Tin Việt Nam – 25/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/09/2017

Vụ xử OceanBank: Các bị cáo ‘nói lời cuối’

Bị cáo Hà Văn Thắm xin tòa không tuyên án tù chung thân trong khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin tòa không ‘kết án oan’ tội tham ô tài sản.

Theo dự kiến sau bốn tuần xét xử tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vào tuần này sẽ nghị án và vào ngày 29/09 sẽ tuyên án.

Ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank nhận tội đã cố ‎ ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc “chi lãi ngoài” nhưng cho rằng mình “không phải chủ thể của nhóm tội tham nhũng”.

Ông được truyền thông trong nước dẫn lời mô tả điều ông gọi là “một phiên tòa dân chủ, công bằng” và xin không bị tuyên mức án tù chung thân.

Trong khi đó cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn, người bị đề nghị án tử hình, xin tòa xem xét “không kết án oan bị cáo tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

“Bị cáo chưa bao giờ nghĩ mình lại làm những việc thất đức như chiếm đoạt tiền của PVN, của OceanBank. Bị cáo đã hi sinh để cống hiến. Vì vậy nếu mang tiếng chiếm đoạt tiền của PVN thì đó là bản án nghiêm khắc nhất đối với bị cáo,” ông Sơn nói tại tòa.

Hàng chục bị cáo còn lại cũng xin tòa “xem xét điều kiện, hoàn cảnh để được hưởng mức án nhẹ nhất”.

Tại sao PVN lại chọn OceanBank và tại sao nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng lại ký văn bản buộc toàn ngành dầu khí phải gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm?Báo Thanh Niên

Trong một diễn biến khác, ông Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng, Phó Tổng giám đốc PVN, sau khi chối trong các phiên trước, đã khai nhận 20 tỉ đồng từ ông Nguyễn Xuân Sơn và xin nộp lại khoản tiền này “để hưởng khoan hồng”.

Ông Quỳnh khai từ 2009 đến tháng 12/2013, ông nhận của ông Sơn tổng số 20 tỷ đồng. Số tiền này ông Quỳnh chi 3 tỷ mua nhà, 800 triệu mua ôtô, cho 2 con đi du học hết 4,5 tỷ, 2 tỷ mua cổ phiếu, hơn 1 tỷ cho những lần đi tham quan, nghỉ mát… Số còn lại hơn 9 tỷ trong sổ tiết kiệm đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Luật sư nói gì về ‘mắt xích’ PVN-OceanBank?

Bàn tròn thứ Năm về các vụ Đại án, BOT…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘giám sát kém’

Báo Thanh Niên ngày 25/09 mô tả quyết định buộc tất cả các công ty “mẹ con cháu chắt” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải gửi tiền và dùng dịch vụ của OceanBank không chỉ gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mà còn để lại hậu quả đau lòng khi hàng chục lãnh đạo, cán bộ của ngành dầu khí và ngân hàng rơi vào vòng lao lý.

“Vấn đề là tại sao PVN lại chọn OceanBank và tại sao nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng lại ký văn bản buộc toàn ngành dầu khí phải gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm? Tại tòa, Thắm khai chi 246 tỉ đồng lãi ngoài, chăm sóc khách hàng VIP của PVN, song mới chỉ có Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận nhận 20 tỉ chi tiêu cá nhân.

“Vậy số tiền còn lại đã đi đâu và rơi vào túi ai? Liệu có hay không động cơ và mục đích gửi tiền vào OceanBank để “ăn chia” tiền chênh lệch? Câu hỏi này dư luận đang chờ được làm rõ và công khai ở giai đoạn 2, như lời đại diện Viện KSND Hà Nội công bố tại tòa hôm qua,” báo này viết trong bài ‘Cái ‘kết’ cay đắng của liên minh PVN – OceanBank‘.

Hồi đầu tháng Chín, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài mô tả điều họ gọi là OceanBank là “ngân hàng sân sau” của Petrovietnam (PVN).

“Giả sử không có một chủ trương chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, thử hỏi liệu hàng chục công ty con, đơn vị liên doanh liên kết có nhất nhất gửi tiền ở OceanBank không?” nhà báo Hải Lý hỏi.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong các luật sư bào chữa cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn hôm 14/09 lập luận rằng thân chủ của mình “không thể lợi dụng sự phụ thuộc của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vì không thể làm trái thỏa thuận được lãnh đạo của hai tổ chức này đã ký kết”.

Luật sư Tâm nói rằng có một văn bản thỏa thuận cam kết giữa PVN và Oceanbank ký ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng – Chủ tịch HĐQT PVN và ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Đen cho các anh là thờ sai minh chủ, chứ cái chi lãi ngoài đấy thì ngân hàng nhỏ nào chả phải dùng cách đấy. Điều tra cái đấy thì sờ ông nào ông ý chết. Số các anh đen vì minh chủ anh thất thế thôiTrần Minh, BBC Vietnamese Facebook

“Quan hệ giữa Oceanbank với PVN đã được hai ông Chủ tịch thống nhất, thỏa thuận và triển khai những cam kết hỗ trợ tối đa từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang OceanBank công tác, kể cả sau khi Nguyễn Xuân Sơn đã rời khỏi OceanBank,” VOV dẫn lời luật sư Nguyễn Minh Tâm trong bài “Thỏa thuận giữa Oceanbank và PVN có từ thời ông Đinh La Thăng“, đăng vào chiều tối 14/09.

