Tin Việt Nam – 03/10/2017
Thanh trừng phe nhóm trước thềm Hội nghị Trung ương 6?
Thời gian gần đây thêm một số viên chức doanh nghiệp và quan chức trong bộ máy Nhà nước bị kết án hay kỷ luật với cáo buộc sai phạm trong quá trình quản lý, trách nhiệm điều hành.
Phe nhóm bài trừ nhau?
Viên chức cấp cao doanh nghiệp bị kết án gần đây nhất là ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) với mức án án tử hình và Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Bank án chung thân.
Cuối tháng 9 vừa qua, Kế toán trưởng của PVN là ông Lê Đình Mậu cũng bị bắt vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một đại án ngân hàng khác, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Sacombank, bị truy tố vì đã làm thất thoát 1835 tỉ đồng.
Ngay trước đó, hai nhân vật đứng đầu Thành phố Đà Nẵng là ông Chủ tịch Thành phố Huỳnh Đức Thơ và ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng bị cáo buộc mắc nhiều sai phạm trong điều hành, quản lý.
Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất, một người theo dõi sát tình hình chính trị của Việt Nam, cho rằng những vụ kết án, kỷ luật các cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp gần đây thể hiện một cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trong Đảng để dàn xếp nhân sự trước thềm Hội nghị Trung ương 6 và xa hơn nữa là sau nhiệm kỳ Đảng lần này:
Việc đó có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, bây giờ Nhà nước gọi đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những vụ như Ocean bank, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hay những vụ việc như ở Đà Nẵng.
Nhưng các nhà quan sát lại cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng chứ không chỉ đơn thuần là công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bởi vì thực tế hàng loạt vụ việc được khui ra nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý.
Thứ nhất, bây giờ Nhà nước gọi đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.Nhưng các nhà quan sát lại cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng.
– Blogger Trương Duy Nhất
Ông lấy ví dụ về những vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn. Một trường hợp được nêu ra là việc công bố kết luận thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Qúy, giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái bị trì hoãn hết lần này tới lần khác. Hay các sai phạm của Bí thư Thành ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư Tỉnh Uỷ Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến,…
Một số trường hợp sai phạm nghiêm trọng nhưng được tạo điều kiện cho “hạ cánh an toàn” chẳng hạn như ông Võ Kim Cự, người mắc nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa năm ngoái, nhưng đã được cho về hưu cuối tháng 9 vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cũng đồng tình với quan điểm rằng đây là dấu hiệu của một cuộc chiến phe phái rất gay gắt trong nội bộ Đảng. Ông giải thích:
Những vụ án liên quan đến ngân hàng, một bị cáo họ chẻ làm ba, bốn tội. Nhiều khi một tội hàng chục người mắc phải, là tội mà trên thế giới không có một nơi nào có cả. Và bản thân luật hình sự của Việt Nam cũng đã dẹp tội đó đi rồi. Nhưng để phục vụ cho mục đích của mình, họ hoãn thi hành luật đã được thông qua và tiếp tục theo luật cũ.
Chuyện ở Đà Nẵng, những tội của hai ông trùm này so với những ông khác còn phạm tội nặng hơn vậy nhiều. Nhưng nó lại thuộc phe mình chẳng hạn, thì mình hơi đâu đánh những người đấy.
Giáo sư Zachary Abuza thuộc National War College ở Washington từng nói với hãng tin AFP rằng ông Trọng không thể truy ông Dũng, nhưng trả thù mạng lưới tay chân của ông Dũng, cho truy các đệ tử của ông này.
Vào tháng 5 vừa qua, một nhân vật thân cận của ông Dũng là ông Đinh La Thăng bị kỷ luật mất chức bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, với những cáo buộc sai phạm khi lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam trước đây.
Tiếp đến là vụ ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức xin tỵ nạn nhưng xuất hiện trên truyền hình Nhà nước ở Hà Nội với lời tự thú. Chính phủ Đức nói Hà Nội cho người sang bắt cóc ông này đưa về Việt Nam.
Trong một buổi phỏng vấn với báo chí trong nước hôm 2/10, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói rằng việc kỷ luật cán bộ đã và đang diễn ra nói lên quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm “ của Đảng. Ông nói rằng đây là một bước đi tốt cần được duy trì. Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng “lò nóng củi tươi cũng cháy” của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Khả Phiêu nói rằng thời kỳ này ta dám làm, kiên quyết làm, không chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng mà còn cao hơn nữa.
Cuộc chiến “lò nóng, củi tươi”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội lại có cái nhìn khác. Theo ông, hàng loạt các vụ án doanh nghiệp hay kỷ luật quan chức được giải quyết “thẳng tay” là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bấy lâu nay:
Câu chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam kéo dài mấy chục năm nay rồi. Đại hội lần thứ XI đã đẩy mạnh và Đại hội XII khẳng định phải chồng tham nhũng từ trên xuống.
Tham nhũng thì ta phải chống và khi có dấu hiệu tội phạm ta phải xử. Trong những vụ án gần đây, tội như vậy và người ta xử như thế tôi cho rằng cũng phù hợp với pháp luật và nguyện vọng của nhân dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng không phủ nhận chuyện các phe nhóm nội bộ đấu đá nhau. Ông cho rằng đó là hai phe chống tham nhũng và không muốn chống tham nhũng:
Trước kia người ta nói đến nhóm lợi ích, đồng chí X, đồng chí Y gì đó. Nhưng giờ thất thế thì phải xử theo pháp luật. Tôi cho rằng chuyện xử là cần thiết.
Nhưng nhìn ra thì đây là cuộc đấu tranh diện rất rộng, và tập trung kỷ luật từ trên xuống. Đó cũng là một điều đặc biệt, ít có và đang diễn ra rất ác liệt. Tôi cho rằng nếu kiểm soát được chuyện tham nhũng này, thì có thể tạo niềm tin cho nhân dân.
Trong những vụ án gần đây, tội như vậy và người ta xử như thế tôi cho rằng cũng phù hợp với pháp luật và nguyện vọng của nhân dân.
– Luật sư Trần Quốc Thuận
Ông Trương Duy Nhất lại bày tỏ lo ngại về chiến dịch chống tham nhũng này, bởi vì ông cho rằng nó luôn ẩn lấp đằng sau là sự đấu đá quyền lực giữa các phe chứ không phải là một cuộc chống tham nhũng thuần túy:
Đó có phải là công cuộc chống tham nhũng đến nơi đến chốn để dân người ta tin hay không thì vẫn là câu hỏi. Bởi vì thực tế ở một chế độ độc tài như vậy thì diệt bè phái này sẽ sinh ra bè phái khác thôi.
