Tin Biển Đông – 11/10/2017
Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa
Một khu trục hạm của hải quân Mỹ ngày 10/10 di chuyển gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông trong lúc chính quyền Tổng thống Trump đang mưu tìm sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc đối phó với chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.
Hành động lần này là nỗ lực mới nhất để chống lại điều mà Washington xem là kế hoạch của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong các vùng biển chiến lược.
Các giới chức không nêu tên cho Reuters biết khu trục hạm có phi đạn dẫn đường USS Chafee thực hiện hoạt động ‘tự do hàng hải’ thông thường thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa.
Hồi tháng 8 vừa qua, một khu trục hạm của hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Các giới chức cho hay khu trục hạm Chafee hôm 10/10 tiến tới gần nhưng không đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo.
12 hải lý đánh dấu giới hạn chủ quyền quốc tế công nhận. Washington điều tàu di chuyển trong phạm vi này là một hành động chứng tỏ Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền đó của Trung Quốc.
Ngũ Giác Đài chưa lên tiếng bình luận nhưng cho biết Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải định kỳ và sẽ tiếp tục như thế.
Mỹ lâu nay nói rằng muốn nhìn thấy các nước tham gia nhiều hơn trong các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-my-ap-sat-dao-nhan-tao-cua-trung-quoc-o-hoang-sa/4064810.html
Bắc Kinh:
Tàu Trung Quốc đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi Hoàng Sa
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư 11/10 rằng một tàu chiến, hai máy bay chiến đấu và một chiếc trực thăng đã cảnh cáo tàu chiến Mỹ phải đi ra khỏi vùng biển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc nói hành động này cùng với “sự khiêu khích” của hải quân Mỹ xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường các biện pháp phòng thủ hải quân và không quân:
“Chúng tôi yêu cầu phía Hoa Kỳ nghiêm túc thực hiện các biện pháp để khắc phục những sai lầm.”
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đã đưa ra các “đề nghị kiên quyết ” với Hoa Kỳ và nhắc lại rằng Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Bà Hoa nói:
“Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh của Trung Quốc, tôn trọng những nỗ lực mà các quốc gia trong khu vực đã thực hiện để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và ngăn chặn những hành động sai trái.”
Một tàu khu trục của Hoa Kỳ đã di chuyển gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vào ngày 10/10, ba quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters. Động thái này khiến Bắc Kinh giận dữ, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong việc kiểm soát các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược. Nhưng động thái này không mang tính khiêu khích như những lần trước đây kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng Giêng.
Các viên chức Mỹ, yêu cầu không nêu tên, nói rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Chafee, đã tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường, thách thức “tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá mức” gần quần đảo Hoàng Sa, trong số các đảo nhỏ, các rạn san hô và bãi cạn mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Tháng tới, ông Trump sẽ đi thăm Trung Quốc trong công du châu Á lần đầu tiên trong tư cách là tổng thống của ông. Lâu nay ông vẫn gây áp lực đòi Trung Quốc kìm tỏa Triều Tiên. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Ngũ Giác Đài không bình luận trực tiếp về hoạt động tuần tra này, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và sẽ tiếp tục làm như vậy thường xuyên hơn trên Biển Đông.
Người Việt gây quỹ tỏ lòng yêu nước, chống Trung Quốc
Tp. HCM – Cùng lúc Việt Nam xoay sở để giữ hòa bình với nước láng giềng Trung Quốc, một trong những công dân Việt tin ông có thể đóng góp cho kho vũ khí của Hà Nội: bộ sưu tập đồ cổ của ông.
Ông Hoàng Văn Cường nói có thể huy động được hàng chục triệu đô la bằng cách bán mọi thứ từ long sàng đến trống đồng cổ 2.500 năm. Ông hứa sẽ hiến số tiền này cho nhà nước để họ có thể hỗ trợ ngư dân ở ngoài Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền về một số quần đảo. Ông kỳ vọng Hà Nội sẽ sử dụng một phần số tiền của ông để tăng cường quân đội, nếu nổ ra đụng độ giữa hai nước.
