Tin khắp nơi – 05/10/2017
Tòa hoãn phiên họp nghị viện Catalonia
Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đình chỉ cuộc họp của nghị viện Catalonia vào thứ Hai tới nhằm ngăn chặn ý định ly khai
Đại diện tòa án cho biết động thái đòi độc lập là “vi phạm hiến pháp”.
Trước đó, Thủ tướng Mariano Rajoy đã cảnh báo chính phủ địa phương Catalonia ngừng tuyên bố độc lập sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi hôm Chủ nhật.
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont cho biết ông có thể sẽ tuyên bố độc lập vào cuộc họp tuần sau.
Quyết định mà tòa án đưa ra hôm thứ Năm ủng hộ lá đơn của Đảng Xã hội Catalonia, vốn phản đối việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.
Một quyết định trước đó đã được tòa án đưa ra để ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân hôm Chủ nhật đã bị các lãnh đạo Catalonia phớt lờ.
Chính phủ Tây Ban Nha nói rằng sẽ không chấp nhận “lời đe dọa” sau khi lãnh đạo Catalonia cho biết họ sẽ tuyên bố độc lập vào tuần sau.
Carles Puigdemont cần quay lại theo luật pháp trước khi diễn ra bất kì cuộc đàm phán nào, chính phủ Madrid tuyên bố trong một công văn (bằng tiếng Tây Ban Nha).
Những lời chỉ trích của Puigdemont về nhà vua cho thấy ông đã “đi quá xa khỏi thực tế”, văn bản này bổ sung.
Giới chức Catalonia cho biết 90% số người tham gia bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi hôm chủ nhật vừa qua lựa chọn quyền độc lập.
Các nhà tổ chức cho biết có 42% tổng số cử tri đã đi bầu, tương đương với 2,2 triệu người. Nhưng có những tin nói xảy ra gian lận.
Bạo lực đã xảy ra tại các điểm bỏ phiếu khi cảnh sát tịch thu các thùng phiếu và giải tán cử tri đi bầu.
Vua Felipe VI phát biểu trên truyền hình vào tối thứ ba, cho rằng cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm chủ nhật là hành động phạm pháp và thiếu dân chủ.
Ông Puigdemont công kích nhà vua khi cho rằng ông đang “cố ý phớt lờ hàng triệu người dân Catalonia” và cáo buộc nhà vua chỉ giải quyết vụ việc theo quan điểm của chính phủ Tây Ban Nha.
“Thời điểm này chúng ta cần hòa giải,” ông nói trên truyền hình hôm thứ Tư và cho rằng nhà vua đã bác bỏ vai trò làm người hòa giải được nêu trong Hiến pháp Tây Ban Nha.
Ông Puigdemont cho biết ông sẽ tuyên bố độc lập “vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau”.
Chính phủ Catalonia nói sẽ có một cuộc họp chính phủ đặc biệt diễn ra vào thứ Hai tới để bàn bạc về kết quả của cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi.
Trong một diễn văn tối thứ Tư, ông Puigdemont không đưa ra thêm thông tin gì về việc tuyên bố độc lập.
Những diễn biến xảy ra hôm Chủ nhật
Gần 900 người bị thương do cảnh sát sử dụng vũ lực để thi hành lệnh ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của tòa án Tây Ban Nha. Sự kiện này được chính phủ cho là bất hợp pháp.
Nhiều người đã chứng kiến cảnh sát bắn đạn cao su, lao như vũ bão vào các điểm bầu cử và túm tóc nhiều phụ nữ.
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Catalonia tuyên bố độc lập ‘vào thứ Hai tới’
Cơ quan y tế địa phương cho biết cũng có tới 33 cảnh sát đã bị thương.
Bị sốc bởi những gì được tận mắt chứng kiến, hàng trăm ngàn người dân Catalonia đã tham gia biểu tình hôm thứ Ba. Một cuộc đình công cũng đã được kêu gọi tổ chức nhằm phản đối “sự vi phạm nhân quyền và tự do” được chứng kiến tại buổi bỏ phiếu.
“Cuộc chiến vương quyền” của lãnh đạo Catalonia – phân tích của Patrick Jackson, BBC News, Girona
Rất hiếm khi xảy ra sự công kích đối với quân vương Tây Ban Nha nhưng bản thân vua Felipe, biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, hiếm khi nhắc đến vương quốc trên truyền hình, khiến ông Puigdemont lên tiếng.
Tại một quán bar ở quê hương của nhà lãnh đạo Catalonia, người dân đã vỗ tay, chung vui với lãnh đạo của họ và mừng vì lời kêu gọi hòa giải của ông, và họ đùa về bộ phim truyền hình Trò chơi Vương quyền (Game of Thrones).
“Chúng ta cần một vị vua như Jon Snow, người luôn cố gắng giữ vững đoàn kết dân tộc và luôn ở bên người dân,” một phụ nữ cười lớn và cho biết. Những người này xem Thủ tướng Mariano Rajoy là Vua Bóng đêm (Night King) trong phim, cầu mong cho một mùa đông vĩnh cửu tại Catalonia.
“Tôi muốn một Tây Ban Nha quan tâm tới tất cả những văn hóa khác nhau từ các địa phương,” bà bổ sung với lời lẽ nghiêm túc hơn. “Tại sao không yêu quý tất cả mọi người? Chúng tôi không thể hiểu nổi diễn văn của vua Felipe VI.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41518039
Liên Xô cũng từng trưng cầu dân ý rồi tan rã
Cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia nhanh chóng tạo ra khủng hoảng “lớn hơn cả Brexit” cho Liên hiệp châu Âu, theo lời dân biểu Nghị viện EU, Philippe Lamberts.
Dù bị tòa án Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và chỉ có chừng 43% trong số trên 5 triệu cử tri Catalonia tham gia, cuộc bỏ phiếu hôm 01/10 vẫn đang tạo tiền đề cho Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.
Trong câu chuyện có nhiều vấn đề nội bộ Tây Ban Nha: các đảng phái, chính quyền địa phương Catalonia đã bất bình và khiếu nại lên Madrid từ 2006 vì thay đổi trong luật tự trị cho vùng này, và trưng cầu dân ý vừa qua có vẻ là “giọt nước tràn ly”.
Nếu các đảng Catalonia làm theo đúng nghị trình là tuyên bố độc lập vào ngày 09/10 năm nay, Tây Ban Nha, nước đông dân thứ 5 trong EU hiện nay (sau Đức, Pháp, Anh, Ý) sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Đầu tiên, ta hãy xem thể thức trưng cầu dân ý có mặt hay và dở ra sao.
Về nguyên tắc, đây là thể thức dân chủ trực tiếp nhất để số đông nhất cử tri nêu ý kiến về các vấn đề trọng đại của quốc gia.
Nhưng câu trả lời ‘Có hoặc Không’ lại là “một đi không trở lại” nên trưng cầu dân ý thường tạo thay đổi chính trị rất sâu sắc.
Trưng cầu dân ý liên tiếp ở châu Âu mấy năm qua, như Scotland (2014), Brexit (2016), có vẻ như tạo ra một làn sóng mà vụ ở Catalonia là mới nhất.
Trên thế giới, đây không phải là vấn đề của riêng EU hay Tây Âu.
Catalonia và lá cờ vàng bốn sọc đỏ
Tây Ban Nha lên án ‘đe dọa’ của Puigdemont
Catalonia tuyên bố độc lập ‘vào thứ Hai tới’
Katy Collin vừa viết trên trang của Viện Brookings ở Hoa Kỳ rằng trưng cầu dân ý là “biểu hiện của các cuộc xung đột bị đóng băng, từ Transneistria ở Moldova tới Abkhazia ở Georgia, cho đến Somaliland ở Somalia”.
