Tin khắp nơi – 07/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/10/2017

Hoa Kỳ bán hệ thống Thaad cho Ả rập Saudi

Chính phủ Hoa Kỳ vừa chuẩn thuận việc bán cho Ả rập Saudi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trị giá 15 tỉ đôla.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận bán Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) làm tăng thêm mối quan tâm an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Thỏa thuận này sẽ củng cố an ninh của Ả rập Saudi và Vùng Vịnh chống lại các mối đe dọa của Iran và các sự đe dọa khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Ả rập Saudi đồng ý mua hệ thống phòng không của Nga.

Thỏa thuận này sẽ không làm thay đổi sự cân bằng quân sự trong khu vực, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết.

Hệ thống Thaad được triển khai ở Nam Hàn để tự vệ trước khả năng Bắc Hàn tấn công Nam Hàn bằng tên lửa.

Hệ thống THAAD là để chặn và phá các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối khi tên lửa đang bay.

Nhưng nhiều người Nam Hàn đã phản đối và lo ngại rằng Thaad sẽ trở thành một mục tiêu và gây nguy hiểm tới mạng sống của những người sống gần các địa điểm đặt hệ thống này.

Trung Quốc cũng phản đối hệ thống này và nói rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng an ninh khu vực.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ nói với giới lập pháp trong tháng Sáu rằng họ có kế hoạch triển khai hơn 50 hệ thống THAAD cho Quân đội Mỹ trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2017 tới tháng Chín năm 2018.

Mỹ lắp đặt hệ thống Thaad ở Nam Hàn

Tàu USS Carl Vinson: Trump nghi binh hay lỡ lời?

Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã đến Nam Hàn

Bắc Hàn ‘sẵn sàng nhấn chìm’ USS Carl Vinson

Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad)

Có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn sắp tiếp đất

Sử dụng công nghệ bắn để tiêu diệt, trong đó động năng được dùng để phá hủy đầu đạn phóng tới

Có tầm che phủ 200km và đạt độ cao 150km

Hoa Kỳ từng triển khai Thaad tại Guam và Hawaii, cũng nhằm đối phó đe dọa từ Bắc Hàn

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41535672

 

Quân đội Mỹ xác nhận binh sĩ thứ tư thiệt mạng ở Niger

Quân đội Mỹ hôm thứ Sáu cho biết một binh sĩ Mỹ thứ tư đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bị nghi là do những kẻ chủ chiến Hồi giáo thực hiện vào tuần này tại Niger.

Các quan chức quân đội cho biết binh sĩ này mất tích sau một cuộc phục kích chết người hôm thứ Tư trong một cuộc tuần tra chung giữa Mỹ và Niger gần Mali. Họ nói rằng thi thể của người lính này được lực lượng Nigeria tìm thấy hôm thứ Sáu sau một cuộc tìm kiếm rộng khắp.

Ba binh sĩ Mỹ khác được xác nhận đã chết sau vụ tấn công. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với VOA hôm thứ Năm rằng họ là những thành viên của lực lượng đặc nhiệm Lục quân Mỹ, còn được gọi là Green Berets (Mũ nồi xanh).

Thông tin về người lính thứ tư đã không được công bố trước đó vì nỗ lực tìm kiếm rộng khắp đang được tiến hành, các quan chức cho biết.

Bốn binh sĩ của lực lượng an ninh Niger cũng thiệt mạng trong vụ tấn công hôm thứ Tư. Tám người lính Nigeria và hai người lính Mỹ bị thương.

Chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, dù các quan chức Mỹ nói họ nghi ngờ một nhánh địa phương của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chịu trách nhiệm.

Mark Cheadle, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM), nói rằng quân đội sẽ săn lùng những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Tư.

“Chúng tôi kiên quyết trong nỗ lực của chúng tôi truy lùng những kẻ tấn công cuộc tuần tra chung này,” ông Cheadle nói.

AFRICOM cho biết vụ tấn công xảy ra cách thủ đô Niger khoảng 200 km về phía bắc, ở Niamey, không xa biên giới Niger-Mali.

Khoảng 12 binh sĩ Mỹ thuộc một toán tuần tra chung 40 thành viên Mỹ-Niger khi đó đang cố gắng “tạo dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo địa phương.”

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-my-xac-nhan-binh-si-thu-tu-thiet-mang-o-niger/4060716.html

 

Bộ Tư pháp Mỹ truy tố

3 người đàn ông âm mưu tấn công New York

Bộ Tư pháp Mỹ loan báo truy tố ba người đàn ông bị buộc tội tham gia vào một âm mưu quốc tế để thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Thành phố New York.

Văn phòng Công tố viên Hoa Kỳ ở Khu vực Nam New York hôm thứ Sáu nói trong một thông cáo báo chí rằng họ đã đưa ra cáo buộc nhắm vào Abdulrahman El Bahnasawy, công dân Canada 19 tuổi; Talha Haroon, người Pakistan 19 tuổi; và Russell Salic, công dân Philippines 37 tuổi, về tội âm mưu thực hiện các vụ đánh bom và bắn súng tại các khu vực đông người của Thành phố New York.

Ba người này bị buộc tội vào năm ngoái vì âm mưu thực hiện vụ tấn công vào mùa hè năm 2016. Cả ba người đều đã bị bắt. El Bahnasawy đã nhận tội và đang chờ bị tuyên án vào tháng 12.

Hồ sơ tòa án cho biết Haroon và Salic đã bị bắt ở nước ngoài và chưa bị dẫn độ về Mỹ.

Thông cáo nói ba người này đã trao đổi liên lạc qua Internet để hoạch định các vụ tấn công của họ, được El Bahnasawy mô tả là “vụ 11 tháng 9 kế tiếp.” Anh ta nói với một điệp viên chìm rằng anh ta hy vọng sẽ dàn dựng một vụ tấn công bằng súng nhắm vào một nhạc hội.

Hồ sơ tòa án dẫn lời El Bahnasawy nói, “Chúng tôi chỉ cầm súng đi vào. Những người ở Paris đã làm như vậy,” nhắc tới những tay súng thực hiện các vụ tấn công hồi năm 2015 nhắm vào một buổi trình diễn nhạc rock ở Paris, Pháp. Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp cho biết những nghi phạm này cũng lên kế hoạch tấn công hệ thống tàu điện ngầm New York và đặt bom xe tại Quảng trường Times, một khu vực đông khách du lịch.

