Tin Việt Nam – 10/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 10/10/2017

Tù nhân Trần Thị Thúy tiếp tục bị ngược đãi

Nữ tù nhân chính trị Trần Thị Thúy không được chăm sóc y tế đầy đủ và không được hưởng chế độ gọi điện về gia đình do không nhận tội.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, em ruột của tù nhân Trần Thị Thúy, vừa đi thăm người chị ở Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương hôm ngày 5 tháng 10 về, vào chiều ngày 10 tháng 10 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:

Tôi là Trần Thanh Tuấn em trai của tù nhân Trần Thị Thúy, khi đến thăm chị tôi lần gần nhất vào ngày 5 tháng 10, chị tôi báo mụt u to bằng chén nổi khắp mình và đau. Tôi có yêu cầu giám thị cho gặp bác sĩ Trại giam để yêu cầu cho chị tôi đi trị bệnh nhưng họ lẩn tránh.”

Anh này cho biết vào tháng 9 năm ngoái Trại giam có đưa đến Bệnh viện 30 tháng 4 để khám; và bác sĩ nói Trại giam cho uống Paracetamol và loại thuốc này sẽ gây mất trí nhớ. Còn thuốc gia đình gửi vào thì không được cho uống theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Thông tin từ gia đình còn cho biết từ khi bị bắt giam đến nay, tù nhân chính trị Trần Thị Thúy không được gọi điện thoại về gia đình theo như chế độ qui định mà mọi tù nhân được hưởng.

“Từ khi bị bắt đến nay là 7 năm 2 tháng, nhưng chị Thúy chưa được gọi điện về nhà lần nào vì Trại giam nói chị không chịu nhận tội.”

Chị Trần Thị Thúy, sinh năm 1971, bị cáo buộc tội ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam và bị tòa tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế từng ra thông cáo kêu gọi các cấp lãnh đạo Việt Nam phải cho tù nhân Trần Thị Thúy được đi chữa trị bệnh, chấm dứt ngược đãi bà này trong trại giam.

Theo Ân Xá Quốc Tế, biện pháp từ chối không để tù nhân được chữa trị đúng cách có liên quan đến việc cố ý gây đau đớn, chịu đựng nhằm mục tiêu buộc nhận tội. Như vậy đó là hình thức tra tấn vi phạm Công ước Chống Tra Tấn mà chính quyền Việt Nam đã phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực từ tháng hai năm 2016 tại Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/female-political-prisoner-denied-proper-medical-treatment-10102017085643.html

 

Nhiều nơi tại VN bị ngập do mưa lớn và vỡ đập, bờ bao

Đã có 4 người chết và mất tích do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại khu vực các tỉnh Bắc miền Trung, trong hai ngày mùng 9 và 10 tháng 10. Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường bị lún sụt.

Vào sáng ngày 10 tháng 10, đâp thủy lợi Cố Châu ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bị vỡ hoàn toàn thân đập, khiến gần 300 héc-ta hoa màu của bà con bị hư hại.

Tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có đến 8 xã bị cô lập về giao thông, nhiều tuyến sông suối bị sạt lở tại tại xã Kim Sơn 2 và xã Sơn Hồng.

Trong cùng sáng ngày 10 tháng 10, tuyến đê hữu sông Hoàng, tại khu vực xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị vỡ, làm cho hơn 100 hộ dân  bị chìm trong nước lũ.

Tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong chiều cùng ngày 10 tháng 10, mực nước đập Gà dâng cao do mưa lớn và tràn qua thân đập khoảng 200 mét dẫn đến gây xói lở. Trong khi đó, tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, có gần 2000 m3 đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết tại ga Lâm Giang, ở Yên Bái xảy ra sạt lở đất, với khối lượng đất đá lún sụt khỏang 70.000 m3, làm tê liệt tuyến tàu chạy từ Hà Nội đến Lào Cai.

Cùng trong ngày 10 tháng 10, tại Cần Thơ, triều cường trên sông Hậu dâng cao, đã làm vỡ bờ bao chống lũ ở khu vực phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, khiến nhiều ao nuôi thủy sản thất thoát và các vườn cây ăn trái có nguy cơ chết vì ngập úng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-dead-and-missing-in-flood-in-the-north-of-vietnam-10102017090422.html

 

Báo VN cắt phần Phó Đại sứ Đức nói

về ‘khủng hoảng lòng tin’

Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục khẳng định các hồi đáp của chính phủ Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh là ‘vô căn cứ và không đầy đủ’, trong lúc Phó Đại sứ Wolfgang Manig nói quan hệ Việt – Đức ‘khủng hoảng lòng tin sâu sắc’.

“Chính phủ Đức đã nêu rõ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và quốc tế, và điều này sẽ không được chấp nhận. Chúng tôi đã chuyển các yêu cầu của phía Đức đến Chính phủ Việt Nam vài lần và nói rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp phù hợp,” một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC Tiếng Việt hôm 9/10.

“Cho tới nay, các hồi đáp của chính phủ Việt Nam là vô căn cứ và không đầy đủ. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là không thay đổi,” nguồn tin này tái khẳng định chủ trương Đức tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN

Thông cáo ngày 22/9 của Bộ Ngoại giao Đức

Cũng trong ngày 9/10, tờ báo bằng tiếng Anh Vietnam Investment Review (VIR) đăng bài phỏng vấn ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội.

Tuy nhiên, VIR bỏ không đăng đoạn cuối về căng thẳng ngoại giao Việt -Đức.

Trong bài phỏng vấn, ông Phó Đại sứ Đức trả lời nhiều câu hỏi về quan điểm của các công ty Đức về Việt Nam, vốn coi đây là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Ông Manig cũng nói về Hiệp định Tự do Thương mại EU -Việt Nam (EVFTA).

Tuy nhiên, phần trả lời cho câu hỏi cuối cùng, trong đó ông Manig nhắc tới “cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin” giữa chính phủ hai nước Đức -Việt, đã bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi bài đăng trên VIR.

Đức thải nhân viên, trả xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Phần hỏi – đáp này sau đó đã được đăng trọn vẹn cùng các nội dung khác của cuộc phỏng vấn trên trang Facebook của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Trước câu hỏi “Ông có khuyến nghị gì cho chính phủ Việt Nam để các nhà đầu tư Đức có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam?”, ông Manig nói:

“Tôi không phải đưa ra khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Mỗi nước phải phát triển một hệ thống mà người dân nước họ có thể chấp nhận được. Tôi không thể áp đặt một mô hình nước ngoài. Nhưng chúng tôi, Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên trong đó có Đức hết sức quan tâm đến việc Việt Nam tiếp tục là một đối tác năng động và luôn luôn thịnh vượng.”