Vài thập niên trước, châu Âu đã chứng kiến một loạt cuộc trưng cầu dân ý ở Liên Xô cũ và Liên bang Nam Tư dẫn tới tan vỡ thể chế liên bang.
Trưng cầu dân ý ở Liên Xô
Liên Xô phải mở trưng cầu dân ý ngày 17/03/1991 khi đã gặp khủng hoảng về thể chế vì thành viên chủ chốt là Nga đơn phương tuyên bố độc lập vào tháng 6/1990.
Các nước to nhất thuộc Liên Xô là Ukraine, Belarus, Kazakhstan đều có các vấn đề khác nhau, và ba cộng hòa Baltic cũng muốn đặt lại vị trí của mình.
Để chống lại trào lưu dân tộc chủ nghĩa, cuộc trưng cầu dân ý duy nhất trong lịch sử Liên Xô có câu hỏi:
“Bạn có thấy là cần thiết việc duy trì Liên bang CHXHCN Xô Viết như một thể chế liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa bình đẳng nhằm đảm bảo quyền tự do của từng cá nhân, bất kể dân tộc nào?”
Chừng 113 triệu cử tri đã đồng ý như vậy nhưng xu thế ly khai không giảm đi.
Trên thực tế, sau khi Nga tách ra dưới quyền của Bí thư Đảng Cộng sản Nga đầy tham vọng Boris Yeltsin, Liên Xô chỉ còn tồn tại ở 14 nước còn lại.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev có vị thế ngày càng suy yếu.
Bạn có thấy là cần thiết việc duy trì Liên bang CHXHCN Xô Viết như một thể chế liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa bình đẳng nhằm đảm bảo quyền tự do của từng cá nhân, bất kể dân tộc nào?Câu hỏi trưng cầu dân ý Liên Xô
Cuộc đảo chính của phe bảo thủ trong quân đội và an ninh Liên Xô vào tháng 8/1991 dù không thành đã đánh tan chút uy tín cuối cùng của chế độ Liên bang.
Ngày 26/12/1991, lãnh đạo ba cộng hòa là Nga, Ukraine và Belarus đồng lòng tuyên bố giải tán Liên Xô.
Họ chỉ thừa nhận thực tế sau cuộc đảo chính tháng 8 là có hai cơ quan duy nhất của Liên Xô còn tồn tại: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Toàn thể các cơ chế chính quyền khác, kể cả các phân bộ của đảng cộng sản, đã được 15 nước cộng hòa tiếp quản.
Nam Tư được mùa trưng cầu dân ý
Cùng thời gian Liên Xô tan rã, một loạt cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra chỉ trong năm 1991 ở Nam Tư.
Đầu tiên là người Croatia bỏ phiếu vào tháng 5/1991 giành độc lập.
Sau đó Kosovo cũng trưng cầu dân ý vào tháng 9 để tách khỏi Nam Tư.
Sang tháng 11 có trưng cầu dân ý “ngược chiều”, không phải để tách ra mà để giữ gìn Nam Tư.
Đó là trưng cầu dân ý của người thiểu số Serbia sống ở Bosnia, muốn ở lại Nam Tư cùng Cộng hòa Serbia.
Câu hỏi cho họ là:
Bạn có đồng ý với nghị quyết của Hội đồng dân tộc Serbia tại Cộng hòa Bosnia-Hercegovina rằng cộng đồng Serbia ở lại quốc gia Nam Tư cùng các dân tộc khác ở Serbia, Montenegro, Krajina, Slavonija, Baranja…?Câu hỏi trưng cầu dân ý cho người Serbia ở Bosnia
“Bạn có đồng ý với nghị quyết của Hội đồng dân tộc Serbia tại Cộng hòa Bosnia-Hercegovina rằng cộng đồng Serbia ở lại quốc gia Nam Tư cùng các dân tộc khác ở Serbia, Montenegro, Krajina, Slavonija, Baranja…?”
Nhưng các cuộc trưng cầu dân ý luôn tạo ra động lực ngoài cả ý muốn của ban tổ chức.
Mặc dù đa số dân Serbia ở Bosnia muốn ở lại Nam Tư, sang năm 1992, Nam Tư không còn tồn tại nữa vì cả Slovenia và Croatia đã tách ra.
Bởi vậy, đến tháng 2/1992, người Serbia ở Bosnia lập ra nước cộng hòa riêng là Republika Srpska, chỉ có 1,2 triệu dân và không được quốc tế công nhận.
Xung đột Bosnia đã nổ ra đẫm máu.
Xu hướng đi về đâu?
Tương tự như vậy, trưng cầu dân ý năm 1991 do Kremlin tổ chức có mục tiêu gìn giữ Liên bang Xô Viết nhưng không cứu nổi quốc gia này.
Ngày nay nhìn lại, các cuộc trưng cầu dân ý – thể thức dân chủ trực tiếp có đông đảo người tham gia nhất – chưa chắc đã là giải pháp tốt.
Trang The Economist ở Anh hồi tháng 5/2016 có bài nhận định rằng trưng cầu dân ý “thường đem lại kết quả xấu”.
Cuộc đầu phiếu dễ trở thành “công cụ chính trị tạo thêm khó khăn” mà không đem lại giải pháp vừa lòng tất cả các bên.
Câu trả lời đơn giản, đen trắng rõ rằng: Có/Không thường chỉ làm cho bên thắng cuộc thỏa mãn nhưng để lại “vết thương lòng” cho bên có số phiếu thấp hơn.
Năm 1918, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson có bài diễn văn nổi tiếng về quyền tự quyết của các dân tộc.
Mục đích chính của ông Wilson là cổ vũ các dân tộc châu Âu giành tự do khỏi ách thống trị của Đức và triều đại Habsburg.
Khi đó, châu Âu nổi lên xu hướng độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước riêng.
Quyền tự quyết sau được ghi vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc và là nền tảng lý luận cho phong trào giải thực dân ở Á Phi.
Ngày nay, vấn đề “tự quyết” ở châu Âu lại mang một màu sắc khác.
Scotland, Catalonia, Flanders đều là các vùng giàu có bậc nhất của Tây Âu, đã hưởng quyền tự trị rất cao.
EU không bị nguy cơ sau Brexit
Lãnh đạo EU phản ứng về Brexit
Vấn đề của họ không hoàn toàn là thể chế chính trị và kinh tế mà lại bản sắc và lịch sử.
Trong thời toàn cầu hóa, chính trị bản sắc (identity politics) tăng độ nóng, đối chọi lại xu hướng tập trung quyền lực vào Brussels hoặc chính phủ trung ương.
EU đã công nhận ít nhất là 60 ngôn ngữ khu vực, mà nổi bật nhất có tiếng Catalan, Galician, Basque, Scottish Gaelic và Welsh, cùng nhiều tiếng thiểu số khác.
Nhưng mức độ đòi hỏi từ ngôn ngữ, văn hóa lên đến tự trị và độc lập rất khác nhau với các động lực từng vùng không đồng đều.
Tuy thế, nếu như Liên Xô tan rã sau hơn 70 năm chung một ý thức hệ, một ngôn ngữ là tiếng Nga thì chưa có gì đảm bảo là EU không bị đe dọa tan vỡ.
EU mới ở hình dạng hiện nay từ Hiệp ước Maastricht năm 1993 và đã bành trướng mạnh và nhanh sang phía Đông.
Cùng lúc, di sản lịch sử đòi độc lập như ở Catalonia tạm bị bỏ quên, thậm chí coi thường.
Vào thời điểm này, Brussels vẫn im lặng đáng sợ khi Tây Ban Nha (46 triệu dân) gặp khủng hoảng lớn nhất từ Thế Chiến 2 quanh vấn đề Catalonia.
