Tin khắp nơi – 09/10/2017
Kinh tế gia ‘Cú hích’ Richard Thaler được giải Nobel
Kinh tế gia người Mỹ Richard Thaler, một trong những người sáng lập ra kinh tế học hành vi, vừa được trao giải Nobel về Kinh tế.
Giáo sư Thaler, từ trường kinh doanh Chicago Booth, là đồng tác giả của cuốn sách “Cú hích” (Nudge) bán chạy nhất toàn cầu. Cuốn sách nói về cách chúng ta đưa ra sự lựa chọn tốt hay tồi như thế nào.
Ban giám khảo hội đồng giải thưởng Nobel nói ông Thaler đã minh họa được “cú hích” – cụm từ do ông đặt tên – có thể giúp ta tự chủ tốt hơn.
Ông sẽ nhận được 9 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD) tiền thưởng từ hội đồng giám khảo.
“Tôi sẽ cố gắng tiêu khoản tiền này một cách hợp lý nhất có thể!” kinh tế gia 72 tuổi nói.
Kazuo Ishiguro được giải Nobel Văn học
Cú hích
Nghiên cứu của giáo sư Thaler dẫn tới việc chính phủ Anh lập ra một “cơ quan cú hích” dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron. Cơ quan này được lập ra năm 2010 để tìm ra các phương pháp sáng tạo làm thay đổi hành vi của công chúng.
Một trong những vị giám khảo giải thưởng Nobel, ông Per Stroemberg, nói công trình của GS Thaler khám phá tâm lý học làm hình thành các quyết định kinh tế như thế nào.
“Các kết quả nghiên cứu của Richard Thaler đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu khác theo bước chân ông và mở đường cho một lĩnh vực mới trong kinh tế mà chúng ta gọi là kinh tế học hành vi.
Ban giám khảo nói những khám phá của GS Thaler giúp mọi người nhận ra những chiêu marketing và tránh đưa ra những quyết định kinh tế tồi.
Chẳng hạn, công trình của ông nghiên cứu về cách làm sao “hích” mọi người có kế hoạch dài hạn hơn, chẳng hạn như tiết kiệm để góp lương hưu.
GS Thaler cũng đã có mặt trong một bộ phim Hollywood, “The Big Short”, giải thích những công cụ tài chính phức tạp dẫn tới khủng hoảng tài chính năm 2007 và 2008.
Người Mỹ thống trị
Đây là giải Nobel cuối cùng được công bố năm nay, sau các giải Nobel về y học, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình đã được trao tuần trước.
Giải kinh tế học là giải thưởng duy nhất không do ông Alfred Nobel lập ra. Giải này được lập vào năm 1968, nhiều năm sau khi ông Nobel qua đời.
Tới nay người Mỹ đã thống trị giải này, với các nhà kinh tế học Mỹ chiếm khoảng một nửa các giải được trao kể từ khi giải Nobel kinh tế được lập ra. Từ năm 2000 đến 2013, năm nào các nhà kinh tế Mỹ cũng giành giải hay chia sẻ giải thưởng này.
Năm ngoái, ông Oliver Hart người Anh và ông Bengt Holmstrom người Phần Lan đã đoạt giải này vì cống hiến của họ về lý thuyết hợp đồng.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41551117
Bắc Hàn: Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị
Nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, vừa tăng quyền cho em gái với việc đưa bà trở thành ủy viên dự khuyết trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên.
Kim Yo-jong, con gái út của cố lãnh đạo Kim Jong-il, sẽ thay thế vị trí của cô ruột trong Bộ Chính trị của Đảng Lao động.
Bà Kim, 30 tuổi, đã được coi là quan chức cao cấp trong đảng từ ba năm về trước.
Gia đình họ Kim cầm quyền liên tục tại Bắc Hàn kể từ khi nước này được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II, hồi 1948, cho tới nay.
Tổng thống Trump ‘úp mở’ về Bắc Hàn
Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?
Bắc Hàn và Mỹ có ‘tiếp xúc trực tiếp’
Bà Kim, người thường xuất hiện bên cạnh anh trai và được cho là người phụ trách hình ảnh của ông Kim Jong-un trước công chúng, đã tạo những ảnh hưởng nhất định trong cương vị phó Ban tuyên truyền và cổ động.
Bà bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen với cáo buộc có liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn.
Vì sao Bắc Hàn đặt mục tiêu trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân?
Việc thăng chức cho bà được ông Kim công bố tại cuộc họp của đảng hôm thứ Bảy, là một phần trong việc luân chuyển hàng chục quan chức cao cấp nữa.
Khi bà Kim được trao một vị trí then chốt trong kỳ đại hội hiếm hoi của đảng cầm quyền hồi năm ngoái, người ta đã trông đợi việc bà sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng trong dàn lãnh đạo chủ chốt của Bắc Hàn.
Trong các thông báo được đưa ra hôm thứ Bảy còn có quyết định thăng chức Ngoại trưởng Ri Yong-ho, người hồi tháng trước gọi Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ là “Tổng thống Quỷ” tại phiên họp Liên Hiệp Quốc, trở thành thành viên có toàn quyền biểu quyết trong Bộ Chính trị.
Ông Ri gần đây cáo buộc ông Trump là tuyên chiến với Bắc Hàn và nói nếu tổng thống Mỹ tiếp tục những lời lẽ đao to búa lớn “nguy hiểm” thì Hoa Kỳ sẽ trở thành mục tiêu “không thể tránh khỏi” của các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Việc thăng chức diễn ra vào thời điểm ông Kim một lần nữa khẳng định rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ tiếp tục, bất chấp các lệnh trừng phạt và những lời đe dọa.
Những bình luận của ông được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Trump viết trên Twitter rằng “chỉ có một thứ đem lại hiệu quả” trong quan hệ với Bình Nhưỡng sau nhiều năm đối thoại mà tổng thống Mỹ nói là đã không đem lại kết quả gì.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41552895
Cô em út bí ẩn của Kim Jong Un là ai ?
Ngày thứ Bảy 07/10/2017, nhân cuộc họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã thông báo bổ nhiệm em gái Kim Yo Jong làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực cao nhất tại Bắc Triều Tiên. Quyết định này cho thấy Kim Jong Un đang củng cố vị thế của gia đình ông. Nhưng cô em bí ẩn này của Kim Jong Un là ai?
Cho đến giờ phút này, giới truyền thông biết rất ít về người em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Người ta chỉ biết rằng Kim Yo Jong xuất thân dòng dõi “Paektu”, tên ngọn núi “thiêng”nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành được sinh ra, và từng phụ trách cơ quan tuyên truyền của Đảng.
Đây là một vị trí trước đó do người cô Kim Kyong Hui nắm giữ. Người phụ nữ này đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ khi chồng bà là Jang Song-Thaek bị hành quyết vào năm 2013, vì bị cáo buộc “phản quốc” và có “âm mưu phản cách mạng”.
