Tin Việt Nam – 05/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 05/10/2017

Việt Nam rúng động vụ ‘1,5 triệu đôla chạy đại biểu quốc hội’

Viễn Đông

Mạng xã hội đang nóng lên trước thông tin một cựu đại biểu quốc hội khai từng chi 1,5 triệu đôla (khoảng 30 tỷ đồng) để chạy vào cơ quan lập pháp của Việt Nam.

Bà Châu Thị Thu Nga, từng làm Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất – Housing Group, hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa hôm 5/10, nhưng không được chủ tọa cho phép vì “không nằm trong phạm vi vụ án”, theo báo chí trong nước.

Tin cho hay, tại phiên tòa xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư bào chữa cho bà Nga, ông Hoàng Văn Hướng, đã đề cập đến khoản tiền khoảng 30 tỉ đồng mà thân chủ của mình đã khai là dùng để “chạy” làm đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Bà Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói rằng “nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà” và rằng nó “không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian”.

Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.

Bình luận về động thái này, luật sư Trần Vũ Hải viết: “Vị chủ toạ không cho bị cáo khai về số tiền “chạy đại biểu Quốc hội” (lấy từ tiền thu của khách hàng) với lý do không trong phạm vi vụ án là không khách quan, vô tư và trái luật tố tụng lẫn thực tiễn xét xử”.

“Chính phiên toà xử Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn ngay tại Toà án Hà Nội này mấy tuần trước, toà đã để các bị cáo khai đưa cho ai tiền chi lãi ngoài, kể cả những vụ công an đang điều tra”, ông Hải lấy ví dụ.

Luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ toạ, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất!

Luật sư Trần Vũ Hải nói.

“Các tình tiết thành khẩn khai báo và tích cực giúp đỡ các cơ quan pháp luật phát hiện tội phạm là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nay toà không cho bị cáo nói là tước đi quyền của bị cáo”.

Luật sư Hải viết tiếp trên Facebook: “Theo tôi, luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ toạ, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất! Toà phải là nơi sự thật, công lý, bình đẳng được bảo đảm, chứ không phải nơi thẩm phán theo lệnh của ai đó chặn họng bị cáo và luật sư!” Tuy nhiên, ông Hải không nói rõ về sự cáo buộc của mình.

Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, vụ hối lộ “chạy” vào Quốc hội Việt Nam của bà Nga là một trong những tin được tìm kiếm nhiều nhất tối 5/10 trên cả Google lẫn Facebook.

Đây là lần đầu tiên có người công khai thông tin về chuyện chi tiền chạy vào quốc hội Việt Nam, dù các nhà quan sát cho rằng “việc chạy chọt” vào các cơ quan công quyền của Việt Nam không phải là chuyện lạ.

Phiên sơ thẩm xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới các dự án nhà đất bắt đầu vào sáng 2/10, và dự kiến kéo dài trong 18 ngày.

Tin cho hay, hơn 500 bị hại cùng hơn 70 người, tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập. Theo khung hình phạt truy tố, bà Nga đối mặt mức án cao nhất lên tới tù chung thân.

Bà Nga trở thành đại biểu quốc hội khóa 13 năm 2011, nhưng bị miễn nhiệm vị trí này năm 2015 sau vụ bê bối “bán nhà ảo” trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây, tổ chức theo dõi về tình trạng tham nhũng trên thế giới có tên gọi Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết rằng Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu 2016.

Về cuộc chiến chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Đầu năm nay, tổ chức này đã công bố một khảo sát, trong đó nói rằng Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á – Thái Bình Dương.

Trong phúc trình công bố hồi tháng Ba, trong đó có nhắc tới Việt Nam, TI nhận định rằng “nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng”, và rằng 900 triệu người ở 16 nước trong khu vực đã phải hối lộ.

Phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng hôm 31/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện “lò” và “củi” trong việc chống vấn nạn này.

Ông Trọng nói: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-rung-dong-vu-chi-hon-trieu-dola-chay-dai-bieu-quoc-hoi/4057540.html

 

Việt Nam trong danh sách hạn chế

hoặc thù nghịch với tôn giáo

Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc kiểm soát chặt chẽ đối với những định chế tôn giáo hoặc thực sự thù nghịch đối với tôn giáo, theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington vừa công bố.

Trong danh sách, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và một vài nước Cộng hòa thuộc Xô Viết cũ.

Theo Pew, tại các nước này, “chính phủ tìm cách kiểm soát việc hành đạo, việc thể hiện tín ngưỡng nơi công cộng và kiểm soát hoạt động chính trị của những tổ chức tôn giáo.”

Vẫn theo cuộc khảo sát của Pew, hầu hết 43 nước có quốc giáo đều ở Trung Đông và Bắc Phi với đa số theo Hồi Giáo.

Cứ 5 nước thì có hơn 1 nước có quốc giáo chính thức, đa số là những nước Hồi Giáo. Tỷ lệ các nước có một tôn giáo được tôn sùng là 1/5.

53% các quốc gia không có tôn giáo chính thức hay tôn giáo được ưa chuộng, và 10 nước (5%) thù ghét tôn giáo.

Hầu hết 43 nước có quốc giáo thuộc vùng Trung Đông và Bắc Phi, với một nhóm nhỏ tại Bắc Âu. Hồi Giáo là tôn giáo chính thức của 27 nước tại châu Á và tiểu vùng Sahara châu Phi cũng như Bắc Phi và Trung Đông.

13 nước-trong đó có 9 nước tại châu Âu- là những nước chính thức theo Cơ Đốc Giáo, hai nước (Bhutan và Campuchia) có quốc giáo là Đạo Phật, và Israel chính thức là một quốc gia Do Thái giáo. Không có quốc gia nào quốc giáo là Hindu.

Phúc trình của Pew nói: “Trong một số trường hợp, quốc giáo phần lớn đóng vai trò nghi lễ.”

