Tin khắp nơi – 25/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/09/2017

Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng

các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn

Ỷ Lan, phóng viên RFA

Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ vừa họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 năm nay.

Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan, bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek. Từ đó trở về sau, mỗi hai năm Hội nghị họp một lần để đánh giá tiến trình dân chủ cũng như vạch kế hoạch thăng tiến dân chủ trong toàn thế giới. Các hội nghị trước đây đã được tổ chức tại những quốc gia vừa bước sang con đường dân chủ, như Ba Lan, Nam Hàn, Mông Cổ, Chile, Mali, Bồ Đào Nha, Lithuania, San Salvador, và kỳ này tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.

Khác với 8 kỳ trước, Hội nghị Cấp Bộ trưởng lần IX lần này chỉ họp ở cấp cao, gồm 30 Chính phủ thuộc 30 quốc gia thành viên Hội đồng Điều hành các Quốc gia Dân chủ, và 23 Uỷ viên Ban Thường vụ “Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”.

Ba chủ đề chính của Hội nghị là: Không gian Dân sự bị thu hẹp – Dân chủ và Phát triển – và An ninh và Dân chủ .

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright nhận xét qua bản phúc trình về An ninh và Dân chủ rằng :

Madeleine Albright: “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ có vai trò quan trọng là tập hợp mọi khuynh hướng dân chủ hiện nay và lâu trước, để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cùng giúp đỡ nhau giải quyết những thách thức chung. Nguyên tắc đoàn kết dân chủ là sức mạnh. Vòng quanh địa cầu, các chính phủ đến cùng nhau vì lý do địa lý, kinh tế, lịch sử và đức tin tôn giáo, nhưng chẳng có gì tốt đẹp hơn từ cơ bản, là hậu thuẫn nhau trong sự chia sẻ mối bận tâm cho tự do. Chính vì lý do này mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ xứng đáng tồn tại ở cấp cao cho mối bận tâm của giới lãnh đạo chúng ta. Không chỉ chớp nhoáng tại các Hội nghị thường kỳ, mà là thông qua các chính sách và hành động mỗi ngày”.

Tại lễ bế mạc Hội nghị tổ chức trong khuôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Rex Tillerson xác định : “Hội nghị Cấp Bộ trưởng Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kỳ nầy tới đúng thời điểm trông chờ của nó. Đây là lý do cho sự có mặt của chúng ta hôm nay. Và vì sao cuộc tập họp tiếp tục hiện hữu. Là Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng ta biết rằng Dân chủ là hình thái lãnh đạo đem lại hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại quốc gia mình hay khắp mọi nơi. Chúng ta biết rằng các chính phủ đeo đuổi những nguyên tắc và thực hành dân chủ đều hưởng sự an toàn, lành mạnh, an ninh tối đa, với thiên hướng tôn trọng nhân quyền cho công dân họ. Chúng ta cũng biết rằng thể chế dân chủi chưa hoàn mỹ. Nên thể chế dân chủ bắt chúng ta phải biết khó khăn chọn lọc, kiên trì thực hiện và luôn luôn cảnh giác. Nhưng chỉ có thể chế dân chủ là hệ thống chính trị bảo đảm cho người công dân quyền tham gia, bằng cách nào và với ai họ lãnh đạo. Đây chính là lý do chúng ta ủng hộ và phát triển tự do và dân chủ trên toàn thế giới”.

Nhân dịp Bà Maria Lessner, Bộ trưởng Dân chủ Thuỵ Điển mãn nhiệm kỳ Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng tôi tìm gặp người kế nhiệm, Tiến sĩ Thomas Garrett, để hỏi cảm tưởng ông về Hội nghị Cấp cao Bộ trưởng lần thứ 9 này ?

Thomas Garrett: “Hội nghị Cấp Bộ trưởng kỳ này có chút khác biệt với các kỳ Hội nghị trước, vì chỉ là cuộc họp của Hội đồng Chính phủ của 30 quốc gia trong Cộng đồng Các Quốc gia Dân chủ, là những quốc gia từng dứt khoát gắn bó với nền dân chủ trên thế giới, từ Hoa Kỳ và Canada đến Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Tất cả 30 quốc gia này mang lời hứa trịnh trọng bảo vệ không gian cho các xã hội dân sự, hoạt động một cách dân chủ trong bất cứ tình huống nào, và mang lại kinh nghiệm của họ để giúp đỡ các quốc gia đang chuyển hướng sang dân chủ.”

Ỷ Lan: Ông vừa được bầu vào ghế Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Vì sao phong trào này trọng thiết đối với ông, và ông hy vọng gì để hoàn tất nhiệm vụ ?