Theo tìm hiểu của Les Echos, Kim Yo Jong, khoảng từ 28-30 tuổi, là con gái của cố lãnh đạo Kim Jong Il với người vợ thứ ba, cựu diễn viên múa Ko Yong Hui. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng Kim Yo Jong, cũng như hai người anh, đã bí mật theo học ở một trường tư tại Thụy Sĩ trong nhiều năm liền dưới một tên giả.
Một số truyền thông Hàn Quốc còn đưa ra giả thuyết là Kim Yo Jong đã lập gia đình với một quan chức của chế độ, số khác thì cho là với một cựu cảnh vệ, trong khi truyền thông Nhật Bản vẫn nghĩ là cô còn độc thân.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự việc cho thấy có một sự thay đổi thế hệ lãnh đạo. Kim Jong Un muốn “dọn sạch” những người thân tín với cha ông trước đây. Bên cạnh đó, việc thăng chức cho em gái còn nhằm tiếp tục duy trì huyền thoại về nguồn gốc xuất thân các lãnh đạo trong gia đình họ Kim, vào lúc Bắc Triều Tiên đang trải qua một cuộc khủng hoảng với Hoa Kỳ.
Theo “huyền thoại” được lan truyền, vận mệnh của dòng dõi họ Kim gắn liền với vận mệnh quốc gia và được sinh ra từ ngọn núi thiêng nằm ở phía bắc đất nước. Đây cũng là nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên khởi xướng những trận chiến “oai hùng” trong suốt những năm 1930-1940.
Một điểm khác cũng được hầu hết giới phân tích đồng chia sẻ : Thăng chức cho em gái cũng không có nghĩa người này có thể kế nhiệm Kim Jong Un trong một hệ thống quyền lực mang nặng tư tưởng Khổng Giáo và về mặt truyền thống chỉ giao quyền cho con trai trưởng.
Tuy nhiên, Kim Jong Un, nay chỉ mới có 33 tuổi, trước đó chưa hề được chỉ định là người kế thừa. Và bộ máy tuyên truyền vẫn chưa cho biết tý thông tìn gì về những người con của vị lãnh đạo trẻ tuổi với bà Ri Sol Ju. Theo tình báo Hàn Quốc, Kim Jong Un dường như đã có một con trai đầu lòng vào năm 2010, và hai đứa con khác đã lần lượt vào năm 2013 và 2017.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171009-nguoi-em-ut-bi-an-cua-kim-jong-un-la-ai
Dân châu Á nghĩ gì về các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn?
Các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Bắc Hàn đã khiến nước này bị các nước láng giềng lên án và lãnh đạo Kim Jong-un bị chế nhạo.
Mặc dù bị báo chí gọi là “chú hề quái đản” (New York Times 5/7), hay Tổng thống Donald Trump gọi là “anh hùng hỏa tiễn”, vị lãnh đạo Bắc Hàn cũng nhận được lời khen ngợi từ một số người trong cộng đồng mạng xã hội, chủ yếu là ở châu Á.
Có lẽ ý kiến của một số người sử dụng Facebook ở Việt Nam, Indonesia, Thái lan và người dùng mạng Sina Weibo của Trung Quốc không phải là tiêu biểu, nhưng cũng cho thấy ít ra là có một số người ngưỡng mộ quan điểm cứng rắn của Kim Jong-un đối với Mỹ, hay tỏ ra ngờ vực cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng Bắc Hàn.
Tổng thống Trump ‘úp mở’ về Bắc Hàn
Trên Facebook, mặc dù đa số dân mạng tỏ ý lo ngại về quyết tâm ‘theo đuổi hạt nhân’ của Bắc Hàn, một số Facebooker thực sự nghĩ rằng ông Kim Jong-un cảm thấy bị đe dọa trước khả năng bị quân đội Mỹ xâm lược, và cho rằng ông ta cần phải lên kế hoạch để tự vệ.
Facebooker Nguyễn Nam thì bình luận: “Nếu CHDCND TT thành công trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo và sản xuất hàng loạt vũ khí tối tân để phòng thủ đất nước, họ sẽ khỏi phải chịu chung số phận với Iraq, Lybia, Syria.”
Còn Nguyễn Thanh Khiết lại khuyên Bình Nhưỡng “chớ có dại” mà “từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
“Từ bỏ hạt nhân là Mỹ nó treo cổ, chớ có dại,” Nguyễn Thanh Khiết viết, “Nếu Mỹ đừng vi phạm luật pháp quốc tế, tấn công vô cớ các nước có chủ quyền và là thành viên LHQ, thì Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân”.
Mỹ thêm Bắc Hàn vào lệnh cấm nhập cảnh mở rộng
Máy bay ném bom Mỹ ‘lượn gần’ Bắc Hàn
Trung Quốc
Các bình luận của độc giả Trung Quốc trên mạng Sina Weibo đa dạng hơn. Một số người có ý mỉa mai về chính phủ Trung Quốc.
Chẳng hạn, một độc giả với tên “Saving Mr Wu” viết: vụ thử hạt nhân này gây ra cuộc động đất 6.3 độ [Richter]; lần sau, vụ thử sẽ làm thức dậy các núi lửa im lìm trên dãy Núi Changbai; khi đó người dân vùng Đông Bắc sẽ gặp nguy to.”
Độc giả Tianfuluozhaji bình luận: “Khi Nam Hàn triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở nước họ, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đưa tin chuyện này sẽ gây chất phóng xạ và ảnh hưởng đến an toàn của người dân ở các vùng lân cận; giờ đây Bắc Hàn thử hạt nhân, vụ này lại không ảnh hưởng gì đến môi trường của Trung Quốc. Tại sao lại có tiêu chuẩn kép vậy?”
Dududusheng thì đưa ra lời khuyên: “Chúng ta phải cho Mỹ biết điều then chốt để giải quyết các vấn đề hạt nhân là làm thế nào để chấm dứt tình trạng thù địch giữa Mỹ và Bắc Hàn.”
Jiuhuayiping nói: “Tội nghiệp người dân Triều Tiên – sở hữu vũ khí hạt nhân là cách duy nhất họ có thể đối phó với đe dọa và không lo sợ nữa; họ thà chết còn hơn. Đây hoàn toàn là lỗi của Mỹ.”
Độc giả Chinawangxs đặt câu hỏi: “tại sao chúng ta không phóng vài tên lửa hạt nhân sang [Bắc Hàn] và tiêu diệt nước gây rối này?”
Li Minghang 64183 trả lời: “Vì nếu có tấn công hạt nhân, Bắc Hàn, Nam Hàn, Nhật Bản và vùng Đông Bắc Trung Quốc sẽ đều bị hủy diệt, không phải quốc gia nào cũng vô trách nhiệm như Bắc Hàn.”
Bắc Hàn: Động đất nhỏ gần nơi thử vũ khí
Bắc Hàn: Vụ thử hạt nhân sẽ dẫn tới chiến tranh?
Indonesia
Một số người dùng Facebook bình luận trên trang của BBC Indonesia về các các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Họ đổ lỗi cho Mỹ.
Chẳng hạn, IsnAn Siputranirwana viết bằng tiếng Java: “Rất hay, đừng chờ quá lâu, sao các bạn không thử phóng một quả (tên lửa) nhắm vào Mỹ?”
