Bản tin ngày 9/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 9/10/2017

Báo Tiếng Dân

Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài của tác giả Mai Thanh Hải: ‘Ong thợ’ Trường Sa: Dựng nhà giữ đảo. Bài viết kể về Trung đoàn công binh 83 (hiện là Lữ đoàn 83 công binh hải quân) được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình trên đảo sau ngày 30-4-1075, ngay sau khi tiếp quản Trường Sa.
Bộ đội công binh Trung đoàn 83 xây dựng nhà C1 trên đảo chìm Trường Sa năm 1988. Nguồn: báo TT
Chuyện của ông đảng trưởng
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc TBT Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 về “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về việc “luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”.
Về cơ bản, công tác luân chuyển cán bộ “phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng“, cán bộ luân chuyển phải là “cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển“, thời gian luân chuyển tối thiểu 3 năm… và được thực hiện qua “quy trình 5 bước“. Tóm lại, không phải đảng viên thì chẳng có cửa và vẫn là ông Trọng đạo diễn, giống như vụ quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ vừa mới ban hành hồi tháng 8/2017.
Facebooker Nguyễn Ngoc Chu hiến kế cho đảng của ông Trọng đây“Hiện nay, các cán bộ do Đảng bổ nhiệm đã thể hiện sự thất bại khắp mọi nơi về cả hai mặt là năng lực và đạo đức. Nạn tham nhũng phơi bày sự xuống cấp tệ hại về đạo đức. Còn năng lực yếu kém gây ra thảm họa thất thoát và lỗ vốn khổng lồ”. 
“Bởi thế TBT Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn dành một cửa MỞ RỘNG cho dân và cho chính các đảng viên của Đảng: Dành một vị trí bộ trưởng cho dân tự ứng cử lựa chọn; Dành một vị trí bí thư tỉnh cho đảng viên tự ứng cử và toàn bộ đảng viên trong tỉnh trực tiếp bầu cử”.
Ghế nóng … phỏng đít của Bí thư Đà Nẵng
Báo tuổi Trẻ có bài: Nóng hơn ghế nóng. Báo “lề phải” thừa nhận, việc đảng thay ông Xuân Anh là muốn ổn định tình hình trước thềm Hội nghị APEC sẽ diễn ra tháng vào 11 tới đây tại Đà Nẵng, đúng như “đài địch” nhận định trước đó.
Mặc dù anh em trong gia đình ông Nghĩa được biết toàn người làm quan to cả, bản thân ông cũng thành tích đầy mình, lại tự xưng là một người lính, nhưng ông cũng bị chê là “rất kém về tư duy“, “không dám nhìn thẳng vào lợi ích nhóm“… Liệu cái ghế Bí thư Đà Nẵng có trở thành “chiếc áo quá rộng” đối với ông không?
Vụ ông Nguyễn Xuân Anh bị cưa gãy ghế
Báo PLTP có bài: Đã nghe đã thấy: Hết quan hoàn dân! Nếu trước đây ông Hồ có gọi quan là “đầy tớ nhân dân”, thì giờ đây, quan được đảng chọn mà không thèm đoái hoài đến vai trò của dân. Cho nên quan lên hay xuống đều do đảng, còn dân đen thì bất lực đứng nhìn đảng diễn trò.
Cho nên dù không còn làm quan, trừ khi phải vô khám, thì với bổng lộc ăn mấy đời không hết, làm sao họ trở thành dân thường được?! Còn nếu muốn mọi người giúp đỡ ông Xuân Anh trở thành đảng viên tốt thì xin mời qua hỏi “đồng chí” 3X để “làm người tử tế”, bởi dân còn đang phải làm bục mặt ra đây, không có thời gian giúp đâu.