Điều quan trọng là bây giờ tạo ra một cơ chế thế nào để hạn chế quan chức tham nhũng thì vẫn chưa thấy đề cập đến, mà chủ yếu vẫn là diệt cánh này, phe kia.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng nếu Việt Nam cương quyết thì trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ đại án nữa được phanh phui, trong đó có cả dự án BOT.
Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận chuyện phe phái nội bộ đấu đá nhau nhưng đã nhiều lần công khai thảo luận về vấn đề nhóm lợi ích. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kết luận rằng “nói nhóm lợi ích hay sân sau” là có căn cứ.
Học phí Vinschool gây tranh cãi?
Hôm 3/10, Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của Công an TP Hà Nội bác bỏ thông tin trên mạng nói họ mời làm việc với các phụ huynh có ý kiến phản đối việc tăng học phí của trường Vinschool.
Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng PC 50 – Công an TP Hà Nội nói với trang Infonet:
“Đúng là Phòng PC 50 – Công an Hà Nội có mời một số người đến để xác minh, điều tra, làm rõ hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một lãnh đạo tập đoàn Vingroup.”
Nhưng theo đại tá Sơn việc này không liên quan việc có các phụ huynh phản đối việc tăng học phí của trường Vinschool.
Trước đó, trong tháng Chín, thông tin trên mạng và một số tờ báo ở Việt Nam nói rằng nhiều gia đình đang có con học trong hệ thống Vinschool tỏ ra bất an, lo lắng, thậm chí phản đối kế hoạch tăng học phí từ Vinschool.
Đào tạo ‘tinh hoa’
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu ở Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, bán lẻ.
Tập đoàn này thành lập hệ thống trường Vinschool từ 2013, hứa hẹn là “Nơi ươm mầm tinh hoa” của các thế hệ học sinh Việt Nam.
Hiện tại hệ thống này bắt đầu tuyển sinh từ bậc mầm non đến phổ thông, đặt địa điểm tại Hà Nội và TP. HCM trong các khu đô thị do chính Vingroup xây dựng.
Ra đời trong bối cảnh nhiều gia đình ở Việt Nam không tin vào hệ thống trường công, Vinschool nhấn mạnh họ sẽ “giáo dục toàn diện” cho học sinh để trở thành “công dân tinh hoa trong xã hội”.
Cùng với thế mạnh ngân quỹ và truyền thông, Vinschool, tuy chỉ hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, cho biết họ đã có 10.000 học sinh theo học (số liệu 2016).
Tăng học phí
Trong tháng 9/2017, Vinschool công bố thông tin tăng học phí ở cả ba cấp, khiến nhiều phụ huynh đã phản ứng.
Những người chỉ trích cho rằng lộ trình tăng học phí trong 5 năm học tới, bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, chỉ được công bố chưa đầy 1 tháng sau khi năm học 2017 – 2018 bắt đầu.
Một số phụ huynh nói họ lẽ ra cân nhắc việc chọn trường nếu biết trước thông tin này.
Một số người cũng cho rằng tỉ lệ tăng học phí “quá cao”. Ví dụ, mức học phí mới với đối tượng học sinh nhập học năm 2018 – 2019 sẽ tăng 2,5 triệu đồng ở cấp Tiểu học, tăng 3,2 triệu đồng ở cấp THCS, tăng 4,2 triệu đồng (gần gấp đôi) ở cấp THPT.
Ngoài ra, những học sinh đang theo học ở Vinschool Times City theo hệ Cambridge cũng phải chuyển sang Khu đô thị Vinhomes Riverside – The Harmony nếu gia đình không có hộ khẩu ở Vinhomes Times City – Park Hill.
Trước phản ứng dư luận, Vinschool tổ chức “giao lưu trực tuyến” qua Facebook sáng 25/9. Tổng giám đốc của Hệ thống Vinschool, bà Phan Hà Thủy, cũng xuất hiện trên các báo Việt Nam giải thích.
Một ý được bà Thủy nhấn mạnh là “đây không phải việc tăng học phí đơn thuần, chúng tôi đang không tăng học phí trên nền chương trình và chất lượng giáo dục như trước, mà đây là việc cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống”.
Thể hiện đẳng cấp bằng giáo dục hay vật chất?
‘Nhập khẩu giáo dục’ phải xét đến môi trường VN
Bà Phan Hà Thủy nói lý do cho việc tăng học phí là “chương trình và chất lượng dịch vụ giáo dục do Vinschool cung cấp thay đổi theo hướng nâng lên tầm cao mới.”
“Ban Giám hiệu sẽ luôn xử lý vấn đề trên tinh thần cầu thị. Tất cả các ý kiến Phụ huynh đưa ra, Nhà trường sẽ có phản hồi và xử lý kịp thời,” bà Thủy nhấn mạnh khi trả lời báo chí.
Phụ huynh nói gì?
Hôm 24/9, Bạch Hoàn, một cây bút được nhiều người biết đến trên Facebook, chia sẻ cô là một phụ huynh có con học tại trường Vinschool.
Tỏ ra ủng hộ Vinschool, cô cho rằng việc thông báo tăng học phí trước một năm là “khá xa”.
“Cuối cùng thì, điều mà một phụ huynh như tôi sợ nhất là nhà trường bằng lòng với chất lượng hiện tại. Khi họ còn nỗ lực nâng cao chất lượng, còn khao khát vươn đến đẳng cấp cao hơn trong giáo dục, thì đứng trên góc độ của ngành giáo dục, điều này lại là một tín hiệu tốt.”
Tuy nhiên một số phụ huynh khác, trong đó có ông Trần Ngọc Thăng thì than phiền trên Facebook rằng trước khi tuyển sinh học nhà trường đã cam kết là “học phí sẽ không điều chỉnh hoặc nếu có thì chỉ điều chỉnh rất ít.”
Ông Thăng cho rằng lý do nhiều người mua nhà ở Times City, khu căn hộ của Vingroup là vì có trường học. Việc tăng học phí và giãn học sinh làm xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình.
Ông Thăng đặt câu hỏi tại sao trường không công bố thông tin tăng học phí và giãn học sinh trước thời điểm tuyển sinh mà lại công bố một tháng sau khi nhập học.