Thỏa thuận giữa PVN và OceanBank được mô tả là xác định việc “PVN hỗ trợ cho Oceanbank về tài chính đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do OceanBank cung cấp”.

Đảng CS: 12 đại án của năm 2017

Lãnh đạo Lọc dầu Dung Quất bác việc ‘nhận tiền’

Khởi tố cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình

Tại các phiên xét hỏi trước, ông Hà Văn Thắm khai đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 300 tỉ đồng để nhờ ông Sơn “chăm sóc nhóm khách hàng tại PVN” và tin rằng ông Sơn “chăm sóc khách hàng rất hiệu quả”.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên mức án tử hình với ông Nguyễn Xuân Sơn và án tù chung thân với ông Hà Văn Thắm, đều là các cựu lãnh đạo OceanBank.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Ông Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ và vi phạm quy định về cho vay.

Hàng chục bị can còn lại bị đề nghị các mức án tù trong khoảng từ 3 tới 27 năm tù.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41383699

 

TBT Trọng ‘không chỉ muốn chống tham nhũng’

Một chuyên gia thường theo dõi chính trị Việt Nam cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang dùng chiến dịch chống tham nhũng để “làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại Hội Đảng kỳ sau”.

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington, DC, Hoa Kỳ, nói với BBC rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn lập lại kỷ luật trong Đảng Cộng sản, duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng với Chính phủ.

“Câu hỏi mà mọi người đặt ra về các điều tra tham nhũng ở Việt Nam là chúng nhằm loại trừ tham ô hay là các tranh chấp chính trị trong hệ thống độc đảng,” ông Abuza chia sẻ.

Ban lãnh đạo đất nước quả thực lo ngại đảng có thể mất tính chính danhGS Abuza

“Ban lãnh đạo đất nước quả thực lo ngại đảng có thể mất tính chính danh” vì tham nhũng tràn lan, giáo sư người Mỹ nói.

“Nhưng kiểu tham nhũng mà đa số người dân gặp hàng ngày – hối lộ, đóng tiền cho con đi học…- lại không phải là ưu tiên cho giới lãnh đạo.”

‘Chính trị Việt Nam đang có sóng ngầm’

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Vì vậy, Tiến sĩ Zachary Abuza khẳng định ông xem các vụ điều tra nổi trội gần đây như việc “hạ bệ” ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị, xử vụ án OceanBank và PetroVietnam… là “mang tính chất chính trị”.

“Ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng công cuộc chống tham nhũng để làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại hội Đảng 13 lần sau.”

Cặp ‘Bảo thủ-Đổi mới’ không còn phù hợp?

Giới quan sát chính trị nước ngoài đôi khi chia thành nhóm “Bảo thủ” và “Đổi mới” khi nói về chính trị Việt Nam.

Tiến sĩ Zachary Abuza thừa nhận ông cũng từng suy nghĩ như vậy.

“Nhưng khi vị Tổng Bí thư ‘bảo thủ’ vào thăm Tòa Bạch Ốc để ủng hộ TPP, ủng hộ thương mại, đầu tư, thì chúng ta cần nghĩ lại những nhãn hiệu đó.”

Thay vào đó, Tiến sĩ Zachary Abuza nay cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đại diện cho quan điểm rằng Đảng Cộng sản cần khôi phục và khẳng định vai trò lãnh đạo trong các quyết định.

“Đại hội Đảng 12, về nhiều mặt, đã là trận chiến giữa những người cổ vũ sự phát triển do giới kỹ trị dẫn dắt, và những người lo ngại Đảng đang để mất quyền quyết định.”

“Ông Nguyễn Phú Trọng và những người khác lo ngại Đảng mất ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.”

Ông Abuza nói từ sau khi được bầu lại tại Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “dùng chống tham nhũng làm cây gậy để nhấn mạnh kỷ luật đảng và đảm bảo Đảng giữ quyền quyết định”.

‘Dựa trên đồng thuận’

Hôm 21/9, viết trên báo Asia Times, cây bút David Hutt cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang “chuẩn bị cho đại hội Đảng năm 2021, tại đó ông hầu như chắc chắn sẽ về hưu và sẽ bàn giao chức vụ của mình và những vị trí cấp cao khác cho những đồng minh được tin tưởng”.

Bài báo này dẫn lời chuyên gia về Việt Nam Carlyle Thayer cho rằng kể từ sau Đại hội 12 năm 2016, ban lãnh đạo muốn xóa bỏ phong thái lãnh đạo “mang tính cá nhân” của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thay vào đó, họ muốn trở lại “kiểu lãnh đạo tập thể dựa trên đồng thuận”.

TBT Trọng thăm TQ và quan hệ Việt–Trung

Dư luận nói gì vụ lãnh đạo Đà Nẵng ‘có các vi phạm’?

Bài của David Hutt đoán rằng ba vị trí hàng đầu – tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước – vào năm 2021 sẽ rơi vào tay những đảng viên “ủng hộ chính trị đồng thuận và lảng tránh phong thái cá nhân được gắn với nhiệm kỳ và các đồng minh của Thủ tướng Dũng”.