“Thêm vào đó những quốc gia với những tôn giáo được nhà nước hỗ trợ thường có khuynh hướng có những qui định khắc nghiệt về việc hành đạo, trong đó có việc hạn chế hay cấm những tổ chức tôn giáo thiểu số.”

Cơ Đốc Giáo là tín ngưỡng được ưa chuộng của 28 trong số 40 quốc gia có một tôn giáo được ưa chuộng.

(Nguồn The Guardian/PEW)

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-nam-trong-danh-sach-han-che-hay-thu-nghich-voi-ton-giao/4056785.html

 

Campuchia tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt

Campuchia sẽ tiếp tục tiến hành chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia, nói giấy tờ quyền công dân của họ là “không đúng quy định,” tờ Phnom Pehnh Post đưa tin.

Trong khi đó, rất nhiều người trong số này là người gốc Việt đã sinh ra và lớn lên ở Campuchia.

Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh tư tưởng bài Việt vẫn luôn ngấm ngầm nhuốm màu bản sắc chính trị và xã hội Campuchia, tờ báo này nhận định.

Người Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’

Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?

Tòa Campuchia xử tù người Việt vì bạo hành trẻ em

Trong một cuộc họp hôm 4/10, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nói: “Có người nước ngoài sở hữu giấy tờ không hợp pháp vì họ đã được ban hành không đúng quy định.”

Ông Sok Phal, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập cảnh, nói rằng các quan chức vi phạm sẽ bị “trừng phạt” và rằng các nghị định sẽ được thực hiện trong những tháng tới.

Phal cũng nói thêm, “Người sở hữu loại giấy tờ này cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu chúng tôi bắt tất cả bọn họ, chúng tôi sẽ không có đủ nhà tù để đưa họ vào.”

Ông Phal nói có khoảng 70.000 người được cấp giấy tờ công dân bất hợp pháp.

Phal thừa nhận rằng hầu hết những người vi phạm là người gốc Việt sinh ra ở Campuchia và không có quốc tịch khác.

Ông nói rằng một văn bản dưới luật đã thông qua vào tháng Tám cho phép chính quyền hủy bỏ giấy tờ như chứng minh nhân dân và hộ chiếu, chính thức thu hồi quyền công dân của hàng ngàn người.

“Chúng tôi không xóa bỏ quyền công dân của họ, họ là người Việt Nam. Chúng tôi chỉ lấy lại giấy tờ về quyền công dân Campuchia,” ông nói.

Ông Phal nói với tờ Phnom Penh Post rằng những đối tượng này sẽ được coi là người nhập cư bất hợp pháp, nhưng ông đảm bảo họ sẽ không bị ép buộc rời đi.

Cũng theo báo này, chỉ ở riêng thủ đô Phnom Penh, Bộ Nội vụ đã xác định được 7.501 trường hợp giấy khai sinh không chính xác và 305 hộ chiếu sai thông tin.

“Chúng tôi không có chính sách như Lon Nol hoặc Pol Pot trong việc di tản hoặc giết người. . . Họ có thể trở về đất nước của họ. Mặt khác, vì họ đã sống ở đây một thời gian dài, họ có thể nộp đơn lên cơ quan chức năng xem họ có thể làm dân nhập cư hay không,” ông nói.

Tư tưởng bài Việt vẫn luôn ngấm ngầm trong chính trị và xã hội Campuchia, tờ báo độc lập Phnom Phenh Post nhận định.

Cựu Thủ tướng Lon Nol từng giám sát các cuộc thảm sát của người Việt, và các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống đang bị xét xử vì tội diệt chủng chống lại người Việt.

Trong khi đó, Đảng Cứu nạn Quốc gia Campuchia, đảng đối lập chính phủ thì lại sử dụng ngôn ngữ chống Việt Nam để kêu gọi thêm người ủng hộ.

Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, nói chính sách này là “vi phạm nghiêm trọng về quyền con người”.

“Một kế hoạch như vậy sẽ là một sự vi phạm trắng trợn của Công ước về Không quốc tịch của Liên Hiệp Quốc năm 1954 vì những người này không có nơi nào khác để tuyên bố quyền công dân. Có thể cá rằng làm như vậy sẽ khiến tình trạng buôn người ở Campuchia trở nên tồi tệ hơn, ” ông Robertson trả lời tờ Phnom Penh Post qua email.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41508196

 

Vì sao Tướng Trương Giang Long nghỉ chờ hưu?

Trước tin Thiếu tướng Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí theo thông báo của Bộ Công an, cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, người có trên 40 năm làm việc trong ngành công an của Việt Nam, nói ông “bất ngờ” và “ngạc nhiên” về quyết định này.

Nói với BBC hôm 04/10, Đại tá Quang cho rằng dù vì lý do nào đi nữa, Bộ Công an không nên công bố quyết định này trước Hội nghị Trung ương 6 hiện đang diễn ra.

Thiếu tướng Tiến sĩ Giáo sư Trương Giang Long là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân.

Nghe ý kiến của Đại tá Nguyễn Đăng Quang

Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi hôm 3/10.

“Bất ngờ” và “ngạc nhiên”

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, người từng được biệt phái từ ngành an ninh sang làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam, nói ông hơi bất ngờ và ngạc nhiên về chuyện Thiếu tướng Long nhận quyết định chờ hưu trí.

“Thiếu tướng Long chờ hưu tức là không phải nghỉ hưu ngay mà là chờ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi rồi mới nhận sổ hưu”, ông Quang giải thích.

“[Tôi ngạc nhiên vì] ngoài cấp hàm thiếu tướng, anh Long còn có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư. Theo quy định chung của nhà nước, những người có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ được lưu giữ lại từ 5 đến 7 năm.

Tức là phải đến tuổi 65 cho đến 67, họ mới nghỉ hưu chính thức, mặc dù khi đến tuổi 60, theo yêu cầu, thì họ có thể “không đảm nhận công tác quản lý và chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy.”

