Tin khắp nơi – 03/10/2017
Kẻ xả súng ở Las Vegas là ‘tay cờ bạc’
Kẻ xả súng vào buổi hòa nhạc tại Las Vegas Stephen Paddock là cựu kế toán viên giàu có, nghỉ hưu cùng bạn gái trong vùng sa mạc này.
Kẻ tình nghi 64 tuổi tới từ Mesquite, bang Nevada, có bằng phi công và săn bắn và không có tiền án tiền sự, chính quyền địa phương cho biết. Em trai ông ta cho biết Paddock thích chơi poker điện tử và đi du thuyền.
Một hàng xóm cũ nói rằng Paddock là người “kì quặc”, nhưng những người khác nói rằng ông này không phải một người cực đoan và cũng không có dấu hiệu đang chuẩn bị cho vụ tấn công dạng “sói đơn độc”.
Paddock được cảnh sát xác định là thủ phạm đằng sau vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, vượt qua cả cuộc xả súng đã sát hại 49 người tại một hộp đêm ở Orlando, bang Florida, vào tháng 6/2016.
Hung thủ xả súng từ khách sạn Mandalay Bay đêm Chủ Nhật, khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương, trước khi tự sát vào lúc cảnh sát ập tới, nhà chức trách cho biết.
23 món vũ khí được tìm thấy tại căn phòng Paddock ở từ hôm thứ 5 ở tầng 32 của khách sạn.
Cảnh sát cũng tìm được 19 khẩu súng ngắn và hàng ngàn băng đạn cùng nhiều chất nổ tại trong nhà và xe của ông ta ở Mesquite.
Cảnh sát trưởng Lombardo cũng cho biết họ đã tìm thấy “một số thiết bị điện tử” trong căn nhà trong cộng đồng hưu trí cách Las Vegas 80 dặm (130km) về phía đông bắc.
Nói cách khác, Paddock có vẻ đã lên kế hoạch tấn công từ lâu và có một kho đạn dược để thực hiện kế hoạch này.
Donald Trump đề cử thẩm phán bảo thủ vào Tòa Tối cao
Florida có nổ súng ‘chết một số người’
Vì sao Nhật Bản gần như loại bỏ tội phạm sử dụng súng?
David Famiglietti, chủ cửa hàng súng New Frontier Armony nói rằng Paddock đã mua súng ngắn tại cửa hàng của ông ở phía bắc Las Vegas từ mùa xuân năm trước, sau khi đạt đủ yêu cầu của liên bang, bao gồm cả việc kiểm tra lý lịch của FBI.
Tuy nhiên, những khẩu súng mà Paddock mua không thể “có khả năng như những gì chúng ta nghe và xem được trên video nếu không được cải tiến,” ông Famiglietti nói.
Hai báng súng được tìm thấy trong phòng khách sạn, hãng tin AP cho biết, có khả năng giúp bắn ra hàng trăm phát đạn mỗi phút.
FBI cho biết các điều tra viên chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa Paddock và các tổ chức khủng bố nước ngoài, mặc dù nhà nước hồi giáo tự xưng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này.
“Không tổ chức, không tôn giáo, không chính trị,” em trai của Paddock, ông Eric nói với phóng viên.
Stephen Paddock chưa bao giờ gặp rắc rối với cảnh sát. Điều duy nhất ông ta làm có dính dáng đến pháp luật là vi phạm luật giao thông.
Nhưng cha của ông ta từng là một kẻ cướp nhà băng nằm trong danh sách truy nã của FBI và từng một lần trốn thoát khỏi trại giam. Theo một áp phích truy nã từ năm 1969 của cơ quan hành pháp, Patrick Benjamin Paddock “được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần”.
Theo NBC News, Stephen Paddock gần đây đã đánh bạc với khoản tiền lên tới hàng nghìn đô-la, nhưng vẫn chưa có thông tin chính xác là đã thắng hay thua.
Người em trai khác của hung thủ, Bruce Paddock nói rằng anh trai của ông từng là một triệu phú đầu tư bất động sản.
Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin nói rằng Paddock từng có lúc làm việc cho một trong các công ty con của họ cách đây 30 năm.
Paddock đã chuyển từ Reno, bang Nevada, tới căn nhà hai tầng tại Mesquite vào tháng 6/2016.
Sau hai lần ly hôn, ông ta sống tại căn nhà ở Babbling Brook Court với bạn gái Marilou Danley, 62 tuổi.
Cảnh sát đã nói bà Danley, ở Nhật khi vụ thảm sát xảy ra, không liên quan. Bà là công dân Australia, đã chuyển tới sống tại Nevada 20 năm nay, chính phủ tại Canberra cho biết.
Cơ quan điều tra nói rằng bà đã được thẩm vấn, và “không nằm trong diện tình nghi liên quan”. Bà không ở cùng Paddock khi ông ta tới khách sạn Mandalay Bay, cảnh sát cho biết.
Paddock được cho là đã sử dụng giấy tờ của bà Danley để đặt phòng khách sạn.
Theo truyền thông Mỹ, Paddock được cấp phép bay máy bay nhỏ và sở hữu hai chiếc máy bay.
Một người hàng xóm cũ, Diane McKay, 79 tuổi, nói rằng nghi phạm cùng bạn gái của ông ta luôn luôn đóng kín rèm khi ở nhà.
“Ông ta là người kỳ quặc,” bà nói. “Ông ta sống khép kín. Cảm giác như tôi không ở cạnh ai.
“Ít nhất người ta có thể thỉnh thoảng khó tính. Nhưng ông ấy thì không gì cả, rất im lặng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41487766
Cổ phiếu các hãng súng ở Mỹ lên giá
Sau vụ xả súng ở Las Vegas, cổ phiếu của ba công ty sản xuất súng tại Mỹ lên đều và tiếp tục đứng ở mức khả quan.
Đây là chỉ dấu các nhà đầu tư tin rằng người dân sẽ đổ đi mua súng vì lo ngại luật kiểm soát súng sẽ bị thắt chặt hơn sau vụ Stephen Paddock bắn chết gần 60 người trong buổi hòa nhạc ở Las Vegas.
Công ty ‘American Outdoor Brands Corp’, chủ của nhà sản xuất súng ‘Smith and Wesson’ nói cổ phiếu của họ lên giá 3%.
