Tin Việt Nam – 07/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/10/2017

Việt Nam: Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

bị tước mọi chức vụ đảng

Thụy My

Các hãng tin AFP, Reuters và AP hôm qua 06/10/2017 đều đưa tin Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cách chức bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đồng thời cho thôi chức ủy viên trung ương đảng. Sự kiện này diễn ra vào lúc tháng tới hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, có thể có sự hiện diện của tổng thống Mỹ Donald Trump. Sáng nay ông Trương Quang Nghĩa đã được phân công thay thế ông Nguyễn Xuân Anh.

Thông cáo của chính phủ nói rằng ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức vì đã vi phạm kỷ luật của đảng, cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thông cáo viết : « Những vi phạm, khuyết điểm của ông là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ».

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, một trong hai ủy viên trung ương đảng trẻ nhất, đã nhận một chiếc xe và hai căn nhà do doanh nghiệp tặng. Ông cũng bị cáo buộc sử dụng bằng cấp không hợp lệ. Song song đó, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng bị cảnh cáo cùng với Ban thường vụ thành ủy về những vi phạm trong quản lý đất đai.

AP dẫn lời ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói rằng việc thi hành kỷ luật hai cán bộ cấp cao nhất của thành phố không ảnh hưởng việc tổ chức thượng đỉnh APEC vào tháng 11. Đây là hội nghị quốc tế quan trọng nhất diễn ra tại Việt Nam trong năm nay, trên nguyên tắc với sự tham dự của 21 nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hồi tháng Năm, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng đã bị mất chức ủy viên Bộ Chính trị, vì những sai phạm trong thời kỳ làm chủ tịch PetroVietnam, nhưng vẫn còn là ủy viên trung ương đảng.

AFP nói thêm, tuần trước 51 lãnh đạo ngân hàng và doanh nhân đã phải ra tòa trong vụ đại án Hà Văn Thắm, trong đó ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Ocean Bank và là cựu chủ tịch PetroVietnam đã lãnh án tử hình vì làm thất thoát hàng triệu đô la.

Hãng tin Pháp dẫn lời các nhà phân tích nhận định chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay có quy mô chưa từng thấy. Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng về tham nhũng thứ 113 so với hạng 176 của năm 2012. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Một số nhà phân tích cũng cho rằng chiến dịch chống tham nhũng còn nhằm thanh trừng nội bộ.

Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, là con của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông từng là phóng viên báo Thanh Niên, trước khi lên làm phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng và trở thành bí thư thành ủy từ năm 2015.

Ông Trương Quang Nghĩasinh năm 1958, là em ông Trương Quang Được, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị. Ông hiện là ủy viên trung ương, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Đà Nẵng thay ông Xuân Anh kể từ hôm nay 07/10/2017.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171007-viet-nam-bi-thu-da-nang-nguyen-xuan-anh-bi-tuoc-het-moi-chuc-vu-dang

 

VN: Tân Bí thư Đà Nẵng ‘vinh dự nhận nhiệm vụ mới’

Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người vừa nhận quyết định thay thế ông Nguyễn Xuân Anh mới bị kỷ luật, cách chức thành ủy Đà Nẵng và đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN tại Hội nghị TƯ 6 khóa 12, cho hay ông ‘vinh dự nhận nhiệm vụ mới’, theo truyền thông Việt Nam.

Hôm thứ Bảy, 07/10/2017, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã nhận quyết định của Ban lãnh đạo đảng cộng sản từ tay của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, theo báo điện tử Đà Nẵng đưa tin cùng ngày:

Đồng chí Trương Quang Nghĩa hứa sẽ cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.Báo Đà Nẵng Online

“Sáng 7-10, tại Đà Nẵng, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bàn tròn Điểm tin tức trong tuần (từ 01-07/10/2017)

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Bình luận về Hội nghị TƯ6 BCHTƯ Đảng CSVN Khóa 12

“Đến dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.”

Báo điện tử Đà Nẵng dẫn lời ông Chính nhận xét về tân Bí thư thành ủy Đà Nẵng:

“Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, đồng chí Trương Quang Nghĩa từng là người lính, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, sẽ tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo xây dựng thành phố phát triển năng động, hiện đại. Trước mắt là hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XII của Đảng.”

Đà Nẵng Online cũng dẫn đáp từ của ông Trương Quang Nghĩa tại cuộc ‘Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ” cho hay:

“Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tin tưởng phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đồng chí Trương Quang Nghĩa hứa sẽ cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.”

‘Cắm cúi dùng điện thoại’

Hai thành viên mới Ban Bí thư có gì đặc biệt?

Quan hệ Việt – Trung, vụ kỷ luật ông Xuân Anh và Hội nghị 6

Cũng hôm thứ Bảy, báo điện tử VnExpress tường trình sự kiện và cho biết thêm:

“Sáng 7/10, quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trương Quang Nghĩa – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã được công bố tại hội trường trụ sở Thành uỷ Đà Nẵng.

Đôi lúc, ông cắm cúi sử dụng điện thoại trong khi nghe phân công Bí thư Thành uỷ mới Báo VnExpress.net

“Ngồi cạnh ông Trương Quang Nghĩa tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Anh mặc sơ mi trắng không mang cà vạt, được giới thiệu là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

“Đôi lúc, ông cắm cúi sử dụng điện thoại trong khi nghe phân công Bí thư Thành uỷ mới. Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính đã trao quyết định, tặng hoa và phát biểu chúc mừng ông Nghĩa.