Tại Anh có câu hỏi vì sao Brussels luôn nói về “quyền lợi của 4 triệu công dân EU tại Anh sau Brexit” mà nay cố lờ đi số phận của 7,5 triệu công dân EU tại Catalonia.
Các báo châu Âu nói đây là giờ phút nguyên tắc “đồng thuận trong đa dạng” của EU bị thách thức chưa từng có.
Nhưng các lãnh đạo ở Paris, Berlin và Brussels như đang không biết đi về hướng nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41513101
Kazuo Ishiguro được giải Nobel Văn học
Nhà văn Anh Kazuo Ishiguro đã được trao giải Nobel Văn học 2017.
Sinh tại Nhật năm 1954, ông cùng gia đình chuyển đến Anh năm 1960.
Ông từng được giải thưởng Man Booker năm 1989 với tiểu thuyết The Remains of the Day.
Tiểu thuyết này cũng được chuyển thể thành phim nổi tiếng năm 1993, từng được đề cử 8 giải Oscar.
Một tác phẩm khác, Never Let Me Go, cũng được dựng thành phim.
Kazuo Ishiguro đã viết tám quyền sách, được dịch sang hơn 40 thứ tiếng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41486269
Cuộc điều tra vụ xả súng Las Vegas hé lộ tình tiết mới
FBI ngày 4/10 thẩm vấn bạn gái của Stephen Paddock, người sát hại 59 nạn nhân và làm bị thương hơn 500 người khác tại Las Vegas hôm chủ nhật khi xả súng từ phòng ngủ khách sạn Mandalay Bay ở tầng 32 xuống đám đông dự khán một buổi hòa nhạc ngoài trời.
Hung thủ đã tự sát trước khi cảnh sát phá cửa xông vào phòng ngủ khách sạn, nơi ông gây án.
Bà Marilou Danley, 62 tuổi, bạn gái của Paddock, bị thẩm vấn tại văn phòng FBI ở Los Angeles. Tối hôm trước, 3/10, bà đáp xuống sân bay LAX từ Philippines sau hơn 2 tuần ra nước ngoài.
Các nhà điều tra chưa tiết lộ thêm điều gì, nhưng hai chị em gái của Danley nói ông Paddock để bà Danley đi nước ngoài để có thể dễ dàng hành động.
Paddock, 64 tuổi, một tay cờ bạc chuyên nghiệp, đã âm thầm thu gom nhiều võ khí trước khi gây án.
Paddock gặp gỡ và quen biết bà Danley tại sòng bài, theo lời kể của em trai hung thủ, Eric Paddock.
Chị em gái của Danley ở Úc nói họ tin rằng bà Danley không hề hay biết kế hoạch giết người của bạn trai mình.
Ông Reynaldo Bustos, một người nhà của bà Danley, trong cuộc phỏng vấn với ABC từ tư gia ở Manila, thủ đô Philippines, rằng bà Danley đã trấn an gia đình chớ lo sợ vì lương tâm bà trong sạch.
Vài ngày trước khi ra tay giết người, Paddock đã chuyển 100 ngàn đô la sang Philippines và các nhà điều tra đang truy lùng manh mối số tiền này.
Cùng lúc đó, cơ quan chức năng quản lý các sòng bài cũng đang truy lục hồ sơ bài bạc của Paddock để xem đương sự có cãi vã hay tranh chấp gì với ai trước vụ xả súng hay không.
Paddock không có tiền án tiền sự, cũng không có rắc rối tài chính nào. Em trai hung thủ cho biết Paddock là một tay đầu tư địa ốc khá giả.
Phó Giám đốc FBI, Andrew McCabe, cho biết cơ quan này đang truy tìm xem có ai liên lạc với Paddock trước ngày xảy ra vụ thảm sát hay không.
Giới hữu trách cho biết tay súng này bắt đầu tàng trữ súng từ năm 1982 và từ tháng 10 năm ngoái đến ngày 28 tháng 9 năm nay (tức 3 ngày trước khi ra tay giết người) đã bỏ tiền tậu thêm 33 võ khí, chủ yếu là súng trường.
Người ta tin rằng Paddock đã dùng thiết bị hỗ trợ để biến 12 súng trường bán tự động có chức năng nhả đạn như súng tự động.
Một giới chức Philippines cho hay Paddock ít nhất 2 lần sang Philippines, sinh quán của bạn gái Danley. Nguồn tin này nói hung thủ tới Philippines vào năm 2013 và 2014 khoảng gần ngày sinh nhật của mình, và lưu lại mỗi lần khoảng 6 ngày. Chưa có thông tin gì thêm về các chuyến đi vừa kể.
Hồ sơ xuất nhập cảnh cho thấy bạn gái của Paddock, bà Marilou Danley, ra khỏi nước Mỹ trong nhiều tuần lễ và hôm chủ nhật khi Paddock xả súng bà lúc đó đang ở Philippines.
Nguồn: Tổng hợp từ AP
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-dieu-tra-vu-xa-sung-las-vegas-he-lo-tinh-tiet-moi-/4056778.html
Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis khẳng định Ngũ Giác Đài “hoàn toàn ủng hộ” những nỗ lực của Bộ Ngoại giao tìm giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Ông Mattis cũng hạ giảm ý kiến cho rằng những nỗ lực của Bộ Ngoại giao trái ngược với nhận định của Tổng thống Trump khi ông Trump tuyên bố nói chuyện với Bình Nhưỡng mất thời gian vô ích.
“Tôi tin Ngoại trưởng Tillerson chính xác khi nói rằng chúng ta đang thăm dò những cơ hội nói chuyện với miền bắc. Tất cả những gì chúng ta đang làm chỉ là thăm dò. Chúng ta không thảo luận với họ, nghĩa là phù hợp với quan điểm của Tổng thống rằng không thảo luận với họ trước khi thời điểm chín mùi, trước khi họ muốn nói chuyện. Do đó tôi không thấy có sự trái ngược như nhiều người đã diễn giải nhưng tôi nghĩ đây là sự quân bình năng động vào lúc chúng ta nỗ lực tiến tới với một giải pháp.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nhấn mạnh Mỹ cũng có những giải pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-quoc-phong-my-ung-ho-no-luc-ngoai-giao-voi-trieu-tien/4056669.html
Bangladesh lấy đất rừng làm chỗ ở cho người tị nạn Rohingya
Chính phủ Bangladesh hôm 5 tháng 10 cũng cho biết nước này phải bỏ ra thêm 400 ha đất rừng để xây lán trại cho người tị nạn Rohingya đang dồn về nước này từ Myanmar.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề quản lý thảm họa của Bangladesh cho báo chí biết trước đó, chính phủ đã dùng khoảng 800 ha đất cho khoảng gần 400.000 người tị nạn. Tuy nhiên con số những người tị nạn đến Bangladesh tiếp tục tăng thêm hơn 100.000 người nữa.
Chính phủ Bangladesh cho biết sau khi cây bị chặt hạ, các công nhân sẽ dựng khoảng 150.000 trại trong khu mới cho người tị nạn.
Tính từ cuối tháng 8 trở lại đây, đã có hơn nửa triệu người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar đến Bangladesh để lánh nạn khi chiến sự nổ ra ở bang Rakhine. Quân đội Myanmar đã tiến hành một chiến dịch tấn công nhắm vào các du kích quân người Rohingya ở Rakhine từ nôm 25 tháng 8. Liên Hiệp Quốc gọi chiến dịch này là một cuộc thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya. Chính phủ Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Bangladesh phá tàu
để chặn làn sóng tị nạn và buôn lậu từ Myanmar
Bangladesh vừa phá hủy ít nhất 30 tàu cá bằng gỗ để ngăn chặn tình trạng các thuyền trưởng người địa phương đưa lậu người tị nạn Rohingya và thuốc phiện qua biên giới từ Myanmar vào Bangladesh. Giới chức biên phòng Bangladesh cho biết tin này hôm 5 tháng 10.