Hiện nay, chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam đang đối mặt một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin xuất phát từ việc vi phạm luật quốc tế và do đó vi phạm những giá trị cốt lõi của Châu ÂuWolfgan Manig, Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam

“Hiện nay, chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam đang đối mặt một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin xuất phát từ việc vi phạm luật quốc tế và do đó vi phạm những giá trị cốt lõi của Châu Âu. Chúng tôi trông đợi rằng chính phủ Việt Nam, cùng với Đảng [Cộng sản Việt Nam] sẽ có những hành động cụ thể để thuyết phục phía Đức rằng Việt Nam vẫn là một đối tác đáng tin cậy.”

“Tôi chắc rằng, khi lòng tin đã được phục hồi, điều đó sẽ có kết quả tích cực đến hoạt động của các công ty Đức tại Việt Nam và các đối tác thương mại Việt Nam tại Đức.”

Vì sao Đức yêu cầu trao trả Trịnh Xuân Thanh?

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘không mắc sai phạm gì’?

Hôm 22/9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí, tuyên bố Berlin “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Cho đến nay, đã có hai nhà ngoại giao tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị trục xuất sau cáo buộc của Đức theo đó nói Việt Nam đã tiến hành vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn EVFTA vào năm 2018.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” thì tương lai của EVFTA đang bị đặt câu hỏi.

VIR là tờ báo bằng tiếng Anh ra đời năm 1991, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hiện nay là ông Nguyễn Chí Dũng.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41566442

 

Ông Nguyễn Xuân Anh ‘sắp mất chức Chủ tịch HĐND’

HĐND TP Đà Nẵng còn chờ ý kiến chỉ đạo từ Thành ủy về chức vụ Chủ tịch HĐND của ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị Đảng Cộng sản kỷ luật.

Hôm 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh với hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tuy mất hết chức vụ trong Đảng, về mặt chính quyền, ông Nguyễn Xuân Anh vẫn còn là Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng.

Dự đoán ông sẽ bị cho thôi nốt chức vụ này, mặc dù theo thủ tục, còn phải chờ một phiên họp của HĐND thành phố.

Bàn tròn Điểm tin tức trong tuần (từ 01-07/10/2017)

Bình luận về Hội nghị TƯ6 BCHTƯ Đảng CSVN Khóa 12

TS Vũ Cao Phan bình luận quan hệ Việt -Trung, ông Xuân Anh và Hội nghị TƯ6

Hai thành viên mới Ban Bí thư có gì đặc biệt?

Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nói với báo chí rằng còn đang chờ ý kiến kết luận của Thành ủy Đà Nẵng gửi sang.

“Theo quy trình, sau khi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho ý kiến, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng sẽ họp để xem xét.”

“Mọi việc vẫn theo đúng quy trình của Đảng, quy định của pháp luật thôi, không có gì phải giấu giếm cả. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ thông báo công khai.”

Tại Việt Nam, Bí thư Thành ủy thường kiêm cả chức Chủ tịch HĐND thành phố.

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa đã được Đảng phân công về giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Hôm 7/10 tại lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói với Thành ủy Đà Nẵng rằng Bộ Chính trị nhận thấy đây là phương án “phù hợp nhất trong nhiều phương án được đưa ra xem xét”.

Cần lưu ý rằng cùng với vụ kỷ luật Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP. Huỳnh Đức Thơ cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thi hành kỷ luật cảnh cáo.

Toàn bộ Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng hiện nay bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo vì “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”.

Hôm 6/10, tại một hội nghị của Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, cơ quan này thừa nhận “tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội diễn biến phức tạp, băn khoăn, lo lắng”.

Ông Võ Công Trí , Phó bí thư Thường trực Thành ủy, nói tại đây rằng thành phố sẽ tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị “rộng lớn” trong toàn Đảng bộ và nhân dân để “thông tin đầy đủ, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố về những vi phạm, khuyết điểm của lãnh đạo thành phố”.

Vi phạm ‘nghiêm trọng’

Thông báo nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận ông Xuân Anh “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Ông còn bị nói là “vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên”.

Sinh năm 1976, ông Nguyễn Xuân Anh trở thành một trong hai ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất khóa XII.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận 4 vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và đề nghị kỷ luật ông.

– Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.

– Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

– Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.

– Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?

Vụ Đà Nẵng: Tổng Bí thư muốn ‘chấn chỉnh kỷ luật Đảng’?

Việc thi hành kỷ luật được Trung ương Đảng Cộng sản họp bàn sáng 6/10.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng trình bày trước Trung ương về vấn đề này.

Theo thông báo ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12.

Ông Nguyễn Xuân Anh là con nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.

Ông từng là Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, Bí thư quận Liên Chiểu, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Trước khi Hội nghị Trung ương 6 diễn ra, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản tổ chức họp ngày 2/10 và ra quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Các vi phạm của Thành ủy Đà Nẵng đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Trong đó có việc “cho chủ trương một số trường hợp; có biểu hiện tác động, ưu ái người nhà của đồng chí Bí thư Thành uỷ”.

Thành ủy Đà Nẵng cũng bị nói là “buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai”.

Một số Đảng viên cao cấp bị kỷ luật từ sau Đại hội Đảng 12:

Đã nghỉ hưu: Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Phong Quang, Dương Anh Điền, Nguyễn Văn Thiện…

Đương chức: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa, Huỳnh Đức Thơ, Trịnh Xuân Thanh…

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41528164

 

Bầu cử lãnh đạo UNESCO: Ứng cử viên VN ít phiếu nhất

UNESCO vừa tiến hành cuộc bầu cử lãnh đạo mới vào đầu tuần này, với bảy ứng cử viên từ các nước Ai Cập, Azerbaijan, Libăng, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy được báo chí truyền thông Việt Nam đánh giá cao sau cuộc phỏng vấn ứng tuyển hồi tháng Tư, Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan.

Sau vòng bầu cử đầu tiên, không ứng cử viên đạt đủ số phiếu quyết định tức 30/58 phiếu. Hội đồng sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng hai vào cuối buổi họp hôm 10/10.

Trong số bảy ứng cứ viên, đại diện của Qatar, Hammad bin Al-Kawari dành số phiếu cao nhất với 19 phiếu.

Một số câu hỏi về quan điểm của ông Nguyễn Trung

‘Sách hóa nông thôn’ được giải Unesco

Ứng cử viên của Pháp được 13 phiếu, Ai Cập theo sau với 11 phiếu, Libăng được 8 phiếu và Trung Quốc được 5 phiếu.