Còn Wahyudi thì bình luận: “Trong bụng, Mỹ đang ghen tỵ và thực sự lo lắng cho đất nước của anh đó anh Kim ạ.”
Một Facebooker khác thì bình luận bằng tiếng Bahasa Indonesia: “Đừng sợ Mỹ. Bọn này chỉ khoác lác và chỉ có những quốc gia ngu ngốc mới nhận chỉ thị của Mỹ.”
Lính biên phòng đói và Bắc Hàn lung lay?
Thái Lan
Trên trang Facebook của BBC Tiếng Thái, phần lớn độc giả chia sẻ lo ngại về các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn. Tuy nhiên, một số ít người tìm cách lý giải vì sao Bắc Hàn lại có các cuộc thử này.
Pray Nakkong giải thích, “Vì Mỹ thích xâm lược [các nước khác]. Bắc Hàn đã phát triển vũ khí hạt nhân nhưng họ chưa bao giờ tấn công ai. Một nước nào đó coi nền dân chủ của mình là tốt hơn các nước khác nhưng lại đi ném bom các nước khác. “
Độc giả này cũng đổ lỗi cho truyền thông đã thông đồng với ý đồ thay đổi chế độ Bắc Hàn của Mỹ:
“Đôi khi, cuộc tấn công là sai lầm và họ dùng truyền thông để mô tả phía bên kia là kẻ xấu, là một đất nước không có tự do. Mỹ sẽ không bao giờ dám gây chiến.”
Một độc giả khác có tên Akiko bình luận bằng tiếng Thái: “[Bắc Hàn] chỉ thử nghiệm thôi, có đe dọa ai đâu. Tại sao lại sợ quá vậy Mỹ?”
Cùng chung quan điểm này, Pornchai Jinuntuya viết:
“Bắc Hàn [thử tên lửa] trong nước họ, chưa bao giờ xâm lược ai. Không phải như một nước ăn cắp, hôi của của các nước trên khắp thế giới.”
Facebooker Sarawutt Phasika trong lúc đó đặt câu hỏi về kế hoạch “phi hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên:
“Câu hỏi là: Tại sao Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển vũ khí hạt nhân mà Bắc Hàn lại không được?”
Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’
Bắc Hàn đang ‘cầu xin chiến tranh’
Các chương trình hạt nhân và thử tên lửa của Bắc Hàn gây chú ý nhiều ở các nước châu Á. Chủ đề này cũng được một số người sử dụng mạng xã hội nhắc tới như điểm tham chiếu cho các vấn đề của chính họ.
Một số ít quan sát tình hình Bắc Hàn với quan điểm văn hóa và chính trị của riêng họ và tỏ sự tức giận với Mỹ. Nhiều người khác tìm cách rút ra bài học từ một nước nhỏ trong một thế giới tàn bạo của các siêu cường.
Là nước châu Á duy nhất bị chia cắt bởi Chiến tranh Lạnh và trải qua một cuộc chiến tàn khốc với Mỹ (1964-1975), Việt Nam dường như là nước có nhiều bình luận so sánh với hai nước Nam – Bắc Hàn từ cộng đồng mạng xã hội nhất.
Bản tiếng Triều Tiên của bài đã đăng trên trang nhà của bbckorean.com.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41551116
Khủng hoảng Rohingya:
12 người chết vì thuyền lật ở Bangladesh
Ít nhất 12 người chết sau khi một chiếc thuyền chở người Hồi giáo Rohingya chạy nạn bạo lực ở Myanmar bị lật gần Bangladesh.
Một số người khác mất tích sau vụ tai nạn trên sông Naf vào cuối hôm Chủ nhật.
Tin cho hay có tới 100 người trên thuyền kể cả trẻ em.
Nỗ lực cứu hộ đang được triển khai.
Hàng chục người Rohingya thiệt mạng khi cố gắng vượt biên qua Bangladesh trong bối cảnh xảy ra đàn áp quân sự ở bang Rakhine của Miến Điện.
Con số chính xác về người trên chiếc thuyền bị lật vào hôm Chủ Nhật vẫn chưa được rõ, với các quan chức bảo vệ biên giới Bangladesh ước tính từ 40 đến 100 người.
Giới chức nói cho tới nay vớt được thi thể của 10 trẻ em, một phụ nữ và một người đàn ông.
Đây là sự cố mới nhất trong một loạt các vụ chết người liên quan đến thuyền chở người Rohingya di cư đến Bangladesh.
LHQ cảnh báo ‘ác mộng nhân đạo’ với Rohingya
Dân thường Rohingya ‘thương tật vì mìn’
Khoảng 60 người được cho là đã chết trong một vụ tai nạn tương tự vào cuối tháng Chín.
Trong khi nhiều người trốn qua biên giới theo đường đất liền, những người khác đã cố gắng để vượt biên bằng những chiếc thuyền đánh cá nhỏ và ọp ẹp.
“Có quá nhiều người vẫn sẵn sàng lên thuyền đã quá đông, và nhiều người có khả năng không biết bơi. Họ tự mang rủi ro tính mạng tới cho mình khi vượt biên vào Bangladesh,” Evan Schuurman, một phát ngôn viên cơ quan cứu trợ Save the Children cho biết.
Nói từ Bangladesh, ông Schuurman cũng nói với chương trình Newsday của BBC rằng cuộc khủng hoảng người nhập cư là ở mức “báo động đối với trẻ em”.
“Một trong những điều rất rõ ràng khi tới các trại tị nạn của người Rohingya là trẻ em đang bị tổn thương về tâm lý và chịu đựng đau khổ.”
Bạo lực ở Myanmar đã lâm vào “tình trạng tị nạn khẩn cấp nhất thế giới” và là “cơn ác mộng nhân đạo”, Tổng thư ký LHQ cảnh báo hồi cuối tháng Chín.
Ông Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi Myanmar chấm dứt hoạt động quân sự, vốn đã gây ra cuộc di dân của hơn 500.000 người Hồi giáo Rohingya kể từ tháng Tám.
Ông Guterres cũng cảnh báo rằng “việc không giải quyết được bạo lực một cách có hệ thống tình trạng sẽ lan đến miền trung Rakhine, nơi khoảng 250.000 người Hồi giáo khác có thể phải di tản.”
Trước đó, nhân viên cứu hộ của Liên Hợp Quốc đã bị ép buộc phải rời khỏi Rakhine khi quân đội bắt đầu một cuộc đàn áp các tay súng người Rohingya sau vụ tấn công vào các lực lượng an ninh Myanmar vào tháng Tám.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41549155
Châu Phi ‘khủng hoảng lừa’ vì TQ lột da làm thuốc
Tin cho hay Uganda, Tanzania, Botswana, Niger, Burkina Faso, Mali, và Senegal đều cấm xuất khẩu thịt và da lừa sang Trung Quốc.
Lý do là, như phóng viên Alastair Leithead của BBC News tìm hiểu, người Trung Quốc khoái ăn loại cháo có chất gelatin từ da lừa, và nhập hàng triệu tấm da về, gây ra nạn bắt trộm lừa đem bán sang Trung Quốc.