El Bahnasawy bị bắt vào tháng 5 năm 2016, Haroon vào tháng 9 năm 2016, và Salic vào tháng 4 năm nay, theo hồ sơ toà án.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, FBI cảnh báo các văn phòng chấp pháp tại Thành phố New York về một mối đe dọa “không khả tín” đối với thành phố, nhưng FBI nói thông báo này không liên quan đến mối đe dọa đó.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-my-truy-to-3-nguoi-dan-ong-am-muu-tan-cong-new-york/4060622.html

 

Chính quyền Trump rút lại quy định

về bảo hiểm ngừa thai của Obamacare

Chính quyền Trump nói rằng họ sẽ mở rộng phạm vi của một điều khoản trong Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, cho phép các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty có cổ phần đại chúng ngừng cung cấp bảo hiểm ngừa thai trong chương trình bảo hiểm mà họ cung cấp cho nhân viên của mình.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ công bố một tập hợp những quy định mới vào ngày thứ Sáu, có hiệu lực ngay lập tức, mở rộng đặc quyền mà trước đây cấp cho các công ty thuộc sở hữu tư nhân nói rằng họ có những phản đối về mặt tôn giáo đối với việc ngừa thai.

Những quy định được công bố vào ngày thứ Sáu trong Đăng bạ Liên bang, nơi lưu trữ công cộng những tài liệu chính thức của chính phủ, mở rộng đối tượng những chủ lao động được phép không tham gia cung cấp bảo hiểm ngừa thai nếu họ có “những phản đối tôn giáo hoặc đạo đức chính đáng.” Quy định này sẽ buộc phụ nữ làm việc cho các công ty này tự trả tiền cho thuốc và dụng cụ ngừa thai của mình.

Các quan chức của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nói với các phóng viên rằng họ dự liệu sẽ không có nhiều công ty tận dụng những quy định mới này – có lẽ chỉ khoảng 200 công ty đã đệ đơn kiện chống đối quy định cung cấp bảo hiểm ngừa thai của Obamacare.

Thông báo hôm thứ Sáu theo sau một sắc lệnh hành pháp hồi tháng Năm tuyên bố sẽ “bảo vệ và quảng bá mạnh mẽ tự do tôn giáo.” Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh này để đáp lại một vụ kiện của hội tôn giáo The Little Sisters of the Poor, là đoàn thể đã đệ đơn kiện dưới thời chính quyền Obama, khi Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng hay Obamacare có hiệu lực.

Đạo luật này bắt buộc bảo hiểm y tế do chủ lao động cung cấp phải bao gồm chăm sóc y tế ngăn ngừa, bao gồm ngừa thai sử dụng tất cả các biện pháp tránh thai được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Liên bang chấp thuận.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-rut-lai-quy-dinh-ve-bao-hiem-ngua-thai-cua-obamacare/4060089.html

 

Đa số dân chúng không tin Mỹ đang đi đúng hướng

Chỉ 24% người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng với những gì đang diễn ra bao gồm lời đe dọa của Tổng thống Trump với Triều Tiên về chiến tranh, những phàn nàn chỉ trích chính quyền Trump về hoạt động cứu trợ thiên tai và những phát biểu của Tổng thống liên quan đến những thành phần cực đoan xem người da trắng là ưu việt.

Tỷ lệ này giảm 10% so với cuộc khảo sát hồi tháng 6, theo thăm dò của AP và Trung tâm Nghiên cứu NORC.

Hồi tháng sáu, 60% những người theo đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng. Giờ đây số này chỉ là 44%.

Gần 70% người Mỹ được hỏi cho rằng ông Trump không bình tĩnh, đa số cho rằng ông là một nhà lãnh đạo không thành thật, không mạnh mẽ.

Hơn 60% không tán đồng cách Tổng thống đang xử lý các mối quan hệ về chủng tộc, chính sách đối ngoại và di trú, cùng nhiều vấn đề khác.

Tổng thể, 67% người Mỹ không hài lòng với trách vụ Tổng thống của ông Trump. 1/3 trong số này là bên đảng Cộng hòa.

Những kết quả này được đưa ra sau một mùa hè đầy ‘biến động’ đối với ông Trump, với những xáo trộn về nhân sự trong bộ máy chính quyền kể cả những sự ra đi và những cú sa thải.

Trong tất cả các vấn đề được thăm dò trong cuộc khảo sát của AP-NORCl, Tổng thống Trump được điểm hơi khá trong lĩnh vực kinh tế; nhưng mặc dù vậy, tỷ lệ tán thành cách lãnh đạo của ông về mặt kinh tế là 42%, còn tỷ lệ không bất đồng là 56%.

Cuộc khảo sát hỏi thăm ý kiến của 1.150 người trường thành được thực hiện từ ngày 28/9 đến 2/10.

https://www.voatiengviet.com/a/da-so-dan-chung-khong-tin-my-di-dung-huong-/4060079.html

 

Cảnh sát London điều tra vụ xe lao lên vỉa hè, gây thương tích

Cảnh sát London cho biết “một số” người đi bộ bị thương trong một vụ việc liên quan tới một chiếc xe gần Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của thành phố.

Cảnh sát nói một người đàn ông đã bị bắt liên quan tới vụ việc và nguyên nhân đang được điều tra.

“Các cuộc điều tra để xác lập tình huống và động cơ đang được tiến hành,” cảnh sát nói.

Người đàn ông bị bắt giữ sau khi truyền thông Anh đưa tin một chiếc xe chệch hướng và lao lên vỉa hè bên ngoài viện bảo tàng.

Viện bảo tàng xác nhận vụ việc trên Twitter và nói họ đang làm việc với cảnh sát.

Nước Anh đang ở mức cảnh báo an ninh cao thứ hai sau năm vụ tấn công chết người trong năm nay, trong đó có ba vụ liên quan tới xe.

https://www.voatiengviet.com/a/london-xe-lao-len-via-he/4060668.html

 

Đại hội Đảng TQ: Vương Kỳ Sơn sẽ đi hay ở?

Ngọc Lễ

Tương lai của ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật thực thi chiến dịch chống tham nhũng gắt gao của Trung Quốc, người thường được xem là nhân vật quyền lực thứ hai của nước này, đang trở thành một trong những chủ đề được dư luận quan tâm trong lúc Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần. Hiện đang có những tin tức trái ngược nhau về tương lai của ông Vương.

Theo quy luật bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “7 vào, 8 ra” (67 tuổi ở lại, 68 tuổi về hưu) thì ông Vương, 68 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và là thành viên xếp hàng thứ sáu của Thường vụ Bộ Chính trị, đã quá tuổi để có thể ở lại Thường vụ Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, không có ai ở Trung Quốc có thể vượt qua quy định này.

Tuy nhiên, vai trò tối quan trọng của ông Vương Kỳ Sơn trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến nhiều người đồn đoán rằng ông Tập sẽ tận dụng ảnh hưởng của ông trong Đảng để vận động giữ ông Vương ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, kinh nghiệm về kinh tế của ông Vương – ông Vương là một nhà kinh tế được các nước phương Tây kính trọng và từng là phó thủ tướng trước khi chuyển sang làm kỷ luật Đảng – có thể giúp ông được Đảng giữ lại để giao nhiệm vụ về kinh tế.