Thomas Garrett: “Khi nhìn lại Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, tôi nghĩ rằng đây là một tổ chức liên chính phủ rất quan trọng, lập thành từ những quốc gia tận tuỵ với các nguyên tắc dân chủ. Thế giới ngày nay thực sự cần thiết có một tổ chức như thế. Tôi hy vọng rằng tôi có thể cáng đáng, có thể là theo một hướng mới, và tôi thấy kích thích xông    vào việc để đấy mạnh dân chủ trên toàn thê giới.”

Ỷ Lan: Cuộc phỏng vấn này sẽ được phát về Việt Nam. Ông có đôi lời gì gửi tới giới bạn trẻ ở Việt Nam hiện đang hoạt động với hy vọng tiến sang một thể chế dân chủ ?

Thomas Garrett: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam rằng, các bạn không là Tương lai, các bạn là Hiện tại đương thời. Chúng ta nghe được thông điệp cất lên tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng hôm nay của giới hoạt động trẻ, kể cả một thanh niên Bắc Triều Tiên. Xin chớ giới hạn trong biên giới một quốc gia, các bạn đang có trong tay Internet, các bạn đang có mạng truyền thông xã hội, các bạn đang có nhiều bạn bè trẻ tuổi khác đang tím cách nối kết với các bạn. Tôi mời gọi các bạn hãy nối kết với bạn bè khắp nơi, cùng nhau học hỏi và tìm mọi cách thực hiện các bài học này tại quốc gia Việt Nam của bạn. Trong lịch sử chưa bao giờ thế giới đầy ắp giới trẻ như ngày nay, và chẳng có lý do gì giới trẻ không chuyển thay nghịch cảnh.”

Tham gia Hội nghị với tư cách Ủy viên Ban Thường vụ “Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” đại diện Cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái được bầu vào Ban Cố vấn Ban Thường vụ Quốc tế, cho biết cảm tưởng như sau:

Võ Văn Ái: “Sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 90 thế kỷ trước, có thể nói phong trào Dân chủ nổi lên như thuỷ triều khắp thế giới. Nhưng vào năm 2017 này, do nhiều lý do, phải nói rằng cao trào Dân chủ đang bị thối lui. Đây là lý do bó buộc các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam phải suy nghĩ để rút bài học, và đề xuất mô thức dân chủ châu Á. Thiển ý tôi, cuộc khủng hoảng trong phong trào dân chủ ngày nay đến từ sự thiếu vắng một Niểm Tin mới. Các quốc gia thì bị lăn trôi theo nạn khủng bố toàn cầu, và lún chìm vô vọng trong xã hội tiêu thụ, làm đánh mất lý tưởng. Tôi tin rằng người Châu Á sống trong đức tin thương người cứu đời, từ nhiều nghìn năm qua, có thể xúc tác cho sự bùng dậy cơn thuỷ triều dân chủ mới. Dù sao tôi cũng rất mừng, vì tại Hội nghị này các nước dân chủ về tham dự đã nhìn thấy một sự thực, là các quốc gia độc tài đang bóp chết không gian sinh hoạt dành cho các các xã hội dân sự, vốn là nên móng cho tiến trình dân chủ. Đặc biệt tại Việt Nam”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/community-of-democracies-ninth-ministerial-09252017114553.html

 

Mỹ thêm Bắc Hàn vào lệnh cấm nhập cảnh mở rộng

Hoa Kỳ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi đối với những công dân Bắc Hàn, Venezuela và Chad.

Nhà Trắng nói rằng sự hạn chế này được đưa ra sau việc xem xét thông tin được chia sẻ từ các chính phủ nước ngoài.

Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh đêm 24/9.

Ông Trump nói: “Làm cho nước Mỹ an toàn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chúng ta sẽ không cho những người nào vào nước Mỹ mà chúng ta không thể rà soát hồ sơ của họ.”

Những hạn chế đối với công dân Venezuela chỉ áp dụng cho các quan chức chính phủ và thân nhân họ.

Lệnh cấm dân sáu nước vào Mỹ có hiệu lực

‘Không thể vào Mỹ sau sắc lệnh của Trump’

Ba nước nêu trên mới được thêm vào danh sách 5 quốc gia khác bị áp lệnh cấm nhập cảnh ban đầu của ông Trump: Iran, Libya, Syria, Yemen, và Somalia. Tuy nhiên, lệnh cấm mới gỡ bỏ những hạn chế nhắm vào Sudan.

Lệnh cấm ban đầu của ông Trump gây nhiều tranh cãi vì ảnh hưởng tới sáu quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo, và được xem là “lệnh cấm người Hồi giáo”.