Florida có nổ súng ‘chết một số người’
Xả súng ở Las Vegas giết chết nhiều người
Quốc hội VN: Súng kíp, đám ma và khỉ
Nhà sản xuất súng khác, Sturm Ruger & Co, cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng khoảng 3% trong khi giá cổ phiếu của nhà sản xuất đạn, Vista Outdoors Inc. tăng hơn 2%.
Hàng trăm triệu súng
Theo trang Telegraph ở Anh, tại Hoa Kỳ, một thống kê cho thấy có 270 triệu khẩu súng trong dân, tính trên toàn bộ dân số 320 triệu.
Số liệu này đặt Mỹ trên cả Yemen, nơi có 55 khẩu súng cho 100 thường dân.
Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng có súng.
Stephen Paddock đã mang vào phòng khách sạn 23 khẩu súngbáo Mỹ
Chỉ chừng 55 triệu dân Mỹ có súng và nhiều người trong số này có nhiều hơn một khẩu súng.
Hung thủ trong vụ bắn chết 59 người ở Las Vegas vừa qua, Stephen Paddock, 64 tuổi, có 42 khẩu súng, nhiều khối thuốc nổ và băng đạn tại nhà riêng của ông ta ở Mesquite, Nevada, và tại phòng khách sạn Mandalay Bay, nơi người này gây án.
Giới truyền thông Mỹ trích nguồn cảnh sát nói Stephen Paddock đã mang vào phòng khách sạn 23 khẩu súng.
Tại Mỹ, cuộc tranh luận kiểm soát súng như thế nào đã diễn ra nhiều thập niên.
Một trong những tranh cãi gây gắt giữa phe bảo vệ quyền mang súng và những người muốn hạn chế súng là có cấm các loại tiểu liên và súng máy bán cho thường dân.
John Kerry tìm về ‘trận phục kích 1969’
Xả súng tại Philippines: ít nhất 36 thi thể
Đấu giá súng nạm vàng của vua Càn Long
Tính từ 2001 đến 2013 có 406 nghìn 496 người thiệt mạng vì bạo lực do súng đạn gây ra tại Mỹ, theo trung tâm Centre for Disease Control and Prevention.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41488150
Hoa hậu Myanmar
bị truất quyền thi sắc đẹp tại Việt Nam
Shwe Eain Si, Hoa hậu Hòa bình Myanmar bị truất quyền tham dự cuộc thi Miss Grand International 2017 tại Việt Nam do có bình luận về vụ khủng hoảng Rakhine.
Shwe Eain Si bị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar yêu cầu trả lại vương miện, quyền trượng và giải thưởng tiền mặt.
Trước đó, cô tung ra một clip nói Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại bang Rakhine.
Hoa hậu mô tả lực lượng này là phong trào Hồi giáo mở rộng có sự hậu thuẫn quốc tế nhắm vào thường dân và dùng mưu mẹo để giành sự cảm thông của truyền thông quốc tế.
Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế
Dân thường Rohingya ‘thương tật vì mìn’
Cô cho biết sẽ trả lại vương miện, quyền trượng và giải thưởng tiền mặt thông qua Bộ Y tế và Thể thao. Cô cũng phản hồi tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar trên trang Facebook của mình.
Thông cáo của Shwe Eain Si nói hồi tháng 10/2016 cô được chọn làm đại diện cho Myanmar tham gia cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) 2017 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 5 – 25/10.
“Thông báo trên fanpage của Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar không đưa ra được bất kỳ lý do nào thỏa đáng để truất quyền dự thi, thu hồi danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Myanma của Shwe Eain Si,” thông cáo viết.
Shwe Eain Si cũng cho biết rằng thông báo của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar nói rằng cô từng bị cảnh báo là “không phù hợp làm thí sinh Miss Grand International” là không đúng sự thật.
Đề cập về việc tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar nói cô không trưng ra được bằng cấp, Shwe Eain Si bảo cáo buộc này thật “trẻ con, nực cười” vì ngay từ đầu, cô đã thông báo cho tổ chức này rằng cô để bằng cấp ở Anh và nếu cần thì sẽ sẵn sàng gửi đến Yangon.
Về cáo buộc không “chuẩn bị chu đáo” cho cuộc thi Miss Grand International”, cô nói rằng mình bối rối vì tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Hoa hậu cũng nói sẽ đòi tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Myanmar bồi thường thiệt hại do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng và “dành số tiền này cho một tổ chức từ thiện”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.
Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41468919
Chờ Nobel Văn học và Hòa bình 2017
Trong tuần này, các giải Nobel Văn học và Hòa bình sẽ được công bố, với con số người và tổ chức được đề cử cho Nobel Hòa bình lên tới 318.
Hồi năm 2016, con số kỷ lục người và tổ chức được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình mà Ủy ban Nobel Na Uy trao, lên tới 376.
Rất nhiều đề cử
Năm nay, trong số các ứng cử viên có 215 cá nhân và 103 tổ chức, đem lại con số đông thứ nhì trong lịch sử giải này.
Bob Dylan ‘vinh dự’ vì giải Nobel
ĐH Oxford gỡ bỏ ảnh bà Suu Kyi
Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời
Theo một số báo quốc tế, vì lo ngại về chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, các nhân vật có công đàm phán cho chương trình nguyên tử dân sự của Iran có nhiều cơ hội được trao Nobel Hòa bình năm nay.
Đó là bà Federica Mogherini, cao ủy đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, và ông Mohammad Javad Zarif, bộ trưởng ngoại giao Iran.
Ý kiến về hai người này được ông Henrik Urdal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo nêu ra gần đây.
Còn về giải Nobel Văn chương, do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng thì con số ứng cử viên năm nay là 195.
Họ đã chọn ra những cá nhân này từ 240 đề cử, theo trang nhà của Giải Nobel.
Trong số các ứng viên hàng đầu được báo chí quốc tế nêu danh năm nay, có Claudio Magris (Ý), Ngugi wa Thiong’o (Kenya), Margaret Atwood (Canada), Adonis (nhà thơ Syria), Philip Roth (Mỹ), Don DeLillo (Mỹ), Amos Oz (Israel), David Grossman (Israel), Ismail Kadare (Albania), Haruki Murakami (Nhật Bản).
Ngoài ra, nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa (Yan Lianke – sinh năm 1958, sống tại Bắc Kinh), cũng được cho là ứng viên sáng giá.
Giải Nobel Văn học trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển, bằng 1,1 triệu USD.