Về việc giãn học sinh, Vinschool nói là do tình trạng quá tải học sinh tại trụ sở chính, nhưng trường vẫn nhận thêm học sinh.
“Lý do giãn bớt học sinh sang địa điểm mới để giảm tải cho hạ tầng Times City. Lý do nghe chừng khá là có lý. Nhưng quá tải là do công tác tuyển sinh nhiều từ bên ngoài trong khi hạ tầng xây dựng mới không kịp đáp ứng chứ đâu phải do phụ huynh?” ông Thăng trả lời phỏng vấn với báo Phụ nữ Việt Nam.
Trường tư có quyền tự quyết giá?
Tranh cãi quanh việc tăng học phí của Vinschool thực tế chỉ ảnh hưởng đến một số lượng nhỏ dân số tại Hà Nội.
Tuy vậy, câu chuyện cũng gợi nên câu hỏi có khoảng cách hay không giữa mong muốn của phụ huynh và thực tiễn các trường tư.
Theo báo Người Đô Thị hôm 27/9, bà Phạm Thị Ly, người nghiên cứu lĩnh vực giáo dục lâu năm, nói: “Trường tư đang vận hành như một doanh nghiệp, vì thế mức học phí do họ quyết định, cũng giống như các doanh nghiệp tự định giá sản phẩm trên cơ sở giá thành và tương quan thị trường.
“Luật Giáo dục hiện nay đang cho phép các trường tư được tự quyết định mức thu học phí ‘theo quy định của pháp luật’ nhưng cho đến nay không có quy định nào dưới luật điều chỉnh quyền này của các trường.”
PGS. Nguyễn Thiện Tống, thạc sĩ quản trị hành chánh công đại học Harvard, nói với báo này rằng, do trường hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vì vậy các con số thu – chi, lỗ – lãi thường chỉ các cổ đông mới biết. Vì vậy, nếu gặp những nhà đầu tư chỉ vì lợi nhuận, phần thiệt sẽ thuộc về người học. Khi thu chi không minh bạch, các trường dễ lợi dụng tự chủ tài chính để lạm thu”.
Ông Tống cho rằng:
“Một quán ăn giá cao người ta lỡ vào ăn một lần, bị chặt chém, lần khác họ sẽ không thèm vào ăn. Giao dịch đó ngắn hạn nhưng học là dài hạn.
“Nếu đẩy người học vào thế phải nghỉ, với hệ thống trường quốc tế với nhau thì xáo trộn có thể ít hơn, tuy nhiên đang học trường quốc tế mà xin vào trường công, xáo trộn sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy nhà nước không thể để cho nhà trường tuỳ tiện tăng học phí”.
Tập đoàn Vingroup nói gì về thông tin “trình báo công an”? Mời quý vị đón xem bài trên BBC Tiếng Việt sáng ngày 4/10.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41480432
Tướng Ấn Độ thăm và ‘củng cố quan hệ’ với VN
Đô đốc Sunil Lanba, người đứng đầu lực lượng hải quân Ấn Độ, chính thức bắt đầu chuyến thăm năm ngày tới Việt Nam, 3-7/10/2017.
Chuyến đi có mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự song phương, truyền thông hai nước nói.
Ông Lanba, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng của Ấn Độ, sẽ gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, và Tổng tham mưu trưởng Quân đội đồng thời là Thứ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Quan hệ Việt-Ấn là bước đi đối trọng với TQ?
Việt-Ấn tăng cường quan hệ để đối phó TQ?
Theo lịch trình, ông cũng sẽ có các cuộc thảo luận với Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, trang tin chính thức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói.
Chủ đề Biển Đông
Chuyến đi của ông Lanba diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ xác quyết chủ quyền ở vùng Biển Đông giàu trữ lượng tài nguyên.
Đây nhiều khả năng cũng là chủ đề chính được bàn thảo trong các cuộc gặp của Đô đốc Lanba với các lãnh đạo Việt Nam, Press Trust of India (PTI) tường thuật.
Đáng chú ý là quan chức quân sự thuộc hàng cao cấp nhất của Ấn Độ cũng sẽ có bài phát biểu về “Tầm quan trọng của Sức mạnh Hàng hải” tại Học viện Quốc phòng Việt Nam, bên cạnh việc tới thăm một số địa điểm quân sự.
“Chuyến đi nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa các lực lượng có vũ trang của Ấn Độ và Việt Nam, và cũng để tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác quốc phòng mới,” thông cáo của Hải quân Ấn Độ viết.
Từng có các tường thuật nói Ấn Độ chào bán tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam, tuy Bộ Ngoại giao Ấn không xác nhận tin này.
Hệ thống phòng thủ đất đối không Akash cũng là vũ khí từng nằm trong nội dung thương thảo giữa hai bên.
VN cân nhắc mua tên lửa Ấn Độ?
Ấn Độ bán hỏa tiễn BrahMos cho VN?
Ấn Độ cũng bắt đầu giúp đào tạo phi công điều khiển chiến đấu cơ Sukhoi-30, Times of India tường thuật, bên cạnh việc đào tạo lính hải quân Việt Nam vận hành các tàu ngầm lớp Kilo trong thời gian ba năm qua.
Hai nước hồi 1994 đã kí nghị định thư về hợp tác quốc phòng, và mối quan hệ này đã được nâng lên mức hợp tác chiến lược vào năm 2007.
Tới 2009, hai bên kí bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương. Vào 9/2016, Việt Nam và Ấn Độ nâng mối quan hệ lên mức hợp tác chiến lược toàn diện.
Các tàu chiến của Ấn thường xuyên ra vào các cảng biển của Việt Nam.
Mới đây, chiến thuyền Satpura và Kadmat đã ghé cảng Hải Phòng từ 23 đến 27/9.
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam cũng đã tới cảng Visakhapatnam hồi 2/2016.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất mà Ấn Độ muốn hướng vào việc hợp tác quốc phòng.
Delhi gần đây trước thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã đẩy mạnh việc hợp tác quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Myanmar, Malaysia và Indonesia.
Ấn Độ liên tục có các chuyến thăm quân sự cho tới tập trận, đào tạo và chia sẻ thông tin với các nước.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41484769
VN và Nhật Bản ‘ảnh hưởng nặng’
nếu có chiến tranh Triều Tiên
Xung đột quân sự nổ ra tại bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lớn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, theo đánh giá của Công ty Dịch vụ Đầu tư Moody’s (Singapore), thuộc tập đoàn Moody’s.
