Bản tin ngày 8/10/2017
Báo Tiếng Dân
Nhà báo Huy Đức cho biết thêm, ông Tống Quốc Trường từng được ông Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc Tài chính Dầu khí (PVFC). Khi được bổ nhiệm làm TGĐ Vietlott, công ty này đang chuẩn bị cho “Dự án mua sắm và vận hành toàn bộ hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán Việt Nam …“.
“Cho dù có 5 công ty nộp Hồ sơ nhưng thay vì đấu thầu, Vietlott đã chỉ định đơn vị kém nhất: Tập đoàn Berjaya Corporation Behard (Malaysia)”. Các công ty đa quốc gia của Mỹ, Hy Lạp, Nam Hàn… đều bị loại, bởi vì: “Chủ của Berjaya là Vincent Tan, người đã cùng con rể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Bảo Hoàng – mua đội bóng trị giá trăm triệu USD ở Los Angeles“.
Có lẽ do lo sợ bị điều tra thế náo cũng tới mình, nên ông Tường từ chức sớm để tìm một nước nào đó ngoài lãnh thổ VN định cư cho chắc ăn? Mời đọc thêm: Ông Tống Quốc Trường xin rời ghế Tổng giám đốc Vietlott (Tầm Nhìn). – Từ PVN, về làm TGĐ Vietlott rồi đột ngột từ chức (DV).
Củi ở Bắc Ninh
Báo Dân Việt có bài: Thanh tra CP công bố 10 thiếu sót của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Thanh tra Chính phủ đã có thông báo chỉ ra nhiều “tồn tại, thiếu sót” và thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Ông Chiến bị cho là còn “hạn chế” trong công tác phòng chống tham nhũng, “hạn chế” công khai minh bạch các dự án đầu tư, quy hoạch đất đai, lơ là trong việc tiếp công dân, chậm xử lý đơn thư khiếu nại…
Mời đọc thêm: Thanh tra Chính phủ chỉ thẳng nhiều sai phạm của tỉnh Bắc Ninh(KT). – Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (GĐ).
Cán bộ cục thuế bị bắt vì nhận hối lộ
Báo PLTP có bài: Bắt trưởng Phòng Thanh tra thuế Cục Thuế Bình Định. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hồ Minh Khiêm, trưởng Phòng Thanh tra thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Định, vì “nhận hối lộ” của Công ty AN.
Được biết, ông Hồ Minh Khiêm làm trưởng đoàn thanh tra thuế tại Công ty AN. Trong quá trình thanh tra, ông Khiêm yêu cầu “chung chi”, nếu không sẽ bị phạt nặng. Hai bên thỏa thuận là Công ty AN chỉ bị phạt khoảng 70 triệu đồng, còn lại phải chung cho ông Khiêm 130 triệu đồng. Công ty AN đã báo công an bắt quả tang khi hai bên trao nhận tiền.
Kiểm tra, không phải thanh tra
Báo VNN có bài: ‘Ông Lương Duy Hanh tham gia kiểm tra Formosa, không phải thanh tra’. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho rằng, việc ông Lương Duy Hanh, người bị kỷ luật vì liên quan đến vụ Formosa, làm phó đoàn công tác của Bộ TN-MT về Formosa là “kiểm tra các công trình xử lý môi trường chứ không phải thanh tra“.
Cũng theo giải thích của ông Tài, do “anh Hanh bị kỷ luật, cách chức nhưng vẫn là chuyên viên của Bộ, thuộc Vụ Pháp chế” và “với Formosa, anh Hanh là người kiểm tra công trình này ngay từ đầu nên theo dõi, nắm bắt rất sâu cả quá trình”.
Vụ hot girl Quỳnh Anh
Báo Tiền phong có bài: Coi thường công luận. “Vụ hot girl Quỳnh Anh xứ Thanh, dư luận mỏi mắt chờ đợi kết quả kiểm tra, hy vọng những án kỷ luật nghiêm minh, nhưng rồi thất vọng khi các tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ việc chỉ bị Thanh Hóa ‘đánh khẽ’ bằng hình thức phê bình, khiển trách. Kỷ luật như thế là coi thường công luận”.