Nhưng bên cạnh vấn đề nội bộ đảng, cây bút David Hutt cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, như “gia tăng sức ép của công chúng về cải thiện quyền con người và thậm chí là kêu gọi dân chủ trong số những nhà hoạt động xã hội”.

Kinh tế đang trong “tình thế nhạy cảm, với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu chậm trễ vì thiếu vốn nhà nước và những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng vốn thiếu minh bạch”.

Cũng có thêm đòi hỏi từ người dân muốn có “thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc” vì tranh chấp trên biển.

Vì thế, David Hutt bình phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không chỉ đang chiến đấu để duy trì ổn định trong Đảng Cộng sản, mà còn để bảo đảm sự tồn tại của Đảng như là cơ chế người cầm trịch của quốc gia (national guardian) tiếp tục sau năm thập niên cai trị độc đoán”.

Các bài trên Tạp chí Cộng sản của đảng cầm quyền ở Việt Nam những tháng qua có vẻ xác nhận đánh giá của giới quan sát nước ngoài.

Đó là dùng bộ máy Đảng CS để giám sát, kỷ luật, kiểm tra “thường xuyên và đột xuất” với mọi cơ quan ban ngành.

Về tính cấp bách của công tác này, một bài trên Tạp chí Cộng sản (12/09/2017) nói rằng “nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao đột xuất với yêu cầu ngày càng cao, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động cả hệ thống chính trị”.

Như thế, không cần phải chờ đến các hội nghị trung ương hay kỳ Đại hội Đảng CSVN tới mà ngay bây giờ, các cấp cao nhất của đảng này đang ” kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, theo dõi và tham mưu” một cách toàn diện bộ máy chính quyền ở Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41362639

 

Đức chuyển biến và người Việt cần lên tiếng

Bầu cử tạo ra chấn động lớn cho quốc gia giàu mạnh nhất châu Âu nhưng người Việt Nam tại Đức nói chung và Berlin nói riêng có quan tâm và bám sát tình hình không?

BBC phỏng vấn ông Lê Mạnh Hùng, nhà báo độc lập tại Berlin, thủ đô nước Đức về câu chuyện này.

Đầu tiên BBC hỏi ông có phải ý thức chính trị và tinh thần xã hội muốn ham gia các vấn đề của quốc gia sở tại có phải vẫn còn hạn chế trong số người Việt Nam ở Berlin?

Xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ có vết máu?

“Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui”

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Nhờ mạng xã hội có thể đánh giá được dễ dàng hơn điều này. Có sự khác khác biệt với những lần bầu cử trước là người Việt thế hệ thứ nhất quan tâm nhiều hơn tới các diễn biến trên chính trường Đức, đến bầu cử.

Họ dường như bắt đầu cảm nhận được sự liên quan mật thiết giữa những gì đang diễn ra ở đất nước sở tại và cuộc sống của riêng mình. Ở Đức càng lâu họ sẽ càng vỡ ra điều đó.

Cuộc sống lo lắng về cơm áo, gạo tiền càng ngày đỡ đi, con cái đã lớn, họ có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến xung quanh, nhiều người có quốc tịch Đức hơn, có quyền đi bầu…

Người Việt ở Đức “rất sốc” về vụ Trịnh Xuân Thanh

Việt Nam làm gì để giảm căng thẳng với Đức?

‘Thiên sứ’, ‘bùa hộ mệnh’ của Hitler

Nhưng những thay đổi này vẫn chưa thực sự mạnh. Hạn chế về tiếng Đức là một rào cản lớn với thế hệ thứ nhất nói chung, đặc biệt với khối người ra đi từ miền Bắc Việt Nam nói riêng, bởi quan niệm mang theo từ nhà rằng chính trị là một thứ gì đó xa lạ, thậm chí „nguy hiểm”, nên xa lánh…vẫn còn đè nặng trong tâm trí của họ.

Số đông người Việt vẫn còn bị cuốn hút vào những hoạt động hội hè, đình đám, coi nước Đức chỉ là cõi tạm, quan tâm đến những vấn đề ở VN hơn là nơi mình đang sống.

Thế hệ thứ hai thì lại có điểm khác. Nhóm sinh ra, lớn lên ở Đức, có quốc tịch Đức rất quan tâm đến bầu cử. Trong số gia đình quen biết của chúng tôi, tôi chưa bắt gặp một trường hợp nào không đi bầu. Một vài người bận việc vào ngày bỏ phiếu thì đã tìm cách bầu trước, gửi qua bưu điện…Họ hiểu được giá trị lá phiếu của họ.

Cô gái hàng xóm của tôi nói: “ít nhất cháu cũng không để cho mấy đảng cực đoan chiếm được nhiều phiếu bầu hơn!”. Nhóm người trẻ tuổi tới Đức trễ thì có nhiều điểm tương đồng với thế hệ một. Chúng tôi thường nói đùa là “những người kế cận của thế hệ thứ nhất có nhiều hạn chế”.

BBC:Ông biết có bao nhiêu người Việt là cử tri tại Đức trong kỳ bầu cử Quốc hội năm nay?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Con số chính xác số người thế hệ thứ hai tham gia bầu cử chưa thể có thống kê, nhưng tôi có thể ước đoán được là phần đông tất cả những ai có quốc tịch và quyền tham gia bầu cử.