VN tìm cách cân bằng quan hệ với TQ và Mỹ

Trung-Việt: Tương đồng và tương quan?

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thiếu tướng Long “hoàn toàn có thể vẫn ở lại tiếp tục lên lớp giảng dạy mặc dù có thể không làm viện trưởng [Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân] nữa”.

Trong quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí của ông Long, không nói tới việc ông Long được lưu nhiệm lại để làm công tác chuyên môn, Đại tá Quang bình luận.

Khi được hỏi tại sao quyết định này lại được đưa ra vào lúc này, Đại tá Quang nói: “về mặt thời điểm cũng có thể là tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng ở góc độ quan hệ tế nhị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lý do gì nữa cũng không nên công bố [quyết định này] trước Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra hôm nay.”

Đại tá Quang nhấn mạnh ông không có ý nói việc này là do “chịu sức ép gì từ bên ngoài”.

Có quan điểm bị Trung Quốc không thích?

Trả lời câu hỏi liệu có sự tương đồng nào giữa trường hợp của Thiếu tướng Trương Giang Long và ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người mà giới nghiên cứu nói là từng có quan điểm phản đối Trung Quốc, đại tá Quang kể lại:

“Ông Nguyễn Cơ Thạch đã công khai nói với các quan chức của Bộ Ngoại giao trong những cuộc họp chính thức và không chính thức rằng Trung Quốc đưa ra một điều kiện là muốn cải thiện quan hệ Việt Trung thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm và phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

“Đây là điều tôi được nghe trực tiếp anh Nguyễn Cơ Thạch nói trong một cuộc họp tôi có tham dự. Điều này cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cụ Nguyễn Trọng Vịnh biết rất rõ. “

Mối liên hệ với video clip về quan hệ Việt – Trung?

Trong một video xuất hiện trên YouTube hồi tháng 3/2017, mà đến nay có hàng triệu lượt người xem, ông Trương Giang Long nói nhiều về quan hệ với Trung Quốc mà ông gọi là quốc gia “có dã tâm”, có “gene xấu”.

Theo ông, “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta.”

Trung Quốc có “gene tốt thấp, gene không tốt vượt trội”.

“Nhưng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn.”

Về chính trị Việt Nam, và nhận thức bạn thù, ông nói:

“Phải tới Đại hội 12, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết là mọi chủ trương đường lối đối ngoại đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng, phải xuất phát từ lợi ích dân tộc.”

Khi được hỏi liệu có mối liên hệ gì giữa những phát biểu của ông Long trong clip này và quyết định chờ nghỉ hưu mà ông Long vừa nhận, Đại tá Quang cho biết, theo quan điểm của cá nhân ông, có sự nhạy cảm và rất có thể có liên quan gì đó đến quan hệ Việt-Trung mặc dù không có thông tin chính thức hay bằng chứng gì.

Bình luận thêm về video clip dài khoảng 30 phút này mà ông đã “nghe đi nghe lại”, Đại tá Quang nói:

“Tôi không biết video clip này được tiết lộ một cách cố tình hay vô ý, nhưng những nội dung mà anh Trương Giang Long nói là hoàn toàn thực tế. Đấy là thực tại trong các cơ quan Việt Nam hiện nay.

“Các cơ quan an ninh của Việt Nam biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào các cơ quan như thế nào.

“Đây là một vấn nạn mà các cơ quan an ninh Việt Nam phải đối phó.”

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Bà Nguyễn Thị Bình hỏi về ‘số đông Đảng viên’

Đại tá Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm, dù không trực tiếp biết Thiếu tướng Long, ông đánh giá ông Long là “người có năng lực, một Giáo sư tiến sỹ sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ”.

“Có thể khẳng định anh Trương Giang Long hoàn toàn xứng đáng là một thiếu tướng và hơn nữa, còn xứng đáng quân hàm cao nhất cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị theo quy định của nhà nước là hàm trung tướng”, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41498378

 

Đề nghị dừng nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành có liên quan dừng việc nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn thải ngoài khơi tỉnh này.

Số bùn thải này là của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nạo vét từ cảng tiếp nhận than của Trung tâm này. Giấy phép cho việc đổ bùn này đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường đồng ý hồi năm 2014, và hồi tháng 5 năm nay đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Xin nhắc lại là hồi tháng Sáu năm nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã cấp giấy phép đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển gần khu bảo tồn Hòn Cau. Tuy nhiên do sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, báo chí, và các nhà khoa học, kế hoạch này bị hủy bỏ.

Trong kiến nghị của Tỉnh Bình Thuận gửi lên cấp trên cũng đề nghị đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường, vì cho rằng các hoạt động của các nhà máy điện chạy than sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về môi trường cho Tỉnh Bình Thuận.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Stop-dumping-24-million-m3-mud-in-the-binh-thuan-sea-10052017095050.html

 

Facebook: Mở rộng nhưng kiểm duyệt tại Việt Nam

Cát Linh, RFA
Facebook đang truyền bá cho những nhà kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam về lợi ích và hiệu quả của hình thức kinh doanh qua mạng, được xem như một nỗ lực để củng cố hoạt động của mạng lưới kỹ thuật số.

Trong khi đó chính phủ Việt Nam tiếp tục lên tiếng ngăn chặn những thông tin bị cho là ‘độc hại’ trên những công cụ mạng xã hội.

Ra sức kết nối doanh nghiệp

“Facebook, kẻ khổng lồ về truyền thông xã hội’ đang làm việc với các quan chức nhà nước  cộng sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến nhỏ”. Đó là nội dung chính của bài viết đăng tải trên tờ Thời báo Châu Á ngày 3 tháng 10 vừa qua.

Bài viết với bút ký là Ma Nguyen, cho biết trong những tháng gần đây, Facebook đã tiến hành tuyển lựa, thu hút nhiều tài năng từ Việt Nam. Những người đại diện này sẽ làm việc từ trụ sở đặt tại Singapore, di chuyển thường xuyên tới Việt Nam để gặp gỡ các doanh nghiệp nhỏ, hướng dẫn cho họ các công cụ chức năng của Facebook trong việc thành lập và quản lý tài khoản công ty.