Báo GDVN có bài: Cần khởi tố, điều tra dấu hiệu đưa – nhận hối lộ trong vụ Nguyễn Xuân Anh. Đó là quan điểm của LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bởi theo ông, việc ông Nguyễn Xuân Anh nhận nhà và xe của doanh nghiệp biếu tặng, không thể vì quan hệ cá nhân, mà chắc chắn là hối lộ, lợi dụng lẫn nhau giữa chính quyền và doanh nghiệp.
LS Thuận còn đề nghị khai trừ đảng ông Nguyễn Xuân Anh, cũng như cho điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến việc bổ nhiệm ông này.
Báo Dân Trí có bài: “Lẽ ra ông Nguyễn Xuân Anh nên từ chức trước và xin lỗi nhân dân”. PGS.TS Nguyễn Trọng Phụng, cựu Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, cho rằng: “Giá như ông Nguyễn Xuân Anh khi biết mình mắc sai phạm, không đáp ứng được công việc, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân Đà Nẵng thì nên mạnh dạn xin từ chức trước chứ đừng chờ đến khi có quyết định kỷ luật mình“. Đảng của ông không có cái gọi là “văn hóa từ chức” đâu ông ơi, bởi nếu có thì chẳng còn ai lãnh đạo.
Vụ “cục phó mất cục tiền” văng ghế
Báo Người Đưa Tin có bài: Vụ Cục phó mất 385 triệu đồng: Đừng vội nói “không thấy phong bì bóc dở”… Về việc ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT khẳng định: “Trong biên bản chỉ xác định là mất bao nhiêu, còn lại những gì. Chúng tôi không thấy một từ nào về ‘phong bì bóc dở, xé dở’ cả”.
LS. Phan Xuân Xiểm, cựu Vụ trưởng vụ Trung ương 1, ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Với việc Cục phó Nguyễn Xuân Quang mất 385 triệu đồng, chuyện đâu có đó, hãy để cơ quan chức năng kết luận, đừng chưa gì đã nói ‘không thấy phong bì’. Bộ trưởng là tầm quản lý Nhà nước ở cấp bộ, nhưng theo tôi đó là một ý chưa chín chắn”.
Báo Tuổi Trẻ có bài châm biếm: Vụ cục phó Nguyễn Xuân Quang, bọn đạo chích thật là bất lương. “Anh Quang ảnh đi công tác xa nhà, ảnh sợ của nả để lại có gì bất trắc không may, nên ảnh mang toàn bộ gia sản chắt chiu dành dụm được có thể do từ chạy xe ôm thâu đêm lúc trẻ, từ nuôi heo lúc tốt nghiệp đại học, từ buôn chổi đót khi vừa mới có việc làm…”
Báo Đất Việt đưa tin: Cục phó mất trộm 400 triệu: Tin bất ngờ từ Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chưa có công văn gửi cho an ninh sân bay Nội Bài, đề nghị trích xuất camera ghi hình và Tổng cục Môi trường chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Phía Sân bay Nội Bài nói rằng: “Dữ liệu được soi chiếu qua camera là thông tin bí mật của hành khách. Nếu không phải là vật cấm nguy hiểm thì bình thường không thể trích xuất cung cấp dữ liệu làm lộ thông tin của hành khách… Theo quy định, dữ liệu do camera ghi lại được Cảng vụ Hàng không lưu giữ trong 30 ngày“.
Ông Quang đi máy bay từ Hà Nội vào Khánh Hòa vào hôm 18/9, theo quy định 30 ngày thì đến ngày 18/10 thì dữ liệu trong camera ghi hình sẽ bị xóa. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày tới, nếu cơ quan điều tra không cho trích xuất camera thì kể như xong game.
Lẽ ra ông Quang cùng phối hợp với Bộ TNMT, yêu cầu an ninh sân bay công bố hình ảnh camea để minh oan cho mình và Bộ TNMT, nơi ông Quang làm việc, thế nhưng, người đứng đầu Bộ TNMT hăm he: Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đưa tin thất thiệt về vụ việc anh Nguyễn Xuân Quang cũng phải trừng trị (VN Mới/ HT News).
Có ai tin ông này trong sạch? Có lẽ có, sếp của ông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Nguồn: CafeF