BBC: Chính sách nhập cư của một chính phủ liên minh mới tại Đức ra sao? Có chỉ dấu là FDP qua lời ông Christian Lindner cũng nói điều kiện để tham gia lập CP cùng đảng CDU của bà Angela Merkel là “ai trượt tỵ nạn phải bị trục xuất ngay”, ông nghĩ sao?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Còn quá sớm để đánh giá về điều này. Đảng CDU của bà Merkel trong những ngày tới sẽ phải có một quá trình đàm phán thương lượng không dễ dàng với một số đảng khác để hình thành một liên minh cầm quyền.

Khác với các nhiệm kỳ trước, khá êm ả với đại liên minh CDU, CSU và SPD, lực lượng đối lập trong quốc hội không mạnh…lần này nếu như các diễn biến sẽ đúng như những gì đã diễn ra sau bầu cử tối hôm qua, sau các cuộc hội luận bàn tròn giữa các đảng có chân trong quốc hội, các cuộc họp báo riêng của từng đảng thì việc đưa ra các chính sách, đường lối đối nội và đối ngoại của liên minh cầm quyền tới đây sẽ luôn bị các đảng đối lập săm soi kỹ lưỡng.

Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?

Ba Lan bắt người làm 17 hộ chiếu Việt Nam giả

Bác sỹ người Việt tại Budapest nói về cuộc sống ở Hungary

Bản thân việc tìm cách liên minh với nhau ở giai đoạn này, các đảng cũng sẽ đưa ra không thiếu gì các phát ngôn mạnh bạo để quảng bá cho mình. Những đề tài lớn như châu Âu, người nhập cư, công bằng xã hội sẽ còn tiếp tục được khai thác triệt để.

Những chính sách, biện pháp cụ thể với người tị nạn bị bác đơn sẽ còn phải bàn thảo nhiều trước khi đưa ra và khả năng thực thi chúng cũng không phải luôn là dễ dàng. Quá khứ đã có nhiều minh chứng về điều này.

BBC:Trở lại vấn đề của cộng đồng Việt ở vùng Berlin và các khu vực khác, họ nên là gì để có tiếng nói ít nhiều tác động đến chính sách của Đức vào thời kỳ mới này?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Theo tôi nghĩ có một điều chắc chắn là tương lai của người gốc nước ngoài sống ở Đức ra sao cũng phụ thuộc một phần vào chính thái độ chính trị của bản thân họ đối với đất nước sở tại.

Quan tâm đến chính trị, dấn thân vào chính trường, mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình, hãy nhận thức rõ rằng đây là nơi mình sẽ sống đến hết đời, là quê hương của con, cháu mình, hãy chung tay đóng góp bảo vệ, xây dựng nó…thì khả năng một kết cục bị thảm bị gây ra bởi các đảng phái cực đoan ở Đức có chân trong chính quyền sẽ được giảm thiểu tối đa.

Lê Mạnh Hùng là nhà báo độc lập và nhà hoạt động văn hóa, đã sống tại Berlin từ năm 1991.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41387070

 

Tàu hải quân Ấn Độ thăm Hải Phòng

Hai tàu hải quân Ấn Độ đang ở thăm cảng Hải Phòng từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Chín. Hai tàu này có tên là Ins Satpura và Ins Kadmatt với 65 sĩ quan và 580 thủy thủ.

Theo một viên Đại tá chỉ huy của phái đoàn hải quân Ấn Độ, thì trong những ngày hai tàu này lưu lại cảng Hải Phòng, hải quân hai nước sẽ huấn luyện chung, thực hành cứu nạn trên biển, sửa chữa tàu, huấn luyện công việc hậu cần.

Việc hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây trước sự lớn mạnh và lấn lướt của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện Ấn Độ đang đóng cho Việt Nam 12 tàu tuần duyên trị giá 100 triệu đô la Mỹ. New Delhi cho Hà Nội vay một khoản tín dụng quân sự trị giá 500 triệu đô la Mỹ để mua sắm các trang thiết bị quốc phòng.

Việt Nam và Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược từ năm 2007. Về quan hệ quốc phòng, vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn, định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến năm 2020.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt nam Parvathaneni Harish mới đây nói rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ông Harish cũng nhìn nhận Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Đây là chính sách nhằm tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ở khu vực Đông Á.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/indian-navy-ships-visit-hai-phong-09252017095706.html

 

Sở TNMT: Hải sản chết tại Vĩnh Tân là do mưa lớn

Hải sản chết tại khu vực biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là do mưa lớn dẫn đến nước biển giảm độ mặn, độ đục tăng nên ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận giải thích như vừa nêu trong báo cáo về nguyên nhân cá, sò, mực chết tại khu vực này trong mấy ngày gần đây.

Ngày 15/9, sau khi người dân phản ánh về tình trạng hải sản chết, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu nước. Kết quả cho thấy các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước tương đối cao, độ PH thấp, là nguyên nhân khiến thủy sản chết.

Giải thích về phản ánh nước biển đục của người dân, Sở Tài nguyên- Môi trường Bình Thuận nói rằng do trong tháng 9 vùng biển bị ảnh hưởng từ cơn bão số 10 gây mưa lớn làm giảm độ mặn và cuốn theo bùn cát từ đất liền.