Hôm thứ ba tuần này, lực lượng biên phòng Bangladesh đã thu giữ các tàu và bắt giữ một số thuyền trưởng tàu mang lậu hơn 700 người Hồi giáo Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar vào Bangladesh. Những người bị bắt trên tàu cũng mang theo 100.000 viên thuốc gây nghiện bị cấm ở Bangladesh.
Hãng tin AFP trích lời một giới chức chính phủ cho biết Bangladesh đã bỏ tù 39 người Rohingya, chủ yếu sống ở Bangladesh vì tội đưa lậu người qua biên giới.
Thường những băng nhóm đưa lậu người vào Bangladesh đòi giá cho một chuyến đi 2 tiếng vào Bangladesh là 250 đô la một người . Thường chi phí qua biên giới cho một người chỉ khoảng không quá 5 đô la.
Philippines khen ngợi quan hệ với Hoa Kỳ
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, tướng Eduardo Ano hôm 5/10 lên tiếng ca ngợi Hoa Kỳ như một đồng minh số một của Philippines, đồng thời cho biết hai nước đã đồng ý sẽ gia tăng các hoạt động tập trận chung trong năm 2018.
Ông Ano cho biết những cuộc tập trận chung giữa hai phía vào năm tới sẽ chú trọng vào chống khủng bố, và đối phó với thảm họa.
Hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Duterte cũng lên tiếng cam kết sẽ thân thiện với Mỹ, tỏ dấu hiệu cho thấy việc chấm dứt những chỉ trích của ông nhắm về phía Mỹ. Ông Duterte nói rằng bất đồng giữa hai nước chỉ như ‘nước chảy qua cầu’, ý nói đã qua và ông cảm ơn Mỹ đã giúp Philippines trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ một phần ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines kể từ ngày 23 tháng 5 năm nay.
Trung Quốc cấp lô súng trường cho Philippines
Trung Quốc vừa chuyển cho Philippines 3.000 súng trường vào hôm thứ năm, 5/10 như một cử chỉ thân thiện và hợp tác. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết như vậy trong cùng ngày.
Ông Lorenzana nói Philippines đã rất may mắn được chính phủ Trung Quốc trang bị vũ khí. Ông cho biết lô vũ khí này lẽ ra được trang bị cho quân đội nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte cảm thấy là cảnh sát cần vũ khí này hơn.
Đây là lô súng trường thứ hai được Trung Quốc chuyển cho Philippines trong năm nay. Lô súng có giá trị khoảng 3,3 triệu đô la và sẽ được Cảnh sát Quốc gia Philippines sử dụng. Lực lượng cảnh sát của Philippines đang đối mặt với tình trạng thiếu súng sau khi quốc hội Mỹ ngăn việc bán 26.000 súng trường M4 cho Philippines vì quan ngại tình trạng cảnh sát bắn giết người hàng loạt trong chiến dịch trấn áp ma túy do Tổng thống Duterte chủ xướng.
Lô súng trường bắn tỉa đầu tiên được Trung Quốc trang bị cho Philippines là 100 khẩu vào hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy vậy, trợ giúp về vũ khí cho Philippines hiện vẫn còn rất nhỏ so với Mỹ, nước đồng minh quốc phòng với Philippines kể từ những năm 1950 trở lại đây. Trong vòng 17 năm qua, Washington đã trang bị cho Philippines gần một tỷ đô la cho các vũ khí như máy bay, tàu, súng.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Tổng thống Philippines Duterte đã từng lên tiếng chỉ trích mối quan hệ đồng minh với Mỹ và tỏ ý muốn xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Hạn chót xin gia hạn DACA đã điểm
Thứ Năm 5/10 là thời hạn chót để các di dân ở Mỹ theo diện DACA, thường được gọi là DREAMer, nộp đơn xin gia hạn quy chế tạm cư của họ theo chương trình này.
Chính quyền Tổng thống Trump từ ngày 5 tháng 9 đã ngưng nhận đơn xin mới theo chương trình DACA bảo vệ gần 700.000 di dân đến Mỹ từ khi còn ấu thơ, thường gọi là DREAMer, khỏi bị trục xuất. Thứ năm 5/10 là thời hạn chót đối với hàng ngàn DREAMer đang được DACA bảo vệ phải nộp đơn xin gia hạn tình trạng cư trú của họ và đây có thể là cơ hội cuối cùng.
Các DREAMer và di dân không giấy tờ trên khắp nước Mỹ rúng động. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết họ đã nhận hơn 100.000 đơn xin gia hạn quy chế theo chương trình DACA, để xin giấp phép lao động có thời hạn 2 năm trước ngày 5/10.
Chương trình DACA sẽ hết hạn vào tháng 3 năm tới, nếu Quốc hội không đạt được một thỏa thuận gia hạn chương trình này.
Có một sự ủng hộ lưỡng đảng nhằm mở rộng thời hạn cho chương trình bảo vệ cho các DREAMer nhưng cũng có rất nhiều điểm khó giải quyết. Một trong những điểm khó đó là những người theo đường lối cứng rắn nói rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm chuyện ngân sách để xây tường thành biên giới theo chủ trương của Tổng thống Trump.
Nhưng những người tranh đấu cho quyền của di dân và một số đảng viên Dân chủ muốn thấy những chương trình mới bảo vệ cho các DREAMer mà không có điều kiện cấp ngân sách xây tường thành biên giới hay các điều kiện khác.
Các nhà lập pháp muốn bảo vệ DREAMer và những người ủng hộ chương trình DACA đang đẩy mạnh nỗ lực gia hạn cho chương trình này giữa lúc có nhiều lời kêu gọi giới lập pháp bảo vệ các di dân trẻ tuổi không có giất tờ đang được chương trình DACA che chở.
Tổ chức của các đại biểu Quốc hội gốc Mỹ La tinh, gọi tắt là CHC, đề nghị Bộ An ninh Nội địa dời thời hạn chót nhận đơn sang đến ít nhất là ngày 5/1/2017.
Thư đề nghị của CHC gởi Quyền Bộ Trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke viết: “Thời hạn 30 ngày chính quyền cho các DREAMer nộp đơn xin gia hạn quy chế của họ là tùy tiện và nguy hiểm. Chúng tôi rất lo ngại bởi vì những người hưởng quy chế DACA không được thông báo trực tiếp cho từng cá nhân rằng họ hội đủ điều kiện để xin gia hạn. Hàng ngàn người đang hưởng quy chế của chương trình DACA có thể sẽ mất giấy phép lao động và không còn được bảo vệ theo chương trình DACA”.
CHC và những người ủng hộ DACA đang thúc đẩy dời thời hạn chót nhận đơn, trong lúc có khoảng 50.000 DREAMer được hưởng quy chế bảo vệ theo DACA, hay gần một phần ba số người hội đủ điều kiện, chưa nội đơn xin gia hạn.
(Theo NPR, NBC)
https://www.voatiengviet.com/a/han-chot-xin-gia-han-daca-da-diem/4057848.html
TT Trump: ‘Tillerson chưa từng doạ từ chức’
Tổng thống Donald Trump khẳng định Ngoại trưởng Rex Tillerson “chưa bao giờ dọa từ chức”. Ông Trump quy bản tin nói có căng thẳng giữa hai ông là “tin thất thiệt”.
