chính quyền sửa Luật Hình sự đưa vào Điều 19 khoản 3, buộc luật sư phải tố giác thân chủ với tội an ninh quốc gia hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
Người dân vẫn chưa đánh giá cao vai trò của luật sư.Trần Thu Nam, Luật sư
“Song song với sư phát triển kinh tế thì vấn đề tự do, dân chủ dân sinh dân quyền ngay càng tăng. Hơn ai hết giới luật sư là người đi tiên phong muốn nhà nước công nhân những cái quyền đó, thì ngược lại phía nhà nước bắt đầu nhìn luật sư bằng cặp mắt nghi ngờ, đề phòng, ngày càng nhiều quyết định hạn chế sự phát triển của giới luật sư, đe dọa sự tôn trọng với nghề luật sư.
“Còn những người luôn chấp hành mọi yêu cầu mà nhà cầm quyền muốn và họ không dám phản kháng trước những bất công của xã hội, họ thấy những sự bất hợp lý trong hệ thống pháp luật mà họ không dám nói vì họ sợ mất cơ hội làm ăn của mình, thì tôi nghĩ họ sống một kiếp nô tài,” luật sư Định nói.
Trước đó, luật sư Võ An Đôn hiện đang đợi kết quả Đoàn Luật sư Phú Yên xem xét kỷ luật vì các phát ngôn trên mạng xã hội.
“Những gì tôi nói ra là có thật, với mong muốn thực trạng luật sư chạy án đang phổ biến sẽ được thay đổi theo hướng tốt hơn, chứ tôi không dại dột đi nói xấu đồng nghiệp. Tôi biết những gì mình nói ra sẽ bị cả giới luật sư phản ứng vì đụng chạm đến quyền lợi của họ, nhưng vì lương tâm nên tôi phải nói ra, không thì rất ấm ức,” luật sư Đôn nói với BBC hôm 23/8.
Luật sư Việt Nam ‘cần độc lập, dấn thân’
Tuy vậy các luật sư này thừa nhận trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã có những cải cách nhất định hỗ trợ ngành nghề luật sư.
“Ngày này là một cách công nhận sự đóng góp to lớn của giới luật sư vào việc phát triển xã hội trong hàng nhiều năm qua. Sau sắc lệnh 1945, 1987, 2001 và đến Luật luật sư, các quy định pháp lý mới giúp thay đổi vai trò, mở rộng quyền năng của luật sư,” luật sư Trần Thu Nam nói.
Nếu luật sư không độc lập được dưới sức ép của cơ quan nhà nước, không thể mạnh mẽ độc lập bảo vệ cho thân chủ của mình thì đó là điểm yếu mà Việt Nam phải khắc phụcLê Công Định, Luật sư
“Thực ra so sánh lại buổi đầu mới thành lập các đoàn luật sư từ 1987, sau 30 năm thì nghề luật sư Việt Nam cũng có một sự phát triển vượt bậc
“Nền kinh tế đã được cởi mở, với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khiến cho nhu cầu pháp lý của các luật sư gia tăng so với trước đây. Trước đây chúng ta nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa không cần đến luật pháp nói chi đến luật sư, còn giờ đang vận hành theo khuynh hướng luật pháp, nên giới luật sư phát triển về kĩ năng và tổ chức.”
Cựu chiến binh bị bắt vì ‘lật đổ chính quyền’
Bà Thúy Nga bị kết án 9 tù, 5 năm quản chế
Ngẫm về những thăng trầm nghề nghiệp, luật sư Lê Công Định nói: “Tôi rất yêu nghề luật sư. Ngày nay, con số luật sư dũng cảm dấn thân chống lại đòi hỏi vô lý của cường quyền nó rất là ít. Chúng ta bằng mọi cách phải ủng hộ những luật sư đó.
“Cái tôi thực sự quan tâm là vai trò độc lập của luật sư. Nếu luật sư không độc lập được dưới sức ép của cơ quan nhà nước, không thể mạnh mẽ độc lập bảo vệ cho thân chủ của mình thì đó là điểm yếu mà Việt Nam phải khắc phục.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41577764
‘Không hẳn giảm quan tham là tăng nhân tài’
Một nhà báo ở TP.Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng một cựu quan chức Tuyên giáo “có cơ sở” khi nói rằng “Không hẳn giảm quan tham là tăng nhân tài”.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương được VTC News hôm 9/10 dẫn lời: “Chống tham nhũng mạnh mẽ sẽ góp phần đáng kể làm trong sạch bộ máy, loại bỏ quan tham. Còn việc có sử dụng được người tài đức hay không là một việc nữa, một việc khác.”