Báo Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Lê Khắc Biểu, cựu Phó Vụ trưởng Vụ quản lý cán bộ các tỉnh đồng bằng của Ban tổ chức Trung ương, cựu Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, 70 năm tuổi Đảng: Kiến nghị Trung ương vào cuộc vụ ‘bổ nhiệm thần tốc’ bà Quỳnh Anh.
Ông Biểu cho biết: “Tôi theo dõi vụ việc tại Sở Xây dựng Thanh Hóa từ năm 2016, dư luận địa phương rất xôn xao, bức xúc. Vụ việc chưa được làm rõ ngày nào thì dư luận còn bàn tán, chờ đợi đến ngày đó. Đây không còn là vụ việc của một cá nhân thăng tiến bình thường nữa mà nó liên quan đến tổ chức, hệ thống chính quyền“.
Mời đọc thêm: Vụ bổ nhiệm bà Quỳnh Anh: Cần xem lại hình thức kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn (TP). – Bổ nhiệm bà Quỳnh Anh: Có sự bao che trong việc kỷ luật PCT tỉnh? (PLnet).
Vụ phó phòng của Bộ KHCN ăn cắp ở Nhật
Báo NLĐ có bài: NÓI THẲNG: Họ đã làm bỉ mặt người Việt. “Thông tin chính thức còn phải chờ. Nhưng xem đoạn video clip do siêu thị bị mất cắp ghi hình một nam khách hàng (được cho là ông phó trưởng phòng nói trên) lấm lét nhìn quanh rồi gom lấy gom để mấy gói hàng trên kệ, thậm thụt nhồi nhét vào lưng quần, xong tỉnh bơ quay ra…, rất dễ tin rằng phía Nhật cáo buộc là có bằng chứng, nhất là khi đây là chuyện nhạy cảm, nghiêm túc vì liên quan công dân nước ngoài“.
Facebooker John Vu Le viết: “Theo lời sĩ quan cảnh sát địa phương Masao Kawagunchi,đây là lần đầu tiên xảy ra vụ trộm cắp do một công chức nước ngoài gây ra“. Mời xem clip ông phó phòng của Bộ KHCN trộm đồ ở siêu thị Nhật:
Được biết, nhân vật chính mà báo chí nói là ông T.Q.H. mà nhiều người cho rằng đó chính là Thạc sĩ Trần Quốc Hùng, phó trưởng phòng Pháp Chế Và Chính Sách của Cục An Toàn Bức Xạ Nhiệt, Bộ KHCN.
Chuyện ở xứ “thiên đường”
Báo Một Thế giới có bài: Cán bộ xã khai tử mẹ ruột để ‘nuốt’ tiền chính sách. Đó là ông Nguyễn Thế Hệ, sinh năm 1964, hiện là Phó chủ tịch HĐND xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đã tự khai man tuổi của mẹ mình tăng lên 9 tuổi để được hưởng chính sách trợ cấp suốt hơn 6 năm qua mà không ai biết.
Khi sự việc bị phát hiện, ông Hệ sợ bị truy thu số tiền hơn 14 triệu đồng đã nhận thay cho mẹ, ông ta liền chỉ đạo kế toán xã … khai tử mẹ mình. Ông Hệ cũng làm giấy đề nghị thôi trả chế độ bảo trợ cho mẹ ông từ tháng 4/2017.
Chỉ cần bằng cấp, bất chấp chẳng biết gì
Báo GDVN có bài: “Tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và nỗi buồn của chuyện sính bằng cấp. Chưa có thống kê chính thức, nhưng “phong trào” chuộng bằng cấp không đâu nhiều như ngành Giáo dục, Quân đội, Công an ở Việt Nam. Lý do, ngoài việc bám ghế, lao cao, còn vì cái … sổ hưu!