Trong một báo cáo mới nhất về tình hình đầu tư quốc tế xuất bản hôm thứ Ba, Moody’s cho biết Việt Nam và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất về tín dụng nếu có xung đột tại bán đảo Triều Tiên, và nguy cơ này đang tăng cao cùng những tuyên bố của các bên liên quan.
“Một cuộc xung đột xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tín dụng lớn nhất tới Hàn Quốc. Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là những quốc gia có nguy cơ cao nhất,” báo cáo cho biết.
Moody’s nói rằng đối với những quốc gia có khả năng sẽ đóng vai trò chủ đạo nếu có xung đột xảy ra, Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Bắc Hàn và Mỹ có ‘tiếp xúc trực tiếp’
Mỹ ‘đã hết kiên nhẫn với Bắc Hàn’
Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’
Đối với Mỹ, việc tăng mạnh ngân sách cho quân sự gây áp lực lên tình hình tài khóa. Ngược lại, tăng trưởng của Nhật Bản có khả năng chậm lại một cách đáng kể, ảnh hưởng xấu tới kế hoạch bình ổn dài hạn các khoản nợ công.
Với Việt Nam, việc giảm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu hồ sơ tín dụng của quốc gia này.
“Với tình trạng nợ công sẵn có (chiếm 52,6% GDP năm 2016), chính phủ Việt Nam có thể khó đối phó cú sốc kinh tế mà không làm suy yếu tình hình tài khóa hiện tại,” báo cáo cho biết.
Báo Việt Nam (VnExpress 07/2016) cho hay từ 2004 đến 2016 có 75 nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và con số này tiếp tục tăng.
Kinh tế VN: ADB cảnh báo nợ xấu ngân hàng
‘5 lý do kinh tế VN phát triển tốt’ năm 2017
Kinh tế VN tăng trưởng chậm lại trong quý I/2017
Báo cáo này của Moody’s tập trung vào các ảnh hưởng tín dụng từ xung đột, căng thẳng kéo dài. Đối với trường hợp căng thẳng chỉ diễn ra ngắn hạn, mức độ ảnh hưởng tới các quốc gia trên thế giới sẽ không đáng kể.
Bên cạnh đó, nếu xung đột tại bán đảo Triều Tiên dẫn đến việc chuyển dần vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi với rủi ro cao, các nguy cơ và rủi ro thanh khoản cũng sẽ tăng. Việc các quốc gia chịu ảnh hưởng ở mức nào theo đó sẽ phụ thuộc vào thời gian diễn ra xung đột và thời điểm các khoản nợ đến kì hạn.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41484935
Cục phó mất trộm: ‘Không có phong bì trong phòng’
Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam nói dẫn lời công an nói “không có phong bì” trong phòng khách sạn của một quan chức mất trộm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài hôm 3/10 đã chủ trì họp báo về vụ việc mất gần 400 triệu đồng của ông Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, trong chuyến thanh tra ở Long An cuối tháng 9.
Ông Xuân Quang khẳng định số tiền 385 triệu là tiền cá nhân, mang theo đi công tác để giải quyết việc gia đình.
Tại buổi họp báo, đại diện của Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam cũng dẫn lời công an điều tra nói không có phong bì trong phòng (chưa bóc và đã bóc) như thông tin báo chí nêu.
Quan chức VN đi thanh tra ‘mất gần 400 triệu đồng’
Theo Tổng cục Môi trường, công an chỉ ghi nhận tại phòng nghỉ của ông Quang có một số tài sản cá nhân gồm: ví (trong đó có 13 triệu tiền VNĐ và 2.300 USD), 02 điện thoại di động và 01 đồng hồ đeo tay.
Đại diện Tổng cục Môi trường cũng tuyên bố đã làm việc với các đơn vị vừa được thanh tra trên địa bàn tỉnh Long An, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, các thành viên Đoàn thanh tra.
Những cá nhân, đơn vị này cho biết trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Xuân Quang thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; có thái độ đúng mực trong quá trình thanh tra, theo thông tin từ cuộc họp báo.
Tại đây, Tổng cục Môi trường cũng khẳng định “về cơ bản,” ông Xuân Quang đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Cục phó.
‘Chúng ta không thể ứng xử như vô can’
Công an VN bắt thêm lãnh đạo PetroVietnam
Trong báo cáo với Tổng cục Môi trường, ông Nguyễn Xuân Quang giải thích số tiền 400 triệu mang từ Hà Nội vào để đầu tư đất với em gái bên vợ tại TP.HCM.
Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nói: “Trong giải trình ông Quang có báo cáo là mang tiền vào mua đất.”
Trong giải trình ông Quang có báo cáo là mang tiền vào mua đất.Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
“Việc có thẩm định được biên bản giải trình hay không thì chúng tôi chưa có kênh nào thẩm định. Chúng tôi mới căn cứ vào bản giải trình của ông Quang.”
Bản thân ông Nguyễn Xuân Quang nói tại họp báo: “Tôi có suy nghĩ buồn phiền, việc cá nhân từ tai nạn của mình mà gây ra những thông tin chưa chính xác ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, của cơ quan tổ chức làm tôi rất buồn.”
Như vậy, dựa theo thông tin từ cuộc họp báo, dường như Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam nhận định chưa tìm thấy bằng chứng tiêu cực trong vụ mất tiền và việc thanh tra tại tỉnh Long An.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nói tại họp báo: “Thông tin đến thời điểm này chưa làm thoả mãn được dư luận nhưng đến nay chúng tôi cũng mới có được sơ bộ như thế. Chúng tôi mong báo chí chuyển tải đến người dân để có những đánh giá khách quan.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 3/10:
“Anh Quang tôi chưa đánh giá, nhưng kết quả điều tra nếu có bằng chứng vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cho đến bây giờ có một số phản ánh là anh Quang nhũng nhiễu, gây ra điều này điều khác nhưng về góc độ Nhà nước tôi chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào mà anh Quang thanh tra, kiểm tra, kết luận có phản ánh với tôi như vậy.
Nếu có bằng chứng, hãy đưa đến cho tôi, tôi sẽ xem xét và theo quy định, cử người đến kiểm tra lại, rồi trên cơ sở đó đánh giá.