Trong lịch sử giải này, cho tới nay, người trẻ nhất nhận Nobel Văn học là nhà văn Anh, Rudyard Kipling, được trao giải khi ông 41 tuổi.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-41484945
Catalonia và lá cờ vàng bốn sọc đỏ
Trong các cuộc đấu tranh của phe ly khai Catalonia tuần này người ta thấy hai lá cờ.
Một cờ vàng bốn sọc đỏ, tức La Senyara, là cờ chính thức của Vùng tự trị Catalonia.
Một lá cờ khác, cũng nền vàng có sọc đỏ nhưng còn có ngôi sao trắng trên nền xanh ở góc trái lá cờ, là L’Estellada, không được coi là chính thức.
Lịch sử hai lá cờ này cũng gắn chặt với lịch sử vùng đất nằm về phía Đông Bắc Tây Ban Nha, giáp nước Pháp và có tinh thần độc lập đang dâng lên.
Catalonia giành ‘quyền có quốc gia riêng’
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Bốn ngón tay chảy máu
Người Catalonia (hiện có khoảng 7,5 triệu) luôn tự hào về lá cờ vàng bốn sọc đỏ.
Chính thức mà nói màu cờ vàng sọc đỏ là của cả Vùng Tự trị Tây Ban Nha gồm Catalonia, Aragon, các đảo Balearic, và cả Valencia.
Ngoài ra, các thành phố nói tiếng Catalan ở bên ngoài Tây Ban Nha mà nay thuộc Pháp (Provence) và Ý (Sardinia) cũng dùng màu cờ này.
Nó cũng có trên quốc huy của Andorra.
Người ta tin rằng cờ nền vàng vạch đỏ đã có từ thế kỷ 11 ở khu vực châu Âu này và xuất hiện trên gia huy của các dòng vua chúa xứ Aragon.
Các công tước Barcelona (nay là thủ phủ Catalonia) đã kiểm soát cả Aragon.
Ngày nay, vùng miền Nam nước Pháp vẫn có các cộng đồng nói tiếng Catalan.
Bị kẹt giữa hai vương triều lớn hơn của các vua Pháp và Tây Ban Nha, người Catalonia và Aragon đã liên tục đấu tranh vì quyền tự trị.
Cùng lúc, các công quốc trong vùng đều có quyền lợi gắn liền với Vatican, và đã có lúc Barcelona chỉ thần phục Giáo hoàng La Mã, và màu cờ vàng đỏ cũng là màu cờ của Tòa Thánh.
Lá cờ bốn vạch đỏ còn được gọi là ‘Els Quatre Dits de Sang’ hay ‘Bốn ngón tay máu’.
Cảm hứng từ Cuba
Còn lá cờ L’Estelada có thêm “ngôi sao cô đơn’ màu trắng trên nền xanh dương lại là cờ chỉ của phái ly khai Catalonia.
Lấy cảm hứng từ màu cờ có ngôi sao của Puerto Rico và Cuba giành độc lập khỏi thực dân Tây Ban Nha, phe ly khai Catalonia đã đặt ngôi sao tương tự vào cờ của họ mới hồi đầu Thế kỷ 20.
Trong thập niên 1930, Mặt trận Dân tộc Catalonia (FNC) đã dùng lá cờ này.
Cuộc đấu tranh của người Catalonia bị đặt ra ngoài vòng pháp luật thời Tướng Francisco Franco và lá cờ ‘L’Estelada bị cấm.
Phe thiên tả Catalonia đã thay ngôi sao trắng bằng ngôi sao đỏ, và gọi đó là cờ đỏ (Estelada Vermella, hay Red Estelada) từ năm 1968.
Sau khi Tướng Franco qua đời và Tây Ban Nha có nền dân chủ, cờ L’Estelada trở thành biểu tượng tự do của Catalonia và không được chính quyền trung ương ở Madrid khuyến khích.
Trước và sau cuộc trưng cầu dân ý bị cấm đòi độc lập ngày 1/10/2017, dân Catalonia đã công khai treo cờ này.
Nhưng trong trường hợp Catalonia được độc lập – điều cả Madrid và Liên hiệp châu Âu không ủng hộ – thì cờ vàng bốn sọc đỏ Senyera sẽ trở thành quốc kỳ của Catalonia.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41476769
Thống đốc Tokyo đưa danh sách 192 ứng viên Thủ tướng
Thống đốc thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bà Yuriko Koike, vào ngày 3 tháng 10 đưa ra danh sách 192 ứng viên thuộc đảng Hy Vọng tham gia cuộc bầu cử sắp tới nhằm thách thức vị trí quyền lực đang nằm trong tay thủ tướng Shinzo Abe.
Tuy nhiên bản thân bà này cho biết sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào ngày 22 tháng 10 tới đây. Tuyên bố của bà Yuriko Koike được đưa ra sau khi có kết quả thăm dò ý kiến mà tờ Yomiuri Shinbun tiến hành vào cuối tuần qua. Kết quả cho thấy chỉ có 12% cử tri Tokyo đồng ý với việc bà này từ chức thống đốc để tham gia tranh cử vị trí thủ tướng.
Theo kế hoạch của bà Yuriko Koike thì cuối cùng phải có ít nhất 233 ứng viên của Đảng Hy Vọng tham gia vào cuộc bầu cử nhằm có thể có được đa số tại Hạ Viện.
Hơn phân nửa số nằm trong danh sách ứng viên mà bà Yuriko Koike đưa ra trong ngày 3 tháng 10 là cựu đảng viên Đảng Dân Chủ, tức đảng đối lập chính trước đây ở Nhật.
Cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cuộc đua giữa ba đảng gồm Đảng Dân Chủ Tự Do, Đảng Hy Vọng của bà Yurio Koike và một đảng trung tả do những cựu đảng viên của Đảng Dân Chủ lập nên.
Một số thăm dò mới nhất cho thấy 34% cử tri Nhật Bản sẽ bầu cho các ứng viên của Đảng Dân Chủ Tự Do, trong khi đó có chừng 19% ủng hộ Đảng Hy Vọng của bà thống đốc Tokyo Yuriko Koike.
Giải Nobel Vật lý 2017
được trao cho các nhà tiên phong về sóng hấp dẫn
Giải Nobel Vật Lý năm 2017 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ đi tiên phong nghiên cứu và phát hiện ra sóng hấp dẫn.