Mời đọc thêm: Có phải thực sự Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ? (GDVN). – Bằng cấp cao thất nghiệp nhiều (PT). – Hệ lụy bằng cấp và những văn bằng không được công nhận (NNVN).
Cần chấm dứt sử dụng tấm lợp amiăng
Báo PLTP có bài: Tấm lợp amiăng, kẻ giết người? PGS-TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, đã từng phát biểu, “nếu Quốc hội biết amiăng trắng là kẻ giết người ở Việt Nam mà không cấm là có tội với dân”. Đáng tiếc là “nhóm lợi ích” cùng với những kẻ nhân danh khoa học đang ra sức bảo vệ.
Được biết, mỗi năm Việt Nam dùng 60-70 nghìn tấn amiăng, hiện Việt Nam đứng trong top 10 nước sử dụng amiăng trắng nhiều nhất trên thế giới dưới dạng tấm lợp fibro ximăng. Người dùng chủ yếu là dân vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mời đọc thêm: Cẩn trọng khi sử dụng tấm lợp fibro ximăng chứa chất amiăng(Người tiêu dùng). – Cần sớm chấm dứt việc sản xuất, sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam (VLXD).
Tài nguyên – Môi trường
TTXVN có bài: Lượng phát thải khí CO2 có thể cao gấp 3 lần vào năm 2030. Bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu đưa ra cảnh báo: với tốc độ phát triển như hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính – CO2 ở Việt Nam vào năm 2030 sẽ cao gấp ba lần so với năm 2010, cho dù phải rất nỗ lực, đến năm 2030 Việt Nam chỉ giảm được 8% tổng lượng phát thải khí CO2.
Mời đọc thêm: Lượng phát thải khí CO2 cao gấp 3 lần vào năm 2030. (RFA). – Ăn sạch, còn gì để dành! (NLĐ). – 600 doanh nghiệp khai thác tài nguyên nợ hàng nghìn tỷ tiền thuế (VTC).
Tin quốc tế
Chính trường Mỹ
Thăm dò dư luận về tình hình đất nước: Đa số dân chúng không tin Mỹ đang đi đúng hướng, VOA đưa tin. Thăm dò của AP và Trung tâm Nghiên cứu NORC cho biết, “chỉ 24% người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng. Tổng thể, 67% người Mỹ không hài lòng với trách vụ Tổng thống của ông Trump”.
Liên quan đến vấn đề y tế, VOA có bài: Chính quyền Trump rút lại quy định về bảo hiểm ngừa thai của Obamacare. Tin cho biết: “Chính quyền Trump nói rằng họ sẽ mở rộng phạm vi của một điều khoản trong Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, cho phép các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty có cổ phần đại chúng ngừng cung cấp bảo hiểm ngừa thai trong chương trình bảo hiểm mà họ cung cấp cho nhân viên của mình”.
Liên quan tới chuyện Obamacare, Trump lại quay sang phe Dân chủ, ngỏ ý hợp tác về dự luật y tế, VOA cho biết. Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi đã gọi điện thoại cho Chuck Schumer hôm qua để xem liệu phe Dân chủ có muốn làm một dự luật chăm sóc y tế thật tốt hay không. ObamaCare tan nát rồi, phí bảo hiểm đắt đỏ. Ai biết được!”
Ông Schumer, lãnh đạo khối Dân chủ ở Thượng viện đáp lại, rằng “ông sẵn lòng lắng nghe những đề xuất của ông Trump nhưng miễn bàn tới chuyện bãi bỏ và thay thế luật chăm sóc y tế hiện tại của đất nước”.
Báo Người Việt đưa tin: ICE sẽ bắt di dân lậu ngay nơi làm việc hoặc chỗ ở tại California. Viên chức đứng đầu Sở Cảnh Sát Di Trú (ICE) hôm Thứ Sáu nói rằng: “Cơ quan của ông không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc đến bắt di dân bất hợp pháp ở nơi làm việc và khu xóm họ ở”.