Ông Trump lại lên trang mạng Twitter vào sáng ngày 5/10 để chỉ trích bản tin của NBC, nói rằng trước đây trong năm, ông Tillerson “suýt nữa là” đã từ chức, sau nhiều tháng căng thẳng, và bày tỏ bực dọc về Tổng thống Trump, và chỉ ở lại chức vụ vì những lời kêu gọi của Phó Tổng thống Mike Pence.
Tin của NBC News còn thuật lại rằng ông Tillerson gọi ông Trump là một “kẻ ngu dốt” sau một cuộc họp với các quan chức hàng đầu khác tại Ngũ Giác Đài hồi tháng 7.
Hôm 4/10, ông Tillerson bác bỏ những đồn đoán cho rằng ông suýt nữa đã rời khỏi chức vụ.
Ông nói: “Về một vài chi tiết cụ thể – phó tổng thống chưa bao giờ phải thuyết phục tôi ở lại vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ chức vụ này”.
Hôm 4/10, khi được hỏi ông có gọi ông Trump là một “kẻ ngu dốt” hay không, ông Tillerson không phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, ông nói ông sẽ không có thì giờ để bàn đến những điều “nhỏ nhặt”, và thay vào đó, ca ngợi ông Trump và các mục tiêu chính sách đối ngoại của tổng thống. Ông Tillerson nói các mục tiêu đó “vượt ra ngoài khuôn khổ” về những gì có thể đạt được.
Tại buổi họp báo hôm 4/10 ở Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Heather Nauert công khai bác bỏ việc ông Tillerson gọi tổng thống là “kẻ ngu dốt”, nói rằng ông Tillerson không sử dụng thứ ngôn ngữ đó.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trum-tillerson-chua-tung-doa-tu-chuc/4057688.html
Tình báo Mỹ: Kim Jong Un là người có tính toán
Dù lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần khiêu khích và sẵn sàng khẩu chiến, các giới chức tình báo Mỹ nói ông ta không điên rồ.
“Kim Jong Un là một người rất tính toán,” Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định ngày 4/10.
“Ngoài vấn đề khẩu chiến và huênh hoang, Kim Jong Un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc,” ông Yong Suk Lee phát biểu tại một hội nghị tình báo do CIA bảo trợ tại Washington.
“Kim Jong Un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường,” ông Lee nói.
Đánh giá của tình báo có vẻ như trái ngược với những lời nói được Tổng thống Donald Trump sử dụng.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “Ông Rocket tí hon,” và trong một Twitter khác vào tháng trước, ông Trump gọi ông Kim “rõ ràng là một gã khùng.”
Tuy nhiên ông Lee và các giới chức CIA khác tin là có một “mục đích rõ rệt” về cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên hành xử trên sân khấu thế giới.
Những người này nói, mục đích của Bình Nhưỡng là được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính và cuối cùng sẽ thương thuyết về một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
Các giới chức tình báo xem những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Triều Tiên như là một phương cách để tạo một chỗ đứng và cho Bình Nhưỡng không gian để hoạt động giữa lúc nước này theo đuổi những mục tiêu trên bán đảo.
“Hắn ta muốn chúng ta ra khỏi sàn thử nghiệm của hắn,” ông Lee nói và phỏng đoán sẽ có một cuộc thử nghiệm khác hay khiêu khích xảy ra sớm nhất là vào ngày 9 tháng 10 đánh dấu ngày thành lập đảng cầm quyền, trùng hợp với Ngày Columbus ở Mỹ.
Các giới chức lo ngại về những nguy cơ tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng.
Nhưng cựu đặc sứ Mỹ tại các cuộc đám phán 6 bên với Triều Tiên, ông Joseph Detrani, nói “Họ không tự sát.” Ông Detrani cảnh báo là Bình Nhưỡng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt vào lúc Tòa Bạch Ốc bác bỏ mọi cuộc thương thuyết có ý nghĩa với chế độ Triều Tiên.
“Chúng ta có thể lâm vào cuộc xung đột,” ông Detrani nói. “Họ nghe Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng qua Twitter, nên việc này phải có một ảnh hưởng rõ rệt.”
Cũng có những nghi vấn về vai trò Trung Quốc trong việc này.
“Chính Trung Quốc cũng đang quan tâm về sự bất ổn định tại biên giới nước này, nhưng đồng thời cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ,” Phó trợ lý Giám đốc CIA Michael Collins nói.
“Trung Quốc có thể làm được nhiều việc,” ông Collins nói. “Nhưng ảnh hưởng gì đến việc tính toán của Kim Jong Un lại là một vấn đề khác.”
Các giới chức cũng nói những nỗ lực của Hoa Kỳ làm việc với Trung Quốc bị cản trở vì chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến lược này nhằm làm cho Hoa Kỳ giận giữ và hạn chế ảnh hưởng của Washington trong những lãnh vực mà hai nước không đối đầu trực tiếp.
Có một số chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kim Jong Un bị hạn chế.
“Ông ta không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ta không sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ,” ông Lee từ Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA nhận định.
https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-my-kim-jong-un-la-nguoi-co-tinh-toan/4056814.html
Diễn tiến cuộc điều tra Nga-Trump
Các lãnh tụ của Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ công bố những khám phá sơ khởi về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016-và bắt đầu công khai cảnh báo các tiểu bang, cử tri và các công ty truyền thông xã hội về cách thức ngăn ngừa những vụ can thiệp trong tương lai.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Burr, Chủ tịch Ủy ban và Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên Dân chủ cao cấp trong Ủy ban dự kiến trả lời báo giới ngày 4/10 để trình bày một số điều mà Ủy ban phát hiện được cho đến nay giữa lúc những cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 đến gần.
Kể từ khi hai ông Burr và Warner bắt đầu điều tra vào tháng 1 năm nay, Ủy ban đã phỏng vấn hơn chục nhân viên tình báo và giới chức chính trị để đánh gía mức độ can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm ngoái.
Ủy ban này cùng với một vài Ủy ban khác trong Quốc hội cũng đang điều tra về bất cứ các mối quan hệ nào giữa Nga và cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Ủy ban đã phỏng vấn cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort và con rể đồng thời là cố vấn của ông Trump, Jared Kushner.
Các lãnh tụ Ủy ban cũng sẽ trình bày về những nỗ lực xâm nhập hệ thống bầu cử của tiểu bang. Nhà chức trách liên bang đã thông báo cho 21 tiểu bang trong tháng trước là họ bị những tin tặc của chính phủ Nga nhắm vào trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, khoảng 1 năm sau khi những nỗ lực này bị phát hiện.
Thượng nghị sĩ Warner chỉ trích Bộ An ninh Nội địa chậm trễ thông báo các tiểu bang và thúc đẩy các giới chức chính quyền ông Trump trong nhiều tháng phải có hành động nhanh chóng và công khai cho biết những phát hiện của họ.
Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng chú trọng đến những nỗ lực của Nga đưa những thông điệp truyền thông xã hội vào Twitter và Facebook, và đang xem xét hơn 3.000 quảng cáo có liên hệ đến Nga mà Facebook chuyển cho Quốc hội trong tuần này. Facebook nói những quảng cáo này nhắm chia rẽ xã hội và đưa ra những thông điệp chính trị, trong đó có vấn đề đồng tính luyến ái, di dân, quyền sở hữu súng và được khoảng 10 triệu người xem trước và sau cuộc bầu cử 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/dien-tien-cuoc-dieu-tra-nga-trump/4056799.html
Xếp hàng chờ hiến máu cho nạn nhân vụ xả súng Las Vegas
Vài ngày sau vụ nổ súng hàng loạt tại Las Vegas, cư dân địa phương vẫn xếp hàng đợi hàng giờ đồng hồ để hiến máu cho những người bị thương. Thông thường một ngày, các trung tâm nhận máu của khoảng 200 người, nhưng giờ đây số này lên tới 700 mỗi ngày, từ những người tình nguyện đủ mọi thành phần muốn bày tỏ sự ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân và gia đình.