Sở này cho biết sẽ phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng để tiếp tục theo dõi môi trường nước biển quanh khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seafood-die-around-vinhtan-factory-due-to-heavy-rain-09252017102113.html

 

Các tỉnh miền Trung cần liên kết để phát triển

Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt. Cần phải tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn kinh tế miền Trung, diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 9 tại thành phố Đà Nẵng.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu Việt Nam không tận dụng kết nối Bắc Nam với Đông Tây thì sẽ gặp nhiều bất lợi; trong đó nêu rõ quy hoạch tổng thể kinh tế miền Trung định hướng đến năm 2030 đóng vai trò quan trọng, sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Ông Vương Đình Huệ nhắc lại chủ trương của Việt Nam là dịch vụ và du lịch chiếm đến 40% cơ cấu kinh tế của miền Trung.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiên sĩ Trần Đình Thiên, tại Diễn đàn kinh tế miền Trung cũng đưa ra nhận định mặc dù chủ trương phát triển du lịch miền Trung là trọng điểm quan trọng nhưng thực tế giá trị gia tăng của du lịch tại khu vực này rất thấp. Ông Trần Đình Thiên nói rằng hiện tại du lịch miền Trung không có gì ngoài tắm biển.

Một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn cũng khẳng định các tỉnh miền Trung cần phải liên kết vùng để phát triển mạnh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-needs-to-focus-on-regional-integration-for-economic-development-09252017100417.html

 

Giáo viên bị quy trách nhiệm là trở ngại đổi mới giáo dục

Những đề tài liên quan đến giáo dục tại Việt Nam đã được nhiều người quan tâm bàn tán trong cả một thập niên nay. Người thì cho rằng phải đổi mới, nếu không Việt Nam sẽ bị bỏ rơi trên mặt trận kinh tế thế giới. Người thì cho rằng phải làm một cuộc cách mạng về giáo dục, để tránh tình trạng sinh viên ra trường với mớ kiến thức chẳng nơi nào cần.

Thế nhưng phong trào đổi mới hay cách mạng giáo dục đã không xảy ra, và nay thì người ta đã “tìm ra” nguyên nhân đã làm hụt mất cuộc cách mạng này. Theo ông Tạ Quang Sum- cựu hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa- thì nguyên chân chính đã làm cho công cuộc đổi mới giáo dục không xảy ra chính là… giáo viên!

Tại buổi hội thảo giáo dục 2017, ông Sum cho rằng: “Rất nhiều giáo viên không thích đổi mới vì ảnh hưởng tới việc dạy thêm học thêm. Việc tổ chức tập huấn đổi mới không chính quy, đại khái chủ nghĩa lan rộng, không tạo ra ảnh hưởng gì mới bởi chính những con người cần phải đổi mới”.  Nhiều đại biểu khác thì lại cho rằng tiền lương thấp, chế độ đãi ngộ kém cũng là nguyên nhân khiến giáo viên hiện nay thiếu động lực, trách nhiệm với công việc của mình.

Thay vì phải tìm ra một đường lối mới để thay đổi cho tình trạng giáo dục hiện nay, thì cuối cùng đại hội đổ thừa cho tại giáo viên nên cuộc cách mạng giáo dục đã không xảy như mọi người mong muốn.

Các đại biểu trong đại hội có lẽ cố tình không nhắc đến việc đảng cộng sản xem giáo dục như là một công cụ tuyên truyền chính trị nên có cách mạng. Có đổi mới hay không thì phải đến từ quyết định của đảng chứ không đến từ giáo viên.  Ngày nào còn đảng, thì ngày đó sẽ không có ai chịu trách nhiệm về sự xuống cấp mọi mặt của đất nước Việt Nam.

Tường Thắng / SBTN

http://www.sbtn.tv/giao-vien-bi-quy-trach-nhiem-la-tro-ngai-doi-moi-giao-duc/

 

Bí thư tỉnh ủy Hải Dương bị nghi xử dụng bằng giả

Theo bản tin của tờ Thanh Niên, đại biểu quốc hội đề nghị kiểm tra và xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.

Cũng theo tờ Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hiển bị một số công dân ở Ninh Giang (Hải Dương) tố cáo đã sử dụng bằng cấp 3 của một người khác nhưng cùng họ tên, khác ngày sinh.

Hồi tháng 10, năm 2015, ông Hiển cũng từng bị ông Phan Ngọc Núi, nguyên Phó ban Nội chính tỉnh Hải Dương, tố cáo về việc sử dụng bằng thạc sĩ không hợp pháp. Theo thông tin,  ông Hiển có bằng thạc sĩ theo chương trình đào tạo liên kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và nước ngoài, nhưng không được Bộ giáo dục, đào tạo công nhận. Ông Núi cho biết thời điểm đó ông gửi thư tới Bộ giáo dục – đào tạo và được trả lời bằng thạc sĩ của ông Nguyễn Mạnh Hiển không được công nhận. Tuy nhiên, một số đơn thư của ông sau đó gửi tới Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban Tổ chức trung tương đã không nhận được hồi đáp.