Ban tổ chức trao giải cho biết như vừa nêu vào ngày 3 tháng 10. Ba nhà khoa học gồm Rainer Weiss, Barry Barish và Kip Thorne.
Cách đây một thế kỷ nhà khoa học Albert Einstein đầu tiên dự đoán có sóng hấp dẫn căn cứ trên Thuyết Tương Đối của ông. Và vào đầu năm ngoái lần đầu tiên sóng hấp dẫn được phát hiện tạo nên cuộc cách mạng trong ngành vật lý thiên văn.
Trước khi giải Nobel Vật lý năm nay được công bố chính thức, thì cả ba nhà khoa học vừa nêu được dự đoán sẽ là những khôi nguyên cho giải này năm nay.
Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển trong thông cáo về giải Nobel Vật Lý 2017 nêu rõ đây là một điều gì đó hoàn toàn mới và khác biệt, mở ra những thế giới chưa được nhìn thấy. Vô số những phát minh đang chờ đợi những ai thành công trong việc bắt sóng hấp dẫn và diễn giải được thông điệp của chúng.
Ba nhà khoa học vừa nêu sẽ chia nhau giải thưởng tương đương 1 triệu 1 trăm ngàn đô la Mỹ.
Mỹ yêu cầu Cuba
cắt 15 nhân viên ngoại giao tại Washington
Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Cuba cắt 15 nhân viên tại đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington, theo nhiều hãng truyền thông trích dẫn nguồn tin từ chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tin này xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Hoa Kỳ cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ ở thủ đô Havana sau các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào các nhân viên Hoa Kỳ ở Cuba.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng hãy tiếp tục “theo dõi” khi được hỏi vấn đề này sẽ được công bố vào thứ Ba 3/10 hay không.
Theo hãng tin AP, Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Cuba rút 60% số nhân viên của họ ở Washington, trong khi tờ Miami Herald và hãng tin Reuters cho biết chính quyền ông Trump sẽ yêu cầu Cuba phải giảm 2/3 nhân viên sứ quán.
Hôm thứ Sáu 29/9, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ rút tất cả nhân viên ngoại giao không thiết yếu ra khỏi Cuba để đáp lại “các cuộc tấn công gây hại cho sức khỏe” đối với 21 nhà ngoại giao Mỹ ở Havana.
Trong vài tháng qua, các nhân viên báo cáo họ bị nhiều triệu chứng, bao gồm mất thính giác, chóng mặt, bị các vấn đề về nhận thức và khó ngủ. Trong một thông cáo tuyên bố cắt giảm nhân viên Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex TIllerson cho biết các nhà điều tra không thể xác định nguyên nhân của những vấn đề sức khoẻ này hoặc ai là người chịu trách nhiệm.
Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa chính thức cáo buộc Cuba đứng đằng sau các vụ tấn công này, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba vào tháng 5, sau khi các cuộc tấn công lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng, nói rằng Cuba không bảo vệ được sự an toàn cho các nhà ngoại giao trên lãnh thổ Cuba.
Cuba phủ nhận việc can dự vào các vụ tấn công này và nói rằng họ đang hợp tác với cuộc điều tra của Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump thăm Puerto Rico
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba 3/10 lên đường sang thăm Puerto Rico, một hòn đảo thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, để kiểm tra các nỗ lực phục hồi sau bão Maria.
Lịch trình của ông Trump gồm các cuộc gặp gỡ với Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello, nhân viên quân sự được triển khai tới đây, và những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Ông cũng sẽ hội đàm với ông Kenneth Mapp, thống đốc của Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ, cũng bị ảnh hưởng trong trận bão này.
Trước đó ông Trump đã đối mặt với những lời chỉ trích về phản ứng của chính quyền của ông sau cơn bão: đảo Puerto Rico phần lớn bị mất điện, nhiều người không có nước sinh hoạt, không có nhiện liệu cho máy phát điện, không có sóng điện thoại di động.
Khoảng 2 tuần sau khi bão ập vào, thống đốc Rossello báo cáo hệ thống nước sinh hoạt đã được khôi phục cho phân nửa khách hàng và ông hy vọng rằng 25% dân số sẽ có điện trước cuối tháng 10.
Ông Trump nói: “Chưa từng có bất kỳ nơi nào bị tàn phá tới mức này. Nhiều cây cầu bị sập, mạng viễn thông hư hỏng, mạng lưới điện hoàn toàn bị phá hủy.”
Ông Trump bênh vực các nỗ lực của chính quyền liên bang, và hôm 2/10, một lượng thực phẩm và nguồn cung cấp “to lớn” đã được gửi tới Puerto Rico.
Nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói:
“Thật đáng kinh ngạc là tất cả những nỗ lực này đã được thực hiện trong một thời gian rất ngắn từ khi họ tới Puerto Rico.”
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở San Juan hôm 2/10, Thống đốc Rossello nói hơn 720 trong số tổng cộng 1.100 trạm xăng trên đảo Puerto Rico giờ đã hoạt động trở lại, và ông hy vọng sẽ có thêm nguồn cung cấp nhiên liệu trong những ngày tới.
Puerto Rico lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu được vận chuyển từ lục địa Hoa Kỳ.
Ông Rossello nói 47% các dịch vụ cấp nước sinh hoạt và nước thải trên đảo đã phục hồi và cho biết chính quyền liên bang và địa phương đang hợp tác để duy trì hoạt động của 50 bệnh viện. Ông cho biết tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ, tàu Comfort, sẽ đến Puerto Rico vào ngày 3/10 hoặc ngày 4/10.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-tham-puerto-rico/4054206.html
Úc ra phúc trình
sau 3 năm tìm kiếm máy bay mất tích MH370
Cơ quan Úc dẫn đầu cuộc tìm kiếm do ba quốc gia thực hiện để tìm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích nói thật đáng tiếc vì vẫn chưa tìm ra tung tích của máy bay sau hơn ba năm tìm kiếm.
Trong một phúc trình công bố hôm thứ Ba 3/10, Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB), cho hay bí ẩn về chiếc máy bay MH370 “gần như không thể tưởng tượng được và chắc chắn là không thể chấp nhận được trong kỷ nguyên hàng không hiện đại.”
Chiếc máy bay Boeing 777 biến mất vào ngày 8/3/2014 trong một chuyến bay từ thủ đô Kuala Lumpur đến thủ đô Bắc Kinh, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn.