Không những thế, việc ông Vương đi hay ở còn có quan hệ mật thiết với tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình. Mặc dù là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, nhưng ông Tập cũng bị ràng buộc bởi quy định “7 vào, 8 ra”. Nếu như ông Tập có thể phá vỡ quy định về tuổi tác để giữ ông Vương ở lại lần này, thì bản thân ông Tập cũng có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2022, cho đến chừng nào mà ông muốn.

Sau khi hội nghị không chính thức quy tụ các lãnh đạo và nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà kết thúc, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hồi cuối tháng 8 đã dẫn ‘một nguồn tin có liên quan’ cho biết các lãnh đạo Đảng đã quyết định để cho ông Vương về hưu.

Ngoài ra nhật báo Nhật này cũng dẫn ‘một nguồn tin nội bộ Đảng và có liên hệ với chính quyền và các nguồn tin ngoại giao’ cho biết hội nghị Bắc Đới Hà đã quyết định những ai được vào Thường vụ Bộ Chính trị mới – cơ quan lãnh đạo tối cao của Trung Quốc sẽ được bầu tại Đại hội 19.

Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ở lại một nhiệm kỳ nữa, năm thành viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị đã đến tuổi về hưu và cần được thay thế.

Cũng theo danh sách mà tờ báo này có được, thì danh sách các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới sẽ gồm Hồ Xuân Hoa, Bí thư Quảng Đông và là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ, Trần Mẫn Nhĩ, người thân cận với ông Tập Cận Bình vừa được cất nhắc làm Bí thư Trùng Khánh, phó Thủ tướng Uông Dương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư, trợ lý thân cận của ông Tập, và Hàn Chính, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Theo đó, Uông Dương sẽ được phân công làm Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội), Hàn Chính sẽ được điều về phụ trách Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (tức Chính hiệp), Hồ Xuân Hoa làm phó Chủ tịch nước, Lật Chiến Thư làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ làm trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.

Theo danh sách này thì cơ cấu của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ là 4/3 nghiêng về ông Tập (Trần Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư, Hàn Chính và ông Tập) còn ba người còn lại (Lý Khắc Cường, Hồ Xuân Hoa và Uông Dương) đều thuộc Đoàn phái, tức đi lên từ Đoàn Thanh niên cộng sản, của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Nếu danh sách của tờ Yomiuri Shimbun đưa ra là chính xác thì ông Hồ Xuân Hoa, 54 tuổi, và Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, sẽ trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc sau khi các ông Tập và ông Lý về hưu. Ông Hồ Xuân Hoa đã được quy hoạch từ lâu còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ vượt hai cấp từ Trung ương nhảy thẳng vào Thường vụ Bộ Chính trị mà không thông qua Bộ Chính trị. Đây là việc rất hiếm khi xảy ra.

Như vậy thì danh sách này, theo Yomiuri Shimbun đã được sự thỏa thuận giữa các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, không có tên ông Vương Kỳ Sơn. Tuy nhiên, rất khó kiểm chứng thông tin này do tính chất khép kín của chính trị Trung Quốc. Cho đến nay thì ngoài tờ báo của Nhật này ra chưa có nguồn nào đưa ra danh sách tương tự.

Tuy nhiên, việc ông Vương Kỳ Sơn, người ít khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông đảm nhiệm công tác chống tham nhũng, mới đây có những cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Steve Bannon, người từng là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ở Bắc Kinh để bàn về kinh tế đã làm dấy lên những đồn đoán rằng ông sẽ ở lại trong Thường vụ Bộ Chính trị, và sẽ được giao nhiệm vụ về kinh tế, thậm chí sẽ thay ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng Quốc vụ viện.

Mới đây nhất, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm 4/10 đã dẫn lời một số nhà phân tích dự đoán khả năng ông Vương ở lại hay ra đi.

Giáo sư Andrew Nathan thuộc Đại học Columbia ở New York thì cho rằng số phận của ông Vương hiện đang nằm trong tay ông Tập.

“Ông Tập dường như có đủ uy quyền trong tay để thay đổi luật lệ nếu muốn,” GS Nathan phân tích, “Theo như những gì tôi biết thì ông Tập vẫn tiếp tục tin tưởng ông Vương trong chiến dịch chống tham nhũng và điều đó khiến ông Vương trở thành một nhân tố quan trọng trong cơ sở quyền lực của ông Tập. Do đó tôi nghĩ rằng Tập muốn Vương tiếp tục tại vị.”

Còn Giáo sư Trang Đức Thủy ở Đại học Bắc Kinh thì cho rằng Vương Kỳ Sơn nghỉ hưu khi đến tuổi mới hợp lý hơn về chính trị.

“Xem toàn bộ cuộc chiến chống tham nhũng là công việc của một người là không công bằng,” giáo sư Trang được dẫn lời nói, “Chiến dịch sẽ vẫn tiếp diễn dù có còn ông Vương hay không – chỉ là nó không diễn tiến nhanh được như khi ông Vương cầm trịch thôi.”

“Cho dù ông Vương có năng lực như thế nào đi nữa thì một ngày nào đó ông ấy cũng phải về hưu. Chúng ta phải tôn trọng quy luật của tự nhiên. Mao Trạch Đông là người tài nhưng nếu ông ấy chịu từ bỏ quyền lực sớm hơn thì ông ấy có thể đã gây ra ít sai lầm hơn,” ông nói thêm.

Giáo sư Trần Đạo Anh thuộc Đại học Thượng Hải nhận định rằng việc ông Vương tiếp tục ở lại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công việc chống tham nhũng vì ông Vương từng nói chống tham nhũng ‘phải trị triệu chứng trước rồi mới từ từ trị dứt bệnh sau’.

Tuy nhiên, giáo sư Trần cũng cho rằng việc ông Vương ở lại cũng có những tác động tiêu cực.

“Chiến dịch chống tham nhũng đã leo thang trở thành chiến dịch bảo vệ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và nó đã lan đến mọi ngõ ngách của đời sống,” ông Trần nói. “Cho dù ông Vương có cố ý hay không thì cách làm của ông đã tạo ra một bầu không khí đàn áp trên khắp đất nước.”

Bên cạnh việc thanh trừng các quan chức tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới thời ông Vương còn tìm cách củng cố sự ủng hộ của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Hai năm trước, cơ quan này còn thậm chí cấm các đảng viên có ‘bình luận vô trách nhiệm’ về lãnh đạo Đảng, ngay cả những bình luận riêng tư.

Ba năm trước, sau khi một số luật sư đòi hỏi các quan chức bị điều tra tham nhũng phải có người đại diện pháp lý để làm việc với cơ quan kiểm tra, ông Vương đã viết trên Nhân dân Nhật báo là đảng viên có nghĩa là phải tự nguyện từ bỏ các quyền dân sự để đảm bảo lòng trung thành với Đảng.