Nhiều người bình luận ngay cả phó ban nội chính khi đi điều tra về vấn đề bằng cấp mà còn bị cho phớt lờ không nhận được hồi đáp, thì cần đánh giá lại công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực mà Nguyễn Phú Trọng đề ra hiện nay.

Tường Thắng / SBTN

http://www.sbtn.tv/bi-thu-tinh-uy-hai-duong-bi-nghi-xu-dung-bang-gia/

 

Vụ Nguyễn Xuân Anh: Thêm ‘dấu vết’ quan chức khác

Viễn Đông

Phát hiện thêm quan chức Việt Nam từng lấy bằng tiến sĩ từ trường đại học Mỹ ở California, hiện là tâm điểm của trong vụ bê bối liên quan tới Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập và là chủ tịch của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], tiết lộ với VOA Việt Ngữ rằng chính cơ quan điều tra và thông báo các sai phạm của ông Anh từng thông qua bằng cấp mà trường trao cho một quan chức của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tiến sĩ Mai Quốc Bình, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, tốt nghiệp tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) từ trường SCUPS và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từng điều tra việc học của ông Bình và chấp thuận [bằng cấp] lúc ông ấy được bổ nhiệm chức vụ này.

Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Ông Hecht nói với VOA Việt Ngữ: “Tiến sĩ Mai Quốc Bình, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, tốt nghiệp tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) từ trường SCUPS và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từng điều tra việc học của ông Bình và chấp thuận [bằng cấp] lúc ông ấy được bổ nhiệm chức vụ này”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để xác nhận với ông Bình, hiện đã nghỉ hưu, về chuyện bằng SCUPS của ông.

Ông Hecht nói thêm rằng không chỉ có hàng trăm người có chức quyền Việt Nam từng nhận bằng từ SCUPS, còn có nhiều cá nhân và các lãnh đạo khả kính của Campuchia và Trung Quốc “cũng nhận bằng” từ trường của ông.

Ông cho biết thêm: “Thủ tướng [Campuchia] Hun Sen, [cựu] đồng Thủ tướng Ranarith và [cố] chủ tịch đảng [Nhân dân Campuchia] Chia Sim từng nhận bằng tiến sĩ danh dự từ SCUPS. Chủ tịch của một số ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc từng tốt nghiệp từ trường SCUPS”.

Sau khi VOA tiếng Việt tuần trước dẫn lời ông Hecht đăng tin về việc trường SCUPS từng hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cho phép cấp bằng ở Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước đã vào cuộc điều tra về sự liên đới này.

Theo báo Tuổi Trẻ, năm 1999Bộ GD&ĐT đồng ý cho Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở mục sau ĐH với SCUPS, với khuyến cáo rằng “đây là chương trình thử nghiệm và đào tạo từ xa, nên đại học phía Việt Nam “phải phối hợp các cơ quan hữu trách để quản lý tốt chương trình”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 18/9 thông báo rằng một trong các vi phạm của ông Anh là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định”.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng từng nhận bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh (MBA) năm 2002 và tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) năm 2006 từ SCUPS, tức trước thời điểm trường này được chứng nhận chất lượng năm 2010.

Ngoài ông Anh, VOA tiếng Việt đã tìm thấy lý lịch của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam ghi phần học vấn là tiến sĩ tại SCUPS.

Trong khi đó, tờ Dân Việt hôm 22/9 dẫn lời Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, “nếu tiến hành tổng rà soát bằng cấp của các cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể sẽ khui ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp chất lượng còn thấp hơn so với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh”. Tuy nhiên, chưa rõ ông Vân dựa vào dữ liệu nào để đi tới nhận định này.

Nếu tiến hành tổng rà soát bằng cấp của các cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể sẽ khui ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp chất lượng còn thấp hơn so với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh.

Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Báo này năm 2013 cũng đã đăng tải một bài viết về chuyện “dư luận xôn xao” việc một phó hiệu trưởng một trường đại học có tiếng ở TP HCM “sử dụng bằng giả” của SCUPS.

Trong một diễn biến liên quan tới chuyện bằng cấp của quan chức Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước hôm 25/9 đưa tin về việc “đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa chuyển đơn của công dân tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kiểm tra, xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương”. Trả lời tờ Dân Trí sau đó, ông Hiển nói rằng “mình học thật, có bằng thật”.

https://www.voatiengviet.com/a/lan-ra-them-dau-vet-quan-chuc-khac-trong-vu-bang-cap-cua-ong-nguyen-xuan-anh/4043320.html

 

An ninh ‘sách nhiễu’ các nhà hoạt động ở Tp.HCM

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cáo buộc bị “sách nhiễu” ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Cùng bị “sách nhiễu” là hai học viên của một lớp về hoạt động xã hội dân sự.

Ông Hà cho VOA biết, vụ việc xảy ra tối hôm 23/9 với việc các sỹ quan an ninh Việt Nam mặc thường phục thừa lúc ông đi vắng đã “đột nhập” vào và “lục soát” căn hộ nơi ông tạm trú ít ngày ở phường 5, quận 11.