Úc, Trung Quốc và Malaysia đã tiến hành một cuộc tìm kiếm kéo dài ba năm với chi phí 160 triệu đôla trong khu vực có diện tích hơn 120.000 km ở vùng biển hẻo lánh phía nam Ấn Độ Dương.
Cuộc tìm kiếm đã được đình chỉ hồi tháng Giêng, giữa lúc không tìm thấy vết tích nào của chiếc máy bay, ngoại trừ ba mảnh vỡ trôi dạt ở các địa điểm khác nhau dọc theo Ấn Độ Dương.
Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB) báo cáo:
“Không thể xác định nguyên nhân máy bay MH370 mất tích một cách chắc chắn, trừ phi tìm ra chiếc máy bay.”
Nhưng cơ quan này nói thêm rằng hiện tại là thời điểm tốt nhất so với trước đây, để có được những thông tin hầu tìm hiểu địa điểm chiếc MH370 mất tích.”
Các nhà điều tra đề nghị chuyển các nỗ lực tìm kiếm tới một khu vực rộng 25.000 km vuông ngay phía bắc của khu vực tìm kiếm.
Tuy nhiên, ba quốc gia đã bác bỏ đề nghị này, nói rằng không có bằng chứng thuyết phục mới nào có thể xác định vị trí chính xác của máy bay lâm nạn.
Áo cấm phụ nữ che mặt
Cảnh sát buộc phụ nữ theo Hồi Giáo tại Áo phải tháo bỏ khăn che mặt vì luật cấm che mặt có hiệu lực.
Bắt đầu từ 1/10, những ai mang mặt nạ trượt tuyết lúc không phải đi trượt tuyết, mang mặt nạ giải phẫu bên ngoài bệnh viện và mang mặt nạ dạ tiệc tại nơi công cộng đều bị cấm.
Luật này, tương tự như tại Pháp và Bỉ, cũng áp dụng cho du khách trong đó có nhiều khách du lịch Ả Rập nghỉ mát tại Áo.
Nhiều tổ chức Hồi Giáo lên án luật của Áo, nói rằng chỉ một thiểu số nhỏ người Hồi Giáo Áo đeo mạng che hoàn toàn khuôn mặt.
Cô Krina Dala, một người phản đối:
“Phụ nữ nên được tự do ăn mặc. Chắc chắn có nhiều phụ nữ không có quyền tự do này mà bị ép buộc. Tôi vẫn nghĩa đây không phải là giải pháp. Chúng ta nên gia tăng quyền lực cho nữ giới, không tước đoạt quyền tự do và trang phục của họ. Chúng ta không nên tước quyền của phụ nữ, mà phải tăng quyền cho họ.”
Hiếm thấy ai che mặt hoàn toàn tại Áo dù số di dân và người tị nạn đổ vào châu Âu tăng vọt trong năm 2015, nhưng họ đã trở thành mục tiêu tấn công của những tổ chức cánh hữu và các đảng phái chính trị.
Những người bất chấp lệnh cấm có thể bị phạt gần 180 đô la. Cảnh sát được phép dùng vũ lực nếu người nào kháng cự không gỡ khăn che mặt.
Chính phủ Áo nói luật qui định phải để cho mọi người nhìn thấy khuôn mặt từ mái tóc đến cằm là nhằm bảo vệ những giá trị của Áo.
https://www.voatiengviet.com/a/ao-cam-phu-nu-che-mat/4053325.html
Trump trải thảm đỏ đón lãnh đạo chế độ quân sự Thái Lan
Ngày 02/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón tiếp long trọng thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O Cha tại Nhà Trắng. Đây là một sự kiện đáng chú ý vì hiếm khi nào lãnh đạo một chế độ quân sự lại được đón tiếp như thế tại Washington, trong khi vẫn chưa biết khi nào Thái Lan mới trở lại chính quyền dân sự.
Chuyến viếng thăm của thủ tướng Prayut Chan O Cha diễn ra 3 năm sau khi viên tướng này tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra. Thủ tướng Thái đến Washington chỉ vài ngày sau khi người mà ông lật đổ vừa bị tuyên án khiếm diện 5 năm tù.
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Washington đã đình chỉ trợ giúp quân sự cho Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á. Cũng từ thời điểm đó, Bangkok đã dần dần rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Thật ra thì việc các tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo các chế độ độc tài tại Nhà Trắng không phải là chuyện gì mới lạ, nhưng hiếm khi nào họ tiếp một lãnh đạo đã lên cầm quyền bằng đảo chính quân sự. Phải trở ngược đến năm 2002, mới thấy có một trường hợp tương tự, khi tổng thống George W. Bush tiếp đón tướng Pervez Musharraf, 3 năm sau khi viên tướng này lật đổ một lãnh đạo dân cử.
Nhưng khác với thái độ dè dặt của những người tiền nhiệm, tổng thống Donald Trump chẳng kiêng nể gì cả. Trong một cuộc điện đàm vào tháng 4/2017, ông Trump đã không ngớt lời khen ngợi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về cuộc chiến chống ma túy khiến hàng ngàn người chết.
Trong cùng tháng đó, ông Trump đã tiếp đón long trọng tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi tại Nhà Trắng, điều mà tổng thống Obama đã tránh làm. Tướng el-Sissi cũng lên cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2013 và sau đó mới được bầu làm tổng thống.
Cũng giống như el-Sissi, tướng Prayut đã cởi bỏ bộ quân phục, nhưng ông vẫn đứng đầu một chế độ quân sự. Chế độ này vẫn bị các tổ chức nhân quyền tố cáo là hạn chế các quyền tự do ngôn luận và tập hợp ôn hòa, bắt bớ và truy bức những người hành xử các quyền cơ bản của con người. Một bản Hiến Pháp mới, bị xem là được soạn thảo nhằm hợp thức hóa quyền kiểm soát của phe quân sự, đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý không có tự do tranh luận. Toàn bộ các chính đảng đều bị hạn chế hoạt động. Bầu cử dân chủ thì cứ bị dời đi dời lại và chắc là không thể diễn ra trước năm 2018.