UNESCO là một tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, vốn được biết đến với việc cấp chứng chỉ di sản thế giới cho các địa danh nổi tiếng. Theo phóng viên Imogen Foulkes của BBC ở Geneva, UNESCO vốn đang bị chỉ trích là quản lý kém và bị chính trị hóa.

Tổng giám đốc hiện tại, bà Irina Bukova sẽ nhượng chức sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ 4 năm.

Khi được hỏi những phẩm chất quan trọng nhất mà người kế nhiệm bà cần phải có là gì, bà nói: “Khả năng gây quỹ và đoàn kết các thành viên.”

Tờ France24 nhận định, việc đứng đầu một tổ chức danh giá như UNESCO sẽ giúp một quốc gia nâng cao uy tín và mở rộng sự ảnh hưởng lên các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc.

Trong lịch sử 72 năm của UNESCO, chưa một quốc gia Trung Đông nào nắm vị trí lãnh đạo. Nhưng trong đợt bầu cử lần này, hai nước từ Trung Đông là Ai Cập và Qatar cho rằng đã “đến lượt” họ.

Theo France24, hai đại diện của hai quốc gia này và Đường Kiền của Trung Quốc là ba ứng cử viên “được yêu thích nhất”. Tuy nhiên, việc ứng cử của Trung Quốc gây ra nhiều nghi vấn cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng sự thiếu vắng của Hoa Kỳ để gia tăng mức ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc nói chung, không chỉ UNESCO.

Tuy nhiên bài báo này của France24 không đề cập đến ông Sanh Châu cũng như triển vọng của ông trong cuộc bầu cử này.

Hồi tháng Tư, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về Việt Nam có một ứng cử viên vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO. Truyền thông trong nước đánh giá cao phần trả lời của ông Phạm Sanh Châu trong phần phỏng vấn ứng tuyển.

Tuy nhiên, phần dự thi của ông được nhiều cư dân mạng chú ý hơn về chuyện có sản phẩm đồ uống của một doanh nghiệp Việt Nam được đặt trên bàn, bên cạnh chai nước mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cho các ứng viên.

Theo báo Dân Trí, ông Đại sứ giải thích rằng ông “muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá”.

“Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn hai chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác,” báo Dân Trí viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41563453

 

Hội nghị TW 6 ‘sắp đặt lại hệ thống chính trị’

Một ý kiến của nhà quan sát cho rằng Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSVN tập trung sắp đặt lại hệ thống chính trị và các bộ ngành.

Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC tuần này, chuyên đề chính của Hội nghị Trung ương 6 đang họp tuần này tại Hà Nội là vấn đề tổ chức nhân sự và cả các vụ đại án.

Cho rằng tổ chức nhân sự luôn luôn là chủ đề quan trọng hàng đầu của công tác lãnh đạo Đảng, ông Hợp tin rằng Đảng CSVN bàn luận về việc tinh gọn hệ thống tổ chức của họ và toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam.

Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS) cho biết bài phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết hợp rõ hai yếu tố là kèm theo vấn đề phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách để thực hiện tốt việc hỗ trợ cho hệ thống chính trị hoạt động tốt hơn.

Về vấn đề tái cấu trúc hệ thống, ông cho biết trong 10 ngày qua báo chí trong nước đã đưa tin có thể sẽ diễn ra sự giải thể của ba ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, có sự sắp xếp lại các bộ và các bộ phận liên quan trong một bộ để tránh trùng lặp, ví dụ như dự thảo giảm số Tổng cục thuộc Bộ Công an và các bộ phận thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng.

Ông Lê Khả Phiêu: Cần ‘cách mạng bộ máy’

Nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ?

Đối với những thay đổi về hệ thống nhân sự liên quan đến các án kỉ luật vừa qua, ông cho rằng với một số điều chuyển công tác đã xảy ra như việc ông Nguyễn Thiện Nhân được điều vào TP. HCM, thì khả năng cao Mặt trận Tổ quốc sẽ cần một Ủy viên Bộ Chính trị.

Tây Nam Bộ và Ban Bí thư?

“Chúng ta có thể thấy ông Trần Thanh Mẫn hiện đã là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc rồi, khả năng có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị. Ông này ở Tây Nam Bộ mà hiện tại khu vực này cũng chưa có ai ở trong Bộ Chính trị.”

Ông cũng cho rằng đối với Ban nội chính Trung ương Đảng, thì vị trí đứng đầu có thể vào Ban Bí thư.

“Trưởng Ban nội chính có thể sẽ được bầu vào ban bí thư.”

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định “kết quả bầu như thế nào thì phải đến lúc bầu mới biết.”

Trả lời về tình hình sức khỏe và khả năng công tác của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng hiện tại “chưa bàn luận về việc thay đổi vị trí của ông Huynh.”

“Chúng ta thấy ngôn ngữ của họ rất chính xác. Họ ‘bổ sung’ ông Trần Quốc Vượng vào thường trực Ban Bí thư chứ không phải vào làm ‘thay’ ông Đinh Thế Huynh. Vấn đề chỉ là một số tuần qua ông không làm việc mà thôi.”

Hội nghị Trung ương 6 ‘xem xét kỷ luật’

Các vụ đại án và quan hệ Đức – Việt

Bình luận về những ‘đại án’ diễn ra trong thời gian qua liên quan đến chuyện chống tham nhũng của Đảng, tiến sỹ cho rằng trong số 12 ‘đại án’ được đưa ra, những vụ liên quan đến tham nhũng chiếm tỉ lệ khá nhỏ.

“Nếu không phát hiện ra sự thiếu hụt những khoản tiền rất lớn như vụ OceanBank thì khó nói đó là tham nhũng.”

Ông cũng cho rằng:

“Trong một nền kinh tế tự xưng là kinh tế thị trường thì làm phải có được có thua. Nếu thua đúng pháp luật thì không xử được. Nhưng thua sai pháp luật thì phải xử. Mà cái thua chỉ kỉ luật kinh tế thôi thì không thể gọi là đại án tham nhũng được.”

Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam

Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’

Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị án tử hình

Trong lĩnh vực ngân hàng, những tranh cãi về chính sách đang được đưa ra xem xét, phân tích kỹ lưỡng.

“Liên quan đến các cá nhân thì theo đúng quy chế, những người nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể. Cấp lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm ‘của người đứng đầu’.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh mọi hành động đều phải dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền.

Vấn đề này cũng được ông cho là liên quan tới chuyện bang giao Đức – Việt sau vụ Trịnh Xuân Thanh.

Ông cho rằng một ‘nguyên tắc’ dễ hiểu là không được làm trái pháp luật của một nước khác trên chính đất nước họ.

“Việc của Trịnh Xuân Thanh, ông ấy có tội hay không có tội, cần phải có xét xử của tòa án. Phiên xử đó cần đảm bảo tính công khai, công bằng. Đấy mới là bản chất của pháp quyền.”