‘Cuộc chiến pháp lý’

Lệnh cấm gây ra ra cuộc chiến pháp lý và làm nảy sinh một số cuộc biểu tình quy mô lớn. Dự kiến phiên điều trần về lệnh này tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào tháng Mười, sau khi lệnh được khôi phục một phần vào tháng Bảy.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cho hay việc bổ sung các quốc gia mới “không che đậy thực tế là lệnh của chính quyền Trump vẫn là lệnh cấm người Hồi giáo”.

Chưa rõ là lệnh mới của Tổng thống Trump, thay đổi một số điều khoản quan trọng, sẽ ảnh hưởng thế nào đến các vụ kiện.

Việc thêm Bắc Hàn và Venezuela nghĩa là không phải tất cả các quốc gia trong danh sách này đều là nước có đa số dân là Hồi giáo.

Tiêu chí cho danh sách cấm mới bây giờ dựa trên quy trình rà soát và sự hợp tác với chính phủ Mỹ, và những hạn chế được “điều chỉnh” trên cơ sở từng quốc gia:

Nhà Trắng cho biết Bắc Hàn không hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ “về mọi mặt” và không đáp ứng mọi yêu cầu – do đó tất cả các công dân nước này đều bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ

Chad, quốc gia Trung Phi, là đối tác chống khủng bố quan trọng, không chia sẻ các thông tin liên quan đến khủng bố và các thông tin khác mà chính phủ Mỹ yêu cầu nên các thị thực kinh doanh và du lịch cho người dân nước này vào Mỹ cũng bị tạm đình chỉ

Chỉ “một số quan chức chính phủ Venezuela và thân nhân họ” bị cấm – chính phủ Venezuela gần đây bị Hoa Kỳ cấm vận kinh tế do không hợp tác về việc “xác minh liệu công dân Venezuela có đe dọa an ninh quốc gia” và không có thiện chí nhận lại những công dân bị trục xuất

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41383359

 

Cập nhật tình hình liên quan người tỵ nạn Rohingya

Quân đội Miến Điện tiếp tục thực hiện những cuộc hành quân tại bang Rakhine để truy lùng quân khủng bố Hồi Giáo Rohingya, đồng thời tìm kiếm xác của những người theo Ấn Giáo bị khủng bố sát hại.

Các bản tin chúng tôi thu thập được cho hay binh sĩ Miến đã tìm thấy mồ chôn 28 người theo Ấn Giáo bị khủng bố Rohingya giết chết hồi tuần trước, trong khi cư dân địa phương cho hay số người bị giết có thể lên đến hơn 100 người.

Trong lời tuyên bố được ghi trên Facebook, Tư Lệnh Quân Đội Miến là Tướng Min Aung Hlaing viết rằng những người Ấn Giáo là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi Giáo Rohingya, nhắc lại cam kết sẽ tiêu diệt bọn gian để ổn định tình hình.

Lực lượng khủng bố đang bị quân đội Miến Điện truy lùng có tên là Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, là nhóm đã mở cuộc tấn công nhắm vào những đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự Miến hôm 25 tháng Tám vừa rồi, khởi đầu cho những cuộc giao tranh với quân đội chính phủ, dẫn đến việc 435.000 ngàn người thiểu số Rohingya phải chạy lánh nạn, phần lớn sang Bangladesh xin tá túc.

Trong bản thông cáo phổ biến sáng ngày 25 tháng 9, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo dịch tiêu chảy có thể xày ra ở các trại tỵ nạn vì điều kiện an toàn vệ sinh quá tệ.

Cuối tuần trước, Tổ Chức Bác Sĩ Không Biên Giới cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nói rắng các trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện đang ở trong tình trạng được gọi là thảm họa về sức khỏe cộng đồng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Misbah Uddin Ahmet, viên chức đặc trách y tế của Bangladesh cho biết quân đội nước này đang cố gắng tối đa để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tỵ nạn Rohingya.

Cũng vào sáng 25 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tôn trọng quyết định của chính phủ Malaysia, liên quan đến bản tuyên bố mà Phi cho phổ biến hôm thứ Bảy tuần trước tại New York về tình trạng bất ổn đang xảy ra ở bang Rakhine, Miến Điện.

Bản tuyên bố được chính phủ Phi đưa ra tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN viết rằng các nước thành viên của tổ chức lên án việc quân khủng bố mở các cuộc tấn công nhắm vào những đơn vị an ninh Miến, và tất cả những hành vi bạo động gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, phá hủy nhà cửa của dân chúng và đẩy cư dân tới chỗ phải chạy lánh nạn.