Tân lãnh đạo đảng bộ thành phố Đà Nẵng cho hay ông ‘vinh dự’ khi nhận nhiệm vụ mới, vẫn theo nguồn này:

“Bày tỏ cảm xúc, ông Nghĩa nói thấy vinh dự khi nhận nhiệm vụ mới, nguyện nỗ lực hoàn thành trọng trách và mong Đảng bộ, nhân dân, Thành ủy Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Nghĩa cũng kêu gọi đoàn kết, nhất trí thực hiện các nhiệm vụ của thành phố trong năm 2017, nhất là tổ chức thành công APEC.

“Chiều 6/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; và cho thôi chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.”

Kinh qua nhiều cương vị

VnExpress trong dịp này cũng cho biết thêm một số chi tiết về tân Bí thư Đà Nẵng cùng vài nét về thay đổi nhân sự lãnh đạo từ trước ở thành phố này trải qua nhiều diễn biến ‘nội bộ’:

“Ông [Trương Quang] Nghĩa là em trai của ông Trương Quang Được – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội.

“Năm 1994, Bộ Chính trị từng điều động ông Mai Thúc Lân (lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách) vào thay thế Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Đà Nẵng Nguyễn Văn Chi (bố của ông Nguyễn Xuân Anh), ông Trương Quang Được (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) thay Chủ tịch UBND tỉnh do “tình hình nội bộ Đảng bộ tỉnh không tốt, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tỉnh”.

“Năm 1996, khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Trương Quang Được làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, ông Mai Thúc Lân giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam.”

Bày tỏ cảm xúc, ông Nghĩa nói thấy vinh dự khi nhận nhiệm vụ mới, nguyện nỗ lực hoàn thành trọng trách và mong Đảng bộ, nhân dân, Thành ủy Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡVnExpress

Cũng hôm 07/10, báo điện tử Đà Nãng cho biết một số thông tin về nhân thân của vị tân lãnh đạo đảng của thành phố, theo đó ông Trương Quang Nghĩa sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Nam.

Ông có học vị Thạc sĩ quản trị kinh doanh, có trình độ ‘cao cấp’ về Lý luận chính trị. Ông từng làm Tổng Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Vinaconex (ừ 10/2006 đến 4/2008), giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (từ 5/2008 đến 9/2010).

Ông còn kinh qua nhiều cương vị và chức vụ khác trong đảng như Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (từ tháng 10 đến tháng 12/2010). Từ tháng 1/2011 đến 6/2012, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Ông từng nắm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn La trong nhiệm kỳ từ tháng 7’2012 đến 01/2015, trước khi trở thành Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ tháng 02/2015-4/2016).

Trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng, ông là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từ tháng 4/2016.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41537072

 

‘Không có nhiều thay đổi ở Hội nghị 6 này’

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp phân tích diễn biến và dự đoán kết quả của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12.

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 05/10/2017, ngay trước giờ phát sóng Bàn tròn thứ Năm, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS) nêu ý kiến về một loạt các vấn đề.

Trong đó có điểm lưu ý chính của Hội nghị Trung ương 6 và bài phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

VN: Tân Bí thư Đà Nẵng ‘vinh dự nhận nhiệm vụ mới’

Bàn tròn Điểm tin tức trong tuần (từ 01-07/10/2017)

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Bình luận về Hội nghị TƯ6 BCHTƯ Đảng CSVN Khóa 12

Ông cũng tiên liệu một số khả năng xử lý kỷ luật, thay đổi nhân sự mà sau ngày 06/10 cho thấy là khá chính xác, ngoài ra, ông đề cập và phân tích khả năng có hay không thay đổi nhân sự cao cấp trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhà nghiên cứu cũng đề cập khá thẳng thắn một số vụ việc, trường hợp mà công luân quan tâm và khả năng, mức độ hoặc phương hướng xử lý như với các vụ việc ở ngành dầu khí, ngành ngân hàng có liên quan quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ vụ tranh chấp ở Đồng Tâm, Hà Nội mà câu hỏi về trách nhiệm của Thành ủy Hà Nội được đặt ra, cho tới vụ căng thẳng bang giao Đức – Việt đang diễn ra sau khi ông Trịnh Xuân Thanh ‘ra đầu thú’ ở Việt Nam trong khi chính quyền Đức cho rằng ông bị ‘mật vụ’ Việt Nam xâm nhập Đức trái phép và ‘bắt cóc’.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng chia sẻ về một số vấn đề khác có liên quan tới ngành y tế, như vụ việc ‘thuốc giả’ ở VN-Pharma và vai trò của lãnh đạo Bộ Y tế, hay vấn đề xử lý ra sao trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản liên quan vấn đề sức khỏe của một số trường hợp, trong đó có vị trí Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN hiện do ông Đinh Thế Huynh đảm nhiệm.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-41538545

 

Xử sắt đá vụ Châu Thị Thu Nga?

Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi tới BBC từ Hà Nội

Hôm 5/10 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng mua nhà, trong dự án bất động sản của doanh nghiệp mà bà Nga là chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tại phần xét hỏi bà Nga muốn khai ra số tiền mấy chục tỷ đồng chạy Đại biểu Quốc hội nhưng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ngắt không cho bà Nga khai báo với lý do vấn đề này đã được tách ra làm một vụ án khác để điều tra.

Việc không cho khai báo đã gây phẫn nộ trong dư luận vì người dân rất muốn biết số tiền bà Nga chạy Đại biểu Quốc hội đã đưa cho ai, ai đã cầm số tiền này để giúp bà Nga trúng cử Đại biểu Quốc hội?

Bàn tròn Điểm tin tức trong tuần (từ 01-07/10/2017)

VN: Tân Bí thư Đà Nẵng ‘vinh dự nhận nhiệm vụ mới’

Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng

Chuyện bà Nga khai hối lộ vào ĐBQH là ‘không bất ngờ’

Cũng theo thông tin báo chí thì quá trình điều tra trước đó người được khai ra đã phủ nhận việc nhận tiền, và khi cho hai bên đối chất thì hai bên giữ nguyên quan điểm mâu thuẫn trái ngược nhau.

Vậy làm thế nào để xử lý hành vi tham nhũng trong trường hợp này?

Bài học từ Singapore

Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn

Trong cuốn hồi ký của ông Lý Quang Diệu có tiêu đề ‘Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất’, ông Diệu đã tường thuật lại công cuộc chống tham nhũng của đất nước Singapore do ông khởi xướng, điều đã giúp cho đất nước ông xếp vào hàng ngũ các quốc gia ít tham nhũng nhất khu vực Châu Á vào năm 1997, trên cả Hồng Kong và Nhật Bản, xếp thứ 7 trên toàn thế giới cho thành tích vắng mặt tham nhũng vào năm 1998.

Từ năm 1960 vấn đề tham nhũng tại Singapore được ông nêu ra không khác gì tình trạng tham nhũng trong mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam ngày nay. Tham nhũng trong bộ máy hành chính quan liêu từ nhỏ đến lớn trong các phạm vi như thủ tục hải quan, cảnh sát giao thông, chăm sóc bệnh viện, xây nhà trái phép .v.v..

Đối với những đối tượng nhỏ ông Lý Quang Diệu đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, hủy bỏ việc cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những việc ít quan trọng.

Đuổi hết công an giao thông?

Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?

VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế

Để đấu tranh đối với đối tượng cao cấp ông Lý Quang Diệu đã thực hiện một chương trình sắt đá, đó là tiến hành sửa luật nâng cao khả năng diệt trừ tham nhũng. Trong đó ông cho biết ‘Luật hiện hành quy định chứng cứ do kẻ đồng phạm khai ra không có giá trị tin cậy trừ khi được chứng minh. Chúng tôi đã thay đổi, cho phép các quan tòa chấp nhận lời khai của kẻ đồng phạm là chứng cứ’.

Là một luật sư trước khi tham gia hoạt động chính trị, ông Lý Quang Diệu đã rất biết vận dụng các yếu tố pháp lý trong việc làm sạch bộ máy.

Trong đó thay đổi hiệu quả nhất mà ông thừa nhận đó là vào năm 1960 luật pháp cho phép quan tòa xem những chứng cứ cho thấy kẻ bị tố cáo đang sống ở mức sống vượt quá khả năng kinh tế của anh ta hoặc có những tài sản mà thu nhập của anh ta không thể giải thích được, đó là bằng chứng xác thực chứng minh rằng người bị tố cáo đã nhận hối lộ.

Ông cũng kể lại một loạt các nhân sự cao cấp trong đó có những người là đồng chí thân thiết công tác với ông nhiều năm bị cáo buộc tham nhũng, họ đã nhận những khoản tiền của doanh nghiệp để có những chính sách làm lợi cho doanh nghiệp. Những người này đều bị xử lý nghiêm khắc, người thì đi tù, người thì tìm đến cái chết để tránh nỗi đau đớn quá mất mặt do bị khai trừ xử lý.

Việt Nam thì sao?

Thật đáng ngạc nhiên là từ lâu nay pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định lời khai của bị can hay kẻ đồng phạm đều đã là chứng cứ.

Tức là cái quy định được sửa đổi có tính chất sắt đá mang hơi hướng quân phiệt độc tài của ông Lý Quang Diệu thì lại là cái đã có từ lâu ở Việt Nam.

Lời khai cũng là chứng cứ, luật Việt Nam đã quy định vậy, nhưng việc vận dụng thì lại có nhiều ‘uyển chuyển linh động’ theo kiểu đối với dân thường thì không cho nó thoát, nhưng đối với quan chức ví như trong vụ bà Châu Thị Thu Nga thì lại đòi hỏi phải thêm những bằng chứng rõ ràng hơn.

Cải cách thể chế ở VN: Dấu ấn 2016

Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh

‘Không sửa chữa chỉ là một đảng hỏng’

Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng hơn là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu không thể có thêm những bằng chứng rõ ràng hơn thì sao? Sẽ thế nào nếu Tòa án không tuyên là có tội trong khi dân chúng đều tin là có tội? Việc làm của tòa án có thể đi ngược lại với nhận thức duy lý của con người?

Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng để kết án, đó là một cách làm tốt, nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào việc phải có bằng chứng rõ ràng mới có thể kết án thì đó lại là một cách làm sai, bộc lộ nhận thức giản đơn về những vấn đề vốn dĩ phức tạp của khoa học tư pháp vốn đòi hỏi phải vận dụng đến những đặc tính lý trí con người.

Quy định được sửa đổi có tính chất sắt đá mang hơi hướng quân phiệt độc tài của ông Lý Quang Diệu thì lại là cái đã có từ lâu ở Việt Nam.Ngô Ngọc Trai

Việc xử án cứ phải có chứng cứ rõ ràng là cách làm không tôn trọng tính phức tạp của thực tiễn, theo lẽ rằng không phải vụ án nào cũng có chứng cứ rõ ràng, không phải khi nào chân lý cũng biểu lộ rõ rệt về sự đúng sai, mà nhiều khi thực tế chỉ cung cấp bày ra trước mắt những sự thiếu hụt không đầy đủ, đòi hỏi tư duy lý trí con người phải vận động bù đắp vào để thấy được chân lý.

Bổ trợ cho điều đó con người đã xây dựng quy trình thủ tục tư pháp gồm Hội đồng xét xử nhiều người và quy trình xét xử theo hai cấp, để nhằm đạt đến sự đúng đắn chính xác trong phán đoán ngõ hầu đạt đến chân lý khách quan. Còn nếu cứ phải có chứng cứ rõ ràng thì chỉ cần một người xét xử là được và cũng chẳng cần phải xét xử qua hai cấp.

Xử lý tham nhũng cần sắt đá

Ông Lý Quang Diệu đã xây dựng một xu hướng quan điểm xem tham nhũng trong các cơ quan chính quyền là sự đe dọa đối với xã hội. Ông đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức cao và xây dựng những nguyên tắc chính trị pháp lý khoa học chặt chẽ.

Ở VN lâu nay quyết tâm phần nhiều mới chỉ ở lời nói, còn thì các nguyên tắc hoạt động chính trị và pháp lý thì lại lỏng lẻo thiếu chiều sâu, thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học.

Nhiều ban ngành cấp cao không muốn bị trói buộc vào những quy chế pháp lý có tính chế tài, muốn làm sai mà không bị xử lý, đây cũng là thuộc tính của độc tài. Trong khi ông Lý Quang Diệu xây dựng một khung khổ thể chế để ràng buộc quan chức nhà nước thì ở VN pháp luật chỉ để xử lý người dân.

Trong vụ việc chạy Đại biểu quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga đây là vấn đề tham nhũng mà thế giới họ đã gặp phải từ lâu và họ đã xử lý được rồi, vấn đề của VN là có đủ sự quyết tâm sắt đá hay không mà thôi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư từ Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41524381

 

Dân nói bị chính quyền lừa lấy đất

Người dân tại  ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết chính quyền địa phương đòi cưỡng chế đất của dân trong khi chính quyền đã làm sai quy trình và không thực hiện đúng cam kết.  Phóng viên RFA tìm hiểu sự việc qua những người trong cuộc.

Nhiều uẩn khúc trong quy hoạch

Họ là người dân sinh sống lâu đời tại địa phương và đất của họ được cấp phép sử dụng hợp pháp. Nhưng kể từ khi các dự án khu công nghiệp Hố Nai bắt đầu triển khai, chính quyền địa phương đưa ra các phương án giải tỏa và đền bù với hứa hẹn tái định cư tại chỗ cho dân. Tuy nhiên, sau khi dân tin cam kết của chính quyền và nhận tiền bồi thường thì họ bị đứa đến một nơi thật xa, không như thỏa thuận.

Bà Lan, một người sỡ hữu đất ở khu vực này cho biết:

“Tôi sinh sống ở đây từ năm 1970, đất cát là do bố mẹ tôi để lại. Đến năm 2001 thì ba cấp chính quyền ở đây họ thông báo đất ở đây có quy hoạch theo quyết định 450. Đến năm 2003 thì gọi chúng tôi nhận tiền. Thì chúng tôi đi nhận tiền rồi. Khi nhận tiền người ta nói là tại đây, từ cái ngã tư đó tới đây là 5 hecta này làm đất tái định cư cho bà con ở đây, là không phải đi đâu xa, tái định cư tại chỗ. Sau khi nhận tiền xong, thì họ đưa tiền nhà trọ một tháng 6 trăm. Hết 6 tháng tôi chẳng thấy đất tái định cư đâu cả. Sau đó cứ tiếp tục nói dối chúng tôi là 6 tháng nữa có. Tái định cư ngay nhà quý vị. Họ đưa đầy đủ sơ đồ vườn cây xanh, dãy nhà liền kề. Chúng tôi chờ đợi mãi tới năm 2009 là các cấp chính quyền đây lại thông báo với tôi đi nhận tái định cư ở vị trí khác, ở ấp Bắc Hòa.”

Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.
-Bà Lan, dân địa phương

Bị thất hứa, người dân đi khiếu kiện và phát hiện ra nhiều uẩn khúc trong quy hoạch.