Hàng người đã dài nhưng việc chờ đợi còn dài hơn, nhưng họ không màng chờ đợi.
Bà Renee Lee, cư dân Las Vegas, chia sẻ:
“Tôi cảm thấy đau buồn cho những nạn nhân và gia đình họ về những gì xảy ra hôm Chủ Nhật, và tôi muốn bước ra ủng hộ cộng đồng của mình, giúp đỡ và hiến máu.”
Hơn 100 người đã xếp hàng bên ngoài trung tâm hiến máu này từ lúc trung tâm chưa mở cửa. Một số người đến ngày hôm trước, trở về sau 8 tiếng chờ đợi, rồi hôm sau quay lại.
Ông Hà Anh, một cư dân gốc Việt tại Las Vegas, cho biết:
“Tôi đến đây để giúp một tay, giúp hàng xóm của mình. Chúng ta phải đoàn kết với nhau, mỗi người giúp một tay.”
Ngoài sự hào nhoáng của những sòng bài Las Vegas, cư dân nơi này nói đây là một khía cạnh khác của Las Vegas mà du khách không thấy, nhưng thực sự hiện hữu.
Ông Steven Cooley, cư dân Las Vegas, tiếp lời:
“Chúng tôi không phải chỉ là thị trấn cờ bạc hưởng lợi từ chi phí du lịch của mọi người, mà chúng tôi còn có thể đến với nhau như một cộng đồng và chúng tôi có thể thực sự hỗ trợ lẫn nhau và có được sự gắn bó tuyệt vời này.”
… Một sự gắn bó vượt ngoài những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.
Ông Min Yin, cư dân Las Vegas, nói với VOA:
“Khi nghe tin, tôi bị sốc, có quá nhiều người bị thương và chết. Tôi cảm thấy phải làm một điều gì đó.”
Một một du khách thăm Las Vegas tên Yen Muñoz bày tỏ cảm nghĩ:
“Thật là đông đảo mọi người đủ mọi thành phần. Thật là tuyệt khi thấy mọi người đến với nhau và làm điều gì đó có nghĩa—Chúng ta đều giống nhau từ tâm hồn.”
Trái ngược với hình ảnh vụ nổ súng thảm sát hàng loạt, cư dân nói những người hiến máu hiện diện ở đây chứng tỏ thế giới này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.
https://www.voatiengviet.com/a/xep-hang-cho-hien-mau-cho-nan-nhan-vu-xa-sung-las-vegas/4056635.html
Tổng thống Trump thăm Las Vegas
Tổng thống Donald Trump đang thăm Las Vegas vào lúc các nhà điều tra tiếp tục tìm hiểu xem tại sao một tay súng tấn công một lễ hội âm nhạc từ một phòng khách sạn trên lầu cao, giết chết ít nhất 58 người rồi tự sát.
Vào sáng sớm ngày 4/10 khi lên đường đi thăm Las Vegas, ông Trump mô tả tay súng là một “người bệnh hoạn và loạn trí,” và nói thêm là việc thảo luận về bất cứ những qui định mới về súng nào sẽ diễn ra vào “một thời điểm sau này.”
Ông Trump nói ông đến Las Vegas để ngợi khen những người đáp ứng đầu tiên với thảm họa này.
“Đây là một việc rất đau buồn. Chúng tôi chia buồn, và thăm các nhân viên cảnh sát đã thực sự làm một việc tuyệt vời trong một thời gian rất ngắn. Và đúng là họ đã học được rất nhiều điều, và việc này sẽ được loan báo trong một thời điểm thích hợp. Đối với cá nhân tôi đây là một ngày rất đau buồn.”
Thêm vào những người thiệt mạng là hơn 500 người bị thương trong cuộc tấn công.
Cảnh sát tư pháp quận Clark, ông Joe Lombardo ngày 3/10 nói ông “tuyệt đối” tin tưởng là cảnh sát sẽ xác định được động cơ của tay súng và ông dự đoán sẽ có một “khối lượng tin tức đáng kể” trong vài ngày tới.
Ông Lombardo nói điều rõ ràng là cuộc tấn công vào khuya ngày Chủ Nhật có tính toán trước, vì chủng loại cũng như số lượng vũ khí tồn trữ cho thấy nghi phạm đã dự trù cẩn thận.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-tham-las-vegas/4056587.html
Putin chưa quyết định có tranh cử 2018 không
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 4/10 rằng ông vẫn chưa quyết định có tranh cử vào tháng 3/2018 hay không.
“Không chỉ là tôi chưa quyết định tranh cử với đối thủ nào, mà tôi còn chưa quyết định có tranh cử hay không”, ông Putin nói, khi được hỏi ông sẽ chạy đua với đối thủ nào trong cuộc bầu cử.
Nếu Putin quyết định tranh cử, nhiều người tiên liệu ông sẽ giành chiến thắng vang dội trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, vì ông sẽ không đối mặt với đối thủ mạnh nào.
Một tòa án Nga hôm 2/10 đã kết án tù đối với lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny lần thứ ba trong năm nay.
Án tù giam 20 ngày hiện tại đồng nghĩa là ông ấy sẽ không thực hiện được cuộc mít tinh vận động tranh cử dự định diễn ra ở quê nhà của ông Putin, St Petersburg, vào ngày 7/10 – ngày sinh của nhà lãnh đạo Nga.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Navalny sẽ thua thậm trước ông Putin nếu ông ấy tranh cử.
https://www.voatiengviet.com/a/putin-chua-quyet-dinh-co-tranh-cu-2018-khong/4056326.html
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Iran
Tổng thống Iran Hassan Rohani và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hôm qua, 04/10/2017, đã gặp gỡ tại Teheran, cùng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự bùng phát bạo lực ở Irak và Syria, đồng thời phản đối cuộc trưng cầu dân ý đòi thành lập nhà nước độc lập của người Kurdistan Irak.
Chuyến thăm của tổng thống Erdogan tới Teheran đánh dấu sự cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia Hồi giáo lớn, vốn trở nên lạnh nhạt kể từ cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu cách đây 5 năm.
Thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran.
« Chính cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 25/9 ở vùng Kurdistan thuộc Irak đã làm Teheran và Ankara xích lại gần nhau. Cả hai quốc gia có sắc dân thiểu số Kurdistan cùng phản đối cuộc trưng cầu dân ý và bác bỏ mọi ý định thành lập nhà nước của người Kurdistan.
Tổng thống Iran tuyên bố, « một số lãnh đạo tôn giáo của vùng Kurdistan thuộc Irak đã ra quyết định sai lầm và phải được sửa chữa. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Irak cần phải có những đối sách cần thiết và quyết liệt hơn để đạt được những mục tiêu chiến lược. »
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ càng tỏ ra quyết tâm hơn khi khẳng định rằng cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irak sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn đối với vùng Kurdistan thuộc Irak.
Cả ba nước áp đều đã ban hành lệnh cấm bay tới vùng Kurdistan thuộc Irak, và Iran đã ngừng xuất khẩu sang vùng này các sản phẩm năng lượng như xăng và khí hóa lỏng.
Để thể hiện sự quyết tâm, Iran đã tổ chức những cuộc tập trận chung với quân đội Irak dọc theo biên giới.