Ngay sau đó, chính phủ Malaysia lên tiếng yêu cầu rút tên khỏi bản tuyên bố, nói rằng những lời lẽ được chính phủ Phi đưa ra không nêu đúng sự thật đang xảy ra ở Miến Điện.

Ngoại Trưởng Malaysia, ông Anifah Aman, nói rõ chính phủ nước ông lên án hành động khủng bố của Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, nhưng đồng thời cáo buộc chính phủ Miến đã để yên cho quân đội mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào tập thể Hồi Giáo Rohingya.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asean-philippines-malaysia-myanmar-rohingya-update-09252017104107.html

 

Đảng chống di dân AfD lần đầu tiên đặt chân vào quốc hội

làm dư luận Đức quan tâm

Berlin, Đức. (Reuters) – Sáng nay 25/09, nhiều người Đức thức dậy với nỗi kinh ngạc về kết quả của cuộc tổng tuyển cử hôm qua, cho thấy đảng chống di dân Alternative for Germany, viết tắt là AfD đã đưa người của họ vào quốc hội với tỉ lệ 12.6% phiếu bầu.

Nhiều người đến sở làm ở các thành phố miền tây nước Đức như Frankfurt và Cologne nói rằng họ lo lắng và rất tiếc về kết quả này. Sự kiện trên cho thấy các cử tri miền đông nước Đức tức giận vì quyết định của thủ tướng Angela Merkel mở cửa biên giới cho hàng trăm ngàn người tị nạn vào nước này, khiến đảng bảo thủ của bà bị sa sút uy tín tồi tệ chưa từng có kể từ năm 1949 cho đến nay.

Kết quả bầu cử cho thấy đảng liên minh CDU và CSU của thủ tướng Angela Merkel giành được 33% phiếu bầu, sụt 8.5% trong khi đảng SPD giành được 20.5% số phiếu, sụt 5.2%. Đảng AfD đang về thứ 3 với 12.6% phiếu bầu. Đây là lần đầu tiên một đảng chống di dân bước vào quốc hội Đức sau hơn nửa thế kỷ.

Đảng của bà Merkel vẫn là khối lớn nhất tại quốc hội, và bà vẫn là nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất Liên Âu. Hôm nay, thủ tướng Angela Merkel đã được chào đón nồng nhiệt khi đến tổng hành dinh của đảng của bà ở Berlin. Bà trở lại với công việc tìm kiếm sự liên kết với các đảng khác để thành lập chính phủ liên minh, bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư sau cuộc tổng tuyển cử kết thúc vào ngày hôm qua. Merkel cho biết chính phủ liên minh sẽ được công bố vào dịp lễ Giáng Sinh năm nay.

Mặt khác, nhiều tiếng đồng hồ sau khi các phòng phiếu đóng cửa và quốc hội mới được bầu, đảng đối lập cánh tả Đức tiên đoán sẽ có sự thay đổi chính sách của Berlin đối với nước Nga. Hồi tháng 7 qua, Đức thúc giục Liên Âu ghi thêm vào danh sách cấm vận một số công ty và công dân Nga vì vụ Nga sáp nhập Crimea. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/dang-chong-di-dan-afd-lan-dau-tien-dat-chan-vao-quoc-hoi-lam-du-luan-duc-quan-tam/

 

Thượng nghị sĩ Ted Cruz tuyên bố

không ủng hộ dự luật Graham-Cassidy

Washington DC. (CBS) – Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của Texas cho biết ông không ủng hộ dự luật Graham-Cassidy nhằm xóa bỏ và thay thế Obamacare, dù nhấn mạnh ông đang làm việc với các nhà tài trợ của dự luật để có thể bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Ông Cruz đưa ra ý kiến trên tại Texas Tribune Festival thường niên ở Austin, cho biết Thượng Nghị Sĩ Mike Lee của Utah cũng không ủng hộ dự luật. Ông Cruz tin Obamacare là một thảm họa và phải được xóa bỏ, nhưng muốn dự luật Graham-Cassidy tập trung nhiều hơn vào tự do lựa chọn của khách hàng.

Tuyên bố được ông Cruz đưa ra giữa lúc hy vọng của đảng Cộng Hòa nhằm xóa bỏ và thay thế Obamacare ngày càng mỏng manh. Chỉ cần hơn 2 phiếu phản đối là buổi bỏ phiếu tại Thượng Viện lại thất bại một lần nữa. Tới hôm nay, ngoài ông Ted Cruz và ông Mike Lee, còn có Thượng Nghị Sĩ John McCain của Arizona, Rand Paul của Kentucky, tuyên bố không ủng hộ.  Thượng nghị sĩ Susan Collins của Maine và Lisa Murkowski của Alaska, chưa tuyên bố rõ ràng.