Khả năng ông Vương thay ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng ít có khả năng xảy ra hơn nhưng lại được cộng đồng trí thức và doanh nghiệp Trung Quốc ủng hộ do những hiểu biết sâu rộng của ông Vương về kinh tế và trước những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng làm việc nhiều lần với ông Vương, mô tả ông là “người rất có năng lực”. Ông Paulson từng nói với tờ Wall Street Journal: “Ông Vương hiểu thị trường. Ông ấy hiểu con người. Ông ấy cũng biết cách giao tiếp.”

Ông Vương Kỳ Sơn còn được xem là người chuyên xử lý các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người xem ông là ứng cử viên lý tưởng để giải quyết các vấn đề từ tăng trưởng giảm sút, năng suất công nghiệp dư thừa và các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ cho đến sự chống đối cải cách của các nhóm lợi ích.

Trong những năm 1980, ông là người giúp thúc đẩy cuộc cuộc cải cách nền kinh tế nông thôn vốn được các học giả cho là một trong những cuộc cải cách thành công nhất của Trung Quốc, vì đã giúp hàng triệu nông dân thoát khỏi đói nghèo.

Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng vào năm 2008 và đã tận dụng những hiểu biết kinh tế của mình để lãnh đạo một tổ công tác của Quốc vụ viện có nhiệm vụ giúp Trung Quốc tránh bị thiệt hại bởi cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu.

Giáo sư Viên Cương Minh thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thì ông Vương Kỳ Sơn “là người nổi bật với những am hiểu về kinh tế”.

Ông Viên nói ông Vương chịu ảnh hưởng của các học thuyết kinh tế cổ điển củaPreview phương Tây và ông có quan điểm thân thiện với thị trường hơn hầu hết những nhà lãnh đạo khác của Quốc vụ viện, kể cả cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người từng dẫn đầu nỗ lực cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990. Theo ông Viên thì ông Vương là người ở tuyến đầu của công cuộc cải cách và mở cửa theo kinh tế thị trường của Trung Quốc.

“Tôi hy vọng rằng ông Vương sẽ lên làm thủ tướng nhưng tôi cho rằng khả năng không cao lắm,” Giáo sư Viên được dẫn lời nói. “Nếu ông ấy làm thủ tướng thì kinh tế Trung Quốc sẽ không hỗn loạn như vậy.”

Ông Vương còn có biệt danh là “đội trưởng đội cứu hỏa” của Trung Quốc do khả năng của ông trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Hồi năm 2003, khi còn là thị trưởng Bắc Kinh, ông đã điều phối các nỗ lực chống lại dịch SARS vốn làm cho 190 người chết ở Bắc Kinh. Sau đó, ông được giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.

Ông Vương còn được cho là có giao tình thân thiết với ông Tập Cận Bình. Tình bạn giữa hai ông được cho là có từ thời Cách mạng Văn hóa khi cả hai ông đều được đưa về nông thôn để học tập.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-hoi-dang-cong-san-trung-quoc-vuong-ky-son-se-di-hay-o/4060070.html

 

Dân biểu Nga:

Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa có thể bắn đến Mỹ

Thụy My

Bắc Triều Tiên chuẩn bị thử một hỏa tiễn tầm xa, có thể bay đến tận bờ biển nước Mỹ. Theo hãng tin Nga RIA vào hôm nay 07/10/2017, một dân biểu Nga vừa đi thăm Bình Nhưỡng trở về đã cho biết như trên.

Ông Anton Morozov, một thành viên ủy ban đối ngoại của Hạ Viện Nga Quốc Hội Nga vừa đi thăm Bình Nhưỡng cùng với hai dân biểu khác từ thứ Hai đến thứ Sáu vừa rồi. Phát biểu với hãng tin Nga, ông cho biết:

« Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị các vụ thử tên lửa tầm xa mới. Họ còn cho chúng tôi xem những tính toán, mà theo họ, chứng tỏ rằng các hỏa tiễn này có thể bay đến vùng duyên hải Hoa Kỳ. Theo những gì chúng tôi hiểu được, họ định phóng tên lửa tầm xa trong tương lai gần, và nhìn chung, họ tỏ ra hiếu chiến ».

Tại Washington, một viên chức Mỹ cho biết có những dấu hiệu liên quan đến khả năng Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn vào khoảng thứ Ba 10/10 tới. Đó là ngày kỷ niệm thành lập đảng Lao Động Triều Tiên. Thứ Hai 9/10 lại là ngày nghỉ ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên viên chức này nói thêm là trong quá khứ đã từng có những dấu hiệu tương tự nhưng lại không xảy ra vụ bắn thử nào.

Theo Reuters, dù sao thời điểm 10/10 rất đáng được chú ý. Ông Yong Suk Lee thuộc trung tâm Korea Mission Center được CIA thành lập năm nay, đã tham gia một cuộc họp trong tuần rồi tại Washington, thổ lộ rằng ông đã nói với ê-kíp của mình là nên sẵn sàng đối phó.

Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ âm mưu ám sát Kim Jong Un

Theo một bản tin hôm 06/10/2017 của hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA được báo Newsweek đưa lại, đại diện của Bình Nhưỡng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 đã tố cáo Mỹ đã mưu toan ám sát lãnh tụ Kim Jong Un hồi tháng Năm.

Đại diện Bắc Triều Tiên cho biết : « Vào tháng Năm năm nay, một nhóm khủng bố tàn ác đã xâm nhập đất nước chúng tôi theo lệnh của CIA Mỹ và tình báo của ngụy quyền Hàn Quốc, với mục đích thực hiện khủng bố nhà nước vào khu vực chính quyền trung ương, sử dụng các hóa chất sinh học. Họ đã bị bắt giữ và bêu trước công chúng. Điều này cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng là thủ phạm chính đứng đằng sau ».

Bình Nhưỡng cũng muốn làm rõ « lập trường nguyên tắc » đối với Cơ quan chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc, thành lập hồi tháng Sáu. Theo đại diện Bắc Triều Tiên, Washington sử dụng chiêu bài chống khủng bố để lật đổ các chính phủ thù địch. Lý do chính khiến khủng bố quốc tế chưa bị tiêu diệt, là do sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua, Bình Nhưỡng luôn lên án Mỹ triển khai « Kế hoạch Jupiter », một chiến dịch dùng vũ khí sinh hóa để triệt hạ Kim Jong Un, nhưng các cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh.

Bản tin hôm thứ Sáu 6/10 của KCNA còn nói rằng Washington « đổi màu như tắc kè » để biện minh cho việc lật đổ các chính phủ, đặc biệt tại Trung Đông. Nhân danh chống khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan, Irak, Libya. Cả ba nước này hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh, và Bắc Triều Tiên nêu Irak và Liyba là hai ví dụ cho thấy do chính phủ hai nước này từ bỏ chương trình nguyên tử, nên sau đó đã bị Mỹ tấn công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171007-dan-bieu-nga-binh-nhuong-chuan-bi-thu-ten-lua-co-the-ban-den-my

 

Tin nói Iran sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn

Iran đã gợi ý với sáu cường quốc thế giới là họ có thể sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn đạn đạo của mình, nhằm tìm cách giảm bớt căng thẳng liên quan tới chương trình gây tranh cãi này, các quan chức Iran và phương Tây biết rõ về những nỗ lực này nói với Reuters.