“Nói chung khu này, ba cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn luôn nói với chúng tôi rằng các ông các bà quy hoạch theo quyết định 450 của thủ tướng chính phủ. Là 229 mẫu, nhưng thực sự theo tôi tìm hiểu khiếu kiện trong 17 năm. Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.

Tôi cứ đi khiếu kiện hoài, cứ lên sở Tài Nguyên Môi Trường, Tỉnh Đồng Nai rồi đi các nơi các sở. Đơn khiếu kiện của tôi tính ra cũng mấy kí lô rồi. Cứ hỏi đi tìm hiểu quyết đinh thu hồi đất, đi  tìm hiểu bản đồ quyết định 450, sau này lòi ra quyết định 278 chỉ có 191 mẫu thành lập khu công nghiệp.

Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom có văn bản tiếp xúc cử tri là văn bản 1684 trong văn bản có một đoạn trích như thế này. Phần đất 39 mẫu này không phải đất Phú Sơn, phần đó chúng tôi cho một số công ty làm xe máy, công ty gì đó thuê trước rồi.”

Chính quyền trả lời rằng 39 hecta này đã được cho các công ty thuê từ lâu, và bây giờ ép buộc người dân nhận bồi thường và chuyển đến nơi khác sống. Cụ thể trong văn bản số 9781 này, có ghi rõ: ‘nền đất tái định cư tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom’. Không phải là tái định cư tại chỗ.

Một người dân cũng có đất đai bị nằm trong diện giải tỏa cho biết thêm thông tin về vụ việc này.

Khi người dân đòi quyết định thu hồi cho cá nhân mỗi một hộ thì không có. Rồi họ trích ra cái điều, một cái văn bản của 306 của bộ Tài Nguyên Môi Trường  là có văn bản hướng dẫn luật năm 93 là khi nhà nước thu hồi đất sẽ không có quyết định thu hồi cho từng cá nhân, hộ gia đình. Nhưng phải có cái thu hồi của tỉnh là quyết định thu hồi tổng thể. Nhưng hiện tại bây giờ chính quyền không đưa ra được cái quyết định tổng thể của tỉnh. 278 là quyết định thành lập khu công nghiệp, với diện tích bằng đó. Sau đó là quyết định 450 cho thuê đất.”

Khủng bố tinh thần

Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế.

-Dân địa phương

Dù không đưa ra được quyết định thu hồi đất như thắc mắc của người dân; chính quyền lại khiến dân thêm bức xúc khi bàn hành một số văn bản phạt cảnh cáo những hộ dân không chịu giao đất.

“Tới năm 2005 thì đưa ra một quyết định cảnh cáo phạt cảnh cáo về hành vi không chấp hành quyết định thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư và dân kiện lại, thì chủ tịch UBND huyện lại rút lại quyết định cảnh cáo đó. Không hiểu tại sao chính quyền đưa ra quyết định cho 9 hộ, quyết định ký ngày 11 tháng 9 năm 2017 mà  tới ngày 18 tháng 9 dân mới được nhận là quyết định cưỡng chế 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Chứ không phải tôi đã nhận tiền, tôi ký vào văn bản bàn giao đất mà tôi không giao đất mà cưỡng chế tôi. Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế. Dân đối thoại lần cuối rồi ngay chiều hôm nay thông báo là tạm ngưng cưỡng chế chờ văn bản chờ văn phòng tỉnh ra thông báo hoặc chỉ đạo mới. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất khủng bố tinh thần.”

Vụ việc tại ấp Phú Sơn như vừa nêu cũng tương tự vô số trường hợp khác tại các địa phương trên cả nước. Tình trạng người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất một cách bất minh để giao cho doanh nghiệp và hưởng lợi gây phẩn nộ trong dân chúng; buộc họ phải khiếu kiện đến tận các cơ quan trung ương.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/land-coercion-people-are-being-tricked-by-the-government-10062017134704.html

 

Nghịch lý trong thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật vụ Formosa?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Tin về một cán bộ bị cách chức vì liên quan thảm họa môi trường Formosa lại được bổ nhiệm làm Phó Đoàn Kiểm tra Formosa lại gây chú ý dư luận trong những ngày qua. Hòa Ái ghi nhận trong phần sau.

Nhân vật được truyền thông trong nước loan tin là ông Lương Duy Hanh, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường kỷ luật cách chức hồi tháng 6 năm 2017. Lý do bị cách chức vì thiếu trách nhiệm khi làm Trưởng Đoàn thanh tra dự án Formosa. Thế nhưng trong tháng 7 ông Lương Duy Hanh được Tổng cục Môi trường bổ nhiệm làm Phó Đoàn thanh tra kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại nhà máy Formosa.

Một người dân tại Hà Tĩnh nói với RFA rằng dân chúng địa phương rất phẫn nộ khi nghe được thông tin vừa nêu:

“Dân rất phẫn nộ bởi vì người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm của mình đã gây thảm họa không chỉ thiệt hại đến tài sản mà còn thiệt hại đến sức khỏe đời sống lâu dài của con người. Cho nên sau khi biết tin ông ta trở lại trong đoàn thanh tra thì chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, rất phẫn nộ. Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ người dân là nạn nhân của thảm họa Formosa phẫn nộ đối với việc thuyên chuyển công tác của hai giới chức chính quyền liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên là ông Võ Kim Cự và ông Lương Duy Hanh, mà dư luận trong nước bày tỏ sự bức xúc, thậm chí có nhiều người cho rằng rất căm phẫn khi Chính phủ thách thức niềm tin của dân chúng trong xử lý hậu quả của thảm họa Formosa cũng như điều hành đất nước.

Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người.
-Người dân Hà Tĩnh

Chúng tôi nêu vấn đề với nguyên Đại Biểu Quốc Hội, ông Lê Văn Cuông và được cho biết theo thiển ý của ông thì Chính phủ cần lắng nghe phản ứng của dân chúng liên quan việc bổ nhiệm nhân sự này. Ông Lê Văn Cuông chia sẻ:

“Đối với trường hợp này có nhiều người đả kích vì ông này được cho là chuyên gia chuyên sâu trong lãnh vực liên quan đến Formosa nên được cơ cấu vào giúp cho đoàn thanh tra về chuyên môn. Đây là lý lẽ của những người bố trí, nhưng làm như thế gây nên sự phản cảm. Chúng tôi thấy vấn đề này cần phải nghiên cứu để làm thế nào đó tránh những lời dị nghị là ảnh hưởng đến kết quả thanh tra không được khách quan.

Đây là một vấn đề cũng cần phải rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng đã vi phạm trong một thời gian ngắn lại được tiếp tục sử dụng làm cho người dân mất tin tưởng.”

Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh đây là một trong số những trường hợp cá biệt bởi vì Chính phủ trong những năm gần đây đã cố gắng hạn chế tình trạng cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật mà vẫn giữ nguyên chức vụ hay được thuyên chuyển công tác thậm chí ở những vị trí cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện chấn chỉnh bộ máy và phẩm chất của cán bộ, các trường hợp xử lý nhẹ hay “giơ cao đánh khẽ” được giải quyết một cách nghiêm túc.

Mặc dù vài vị Đại Biểu Quốc Hội chúng tôi tiếp xúc có đồng quan điểm với ông Lê Văn Cuông, tuy nhiên dư luận cho rằng qua việc bổ nhiệm mới nhất đối với hai cán bộ liên quan trong thảm họa Formosa đã phá tan những kết quả đạt được trong chủ trương chấn chỉnh bộ máy chính quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều người lên tiếng việc bổ nhiệm này chẳng khác nào là gáo nước lạnh dội vào cái “lò lửa” chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng lãnh đạo từng tuyên bố “Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy”.

Một số người dân từ Bắc đến Nam nói với RFA nếu Chính quyền Việt Nam không thực tâm giải quyết hậu quả Formosa một cách triệt để cũng như tiếp tục bắt bớ những tiếng nói bảo vệ môi trường như Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì lời hô hào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là vô giá trị.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/official-fired-in-the-formosa-disaster-be-appointed-as-a-deputy-of-committee-probing-formosa-what-are-the-people-concerning-10062017130602.html

 

Việt Nam cho bắt thêm người với cáo buộc hoạt động lật đổ

Ông Đào Quang Thực, một facebooker và là giáo viên tiểu học về hưu, bị Công an Tỉnh Hòa Bình bắt khẩn cấp vào tối ngày 5 tháng 10 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Con gái của người bị bắt, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, một ngày sau khi người cha bị bắt, cho Đài Á Châu Tự Do biết là lực lượng công an phong tỏa khu vực nhà của ông Đào Quang Thực tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; khi tiến hành biện pháp bắt khẩn cấp như vừa nêu.

Vào ngày 6 tháng 10, người thân của ông Đào Quang Thực cũng bị công an mời đến để thẩm vấn. Con gái ông Đào Quang Thực kể lại rằng cơ quan công an hỏi cô xoay quanh tài khoản Facebook có tên Đào Quang Thực.

Tuy nhiên cô này nói không biết gì nhiều về trang facebook đó.

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu.

Thông báo của Cơ quan An Ninh Điều Tra thuộc Công an tỉnh Hòa Bình gửi cho vợ ông Đào Quang Thực ghi ông bị tạm giữ tại Trại giam Công an Tỉnh Hòa Bình.

Như vậy ông Đào Quang Thực là người bị bắt mới nhất tại Việt Nam. Người bị bắt trước ông Đào Quang Thực gần nhất là cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng. Anh này bị bắt gần giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày 27 tháng 9 vừa qua. Cáo buộc đối với anh này là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, gần 20 nhà hoạt động, cựu tù chính trị tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-arrests-one-more-on-the-charge-of-working-to-topple-the-government-10062017130835.html

 

Triển lãm “Chiến tranh Việt Nam”

ở Viện Bảo tàng Lịch sử New York

Sau gần 3 năm chuẩn bị, cuộc triển lãm “Chiến tranh Việt Nam: 1945-1975” khai mạc hôm thứ Tư tuần này tại Viện Bảo tàng Lịch sử New York.

Cuộc chiến đã làm xã hội chia rẽ sâu xa và phơi bày những giới hạn của sức mạnh quân sự Mỹ, là chủ đề của một cuộc triển lãm mới về một đề tài cũ nhưng hãy còn nhiều tiếng vang trên chính trường đầy chia rẽ của nước Mỹ ngày nay, theo lời người phụ trách triển lãm, bà Marci Reaven.