Ông Paul cho biết sẵn sàng ủng hộ dự luật nếu các đồng nghiệp xóa luôn điều khoản mở rộng Medicaid, cũng như điều khoản chi tiền phụ cấp bằng quỹ liên bang cho chương trình này.

Ngược lại, bà Collins cho biết sẵn sàng ủng hộ dự luật nếu họ vẫn giữ nguyên chương trình trợ cấp cho Medicaid, trong đó bao gồm người cao niên, người tàn tật và người bị mất sức lao động. Tuy nhiên bà Collins muốn đợi đánh giá của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội trước khi đưa ra quyết định.

Còn bà Murkowski cho biết nhận được lời khuyên của Thống Đốc Alaska, nhưng tới giờ này vẫn chưa thông báo có ủng hộ dự luật Graham-Cassidy không. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/thuong-nghi-si-ted-cruz-tuyen-bo-khong-ung-ho-du-luat-graham-cassidy/

 

Sắc lệnh mới của tổng thống Trump

cấm công dân các quốc gia Hồi Giáo vào Hoa Kỳ

Washington DC. (CBS) – Theo tìm hiểu của CBS News, các viên chức cho biết lệnh cấm mới sẽ áp dụng cho Chad, Iran, Libya, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Venezuela và Yemen. Những quốc gia này được cho là không thực hiện đầy đủ thủ tục nhận dạng; không chia sẻ thông tin; và có yếu tố nguy cơ.

Sắc lệnh mới không có những điều khoản của sắc lệnh Tháng 3, mà được điều chỉnh từng điều khoản cho riêng từng quốc gia. Quyền Bộ Trưởng Bộ Nội An Elaine Duke đánh giá rằng Iraq không đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản, do đó Bộ Nội An đề nghị công dân Iraq muốn vào Hoa Kỳ phải chịu sự giám sát bổ sung, để xác định xem họ có phải là mối nguy đối với an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng không.

Các viên chức xác nhận Hoa Kỳ nới lỏng hạn chế đối với Iran, Libya, Syria, Yemen và Somalia, và hoàn toàn xóa bỏ lệnh cấm đối với Sudan. Tuy nhiên Hoa Kỳ bổ sung thêm 4 quốc gia Chad, Iraq, Bắc Hàn và Venezuela vào lệnh cấm, vì 4 quốc gia này không tuân theo thủ tục kiểm tra của Hoa Kỳ.

Theo một số viên chức cao cấp, trong khi tiếp tục đe doạ và khiêu khích Hoa Kỳ bằng những đợt thử nghiệm nguyên tử liên tục, chế độ cộng sản Bắc Hàn hoàn toàn không hợp tác với bất kỳ yêu cầu cơ bản nào về lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Việc thiếu chia sẻ thông tin giữa 2 quốc gia khiến cho việc xác định và kiểm tra công dân Bắc Hàn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vì Hoa Kỳ không thể biết cá nhân này có phải là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ không.

Quốc gia nào chưa tuân thủ lệnh cấm sẽ có được 50 ngày để hoàn thiện mọi thủ tục. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/sac-lenh-moi-cua-tong-thong-trump-cam-cong-dan-cac-quoc-gia-hoi-giao-vao-hoa-ky/

 

Tổng thống Trump yêu cầu chủ câu lạc bộ NFL

có biện pháp với cầu thủ không tôn trọng quốc ca

Morristown, New Jersey. (Reuters) – Tổng Thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng nhận xét của ông về việc cầu thủ banh bầu dục NFL quỳ gối giữa lúc quốc ca trỗi lên không liên quan gì tới màu da và chủng tộc.

Cuộc đấu khẩu giữa tổng thống Trump và NFL vẫn tiếp tục. Hôm qua 24/09, các cầu thủ NFL đồng loạt ngồi xuống, hoặc quỳ gối, hoặc đứng ngoặc tay vào nhau, khi quốc ca trỗi lên trước các trận đấu diễn ra trên toàn quốc. Họ hành động như vậy chỉ vài giờ sau khi Tổng Thống Trump kêu gọi người hâm mộ tẩy chay các đội banh không kỷ luật những cầu thủ quỳ xuống phản đối.