“Tôi tin là phía Việt Nam trong thời gian rất ngắn nữa sẽ có những hoạt động ngoại giao đáp ứng lại những đề nghị, nhu cầu của phía Đức trong sự việc Trịnh Xuân Thanh.” ông Hà Hoàng Hợp nói với đài BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41563450

 

Trump hay không Trump tại APEC 25

không quan trọng cho quan hệ Việt Mỹ

Kính Hòa RFA

Việc chuẩn bị cho hội nghị APEC lần thứ 25 đã bắt đầu từ tháng 12 năm 2016 đến nay, qua nhiều cuộc họp khác nhau, trong đó có cuộc họp của các bộ trưởng thương mại của các thành viên APEC diễn ra vào tháng Năm, 2017, ba cuộc họp dành cho các viên chức cao cấp diễn ra vào tháng Ba, tháng Năm, và tháng Tám. Tất cả các cuộc họp này đều diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện sống ở Hà Nội thì trong những cuộc họp đó Việt Nam cũng đã có đưa ra nhiều sáng kiến, dù hiện nay chưa được tiết lộ, nhưng sẽ được bàn đến khi hội nghị APEC khai mạc vào tháng 11 tới đây.

Sự đổi thay của lãnh đạo Đà Nẵng không có ảnh hưởng gì đến trọng tâm của việc tổ chức diễn đàn này.
-Ông Bùi Kiến Thành.

Một sự kiện được mọi người trông đợi nữa là sự có mặt của Tổng thống mới của nước Mỹ là ông Donald Trump, tại Đà Nẵng trong những ngày diễn ra hội nghị. Tuy nhiên ông Bùi Kiến Thành cho rằng chuyện này không có gì quan trọng:

Sự tham gia của Tổng thống Mỹ, một quốc gia thành viên của APEC, một diễn đàn để trao đổi những sáng kiến của nhau thôi, chứ không phải là một cuộc họp đi đến những quyết định song phương hay đa phương gì, những việc có sự thỏa thuận. Vì vậy sự hiện diện của ông Donald Trump trong diễn đàn này thì cũng hạn chế thôi, không có cái gì thật sự gọi là mới mẻ trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Việc đấy sẽ được giải quyết trong khung cảnh khác.”

Tuy nhiên ông Bùi Kiến Thành lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc lựa chọn thành phố Đà Nẵng để tiến hành đăng cai tổ chức hội nghị APEC lần thứ 25:

Thành phố Đà Nẵng là một thành phố rất đặc biệt. Đối với Việt Nam nó có một không khí mới, nó không phải là Hà Nội đông đúc, kẹt xe đủ thứ kiểu, nó cũng không phải là Thành phố Hồ Chí Minh rộn ràng, đối với Việt Nam nó là một thành phố có bộ mặt mới của nước Việt Nam trong thời đổi mới phát triển. Đây cũng là một sự lựa chọn hợp lý.”

Trong thời gian hơn 10 năm nay Thành phố Đà Nẵng được xem là nơi phát triển cơ sở hạ tầng khá tốt, không gặp phải những vấn đề xấu về môi trường và giao thông như hai thành phố lớn khác là Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên ngay trước khi diễn ra Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, vào đầu tháng 10, 2017, đã có một sự thay đổi lớn về lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng, người đứng đầu của thành ủy của đảng cộng sản tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, người đứng đầu Ủy ban nhân dân là ông Huỳnh Đức Thơ bị cảnh cáo, và đương kim Bộ trưởng Giao thông- Vận Tải Trương Quang Nghĩa được điều về thay thế cho ông Nguyễn Xuân Anh.

Nhưng ông Bùi Kiến Thành cho rằng những việc đó không có liên quan gì đến việc Hội nghị APEC lần thứ 25 được tổ chức tại Đà Nẵng:

“Tôi thấy không có liên quan gì. Không phải Thành phố Đà Đẵng tổ chức mà chỉ có vai trò hỗ trợ thôi. Việc tổ chức diễn đàn này là việc của trung ương làm. Cho nên là sự đổi thay của lãnh đạo Đà Nẵng không có ảnh hưởng gì đến trọng tâm của việc tổ chức diễn đàn này.”

Cơ hội kinh tế nhưng còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác

Một doanh nhân ở Đà Nẵng là ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại và thủy sản Thuận Phước nói với chúng tôi rằng Hội nghi APEC tại Đà Nẵng là một cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam:

“Thông qua hội nghị APEC, tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam, vốn ít có những cơ hội gặp gỡ những doanh nhân lớn trên thế giới, đây là dịp để họ tận mặt nhìn thấy được mình, và mình thấy được họ.”

Công ty Thuận Phát của ông Lĩnh có xuất khẩu nhiều mặt hàng hải sản vào thị trường Mỹ. Ông nói rằng sản phẩm của công ty ông có mặt ở các siêu thị lớn của Mỹ như Costco, Walmart, nhưng có khi phải qua nhiều người trung gian, vậy Hội nghi APEC là nơi mà ông có thể gặp trực tiếp những khách hàng của ông ở Mỹ để loại đi lớp trung gian này.

Trên đấu trường kinh tế thế giới mạnh được yếu thua hiện nay, mình là một quốc gia yếu, làm sao mà mình có thể chống lại sự áp đặt của một nền kinh tế lớn nhất toàn cầu được.
-Doanh nhân Trần Văn Lĩnh.

Ông Lĩnh cũng có nói tới sự đáng tiếc là hiện nay Việt Nam không được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường nên các sản phẩm hải sản của Việt Nam bị Mỹ đánh thuế chống phá giá, mặc dù theo ông là những người nuôi thủy sản ở Việt Nam không hề được trợ cấp gì của nhà nước cũng như giá của thủy sản Việt Nam bán ở Mỹ có khi còn cao hơn thủy sản của một số nước khác.

“Trên đấu trường kinh tế thế giới mạnh được yếu thua hiện nay, mình là một quốc gia yếu, làm sao mà mình có thể chống lại sự áp đặt của một nền kinh tế lớn nhất toàn cầu được. Mình phải chịu thôi, còn sắp tới đây nó có như thế nào thì còn tùy nhiều chuyện lắm.”

Theo ông, những vụ kiện chống hàng hóa Việt Nam lệ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó có cả chính trị, ông lấy ví dụ như các nước Philippines, Indonesia không hề bị áp thuế chống phá giá, mặt dù giá tôm của các nước này có khi còn thấp hơn cả giá tôm của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Một vấn đề nữa mà theo ông Lĩnh, đã ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong thời gian qua là khuynh hướng hướng vào bên trong của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump.