Chính vì vậy mà chính quyền Obama đã từ chối mời thủ tướng Prayut đến Nhà Trắng. Cũng giống như chính quyền Obama, chính quyền Trump chủ trương là sẽ chỉ phục hồi toàn bộ quan hệ với Thái Lan khi nào nền dân chủ được tái lập ở nước này. Nhưng việc trải thảm đỏ đón tiếp đón thủ tướng Prayut hôm qua phản ánh một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump đã lên cầm quyền với phương châm “Nước Mỹ trước hết”, dành ưu tiên cho các lợi ích chiến lược và mậu dịch của Hoa Kỳ. Với chủ trương đó, ông sẵn sàng bắt tay với lãnh đạo của những chế độ phi dân chủ và không quan tâm nhiều đến tình hình nhân quyền ở những nước đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171003-trump-trai-tham-do-don-lanh-dao-che-do-quan-su-thai-lan
Quốc Hội Pháp biểu quyết luật chống khủng bố
Hai ngày sau vụ thảm sát tại nhà ga xe lửa Marseille, chiều 03/10/2017, các dân biểu Pháp biểu quyết dự luật chống khủng bố để « đáp ứng về lâu dài mối đe dọa » nhưng luật này bị phe tả công kích « vi phạm các quyền tự do ».
Theo chương trình, vào lúc 15 giờ 15, giờ Paris, văn bản dự luật chống khủng bố được biểu quyết với một nghi thức long trọng. Theo AFP, với đa số dân biểu cánh trung của tổng thống Emmanuel Macron cộng với một số dân biểu cánh hữu và cánh tả ôn hoà, dự luật chống khủng bố không gặp một cản trở nào.
Biểu quyết diễn ra sau một tuần lễ tranh luận sóng gió và hai ngày sau vụ một thanh niên người Tunisia vô gia cư cầm dao giết chết hai phụ nữ trước khi bị lính tuần tra bắn chết.
Tính từ năm 2015, tổng số nạn nhân bị khủng bố Hồi giáo sát hại tại Pháp lên đến 241 người.
Theo bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, nước Pháp cần một đạo luật « cực kỳ hữu ích » để đối phó với « mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng ».
Một trong những điều khoản bị chỉ trích là « phản tự do » trong dự luật chống khủng bố là cho phép « quản thúc tại gia một nghi can » mà không cần đèn xanh của thẩm phán.
Trước làn sóng phản đối của phe cực tả và báo chí, tổng thống Pháp cam kết sẽ « thẩm định lại » luật này vào năm 2020.
Phát hiện bom tự chế tại Paris, năm nghi can bị bắt
Toà án Paris mở cuộc điều tra chống khủng bố sau vụ cảnh sát tịch thu được bốn bình ga, một trong số đó đã có thuốc nổ để chế tạo thành bom, ở quận 16 hôm 30/09/2017. Sáng nay 03/10/2017, bộ trưởng Nội Vụ Pháp cho biết trong số năm nghi can bị bắt, một người có tên trong sổ đen «đề phòng đối tượng có xu hướng cực đoan hóa và khủng bố».
http://vi.rfi.fr/phap/20171003-quoc-hoi-phap-bieu-quyet-luat-chong-khung-bo
Châu Âu khó xử
trước cuộc khủng hoảng Catalunya, Tây Ban Nha
Đối đầu tại Tây Ban Nha giữa phe đòi độc lập cho vùng Catalunya và chính quyền trung ương Madrid, có nguy cơ bùng phát thành xung đột sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 01/10/2017. Giới chính trị châu Âu ở trong tình thế khó xử. Sau một phản ứng được đánh giá là dè dặt của người phát ngôn Ủy Ban Châu Âu, kêu gọi các bên đối thoại, Nghị Viện Châu Âu bắt đầu bàn về vấn đề này.
Theo đề nghị của ba đảng phái lớn, chiều mai 04/10, Nghị Viện Châu Âu sẽ tổ chức cuộc thảo luận với chủ đề : « Hiến Pháp, Nhà nước pháp quyền và những quyền căn bản tại Tây Ban Nha, qua các diễn biến gần đây tại Catalunya ».
Thông tín viên Anissa el-Jabri từ Strasbourg cho biết cụ thể,
« Rời phòng họp với nụ cười, ông Guy Verhofstadt là một trong các chính trị gia châu Âu đầu tiên và hiếm hoi phát biểu về vấn đề này. Nghị sĩ Guy Verhofstadt lên tiếng ngay từ tối Chủ nhật, cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý và ‘‘bạo lực thái quá’’ của cảnh sát.
Hiển nhiên là, một cuộc thảo luận như vậy là điều khiến thủ lĩnh các đảng Tự Do tại Nghị Viện Châu Âu hài lòng. ‘‘Chúng ta sẽ thảo luận về mọi thứ, chúng ta sẽ nói về bạo lực, chúng ta cũng sẽ nói về các đảng chủ trương ly khai – chống lại quyết định của Tòa Bảo Hiến – quyết định dấn thêm một bước với cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng đặc biệt là chúng ta sẽ mở ra một cuộc đối thoại chính trị’’.
Đề nghị đối thoại chính trị, môi giới đàm phán là những điều khó có thể chấp nhận được đối với Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), mà thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy là một thành viên.
Giữa một bên là đòi hỏi đoàn kết chính trị và bên kia là nỗi lo trước chiều hướng diễn biến có thể vượt tầm kiểm soát, phó chủ tịch của nhóm đảng cánh hữu châu Âu, bà Françoise Grossetête, tỏ ra hết sức thận trọng :
‘‘Không có chuyện tranh luận. Tôi không muốn tham gia vào các vấn đề quan hệ giữa Catalunya-Tây Ban Nha. Ngược lại, điều làm tôi lo ngại, đó là tất cả những gì có thể đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha. Bởi vì tất cả những gì có thể xâm phạm đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu và làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.
Một không khí kỳ lạ ngự trị tại Nghị Viện Châu Âu, một sự khó chịu thể hiện rõ. Các nghị sĩ châu Âu Tây Ban Nha thuộc tất cả các đảng phái không tham dự buổi họp này ».
Theo AFP, về phía nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ thủ tướng Tây Ban Nha, tái khẳng định quan điểm ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất theo Hiến Pháp. Nhìn chung các nước châu Âu rất dè dặt trong việc bình luận về các vụ việc được đánh là « nội bộ » của Tây Bay Nha, cũng ít có chỉ trích nào nhắm vào chính quyền Madrid.