Được biết, “Thống Đốc Jerry Brown ký ban hành Đạo Luật SB54, được gọi là luật về Tiểu Bang Trú Ẩn cho di dân bất hợp pháp. Kể từ ngày 1 Tháng Giêng năm tới, cảnh sát ở California sẽ không được hỏi người dân về tình trạng di trú của họ hay tham dự vào các hoạt động khám xét di dân bất hợp pháp”.
VOA đưa tin: Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 3 người đàn ông âm mưu tấn công New Yorkvề tội “âm mưu thực hiện các vụ đánh bom và bắn súng tại các khu vực đông người của Thành phố New York”.
Một cơn bão sắp vào Louisiana: Bão nhiệt đới Nate đánh vào Trung Mỹ, sẽ kéo đến Mỹ ở Cấp 1. Theo báo Người Việt, bão “nay đang trên đường kéo đến New Orleans vào cuối tuần này, có thể thành bão lốc Cấp 1”. RFI: Bão Nate di chuyển về Mỹ, New Orleans và Louisiana chuẩn bị sơ tán.
Tin Trung Quốc
VOA có bài viết về vai trò tương lai của nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc: Đại hội Đảng TQ: Vương Kỳ Sơn sẽ đi hay ở? Hiện có nhiều tin tức trái chiều về tương lai của nhân vật này vì ông đã quá tuổi (68 tuổi) để có thể ở lại Thường vụ Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa, vì theo quy luật bất thành văn của ĐCS Trung Quốc thì “7 vào, 8 ra”, tức 67 tuổi ở lại, 68 tuổi về hưu.
Báo PLTP có bài: Ông Trump đến châu Á và cơ hội của ông Tập Cận Bình. Chuyến thăm châu Á của ông Trump có thể sẽ là bước ngoặt trong chính sách của Mỹ với khu vực, mà còn là bước ngoặt với cả Trung Quốc.
Chuyên gia Mitter, Giám đốc Trung tâm đại học Trung Quốc tại ĐH Oxford của Anh, cho rằng, “muốn hiểu được thách thức chờ đợi mình ở châu Á, ông Trump cần phải hiểu: Các quyết sách của Mỹ tại khu vực tới đây sẽ quyết định hành động tiếp theo của Trung Quốc tại khu vực. Nói cách khác, Trung Quốc hiện vẫn còn chưa xác định nên tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực tới đâu và với tốc độ nào và thái độ của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc ra quyết định“.
RFI đưa tin: Ấn Độ tìm cách đối phó với tiền của Trung Quốc. Tại hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại New Delhi diễn ra từ ngày 04 đến ngày 06/10/2017, theo các chuyên gia, “thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nên tiếp tục xuất khẩu công nghệ giá rẻ và cung cấp các khoản tín dụng phát triển ưu đãi. Vì từ lâu Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu về công nghệ chi phí thấp ở Nam Á và Đông Nam Á”.
Khủng hoảng Bắc Hàn
Một nhà lập pháp Nga vừa từ Bình Nhưỡng trở về, cho biết, Triều Tiên chuẩn bị thử phi đạn tầm xa?, VOA đưa tin. Ông Anton Morozov, thành viên của ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga nói: “Họ đang chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa mới. Họ thậm chí còn cho chúng tôi xem những tính toán toán học mà họ tin là chứng minh được phi đạn của họ có thể đánh trúng bờ tây của Mỹ”. RFI: Dân biểu Nga: Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa có thể bắn đến Mỹ.
RFI có bài: Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ âm mưu ám sát Kim Jong Un. Đại diện Bắc Hàn tại LHQ cho biết: “Vào tháng Năm năm nay, một nhóm khủng bố tàn ác đã xâm nhập đất nước chúng tôi theo lệnh của CIA Mỹ và tình báo của ngụy quyền Hàn Quốc, với mục đích thực hiện khủng bố nhà nước vào khu vực chính quyền trung ương, sử dụng các hóa chất sinh học”.