Dùng vào Đông y và món khoái khẩu
Một cân gelatin từ da lừa có thể bán được 380 USD và câu chuyện đằng sau ‘khủng hoảng lừa quốc tế’ là vì bản thân Trung Quốc đã thịt khá nhiều lừa của họ.
Lừa ở Trung Quốc đã giảm nhiều (từ 11 triệu con năm 1990 xuống 3 triệu hiện nay) vì thịt lừa là món ăn khoái khẩu.
Trung Quốc vượt Mỹ về số tỷ phú
Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc
Giải mã chiến thuật ba bước của Trung Quốc
Nhưng điều quan trọng hơn là da lừa được dùng vào Đông y và ‘thực phẩm lành mạnh’ ở Trung Quốc nên trở thành mục tiêu làm thịt.
Lừa cũng sinh đẻ chậm nên người Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn cung cấp ở bên ngoài.
Theo một hội từ thiện là ‘The Donkey Sanctuary’ có trụ sở ở Anh, trên thế giới mỗi năm có 1,8 triệu bộ da lừa được đưa vào thị trường mua bán.
Nhưng nhu cầu nay lên tới 10 triệu bộ một năm.
Bài báo của phóng viên BBC mô tả châu Phi là nơi gặp ‘khủng hoảng lừa’ nặng nhất vì lừa là sức kéo và làm nông, nhất là ở các vùng nghèo.
Nông dân châu Phi nay gặp cảnh thiếu lừa, loài gia súc có sức kéo ở vùng nông thôn của họ.
‘Carlos bị giết và lột da’
Phóng viên BBC gặp người làm nghề vận chuyển nước Anthony Maupe Wanyama, 29 tuổi ở Kenya.
Con lừa ‘Carlos’ của anh được bốn tuổi và làm việc tốt.
Anthony và chú lừa Carlos sống ở Ongata Rongai, ngoại ô Nairobi.
Nhưng Anthony kể “một sáng tôi thức dậy thì thấy Carlos đã biến mất, tôi tìm quanh khu vực thì biết nó đã bị giết và lột da”.
Vừa kể nước mắt vừa chảy xuống má Anthony.
Trung Quốc vượt Mỹ về số tỷ phú
Vì sao Quân đội TQ thôi làm kinh tế?
Chúc Tết Trung Hoa hay Năm Mới Âm lịch?
Nay anh phải thuê một con lừa khác để làm công việc kéo xe chở các can nhựa mang nước sạch đến cho các hộ gia đình.
Ngay tại Kenya cứ mỗi ngày người ta làm thịt ít nhất 150 con lừa, đông lạnh thịt và dùng muối tẩm ướp da để xuất khẩu.
Nhưng thu nhập của Anthony bị giảm vì cứ làm được 3-4 đô la một ngày, anh phải trả cho chủ con lừa một nửa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41556568
Cựu giám đốc công an Trùng Khánh bị khai trừ đảng
Tại Hoa Lục, nguyên giám đốc công an thành phố Trùng Khánh vừa bị khai trừ đảng sau khi cơ quan chống tham nhũng của đảng cộng sản Trung Quốc ra kết luận ông này lạm dụng chức vụ và công quỹ.
Trong thông cáo ngắn, Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rằng ông Tha Đinh (He Ting) phí phạm công quỹ, tham dự những buổi tiệc tùng của các công ty tư nhân, can thiệp vào việc thăng chức cũng như thủ lợi từ những công ty của thân nhân.
Ngoài ra cơ quan này cho nói bản thân cựu giám đốc công an Trùng Khánh, Tha Đinh, còn tham gia vào những hoạt động mê tín dị doan khi thường đến lễ bái ở các đền miếu và xem bói toán.
Ngoài biện pháp bị khai trừ đảng, ông Tha Đinh còn bị buộc về hưu non; đồng thời tài sản bất hợp pháp bị tịch thu. Tuy nhiên Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho biết ông Tha Đinh có bị khởi tố hình sự về những sai phạm như được nêu ra hay không.
Trùng Khánh là một trong những thành phố quan trọng nhất tại Hoa Lục. Nguyên bí thư Bạc Hy Lai của thành phố này từng được xem là một nhân vật sáng giá tham gia hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc; tuy nhiên vào năm 2013 ông này bị kết án chung thân với cáo buộc tham nhũng.
Nguyên giám đốc công an thời ông Bạc Hy Lai, ông Vương Lập Quân, cũng bị tù trong vụ tai tiếng vợ bí thư sát hại một doanh nhân người Anh.
Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền cách đây 5 năm tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ mệnh danh chống tham nhũng ‘đả hổ, diệt ruồi’. Giới quan sát cho rằng đó là biện pháp để củng cố vị trí quyền lực của chủ tịch họ Tập.
Nga mua quảng cáo ‘lái’ dư luận trên Google?
Google đã phát hiện các hoạt vụ Nga chi hàng chục nghìn đôla mua quảng cáo trên YouTube, Gmail, công cụ tìm kiếm Google và các sản phẩm khác.
Reuters dẫn lại thông tin của tờ The Washington Post hôm 9/10 đưa tin rằng dường như các quảng cáo đó không phải được mua bởi một tổ chức có liên quan tới Điện Kremlin, vốn từng có hành động tương tự trên Facebook, trong nỗ lực “lái” thông tin của Nga.
Google là công ty có doanh thu quảng cáo thuộc loại lớn nhất thế giới, và YouTube là mạng chia sẻ video lớn nhất trên toàn cầu.
Reuters cho đưa tin rằng Google, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Alphabet, chưa trả lời ngay về đề nghị bình luận.
Google lâu nay đã lên tiếng giảm nhẹ khả năng gây ảnh hưởng của Nga trên các trang web của mình, nhưng đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này, theo The Washington Post.
Cả Twitter và Facebook nói rằng Nga đã mua quảng cáo cũng như có tài khoản trên các trang của họ.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã mở một loạt các cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, mà các nhà lập pháp thuộc cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều nói rằng Moscow tìm cách gây chia rẽ ở Mỹ và tạo lợi thế cho ông Trump giành chiến thắng.
Cùng với đại diện của Twitter và Facebook, các quan chức Google dự kiến sẽ ra điều trần công khai trước các ủy ban tình báo của cả Hạ viện và Thượng viện vào ngày 1/11 về nỗ lực của Nga nhằm sử dụng trang web của các công ty này để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.
https://www.voatiengviet.com/a/google-phat-hien-nga-mua-quang-cao/4062455.html
Nga, TQ kêu gọi kiềm chế sau tuyên bố của ông Trump
Điện Kremlin hôm 9/10 kêu gọi kiềm chế về vấn đề Bắc Hàn, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về “điều duy nhất có hiệu quả” khi đương đầu với Bình Nhưỡng, ám chỉ tới giải pháp quân sự, theo Reuters.
Khi được hỏi phía Nga suy nghĩ gì về bình luận của ông Trump, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, trả lời trong một cuộc họp báo qua điện thoại:
“Moscow đã kêu gọi và tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tới cuộc xung đột và những ai có liên quan tới vấn đề này hãy kiềm chế và tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm tình hình xấu đi”.