Trong vài trận đấu đầu tiên kể từ khi ông Trump lên tiếng chỉ trích cầu thủ NFL, hàng chục cầu thủ và ngay cả huấn luyện viên đội Baltimore Ravens, Jacksonville Jaguars, Philadelphia Eagles và Miami Dolphins không đứng thẳng khi quốc ca vang lên, mà đồng loạt quỳ xuống. Đây là hành động khởi đầu từ năm ngoái, nhằm phản đối việc cảnh sát sử dụng bạo lực với cộng đồng người Mỹ gốc Phi châu, và các cộng đồng thiểu số. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-yeu-cau-chu-cau-lac-bo-nfl-co-bien-phap-voi-cau-thu-khong-ton-trong-quoc-ca/

 

Triều Tiên cáo buộc Mỹ ‘tuyên chiến’ với lãnh tụ Kim

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 25/9 cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến với lãnh tụ nước này, ông Kim Jong Un, đồng thời khẳng định rằng Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ máy bom ném bom chiến lược của Hoa Kỳ.

Kênh CNBC của Hoa Kỳ dẫn lời ông Ri nói trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở New York rằng Triều Tiên có thể nhắm mục tiêu vào máy bay của Mỹ kể cả chúng có không bay trong không phận của nước này.

Ông nói thêm: “Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Mỹ đã tuyên chiến với đất nước chúng tôi.”

“Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên chiến với đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền hành đưa ra biện pháp đối phó.”

“Các biện pháp này bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ, ngay cả khi chúng không nằm trong không phận của chúng tôi.”

Hôm 23/9, các máy bay ném bom của Mỹ bay trong không phận quốc tế ở phía đông Bắc Hàn trong một động thái thể hiện sức mạnh quân sự.

Trước đó, theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong Ho hôm 23/9 nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng việc dùng tên lửa nhắm mục tiêu vào Mỹ là điều không thể tránh khỏi, sau khi “Ngài Tổng thống Gian ác” gọi ông Kim Jong Un là “gã rocket” trong sứ mệnh tự sát.

Ông Trump viết trên Twitter cuối ngày 23/9: “Mới nghe Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. Nếu ông ta nói lại suy nghĩ của Gã Tên lửa Nhỏ bé, chúng sẽ không còn tồn tại lâu”.

Triều Tiên gần như chưa từng thực hiện cuộc họp báo nào trước đây. Bình Nhưỡng chọn cách loan tin qua các hãng thông tấn của họ.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc hôm 25/9 kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên nên kiềm chế, không nên “đổ thêm dầu vào lửa” giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đấu khẩu, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-cao-buoc-my-tuyen-chien-voi-lanh-tu-kim/4043390.html

 

Kushner dùng email cá nhân

trong một số công vụ của Tòa Bạch Ốc

Con rể và là cố vấn cấp cao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ông Jared Kushner sử dụng một email cá nhân, ngoài email công vụ, để liên lạc với với các giới chức Tòa Bạch Ốc.

Luật sư Abbe Lowell của ông Kushner cho biết trong một thông báo rằng cố vấn của tổng thống đã dùng địa chỉ email cá nhân để gởi dưới 100 email cho các trợ lý ở Tòa Bạch Ốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8, và hầu hết các email đó trao đổi về các tin tức báo chí và “bình luận chính trị.”

Truyền thông báo chí tại Washington trích lời luật sư Lowell nói rằng các email đó “thường xảy ra nhất khi một ai đó khởi sự trao đổi một vấn đề bằng việc gởi email vào địa chỉ email cá nhân thay vì vào email công vụ Tòa Bạch Ốc của ông Kushner. Ông Lowell nói tiếp rằng “Tất cả email không phải cá nhân đều được chuyển tiếp vào địa chỉ email công vụ và được lưu trữ trong mọi tình huống.”

Tổng thống Trump đã dùng việc đối thủ tranh cử Hillary Clinton đã sử dụng máy chủ email cá nhân và cách bà lưu giữ thông tin mật khi là ngoại trưởng làm vũ khí tấn công chính trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống năm 2016.

Theo đạo luật về thông tin tài liệu của tổng thống, tất cả mọi hồ sơ tài liệu của tổng thống đều phải được lưu trữ. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin thân cận với chuyện này nói rằng ông Kushner không sử dụng máy chủ cá nhân cho bất cứ thông tin nhậy cảm hay thông tin mật nào.

Theo Politico, hãng tin loan tải tin này đầu tiên, các giới chức khác trong chính quyền cũng sử dụng email cá nhân liên lạc với ông Kushner.

Ông Kushner và vợ là Ivanka Trump đã lập email cá nhân trước khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và trước khi ông Kushner được phong làm cố vấn cấp cao của tổng thống vào tháng 1. Tờ Washington Post trích lời các nguồn tin thân cận với chuyện này nói rằng khi đã đến làm việc ở Tòa Bạch Ốc, ông Kushner nhiều lúc sử dụng email cá nhân cho tiện, nhất là khi công du phải làm việc trên máy tín xách tay. Một người chuyên xem lại các email nói rằng nhiều email từ địa chỉ cá nhân của ông Kushner đã được nhanh chóng chuyển vào email công vụ của ông và không có email nào trong số đó cho thấy có chứa thông tin mật.