Tehran đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển điều mà họ gọi là năng lực phi đạn phòng thủ thách thức chỉ trích của phương Tây. Washington nói rằng lập trường của nước Cộng hòa Hồi giáo vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc.

Nhưng các nguồn tin cho hay, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa từ bỏ thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, Tehran gần đây đã tiếp cận các cường quốc về các cuộc đàm phán khả dĩ về một số “khía cạnh” của chương trình phi đạn của mình.

“Trong cuộc họp của họ bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng trước, Iran đã nói với thành viên của các cường quốc rằng họ có thể thảo luận về chương trình phi đạn để loại bỏ những mối lo ngại,” một nguồn tin Iran biết về cuộc gặp gỡ này nói với Reuters trong điều kiện giấu tên.

Các quan chức Mỹ và phương Tây không xác nhận vấn đề đã được thảo luận tại cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng ngoại giao của Iran và Mỹ. Nhưng hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Iran gần đây đang “giữ cho vấn đề được chú ý” bằng cách nhả tin cho một số bài báo nhất định và thông qua các bên thứ ba như Oman.

Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters các nỗ lực tiếp cận của Iran đã vươn tới Washington trong những tuần gần đây.

“Iran thăm dò bằng việc nói rằng họ sẵn lòng thảo luận về chương trình phi đạn đạn đạo của mình và đang sử dụng các mối liên lạc với những quan chức còn ‘trụ lại’ từ chính quyền Obama,” cựu quan chức này nói.

Nỗ lực tiếp cận này của Iran diễn ra sau khi ông Trump gọi thỏa thuận hạt nhân là “đáng xấu hổ” và là “thỏa thuận tệ hại nhất từng được thương thuyết.” Ông dự kiến sẽ sớm loan báo thu hồi thỏa thuận này, một quan chức cao cấp của chính quyền cho biết hôm thứ Năm.

Một bước đi như vậy có thể làm đổ vỡ thỏa thuận có tính đột phá mà những người ủng hộ xem là thiết yếu để ngăn chặn chạy đua vũ trang ở Trung Đông và giảm căng thẳng trong khu vực, vì nó hạn chế khả năng tinh chế uranium của Iran trong khi đổi lại Iran được giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-iran-san-long-dam-phan-ve-chuong-trinh-phi-dan/4060057.html

 

Cảnh sát được điều động tới trung tâm Mowcow

 trước cuộc biểu tình chống Putin

Moscow, Nga. (Reuters) – Cảnh sát tăng cường hiển diện ở trung tâm thủ đô Moscow trước cuộc biểu tình của những người ủng hộ nhà phê bình điện Kremlin.

Hôm Thứ Hai 2 tháng 10, ông Alexei Navalny, người chỉ trích Tổng Thống Vladimir Putin, bị kết án 20 ngày tù vì liên tục vi phạm luật tổ chức các cuộc họp công cộng và biểu tình. Nói với người ủng hộ mình trên trang Facebook, ông Navalny kêu gọi họ tham dự các cuộc biểu tình tại cả Saint Petersburg và Moscow trong ngày hôm nay 7 tháng 10. Ông nói thêm rằng 80 nhóm ủng hộ ông đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn nước Nga.

Trong lời kêu gọi từ nhà giam, ông Navalny nói nhiệm vụ của mọi người là làm cho ngày 7 tháng 10 trở thành ngày mọi người tử tế cất lên tiếng nói. Đối với ông có ít nhất hai yêu cầu, đó là cạnh tranh chính trị và cho phép ông tham gia bầu cử. Nhà chức trách cấm các cuộc tuần hành theo kế hoạch vào cuối tuần ở Moscow và Saint Petersburg. Hôm Thứ Năm, điện Kremlin cảnh báo những người kêu gọi biểu tình sẽ bị truy tố. (Nguyên Trân)

http://www.sbtn.tv/canh-sat-duoc-dieu-dong-toi-trung-tam-mowcow-truoc-cuoc-bieu-tinh-chong-putin/

 

Bão Nate di chuyển về Mỹ,

New Orleans và Louisiana chuẩn bị sơ tán

Thụy My

Bão nhiệt đới Nate ngày 07/10/2017 chuyển thành bão cấp 1, hướng về phía đông nam Hoa Kỳ sau khi đã làm 28 người chết và gây nhiều thiệt hại tại các nước Trung Mỹ. Chính quyền thành phố New Orleans và tiểu bang Louisiana chuẩn bị sơ tán dân.

Theo Trung tâm quốc gia về bão của Hoa Kỳ (NHC), Nate đã chuyển thành bão cấp 1 theo thang Saffir-Simpson gồm 5 cấp, và sẽ đến Hoa Kỳ vào sáng sớm ngày Chủ Nhật 08/10.

Các giàn khoan dầu khí ở vùng Vịnh Mêhicô đã được di dời. Chính quyền tiểu bang Louisiana và thành phố New Orleans đã ra lệnh giới nghiêm từ chiều hôm thứ Sáu, và có những biện pháp sơ tán bắt buộc cũng như tự nguyện tại một số vùng có nguy cơ bị ngập lụt.

Miền đông nam nước Mỹ hồi tháng Tám đã phải gánh chịu hai trận bão lớn : bão Harvey đánh vào Texas và Louisiana làm 42 người chết, và bão Irma lên đến cấp 5, làm 12 người ở Florida thiệt mạng.

Bão Nate lần này khi lướt qua Trung Mỹ đã làm ít nhất 28 người chết tại Nicaragua, Costa Rica, Honduras, Salvador, phá hủy nhiều cầu đường và gây lụt lội.

Riêng tại Costa Rica, tổng thống tuyên bố quốc tang ba ngày để tưởng niệm các nạn nhân. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm trên 30 người mất tích, và kêu gọi người dân đề phòng cá sấu trên sông có thể theo nước lụt vào nhà.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171007-bao-nate-my-new-orleans-louisiana-qt

 

Tây Ban Nha:

Liên minh đòi độc lập Catalunya bắt đầu bị chia rẽ

Thu Hằng

Cuộc đối đầu vẫn tiếp tục giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha và phe đòi độc lập Catalunya. Tuy nhiên, ngày 06/10/2017, chính quyền Madrid đã có cử chỉ hòa dịu khi tỉnh trưởng Enric Millo, đại diện Nhà Nước tại Catalunya, đã xin lỗi về các hành động bạo lực của cảnh sát xảy ra ngày 01/10.