 

Vụ bà Châu Thị Thu Nga mua ghế
Báo tuổi Trẻ có bài: Chi tiết ‘nhạy cảm’ ra tòa mới khai, tòa xử lý sao? Theo báo tuổi Trẻ, tại một số phiên tòa, những lời khai được cho là “nhạy cảm”, thì mỗi phiên tòa lại có cách giải quyết khác nhau, tùy vào bóng dáng thế lực nào đằng sau. Trường hợp như bà Châu Thị Thu Nga thì tòa chỉ yêu cầu “im miệng” lại.
Báo Văn Hóa Nghệ An có bài: “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”. Ngày xưa, “bọn cường hào ác bá ngày xưa bòn rút sưu cao thuế nặng của nông dân. Rồi lại xun xoe nịnh bợ quan trên. Những mong được che chở cho cái vị trí ‘quan trường nô lệ hựu nô lệ’ của mình bằng cách đút lót tiền bạc đã bòn rút được“.
Ngày nay, bà Nga lừa đảo bao nhiêu người dân lành, sau đó “tung những đồng tiền thị bòn rút được của những người khốn khổ để rồi lại trút hầu bao vào những nơi ‘quần hồng?!
Về cái ghế ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương  Đảng CSVN quyết định kỷ luật cảnh cáo, nhưng bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai vẫn được cử làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này. Không chấp nhận việc một người không còn uy tín như bà Thanh làm trưởng đoàn ĐBQH, các cử tri yêu cầu bãi nhiệm bà này.
Nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Cử tri không còn tín nhiệm, đề nghị bãi nhiệm là nguyện vọng, ý kiến của họ. Còn việc bãi nhiệm tư cách của chị Thanh phải căn cứ trên các quy định pháp luật, tiêu chuẩn đại biểu…”.
Vụ ông Tống Quốc Trường rời ghế
Báo Nông nghiệp VN có bài: Tổng Giám đốc Vietlott từ chức: ‘Lý do cá nhân’ hay lý do 510 tỷ đồng? Bài báo cho biết, thời gian ông Trường giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) đã để xảy ra nhiều sai phạm, nhưng điều đáng nói là, với nhiều sai phạm đó, “không hiểu vì lý do gì Tổng Giám đốc của PVFC Tống Quốc Trường vẫn vô can và từng bước leo lên ngồi ghế Tổng giám đốc Vietlott. Chính vì vậy, việc ông Trường từ chức rất có thể không phải vì ‘lý do cá nhân’ như trong đơn đã viết“.
Nhất hậu duệ, bét trí tuệ!
Báo Nhà Quản Lý có bài: Bầu anh Nguyễn Xuân Tiệp làm phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An. Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM tỉnh Nghệ An vừa bầu ông Nguyễn Xuân Tiệp, sinh năm 1987, Bí Thư Đoàn Các khối Cơ quan tỉnh Nghệ An, làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.
Được biết, ông Tiệp có anh trai là Nguyễn Xuân Đức, sinh năm 1984, hiện làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nghệ An. Cả hai ông Tiệp và ông Đức đều là con trai ông Nguyễn Xuân Đường, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Trang Hội SVNQVN có bài: 26 tuổi, mặt mũi non nớt làm tới chức vụ phó. Đó là trường hợp ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, là Vụ phó của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Được biết, ông Hoàng là cháu của đại tá công an Vũ Quốc Tuấn, Phó GĐ công an tỉnh Bắc Ninh. Ông Hoàng vừa mới bị cách hết chức vụ.
Còn cô giáo “hụt” Bùi Thị Hà, thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì: ‘Hiện em đang ở nhà chăn lợn’. “Ra trường với tấm bằng giỏi, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức“, nhưng hơn một năm qua, Hà vẫn thất nghiệp dù Hà Giang quê cô là nơi tình trạng thiếu giáo viên trở nên báo động!
Đúng là hạnh phúc … “đớn đau” cho dân tộc này, như lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.
Facebooker Phương Nguyễn có bài: Bằng tiến sĩ của quan. “Tiêu chí cho các chức quan là phải có bằng này bằng nọ mà không cần trình độ thực thì đương nhiên các quan phải kiếm bằng giả để giữ ghế. Các quan bị khui bằng giả chẳng qua là bị đấu đá chứ khui đâu lại không có bằng giả. Mà dù là bằng “thật” đi nữa thì trình độ của quan cũng giả… Nên giờ nghe nói tới bằng cấp của quan chức là phát ngán. Dù bằng giả hay bằng thiệt gì thì cũng là … bằng tiến sĩ giấy!
“Trồng người” ở xứ ta
Báo GDVN có bài: Ngành giáo dục đang lãng phí quá nhiều. Phó giáo sư Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho biết, “qua các con số báo cáo về tình hình sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp có đến 170.000 – 200.000 người. Thế nhưng, mỗi năm các trường sư phạm vẫn tiếp tục đào tạo thêm hàng chục ngàn sinh viên. Và, điều dĩ nhiên là số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp ngày một nhiều“.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ
Trang Zing có bài: Bùng nổ taxi dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab. Rất nhiều xe taxi của hãng VinaSun ở Sài Gòn đã dán khẩu hiệu: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, hay “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”… phía sau xe của họ.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết: việc này “là hành động tự phát, không có chủ trương từ phía doanh nghiệp”, và rằng nội dung đó “không đến nỗi gì quá đáng”, “có thể anh em búc xúc quá mới làm vậy. Chúng tôi đang cho rà soát lại”.
Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng, việc dán khẩu hiệu phản đối đề án thí điểm của Bộ GTVT, phản đối Uber hay Grab “là quyền của các doanh nghiệp, Hiệp hội hoàn toàn không có chủ trương”.
Facebooker Nguyễn Thông viết“Cũng chả hiểu hãng taxi cổ điển Vinasun đòi taxi Grab và Uber phải tuân thủ pháp luật VN là tuân thủ cái gì. Nếu nó vô pháp thì ai cho nó tồn tại mà phải hoắng lên thế. Chung quy cũng bởi ăn dày, lâu nay móc túi khách hàng quá dễ nên giờ quẫn, nông nổi”.