Kế hoạch này nhằm bao vây kinh tế vùng Kurdistan thuộc Irak, buộc các lãnh đạo người Kurdistan phải thoái lui.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng xích lại gần nhau trên hồ sơ Syria, cùng sự phối hợp với Nga, nhằm thiết lập vùng giảm căng thẳng và đem lai ổn định cho Syria. Ankara từ chối cho phép người Kurdistan Syria được lập nhà nước bán tự trị dọc theo biên giới. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171005-chuyen-tham-cua-tong-thong-tho-nhi-ky-toi-teheran
Chuyến thăm « lịch sử » của quốc vương Ả Rập Xê Út tại Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 05/10/2017 tiếp đón quốc vương Salman tại điện Kremlin. Chính quyền Ả Rập Xê Út đánh giá chuyến viếng thăm Nga này là « lịch sử ». Đây là lần đầu tiên người đứng đầu vương quốc Ả Rập đến thăm chính thức Matxcơva. Cả hai nước chưa bao giờ có mối quan hệ thân cận và khủng hoảng Syria còn làm mối quan hệ đó thêm xấu đi.
Theo nhận định của thông tín viên RFI Daniel Vallot, đối với Matxcơva cũng như Riyad, chuyến viếng thăm chưa từng có này có thể là cơ hội để thắt chặt lại mối quan hệ căng thẳng đó.
« Thử thách đầu tiên của chuyến viếng thăm này, đương nhiên sẽ là cuộc xung đột Syria. Nga và Ả Rập Xê Út mỗi bên ủng hộ một phe khác nhau trong cuộc chiến tranh đang xâu xé Syria : Matxcơva đứng về phía Bachar Al-Assad, và Riyad ủng hộ phe nổi dậy.
Về hồ sơ này, cả hai nước đối nghịch nhau trên mọi vấn đề. Nhưng tổng thống Vladimir Putin muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria, nhằm chấm dứt một cuộc can thiệp quân sự tốn kém, và vì thế mà Nga cần đến sự ủng hộ của Ả Rập Xê Út.
Một thách thức khác trong chuyến viếng thăm này đó là dầu hỏa. Từ đầu năm nay, Riyad và Matxcơva đã áp đặt các quốc gia sản xuất khác một chính sách giảm sản lượng khai thác, nhằm làm tăng giá dầu thô.
Hôm qua, tổng thống Nga đã tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục chính sách này cho đến cuối năm tới. Đây là một thử thách quan trọng cho cả hai quốc gia, do việc nền kinh tế của hai nước này quá lệ thuộc vào nguồn thu dầu hỏa ».
Thủ tướng Đức gặp khó khăn
trong việc lập chính phủ liên minh
Từ sau bầu cử Quốc Hội Đức ngày 24/09/2017, thủ tướng Merkel tuy đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư, nhưng đang trong thế yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập một chính phủ liên minh. Hai đối tác lớn hiện tại của lãnh đạo Đức là đảng Dân Chủ Tự Do FDP và đảng Xanh đang “mặc cả” với thủ tướng Angela Merkel, đặc biệt là trên các hồ sơ nhậy cảm, như chính sách đón nhận người nhập cư vào Đức, hay kinh tế chung của châu Âu.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, ông Nguyễn Chi Chính, một người sống lâu năm tại thành phố Leipzig, phân tích về những trở ngại mà thủ tướng Merkel phải vượt qua.
Nguyễn Chi Chính : Thủ tướng Merkel gặp nhiều khó khăn do, thứ nhất là kết quả cuộc bầu cử hôm 24/09/2017n cho thấy : Hai đảng lớn của Liên minh chính phủ đương thời đều thua nặng. Bà Angela Merkel vì mất phiếu quá nhiều, ở thế thua lại không có nhiều lựa chọn cho việc lập chính phủ mới.
Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội liên bang Đức lần này đã làm đảo lộn toàn khung cảnh chính trường nghị viện Đức và đặc biệt là sự thắng thế của đảng AfD, đạt 13% phiếu, chiếm 93 ghế, đứng vị trí thứ 3 trong Quốc Hội.
AfD – Alternative für Deutschland- tạm dịch tên “Sự lựa chọn khác cho nước Đức”. Trên địa bàn chính trị, AfD đứng ở phía hữu đến cực hữu, tựa như đảng Front National của bà Mairine Le Pen ở Pháp.
Liên đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU/CSU mất 8,5% phiếu, có 246 ghế. Còn đảng Dân Xã Hội Dân Chủ SPD do ông Martin Schulz lãnh đạo, mất 5,2% có 153 ghế.
Tuy vẫn là đảng dẫn đầu, nhưng bà Merkel không hề vui. Người ta thấy nét mặt của bà rất lo âu, ngay sau khi nghe tin ông Martin Schulz tuyên bố SPD chấm dứt hợp tác chính phủ, rút về lãnh đạo phe đối lập.
Mất đối tác liên minh ưng ý nhất là SPD, là lý do thứ hai dồn bà Angela Merkel vào tình thế khó khăn. Bà chỉ còn duy nhất một khả năng : Chính phủ liên hiệp Jamaika.
Tức là đảng Dân Chủ Tự Do FDP và Đảng Xanh sẽ tham chính cùng với liên đảng CDU/CSU trong một Chính phủ liên hiệp 4 bên. Người ta gọi là “liên hiệp Jamaika” vì các màu đen vàng xanh của các đảng này, tựa như quốc kỳ xứ Jamaika.
RFI : Cánh tự do và đảng Xanh có những đòi hỏi, xung khắc nào trên những vấn đề chính, thứ nhất là liên quan đến nội tình của Đức, và thứ hai là trong chính sách chung với Châu Âu ?
Nguyễn Chi Chính : Đây là điều chưa thể nói rõ ràng được, vì một lẽ đơn giản là các bên chưa ai công bố điều gì cả về đòi hỏi cũng như “giá cả” của mình. Suốt cả tuần qua báo chí và các đài cũng chỉ ghi nhận việc ông bộ trưởng tài chính Wolgang Schäuble từ chức, để sẽ sửa soạn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc Hội liên bang, điều này được xem như dấu hiệu bà Merkel đang sắp xếp nhân sự sẵn sàng cho một liên minh Jamaika.
Đảng Xanh tuyên bố sẵn sàng tham chính và đã cử được một đoàn đại biểu thương thảo. Còn đảng FDP chưa lên tiếng hay rục rịch gì.
Tuy nhiên trong một chương trình Talksow đài ARD, phó chủ tịch FDP ông Wolgang Kubicki và chủ tịch đảng Xanh Cem Özdemir có vẻ như rất sẵn sàng hợp tác. Đấy là dấu hiệu cho thấy tuy hai đảng này không đồng quan điểm trên nhiều khía cạnh, nhưng rất quan tâm đến việc tham gia chính quyền, bày tỏ thiện ý trao đổi.
Thực tế thì có khá nhiều khác biệt giữa hai đảng này. Cơ bản một bên chủ trương tự do nhiều hết mức cho kinh tế thị trường, đại diện cho tầng lớp trí thức, doanh nhân, cánh hữu. Còn Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường, đối với kinh tế thị trường hơi có quan điểm thiên tả. đảng CSU được xem là Cánh hữu của liên minh cơ đốc. Giữa 4 đối tác này, có thể nói cách biệt “cả chân trời”.
Trên vấn đề nhập cư và tị nạn, FDP có thể nhân nhượng với đảng Xanh bảo vệ quyền tị nạn chính trị cho dân từ các vùng bị đe dọa mạng sống, đồng thời đòi cải tổ luật tị nạn nhân đạo hơn luật hiện nay. Đảng Xanh muốn có luật cho người nhập cư hợp pháp và an toàn vào Đức và Âu châu. Bảo đảm cho người tị nạn được phép lao động, đồng thời tăng quỹ cho công tác hỗ trợ hội nhập. Hai đảng FDP và đảng Xanh sẽ có thể đứng cùng một phía để phản đối đòi hỏi khắt khe của đảng CSU trong hồ sơ này, như phải “giới hạn số lượng” người nhập cư, một đòi hỏi bị nhiều phía từ chối. Thật ra CSU mới là người có đòi hỏi “khó nuốt” trong hồ sơ tị nạn và nhập cư.