Trong khi đó, từ Genève, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al-Hussein bày tỏ hy vọng « tiến hành điều tra đầy đủ, độc lập và không thiên vị về các bạo lực », và « tình hình cần được giải quyết thông qua đối thoại chính trị ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171003-chau-au-kho-xu-truoc-cuoc-khung-hoang-catalunya-tay-ban-nha
Người Rohingya tiếp tục tị nạn sang Bangladesh
Sau vài ngày tạm lắng, người Rohingya lại tiếp tục tìm đường sang Bangladesh tị nạn để tránh bị đàn áp tại Miến Điện. Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng của người Rohingya tại bang Rakhine hết sức thê thảm.
AFP dẫn lời một lính biên phòng Bangladesh, « khoảng từ 4.000 đến 5.000 người Rohingya đến đây hàng ngày », « một số người từng nghĩ rằng họ có thể ở lại Miến Điện ». Một dân biểu Bangladesh kể lại mỗi ngày có hàng chục chuyến đò, đưa người tị nạn qua sông Naf, dòng sông biên giới tự nhiên giữa hai nước.
Truyền thông chính thức Miến Điện cho biết : hơn 10.000 người Rohingya tập hợp trước một cửa khẩu qua Bangladesh.
Hiện tại đã có hơn 507.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh, tương đương một nửa số lượng dân cư của cộng đồng sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi này.
Đau khổ của người Rohingya
Ngày 02/10/2017 lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát cuối tháng 8/2017, một phái đoàn quốc tế, với các đại diện của Liên Hiệp Quốc và đại sứ nhiều nước, tới được bang Rakhine.
Sau một ngày thị sát, đại diện của Liên Hiệp Quốc khẳng định tình trạng khổ đau của người Rohingya là « không thể tưởng tượng được », đồng thời yêu cầu « chấm dứt mọi hoạt động quân sự ». Liên Hiệp Quốc cũng đòi hỏi chính quyền Miến Điện « mở cửa hoàn toàn cho các trợ giúp nhân đạo » và tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ « đánh giá tổng thể tình hình ».
Trả lời AFP, một đại diện Dự án Arakan – một tổ chức bảo vệ quyền của người Rohingya – giải thích lý do khiến cư dân sắc tộc này tiếp tục chạy nạn chủ yếu là do họ không còn gì để ăn và lo sợ.
Tình hình các trại tị nạn ở Bangladesh
Về phía các trại tị nạn ở Bangladesh, theo Liên Hiệp Quốc, có đến hơn 14.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng, có nguy cơ tử vong, trong khi đó việc phân phối nhu yếu phẩm không được điều phối thống nhất. Trong khi, theo các tổ chức nhân đạo, hơn 145.000 trẻ em cần được cứu trợ khẩn cấp.
Theo AFP, nhóm vũ trang mang tên Quân Đội Giải Phóng Rohingya Arakan (ARSA) – lực lượng đã tiến hành cuộc tấn công vào các trạm biên phòng Miến Điện hôm 25/08 – đang bí mật tuyển mộ thành viên tại các trại tị nạn. Chính quyền Bangladesh phải đưa mật vụ đến các trại này để ngăn chặn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171003-nguoi-rohingya-tiep-tuc-ti-nan-sang-bangladesh
Quyền mang súng
gây chia rẽ trong công luận và chính trường Mỹ
Thảm họa cướp đi 59 sinh mạng tại Las Vegas gây xúc động mạnh trong công luận và lại làm dấy lên tranh cãi về quyền mang súng tại Hoa Kỳ. Có nhiều khả năng, những tuyên bố mạnh mẽ của các chính khách Mỹ rồi cũng “lời nói gió bay“. Nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Washington nhấn mạnh đến thế lực của hiệp hội cổ vũ cho quyền tự do mua bán, sử dụng vũ khí NRA đối với các chính khách Hoa Kỳ.
Nước Mỹ bàng hoàng sau vụ nổ súng tại Las Vegas. Còn nhiều ẩn số chung quanh thủ phạm Stephen Paddock, 64 tuổi, và “kho” vũ khí, súng ống được phát hiện tại nhà riêng, trong phòng khách sạn, nơi hung thủ ra tay.
Nhà Trắng, trong buổi họp báo hàng ngày hôm 02/09/2017 cho rằng “đây chưa phải là lúc” để đem hồ sơ này ra tranh luận. Dưới áp lực của các công ty mua bán vũ khí, nhiều đời tổng thống Mỹ đã thất bại trong việc điều chỉnh luật trên hồ sơ nhậy cảm này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171003-quyen-mang-sung-gay-chia-re-trong-cong-luan-va-chinh-truong-my
Bình Nhưỡng :
Hiệp ước quân sự Mỹ-Hàn là « âm mưu xâm lược »
Bình Nhưỡng công kích hiệp ước phòng thủ chung Mỹ- Hàn là một « âm mưu điên rồ » để xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Trong bài xã luận đề ngày 02/10/2017, một ngày sau khi Washington và Seoul kỷ niệm 64 năm ký kết Hiệp ước hợp tác phòng thủ hỗ tương, nhật báo Rodong của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên lên án văn kiện này đặt trên nền tảng « tham vọng điên rồ của Mỹ xâm lăng Bắc Triều Tiên vào bất cứ lúc nào ».
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng còn kêu gọi Washington và Seoul dẹp bỏ « tức khắc » hiệp định được hai nước đồng minh ký kết vào ngày 01 tháng 10 năm 1953, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, đất nước phân đôi ở vĩ tuyến 38.
Đối với Bình Nhưỡng thì hiệp ước phòng thủ chung, một nước bị tấn công thì nước kia cứu giúp, thực chất là « hiệp ước chiến tranh ».
Cuối cùng bài xã luận kêu gọi « người dân Triều Tiên ở hai miền Nam Bắc và ở nước ngoài gia tăng đánh đuổi Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên ».
Trong khi đó, theo báo Úc Sydney Morning, Bình Nhưỡng vừa nối đường dây internet thứ hai ra nước ngoài và qua ngả nước Nga kể từ ngày 01/10/2017. Đường dây thứ nhất nối qua Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, với hai mạng nối kết, Bình Nhưỡng có thể gia tăng khả năng chiến tranh mạng và tin tặc.
Nga : Nhà đối lập Alexei Navalny lại bị án tù
Lãnh đạo đối lập chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin bị kết án 20 ngày tù giam vì kêu gọi biểu tình, không được phép. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm 2017, Alexei Navalny đi tù. Bản án công bố ngày 02/10 được ông gọi một cách mỉa mai là « món quà sinh nhật cho Putin ». Khắc tinh của chủ nhân điện Kremlin vẫn hy vọng tranh cử tổng thống 2018.