Ảnh: Facebook

 

Thương trường là bãi chiến trường, nên phải chiến đấu sao cho đẹp, để khi ngã xuống còn có người thương tiếc. Còn chiến đấu kiểu này, mang “tà giáo” ra đấu, tự mình giết mình, để rồi chết đi mà chẳng ai thương tiếc.
Facebooker Thái Văn Đường cho rằng, Vinasun đã quảng cáo miễn phí cho Uber và Grab: “Trong một hợp đồng không liên quan thì hãng taxi Vinasun đã nhận quảng cáo cho hai hãng nước ngoài là Uber và Grab. Chiến dịch quảng cáo rầm rộ đã chính thức diễn ra. Dự kiến sau chương trình quảng cáo này thì hai hãng Uber và Grab sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng“.
Báo Một Thế Giới có bài: Luật sư Trần Minh Hùng: ‘Taxi truyền thống căng băng rôn phản đối taxi công nghệ là sai luật’. Theo LS Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TPHCM, nếu đây là hành vi tự phát của các tài xế thì có thể xử lý theo luật cạnh tranh: “Luật này cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Tàn phá môi trường
Báo Người Lao Động có bài: Cận cảnh hàng loạt dự án lấn biển xâu xé vịnh Nha Trang. Hàng loạt các dự án đang triển khai tại vịnh Nha Trang, trong đó có nhiều dự án trái phép, đồng loạt triển khai đã đổ xuống rồi moi lên hàng ngàn m3 đất đá tại vịnh, gây nguy hại cho môi trường nơi đây.
Là quan đầu tỉnh, nhưng ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nói như kẻ ngoài cuộc: “Để lờn là không được. Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo phải xử lý kiên quyết… Những dự án lấn biển phải xử phạt nghiêm minh, phải phục hồi nguyên vẹn. Các chủ đầu tư cứ muốn lấn ra biển cho đẹp. Đâu phải biển cả muốn lấn sao là lấn? Cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát, chứ để ‘lỡ’ rồi bắt khắc phục cũng rất khó khăn”.
Đây là hình ảnh dự án Khu du lịch Champarama, một trong rất nhiều dự án lấn vịnh Nha Trang nhưng chưa bị xử lý. Ảnh: NLĐ