Phía Đức chắc sẽ đồng thuận rằng vấn đề tị nạn như hiện nay, lâu dài phải được cả khối Âu châu thống nhất gánh vác, và cần có chính sách, biện pháp khắc phục nguyên nhân làm phát sinh làn sóng tị nạn, chứ không phải chỉ có biện pháp đóng cửa hay mở cửa.
Về môi trường, đảng Xanh chủ trương tiến tới xử dụng năng lượng tái tạo, một cách triệt để. Nghĩa là nhanh chóng dừng khai thác điện bằng than đến năm 2030, trong khi FDP đắn đo thiệt hại kinh tế hơn là môi trường và sức khỏe, sẽ không dễ gì đồng ý.
Về kinh tế tài chính, đường lối của đảng Xanh khá thiên tả, muốn có một “trật tự mới” cho thị trường tài chính. Tăng cường kiểm soát, và cấm đầu cơ tài chính rủi ro… của ngân hàng. Điều này có lẽ hợp với yêu cầu của Khối Liên Hiệp Châu Âu, có điều cần thống nhất biện pháp gì. Trong khi có thể FDP sẽ rất chú tâm bảo vệ “quyền lợi” cho nước Đức hơn ?
RFI : Paris và có lẽ nhiều thủ đô khác trong Liên Hiệp Châu Âu, chú ý đến nhân vật sẽ được chỉ định vào chức vụ bộ trưởng Tài Chính sắp tới của thủ tướng Đức, vì nhân vật này sẽ có tiếng nói quyết định cho kinh tế chung trong khu vực. Vậy ai có nhiều khả năng lên thay thế bộ trưởng Wolgang Schäub ?
Nguyễn Chi Chính : Trong suốt mấy năm vừa qua Âu châu với cơn khủng hoảng nợ công người ta buộc phải chú ý đến bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble. Dân chúng những nước “vay nợ” nhìn ông như một “hung thần giữ của”. Thật rất oan cho vị chính khách căn cơ, tận tụy và đầy kinh nghiệm này. Ai sẽ là người giữ chìa khóa hòm tiền của nước Đức trong chính phủ mới ? Cho đến nay chưa thấy bóng dáng, dù lờ mờ, của nhân vật này. Câu hỏi khó có giải đáp ở thời điểm quá sớm hiện nay, vì còn có nhiều ẩn số chưa lộ diện.
Việc ra đi của Schäuble cũng được ngầm hiểu rằng bà thủ tướng Merkel sẽ giao bộ quan trọng bậc nhất này cho đối tác, có thể là FDP. Phó chủ tịch FDP Wolfgang Kubicki đã tự gợi ý tên mình, tuy nhiên chủ tịch đảng Tự Do Christian Lindner sẽ không bỏ qua cơ hội này, ông là người có tham vọng lớn để dành chức bộ trưởng Tài Chính trong chính phủ mới. Nếu điều này thành hiện thực, chương trình cải tổ Liên Hiệp Châu Âu của tổng thống Pháp Macron về tài chính sẽ gặp sức cản.
Tóm lại việc thành lập chính phủ mới sẽ là một hành trình phức tạp và thách thức cho bà Merkel trong vài tháng tới đây. Hiến pháp Đức không quy định thời hạn bắt buộc phải thành lập chính phủ. Angela Merkel sẽ không vội vàng trong việc này. Cách nay 4 năm, chính phủ liên hiệp CDU/CSU với SPD đã cần đến 10 tuần lễ liên tục thương thảo, cho đến trước Giáng Sinh, chính phủ mới mới ra mắt.
Catalunya: Madrid bác đề nghị đàm phán
Bốn ngày sau trưng cầu dân ý tại vùng Catalunya, chính quyền trung ương Tây Ban Nha bác bỏ mọi khả năng đàm phán, trong khi phe chủ trương ly khai dọa đơn phương tuyên bố độc lập.
Phát biểu chiều ngày 04/10/2017, lãnh đạo phe đòi độc lập cho vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont nhắc lại : chính quyền cấp vùng chuẩn bị tuyên bố độc lập “trong một vài ngày sắp tới”. Lập trường cứng rắn này được đưa ra sau một phiên họp của nghị viện vùng Catalunya, nơi phe đòi tách rời khỏi Tây Ban Nha chiếm đa số.
Tuy nhiên ông Puigdemont cũng để ngỏ một cánh cửa, kêu gọi đàm phán với Madrid. Lập tức thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy ra thông cáo đòi Catalunya “rút lại lời đe dọa đòi ly khai”. Nói cách khác, đôi bên cùng giữ nguyên lập trường. Madrid và Barcelona không bên nào nhượng bộ.
Trên thực tế, công luận Catalunya cũng đang bị chia rẽ về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này. Theo một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 7/2017, 80 % những người được hỏi ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý để bày tỏ nguyện vọng về quy chế cho Catalunya, nhưng chỉ có 41 % thực sự đòi độc lập và tách rời khỏi Tây Ban Nha. Lo ngại thiệt hại về kinh tế là một trong những lý do giải thích vì sao phần lớn người dân Catalunya vẫn muốn ở lại trong vương quốc Tây Ban Nha.
Quy chế độc lập hay không cho vùng Catalunya cũng đang là đề tài nhạy cảm đối với đội bóng Barcelona. Nhiều ngôi sao kỳ cựu từng làm nên tên tuổi của câu lạc bộ này trên sân cỏ như Hristo Stoichkov, hay Pep Guardiola đứng về phía đòi ly khai. Tối Chủ Nhật vừa qua, đội FC Barcelona đã thi đấu trong một sân vận mà không cho một khán giả nào vào xem, để phản đối bạo lực trong ngày Catalunya tổ chức trưng cầu dân ý.
Thái tử Charles gạt Miến Điện khỏi hành trình công du châu Á
Áp lực lên Miến Điện trong cuộc khủng hoảng người Rohingya ngày càng lớn. Sau việc đại học Oxford rút ảnh bà Aung San Suu Kyi, giờ đến lượt hoàng gia Anh gạt Miến Điện khỏi lộ trình công du châu Á của thái tử Charles, bắt đầu vào cuối tháng 10 này.
Theo AFP, thái tử Charles và công nương Camilla sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á vào ngày 30/10/2017. Trong vòng 11 ngày, thái tử Charles sẽ lần lượt đến thăm các nước Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Thông cáo của Clarence House (dinh thự của thái tử Charles) khẳng định mục đích của chuyến công du là nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia nói trên trước thượng đỉnh Khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth, diễn ra tại Vương Quốc Anh vào mùa xuân năm 2018.
Không như những gì giới truyền thông Anh thông báo vào tháng 9 vừa qua, chương trình chính thức được công bố hôm qua, 04/10/2017 không đưa Miến Điện vào lộ trình công du.
Theo giải thích của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Anh, “Các điểm viếng thăm trong chuyến công du hoàng gia đã được quyết định dựa trên những khuyến nghị của ủy ban công du hoàng gia, vốn dĩ đã xem xét cẩn trọng các ý kiến từ bộ Ngoại Giao”.
Như vậy là sau đại học Oxford, Anh Quốc đã gây thêm một áp lực ngoại giao với Naypyidaw trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. Về phần mình, các tổ chức phi chính phủ hôm qua ước tính cần đến hơn 400 triệu đô la để đáp ứng các nhu cầu cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn Rohingya trong vòng 6 tháng tới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171005-thai-tu-charles-gat-mien-dien-khoi-hanh-trinh-cong-du-chau-a