Cách đây vài năm, khi ý kiến tổ chức một cuộc triển lãm về Chiến tranh Việt Nam được nêu lên tại Bảo tàng Lịch sử New York, một thành viên của Hội đồng Quản trị, ông James Grant, kể lại rằng hơn 40 năm sau cuộc chiến, chiến tranh Việt Nam vẫn khơi lên những xúc cảm mãnh liệt.

Ông Grant, một cựu chiến binh hải quân Mỹ phục vụ tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960, nói một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra giữa ông với một thành viên khác trong Hội đồng quản trị về động cơ của Hoa Kỳ khi tham chiến, bản chất cuộc xung đột, và liệu các nỗ lực và những sự hy sinh đó rốt cuộc chỉ vô ích?

Với những kỷ vật và chứng tích được trưng bày, bằng cả âm thanh và hình ảnh, cuộc triển lãm có tính tương tác kể lại câu chuyện của cuộc xung đột từ gốc của nó sau Thế chiến Thứ Hai, khi mà Hoa Kỳ hậu thuẫn cho quân đội Pháp để tìm cách duy trì chế độ cai trị thực dân của nước này ở Đông Dương.

Cuộc triển lãm miêu tả giai đoạn leo thang chiến tranh, cũng như giai đoạn khép lại cuộc chiến, triệt thoái binh sĩ Mỹ về nước giữa lúc phong trào chống chiến tranh nổi lên ở trong nước, cũng như các cuộc biểu tình sôi nổi không kém ủng hộ các nỗ lực chiến tranh.

Theo bà Marci Reaven, Giám Đốc phụ trách triển lãm, thì câu chuyện chiến tranh Việt Nam được kể từ cả hai phía. Tại triển lãm, khách có thể xem một tác phẩm sơn mài tuyên truyền của miền Bắc năm 1962, do một nghệ sĩ còn sống tái tạo lại độc quyền cho Bảo tàng Lịch sử New York.

Các chứng tích được trưng bày gồm một phi đạn Bullpup gắn trên máy bay ném bom F-105, một chiếc xe jeep, và hai dãy màn ảnh video thuật lại từng giai đoạn của cuộc chiến. Khách có thể chọn đoạn video kể lại từng giai đoạn lịch sử của cuộc chiến.

Trong các kỷ vật được trưng bày còn có giấy gọi nhập ngũ mà thanh niên Mỹ tuổi từ 18 tới 26 thời đó phải luôn mang theo mình, nhiều người đã mang ra đốt giấy này để nói lên sự chống đối của mình, và thách thức lệnh nhập ngũ. Chính sự chống đối này đã dẫn tới việc bãi bỏ lệnh nhập ngũ vào năm 1973, không lâu sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam.

Tất cả những chi tiết nghe tương tự như những gì đã nghe về bộ phim tài liệu 10 tập của đạo diễn Ken Burns và đạo diễn Lynn Novick vừa được trình chiếu trên đài PBS mới đây, chỉ là do “tình cờ ngẫu nhiên”, theo bà Marci Reaven.

Khách đến xem triển lãm được khuyến khích ghi lại, hoặc ghi âm những sự suy nghĩ của mình về chiến tranh Việt Nam, để lại cho các thế hệ mai sau.

“Chúng tôi muốn các thế hệ đến sau trải nghiệm, như chúng ta đã trải nghiệm, rằng chiến tranh là sản phẩm của nhiều quyết định do các chính quyền và cá nhân làm ra, và điều quan trọng là phải tìm hiểu các quyết định đó, chú ý tới các quyết định đó khi mà chúng đang được làm.”

Cuộc triển lãm “Chiến tranh Việt Nam: 1945-1975” tại Viện Bảo Tàng Lịch sử sẽ mở cho tới ngày 22/4/2018.

https://www.voatiengviet.com/a/trien-lam-chien-tranh-viet-nam-o-vien-bao-tang-lich-su-new-york/4059793.html

 

Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ

thăm bãi cọc Bạch Đằng

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Scott Swift và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm Thứ Sáu 6 tháng 10 có chuyến thăm bãi cọc Bạch Đằng.

Trên trang Facebook chính thức của mình, Đại sứ Osius cho biết ông và Đô đốc Swift đã đến thăm khu di tích bãi cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng, để tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, và tỏ lòng kính trọng đối với những vị anh hùng vĩ đại đã giữ nền độc lập và chủ quyền của đất nước.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời Đô đốc Swift nói ông lạc quan về sự tăng cường hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước. Vị tư lệnh sắp sửa về hưu xác định rằng, đây là mối quan hệ sẽ “xuyên suốt qua các đời chính quyền và lãnh đạo của mỗi nước”.

Đô đốc Swift đã bày tỏ ý định về hưu hồi tháng 9 vừa qua, sau khi được Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng ông sẽ không phải là người thay thế Đô đốc Harry Harris làm Tư lệnh Thái Bình Dương.

Truyền thông Việt Nam hôm Thứ Sáu dẫn lời Đô đốc Swift cho rằng mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ đang “phát triển tự nhiên”, bởi vì cả hai nước đang “đối diện với những mối lo ngại và đe dọa chung, cũng như sự bất ổn trong khu vực”.