Trả lời phỏng vấn trong bài báo, ông Khôi Lê, người giữ vị trí Vietnam Client Relationship Head cho biết:  “Ở Việt Nam, chúng tôi có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là kết nối các doanh nghiệp với những cơ hội tối ưu trên thị trường.”

Mục tiêu ông Khôi Lê đề cập đến được chứng minh qua các số liệu cụ thể như, tăng trưởng doanh thu năm nay dự kiến ​​sẽ đạt 8,2%, doanh số bán lẻ trực tuyến hàng năm sẽ tăng nhanh hơn ở mức 22%. Cũng theo ông Khôi Lê, 92% số người sử dụng mạng xã hội đã thực hiện việc mua hàng trực tuyến và 51% trong số đó mua hàng qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone).

Ở Việt Nam, chúng tôi có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là kết nối các doanh nghiệp với những cơ hội tối ưu trên thị trường. – Ông Khôi Lê

Chính phủ kiểm soát

Chuyện sẽ không có gì để nói nếu cùng thời điểm, nếu không muốn nói là ngay cả vài lần trước đó, nhà nước Việt Nam liên tục yêu cầu các tập đoàn truyền thông lớn như Google, Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà theo chính quyền Hà Nội là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác, có khái niệm xấu.

Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất, từ Đà Nẵng cho biết cái nhìn của ông về khái niệm những thông tin xấu độc mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập là “rất trẻ con, khi lấy cái chuẩn xấu của mình để ép những cái chuẩn của quốc tế”.

“Khái niệm xấu là thế nào? Chính thể Việt Nam gọi đó là thông tin xấu nhưng Youtube với các trang mạng như Facebook, Google gọi đó là các thông tin tiến bộ, có ích cho các tiến trình dân chủ, có ích cho xã hội thì sao?

Đơn cử như vụ án của tôi, những thông tin của tôi thì người ta cho là hành vi phạm tội, là đả kích chỉ trích chính phủ. Nhưng với quan điểm của truyền thông mạng như YouTube, Facebook thì họ khuyến khích những hành vi đó và họ cho đó là những phản biện, chỉ trích cần có cho sự tiến bộ của một chính phủ.”

Số người sử dụng mạng xã hội, internet, đặc biệt là Facebook có sự gia tăng đáng kể cùng với những thực trạng hiện tại ở thể chế của nhà nước Cộng sản. Các blogger ở Việt Nam, người được gọi là “Facebookers” cũng với mục đích tự do biểu đạt ý kiến, tư tưởng ngày càng phát triển mạnh.

Chính vì sự kiểm duyệt, ngăn chặn của chính phủ Việt Nam, đã từng có một thời gian các nhà quảng cáo trong nước tẩy chay Google và Facebook vì đăng các đoạn phim và bài viết có nội dung được cho là bôi nhọ Đảng Cộng sản cầm quyền và các nhà lãnh đạo.

Mặc dù, theo ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin, hiện đang sống tại Úc cho biết trong các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ “thù địch”.

Là người am hiểu về chính sách hoạt động và mô hình hoạt động của các công ty truyền thông lớn, ông Hoàng Ngọc Diêu khẳng định xét về xét về chiến lược ngân sách và tài chính, các trang mạng xã hội nước ngoài khó đáp ứng được yêu cầu kiểm duyệt nội dung của chính phủ Việt Nam.

“Không dễ dàng gì một đại công ty như Facebook, Google làm chuyện đó vì đó là những công ty thương mại cấp thế giới. Họ nghĩ đến lợi nhuận của họ là chủ yếu chứ họ không nghỉ đến việc phải tuân thủ theo quy định của một quốc gia nào đó.”

Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu không cho rằng các trang mạng xã hội lớn chấp nhận bỏ ra một khoảng ngân sách để tạo thành một hàng rào cơ chế chỉ nhằm phục vụ cho một quốc gia nào đó, trừ khi mang lại lợi nhuận về thị trường hoặc tài chính.

Không dễ dàng gì một đại công ty như Facebook, Google làm chuyện đó vì đó là những công ty thương mại cấp thế giới. Họ nghĩ đến lợi nhuận của họ là chủ yếu chứ họ không nghỉ đến việc phải tuân thủ theo quy định của một quốc gia nào đó. – Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu

Nhưng vẫn hợp tác

Nhận định của ông Hoàng Ngọc Diêu hoàn toàn phù hợp với thông tin từ Thời báo Châu Á. Một đại diện của Google, công ty sở hữu YouTube nói rằng họ đã giải quyết khiếu nại với chính phủ nhưng từ chối cho biết chi tiết.

Theo báo này, “trước đây chính quyền Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn Facebook, nhưng bây giờ họ tham gia trực tiếp với công ty.”

Ngày 26 tháng 4, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn gặp gỡ với đoàn cao cấp Facebook để trao đổi về tình hình sử dụng Facebook tại Việt Nam. Ông Trương Minh Tuấn yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản được cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Cũng trong tháng 4, Chủ tịch về chính sách sản phẩm của Facebook, bà Monika Bickert, đã gặp gỡ các quan chức Bộ Thông tin tại Hà Nội, được cho là để bàn thảo về việc gỡ bỏ những tài khoản mà Chính phủ Hà Nội cho là xuyên tạc trên Facebook, tấn công thù địch, xúc phạm nhân phẩm, và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhưng sau đó, theo tin từ Thời Báo Châu Á, Facebook hứa sẽ cung cấp đào tạo kỹ thuật số cho 2.600 doanh nghiệp trực tuyến nhỏ.