Chúng tôi sẽ làm đến cùng, một là xác minh xem có phải tình ngay lý gian không, anh Quang có vi phạm gì không; hai là xem bên cạnh đó có gì nữa. Sẽ không trừ một ai, nếu vi phạm pháp luật, đều phải xử lý.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41468918
VN tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng nhận định các cuộc hội đàm Việt-Trung gần đây mang dấu hiệu hòa giải hơn, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có bức tường lớn ngăn cách giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Việt Nam đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.
“Vì địa thế chiến lược của mình ở Châu Á, Việt Nam luôn có một lợi thế trong vai trò cân bằng quyền lực giữa các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô cũ,” chuyên gia về Đông Nam Á tại trường đại học Jinan, ông Trương Minh Lượng nói.
Tờ báo này nhận định chiến thuật của Hà Nội là gần gũi với Bắc Kinh để đạt lợi thế về kinh tế, nhưng mật thiết Washington về an ninh. Và điều này sẽ thể hiện rõ tại hội nghị APEC vào tháng 11 năm nay, với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dự kiến sẽ tham dự.
Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng
Ông Phạm Trường Long ‘tái ngộ’ tướng lĩnh VN
Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác an ninh đường biển và đang tiến hành tổ chức chuyến thăm của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Việt Nam.
“Một mối quan hệ tăng cường với Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, vì Hoa kỳ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng quân sự và mục tiêu chính trị để thách thức những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm Biển Đông,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Trương Minh Lượng nói để ổn định thể chế thì Việt Nam vẫn lựa chọn Trung Quốc làm đồng minh chính.
Hàng chục năm qua, mối quan hệ Việt-Trung vẫn luôn là một mối quan hệ nhạy cảm và phức tạp.
Cuối tuần trước, tại buổi Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng tại hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam, Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Ngô Xuân Lịch.
“Quân đội Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với quân đội Việt Nam để kiểm soát đúng đắn những bất đồng giữa hai bên và truyền năng lượng tích cực vào việc phát triển mối quan hệ song phương,” Tướng Phạm được Tân Hoa Xã trích lời nói.
Hôm Thứ Năm rồi, quan chức hai nước cũng thống nhất gia tăng thông thương hàng hóa và xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới.
TQ ‘bực bội vì hành động của VN ở Asean’
Trong khi hồi tháng Tám, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vì đã vận động đưa ngôn ngữ mạnh mẽ vào bản tuyên bố chung của các nước ASEAN.
Trước đó nữa có tin cho hay Việt Nam đã phải ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Tuy nhiên, Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi Sáng nhận định hai người láng giềng Cộng Sản vẫn cần sự hỗ trợ của nhau để củng cố thể chế trong khu vực.
Tuy cả hai đều không muốn có bất cứ cuộc đối đấu quân sự nào trước thềm hội nghị APEC tuy nhiên căng thẳng ở Biển Đông vẫn là có thể là một ngòi nổ.
Hôm 1/10, theo Đài tiếng nói Việt Nam, các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã gửi điện mừng chúc mừng Ngày Quốc Khánh Trung Quốc. Nội dung điện mừng ghi rõ: “Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong 68 năm qua;
“chúc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp và bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công Nhà nước hiện đại, xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa.
“Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, đi sâu hợp tác thực chất, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41480430
Hoa Kỳ hứa giúp Việt Nam cải cách tư pháp
Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ tối đa cho Việt Nam trong việc thực hiện cải cách hệ thống tư pháp.
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw phát biểu như vừa nêu tại Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam-Hoa Kỳ, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 10, ở Hà Nội.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương của Việt Nam, ông Trịnh Xuân Toản cho biết Hội thảo này thuộc chương trình triển khai thực hiện thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa hai Chính phủ Việt-Mỹ. Thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam hồi hạ tuần tháng 5 năm 2016.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Xuân Toản nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam để xây dựng một nhà nước pháp quyền và Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp từ năm 2005 với mục tiêu nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh.
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw, tại Hội thảo ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho người dân theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Vừa qua, sau một số phiên xử những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi phải trả tự do cho họ như trường hợp blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lý do được nêu ra những về bản án về tuyên truyền chống nhà nước là mơ hồ.
Nga đe dọa quan hệ với Mỹ sau vụ đột nhập vào lãnh sự quán
Bộ Ngoại giao Nga ngày 3 tháng 10 cho biết việc các viên chức Mỹ đột nhập vào khu vực sinh hoạt trong Lãnh sự quán Nga tại thành phố San Francisco đe dọa đến mối quan hệ giữa hai nước, cho rằng đây là hành động thù địch và bất hợp pháp.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nói rõ kể từ khi các nhân viên Nga rời lãnh sự quán vào tháng trước, các quan chức Mỹ đã đột nhập vào khu vực hành chính của tòa nhà. Đặc biệt là vào ngày 2/10, Washington đã cho người đột nhập vào khu sinh hoạt của nhân viên mặc dù trước đó đã được khóa chặt.
Thông cáo nói rằng bất chấp những cảnh báo từ phía Moscow, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục tỏ ra không lắng nghe và không dừng những ý định bất hợp pháp lại. Qua đây Nga nhắc lại chính sách của mình rằng nguyên tắc tương hỗ luôn là nền tảng ngoại giao. Đồng thời cảnh báo những kẻ đột nhập sẽ bị Nga xử lý xứng đáng với những gì họ đã làm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đã cáo buộc Washington hành xử thô lỗ tại trụ sở ngoại giao của Nga trên đất Mỹ, và yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải có hành động pháp lý đối với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu tài sản của Nga.
Ngân hàng thế giới cảnh báo về nợ công của Việt Nam
Tốc độ tăng của nợ công ở Việt Nam vào loại hàng đầu thế giới. Đây là đánh giá do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 3/10.
Theo đánh giá này, nợ công của Việt Nam vào năm 2015 chiếm 61% tổng sản lượng quốc dân, tăng lên từ 51,7% vào năm 2010, tức là tăng đến 10% trong năm năm qua. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng nếu tốc độ tăng nợ cứ như thế thì Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về bền vững tài khóa trong tương lai.
Ngân hàng Thế giới nói rằng tuy Việt Nam có sự cải thiện trong cơ cấu của số nợ, nợ nước ngoài giảm đi, thay vào bằng việc vay trong nước, nhưng có đến 50% số nợ sẽ đáo hạn trong ba năm tới, điều đó sẽ tạo nên áp lực vay nợ mới để trả nợ cũ.