 

Người Việt ở Campuchia
Báo tuổi Trẻ có bài: Campuchia rà soát giấy tờ: Người gốc Việt không nên quá lo lắng. Ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt, cho biết, người gốc Việt đang sinh sống ở Campuchia, có khoảng 160.000 người, đang “rất hoang mang” trước thông tin Chính phủ nước này sẽ tịch thu và xóa bỏ các giấy tờ tùy thân của 70.000 công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây.
Nhưng một vị cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nói với Tuổi Trẻ: “Thực ra, đây chỉ là cụ thể hóa một số quy định đã được ban hành từ nhiều năm trước. Không nên hiểu nhầm Campuchia ‘tước quốc tịch’ mà là tịch thu các loại giấy tờ hành chính không bình thường. Người gốc Việt không nên quá lo lắng”.
Facebooker Nguyễn Sơn có bài: Công dân không quốc tịch. Đó là ông Phạm Văn Tốt, 61 tuổi, là một người gốc Việt đã sống tại làng bè nổi ở Biển hồ Tonle Sáp, Campuchia vài chục năm, cùng nhiều người có hoàn cảnh tương tự đã “bị kẹt ở một đất nước không thừa nhận họ là công dân và cũng không có cách nào trở về làm người… Việt, nơi mà họ hay những thế hệ cha ông họ từng sinh sống và đã di cư đi vì mưu sinh cuộc sống”.

Tin quốc tế

Chuyện nước Mỹ
Hai tháng sau vụ xung đột ở Charlottesville, Virginia, giết chết một phụ nữ, nhóm cực hữu trở lại Charlottesville, theo BBC. Nhóm người thượng tôn sắc tộc da trắng đã “có cuộc tuần hành thắp đuốc ngắn ngủi”. Người ta có thể nghe thấy những tiếng hô hào như: “Không thể bị thay thế” và “chúng ta sẽ trở lại”.

Báo Người Lao Động dẫn nguồn từ Newsweek, cho biết: Ái nữ ông Donald Trump “có thể tranh cử tổng thống”. Bà Ivana, mẹ của Ivanka Trump, cô con gái rượu của Tổng thống Donald Trump, nói rằng, 15 năm sau con gái bà có thể nối nghiệp cha ra tranh cử tổng thống. Nhưng mà người dân Mỹ đã quá ngán ngẫm với ông bố Trump, khi tỉ lệ chấp thuận chín tháng đầu đạt mức thấp kỷ lục: 32%, theo hãng tin AP. Liệu sẽ có bao nhiêu người bầu cho cô Ivanka?