Khi được hỏi là liệu giới doanh nghiệp cũng như quan chức Việt Nam có lợi dụng diễn đàn APEC để thương lượng giành lại sự công bằng cho sản phẩm của Việt Nam hay không, ông nói:

“Cũng không phải dễ, ngay cả APEC như thế này cũng không dễ. Thời gian thì không nhiều, mà thế giới thì có rất nhiều chuyện để cần bàn, chứ đâu phải chuyện hai bên, mà họ bàn đa phương chứ đâu phải song phương. Mà ngay như song phương thì giữa Việt Nam và Mỹ cũng có rất nhiều chuyện để bàn. Tất nhiên vấn đề này sẽ được biết đến, tuy nhiên tôi không tin là nó có thể được giải quyết bây giờ.”

Chuyên gia Bùi Kiến Thành thì nói với chúng tôi rằng có thể sẽ có những cuộc gặp gỡ giữa hai nước Việt và Mỹ bên lề Hội nghi APEC 25, nhưng không phải để giải quyết một điều gì cụ thể ngay lúc này mà để khởi đầu những bước đi trong tương lai.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trump-no-trump-no-matters-10092017133116.html

 

Chống tham nhũng và đấu đá nội bộ

Ngày 4/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội. Theo truyền thông trong nước, hội nghị này sẽ bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, dân số, y tế, và không thể thiếu vấn đề nhân sự nội bộ đảng.

Kỷ luật quá nhẹ

Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam, một loạt “đại án” tham nhũng được đem ra xét xử, nhiều bị can bị bắt giữ thêm và hàng loạt quan chức các cấp bị kỷ luật đảng vì nhiều sai phạm, trong đó có bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố Đà Nẵng.

Theo nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – một cán bộ đã nghỉ hưu, vấn nạn tham nhũng đã có hàng chục năm nay, gây bức xúc trong nhân dân và giới lão thành cách mạng, gây nên nhiều hệ lụy cho đất nước. Bà Nguyên Bình cho rằng, để chống tham nhũng cần phải đạt được ít nhất hai mục tiêu. Thứ nhất, là phải trừng phạt được những quan chức tham nhũng và thứ hai, là phải thu hồi được số tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên, bà đánh giá cả hai mục tiêu này cho đến nay đều không đạt được:

Phải thay đổi cơ cấu, cơ chế về luật pháp, phải có tòa án độc lập, phải thật sự có một ngành công an tài đức dụng, thì mới chống tham nhũng được. 

– Giáo sư Nguyễn Khắc Mai 

“Một là những hình thức kỷ luật các ông ấy là quá nhẹ, thậm chí về mặt đảng thì cũng chưa ai khai trừ đảng. Đáng lẽ những tội ấy phải chịu trách nhiệm hình sự và truy tố thì không thấy ai bị truy tố cả. Thế thì những cái ấy không có tác dụng răn đe gì cả, những người chưa tham nhũng thì họ cũng chẳng sợ. Cái thứ hai là tịch thu tài sản mà họ đã tham nhũng, thì chưa thấy báo chí nói đã tịch thu đồng nào để đưa vào ngân sách cả.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nguyên trưởng ban Dân vận của đảng cho rằng, các cơ quan chống tham nhũng của Đảng được lập ra và hoạt động không dựa trên bất cứ cở sở pháp lý nào; công cuộc chống tham nhũng là “đánh trống bỏ dùi”, “nửa vời”:

“Phải thay đổi cơ cấu, cơ chế về luật pháp, phải có tòa án độc lập, phải thật sự có một ngành công an tài đức dụng, thì mới chống tham nhũng được. Còn nhà báo viết bài chống tham nhũng thì bị bỏ tù thì làm thế nào chống tham nhũng được.”

Bà Nguyên Bình nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng hay kỷ luật trong nội bộ đảng có liên quan đến sự đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng, đặc biệt được sử dụng trong các hội nghị trung ương:

“Anh nào cũng tham nhũng, nhưng mà không phải phe của mình thì mới chống, mới đánh. Ví dụ một vụ rất lớn là vụ thuốc giả ở Bộ y tế làm ảnh hưởng cộng đồng thì chưa thấy nói gì cả. Trong khi đó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chỉ vì tội dùng bằng giả và một số tội khác, chẳng biết tội ai nặng hơn ai, nhưng mà ông Xuân Anh lại bị đánh.”

Theo bà Nguyên Bình, kết quả của Hội nghị Trung ương 6 lần này khó dự đoán, bởi đây là sự cạnh tranh về quyền lực và lợi ích giữa các phe, chứ không phải về vấn đề tư tưởng và quan điểm:

“Trước kia, trong nội bộ cấp cao của đảng cũng có một vài phe phái, nhưng người ta cảm nhận được nó rõ và nó ít thôi. Và cái sự đấu tranh của người ta cũng còn kín đáo, thế nhưng đến gần đây thì tôi cảm nhận là cò rấ nhiều phe và họ đấu tranh với nhau có vẻ cũng lộ liễu. Nhưng mà cũng như dân gian nói là không biết mèo nào cắn miểu nào? Có người họ nói phe này mạnh, có người nói phe kia mạnh. Có người lại nói anh này trước ở phe này nhưng giờ lại chạy sang phe kia. Có nhiều biến đổi nên khó dự đoán.”

Kịch bản thỏa hiệp

Tuy khó dự đoán về kết quả, nhưng theo nhà văn Nguyên Bình, có một kịch bản thỏa hiệp giữa các phe trong nội bộ đảng có thể sẽ diễn ra trong hội nghị lần này:

“Thường thường, bao nhiêu cuộc đấu tranh thì nó cứ đấu tranh đến đoạn lưng chừng thì lại thỏa hiệp, từ trước đến nay chưa có cuộc đấu tranh nào đến nơi đến chốn cả. Hai bên đánh nhau như là giết nhau đến nơi, nhưng rồi lại thỏa hiệp thì chịu, không thể dự đoán được.”

Trước Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã có một bản kiến nghị cải cách chính trị gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định, nếu như đảng cộng sản không “tỉnh ngộ”, nghe theo các kiến nghị cải cách về thể chế, chính trị, pháp luật, xây dựng xã hội dân sự thì sẽ “mua dây buộc mình”, mất lòng tin của người dân. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai không tin rằng hội nghị này sẽ lắng nghe những ý kiến như của ông Nguyễn Trung:

Bao nhiêu cuộc đấu tranh thì nó cứ đấu tranh đến đoạn lưng chừng thì lại thỏa hiệp, từ trước đến nay chưa có cuộc đấu tranh nào đến nơi đến chốn cả.