Trong khi đó, phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 9/10 lặp lại lời kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, đồng thời miêu tả tình hình hiện nay là hết sức phức tạp và nghiêm trọng.
Bà Hoa nói rằng Trung Quốc hy vọng mọi bên không làm tình hình xấu đi cũng như phát ngôn và hành động thận trọng, theo Reuters.
Trên Twitter hôm 7/10, ông Trump viết: “Các đời tổng thống và chính quyền của họ đã nói chuyện với Bắc Hàn 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả”.
Ông viết thêm: “… Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả!”
Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự.
Cùng ngày Tổng thống Mỹ tweet về Bắc Hàn, lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương của nước này rằng vũ khí hạt nhân của nước này là “một sự phòng thủ đầy sức mạnh” nhằm bảo vệ chủ quyền.
Trong khi đó, bình luận về một tuyên bố khác của ông Trump rằng Hoa Kỳ có thể rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran, phát ngôn viên của Nga nói rằng một bước đi như vậy sẽ có “các hệ quả tiêu cực”.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-keu-goi-kiem-che-sau-tuyen-bo-cua-ong-trump/4062318.html
Trung Quốc trừng phạt hơn triệu quan chức vì nhận hối lộ
Một cơ quan chống hối lộ của Trung Quốc cho biết rằng hơn 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt kể từ năm 2013 tới nay trong một chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Tập từng coi cuộc chiến chống tham nhũng, gọi là “đả hổ diệt ruồi”, nhắm cả vào quan chức cấp cao và cấp thấp là một chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ kéo dài năm năm của ông.
Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội 19 vào cuối tháng này, và tại sự kiện diễn ra hai lần trong một thập kỷ này, ông Tập dự kiến sẽ củng cố quyền lực và thúc đẩy các chính sách của mình, theo Reuters.
Hãng này dẫn lời Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) hôm 8/10 nói rằng trong số trên có gần 700 nghìn quan chức cấp làng xã, và phần lớn tội trạng liên quan tới tham nhũng quy mô nhỏ.
Trong khi phần lớn chiến dịch chống hối lộ nhắm vào các quan chức cấp làng xã và quận huyện, một số nhân vật cấp cao cũng đã bị sa thải.
Hồi tháng Tám, người đứng đầu ủy ban chống hối lộ của Bộ Tài chính Trung Quốc đã bị điều tra vì bị nghi nhận hối lộ.
Trung Quốc trừng phạt hơn triệu quan chức vì nhận hối lộ
Một cơ quan chống hối lộ của Trung Quốc cho biết rằng hơn 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt kể từ năm 2013 tới nay trong một chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Tập từng coi cuộc chiến chống tham nhũng, gọi là “đả hổ diệt ruồi”, nhắm cả vào quan chức cấp cao và cấp thấp là một chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ kéo dài năm năm của ông.
Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội 19 vào cuối tháng này, và tại sự kiện diễn ra hai lần trong một thập kỷ này, ông Tập dự kiến sẽ củng cố quyền lực và thúc đẩy các chính sách của mình, theo Reuters.
Hãng này dẫn lời Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) hôm 8/10 nói rằng trong số trên có gần 700 nghìn quan chức cấp làng xã, và phần lớn tội trạng liên quan tới tham nhũng quy mô nhỏ.
Trong khi phần lớn chiến dịch chống hối lộ nhắm vào các quan chức cấp làng xã và quận huyện, một số nhân vật cấp cao cũng đã bị sa thải.
Hồi tháng Tám, người đứng đầu ủy ban chống hối lộ của Bộ Tài chính Trung Quốc đã bị điều tra vì bị nghi nhận hối lộ.
Con đường xóa bỏ vũ khí nguyên tử còn rất dài
Thứ sáu tuần trước, 06/10/2017, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen thông báo giải Nobel Hòa bình 2017 được trao tặng cho ICAN, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân, vì những nỗ lực của liên minh này hướng tới mục tiêu xóa bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt.
ICAN là một liên minh quy tụ hàng trăm tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho hòa bình và phát triển, tại khoảng 100 quốc gia. Từ 10 năm nay, ICAN vẫn liên tục báo động về nguy cơ của các vũ khí nguyên tử và vận động đòi hủy bỏ loại vũ khí này.
Nhân dịp loan báo giải Nobel Hòa bình, chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy kêu gọi các cường quốc hạt nhân tiến hành các cuộc « đàm phán nghiêm túc » để hướng tới việc loại trừ hoàn toàn vũ khí nguyên tử. Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân cho rằng đã đến lúc thế giới cấm hoàn toàn vũ khí nguyên tử, do nguy cơ xung đột bằng loại vũ khí hủy diệt này ngày càng lớn. Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc thì tuyên bố việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN là một « dấu hiệu tốt » cho khả năng ký kết và phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Nhưng con đường đi đến mục tiêu đó hãy còn rất xa, nếu không muốn nói là không thể được.
Tháng 7 vừa qua, 122 quốc gia, tức là gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc, đã ký thông qua một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Thế nhưng hiệp ước này thật ra chỉ mới mang tính biểu tượng, vì nó không có chữ ký của 9 cường quốc hạt nhân hiện nay (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên), tức là những quốc gia đang nắm trong tay 15 ngàn vũ khí nguyên tử. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia duy nhất cho tới nay bị tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, cũng đã tẩy chay các cuộc thương lượng về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đa số các nước trong khối NATO cũng không tham gia đàm phán.
Pháp bị chỉ trích
Giải thích lý do vì sao Paris không tham gia ký kết hiệp ước tháng 7, bộ Ngoại giao Pháp đã cho rằng hiệp ước này « không phù hợp với bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay », với các căng thẳng gia tăng, với việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà cụ thể là mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thông cáo của bộ Ngoại giao Pháp còn viết thêm : « Nước Pháp đã không tham gia các cuộc thương lượng về hiệp ước này và không có ý định tham gia hiệp ước (… ) Việc giải trừ vũ khí hạt nhân không thể được áp đặt mà phải được xây dựng nên. »
Nói cách khác, Paris vẫn dựa trên cái logic răn đe hạt nhân: Khi nào mà còn những nước như Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công bằng vũ khí nguyên tử vào những nước khác trên thế giới, thì tốt nhất là hãy khoan giải trừ vũ khí.
Chi nhánh Pháp của ICAN ngay hôm thứ sáu tuần trước đã không bỏ lỡ dịp này để chỉ trích thái độ của nước Pháp. Theo ICAN, trong 10 năm vận động, họ đã đạt được một điều là vũ khí hạt nhân bị xem là vũ khí bất hợp pháp, tương tự như vũ khí hóa học và vi trùng. Thế mà, theo ICAN, nước Pháp lại chỉ trích bước tiến về pháp lý và pháp luật quốc tế đó và như thế là đang « đi ngược lại chiều hướng lịch sử ». Họ hy vọng là giải Nobel Hòa bình sẽ « mở mắt »tổng thống Pháp Macron, một người đã sáng lập ra phong trào « Tiến Bước ».