Bà Clinton đã giải thích tương tựa như vậy vào năm 2015 khi nổi lên tin nói rằng bà đã lập email cá nhân để làm phương tiện trao đổi thông tin riêng trong khi bà làm ngoại trưởng. Bà Clinton nói bà sử dụng email cá nhân “vì tiện dụng.” Bà quả quyết chưa bao giờ chia sẻ thông tin mật từ email cá nhân và chưa bao giờ không tôn trọng luật liên bang quy định phải lưu trữ tất cả thông tin liên lạc của chính phủ. Bà nói hầu hết thông tin liên lạc của bà đã được lưu trữ bởi vì bà gởi liên lạc của bà đến địa chỉ email công vụ của các giới chức.

https://www.voatiengviet.com/a/kushner-dung-email-ca-nhan-trong-mot-so-cong-vu-cua-toa-bach-oc/4043342.html

 

Nhật Bản: Đa số người dân không đồng tình

bầu cử trước kỳ hạn

Thủ tướng Nhật Bản ngày 25/09/2017 thông báo giải tán Quốc Hội vào ngày 28/09 tới đây và cho tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn vào ngày 22/10/2017 nhằm mục đích kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, ý định này của ông Shinzo Abe không được đa số người dân Nhật Bản đồng tình.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frederic Charles giải thích :

« Theo thăm dò dư luận, ba phần tư dân Nhật chán ngán các cuộc bầu cử trước thời hạn liên tiếp và họ tố cáo Shizo Abe lợi dụng cuộc khủng hoảng tên lửa do Bắc Triều Tiên gây ra để tái vũ trang Nhật Bản hoặc cho phép Nhật Bản được tham chiến.

Nhật Bản mới phát hiện ra là họ dễ bị tổn thương kể từ khi tên lửa Bắc Triều Tiên bay qua không phận nước này. Họ nghi ngờ quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ Nhật Bản nếu như Bắc Triều Tiên quyết định dìm Nhật Bản trong biển lửa như Bình Nhưỡng đã từng đe dọa.

Bị suy yếu bởi một loạt bê bối trong đó có vụ ông bị cáo buộc tạo thuận lợi cho một người bạn mở trường đào tạo thú y, thủ tướng Shinzo Abe sẽ không thể thực hiện được dự án sửa đổi Hiến Pháp.

Theo các thăm dò dư luận, Shinzo Abe sẽ mất đa số tuyệt đối tại Hạ Viện. Ngay cả khi người dân Nhật Bản không đánh giá cao, họ vẫn muốn Shinzo Abe tiếp tục cầm quyền, bởi vì ông là biểu tượng cho sự ổn định, tái thúc đẩy nền kinh tế cho dù ông có sao nhãng trong các cải cách cơ cấu».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170925-nhat-ban-bau-cu-qh

 

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên :

Ngoại giao châu Âu có thể giúp gì ?

Trọng Thành

Sau vụ Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai xuyên qua bầu trời Nhật Bản, Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết mới, Mỹ hối thúc tăng trừng phạt. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy là chỉ riêng các trừng phạt kinh tế có thể buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu. Can thiệp quân sự Mỹ là một viễn cảnh mà nhiều người nghĩ đến. Để tìm một lối thoát cho khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, thông thường người ta chỉ tập trung vào các cường quốc đã từng tham gia vòng bàn phán 6 bên, hiếm khi vai trò của châu Âu được nhắc đến.

Về vấn đề này, báo mạng La Croix ngày 21/07/2017 có bài phỏng vấn ông Benjamin Hautecouverture, một chuyên gia về giải trừ vũ khí và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân (Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược/Fondation pour la recherche stratégique). Nhà nghiên cứu Pháp trước hết lưu ý đến ba điểm. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển như từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều khả năng lục địa châu Âu sẽ sớm nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Bắc Triều Tiên. Thứ hai là việc Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (TNP) (năm 2003) trực tiếp làm tổn hại đến chiến lược chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Châu Âu.

Và thứ ba là, xung đột Đông Bắc Á nếu bùng nổ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế châu Âu, bởi trao đổi thương mại với các quốc gia trực tiếp liên quan trong cuộc khủng hoảng này chiếm đến 45% tổng trao đổi thương mại của châu Âu. Về mặt chiến lược, chính trị và kinh tế, khủng hoảng Bắc Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên Hiệp Châu Âu.