Theo Ngân hàng Thế giới thì với mức độ bội chi ngân sách như hiện nay là 5,6% tổng sản lượng quốc dân, mà số dư do thu ngân sách ngày càng ít, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết việc này, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam phải giảm bội chi ngân sách, tạo được một thị trường nợ trong nước, và tăng cường năng lực quản lý nợ công.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-public-debt-10032017084951.html
Hàng ngàn công nhân tại Thanh Hóa tiếp tục đình công
Cuộc đình công ở nhà máy sản xuất giày Venus, tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục sang đến ngày thứ hai.
Truyền thông trong nước loan tin có đến 8000 công nhân đưa ra một bản kiến nghị gồm 14 điểm cho ban giám đốc nhà máy, trong đó đòi hỏi tăng trợ cấp trong những giờ làm việc tăng ca, cho công nhân nghỉ phép đúng luật, sa thải những cán bộ xúc phạm công nhân, tăng thêm chổ cho bãi giữ xe …
Vụ đình công đã bùng nổ vào ngày 2 tháng 10, với lý do ban đầu là nhà giữ xe không đủ chổ, khiến công nhân phải gửi bên ngoài tốn thêm từ 100 đến 150 ngàn đồng mỗi tháng. Một lý do khác nữa được công nhân phản ánh là chỉ có 10 phút để ăn uống giữa ca làm việc.
Tin cho biết hiện Liên đoàn lao động của nhà nước ở tỉnh Thanh Hóa, và Huyện Hà Trung nơi nhà máy Venus tọa lạc đang gặp gỡ công nhân và ban giám đốc của công ty.
Được biết là chủ đầu tư của nhà máy Venus là người Trung Quốc, và hiện nay công nhân đình công đang đòi đối thoại trực tiếp với những người chủ Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/8000-workers-strike-10032017083706.html
Kinh tế VN sẽ bị tác động mạnh bởi xung đột Bắc Hàn
Việt Nam nằm trong số những nước ở Châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu có một xung đột về quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Đó là kết luận được công ty chuyên đánh giá về tính dụng quốc tế Moody’s Investor Service đưa ra trong báo cáo mới được công bố hôm 3/10.
Trong báo cáo có tựa tạm dịch là ‘Chủ quyền – Toàn cầu, Việt Nam và Nhật Bản là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về tín dụng khi có một xung đột tiềm tàng ở bán đảo Triều Tiên’, Moody’s cho rằng những sự không chắc chắn về khả năng một cuộc xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên đang lên cao cùng với những lời nói đao to búa lớn.
Báo cáo nhận định một xung đột sẽ có ảnh hưởng mạnh lên Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc bị ảnh hưởng hạn chế hơn.
Xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mất xuất khẩu vào Nam Hàn và gián đoạn về đường dây cung cấp sẽ làm yếu đi hồ sơ tín dụng của Việt nam.
Theo đánh giá của Moody’s, với gánh nặng nợ hiện nay, chính phủ Việt Nam sẽ không có đủ vùng đệm để tránh sốc cho nền kinh tế khi sức mạnh tài chính suy yếu.
Quan hệ Việt – Trung nổi lên tại Quốc hội Mỹ
Đề cử đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng Hà Nội “duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc”, và đã phát “tín hiệu mạnh” tới Mỹ về vai trò của Washington trong vấn đề lãnh hải và Biển Đông.
Ông Kritenbrink đã ra điều trần để được chuẩn thuận trở thành đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở Hà Nội trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 27/9, trong đó ông vạch ra những ưu tiên hàng đầu trong mối bang giao Việt – Mỹ.
Có rất ít quốc gia châu Á mà ở đó chúng ta thấy rõ tác động của mối liên hệ lâu dài và sáng tạo của Hoa Kỳ như tại Việt Nam.
Ông Daniel Kritenbrink nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu, từng làm Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Barack Obama, nói rằng “có rất ít quốc gia châu Á mà ở đó chúng ta thấy rõ tác động của mối liên hệ lâu dài và sáng tạo của Hoa Kỳ như tại Việt Nam”.
“Đó là điều tôi đã chứng kiến trực tiếp trong quá trình làm việc trước đây của tôi với người Việt Nam, bao gồm ba chuyến công tác chính thức tới Việt Nam, và khi tôi giám sát hoạt động đàm phán hai Bản tuyên bố chung với Việt Nam vào năm 2015 và 2016”, ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Edward J. Markey, một trong những người đặt câu hỏi tại buổi điều trần, nói rằng Việt Nam đã nhiều lần thách thức Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), đồng thời đề cập tới chuyện công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp sau khi vấp phải phản đối của Bắc Kinh.
Ông Markey cho rằng việc Mỹ vẫn “còn do dự trong chính sách liên quan tới Biển Đông đã khiến Việt Nam cảm thấy đơn độc”, và đặt câu hỏi cho ông Kritenbrink rằng “dù Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là đồng minh ràng buộc bởi hiệp ước, chúng ta có thể làm gì hơn nữa để trấn an Việt Nam rằng chúng ta sẽ hậu thuẫn về mặt ngoại giao trong khi Việt Nam dùng luật pháp để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cũng như hành vi của nhiều nước liên quan là quyền lợi quốc gia mang tính sống còn của Hoa Kỳ, bao gồm duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua [Biển Đông]; giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế; dòng chảy thương mại không bị cản trở.
Ông Daniel Kritenbrink nói.
Đề cử đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cũng như hành vi của nhiều nước liên quan là quyền lợi quốc gia mang tính sống còn của Hoa Kỳ, bao gồm duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua [Biển Đông]; giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế; dòng chảy thương mại không bị cản trở”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng một cách tiếp cận hiệu quả nhất của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, đó là tiếp tục giao tiếp ngoại giao với Việt Nam nhằm thúc đẩy các quyền lợi chung. Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm của chúng ta để bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì các nguyên tắc mà tôi mới đề cập. Phía Việt Nam đã nhiều lặp lại các tuyên bố công khai cũng như một cách riêng tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiếp tục củng cố khả năng của lực lượng tuần duyên của Việt Nam cũng như các lực lượng khác để Việt Nam có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình. Chúng ta cũng cần phải duy trì sự hiện diện và thực hiện quyền tự do hàng hải liên thường xuyên [ở Biển Đông] chúng ta có thể hậu thuẫn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ”.