Theo kết quả một cuộc thăm dò vào tháng 12/2016, có đến 71% dân Pháp cho rằng hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là tốt cho hòa bình thế giới và 68% yêu cầu nước Pháp phải thay đổi lập trường.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố vẫn không có ý định ký kết hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhưng họ khẳng định là Washington vẫn “cam kết tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân” và cũng đang tích cực tham gia “cải thiện môi trường an ninh thế giới và giảm các nguy cơ hạt nhân trên toàn cầu ».
Thông điệp gởi tổng thống Trump
Giải Nobel Hòa bình trao cho ICAN có thể nói là một lời cảnh báo gởi đến tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang phải đối phó cùng một lúc với hai khủng hoảng hạt nhân : Bắc Triều Tiên và Iran.
Trước hết là về hồ sơ Iran. Cho tới nay, tổng thống Trump vẫn chống hiệp định hạt nhân mà người tiền nhiệm Barack Obama đã tham gia ký với Iran. Không chắc là giải Nobel Hòa bình 2017 sẽ làm ông Trump thay đổi ý kiến.
Trên nguyên tắc, theo luật định, cứ 90 ngày, tức là trễ nhất là đến ngày 15/10 tới, tổng thống Trump phải chứng nhận là Iran có tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký với 6 cường quốc vào năm 2015 hay không. Hiệp định này chính là nhằm bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của Iran chỉ có tính chất dân sự và hòa bình, chứ không phải là nhằm trang bị vũ khí nguyên tử.
Đúng vào ngày giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, báo chí Mỹ loan tin là tổng thống Donald Trump sẽ không chứng nhận Iran đã tuân thủ hiệp định hạt nhân và như vậy là sẽ để cho Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định có ban hành trở lại hay không các biện pháp trừng phạt Teheran. Nói cách khác, quả bóng hiện giờ đang nằm bên sân các nghị sĩ Mỹ.
Theo các nhà phân tích, giải Nobel Hòa bình trao cho ICAN có thể có tác động đến suy nghĩ của các nhà ngoại giao Mỹ và nghị sĩ Quốc Hội Mỹ và một số nhân vật có ảnh hưởng, như bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, cũng chủ trương là nên duy trì hiệp định hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài lo ngại là việc Mỹ rút khỏi hay xét lại hiệp định hạt nhân Iran sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nhất là vì thái độ của tổng thống Trump đối với Iran khiến Bình Nhưỡng càng có lý do để không tin tưởng vào Hoa Kỳ, bởi vì có ký thỏa thuận với Washington cũng như không. Việc tổng thống Trump dọa « hủy diện hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và tuyên bố rằng thương lượng với Bình Nhưỡng chỉ « làm mất thời giờ » càng khiến cho khả năng giải quyết hồ sơ hạt nhân bằng con đường hòa bình thêm xa vời.
Về phần nước Nga, một trong những quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay tuyên bố « tôn trọng » việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN, tái khẳng định rằng Matxcơva vẫn theo đuổi chính sách không phổ biến hạt nhân. Nhưng Nga cũng không hề tỏ ý định sẽ ký kết hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Khối NATO thì cũng phản ứng tương tự, nói rằng họ có cùng mục tiêu với ICAN, nhưng « lấy làm tiếc là các điều kiện chưa thuận lợi cho việc tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân ».
Vũ khí hạt nhân trên thế giới
Mặc dù số đầu đạn hạt nhân trên thế giới nay đã giảm rất nhiều, từ 64 ngàn vào năm 1986 xuống chỉ còn khoảng hơn 15 ngàn vào năm 2017, nhưng gần 90% vũ khí nguyên tử hiện nằm trong tay Hoa Kỳ và Nga. Theo thẩm định của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, khoảng 4 ngàn đầu đạn hạt nhân đã được triển khai và sẳn sàng được sử dụng.
Theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (TNP), ký vào năm 1968 và có hiệu lực kể từ năm 1970, năm cường quốc hạt nhân thời đó là Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc đã cam kết sẽ không chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự cho các nước khác. TNP cũng cấm các nước chưa có vũ khí nguyên tử không được trang bị hoặc sản xuất loại vũ khí này. Nhưng từ đó đến nay lại có thêm 4 quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử : Pakistan, Ấn Độ, Israel, ba nước không ký kết TNP và gần đây nhất là Bắc Triều Tiên, đã rút khỏi hiệp ước từ năm 2003. Hiện chỉ có một số nước từ bỏ vĩnh viễn vũ khí nguyên tử là Thụy Điển (1968), Thụy Sĩ (1969), Nam Phi (1991) và các nước Cộng hòa Liên Xô cũ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171009-con-duong-xoa-bo-vu-khi-nguyen-tu-con-rat-dai
Nobel Kinh Tế:
Yếu tố tâm lý và xã hội trong mua sắm và đầu tư
Giải thưởng cuối cùng khép lại mùa Nobel hàng năm luôn dành vinh danh một kinh tế gia. Hôm nay (09/10/2017), giáo sư Richard Thaler, 72 tuổi, trường đại học Chicago được trao tặng giải Nobel Kinh tế 2017 nhờ nghiên cứu về những “yếu tố tâm lý và xã hội” trước mỗi quyết định mua sắm hay đầu tư.
Công trình nghiên cứu của giáo sư Thaler giải thích thái độ của mỗi người khi họ quyết định mua một món hàng hay bỏ ra hàng tỷ đô la đầu tư trên các sàn chứng khoán. Giáo sư Thaler đã chỉ ra rằng “yếu tố con người” ảnh hưởng một cách máy móc đến quyết định của mỗi cá nhân, và qua đó định đoạt luôn cả những chuyển biến trên thị trường.
Giải Nobel Kinh Tế 2017 về tay giáo sư người Mỹ Richard Thaler, một lần nữa khẳng định vị trí áp đảo của các kinh tế gia Hoa Kỳ. Kể từ khi giải thưởng cao quý này được thành lập, các chuyên gia Mỹ đã 57 lần đoạt bảng vàng trên tổng cộng 79 lần.
Đến ngày 10/12/2017, đúng ngày giỗ của Alfred Nobel, lễ trao giải Nobel Kinh Tế, Văn Học, Y Khoa, Vật Lý và Hóa Học sẽ được tổ chức tại thủ đô Thụy Điển, Stockholm. Riêng giải Nobel Hòa Bình được trao cùng ngày, nhưng tại Oslo, thủ đô Na Uy.
Iran : Một nhà đàm phán thỏa thuận hạt nhân lãnh án tù
Ngành tư pháp Iran, hôm qua 08/10/2017, đã kết án 5 năm tù giam một nhà đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo phát ngôn viên ngành tư pháp Iran, ông Abdolrasoul Dorri Esfahani bị cáo buộc làm gián điệp và cung cấp thông tin tình báo cho nước ngoài.
Thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :
“Phát ngôn viên ngành tư pháp Iran, ông Gholomhossein Mohseni Ejeje khẳng định rằng, ông Abdoulrasoul Dorri Esfahani, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bị kết án 5 năm tù vì tội gián điệp và cung cấp thông tin tình báo cho nước ngoài. Theo phát ngôn viên ngành tư pháp, bị cáo có dính líu tới cả hai cơ quan tình báo nước ngoài và sẽ không có quyền kháng án.