Trong khi đó, sự chia rẽ bắt đầu xuất hiện trong nội bộ một số đảng đòi độc lập cũng như sự di dời trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn ra khỏi vùng Catalunya khiến lãnh đạo đối lập Carles Puigdemont lâm vào tình cảnh phức tạp. Trước hết, ông đã dời ngày đọc diễn văn đơn phương tuyên bố độc lập trước Nghị Viện sang thứ Ba 10/10 thay vì thứ Hai như dự kiến.

Từ Barcelona, thông tín viên RFI Véronique Gaymard và Richard Riffoneau giải thích thêm :

« Đảng của ông Carles Puigdemont đã yêu cầu ông bớt hung hăng, còn hai nhà lãnh đạo Santi Vila và Marta Pascal của đảng PdeCat, theo chủ trương ôn hòa ở Catalunya, đã lên tiếng cảnh báo về những quyết định vội vàng, có thể không sửa chữa được. Hai lãnh đạo này cố giảm bớt căng thẳng với Madrid và muốn ưu tiên một biện pháp hòa giải.

Ông Artur Mas, cựu chủ tịch đảng Generalitat, khi trả lời phỏng vấn báo Financial Times, cũng công nhận là lộ trình không rõ ràng. Theo ông, ba trụ cột là tư pháp, kiểm soát lãnh thổ và thu thuế đã không hội tụ đủ tại Catalunya để có thể đi đến độc lập.

Một mối bận tâm khác là kinh tế và tài chính : Chính quyền trung ương Madrid đã ban hành một sắc lệnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chuyển trụ sở sang các tỉnh khác. Sau ngân hàng Sbadell, đến lượt Caixa, ngân hàng lớn thứ ba của Tây Ban Nha, thông báo chuyển trụ sở sang thành phố Valencia. Tập đoàn khí đốt Gas Natural cũng tuyên bố rời trụ sở đến Madrid.

Trong bối cảnh căng thẳng này, một phong trào vận động công dân, tự nhận là phi chính trị, kêu gọi người dân tập trung trước các tòa thị chính trên khắp Tây Ban Nha, mặc trang phục trắng và không mang cờ, để yêu cầu các chính trị gia tiến hành đối thoại thực sự ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171007-tay-ban-nha-lien-minh-doi-doc-lap-catalunya-bat-dau-bi-chia-re

 

Khởi tố ba nghi can

trong vụ khủng bố bằng bình gaz bất thành ở Paris

Thụy My

Nguồn tin tư pháp hôm nay 07/10/2017 cho biết, ba thanh niên tuổi từ 28 đến 30 tối qua đã bị đặt trong vòng điều tra và tạm giam vì âm mưu khủng bố bằng bình gaz tại quận 16 Paris. Cũng trong hôm qua, một phụ nữ Pháp đã bị tuyên bản án 10 năm tù vì tích cực hỗ trợ người con trai đi « thánh chiến ».

Amine A. cùng với hai anh em họ Sami B. và Aymen B. bị khởi tố vì nhiều tội danh, trong đó có « âm mưu giết người có liên quan đến tổ chức khủng bố ». Ba người thân của các nghi can này bị câu lưu từ hôm thứ Hai 2/10 được trả tự do.

Vào lúc 4 giờ rưỡi sáng 30/9, một người dân đã báo động khi phát hiện bốn bình gaz có gắn hệ thống kích nổ bằng điện thoại, đã bị tưới đầy xăng, tại tầng trệt một tòa nhà ở quận 16 Paris. Đến nay vẫn chưa rõ vì sao vụ nổ đã không xảy ra sau ba lần kích hoạt bằng điện thoại, nếu không hậu quả về nhân mạng và tài sản sẽ rất lớn.

Cảnh sát tìm thấy ADN của Aymen B., có tên trong danh sách S (Hồi giáo cực đoan cần theo dõi) từ năm 2016, cũng như Amine A ; và các vật liệu gây nổ tại nhà Sami B., em họ của Aymen B.

Hồi tháng 9/2016, năm bình gaz đã được phát hiện trong một chiếc xe hơi đậu gần Nhà thờ Đức Bà Paris. Ba phụ nữ có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) đã bị bắt giữ.

Cũng trong hôm qua, tòa án Paris đã dành bản án tối đa 10 năm tù cho bà Christine Rivière, 51 tuổi, vì đã tích cực ủng hộ thánh chiến. Cải theo đạo Hồi với con trai là Tyler Vilus, 27 tuổi, bà ta bị bắt hôm 02/07/2014 khi chuẩn bị sang Syria lần thứ tư. Còn Tyler, quân thánh chiến nhanh chóng trở thành thủ lãnh tại Syria, một năm sau bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt và cho dẫn độ về Pháp, hiện đang chờ ngày xử.

Không chỉ tài trợ cho khủng bố bằng việc gởi các gói hàng hay bưu phiếu qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ, bà Christine Rivière còn dẫn dắt một số phụ nữ trẻ sang Syria « thánh chiến ». Viện Công tố nhận định, bị cáo « hoàn toàn dửng dưng với các giá trị dân chủ và ý niệm đạo đức ».

http://vi.rfi.fr/phap/20171007-khoi-to-nghi-can-khung-bo-gaz-paris

 

Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ âm mưu ám sát Kim Jong Un

Thụy My

Theo một bản tin hôm 06/10/2017 của hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA được báo Newsweek đưa lại, đại diện của Bình Nhưỡng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 đã tố cáo Mỹ đã mưu toan ám sát lãnh tụ Kim Jong Un hồi tháng Năm.

Đại diện Bắc Triều Tiên cho biết : « Vào tháng Năm năm nay, một nhóm khủng bố tàn ác đã xâm nhập đất nước chúng tôi theo lệnh của CIA Mỹ và tình báo của ngụy quyền Hàn Quốc, với mục đích thực hiện khủng bố nhà nước vào khu vực chính quyền trung ương, sử dụng các hóa chất sinh học. Họ đã bị bắt giữ và bêu trước công chúng. Điều này cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng là thủ phạm chính đứng đằng sau ».

Bình Nhưỡng cũng muốn làm rõ « lập trường nguyên tắc » đối với Cơ quan chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc, thành lập hồi tháng Sáu. Theo đại diện Bắc Triều Tiên, Washington sử dụng chiêu bài chống khủng bố để lật đổ các chính phủ thù địch. Lý do chính khiến khủng bố quốc tế chưa bị tiêu diệt, là do sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua, Bình Nhưỡng luôn lên án Mỹ triển khai « Kế hoạch Jupiter », một chiến dịch dùng vũ khí sinh hóa để triệt hạ Kim Jong Un, nhưng các cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh.