Thượng nghị sĩ Markey hỏi ông Kritenbrink thêm về mức độ Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác có thể đối trọng với Trung Quốc, và nhà ngoại giao kỳ cựu này trả lời: “Việt Nam duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc. Cũng giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, Việt Nam muốn đa dạng hóa và cân bằng quan hệ trong chính sách ngoại giao. Tôi nghĩ Việt Nam cùng các nước khác hướng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề lãnh hải mang tính sống còn và về đóng góp vào hòa bình và ổn định hay thúc đẩy thịnh vượng của khu vực. Tín hiệu từ những người bạn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ rất mạnh”.
Biển Đông từng trở thành chủ đề thảo luận trong cuộc điều trần chuẩn thuận đại sứ Mỹ ở Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Đây không phải là lần đầu tiên Biển Đông được nêu lên trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, cũng nhắc tới tranh chấp lãnh hải này.
“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuối các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước. Nhưng năm nay, vấn đề Biển Đông dường như đã được mang ra thảo luận nhiều hơn trước.
Ngoài Biển Đông, các vấn đề khác liên quan tới Việt Nam cũng đã được đề cập như nhân quyền, thương mại, đầu tư, hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước và cả đe dọa từ Bắc Hàn trong tương quan bang giao với Việt Nam.
Đặc biệt liên quan tới Việt Nam, nước này là một phần của chiến dịch gây áp lực toàn cầu của chúng ta nhằm cô lập và chặn các nguồn ngân quỹ của Bắc Hàn.
Ông Daniel Kritenbrink nói.
Ông Kritenbrink nói rằng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Trump, phía Mỹ đã nhấn mạnh rõ ràng rằng chúng ta sẽ không đứng yên trước mối đe dọa từ Bắc Hàn, và sẽ phối hợp với các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực để ngăn chặn.
Nhà ngoại giao này nói tiếp: “Đặc biệt liên quan tới Việt Nam, nước này là một phần của chiến dịch gây áp lực toàn cầu của chúng ta nhằm cô lập và chặn các nguồn ngân quỹ của Bắc Hàn. Chúng ta đã có các cuộc đối thoại hết sức hiệu quả và mang tính xây dựng. Đôi bên cùng quan tâm ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Hàn. Và nếu được chuẩn thuận, tôi sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại đó và biến nó là một trong các ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nhấn mạnh: “Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và dân số trẻ và năng động có quan điểm rất tích cực về Hoa Kỳ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác mạnh nhất của chúng ta ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-viet-nam-trung-quoc-noi-len-tai-quoc-hoi-my/4054541.html
Phụ nữ gốc Việt trong số 59 nạn nhân vụ xả súng Las Vegas
Bà Michelle Võ, 32 tuổi, một cư dân thành phố Los Angeles là một trong 59 nạn nhân vụ xả súng tại Las Vegas vào tối ngày 1/10, theo đài truyền hình Fox và NBC.
Theo trang Columbus Dispatch, ông Kody Robertson có quen với Michelle và đã cùng bà dự buổi ca nhạc vào đêm Chủ Nhật định mệnh.
Ông nói khi tiếng súng nổ ông ngã lên người Michelle, trong khi bà quỵ xuống vì đã trúng thương.
Ông Kody và nhiều người khác đưa Michelle ra khỏi địa điểm hỗn loạn và thực hiện hô hấp nhân tạo CPR. Sau đó đưa bà lên xe chở đến bệnh viện.
Kody Robertson nói ông chỉ mới quen với Michelle. Họ đã cùng nhau đi dạo, nhảy múa, và vui cười.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Columbus khi còn ở Bệnh viện Sunrise ở Vegas sáng thứ Hai 2/10, Kody cho biết ông đang chờ tin tức về tình trạng của Michelle.
Vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, Kody nhận được tin rằng Michelle không qua khỏi. Bà là một trong số ít nhất 59 người chết trong vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.
Nhà chức trách cho biết có ít nhất 527 người khác bị thương trong vụ xả súng.
Ông Rody nán lại bệnh viện thêm một đêm để chờ gia đình Michelle Võ.
Theo trang Linkedin, Michelle là người Mỹ gốc Việt, nói tiếng Việt thông thạo. Bà là nhân viên của công ty bảo hiểm NYLife Securities.
Trước đó bà học trung học ở trường Indepence, thành phố San Jose, California, và trường đại học California Davis.
Hôm 3/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ra thông cáo cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi biết tin về vụ xả súng tối 1/10.
Đại sứ VN ủng hộ cấu trúc khu vực vì hòa bình lâu dài
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, bày tỏ ủng hộ việc cần có một cấu trúc ở châu Á-Thái Bình Dương để duy trì hòa bình lâu dài ở khu vực.
Quan điểm của Đại sứ Vinh được đưa ra tại buổi công bố báo cáo mang tên “Bảo tồn hòa bình lâu dài ở châu Á”, diễn ra hôm 2/10 ở Washington.
Bản báo cáo, do một ủy ban độc lập thuộc Viện Chính sách Hội châu Á đặt ở Mỹ viết, nêu lên nhận định “không thể mặc nhiên cho rằng nền hòa bình ‘lâu dài’ của châu Á sẽ kéo dài vô hạn”.
Báo cáo này được đưa ra rất đúng thời điểm, nhất là xét đến việc các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới … Tôi nghĩ các nước khu vực cần xem kỹ báo cáo này và cùng suy nghĩ để tìm ra cách thức tốt hơn
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Sau 1 năm rưỡi nghiên cứu, thảo luận, ủy ban do cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đứng đầu, nói hiện nay hơn bao giờ hết là lúc các nước “phải phân tích các cơ chế có thể giúp ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương lai xuất hiện và chuẩn bị để đương đầu với các mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược”.
Báo cáo của ủy ban chỉ ra rằng môi trường an ninh của châu Á-Thái Bình Dương đang vật lộn với 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, những biến đổi chính trị và kinh tế nhanh chóng làm thay đổi bức tranh chiến lược trong khu vực. Các yếu tố gây ra các biển đổi này là tiến bộ về công nghệ, sự dịch chuyển nhân khẩu học ở nhiều nước, các vấn đề khủng bố trên mạng, tư tưởng cực đoan, thiên tai và di cư quốc tế.