Một tháng sau đó, trong buổi tiếp xúc với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Barbara Weisel, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đề nghị Hoa Kỳ cùng phối hợp để loại bỏ các thông tin và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng còn đề cập đến việc Chính phủ Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhấn mạnh tất cả các công ty cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Facebook-evangelizing-to-fledgling-cyber-entrepreneurs-in-vn-10042017131106.html

 

Phí trạm BOT Biên Hòa sẽ giảm 20%

Mức phí qua trạm thu phí đường bộ Biên Hòa sẽ giảm 20%, bắt đầu vào ngày 1 tháng 11 tới đây.

Thông tin này được Tổng cục Đường bộ, thuộc Bộ Giao Thông- Vận Tải cho báo chí biết, nói thêm rằng Bộ này đang làm việc với nhà đầu tư BOT và địa phương là tỉnh Đồng Nai về việc này.

Trạm BOT Biên Hòa được vận hành từ năm 2014, nhưng gần đây người dân cho rằng vị trí của trạm này đặt không hợp lý và thu phí quá cao, cho nên các tài xế đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm gây kẹt xe kéo dài. Để giải quyết nạn kẹt xe, trạm BOT Biên Hòa đã nhiều lần xả bỏ không thu phí.

Trước tình hình vừa nêu, tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị giảm phí cho trạm BOT Biên Hòa.

Cho đến sáng ngày 5 tháng 10 nhiều tài xế vẫn dùng tiền mệnh giá 200 và 500 đồng để qua trạm. Việc này làm cho Quốc lộ 1 bị kẹt xe dài trên 5 cây số.

Liên tục trong nhiều tháng qua tình trạng tài xế dùng tiền lẻ qua các trạm thu phí đường bộ xảy ra trên cả nước, như Cầu Giẻ ở Ninh Bình, Bến Thủy ở thành phố Vinh, Cai Lậy gần thành phố Mỹ Tho, Quốc lộ số 5 Hà Nội – Hải Phòng,…

Trước tình trạng này Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao cho Bộ Giao thông vận tải rà soát lại việc đặt trạm BOT và mức phí.

Theo ghi nhận của báo chí trong nước thì người dân không phản đối việc trả tiền ở các trạm BOT, nhưng họ phản đối vì mức thu phí cao, và hầu hết các trạm BOT lại đặt ở những đoạn đường mà nhà đầu tư không bỏ vốn đầu tư.

Trả lời về nghịch lý này đại diện Bộ giao thông vận tải nói rằng dù không bỏ vốn đầu tư xây mới, nhưng các nhà đầu tư cũng có góp phần tu bổ và việc cho phép họ thu tiền ở những tuyến đường đó là để giúp họ sớm thu hồi vốn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/transport-ministry-will-lower-the-bien-hoa-bot-fee-10052017103006.html

 

Lượng phát thải khí CO2 cao gấp 3 lần vào năm 2030

Lượng phát thải khí nhà kính CO2 ở Việt Nam năm 2030 dự đoán sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2010 nếu Việt Nam không có các biện pháp giảm nhẹ kịp thời.

Thông tin này được bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm công tác về biến đổi khí hậu đưa ra tại Hội thảo “Hướng đến hội nghị COP23: tham vọng lớn hơn nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 5/10.

COP23 là Hội nghị lần thứ 23 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.

Bà Hải nhận định rằng chính sự phát triển công nghiệp hóa là nguyên nhân làm tăng hàm lượng khí CO2 ở Việt Nam. Bà cho biết lượng phát thải CO2 năm 2013 cao hơn 3,5 lần so với năm 1991.

Ngành năng lượng được nói là thải ra lượng khí CO2 lớn nhất.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng cục Biến đổi khí hậu nói rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, và tại Việt Nam cơn bão số 10 vừa qua là một ví dụ điển hình. Ông cho biết tại hội nghị COP23 tới đây các nước sẽ chia sẻ với nhau mục tiêu và hành động nhằm giảm hậu quả của biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng đã đề ra kế hoạch giảm 8% tổng lượng phát thải CO2 vào năm 2030 và một trong những biện pháp là tăng 45% độ che phủ rừng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/co2-in-vn-estimated-3-times-higher-in-2030-10052017101149.html

 

Cà phê hòa tan của VinaCafe tại Mỹ bị thu hồi

Sản phẩm cà phê hoà tan Wake-up của Vinacafe bị thu hồi do có chứa các chất gây dị ứng từ sữa.

Mạng VNEconomy vào ngày 4 tháng 10 loan tin dẫn thông báo trên trang mạng của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết Công ty Hong Lee Trading Inc., trụ sở đặt tại New York yêu cầu những đại lý phân phối ở New York, New Jersey và Connecticut thu hồi sản phẩn vừa nêu.

Theo FDA, cho đến nay chưa có báo cáo nào về ca bệnh hoặc dị ứng liên quan đến sản phẩm Wake-up.

Phản hồi về thông tin này, VinaCafe cho biết sản phẩm của công ty luôn đạt chuẩn kinh doanh và xuất khẩu tại thị trường Mỹ theo tiêu chuẩn FDA.

Wake-up cà phê là một loại sản phẩm cà phê hoà tan của công ty VinaCafe của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của VinaCafe được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada…Năm 2016, doanh thu xuất khẩu của thương hiệu này là 219 đồng, chiếm 7% tổng doanh thu bán hàng của công ty.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Wake-up-cafe-vnamese-instant-coffee-recalled-by-fda-10052017090820.html

 

Việt Nam đề xuất Boeing hỗ trợ bay thẳng đến Mỹ

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi Công ty Boeing của Mỹ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam và nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ.

Truyền thông trong nước cho biết Thủ Tướng Phúc đưa ra đề xuất đó khi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Boeing Thương mại Hoa Kỳ, ông Kevin Mc Allister, hôm 2/10 tại Hà Nội.