Một phần số tiền sẽ đến từ Trung Quốc, ngoài các nơi khác, vì bộ sưu tập của ông bao gồm cả đồ sứ đời Thanh và các đồ tạo tác khác của Trung Quốc, thu hút nhiều tay buôn từ bên kia biên giới phía bắc. Ông Cường ý thức rõ về sự trớ trêu oái oăm của việc thu tiền từ người Trung Quốc để mua vũ khí để chống Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn tại nhà ông ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi bày nhiều tượng Bồ Tát và các bàn sơn mài, ông Cường nói: “Tôi không thích người Trung Quốc. Nhưng khi tôi bày bán các thứ, tôi cần tiền. Tôi không quan tâm đó là một người Trung Quốc hay người Mỹ, ai có tiền, tôi sẽ bán. Nhưng sự thật là, giữa tôi và Trung Quốc, tôi không thích người Trung Quốc”.
Sự kiện giàn khoan
Ở Việt Nam, sự căm ghét Trung Quốc dường như luôn tồn tại dưới bề mặt, nhưng đã bùng phát trên phương diện quốc tế năm 2014, sau khi Bắc Kinh đặt một giàn khoan dầu tại một địa điểm ở Biển Đông mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Vụ này đã gây ra những cuộc bạo động hiếm hoi, gây chết người ở nhiều nơi của Việt Nam. Nhà chức trách đã dập tắt bạo lực, nhưng nhiều người Việt vẫn tìm cách thể hiện sự phản đối Trung Quốc.
Gây quỹ là một cách phổ biến để công dân Việt thể hiện lòng yêu nước và ghét Trung Quốc, với các hình thức từ thùng quyên góp tại các buổi hòa nhạc, cho đến các chiến dịch kêu gọi hiến tặng của tờ báo lớn Tuổi Trẻ. Những số tiền này dành cho ngư dân Việt Nam, những người được xem là anh hùng dân tộc thầm lặng trên tiền tuyến giáp mặt với những gì được coi là sự chèn ép của Trung Quốc.
Mặc dù giàn khoan dầu cuối cùng đã rút đi, song người Việt ngày càng thể hiện lòng căm giận bằng cách tẩy chay hàng Trung Quốc. Hành động chính trị cũng có tính thực tế đối với những người tiêu dùng nghi ngờ hàng nhập từ Trung Quốc, từ táo dường như không bao giờ hỏng, cho đến đồ chơi bằng nhựa gây ung thư. Nhưng điều đó minh chứng về ảnh hưởng của Bắc Kinh, đó là hàng xuất khẩu của họ vẫn phổ biến ở đây.
Mối quan hệ “yêu-ghét” có cả trong chính quyền cộng sản ở Hà Nội, họ phải đi trên dây giữa việc bảo vệ lãnh thổ Việt Nam trước Trung Quốc, và việc phát triển quan hệ kinh tế và chính trị với nước hàng xóm to lớn hơn. Các tầng lớp lãnh đạo chóp bu ý thức được họ ở trong thế khó.
Sau những căng thẳng mà đỉnh điểm là những cuộc bạo động vào năm 2014, đại biểu Trương Trọng Nghĩa của Tp. HCM nói với Quốc hội rằng Việt Nam không thể rút khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Nghĩa nói: “Sự phụ thuộc trong trường hợp này có nghĩa là chúng ta muốn rút ra nhưng không thể. Chúng ta biết là không tốt, nhưng chúng ta buộc phải tiếp tục sự phụ thuộc này”.
Công chúng Việt Nam không sẵn lòng thừa nhận về sự phụ thuộc vào Trung Quốc như vậy. Những người như ông Cường, người sưu tầm đồ cổ, muốn lãnh đạo của họ đi theo đường lối cứng rắn, nhưng đồng thời hy vọng về hòa bình.
Ông Cường, người đã chứng kiến những trận đánh lớn khi còn làm nhiếp ảnh gia của UPI trong Chiến tranh Việt Nam, nói: “Tôi không muốn có cuộc chiến nào nữa ở đây”.
Chỉ tay vào những đồ cổ xung quanh, ông Cường nói thêm ông có thể bán tài sản của mình cũng là vì “Tôi đã hình dung, nếu chiến tranh xảy ra, tất cả mọi thứ ở đây sẽ là chẳng có giá trị
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-gay-quy-to-long-yeu-nuoc-chong-trung-quoc/4065803.html