Khi ông quay lại căn hộ, các nhân viên an ninh vẫn ở trong đó và ép buộc ông phải trả lời các câu hỏi của họ. Ông Hà, người đã có nhiều bài viết trên Internet về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nói rằng ông đã bị các nhân viên an ninh đánh nhiều lần vào đầu, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Phía an ninh nói với ông Hà rằng họ nghi ông có mặt ở Tp.HCM để tham gia dạy về hoạt động xã hội dân sự trong chương trình do một nhà hoạt động khác là ông Nguyễn Hồ Nhật Thành điều hành.

Ông Thành xác nhận với VOA rằng căn hộ nơi ông Hà tạm trú là nơi diễn ra các “buổi chia sẻ kiến thức căn bản về dân chủ”.

Hai học viên của các buổi học học gồm một nữ và một nam đã đến căn hộ không lâu sau khi ông Nguyễn Đình Hà bị an ninh “phục kích”, và họ cũng đã bị đưa về một đồn công an phường gần đó cùng với ông Hà.

Chứng tỏ ở đây là họ muốn đánh phá một lớp học về xã hội dân sự. Cái đó chính là nguyên nhân họ ‘phục kích’ trong căn hộ đó. Họ sợ người dân biết kiến thức liên quan đến pháp luật, chính trị, truyền thông. Đó là những kỹ năng rất cơ bản giúp con người nói thật, biết những quyền cơ bản của mình.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà

Quát nạt và đe dọa dùng vũ lực, các nhân viên an ninh khăng khăng cáo buộc ông Hà tham gia dạy cho các lớp “chống phá chính quyền” của ông Nguyễn Hồ Nhật Thành.

Nhưng ông Hà khẳng định “không biết”, “không liên quan” đến các lớp học như vậy, ông chỉ ở tạm thời trong căn hộ trước khi tìm nơi ở mới. Nhà hoạt động từng tự ứng cử đại biểu quốc hội nhận định:

“Chứng tỏ ở đây là họ muốn đánh phá một lớp học về xã hội dân sự. Cái đó chính là nguyên nhân họ ‘phục kích’ trong căn hộ đó. Họ sợ người dân biết kiến thức liên quan đến pháp luật, chính trị, truyền thông. Đó là những kỹ năng rất cơ bản giúp con người nói thật, biết những quyền cơ bản của mình, từ đó thức tỉnh những ý thức chính trị, từ đó bước qua nỗi sợ hãi và dấn thân vào con đường đưa Việt Nam trở thành nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, một vụ sách nhiễu tương tự với một lớp về xã hội dân sự cũng đã xảy ra ở Tp.HCM. Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người đóng vai trò chủ chốt thực hiện các lớp học đã bị đe dọa và tạm giữ khi đó.

Đối với những hoạt động có tính chất không vâng phục nhà cầm quyền thì họ luôn đánh giá những hoạt động như vậy là mang tính thù địch. Họ luôn kiếm mọi cách họ ngăn chặn, đàn áp, mặc dù tất cả những hoạt động đó đều ôn hòa và hợp pháp.

Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành

Hơn nửa năm trôi qua không có vấn đề gì với các lớp học này, nên ông Thành “khá bất ngờ” về sự việc vừa xảy ra với ông Hà. Ông Thành đưa ra ý kiến:

“Tư duy ‘ta và địch’ họ vẫn giữ cho đến hôm nay. Đối với những hoạt động có tính chất không vâng phục nhà cầm quyền thì họ luôn đánh giá những hoạt động như vậy là mang tính thù địch. Họ luôn kiếm mọi cách họ ngăn chặn, đàn áp, mặc dù tất cả những hoạt động đó đều ôn hòa và hợp pháp”.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cho biết tại đồn công an, các nhân viên an ninh đã buộc ông phải cho họ tiếp cận các dữ liệu trong máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh, các thẻ nhớ của ông, sau khi họ “tịch thu” các thiết bị này mà không giao cho ông Hà biên bản.

Theo lời ông Hà, trong máy ảnh và các thẻ nhớ có các cuộc phỏng vấn giữa ông và một số nhà hoạt động.

Phía an ninh đã in ra các bài viết của ông dành cho đài Á châu Tự do (RFA) và các tin nhắn trong tài khoản Facebook cá nhân của ông, ông Hà cho hay.

Đối với tôi, an toàn sức khỏe của cá nhân là quan trọng hơn, nên tôi thực hiện theo yêu cầu của họ. Tôi vẫn khẳng định một điều trong đầu mình rằng những tờ giấy đó mình ghi nó như giấy gói xôi ấy. Nó không có giá trị pháp lý đối với tôi hay cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Hà

Đã có hai nhân viên tự xưng là sỹ quan hình sự mặc thường phục ép ông Hà viết một “bản thú tội” rằng ông là “phản động” cũng như tham gia và nhận tiền từ các tổ chức chống phá Việt Nam.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, người cũng là luật gia, nói:

“Đối với tôi, an toàn sức khỏe của cá nhân là quan trọng hơn, nên tôi thực hiện theo yêu cầu của họ. Tôi vẫn khẳng định một điều trong đầu mình rằng những tờ giấy đó mình ghi nó như giấy gói xôi ấy. Nó không có giá trị pháp lý đối với tôi hay cộng đồng quốc tế”.