“Không hẳn giảm quan tham là tự nhiên tăng được nhân tài. Một người lãnh đạo nào đó có đại nghĩa, thật lòng muốn làm việc cùng với các nhân tài, trong đó có những mặt họ nổi trội hơn mình, tôn trọng các nhân tài ấy, thì sử dụng được nhân tài.”
Nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ?
Ông Nguyễn Xuân Anh ‘sắp mất chức Chủ tịch HĐND’
Truyền thông đưa phát ngôn của cựu quan chức Tuyên giáo trong bối cảnh ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ra khỏi Trung ương Đảng.
Nhân trường hợp của ông Xuân Anh, truyền thông Việt Nam cũng loan báo quy định mới nhất của Bộ Chính trị về công tác cán bộ cho hay “không điều động về trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.”
‘Cơ chế giám sát’
Hôm 10/10, trả lời BBC từ TP.Hồ Chí Minh, ông Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Có giám sát và giám sát hữu hiệu thì nhân dân được nhờ.”
“Có giám sát thì các cán bộ có ý định trục lợi, tư lợi của công hay chính sách sẽ chùn tay.”
“Tôi ví dụ, đề xuất tử hình cán bộ tham nhũng cũng là một cách răn đe hữu hiệu của nhà nước pháp trị. Nhưng theo tôi, phòng vẫn hơn chống tham nhũng và cách tốt nhất là thay đổi thể chế để giám sát sâu, rộng bộ máy Đảng và Nhà nước. Lúc ấy, cơ hội của những người trung ngôn sẽ “có đấy” vì có cơ chế để nghe lời “nghịch nhĩ.”
“Về xu hướng gần đây tôi thấy điều đó có cơ sở. Nhưng về lâu dài, sự góp ý của trí thức cần được nhìn nhận ở mức tập hợp thành lý luận trên cơ sở góp ý thực tiễn trên nhiều lĩnh vực. Theo tôi, nhu cầu làm sạch bộ máy chính trị xuất phát từ nhu cầu của nhân dân và nhu cầu tự thân của Đảng cầm quyền.”
Ông Ấn cho biết thêm: “Nhân dân được báo cáo “tình hình tham nhũng ổn định” nhưng trên thực tế có qua nhiều vấn đề tham nhũng bị phát hiện. Từ tham nhũng vặt cho đến các đại án, từ những khoản tiền nhỏ đến rất nhiều ngân sách bị “đốt” vô tội vạ. Điều này làm thuế, phí tăng nhanh ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả và sinh hoạt của người dân. Với doanh nghiệp, họ cũng đuối sức với chi phí bôi trơn và các điều kiện kinh doanh rắc rối. Như vậy, nhu cầu chống tham nhũng là nhu cầu lấy lại nội lực đất nước.”
“Đảng cầm quyền hay nói rộng ra là chính thể có nhiều khẩu hiệu như “từ dân mà ra, do dân mà phục vụ”, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” nên càng cần phải làm sạch bộ máy. Làm sạch bộ máy chính là “về với dân” một cách chính danh và cũng là cách bảo vệ quyền lực lãnh đạo một cách tích cực nhất. Theo tôi, đây là hai lý do chính để cần thiết và quyết liệt chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực.”
Đà Nẵng: ‘Giờ ai làm cũng thế’
Báo VN lược bỏ lời Phó đại sứ Đức
Một bài trên tờ The Nation của Thái Lan hôm 3/10 nói chính quyền Việt Nam dùng án tử hình như vũ khí chính trị nhưng có vẻ “không làm run sợ” những quan chức tham nhũng.
Có giám sát thì các cán bộ có ý định trục lợi, tư lợi của công hay chính sách sẽ chùn tay.Mai Quốc Ấn, Nhà báo
“Thực tế, thông thường một chế độ độc đoán lại là nguyên nhân của tham ô và lạm dụng quyền lực. Tham nhũng nảy nở tại những nơi có sự khuất tất. Tham nhũng chỉ có thể được nhổ tận gốc bằng cách đảm bảo rằng việc vận hành của chính phủ là minh bạch với tất cả mọi người, và rằng luật pháp thật sự nghiêm minh.”
“Nếu tham nhũng thật sự là mối quan ngại của lãnh đạo của bất kỳ chính phủ nào, họ phải xác định nơi nào trong hệ thống của họ cần cải cách triệt để. Điều đó cũng áp dụng cho các ban ngành và doanh nghiệp nhà nước. Vấn nạn sẽ không thể diệt trừ nếu thiếu vắng sự chân thành, minh bạch và trách nhiệm giải trình,” tờ báo viết.
Mới hôm 2/10, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu than phiền nhiều ban bệ ‘rườm rà, không nên tồn tại’, và kêu gọi ‘cách mạng bộ máy’.
Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.
“Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là “cách mạng”, tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả,” ông Phiêu bình luận.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41571563
Ông Trọng nhắc đảng viên ‘tránh đi vào vết xe đổ’
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo Đảng Cộng sản sẽ cho phép thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở “những nơi có đủ điều kiện”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nói thêm “cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân”.
Đây được xem là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ “tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao”.
“Còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn.”
Ông Trọng ‘tả xung hữu đột’, đảng viên thờ ơ?
Sẽ thành công hơn nếu ‘làm ngược’ với Đảng?
Cụ thể về mặt tổ chức, ông cho biết:
Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ.
Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước.
Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.
Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành.
Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm.
Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp.
Ông Trọng hứa hẹn: “Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.”
Ông cũng không quên nhấn mạnh: “Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị.”
‘Tăng cường kỷ cương’
Phát biểu bế mạc hội nghị quan trọng của đảng, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi:
Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh.
Khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn.
Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo vị Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương “nhất trí” cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế – xã hội “tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”.
‘Bài học đau xót’
Ông Nguyễn Phú Trọng dành một phần diễn văn để nhắc lại quyết định cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
“Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta.”
Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn.Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư
Ông Trọng nhắc nhở đảng viên “tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa)”.
Ông lại cam kết: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.”
Bài diễn văn có đoạn: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41571570
VN đề nghị Exxon Mobil đẩy mạnh dự án mỏ khí Cá Voi Xanh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng của Việt Nam có buổi gặp gỡ và làm việc với Phó Chủ tịch Tập đoàn Exon Mobil, ông Paul Greenwood vào chiều ngày 10 tháng 10, tại trụ sở Chính phủ.
Tại buổi gặp gỡ vừa nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Exon Mobil cùng với Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đàm phán về khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh trên tinh thần cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh dự án này được triển khai sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng Thời, ông Trịnh Đình Dũng còn nhắc lại Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi với kế hoạch dự kiến mỏ Cá Voi Xanh sẽ cho dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
Đại diện cho Exon Mobil, ông Paul Greenwood kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng của Việt Nam hai bên cần tháo gỡ một số nội dung bất đồng để nhanh chóng đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Xin được nhắc lại, mỏ khí Cá Voi Xanh cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về hướng Đông. Việt Nam có kế hoạch khai thác mỏ khí này để cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện khí, với tổng công suất 3.000 MW và còn dùng cho phát triển công nghiệp hóa dầu.
Thiệt hại về người và vật chất do đợt mưa lũ gần nhất tại VN
Tính đến 13 giờ ngày 11/10, đã có 20 người thiệt mạng và 12 người mất tích do mưa lũ tại khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong những ngày qua.
Thông tin này được công bố trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng- Chống thiên tai do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hôm 11/10.
Tại cuộc họp, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết ngoài số người thiệt mạng và mất tích nêu trên, còn có 5 người bị thương, 81 ngôi nhà sập, hơn 3.100 ngôi nhà bị ngập và 135 nhà phải di dời khẩn cấp.
Đây được đánh giá là một trận lũ lớn bất thường trong tháng 10 và là trận lũ lớn nhất trong lịch sử về hồ Hòa Bình trong tháng 10.
Trong suốt 3 ngày qua, lũ khiến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rất to, làm nhiều khu dân ở vùng trũng bị ngập.
Cho đến ngày 11/10, một số tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa vẫn xảy ra mưa lớn. Lũ về hồ Hòa Bình với lưu lượng đỉnh lũ hơn 14.700 m3/giây. Hiện thủy điện Hòa Bình đã phải mở 7 cửa xả nước.
Trong mấy ngày tới mưa lũ dự báo sẽ vẫn diễn ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và miền núi Tây Bắc, khiến mực nước sông Hồng lên nhanh.
Cũng trong ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình mưa lũ lớn trong mấy ngày qua đã khiến 4-6 hộ gia đình bị cuốn trôi, khoảng 15-20 người bị mất tích.
Mưa lũ cũng làm nhiều hồ chứa có nguy cơ bị tràn, và hư hỏng chẳng hạn như hồ Cháu, hồ Khang, hồ Kem,…
Các tuyến đường giao thông bị ách tắc và ngập úng, cản trở việc tìm kiếm cứu nạn. Nhiều khu vực bị sạt lở đất đá gây nguy hiểm.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Văn Quang kêu gọi các ban ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống thiệt hại và thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa lũ.
Trong khi nhiều địa phương vẫn đang chống chọi với trận mưa lũ suốt mấy ngày qua, ở Biển Đông lại xuất hiện một đợt áp thấp nhiệt đới quanh vùng biển phía Đông Philippines.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam ngày 11/10 cho biết áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sẽ di chuyển về hướng Tây với vận tốc 25-30 km/h.