Bãi cọc mà hai ông Osius và Swift đến thăm tại cửa sông Bạch Đằng ở Hải Phòng bao gồm những cọc nhọn phục chế, bởi vì những cọc nhọn ngàn năm bằng gỗ đóng xuống lòng sông trong các trận đánh của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đều đã bị mục một phần.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tu-lenh-ham-doi-thai-binh-duong-hoa-ky-tham-bai-coc-bach-dang/

 

Tổng giám đốc xổ số Vietlott bất ngờ từ chức

 liên quan đến bê bối của Tập Đoàn Dầu Khí VN

Tổng giám đốc Vietlott đột ngột xin từ chức.

Sau khi dẫn dắt Vietlott- Công ty Xổ số điện toán Việt Nam- đi đến kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay, tổng giám đốc công ty này là ông Tống Quốc Trường đột ngột xin từ chức “vì lý do cá nhân”.

Báo Thanh Niên hôm Thứ Bảy 7 tháng 10 dẫn nguồn tin từ Bộ Tài Chính CSVN cho hay, ông Trường đã nộp đơn xin từ chức lên bộ này, và đơn đã được chấp thuận.

Ông Trường được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vietlott vào tháng 8 năm 2012, khi công ty này vừa mới được cấp phép thành lập. Theo báo cáo tài chính của Vietlott, trong 6 tháng đầu năm 2017, công ty đạt doanh thu 1.5 ngàn tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận 132 tỉ đồng (5.7 triệu Mỹ kim).

Các sản phẩm chính của Vietlott gồm các loại xổ số Mega 6/45, Max 4D và Power 6/55. Riêng xổ số Mega 6/45 được người chơi xổ số Việt Nam ưa chuộng, và các giải độc đắc lên tới nhiều triệu Mỹ kim của loại xổ số này thường được báo chí Việt Nam đưa tin như biến cố thời sự.

Theo tờ Thanh Niên, ông Tống Quốc Trường từ chức tổng giám đốc Vietlott có thể do những vụ truy tố hồi gần đây, nhắm vào các cựu giới chức của Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN. Ông Trường từng đứng đầu Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam PVFC, được mô tả là “một trong những vũng lầy” của PVN.

Thua lỗ tại PVFC được cho là còn nặng nề hơn cả thua lỗ tại Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Cũng như Trịnh Xuân Thanh tiếp tục đi làm quan tại tỉnh Hậu Giang sau khi kinh doanh thua lỗ gần 150 triệu Mỹ kim tại PVC, ông Tống Quốc Trường được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vietlott.

Các ông Trịnh Xuân Thanh, Tống Quốc Trường, Nguyễn Xuân Anh và Đinh La Thăng một thời là thế hệ đang lên trong đảng cộng sản. Nhưng nay tất cả họ đều không còn đường tiến, cho thấy đảng CSVN đã thật sự thất bại trong việc xây dựng thế hệ lãnh đạo tương lai.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tong-giam-doc-xo-so-vietlott-bat-ngo-tu-chuc-lien-quan-den-be-boi-cua-pvn/

 

Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Linh Mục Nguyễn Thành Thái

làm giám mục phụ tá Giáo Phận Orange

Một linh mục gốc Việt vừa được Đức Giáo Hoàng Francis bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Orange, California, nơi có cộng đồng Việt Nam đông đảo nhất thế giới ngoài nước Việt Nam.

Giám mục tân cử Nguyễn Thành Thái sinh ngày 7 tháng 4 năm 1953 tại Nha Trang, Việt Nam. Bắt đầu con đường tu học của mình, ông gia nhập dòng Thánh Giuse, nghiên cứu triết học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse và Giáo Hoàng Học Viện Piô X tại Đà Lạt.

Ông rời khỏi Việt Nam đi tị nạn cộng sản năm 1979 và đến thành phố Hartford, tiểu bang Connecticut năm 1980. Sau khi theo học tại Hartford State Technical College, ông làm giáo viên toán và khoa học tại học khu Hartford từ năm 1981 đến 1984.

Năm 1984, ông gia nhập Dòng Thừa Sai Đức Mẹ La Salette và theo học tại Merrimack College và Trường Thần Học Weston ở Massachusetts từ năm 1984 đến 1990.

Ông thụ phong linh mục vào ngày 11 tháng 5 năm 1991. Trong tám năm sau đó, ông thi hành mục vụ tại nhiều giáo xứ tại hai tiểu bang Georgia và Florida.

Năm 1999, ông chính thức trở thành một linh mục của giáo phận St. Augustine và tiếp tục làm linh mục quản nhiệm của giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Jacksonville. Sau đó, ông trở thành linh mục chánh xứ của giáo xứ này.

Ông cũng là thành viên của Trường Cao Đẳng Tư Vấn và của Hội Đồng Giám Mục.

Khi được Đức Giáo Hoàng Francis bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Orange, tiểu bang California, Cha Nguyễn Thành Thái đang làm chánh xứ của giáo xứ St. Joseph ở Jacksonville, Florida.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/duc-giao-hoang-bo-nhiem-linh-muc-nguyen-thanh-thai-lam-giam-muc-phu-ta-giao-phan-orange/