Theo nhiều tờ báo theo xu hướng bảo thủ của Iran, ông Dorri Esfahani có cả quốc tịch Anh và Canada.
Chính quyền của tổng thống Hassan Rohani vẫn chưa có phản ứng về bản án này.
Các quan chức và giới báo chí bảo thủ đã cáo buộc chuyên gia này cung cấp thông tin cho các cường quốc phương Tây, làm suy yếu vị thế của Iran trong các cuộc thương lượng.
Bản án này được đưa ra trong bối cảnh Iran đang gặp khó khăn trong việc bình thường hóa quan hệ với các ngân hàng quốc tế lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài ngày nữa sẽ đặt lại vấn đề về thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc Iran không tôn trọng thỏa thuận này, trong khi các cường quốc khác, đặc biệt là các nước châu Âu, lại có ý kiến trái ngược.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171009-iran-an-tu-danh-cho-mot-nha-dam-phan-thoa-thuan-hat-nhan
Merkel chấp nhận hạn chế số người tị nạn ở Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn đang trong quá trình thương thuyết với một chính đảng để thành lập chính phủ liên minh. Hai tuần sau bầu cử Quốc Hội Đức, phe bảo thủ cố gắng tìm kiếm đồng thuận trước khi đàm phán với đảng Xanh và đảng Tự Do Dân Chủ.
Hôm qua, 08/10/2017, sau nhiều giờ thương lượng căng thẳng, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của bà Angela Merkel và đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo CSU Bayern CSU đã đạt được đồng thuận trên hồ sơ di dân.
Từ Berlin, thông tín viên RFI, Pascal Thibault tường thuật :
« Một bên thì cứ khăng khăng ý kiến của mình từ hai năm qua. Khi yêu cầu bằng mọi giá giới hạn không quá 200 000 di dân mỗi năm sau việc Đức ồ ạt nhận người nhập cư, lãnh đạo đảng CSU Bayern Horst Seehofer đã gây khó khăn cho Angela Merkel. Trong suốt cuộc họp, thủ tướng Đức nhắc đi nhắc lại bà không muốn một giới hạn như thế.
Sau nhiều giờ thảo luận, cả hai đảng bảo thủ đã đồng ý với con số 200 000 di dân mỗi năm, tránh dùng đến nhóm từ “giới hạn cao nhất” . Một hạn mức bao gồm cả những người nộp đơn xin tị nạn, những người được tiếp nhận vì lý do nhân đạo hay đoàn tụ gia đình.
Thỏa thuận nêu rõ là sẽ không có người nào bị trả ra khỏi biên giới. Tất cả những người nào có ý định xin tị nạn giờ vẫn có thể được phép, vì quyền này đã được ghi trong Hiến Pháp và không thể bị hạn chế. Bà Angela Merkel đã áp đặt đường lối của bà trên điểm này.
Thỏa thuận này còn mang tính thực dụng. Trong trường hợp có khủng hoảng di dân hay nhân đạo quan trọng, nghị viện có thể tranh luận giải pháp cần đưa ra, ví dụ như xét lại việc nâng cao giới hạn 200 000 người.
Con số này không liên quan đến tình trạng di dân đến từ những nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vì nguyên tắc tự do lưu thông. Đối với di dân kinh tế đến từ những quốc gia khác, CDU và CSU đề nghị một hệ thống quota tùy thuộc theo nhu cầu nhân công tại Đức. »
Wolfgang Schäuble từ giã sân khấu quốc tế
Bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble hôm nay 09/10/2017 có lời từ giã với các đồng nhiệm châu Âu nhân buổi họp cuối cùng của ông với nhóm Eurogroupe. Là một người nổi tiếng và rất được Bruxelles kính nể, ông Wolfgang Schäuble từng là một trong những thành viên có tiếng nói quan trọng và thâm niên nhất trong nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung của châu Âu.
Nay ở tuổi 75, nhân vật thân tín nhất của thủ tướng Đức Angela Merkel, dù đôi khi cũng có những bất đồng, chuẩn bị đảm nhiệm vai trò chủ tịch Quốc Hội Đức Bundestag.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171009-merkel-chap-nhan-han-che-so-nguoi-ti-nan-o-duc
Catalunya: Phe đòi độc lập quyết đi tới cùng
Áp lực tối đa đang đè nặng lên phe chủ trương tách rời Catalunya khỏi Tây Ban Nha, nhưng lãnh đạo phe ly khai, Carles Puigdemont giữ nguyên ý định “tuyên bố độc lập” vào ngày 10/10/2017. Madrid bác bỏ đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu cho mở điều tra về các vụ bạo hành trong ngày tổ chức trưng cầu dân ý Chủ Nhật 01/10/2017.
Vào lúc 6 giờ tối ngày 09/10/2017, giờ quốc tế, Nghị Viện Catalunya họp lại trước khi ra quyết định sau cùng về quy chế độc lập cho vùng đất nơi mà 16 % dân cư Tây Ban Nha đang sinh sống. Trước mắt lãnh đạo phong trào đòi ly khai, Puigdemont vẫn chưa từ bỏ khả năng tuyên bố độc lập, bất chấp việc hôm qua, có từ 300 ngàn đến 1 triệu người tuần hành tại trung tâm thành phố Barcelona vì một quốc gia “thống nhất”.
Từ một tuần qua, các sinh hoạt và hoạt động vùng Catalunya bị xáo trộn trước kịch bản Catalunya độc lập. Trong tuần, nhiều công ty trong vùng Catalunya dọa sẽ dời trụ sở khỏi Barcelona, nếu như vùng lãnh thổ này tách khỏi Tây Ban Nha. Theo hãng tin AFP, hôm nay các doanh nhân trong vùng tiếp tục gây sức ép với chính quyền địa phương, đòi ông Puigdemont từ bỏ ý định ly khai.
Cựu bộ trưởng Tây Ban Nha, nguyên là chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, ông Josep Borrel ngày 08/10/201, kêu gọi cả Barcelona lẫn Madrid tránh đẩy đất nước “xuống vực thẳm”. Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cũng cho rằng, “đối thoại” là giải pháp duy nhất đưa Catalunya và Tây Ban Nha thoát khỏi ngõ cụt.