Bản tin hôm thứ Sáu 6/10 của KCNA còn nói rằng Washington « đổi màu như tắc kè » để biện minh cho việc lật đổ các chính phủ, đặc biệt tại Trung Đông. Nhân danh chống khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan, Irak, Libya. Cả ba nước này hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh, và Bắc Triều Tiên nêu Irak và Liyba là hai ví dụ cho thấy do chính phủ hai nước này từ bỏ chương trình nguyên tử, nên sau đó đã bị Mỹ tấn công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171007-binh-nhuong-to-cao-my-am-muu-am-sat-kim-jong-un

 

Nga: Đối lập biểu tình phản đối

đúng ngày sinh nhật tổng thống Putin

Trọng Nghĩa

Hôm 07/10/2017, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên toàn thể nước Nga, theo lời kêu gọi của nhà đối lập Nga Alexei Navalny. Những cuộc biểu tình bất hợp pháp này được tổ chức vào ngày sinh nhật thứ 65 của ổng thống Nga Vladimir Putin.

Alexei Navalny không thể có mặt trong cuộc biểu tình vì thứ Hai 02/10, ông đã bị kết án 20 ngày tù vì đã kêu gọi các cuộc biểu tình bị coi là bất hợp pháp. Cho dù vậy, những người ủng hộ Navalny vẫn quyết tâm biểu tình. Thông tín viên RFI đã đến trụ sở của họ tại Matxkơva vào hôm qua.

Khoảng 20 thành viên đấu tranh đang ngồi trước máy vi tính, một vài tấm áp phích mang ảnh của Alexei Navalny: trụ sở của khắc tinh của tổng thống Putin đang chuẩn bị cho một ngày hành động mới… Họ tuyệt đối không dù từ ngữ biểu tình, mà chỉ nói là sẽ « đi dạo » trên đường phố Matxkơva…

Theo Nikolai Liaskine, điều phối viên tại thủ đô Nga của phong trào Navalny, thì từ ngữ được chọn cẩn thận vì ở Matxkơva biểu tình bị cấm, nhưng « đi dạo » ở trung tâm thành phố là điều hợp pháp, và mọi người sẽ vừa đi dạo vừa nói về Alexei Navalny ! Cảnh sát có thể bắt bớ họ, nhưng các thành viên phong trào Navalny tuyệt đối không phạm pháp.

Cuộc phỏng vấn ông Liaskine phải dừng lại đột ngột một chục cảnh sát viên mặc đồng phục xông vào tòa nhà. Cảnh sát muốn khám xét các phòng làm việc, viện cớ là để điều tra về vụ người đứng đầu trụ sở này bị tấn công vào tháng trước… Các thành viên đấu tranh đã dùng điện thoại quay cảnh lục soát trước khi bỏ đi để khỏi bị bắt.

Một người xác định rằng trong thực tế, cảnh sát không tìm gì cả mà chỉ muốn hăm dọa giới ủng hộ ông Navalny. Đối với nhân vật này, phong trào đấu tranh không sợ, vì điều quan trọng là đất nước Nga được tự do, để có những cuộc bầu cử thực sự và một quyền lực hợp pháp.

Đứng trên vỉa hè dưới cơn mưa, các nhà hoạt động chờ cảnh sát khám xét xong… Tất cả đều khẳng định là sẽ xuống đường vào hôm thứ bẩy này bất kể nguy cơ bị bắt giam…

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171007-nga-doi-lap-bieu-tinh-phan-doi-dung-ngay-sinh-nhat-tong-thong-putin

 

LHQ đưa Ả Rập Xê Út và liên quân vào danh sách đen

Thu Hằng

Ngày 06/10/2017, Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản báo cáo về vấn đề trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang. Lần đầu tiên, tên của Ả Rập Xê Út, quốc gia lãnh đạo liên minh quân sự tại Yemen, xuất hiện trong phụ lục các nước chịu trách nhiệm về tình trạng sát hại trẻ em.

Liên Hiệp Quốc cáo buộc Ả Rập Xê Út là nguồn gốc khiến 683 trẻ em thiệt mạng trong các trận oanh kích trường học hay bệnh viện. Riyad phản đối các cáo buộc trên.

Thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình từ New York :

« Đây là một trong số các bản báo cáo hàng năm nhạy cảm nhất về mặt chính trị của Liên Hiệp Quốc. Và năm nay, tên của Ả Rập Xê Út, nước đóng góp tài chính lớn cho Liên Hiệp Quốc, nằm trong danh sách đen các nước chịu trách nhiệm gây ra cái chết của trẻ em vì tham chiến tại Yemen từ năm 2015.

Đại sứ Ả Rập Xê Út phản đối những thông tin này và cho rằng số liệu thống kê bị sai lệch. Ông nói : « Vương quốc Ả Rập Xê Út và đồng minh khẳng định lại là chúng tôi tiến hành những biện pháp rất quan trọng để bảo vệ thường dân trong các chiến dịch quân sự nhằm chấm dứt nỗi đau khổ của người dân Yemen và giảm thiệt hại nhân mạng ».

Và đại sứ Abdallah Al-Mouallimi cáo buộc phe đối lập mới là những người phải chịu trách nhiệm thật sự : « Nhóm Houthi và lực lượng trung thành với tổng thống Saleh tiến hành các hành động bất hợp pháp và vô nhân đạo khiến người dân gặp nguy hiểm, kể cả việc sử dụng trẻ em làm lá chắn ».

Năm ngoái (2016), Ả Rập Xê Út xuất hiện ngắn ngủi trong danh sách này trước khi được rút khỏi vì Riyad gây sức ép tài chính. Năm nay, một thỏa hiệp đã được tìm ra bằng cách liệt tên quốc gia Hồi Giáo này vào danh sách các nước cần tìm cách để tránh các cuộc tấn công nhắm vào trẻ em. Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Amnesty International) đã lên án tính đạo đức giả của lời tuyên án nửa vời này».

Mỹ phê chuẩn bán hệ thống THAAD cho Ả Rập Xê Út

Ngày 06/10/2017, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phê chuẩn quyết định bán hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cho Ả Rập Xê Út. Theo đó, 44 bệ phóng tên lửa đạn đạo THAAD và 360 quả tên lửa, cùng với nhiều radar và thiết bị kiểm soát sẽ được bán cho Riyad với tổng trị giá khoảng 15 tỉ đô la.

Trong một bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết : « Quyết định bán này nhằm tăng cường lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời ủng hộ lâu dài an ninh của Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh trước Iran và các mối đe dọa khác trong vùng ».

Reuteurs nhắc lại, Ả Rập Xê Út, được Mỹ hậu thuẫn, là đối thủ lâu đời của Iran, trong khi Teheran đang nắm trong tay một trong những kho vũ khí lớn nhất Trung Đông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171007-lhq-a-rap-xe-ut-lien-quan-danh-sach-den

 

Miến Điện: Phiến quân Rohingya

chấp nhận mọi cử chỉ xoa dịu của chính phủ

Thu Hằng

Hai ngày trước khi hết hạn hưu chiến tự tuyên bố cách đây một tháng, ngày 07/10/2017, nhóm nổi dậy chính thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya Hồi Giáo xác định sẵn sàng đáp ứng mọi cử chỉ xoa dịu từ phía chính phủ Miến Điện.

