Con sâu và nồi canh
01/10/2017
Gần đến Hội nghị TW 6 của Đảng cộng sản, những chỉ dấu cho thấy có thể có những biến đổi đang chờ đợi ở hội nghị này. Tuy nhiên không khí chính trị lại có vẻ trầm lắng do người dân ngày càng ít quan tâm đến những sự kiện này, một phần do những diễn biến của tình hình trong nước đã đẩy hướng dư luận xã hội theo những chiều hướng khác.
Đầu tiên phải kể đến vụ án của Trịnh Xuân Thanh. Thực ra theo suy nghĩ của dư luận với mức làm thiệt hại, thua lỗ trên 3 ngìn tỷ đồng cũng chưa là cái gì so với những vụ án đình đám đã lộ hoặc chưa lộ. Cái người ta quan tâm không kém là với Trịnh Xuân Thanh chỉ là một cán bộ và thất thoát cũng chỉ thuộc loại ruồi, tầm tầm thì hà cớ gì chính quyền phải trả bằng một giá rất đắt bằng sự sứt mẻ quan hệ với CHLB Đức, một quốc gia quan trọng hàng đầu trong liên minh Châu Âu, tất nhiên đằng sau đó là cả sự sứt mẻ với những cố gắng trong việc đạt đến hiệp định thương mại Việt Nam – EU.
Ai cũng hiểu những kỳ vọng lớn vào hiệp định này nhằm mục đích góp phần hạn chế rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ai cũng tin sự cáo buộc của nước Đức là sự thật thực tế nó đã diễn ra đúng như vậy. Và vì thế, vở kịch tự thú của Trịnh Xuân Thanh chỉ là vở kịch vụng về không hơn, không kém.
Người ta tin rằng đằng sau Trịnh Xuân Thanh có thể ẩn chứa những nhân vật tiếng tăm hơn, kếch xù hơn mà ông Thanh chỉ là một mắt xích. Nhưng nếu đi tới thì lại dễ rơi vào lo ngại mà ông Đảng trưởng đã từng tuyên bố: đánh chuột nhưng không vỡ bình.
Một việc nữa là những vụ án đình đám thuộc về giới tài chính – Ngân hàng đó là Phạm Công Danh – Hà Văn Thắm với những cáo buộc tham nhũng, cố ý làm trái, thất thoát tài sản thì còn rất nhiều bàn cãi. Thế nhưng có một vấn đề đặt ra là các ngân hàng hoạt động theo cơ chế thị trường, có rủi ro và việc rủi ro có thể dẫn đến phá sản là điều cũng không phải là lạ, nguyên nhân của nó thì có rất nhiều nhưng phải nói cho sòng phẳng rằng bởi nó là sở hữu tư nhân (cổ phần) nên sự thua thiệt trong phá sản sẽ thuộc về các cổ đông. Lợi ích và rủi ro luôn đi liền với nhau và bản chất là luôn luôn có. Có chăng trách nhiệm thuộc về các “ông lớn” DNNN mang tiền đi góp cổ phần đãn đến mất vốn của công sản mà thôi.
Hà Văn Thắm chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng vào thời điểm đó cũng là việc cực chẳng đã, nếu không với uy tín là NHTM nhỏ thì khó cạnh tranh, tuy nhiên việc của Hà Văn Thắm là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động mà bản chất của vụ việc là thúc đẩy phá giá thị trường, hỗn loạn tài chính và lưu thông tiền tệ, chạy theo xu thế đó chắc chắn đã lôi cuốn được nhiều ngân hàng tham gia theo, nếu không muốn sút giảm thị phần hoặc rủi ro thanh khoản có thể dẫn đến phá sản.
Cạnh đó, có một bất cập là có quan chức của PVN bị cáo buộc nhận hối lộ thì tội đưa hối lộ thuộc về ai?. Những cáo buộc với các cán bộ BIDV về bản chất mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận thì họ không làm sai, BIDV không có thiệt hại, không có hậu quả bởi toàn bộ vốn gốc và lãi đã được thu hồi, cho ông Phạm Công Danh vay có thể trái quy định về mục đích sử dụng vốn vay nhưng việc làm này có phải là cố ý trợ giúp cho một vụ phạm pháp hay không? Mục đích và động cơ là lợi nhuận hay như thế nào để xác định và cáo buộc là những vấn đề còn cần bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, đáng lo ngại là những người tuyên án có thể bị chi phối bởi ý chí nào đó mà làm cho các câu hỏi đặt ra trên trở nên mất giá trị.
Không liên quan hoặc ít liên quan tới lĩnh vực kinh tế với những con số là vụ lùm xùm thuôc về những người đứng đầu thành phố Đà Nẵng với những kết luận về vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng bằng cấp chưa được thừa nhận,… Đằng sau nó có thể là sự mất đoàn kết nội bộ, nhưng điều quan trọng là ông Nguyễn Xuân Anh là một trong nhiều những “ thái tử” ra nước ngoài du học, nhưng khi trở về – bao nhiêu trong đó là có năng lực thực sự, hay đó chỉ là một mác giả để thăng tiến trên cơ sở COCC? Ngoài ra, tiền chi tiêu cho việc du học cũng là một vấn đề, ở đâu ra? Chắc chắn không phải từ lương của các bố mẹ “thái tử”.
Còn nhiều vấn đề nhức nhối khác nữa như vấn đề trong y tế (thuốc giả, chạy thận gây chết người, giường bệnh không đủ cho bệnh nhân nằm); giao thông (BOT, nạn mãi lộ trong lực lượng CSGT), các dự án thua lỗ nghìn tỷ của các tập đoàn nhà nước như Vinachem,… Dường như càng đi sâu vào câu chuyện nền kinh tế – văn hóa – chính trị – xã hội, thì càng nhiều hiện tượng xấu, tiêu cực được phanh phui ra, đến mức mà quan điểm “nhìn đâu cũng thấy tiêu cực” trở thành một quan điểm có giá trị bất biến tại Việt Nam.
Bắt được vài con sâu, nhưng những vấn đề kinh tế xã hội sẽ còn nhiều nan giải, nhức nhối! Lý do vì con sâu đó nằm trong một cái nồi, mà cái nồi lại không được châm bởi lửa. Do vậy, mà qua bao kỳ Đại hội, với biết bao Nghị quyết được ra đời, thì tình hình nó vẫn thế, vẫn trì trệ như vốn có của nó.
Một nước Việt buồn!
Nam Hà
(VNTB)