Có lẽ vì vậy mà chính quyền Nga liên tục chiếu cố vị luật sư 41 tuổi trong năm nay.
Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot phân tích :
“Nơi tuyên án là một căn phòng nhỏ hẹp được sưởi nóng tối đa. Đứng trước chánh án và hàng chục máy quay phim, Alexei Navalny lúc thì mỉm cười chế nhạo, khi thì tỏ vẻ cáu giận.
Bị kết án 20 ngày tù giam, nhà đối lập tố cáo phiên toà bất công và bất hợp pháp. Ông nhắn gửi các thân hữu : « Bản án này, tôi không biết gọi nó là gì ? Hoặc là một món quà sinh nhật cho Putin hoặc là vì bọn họ sợ các cuộc xuống đường của chúng ta. Rất có thể là vì cả hai lý do này. Hay là vì bọn họ đã quẫn trí ? Họ ngỡ là có quyền muốn làm gì thì làm ? Thế thì tôi, tôi kêu gọi các ông hãy tiếp tục ủng hộ chiến dịch vận động tranh cử của tôi ».
Với bản án 20 ngày tù giam, Alexei Navalny không thể tham gia cuộc biểu tình dự trù ở Saint Petersbourg vào cuối tuần này, Thứ Bảy 07/10/2017 đúng vào ngày sinh nhật của tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, ông kêu gọi ủng hộ viên tập họp như dự kiến. Nếu cuộc biểu tình không được cho phép thì những người tham gia có nguy cơ bị bắt và đến phiên họ đi tù”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171003-nga-nha-doi-lap-alexei-navalny-lai-bi-an-tu
Tây Ban Nha : Catalunya tổng đình công đòi độc lập
Chính quyền Catalunya và các tổ chức đòi độc lập kêu gọi tổng đình công trong ngày 03/09/2017, để phản đối các biện pháp mạnh của chính phủ Madrid cản trở cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua. Câu lạc bộ bóng đá vô địch Barcelona cũng tham gia vào phong trào « bảo vệ quyền tự quyết ».
Hành động phản kháng dân sự được tung ra trong bối cảnh chính quyền địa phương đề nghị Madrid đối thoại. Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên, kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha tìm một giải pháp ôn hoà.
Từ Barcelona, đặc phái viên Diane Cambon tường thuật :
“Đây là một phần trong chiến lược huy động sức mạnh một cách hoà bình. Cuộc tổng đình công tại Catalunya có mục đích tố cáo phản ứng bạo lực của chính quyền trung ương, qua lực lượng cảnh sát, hôm trưng cầu dân ý 01/10/2017. Khoảng 40 tổ chức nghiệp đoàn, chính trị và xã hội hy vọng sẽ làm tê liệt sinh hoạt của vùng tự trị.
Một sinh viên luật, ủng hộ đình công, giải thích : Cuộc động viên này sẽ có lợi cho vùng Catalunya vì nó cho phép báo động với thế giới những gì đang xảy ra tại nơi này.
Tuy nhiên, cũng như ngày trưng cầu dân ý vừa qua, xã hội Catalunya chia làm hai phe : kẻ bênh, người chống những yêu sách của cuộc đình công”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171003-tay-ban-nha-catalunya-tong-dinh-cong-doi-doc-lap
Trung Quốc giảm mạnh lao động Bắc Triều Tiên
Loạt trừng phạt quốc tế mới đối với Bắc Triều Tiên bắt đầu thể hiện rõ hiệu lực. Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay, 03/10/2017, trong những ngày gần đây, rất đông người lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc đã trở về nước.
Ngày 12/09/2017, chính quyền Trung Quốc thông báo không gia hạn giấy phép cư trú và giới hạn chặt chẽ hơn trong việc cấp visa cho công nhân Bắc Triều Tiên. Ngày 28/09, Bắc Kinh ra lệnh cho các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên phải đóng cửa trong vòng 120 ngày tới. Một nguồn tin tại Bắc Kinh xác nhận với Yonhap đã nhìn thấy nhiều người Bắc Triều Tiên phải về nước, sau khi visa không được gia hạn.
Một nguồn tin khác cho biết : « Vào đầu năm nay, có hơn 20.000 người Bắc Triều Tiên làm việc tại Đan Đông (Dandong). Tuy nhiên, số lượng công nhân Bắc Triều Tiên đã giảm mạnh, sau khi Trung Quốc gia tăng trừng phạt. Nhiều công nhân Bắc Triều Tiên tại nhà ga Đan Đông và các văn phòng di trú, chờ đợi hồi hương ». Một bức ảnh được công bố trên ứng dụng nhắn tin Trung Quốc WeChat cho thấy hàng trăm lao động Bắc Triều Tiên đang về nước.
Chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát giấy tờ tại các nhà máy ở Đan Đông và Yên Cát (Yanji). Những người hết hạn visa buộc phải về nước. Biện pháp này liên quan đến khoảng 2.600 người lao động Bắc Triều Tiên tại ba tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), Cát Lâm (Jilin) và Hắc Long Giang (Heilongjiang).
Hiện có khoảng 100.000 người lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu đô la một năm.
Nhà Trắng : « Giờ không phải là lúc đàm phán »
Tiếp theo thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ quan điểm đàm phán với Bắc Triều Tiên trong vấn đề vũ khí hạt nhân của ngoại trưởng Tillerson, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, hôm qua lên tiếng xác nhận: « Đối với chúng tôi, rõ ràng giờ không phải là lúc đàm phán » với Bắc Triều Tiên.« Đàm phán duy nhất » cần được tiến hành là nhằm đưa những người Mỹ hiện bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên trở về nước.
Lương thực khan hiếm
Yonhap dẫn thông tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Á Châu Tự Do (RFA), theo đó, Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) xếp Bắc Triều Tiên trong số 37 quốc gia bị nạn đói đe dọa, cần được hỗ trợ. FAO cho biết : hai nguyên nhân chính là nạn hạn hán hồi mùa hè năm nay và mạng lưới thủy lợi kém. Bắc Triều Tiên cần được cứu trợ khoảng 458.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, mức độ thiếu lương thực giảm 33% so với năm ngoái.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171003-trung-quoc-giam-lao-dong-bac-trieu-tien