-Nhà văn Nguyên Bình

“Cho nên có người hoan nghênh Nguyễn Trung, nhưng cũng có người người chê, nói ông tầm phào, không thấy sự thật. Nhiều cán bộ lão thành cách mạnh, kể cả cưu ủy viên bộ chính trị nói với tôi rằng ‘nói với họ như nói với đầu gối’ họ không có nghe đâu.”

Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước như chiếc lò đang nóng hừng hực với công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, sự cạnh tranh trong nội bộ đảng, bên cạnh là những yếu tố về kinh tế, quan hệ ngoại giao với Đức và EU, theo bà Nguyên Bình đánh giá, những điều này tác động xấu đến tình hình đất nước:

“Bởi vì tình hình đất nước đứng trước hai nguy cơ, một là kinh tế tụt hậu, hai là nguy cơ ngoại xâm. Nhưng họ không tập trung giải quyết hai nguy cơ đấy mà lo tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau thì làm sao mà không ảnh hưởng đến đất nước.”

Bà Nguyên Bình nhắc lại đề nghị từng được nhiều người đưa ra là để chống được cả ngoại xâm và tham nhũng, Việt Nam cần phải dân chủ hóa đất nước, đổi mới chính trị, tôn trọng sự đa nguyên, áp dụng tam quyền phân lập, và thực sự tôn trọng các quyền của công dân.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fight-corruption-n-infighting-rfa-10102017072750.html

 

Công an, quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng

Hai lực lượng công an và quân đội tại Việt Nam thường được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ đảng và chế độ.

Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án ‘tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả’ do Ban Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam lập nên từ tháng 11 năm ngoái vừa qua có gợi ý với Quân Ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương có báo cáo tại Hội Nghị Trung ương 6 về việc bảo đảm cơ chế lãnh đạo và chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với quân đội và công an.

Giáo sư Zachazy Abuza, một chuyên gia Việt Nam thuộc trường đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhận định liên quan về vai trò của đảng đối với hai lực lượng công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay:

Tôi nghĩ cần phải hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay công an Việt Nam có rất ít quyền lực trong bộ Chính trị. Chỉ có ba thành viên của bộ Chính trị xuất thân từ Bộ Công an. Nhiều đối thủ của ông Tổng Bí thư nằm trong số này. Trong đó có cựu Thủ tướng người không còn nằm trong Bộ Chính trị hay Ủy ban Trung ương nhưng tay chân của ông ấy vẫn có nhiều ảnh hưởng với chính trị. Và ông Tổng Bí thư đã áp dụng cuộc chiến chống tham nhũng để bài trừ tay chân của ông này.

Ngay trong quân đội có nhiều người lên tiếng nói rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn át chủ quyền tại Biển Đông, và nhiệm vụ của quân đội là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia chứ không phải là bảo vệ chế độ. 

– Cựu đại tá Bùi Tín

Về phía quân đội, giáo sư Achary Abuza nói rằng không có bằng chứng rõ rằng về đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng trong quân đội. Tuy nhiên, ông chỉ ra một nhân tố quân đội có thể tác động đến đương kim Tổng bí thư đó là việc quân đội khẳng định nhiệm vụ là bảo vệ quốc gia chứ không phải chế độ:

Vài năm trước, từng xuất hiện lời kêu gọi rằng quân đội phải bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ Đảng. Trong khi đó lẽ ra quân đội Nhân dân Việt Nam phải giống Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là phải bảo vệ Đảng. Ấy vậy mà, Chính điều này đã làm nhiều lãnh đạo cao cấp lo lắng.

Từ Pháp, cựu đại tá Bùi Tín, người từng là đảng viên Đảng cộng sản hơn 4 thập niên và có 37 năm góp mặt trong Quân đội Nhân dân cho rằng việc Đảng muốn kiểm soát chặt chẽ công an và quân đội liên quan đến 3 chuyện đó là chiến dịch chống tham nhũng, việc thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc và vấn đề công an đàn áp người dân. Trước hết ông phân tích về đề nghị “thoát Trung” của quân đội:

Vừa rồi ý kiến của quân đội và Đảng nói rằng ít nhất phải tách dần ra khỏi Trung Quốc, hay còn gọi là “thoát Trung” thế nhưng hiện nay chính sách của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là dính liền với Trung Quốc một cách chặt chẽ nhất và phụ thuộc vào Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm đất đai, boxit, cao nguyên,… Người Trung Quốc cũng nhập vào Việt Nam rất đông đảo khắp các nơi. Các nhà máy lớn đều do Trung Quốc thầu hết mà làm thì không đến nơi đến chốn.

Gần đây trong dư luận xuất hiện nhiều ý kiến lên án việc Chính phủ Hà Nội quá nhún nhường Trung Quốc, đặc biệt là trong vụ việc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò khí tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. Nguyên nhân được giới lãnh đạo Repsol cho biết là Trung Quốc dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.

Một nguyên nhân khác nữa, đại tá Bùi Tín cho rằng chiến dịch chống tham nhũng không được làm đến nơi đến chốn cũng gây bất bình trong giới công an, quân đội:

Chiến dịch chống tham nhũng của ông ấy cũng làm dở dang. Tất cả các đại án gần hết năm rồi mà chưa ra gì cả. Quân đội và công an dù sao cũng theo lòng dân, rất xao xuyến.

Vụ Trịnh Xuân Thanh cũng gây ra rắc rối với quốc tế nữa.

Giáo sư Abuza cũng nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh như một trường hợp Đảng không thể kiểm soát được các hoạt động và mối quan hệ của lực lượng an ninh:

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông ấy trốn khỏi đất nước được? Có ai đó mách nước cho ông ta không? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không? Và mối quan tâm được nêu ra là chuyện những quan chức tham nhũng lợi dụng kết nối quan hệ để trốn khỏi đất nước.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị cho là đã làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng khi giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp dầu khí PVC. Sau đó ông này trốn sang Đức xin tị nạn và bị Việt Nam cho người sang bắt cóc đưa về nước. Hành động này gây ra căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, tuy nhiên Việt Nam khẳng định rằng ông Thanh về nước tự thú.

Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng có khi nào công an và quân đội có dấu hiệu vượt khỏi sự kiểm soát của Đảng hay không, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết:

Tôi nghĩ ngay lúc này đây chưa có một cơ sở hay hiện tượng nào để có thể nói như thế. Bởi vì Đảng đang nắm chặt hai lực lượng này, luôn luôn nắm chặt từ trước đến nay và hiện nay cũng vậy thôi.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông Thanh trốn khỏi đất nước được? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không? 