Thách thức lớn thứ hai là sự cạnh tranh chiến lược, nhất là hệ quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động sâu xa đến cấu trúc an ninh trên bình diện rộng. Những khác biệt địa chính trị giữa hai nước gây ra những chia rẽ, rạn nứt trong khu vực.
“Thâm hụt lòng tin” giữa các nước trong khu vực dẫn đến tình trạng mong manh, đó là thách thức đáng kể thứ ba, theo bản báo cáo. Nguyên nhân của điều này là sự thù ghét do lịch sử để lại và những tranh chấp lãnh thổ. Tình trạng thâm hụt lòng tin làm tăng nguy cơ bất ổn hoặc xung đột ở châu Á.
Không kém phần quan trọng, thách thức thứ tư là quản lý tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng và những tác động sâu xa của việc phổ biến các công nghệ quân sự tiến tiến hoặc các công nghệ lưỡng dụng.
Trong một số năm qua, tốc độ hiện đại hóa quân sự ở châu Á đã diễn ra chóng mặt. Tính toán của Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy từ 2004 đến 2013, nhập khẩu vũ khí ở châu Á đã tăng 34%.
Riêng Việt Nam, chi tiêu quân sự năm 2016 là xấp xỉ 5 tỉ đôla, cao hơn gấp đôi so với mức trên 2 tỉ đôla ở thời điểm 10 năm trước. Tuy nhiên, con số của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Việc quân sự hóa ngày càng tăng trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như ở Bán đảo Triều Tiên càng làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra khủng hoảng khu vực.
Các thách thức này đòi hỏi phải có cải cách để có một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả hơn, theo báo cáo.
Trong phần thảo luận ngay sau khi báo cáo được công bố, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, nói ông đồng ý rằng “chúng ta cần một cấu trúc khu vực”:
“Báo cáo này được đưa ra rất đúng thời điểm, nhất là xét đến việc các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dự các hội nghị này. Tôi cho rằng chúng ta cần phát huy những kết quả mà ASEAN đã đạt được, kể cả việc xây dựng cấu trúc khu vực, các chuẩn mực khu vực, các cơ chế để có sự tham gia của tất cả các cường quốc. Tôi nghĩ các nước khu vực cần xem kỹ báo cáo này và cùng suy nghĩ để tìm ra cách thức tốt hơn”.
Tại buổi công bố và thảo luận về bản báo cáo, trong số khoảng 40 khách mời bao gồm các nhà ngoại giao của hơn 15 nước, có tới 6 nhà ngoại giao Việt Nam.
Ông Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Hội châu Á, cho biết Đại sứ Vinh được mời làm một trong ba diễn giả chính tham gia thảo luận vì Việt Nam có vai trò trung tâm cả trong quá khứ lẫn tương lai của khu vực.
Nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu John Negroponte, từng là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nói với VOA ông không nghĩ rằng đại sứ Việt Nam được mời làm diễn giả vì Việt Nam dễ bị tổn thương hay gặp nhiều nguy cơ an ninh ở khu vực:
“Đại diện của Việt Nam được mời vì ông ấy tham gia vào việc soạn bản báo cáo. Tôi nghĩ các yếu tố, trong đó có quan hệ ngày càng tăng giữa Việt Nam với Mỹ và việc Việt Nam là thành viên ASEAN, một điều tích cực, đều cho thấy có sự ổn định nhiều hơn và một tương lai sáng lạn hơn cho người dân Việt Nam”.
Nêu ra tầm nhìn về cách tốt nhất để các nước châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một cấu trúc an ninh vững mạnh hơn, báo cáo do ông Rudd đứng đầu lập luận rằng tăng cường diễn đàn EAS có thể là một trong những bước đi quan trọng và thực tế nhất mà các nước có thể thực hiện.
EAS – Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – gồm ASEAN, trong đó có Việt Nam, cùng với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Để có hoặc để xây dựng một cấu trúc khu vực, chúng ta cần can dự với không chỉ các nước ASEAN mà còn với tất cả các đối tác chủ chốt. Ban Thư ký ASEAN cần được tăng cường. Bộ phận của Ban Thư ký phục vụ cho EAS [Thượng đỉnh Đông Á] cũng cần được tăng cường. Tôi nghĩ điều đó trong những năm tới có thể là cách khả thi nhất.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Báo cáo cho rằng các thành viên EAS cũng có thể tiến hành các bước ban đầu để EAS có vai trò thiết thực hơn, làm cho diễn đàn này có thể tham gia một cách có ý nghĩa hơn vào hoạt động ngoại giao phòng ngừa, thiết lập các thủ tục quản lý khủng hoảng và xác định các cơ chế xây dựng lòng tin.
Đại sứ Việt Nam nói việc xây dựng một định chế mới ở châu Á là một “tiến trình phát triển dần”. Ông khẳng định hiện nay là lúc các nước, đặc biệt là ASEAN, phải chủ động can dự với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Mỹ:
“Để có hoặc để xây dựng một cấu trúc khu vực, chúng ta cần can dự với không chỉ các nước ASEAN mà còn với tất cả các đối tác chủ chốt. Ban Thư ký ASEAN cần được tăng cường. Bộ phận của Ban Thư ký phục vụ cho EAS [Thượng đỉnh Đông Á] cũng cần được tăng cường. Tôi nghĩ điều đó trong những năm tới có thể là cách khả thi nhất mà chúng tôi nghĩ sẽ tăng cường cho cấu trúc khu vực nói chung và EAS nói riêng”.
Về dài hạn, báo cáo của Viện Chính sách Hội châu Á nói các nước có thể thực hiện các nỗ lực để cải cách EAS thành một tổ chức có tính chính thức hơn. Việc này sẽ bao gồm tiến trình soản thảo và thông qua các quy định vận hành của định chế này. Báo cáo đề xuất rằng một trong những việc quan trọng nhất trong cấu trúc EAS chính thức là lập các cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng và giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Báo cáo nhấn mạnh việc tăng cường cấu trúc an ninh khu vực châu Á là cần thiết và cần bắt đầu ngay bây giờ. Báo cáo cũng nhận định rằng các nước có thể cùng nhau bắt đầu phát triển các cơ chế cần thiết mà sẽ ngăn ngừa khủng hoảng và tạo ra một trật tự an ninh vững chắc hơn có thể bảo tồn hòa bình và thịnh vượng của khu vực cho các thế hệ tương lai.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-vn-ung-ho-cau-truc-khu-vuc-vi-hoa-binh-lau-dai/4054250.html