Ông Phúc đề nghị Boeing xem xét hỗ trợ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng nên nghiên cứu sự cần thiết mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam:

“Khi Việt Nam mua máy bay của Mỹ và của châu Âu thì đương nhiên các hãng bán máy bay sẽ huấn luyện phi công cho Việt Nam để sử dụng các máy bay đó, thường thường huấn luyện ngay tại công ty sản xuất. Còn khi mà tổ chức một trường dạy ở Việt Nam thì nên nguyên cứu kỹ, vì hiệu quả thế nào thì vẫn chưa rõ.”

Nhận định về việc bay thẳng đến Hoa Kỳ, chuyên gia Kiến Thành nói Việt Nam cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế hơn là yếu tố kỹ thuật.

“Bay từ Việt Nam trực tiếp sang Hoa Kỳ không có vấn đề gì khác ngoài hiệu quả kinh tế. Hai quốc gia nếu đồng ý thì mở đường bay. Vấn đề bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ là chuyện của các công ty hàng không, chứ không phải có điều gì cản trở.”

Theo báo Tuổi trẻ, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã đủ tiêu chuẩn, nhưng vì Cục Hàng không Việt Nam (CAA) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu, nên đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn chưa thể mở, dù đã chuẩn bị cả chục năm qua.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (CAA) phải đạt chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (còn gọi là CAT1).

Báo Tuổi Trẻ trích lời một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nói việc mở đường bay trực tiếp đến Mỹ là công việc hết sức khó khăn, không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Trược hết, các hãng hàng không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn khai thác bay (IOSA), phải có chứng chỉ mở rộng tầm khai thác khi bay qua biển đối với máy bay hai động cơ.

Theo kế hoạch của VNA, trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ tây nước Mỹ với hai địa điểm đang được “đong đếm” là San Francisco hoặc Los Angeles, với một điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka của Nhật Bản.

Báo Dân trí trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Việt Nam coi hợp tác với Boeing mang tính chiến lược và lâu dài. Chính phủ Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện để Boeing mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Tại cuộc gặp, ông Kevin Mc Allister bày tỏ hy vọng tiếp tục cung cấp máy bay tốt, hiện đại cho Việt Nam.

Trang Chinhphu.vn nói rằng lãnh đạo tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới “đánh giá thị trường hàng không của Việt Nam tăng trưởng nhanh, có triển vọng trở thành đối tác cung cấp phụ kiện cho việc sản xuất máy bay Boeing.”

Năm 2003, Việt Nam – Hoa Kỳ ký kết Hiệp định hàng không, cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-de-xuat-boeing-ho-tro-bay-thang-den-my/4057895.html

 

Người Việt tranh luận về quyền sử dụng súng

sau thảm kịch Las Vegas

Hoài Hương-VOA

Vụ xả súng bừa bãi ở Las Vegas đã cướp đi mạng sống của 59 người- tính cả hung thủ, và làm hàng trăm người bị thương lại khơi lên cuộc tranh luận về quyền sở hữu và sử dụng súng tại Hoa Kỳ. Trong khi tại Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp của cả hai Đảng, Dân chủ và Cộng hoà, tố cáo lẫn nhau là “chơi trò chính trị” với cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng, thì trong trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cuộc tranh luận này cũng diễn ra với những ý kiến đối nghịch, người thì cho rằng quyền sở hữu súng là một quyền hiến định, người chống đối thì nói tu chính án thứ 2 về quyền sở hữu súng, viết cách đây hơn 200 năm, không còn phù hợp với xã hội hiện đại, khi mà cùng với những tiến bộ về công nghệ, súng ống trở nên nguy hiểm hơn xa, so với cách đây vài trăm năm trước. VOA-Việt ngữ thu thập ý kiến của một cựu thẩm phán, một luật sư đang hành nghề, và nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt cư ngụ tại một số tiểu bang khác nhau về nghịch lý đã làm đau đầu nhiều thế hệ người Mỹ: cường quốc tự cho là dẫn đầu thế giới tự do vẫn bế tắc vì cái gọi là nền “văn hóa súng ống” đã ăn sâu bén rễ từ lâu, dẫn đến một cuộc tranh luận không lối thoát về quyền sở hữu súng, lại nổi lên sau vụ xả súng ở Las Vegas.

Trong số các quốc gia phát triển hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những nước hiếm hoi nơi mà quyền mang vũ khí được ghi trong hiến pháp. Đi kèm với quyền sở hữu và sử dụng súng ống, cường quốc từng là số Một thế giới này cũng là nơi bạo lực súng ống xảy ra như cơm bữa, đôi khi với hậu quả cực kỳ thảm khốc, như vụ xả súng mới nhất ở Las Vegas.

Anh Bình, chủ nhân của Phước Hạnh Tours ở California, cung cấp các tua du lịch chủ yếu phục vụ khách hàng Việt Nam đến từ trong nước với các tua trong và ngoài nước Mỹ, đặc biệt là các tua tới Las Vegas. Anh Bình nói anh không thể hiểu nổi tại sao xã hội Mỹ văn minh là thế, mà cứ để xảy ra những vụ giết người hàng loạt bằng súng.

“Tôi thấy khủng khiếp quá, mà cái nước Mỹ này sao nó xảy ra nhiều cái kỳ quái thế không biết mà những nơi khác không có. Đó là một cái mà tôi không hiểu như thế nào.”

Anh Bình đồng ý rằng có lẽ sự khác biệt là do quyền sở hữu súng ống.

“Đúng, tôi tin như vậy. Ở những nơi khác cũng xảy ra nhưng mà nó đâu có xảy ra ở quy mô lớn như vậy. Có bắn chết nhau vì súng đạn thì cũng chỉ 1, 2 người chết vậy thôi. Còn ở đây nó chết cả hàng mấy chục người, bị thương cả mấy trăm người như vậy, tôi thấy nó khủng khiếp quá!”

Những người chống đối quyền sở hữu súng viện dẫn những dữ liệu và nghiên cứu quốc tế chứng minh rằng các nước nơi mà quyền sở hữu súng bị kiểm soát chặt chẽ, là những nước có tỉ lệ chết bằng súng thấp nhất, và ngược lại.