Khủng hoảng Rohingya
RFI đưa tin: Miến Điện: Phiến quân Rohingya chấp nhận mọi cử chỉ xoa dịu của chính phủ. Theo Reuters, nhóm ARSA tuyên bố trong một bản thông báo: “Nếu bất kỳ lúc nào, chính phủ Miến Điện thiên về hòa bình, ARSA sẽ làm tương tự”.
Trung Đông
VOA cho biết: Tin nói Iran sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn. Theo Reuters, “Iran đã gợi ý với sáu cường quốc thế giới là họ có thể sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn đạn đạo của mình”.
BBC đưa tin: Hoa Kỳ bán hệ thống Thaad cho Ả rập Saudi. Tin cho biết, “Chính phủ Hoa Kỳ vừa chuẩn thuận việc bán cho Ả rập Saudi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trị giá 15 tỉ đôla”.
VOA có bài: Quân đội Mỹ xác nhận binh sĩ thứ tư thiệt mạng ở Niger. Các quan chức quân đội cho biết binh sĩ này “mất tích sau một cuộc phục kích chết người hôm thứ Tư trong một cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Niger gần Mali. Họ nói rằng thi thể của người lính này được lực lượng Nigeria tìm thấy hôm thứ Sáu sau một cuộc tìm kiếm rộng khắp”.
RFI đưa tin: Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ sắp đến Pakistan để gây sức ép. Tin cho biết, “mục tiêu là nhằm gây áp lực lên quốc gia đồng minh bị cáo buộc là đã làm ngơ cho một số nhóm thánh chiến”.
RFI có bài: LHQ đưa Ả Rập Xê Út và liên quân vào danh sách đen. Ả Rập Xê Út bị cáo buộc “là nguồn gốc khiến 683 trẻ em thiệt mạng trong các trận oanh kích trường học hay bệnh viện”.
Tin châu Âu
RFI có bài: Tây Ban Nha: Liên minh đòi độc lập Catalunya bắt đầu bị chia rẽ. Theo phóng viên RFI, “Đảng của ông Carles Puigdemont đã yêu cầu ông bớt hung hăng, còn hai nhà lãnh đạo Santi Vila và Marta Pascal của đảng PdeCat, theo chủ trương ôn hòa ở Catalunya, đã lên tiếng cảnh báo về những quyết định vội vàng, có thể không sửa chữa được”.
RFI đưa tin: Khởi tố ba nghi can trong vụ khủng bố bằng bình gaz bất thành ở Paris. Được biết, “vào lúc 4 giờ rưỡi sáng 30/9, một người dân đã báo động khi phát hiện bốn bình gaz có gắn hệ thống kích nổ bằng điện thoại, đã bị tưới đầy xăng, tại tầng trệt một tòa nhà ở quận 16 Paris. Đến nay vẫn chưa rõ vì sao vụ nổ đã không xảy ra sau ba lần kích hoạt bằng điện thoại, nếu không hậu quả về nhân mạng và tài sản sẽ rất lớn”.
RFI có bài viết về Nga: Đối lập biểu tình phản đối đúng ngày sinh nhật tổng thống Putin. Theo lời kêu gọi của nhà đối lập Nga Alexei Navalny, người bị kết án 20 ngày tù hôm thứ Hai 02/10 vì kêu gọi biểu tình, “nhiều cuộc biểu tình được dự kiến sẽ diễn ra trên toàn thể nước Nga hôm nay, 07/10/2017”.
RFI có bài nhận định: 100 năm ”Cách mạng tháng 10”: Chính quyền Nga lẩn tránh lịch sử. Theo tờ báo L’Obs, “cuộc lật đổ chính quyền tháng 10/1917 của phe Bônsêvích (Bolshevik) đã được ca ngợi trong suốt thời Liên Xô như là ‘cuộc cách mạng vô sản quang vinh’, trên thực tế là một cú đảo chính, dẫn đến sự ra đời của một trong những chế độ toàn trị lớn nhất của thế kỷ XX”.
Mời đọc thêm: Cảnh sát London điều tra vụ xe lao lên vỉa hè, gây thương tích(VOA).