Đến khoảng 1h chiều ngày 12/10, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ cách đảo Luzon của Philippine khoảng 240 km về phía Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, vẫn giữ nguyên vận tốc nhưng có khả năng cường độ sẽ mạnh lên.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/floods-caused-twenty-deaths-in-vn-10112017104750.html
Mười lính hải quân Philippines
chịu trách nhiệm vụ bắn chết 2 ngư dân Việt Nam
Mười lính Hải quân Philippines bị một ủy ban điều tra liên ngành của nước này nói rằng có trách nhiệm trong vụ bắt chết hai ngư dân Việt Nam tại vùng biển ngoài khơi Mũi Bolinao, tỉnh Pangasinan của Philippines vào ngày 23 tháng 9 vừa qua.
Mạng báo Inquirer của Philippines loan tin như vừa nêu vào ngày 11 tháng 10. Theo đó số 10 lính Hải quân bị qui trách nhiệm thuộc nhóm 49 người trên chiếc tàu BRP Miguel Malvar tiến hành truy đuổi tàu cá PY 96173TS của ngư dân Phú Yên, Việt Nam.
Tin cũng cho biết Ủy ban về Người Xâm nhập Bất hợp pháp của tỉnh Pangasinan (PCIE) không nói rõ sẽ đề nghị với phía Hải Quân những cáo buộc nào đối với 10 người bị qui trách nhiệm.
Chủ tịch PCIE, đồng thời là giám đốc cảnh sát tỉnh Pangasinan, cho biết cuộc điều trra được tiến hành công khai, minh bạch và công bằng
Trong khi đó thì Đại úy Jose Covarrubias, phụ trách quan hệ công chúng của Lực lượng Hải quân tại Bắc Luzon, từ chối không bình luận gì về kết luận của nhóm điều tra như vừa nêu, đồng thời nói họ chưa nhận được bản sao của báo cáo kết luận
Vị chủ tịch của PCIE còn cho biết thêm xác của hai ngư dân xấu số Lê Văn Reo là Phan Ngọc Liêm, cùng 40 tuổi, được trao cho gia đình hôm ngày 7 tháng 10 vừa qua để mai táng.
PCIE thông báo đã có hồ sơ cáo buộc thuyền trưởng Phạm Tô của chiếc tàu đánh cá PY 96173TS và những ngư dân còn sống trên đó gồm Phan Lâm, Nguyễn Thanh Chi, Phan Văn Liên và Nguyễn Văn Trọng đánh bắt lậu trong vùng biển của Philippines.
1.500 cảnh sát bảo vệ hội nghị APEC tại Đà Nẵng
Việt Nam huy động hơn 500 lính cứu hỏa, 800 cảnh sát giao thông và 1.500 cảnh sát cơ động, đặc nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng, theo hãng tin Tân Hoa Xã.
Truyền thông trong nước nói chính quyền Hà Nội phái 100 cảnh sát giao thông vào Đà Nẵng và sử dụng hàng trăm xe chuyên dụng phục vụ sự kiện APEC, diễn ra từ ngày 6 đến 11 tháng 11.
Báo VNExpress trích lời Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an nói Bộ này phối hợp với chính quyền Đà Nẵng huy động hơn 1.500 cảnh sát đặc nhiệm, cơ động cùng cả trăm phương tiện vận chuyển, bao gồm xe chỉ huy, xe bọc thép chống đạn S5, xe Hummer bọc thép, xe phá sóng, xe phun nước và xe chở quân nhân.
Báo này nói lính đặc nhiệm và cơ động sẽ đảm nhận việc bảo vệ an ninh, an toàn, phòng chống bạo loạn, phá âm mưu khủng bố, rà soát bom mìn, vật liệu nổ ở các địa điểm diễn ra Hội nghị APEC và các khu vực có đoàn khách lưu trú.
Trong các tình huống cấp bách, Cục Cảnh sát phòng cháy sẽ huy động lực lượng phòng cháy chữa cháy của các địa phương lân cận.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hình sự, khối hậu cần, Cục tham mưu của Bộ Công an cũng cử cả hàng trăm nhân viên và xe chuyên dụng, kỹ thuật để phục vụ cho sự kiện này.
Năm APEC 2017 bao gồm 200 hoạt động lớn, nhỏ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng.
Sự kiện này có sự tham gia của hơn 20 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, các bộ trưởng và khoảng 10.000 đại biểu doanh nghiệp, phóng viên quốc tế.
https://www.voatiengviet.com/a/mot-ngan-500-canh-sat-bao-ve-hoi-nghi-apec-tai-da-nang/4065828.html