Ông Hà cũng bị ép phải viết rằng ông đồng ý “làm cơ sở cho cơ quan an ninh” – thuật ngữ để chỉ người làm chỉ điểm hoặc hoạt động ngầm để thu thập thông tin cho Bộ Công an Việt Nam. Riêng về điều này, ông cho VOA biết ông chỉ viết trong “bản thú tội” rằng ông sẽ “không làm điều gì gây phương hại đến an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc”.

Sau 20 tiếng bị tạm giữ và thẩm vấn, ông Hà đã được thả nhưng ông sẽ phải “làm việc tiếp” với Tổng cục An ninh – Chi nhánh phía Nam của Bộ Công an ở Tp.HCM vào ngày 27/9 tới, ông cho hay.

Chiều tối ngày 25/9, VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với cơ quan an ninh này để hỏi ý kiến về trường hợp liên quan tới ông Hà.

https://www.voatiengviet.com/a/an-ninh-sach-nhieu-cac-nha-hoat-dong-o-tphcm/4043224.html

 

Trung Quốc ‘rút’ phim chiến tranh Việt – Trung vào phút chót

Một bộ phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương về các cựu chiến binh tham chiến trong chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 đã bị hoãn chiếu vào phút chót, ngay trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một nguồn tin cho biết.

Bộ phim “Phương Hoa” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, dự kiến sẽ được phát hành trên khắp Trung Quốc vào ngày 29/9 trong dịp lễ quốc khánh nước này.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngắn trên mạng hôm 24/9, nhà sản xuất phim cho biết ngày phát hành sẽ bị hoãn lại sau khi “thảo luận với cục quản lý phim và các cơ quan hữu quan.”

“Ngày phát hành mới sẽ được công bố sau. Chúng tôi xin lỗi các rạp chiếu bóng và khán giả về bất kỳ sự bất tiện nào gây ra,” bản tuyên bố nói.

Bộ phim kể về câu chuyện của một đoàn văn công quân đội trong Cách mạng Văn hoá và cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Việc hoãn ra mắt bộ phim xảy ra khi vé đã bán và việc quảng cáo cho bộ phim này đang được tiến hành, theo Global Times.

Ông Wang Zhonglei, Chủ tịch của công ty truyền thông Huayi Brothers Media, một trong những đơn vị tài trợ bộ phim, khẳng định bộ phim sẽ không được chiếu trong dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Cả văn phòng của đạo diễn Phùng Tiểu Cương và công ty Huayi Brothers đều không đưa ra lý do vì sao có sự thay đổi vào phút chót.

Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, cơ quan giám sát ngành điện ảnh ở Trung Quốc, không trả lời điện thoại vào ngày 24/9, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Một nguồn tin trong ngành điện ảnh nói rằng bộ phim đã đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm và các nhà chức trách không muốn phát hành bộ phim này trước khi Đảng Cộng sản tiến hành đại hội vào tháng tới.

Đại hội dự kiến khai mạc vào ngày 18/10 và sẽ dẫn tới sự thay đổi lãnh đạo cấp cao.

Để đảm bảo sự chuyển đổi suôn sẻ, chính quyền sẽ ngăn chặn các vấn đề nhạy cảm từ giới truyền thông, ngăn cản những người biểu tình xâm nhập thủ đô Bắc Kinh và đóng cửa hàng chục nhà máy gần thủ đô để giảm thiểu nạn ô nhiễm.

Nhiều năm qua truyền hình và điện ảnh Trung Quốc tràn ngập các đề tài về các cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Nhật Bản vào những năm 1930 và 1940, nhưng rất ít nói về cuộc xung đột biên giới Trung – Việt.

Các cựu chiến binh cũng đã từng nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh trong vài năm qua, yêu cầu chính phủ bồi thường và cấp phúc lợi xã hội tốt hơn.

Được mệnh danh là “Steven Spielberg của Trung Quốc”, đạo diễn Phùng Tiểu Cương, 60 tuổi, nói với đội sản xuất của mình rằng ông muốn phim “Phương Hoa” là một xuất phẩm tri ân những người lính chiến đấu trong cuộc xung đột biên giới Trung – Việt.

Báo Dazhong Daily trích lời ông Cương nói hôm 22/9: “Những gì tôi đang cố gắng nói với khán giả hoàn toàn không phải về sức mạnh của chiến tranh. Tôi sẽ không ca ngợi chiến tranh. Tôi muốn khán giả nhìn thấy sự tàn ác của chiến tranh.”

Tin cho hay, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã bán ra 10.000 vé cho bộ phim, thúc giục giới trẻ cùng phụ huynh xem phim “Phương Hoa”. Ông hy vọng những người trẻ tuổi sẽ không quên những bài học về lịch sử, và học tập để bảo vệ hòa bình và hiểu thêm về cha mẹ của họ, ông Feng nói trên blog hôm 20/9.

Phùng Tiểu Cương là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông từng phục vụ trong quân đội vào đầu những năm 1980.

Bộ phim dài 146 phút, nói về khoảng thời gian 20 năm từ giữa những năm 1970 đến những năm 1990, đã ghi lại sự trưởng thành của một số nghệ sĩ trong đoàn văn công của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong phim có 6 phút nói về cuộc xung đột Trung-Việt (1978 – 1979), một bước ngoặc quan trọng đã làm thay đổi số phận của nhân vật chính.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-rut-phim-chien-tranh-viet-trung-vao-phut-chot/4043111.html