Trang mạng vox.com trích dẫn các dữ liệu của Trung tâm Dữ kiện Bạo lực Súng ống, nơi lưu trữ các số liệu về các vụ xả súng giết người hàng loạt từ năm 2013 tới nay, thì con số các vụ giết chóc bằng súng đạn tại Hoa Kỳ cao gấp 6 lần so với Canada, và gần gấp 16 lần so với nước Đức.

“Xả súng giết người hàng loạt- mass shooting” được định nghĩa là các vụ xả súng trong đó có ít nhất 4 người bị bắn, hoặc bị thiệt mạng. Theo định nghĩa đó, thì trung bình, tại Hoa Kỳ có hơn 1 vụ xả súng giết người tập thể mỗi ngày.

Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco, nay đã về hưu, nói lên quan điểm của ông về tu chính án số Hai, bảo vệ quyền mang súng của công dân Mỹ:

“Trong bản hiến pháp của Hoa Kỳ và 27 tu chính án, thì có 2 tu chính án lâu đời nhất, đó là Tu chính án thứ Nhất về tự do ngôn luận, tự do báo chí, và Tu chính án thứ Hai, về quyền sở hữu súng ống. Tôi thì tôi thích tu chính án số Một hơn, tự do báo chí, hơn là quyền sở hữu súng. Có điều khác biệt là, tu chính án số Hai, là quyền sở hữu súng, nó không phải là tự do một cách vô điều kiện. Theo tôi hiểu thì so với thời kỳ từ lúc ban ra cách đây hơn 200 năm, thì cái vụ mới nhất xảy ra, nó nằm ở trong cái quyền kiểm soát cái sự tự do đó. Vì sự kiểm soát nó phải đi cùng, và cân bằng với tác hại hay là hậu quả của cái sử dụng quyền tự do. Chẳng hạn tôi lấy ví dụ, như tự do báo chí hay là nó có, không có cái luật lệ nào nó giới hạn tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng mà có một số án lệ họ quy định và họ ấn định qua những cái luật về phỉ báng, về lăng mạ, để mà tùy theo mức độ hiện tại do việc hành xử quyền tự do. Cái mức độ mà tai hại trong quyền sử dụng tu chính án số Hai, là mạng con người, là cái khả năng giết chết bằng cái vũ khí mà con người đó sử dụng.”

Vị cựu thẩm phán ví nền văn hóa súng đạn của Mỹ với một căn bệnh, trầm kha, ông chất vấn sự cần thiết của quyền sở hữu và sử dụng những loại súng giết người hàng loạt, lẽ ra chỉ nên dành cho quân đội, hay lực lượng thi hành công lực.

“Tôi thấy nước Mỹ đang đi vào một cơn bệnh, cơn bệnh đó là ưa trấn áp tinh thần của người khác, và trả một cái giá rất là đắt, là cái vụ Las Vegas vừa qua. Mình cứ nghĩ đi, nếu mà con dao mà đâm thì nó bị thương, hay chỉ giết chết một người. Súng bắn từng phát một, cùng lắm giết chết 1, 2 người. Còn đây một khẩu súng tự động, bấm một cái, cả chục viên đạn ra, tổng cộng là 58 người chết cho tới bây giờ, và hơn 500 người bị thương, thì một cái dân tộc như cái quốc gia này đứng về tập thể phải biết suy nghĩ chứ?”

Trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ quyền sở hữu súng? Luật sư Mike Nguyễn, cũng là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt ở Las Vegas, nói ông là một luật sư, cho nên ông ủng hộ hiến pháp Hoa Kỳ, ông thừa nhận rằng cách diễn giải về luật kiểm soát súng hay là Tu chính án số Hai, rất là phức tạp. Luật Mike Nguyễn giải thích:

“Tại mình là một luật sư nên mình không có một mục đích cố định, mình chỉ đại diện cho quyền lợi của thân chủ mà thôi. Nhưng mà sự suy nghĩ chung của Mike là Mike muốn mọi người phải có kiến thức trước khi bước vào cuộc tranh luận. Điều thứ nhì là họ phải xem xét tất cả mọi khía cạnh, chứ không chỉ một mặt duy nhất trước khi tranh luận. Cái sự suy nghĩ của Mike là khi hiến pháp Hoa Kỳ được viết ra về quyền lợi của tu chính án thứ Hai, là quyền được mang súng, thì lúc đó súng còn rất đơn sơ, bây giờ những súng mà mình có rất là tối tân, thế cho nên chúng ta phải đặt câu hỏi là liệu chúng ta có thể tiếp tục áp dụng một luật đã được soạn thảo cách đây hơn 200 năm cho xã hội ngày nay? Luật pháp thay đổi tùy theo các giá trị của xã hội và cung cách ứng xử thông thường trong xã hội. Đó là điều mà tôi muốn mọi người hiểu. Rồi điều thứ hai là, liệu một sự cố lâu lâu mới xảy ra một lần có thể được lôi ra để biện minh việc đặt lại vấn đề kiểm soát súng ống hay không? Mặc dù vụ xả súng vừa rồi rất là lớn, điều đã xảy ra hôm Chủ nhật là một sự cố tồi tệ và thảm khốc, nhưng liệu một sự cố lâu lắm mới xảy ra như vậy, có thể biện minh cho việc sửa đổi luật lệ hiện hành hay không?”

Chủ nhân Phước Hạnh Tours thì có cái nhìn giản dị hơn, anh Bình nói anh phản đối quyền sở hữu súng, và việc lạm dụng quyền sử dụng súng:

“Tôi thì thực ra tôi phản đối tất cả quyền sở hữu súng. Tôi nghĩ cũng không có cần súng đâu tại vì bây giờ mình đi ra ngoài cũng an toàn, mà tôi làm business đây thì mình cũng đâu có cần gì sử dụng súng? Có nhiều người lạm dụng quyền có súng rồi người ta khủng bố cái này cái kia thì cái chuyện đó không có tốt. Theo cá nhân tôi thì nên dẹp đi càng sớm càng tốt. Nhưng mà tôi nghĩ cái chuyện này khó dẹp lắm, hết ông này ông kia muốn dẹp rồi rốt cuộc, chẳng ông nào làm được cả!”