BBC cho biết, bão Nate đổ bộ bang Lousiana, Hoa Kỳ với sức gió cấp 1. Tuy nhiên, cơn bão đã nhanh chóng chuyển thành mưa nhiệt đới với nhiều mưa, làm ngập lụt một số vùng ở Đông Nam nước Mỹ. Báo Người Việt: Số vụ thiên tai “bạc tỉ” ở Mỹ năm 2017 lên số kỷ lục.
Tình hình Trung Đông
Báo Người Việt có bài: Iran: ’10 ông Trump cũng không thể hủy thỏa thuận nguyên tử’. Tổng thống Iran, Hassan Rouhani hôm thứ Bảy nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể nào một mình hủy bỏ thỏa thuận này. Ông nói: “Trong cuộc thương thảo, những gì chúng ta đạt thỏa thuận không thể bị thay đổi. Không ai có thể thay đổi, bất kể là ông Trump hay ai khác”.
RFI đưa tin: Syria: Thổ Nhĩ Kỳ tập trung quân ở biên giới để hậu thuẫn lực lượng Syria nổi dậy “đã mở một cuộc tấn công mới trong tỉnh địa đầu Idlib của Syria, phần lớn do thánh chiến Al Qaida trước đây kiểm soát. Chiến xa và lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tập trung về biên giới”.
Tin nước Nga
Tìm cách giải quyết khủng hoảng Ukraina: Mỹ – Nga bí mật gặp nhau ở Serbia, theo RFI. Ông Kurt Walker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và ông Vladislav Surkov, cố vấn đặc biệt của tổng thống Nga, Vladimir Putin “đã bí mật gặp nhau ngày 07/10/2017 tại Beograd, thủ đô của Serbia, để thảo luận về những kịch bản khác nhau nhằm chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraina”.
RFI đưa tin: Nga: Putin bị phản đối rầm rộ ngay tại quê hương Saint-Petersbourg. Do ở Matxcơva bị cấm biểu tình, nên những người ủng hộ Alexei Navalny đã rầm rộ xuống đường tuần hành ở khoảng 80 thành phố để yêu cầu mở cửa cho cạnh tranh chính trị”.
Một phụ nữ trẻ nói: “Cả đời tôi chỉ biết mỗi Putin là tổng thống! Tôi chẳng biết đến ai khác. Chính phủ này phải bị thay thế bằng một chính phủ khác, vì đó mới là nền dân chủ, thậm chí đó là nguyên tắc của nền dân chủ”. VOA: Phe đối lập Nga biểu tình dịp sinh nhật ông Putin.
Tin châu Âu
Liên quan tới phong trào đòi độc lập của Catalunya: Tây Ban Nha: Phe phản đối Catalunya độc lập biểu tình tại Barcelona, theo RFI. Một người biểu tình tên Jordi nói: Chúng tôi nói ‘Không’ đối với việc chia rẽ người dân Catalunya thành hai phe. Chúng tôi muốn tìm ra những giải pháp chính trị, để toàn dân tộc Catalunya có thể sống hòa yên. Chứ không phải chia rẽ chúng tôi thành hai phe, một bên theo dân túy Catalunya, bên kia theo dân túy Tây Ban Nha”.
Tin cập nhật từ BBC cho biết, “có ít nhất 350.000 đã tập trung ở Barcelona, thủ đô của Catalonia, để biểu tình chống lại phong trào đòi độc lập. Họ giương cao cờ Tây Ban Nha và Catalonia và những khẩu hiệu viết “Cùng với nhau chúng ta mạnh hơn” và “Catalonia là Tây Ban Nha”.
Trung Quốc
Trước thềm Đại hội Đảng 19, Trung Quốc trừng phạt hơn triệu quan chức vì nhận hối lộVOA đưa tin. Một cơ quan chống hối lộ của Trung Quốc cho biết, “hơn 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt kể từ năm 2013 tới nay”. Trong đó, có gần 700 ngàn quan chức cấp làng xã, hầu hết tội trạng liên quan tới tham nhũng nhỏ.
VOA có bài: Trung Quốc bác bỏ tấn công mạng ở Mỹ nhắm vào ông Quách Văn Quý, nhà tài phiệt Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ. Ông Quý đang xin tị nạn chính trị ở Mỹ.
Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA đưa tin: Lãnh tụ Bắc Hàn đưa em gái vào cơ quan quyền lực. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, cô Kim Yo Jong, em gái của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, vừa được bổ nhiệm vào cái ghế ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Triều Tiên. Cô em gái 28 tuổi này được cho là người thay thế bà Kim Kyong Hui, người cô ruột bị thất sủng của ông Kim Jong Un, trong Bộ Chính trị.
Tiếp tục hăm dọa, Tổng thống Trump lại bóng gió về Bắc Hàn, theo VOA. Tổng thống Trump đã viết trên Twitter: “Chính quyền của các đời tổng thống trước đã nói chuyện với Bắc Hàn 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả. Không đi đến đâu, các thỏa thuận này đã bị vi phạm ngay trước khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngu ngốc. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất có hiệu quả!”
Khủng hoảng Rohingya
RFI có bài: Liên Hiệp Quốc: Trại tị nạn lớn nhất thế giới tại Bangladesh quá nguy hiểm. LHQ lo ngại việc xây dựng trại tị nạn khổng lồ cho hơn 800.000 người Hồi Giáo Rohingya là “rất nguy hiểm vì tình trạng quá tải có thể làm tăng nguy cơ các bệnh chết người lây lan nhanh chóng”.