– Gs. Achazy Abuza

Một yếu tố quan trọng khác được cựu đại tá Bùi Tín chỉ ra, đó là chuyện giới công an ngày càng tăng cường đàn áp người dân, đặc biệt là các nhà đấu tranh dân chủ. Ông cho rằng điều này gây mâu thuẫn nặng nề trong xã hội, vì thế khiến Tổng bí thư “lo lắng”:

Gần đây quá nhiều người dân bị tra tấn và chết trong các trụ sở công an. Và vào thời của ông Nguyễn Phú Trọng, tức hai ba năm trở lại đây, số người bị bắt và bị tù là nhiều lắm. Nhiều hơn tất cả các thời kỳ trước.

Một số đơn vị công an ngày 9/10 cho biết suốt hai năm nay ngành công an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài. Đồng thời theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vcp-continues-its-control-over-police-and-military-forces-10092017143331.html

 

Châu Âu ‘ngầm’ gây áp lực lên Việt Nam?

Viễn Đông

Nhiều đại sứ quán các nước châu Âu tỏ ra hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin”, gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội.

Các phái đoàn ngoại giao của nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) như Pháp, Thụy Điển, Italia, hay Bỉ mới đây đã đồng loạt đăng lại một tuyên bố từ trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Đức ở Hà Nội, trong đó Berlin nêu ra một loạt các yêu cầu sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh như “cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai”, nhưng không được Việt Nam đáp ứng, buộc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel “tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” cũng như “trục xuất thêm” một nhà ngoại giao.

Thụy Điển là một đối tác và bạn hữu truyền thống vững mạnh của Việt Nam, và điều quan trọng đối với chúng tôi là khuyến khích chính phủ Việt Nam tìm ra một giải pháp liên quan tới các vấn đề song phương giữa Đức và Việt Nam.

Bà Victoria Rhodin Sandström từ Đại sứ quán Thụy Điển nói.

Trên Facebook, đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội hôm 22/9 đã đăng lại dòng trạng thái này, kèm theo bình luận: “Tuyên bố mạnh mẽ của Đức về mối quan hệ song phương, và với vai trò là một thành viên của EU, Thụy Điển ủng hộ những quan ngại hợp pháp của Đức, thúc giục Việt Nam tìm một giải pháp mang tính xây dựng”.

Bà Victoria Rhodin Sandström từ Đại sứ quán Thụy Điển sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng “là một thành viên của Liên hiệp châu Âu, việc đại sứ quán Thụy Điển chia sẻ thông tin từ các đại sứ quán EU khác ở Hà Nội là lẽ tự nhiên”.

Bà nói thêm rằng “Thụy Điển là một đối tác và bạn hữu truyền thống vững mạnh của Việt Nam, và điều quan trọng đối với chúng tôi là khuyến khích chính phủ Việt Nam tìm ra một giải pháp liên quan tới các vấn đề song phương giữa Đức và Việt Nam”.

“Chúng tôi cảm thấy khích lệ vì có một cuộc đối thoại tiếp diễn giữa Việt Nam và Đức”, bà Sandström nói.

Tới tối ngày 10/10, cả phía Việt Nam và Đức chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về các bước đi tiếp theo, sau tuyên bố hôm 22/9 của Berlin mà chính phủ của bà Angela Merkel khẳng định “bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác”.

Chính phủ Đức và Việt Nam hiện đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng xuất phát từ việc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, và vì thế, vi phạm các giá trị cơ bản của châu Âu.

Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nói.

Trong một diễn biến mới nhất, trang Facebook của Đại sứ quán Đức hôm 7/10 đăng toàn văn bài trả lời phỏng vấn với tờ Vietnam Investment Review (VIR) của ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Tờ VIR dường như đã bỏ không in đoạn cuối, trong đó ông Manig nói về việc hai chính phủ hiện “đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng xuất phát từ việc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, và vì thế, vi phạm các giá trị cơ bản của châu Âu”.

Người phỏng vấn cũng đặt câu hỏi về việc Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), vốn đang trong giai đoạn cuối rà soát pháp lý, chuẩn bị hướng tới ký kết và phê chuẩn, ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức ở Việt Nam.

Động thái trên của các nước châu Âu khiến một số nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng châu Âu cũng sẽ vào cuộc trong vụ Trịnh Xuân Thanh, nhất là liên quan tới EVFTA.

Nhưng tháng trước, báo Tuổi Trẻ trích lời nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, trả lời báo chí trong nước ở Hà Nội rằng Hiệp định thương mại VN – EU “không chịu áp lực chính trị nào”.

Theo thông tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, năm 2016, EU là một trong những thị trường ngoài nước quan trọng nhất của Việt Nam (EU xếp thứ hai sau Mỹ). EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Phái đoàn này cho rằng “khoản thặng dư thương mại liên tục gần 22,9 tỷ USD mà Việt Nam có được trong giao thương với EU giúp cân bằng đáng kể thâm hụt thương mại khổng lồ của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc và dẫn tới kết quả thặng dư thương mại khoảng 2,68 tỷ USD” nên “2016 đánh dấu một năm nữa mà trong đó Việt Nam có được thặng dư thương mại kỷ lục với EU”.

https://www.voatiengviet.com/a/chau-au-dang-ngam-gay-ap-luc-len-viet-nam/4064098.html

 

Việt Nam-Singapore đối thoại quốc phòng

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Singapore vừa có buổi Đối thoại Chính sách Quốc phòng trong 2 ngày, 9 và 10/10, tại Hà Nội, theo tin từ TTXVN. Trong buổi đối thoại, Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ và hợp tác với Singapore khi nước này nắm chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới.

Đứng đầu đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Quốc phòng-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đoàn Singapore do Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Chan Yeng Kit dẫn đầu.

Hai bên đã trao đổi về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đồng ý tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược qua các hoạt động trao đổi và kế hoạch hợp tác giữa hai quân đội. Đại diện quân sự của hai nước cũng đồng ý sẽ “ủng hộ lẫn nhau” trên các diễn đàn đa phương và củng cố tình đoàn kết trong khối ASEAN.

Năm tới, Singapore sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Phía Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và ủng hộ Singapore trong chức vụ này.

Thời gian gần đây, dưới quyền Chủ tịch của Philippines, ASEAN biểu lộ nhiều bất đồng trong khối, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Hồi tháng 8, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết trong khi Singapore đang chuẩn bị để nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đang gây áp lực lên nước này để đảm bảo Bắc Kinh không phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về hành động của họ ở Biển Đông.

Các nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh thường sử dụng ảnh hưởng của mình trên các quốc gia nắm chức Chủ tịch để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông.