Anh Trí Tôn, cư ngụ ở bang Virginia, có quan điểm trung hòa, anh nói anh ủng hộ quyền sở hữu súng nhưng phải sử dụng một cách hợp lý.

“Đối với quyền sử dụng súng, tôi ủng hộ một phần nhưng mà cũng chống một phần. Thứ nhất quan niệm của tôi thì sử dụng súng để bảo vệ gia đình hoặc để vui chơi săn bắn các thú vật thì không sao, nhưng nếu sử dụng súng để đi vào các chỗ công cộng như shopping mall, rạp chiếu bóng chẳng hạn, để mà gây tội ác thì tôi hoàn toàn không đồng ý. ”

Tuy nhiên anh Trí Tôn nhấn mạnh rằng anh không tán thành việc sở hữu các loại súng thường dành cho quân đội, có khả năng giết người hàng loạt.

“Theo tôi thì không nên có những loại súng bắn hàng loạt như súng tiểu liên chẳng hạn. Những loại súng đó chỉ để giết người thôi chứ không phải để bảo vệ. Nếu nói là để bảo vệ gia đình thì chỉ cần những loại súng bắn phát một hoặc là súng lục, còn đi săn bắn thì có loại súng đặc biệt để đi săn. Còn tiểu liên chẳng hạn, bắn để giết người hàng loạt thì không nên cấp giấy phép.”

Nhiều người Việt cho rằng cần siết chặt các biện pháp xét lý lịch của người mua súng để tránh vũ khí chết người rơi vào tay những người không bình thường về mặt tâm lý:

Anh Trí Tôn:

“Nên xét record của người mua súng kỹ càng hơn, nhất là những người tội phạm hoặc là bài bạc hoặc là bị tâm thần chẳng hạn, thì chính phủ nên cẩn thận về những thành phần có thể gây ra tội ác.”

Nhưng một người Việt khác, cô Nguyễn ở Las Vegas, cho rằng “súng không gây ra tội ác, mà người gây ra tội ác”, một lập luận vẫn được giới bảo vệ quyền sở hữu súng ống, nhất là Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) nêu lên:

“Tất nhiên không phải vì súng đâu mà là tại người thôi chị ơi. Không phải ai có súng cũng đều bắn bừa, bắn bãi hết đâu?”

Trả lời câu hỏi là vậy thì với tư cách một công dân Mỹ, người Việt có thể làm gì để ngăn chặn những vụ giết người hàng loạt khủng khiếp tái diễn, và tránh trở thành nạn nhân?

Chị Nguyễn trả lời:

“Riêng tôi nghĩ thì cũng không đúng, tất cả mọi người đều phải nghĩ như nhau thì mới bảo đảm được chị. Mình đến một đám đông thì mình phải để ý một tí, chứ mình vô tình, vui vẻ quá mà quên mất chuyện chung quanh của mình. Tại vì bây giờ không lẽ mình sợ mà mình không đi thì cũng vô lý, nhưng mà mình đến một đám đông thì mình phải cẩn thận. Còn chuyện súng đạn thì cái đó để cho chính phủ họ quyết định cái chuyện đó. Bởi vì theo tôi súng đạn thì mình không thể ngăn chặn được 100% những người mê súng, nhưng mà mình phải kiểm tra lý lịch thật là kỹ càng trước khi bán súng cho họ.”

Làm thế nào ngăn chặn vụ giết người hàng loạt kế tiếp, có thể còn tệ hại hơn những gì mới xảy ra ở Las Vegas? Luật sư Mike Nguyễn tỏ thái độ bi quan:

“Đó là một câu hỏi khó. Thành thực mà nói với Cô, chúng ta không có câu trả lời. Làm cách nào để ngăn chặn nó tái diễn? Tôi nghĩ chúng ta cần phải hướng dẫn công chúng, chúng ta phải gieo rắc tình thương thay vì hận thù. Nhưng tìm ra một giải pháp lâu dài, thì theo tôi, hiện giờ chúng ta không có giải pháp đó.”

Thẩm phán hồi hưu Phan Quang Tuệ là cư dân thành phố Danville, California. Ông được Bộ Trưởng Tư Pháp Janet Reno bổ nhiệm làm Thẩm Phán Di Trú vào năm 1995 và phục vụ tại Toà Án Di Trú San Francisco cho tới khi về hưu năm 2012. Thẩm phán Tuệ đặc biết bày tỏ lo ngại về sức mạnh không có gì kìm hãm của Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) và ảnh hưởng tiêu cực của tổ chức này trên chính trường Mỹ, và nền “văn hóa súng đạn” trong xã hội Mỹ.

“Tôi không bao giờ bị thuyết phục bởi những khẩu hiệu như ‘Người giết người, chứ không phải Súng giết người’, nói như vậy là nói lấy được. Thế nhưng mà buồn thay là nước Mỹ có một số công dân không ít, đã thích sử dụng vũ khí, và cái Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA) không những bán vũ khí ở trong nước mà còn ở ngoài nước nữa. Chừng nào mà mình dẹp được cái tổ chức đó đó, thì mình mới dẹp được cái vũ khí mà để giết người và để phổ biến chiến tranh. Mình phải chấm dứt cái đó mới được.”

Như Thẩm phán Phan Quang Tuệ, rất nhiều người lo ngại rằng nếu nước Mỹ tiếp tục dậm chân tại chỗ, không siết chặt được luật kiểm soát súng ống, thì chắc chắn trong một ngày gần đây, một vụ xả súng theo kiểu Las Vegas sẽ lại tái diễn đâu đó trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-tranh-luan-ve-quyen-su-dung-saung-sau-tham-kich-las-vegas/4057732.html