Cho đến trưa nay, Nghị Viện Catalunya, nơi phe đòi ly khai chiếm đa số, vẫn khẳng định : “Mồng 10 tháng 10 sẽ là ngày Catalunya tuyên bố độc lập”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171009-tay-ban-nha-phe-doi-doc-lap-cho-catalunya-quyet-di-toi-cung
Kim Jong Un : Hạt nhân là “vũ khí răn đe” bảo đảm hòa bình
Theo tiết lộ của báo chí Bình Nhưỡng ngày 08/10/2017, phát biểu nhân hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Triều Tiên, Kim Jong Un đã đề bạt em gái Kim Yo Jong, 28 tuổi, vào Bộ Chính Trị. Đây cơ quan quyền lực nhất của chế độ. Ngoài ra lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhìn nhận đất nước đang trải qua nhiều “thử thách”, nhưng vũ khí hạt nhân là “phương tiện bảo đảm an ninh và sự trường tồn cho đất nước”
Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul cho biết thêm :
“Kho vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên là “phương tiện răn đe mãnh liệt, bảo vệ vững bền hòa bình trước những đe dọa từ phía đế quốc Mỹ”. Trong cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng hôm thứ Bảy 07/10, ông Kim Jong Un đã tuyên bố như trên. Các phương tiện truyền thông tại Bình Nhưỡng phổ biến rộng rãi bài diễn văn này vài giờ sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump qua mạng Twitter đã chỉ trích các nỗ lực ngoại giao đối với Bình Nhưỡng và một lần nữa, lãnh đạo Mỹ úp mở đề cập tới khả năng quân sự.
Seoul ngày càng lo ngại trước thái độ cứng rắn muốn loại bỏ vế ngoại giao của chủ nhân Nhà Trắng. Đồng thời lập trường của tổng thống Trump như đang củng cố thêm quyết tâm của Kim Jong Un.
Cũng nhân hội nghị Trung Ương Đảng, ông Kim đã chỉ định người em gái là cô Jim Yo Jong, 28 tuổi, làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị. Một nhân vật thân tín khác của ông là Choi Yong Rae được đề bạt vào Quân Ủy của Đảng Lao Động Triều Tiên, một cơ quan tập trung nhiều quyền lực. Bất chấp những căng thẳng, hay có lẽ chính vì những căng thẳng ấy, mà gia đình họ Kim đang thắt chặt đoàn kết và thâu tóm thêm quyền lực”.
Công tác tại Bình Nhưỡng hồi tuần trước, dân biểu Nga Anton Morozov nghĩ là Bắc Triều Tiên sẽ lại bắn thử tên lửa trong những ngày tới. Tại Washington, một nhà quan sát cũng cho rằng, có nhiều khả năng là vụ bắn thử tên lửa mới sẽ diễn ra ngày 10/10, nhân kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao Động Triều Tiên.
Hàn Quốc chuẩn bị trả đũa
Theo hãng tin Yonhap, Seoul đã làm chủ công nghệ chế tạo bom graphite, có khả năng cho nổ cầu chì, làm tê liệt hệ thống điện lực của Bắc Triều Tiên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một nguồn tin thông thạo từ Cơ Quan Phát Triển Quốc Phòng ADD của Hàn Quốc cho rằng Seoul đã trong tư thế sẵn sàng, và có thể kích hoạt loại vũ khí này “bất cứ lúc nào”.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc dự trù tăng thêm 500 triệu won (tương đương với 436.000 đô la), cho ngân sách vào năm tới để phát triển thêm phương tiện phòng thủ này. Bom graphite, được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991), đã làm tê liệt khoảng 85 % hệ thống điện lực của Irak.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171009-kim-jong-un-hat-nhan-la-vu-khi-ran-de-bao-dam-hoa-binh
Nhà máy sản xuất xe vận tải Navistar Mexico nguy cơ đình đốn
vì Mỹ nâng thuế nhập cảng
Nuevo Leon, Mexico. (Reuters)- Tương lai của nhà máy lắp ráp xe hơi khổng lồ Escobedo Navistar của Mexico tuỳ thuộc Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ NAFTA, một thoả ước đang ngày càng trở nên bấp bênh.
Navistar là nhà máy sản xuất xe vận tải lớn nhất thế giới hiện nay, thuộc sở hữu của một công ty Hoa Kỳ, rộng 100 mẫu tây, toạ lạc tại Nuevo Leon ở miền bắc Mexico. Navistar xuất cảng sang 30 quốc gia. Hơn ¾ số lượng xe vận tải của công ty này sản xuất tại Mexico, sau đó được đưa sang Bắc Mỹ. Navista phát triển mạnh nhờ được miễn thuế nhập cảng các loại phụ tùng xe, theo khuôn khổ của Hiệp ước NAFTA.
Vào Năm 1993, họ chỉ xuất cảng 1,040 chiếc. Đến năm 2016, Novistar đã xuất 106,161 chiếc cho thị trường Bắc Mỹ.
Các nhà thương thuyết Hoa Kỳ, Mexico và Canada trong tuần này sẽ lại tham dự các cuộc họp ở Washington, vòng đàm phán thứ tư để thảo luận về việc sửa đổi NAFTA.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các cuộc thương lượng giữa chính phủ Trump và đại diện Mexico, Canada đang lâm vào tình trạng bế tắc. Các viên chức Mexico chỉ trích tổng thống Trump đang hướng đến cuộc chiến bảo hộ thương mại trong vùng bằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” bằng cách dựng lên vô số những rào cản thương mại.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy của Mexico đã phải tìm kiếm các khách hàng khác thay vì chỉ có Hoa Kỳ, vì sợ rằng tổng thống Trump sẽ hủy bỏ NAFTA. (Song Châu)
Phó tổng thống rời sân vận động
sau khi cầu thủ quỳ gối trong lúc chào cờ
Indianapolis, Indiana. (Reuters) – Phó tổng thống Mike Pence bỏ ngang trận đấu bóng bầu dục, sau khi nhìn thấy một số cầu thủ của San Francisco 49ers quỳ gối khi bài quốc ca “Star Spangled Banner” trỗi lên.
Quỳ gối trong bài quốc ca là hình thức biểu tình của một số cầu thủ NFL, nhằm phản đối tình trạng bạo lực của cảnh sát đối với người thiểu số. Hôm qua 8 tháng 10, phó tổng thống tới xem trận đấu giữa Indianapolis Colts và San Francisco 49ers, và đã rời sân vận động.
Sau đó, trong một tuyên bố được Tòa Bạch Ốc phát hành, phó tổng thống cho biết ông không xem trận đấu giữa Indianapolis Colts và San Francisco 49ers, vì Tổng Thống Trump và ông sẽ không hiện diện tại sự kiện nào tỏ ra thiếu tôn trọng binh sĩ quân đội Mỹ, lá quốc kỳ hoặc bài quốc ca của đất nước.
Trong thời gian qua, Tổng Thống Trump nhiều lần chỉ trích cầu thủ quỳ gối khi nghe quốc ca, và yêu cầu NFL sa thải những cầu thủ đó. Tuy nhiên quyền phản đối cũng như quyền biểu tình của người Mỹ được Tu Chính Án thứ nhất bảo vệ. Phó tổng thống nói mọi người có quyền thể hiện ý kiến của họ, nhưng việc yêu cầu cầu thủ NFL tôn trọng quốc ca và quốc kỳ đất nước không phải là điều quá đáng. Ông nhấn mạnh ủng hộ Tổng Thống Trump, ủng hộ binh sĩ quân đội Mỹ, sẽ luôn đứng thẳng vì lá cờ và quốc ca của nước Mỹ. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/pho-tong-thong-roi-san-van-dong-sau-khi-cau-thu-quy-goi-trong-luc-chao-co/