Mặc dù Singapore không phải là một bên tranh chấp, nhưng theo Reuters, Bắc Kinh lo ngại Singapore có thể sử dụng chức Chủ tịch luân phiên ASEAN để “quốc tế hóa” chuyện Biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ muốn giới hạn vấn đề này giữa các nước có liên quan trực tiếp.

Singapore và Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao từ 1/8/1973.

Về mặt an ninh, quốc phòng, hai bên đã ký Văn bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng vào tháng 9/2009. Theo đó, cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung đã được tổ chức thường xuyên.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-singapore-doi-thoai-quoc-phong/4064111.html

 

Air France và Việt Nam Airlines liên doanh bay chặng dài

Hãng hàng không Air France KLM SA vừa ký một thỏa thuận với Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), theo đó hai hãng sẽ phối hợp lịch bay để cung cấp các chuyến bay kết nối tốt hơn cho khách hàng, theo tuyên bố chung do hai hãng hàng không công bố hôm thứ Ba 10/10.

Hai bên cho biết thỏa thuận mới sẽ bắt đầu từ tháng 11, xây dựng thêm từ các chuyến bay liên danh (còn gọi là codeshare) đã có từ năm 2010. Hai hãng hàng không sẽ phối hợp lịch bay để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ông Franck Terner, Tổng Giám đốc Air France nói:

“Hiện vẫn còn áp lực về giá cả trên các tuyến bay về hướng đông. Liên doanh với Vietnam Airlines sẽ giúp chúng tôi củng cố vị thế của mình và giảm bớt áp lực về giá cả.”

Hãng Air France cũng đang điều đình để hợp tác chặt chẽ hơn với hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways, là hãng cũng có các chuyến bay liên danh với Air France từ năm 2016.

Công ty mẹ của Air France-KLM, Air France, đang tìm cách củng cố vị thế của mình trên các thị trường có chặng bay dài, để có thể cạnh tranh với các hãng hàng không vùng Vịnh.

Hãng vừa tung ra một đường bay giá rẻ, Joon, bay những chặng ngắn và dài, và vào tháng 7 hồi phục liên minh Bắc Đại Tây Dương trong một hợp đồng ba bên với hãng Delta và Virgin Atlantic.

https://www.voatiengviet.com/a/airfrance-va-vietnam-airlines-lien-doanh-bay-chang-dai/4064031.html

 

Người Công giáo phẫn nộ

về quán bar Hà Nội báng bổ Thánh giá

Đông đảo giáo dân Công giáo Việt Nam trong mấy ngày qua giận dữ lên án một quán bar ở Hà Nội, tố cáo quán bar này đã thực hiện buổi biểu diễn ‘xúc phạm Thánh giá và tôn giáo’ của họ.

Thông tin được nhiều nhà hoạt động Công giáo lan truyền trên mạng xã hội cho hay show diễn hôm 8/10 diễn ra tại quán Fame, ở rất gần trung tâm Hà Nội, chỉ cách Sở Văn hóa của thủ đô khoảng 1,5 kilomet.

Những tấm ảnh ghi lại show này được đăng trên Facebook cho thấy nhiều người mẫu mang trang phục gợi cảm màu đen gắn hoặc in hình Thánh giá. Trang phục của các người mẫu nữ để lộ nhiều da thịt, ngoài ra họ còn mang trên đầu khăn trùm giống của các nữ tu.

Liên tục trong những ngày sau khi hình ảnh buổi biểu diễn lộ ra, nhiều giáo dân Công giáo giận dữ chỉ trích quán bar và những người tham gia.

Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, một nhà bất đồng chính kiến bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh, viết trên Facebook: “Xin đừng im lặng trước hành vi báng bổ tôn giáo!”

Ông gọi các màn trình diễn là hành vi “xúc phạm Đức tin của người Công giáo” và việc những người biểu diễn biến tấu những phẩm phục của các tu sĩ Công giáo, là “những tiết mục phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Nhiều nhà hoạt động khác trong đó có JB Nguyễn Hữu Vinh, Thảo Teresa, và Paul Trần Minh Nhật – một người đang bị chính quyền truy nã,cũng tích cực phát đi những thông điệp tương tự.

Họ mô tả show diễn và những người tham gia là “vô liêm sỉ”, “vô văn hóa”, “đĩ bợm”, “khiêu dâm”.

Các bài viết của họ thu hút khoảng 14 nghìn phản ứng, hàng nghìn người khác bình luận và chia sẻ để lan rộng.

Luật Việt Nam quy định chính phủ “thống nhất quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”. Theo đó, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “thực hiện quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” tại địa phương trong phạm vi, quyền hạn của mình.

Căn cứ vào luật đó, linh mục Nam Phong và các nhà hoạt động nêu nghi vấn: phải chăng có một thế lực nào đó chống lưng cho màn trình diễn mang tính “khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đến những người tin Chúa?”

Viết trên mạng xã hội, các nhà hoạt động yêu cầu Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội “làm rõ” ai đã tổ chức buổi biểu diễn tai tiếng này.

Các nhà hoạt động, đồng thời là tín đồ Công giáo, lập luận rằng nếu chính quyền Hà nội “không làm rõ và truy cứu trách nhiệm” những người liên quan, điều đó buộc họ phải hiểu rằng những người đó “đã được chính quyền Hà Nội bật đèn xanh, cho phép dàn dựng những tác phẩm nhằm xúc phạm niềm tin tôn giáo” của người theo Công giáo.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao của thủ đô Hà Nội, xác nhận với VOA vào chiều 10/10 ông có nghe dư luận nói về buổi biểu diễn gây tranh cãi. Ông cũng xác nhận quán này đã xin phép cho show diễn, và nói thêm một cách ngắn gọn:

“Sáng nay tôi đã cho thanh tra sở xuống xem xét và xử lý theo quy định rồi. Thanh tra sở đã xuống làm việc rồi”.

Tuy nhiên, ông Động không nói cụ thể sẽ “xử lý” như thế nào. VOA cũng liên lạc với chủ quán bar Fame, một người đàn ông có tên gọi là Cường. Khi được hỏi trước những phản ứng và chỉ trích của các giáo dân, ông có thể đưa ra ý kiến gì, người đàn ông này chỉ trả lời “Tôi đang bận bạn nhé” rồi cúp máy.

Những người sử dụng mạng xã hội kêu gọi tẩy chay quán Fame bằng cách đánh giá thấp cho quán này trên trang Facebook của quán. Trước khi có show diễn gây rắc rối, quán này được đánh giá 5 sao. Đến tối 10/10, xếp hạng sao của quán chỉ còn 2,7 sau khi nhận được đánh giá của 1349 người.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-cong-giao-phan-no-ve-quan-bar-ha-noi-bang-bo-thanh-gia/4063951.html