Lực lượng Cứu Nguy Arakan Rohingya (ARSA) vẫn chưa cho biết đường lối hành động sau khi lệnh ngừng bắn mà nhóm nổi dậy này đơn phương tuyên bố ngày 10/09/2017 sẽ kết thúc vào đêm thứ Hai 09/10. Tuy nhiên, nhóm này từng tuyên bố « kiên quyết chấm dứt tình trạng bạo ngược và ức hiếp » nhắm vào dân tộc Rohingya của họ.

Trong bản thông cáo được Reuters trích dẫn, nhóm ARSA tuyên bố : « Nếu bất kỳ lúc nào, chính phủ Miến Điện thiên về hòa bình, ARSA sẽ làm tương tự ». Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Trước đó, khi phe nổi dậy đơn phương tuyên bố ngừng bắn, chính quyền Naypyidaw từng khẳng định « không có chính sách đàm phán với quân khủng bố ».

LHQ kêu gọi Miến Điện mở cửa bang Rakhine cho cứu trợ nhân đạo

Trên lĩnh vực nhân đạo, ông Mark Lowcock, phụ trách hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, đánh giá « không thể chấp nhận được » vì hàng cứu trợ không thể vào được bang Rakhine vì chính quyền Miến Điện chặn mọi ngả đường dẫn vào miền bắc bang này sau loạt tấn công của phe nổi dậy Rohingyas nhắm vào khoảng 20 trạm biên phòng.

Một nhóm nhỏ nhân viên quốc tế có mặt tại chỗ, nhưng không thể tiến hành công việc theo đúng nghĩa. Vì vậy, ông Mark Lowcock « kêu gọi chính quyền Miến Điện làm cách nào đó, để các nhà hoạt động nhân đạo, không chỉ của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, có thể được làm việc trong điều kiện bình thường ».

Theo ông Mark Lowcock, cần khẩn cấp hỗ trợ ngay tại bang Rakhine vì hàng ngày vẫn có khoảng 2.000 người Rohingya tiếp tục đến các trại tạm cư ở Bangladesh, đang trong tình trạng quá tải. Từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra ngày 25/08/2017, Bangladesh đã phải đón hơn 515.000 người Rohingya.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171007-mien-dien-phe-noi-day-rohingya-chinh-phu

 

Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ

sắp đến Pakistan để gây sức ép

Thụy My

Theo AFP ngày 07/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần tới sẽ điều hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng đi công tác tại Pakistan. Mục tiêu là nhằm gây áp lực lên quốc gia đồng minh bị cáo buộc là đã làm ngơ cho một số nhóm thánh chiến.

Vài tuần sau khi ông Trump chỉ trích Islamabad « chứa chấp những kẻ gây hỗn loạn », ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đến Pakistan vào cuối tháng 10. Theo nhiều nguồn tin Mỹ và Pakistan, sau đó bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis cũng sẽ theo chân. Chuyến viếng thăm của hai vị bộ trưởng Mỹ nhằm chuyển giao thông điệp là Pakistan cần chấm dứt việc ủng hộ các nhóm thánh chiến.

Washington rất bực tức khi thấy Pakistan cho một số nhóm thánh chiến hoặc quân Taliban trú ngụ, trong khi lực lượng Mỹ đang chiến đấu với những nhóm này bên kia biên giới, ở Afghanistan.

Quan hệ giữa hai nước đặc biệt căng thẳng từ năm 2011, sau khi tổng thống Barack Obama bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Oussama Ben Laden tại Abbottabad, thành phố có các khu gia binh Pakistan.

Tình hình đến nay vẫn không tốt đẹp hơn. Hồi tháng Tám, tổng thống Donald Trump đòi hỏi Pakistan phải thay đổi thái độ. Ông nói : « Chúng tôi đã viện trợ hàng tỉ và hàng tỉ đô la cho Pakistan, nhưng đồng thời họ lại chứa chấp chính những tên khủng bố mà chúng tôi phải chiến đấu ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tuần này nhắc lại trước Quốc Hội, là ông sẽ « cố gắng thêm một lần nữa để xem có cải thiện được gì không ».

Ngoại trưởng Pakistan, công du Hoa Kỳ hôm thứ Tư 4/10 cho rằng những cáo buộc của Mỹ là « không có cơ sở », « không thể chấp nhận được », « không thể nói chuyện với những người bạn từ 70 năm kiểu như vậy ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171007-bo-truong-ngoai-giao-va-quoc-phong-my-sap-den-pakistan-de-gay-suc-ep

 

Nam Á: Ấn Độ tìm cách đối phó với tiền của Trung Quốc

Thu Hằng

Ấn Độ tìm cách bảo vệ phạm vi ảnh hưởng lâu năm tại Nam Á, khu vực đang được Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la. Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại New Delhi, diễn ra từ ngày 04-06/10/2017, cho rằng Ấn Độ phải phát huy thế mạnh riêng thay vì đối chọi với tiền của Trung Quốc.

Trả lời kênh CNBC ngày 06/10, thượng nghị sĩ Ấn Độ Shashi Tharoor nhận định : « Trung Quốc có thừa vốn để đầu tư, chúng tôi thì không thể, nhưng chúng tôi có thể tự lực trong những lĩnh vực có giá trị khác nhau. Đây là điều luôn được đánh giá cao và theo đuổi ».

Có nghĩa là để tránh bị Trung Quốc lấn lướt trên sân nhà, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nên tiếp tục xuất khẩu công nghệ giá rẻ và cung cấp các khoản tín dụng phát triển ưu đãi. Vì từ lâu Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu về công nghệ chi phí thấp ở Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài dược phẩm giá phải chăng rất được quan tâm, Ấn Độ cũng đang dẫn đầu trong ngành năng lượng mặt trời.

Biên tập viên đối ngoại Suhasini Haidar của tờ The Hindu khẳng định New Delhi « sẽ gây thất vọng nếu quyết tâm cạnh tranh với Trung Quốc trên mặt trận đầu tư », thay vào đó, nên phát huy lợi thế vì Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự với các nước trong vùng, như đói nghèo và thời tiết khắc nghiệt.

Còn theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Leela Ponappa, New Delhi còn có thể hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của các nước Nam Á với những khoản vay bằng đồng rupi Ấn để giảm các vấn đề liên quan đến tỉ giá hối đoái và phá giá đồng tiền.

CNBC nhắc lại, để theo đuổi tham vọng dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường », Bắc Kinh đã đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng khác nhau ngay trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ, như cảng Hambantota tại Sri Lanka, Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan. Điều này đã khiến New Delhi tức giận và từ chối tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn phải kể thêm sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc châu Á cả về tăng trưởng kinh tế lẫn tranh chấp biên giới trên cao nguyên Doklam từ tháng 09/2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171007-an-do-tim-cach-doi-pho-voi-tien-cua-trung-quoc-o-nam-a