Chuyên gia Benjamin Hautecouverture thừa nhận « sẽ là phóng đại khi khẳng định rằng châu Âu nắm trong tay chìa khóa của cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, ngoài công cụ chính là các trừng phạt, các thế mạnh khác của châu Âu là không thể coi thường ».

Châu Âu có nhiều kênh ngoại giao

Nhà nghiên cứu Pháp nhấn mạnh đến việc Liên Hiệp Châu Âu hiện duy trì nhiều quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2001. Hơn một chục đối thoại chính trị đã được tổ chức giữa hai bên kể từ đó. 26 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, nơi có bảy nước đặt sứ quán, trong đó có Đức và Anh.

Các quan hệ với châu Âu là « quan trọng » đối với chế độ Bắc Triều Tiên, bởi cho phép Bình Nhưỡng gia tăng uy tín về mặt quốc tế. Các quan hệ này cũng có thể trở thành một kênh truyền thông sẽ giúp làm giảm căng thẳng, một khi được kích hoạt. Liên Hiệp Châu Âu vốn đã có « một uy tín đáng kể, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, cụ thể là trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran ».

Theo chuyên gia Benjamin Hautecouverture, để « đổi mới khả năng hành động » của châu Âu trong vấn đề khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, cần phải có mục tiêu rõ ràng. Đó là không nên đặt « phi hạt nhân hóa » như « một mục tiêu ngắn hạn », hay « một điều kiện tiên quyết » cho việc khởi động đàm phán. Tác giả nói rõ : Khăng khăng một quan điểm như vậy sẽ « phản tác dụng ». Ngược lại, các nhà ngoại giao có thể nhắm đến việc « tạo lập một không gian đối thoại sơ khởi, để có cơ sở thảo luận về khuôn khổ của các đàm phán tương lai ».

Hỗ trợ Đông Bắc Á gây dựng lòng tin

Để đối thoại thực sự, cần « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin ». Chuyên gia về châu Á người Ý, ông Nicola Casarini – tác giả một cuốn sach vừa ra mắt về chủ đề này (1) – nhấn mạnh đến nhiều thế mạnh về ngoại giao của châu Âu « còn rất ít được nhìn nhận và khai thác đúng mức ».

Một bài phân tích, được báo mạng The Diplomat đăng tải (ngày 21/09/2017), lưu ý đến một nghịch lý là : Khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) với các nền kinh tế có mức tăng trưởng chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu lại là một khu vực mà các định chế « gây dựng lòng tin » và « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » giữa các nước trong vùng mới phát triển ở mức độ thấp.

Liên Hiệp Châu Âu chính là « thế lực hậu thuẫn kiên định nhất » cho cơ chế hợp tác ba bên Trung–Nhật–Hàn. Thượng đỉnh ba bên Đông Bắc Á – do Hàn Quốc đề xuất tổ chức năm 2004 – là một cuộc gặp bên lề cơ chế ASEAN+3 (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Bản thân cơ chế này lại là hệ quả của Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM) ra đời năm 1996.

Ba nước Đông Bắc Á – từ đó đến nay – đã thiết lập được hơn 100 dự án hợp tác. Năm 2011, một Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia (TCS/Trilatéral Cooperation Secrétariat) đã được khởi sự, với Seoul là trụ sở. Chính phủ mỗi nước đóng góp một phần ba ngân sách. TCS là một tổ chức quốc tế có vai trò cổ vũ cho hòa bình và thịnh vượng tại ba quốc gia nói trên.

Hợp tác ngay trong thời kỳ bất lợi

Điều đáng tiếc là từ năm 2012 đến 2017, thượng đỉnh ba bên chỉ được tổ chức duy nhất một lần (vào tháng 11/2015), do các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền và bất đồng về lịch sử, cho dù hợp tác vẫn tiếp tục giữa chính quyền cấp dưới, doanh nghiệp và xã hội dân sự ba nước. Bất chấp bối cảnh bất lợi này, Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục có « những vận động hậu trường » để hỗ trợ cho quá trình siết chặt quan hệ giữa ba nước Đông Bắc Á.

Một ví dụ mới đây là việc Phái bộ Liên Âu tại Seoul đã hỗ trợ Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia Đông Bắc Á tổ chức Chương Trình Các Đại Sứ Trẻ ngày 02/08/2017, với sự tham gia của sinh viên, nhằm « cổ vũ cho sự hiểu biết lẫn nhau và tình bạn giữa các lãnh đạo trẻ tương lai » của ba nước nói trên.

Bản thân Liên Âu, cùng Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, từng đóng góp nhiều cho Tổ Chức Phát Triển Năng Lượng Triều Tiên (KEDO), được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng nguyên tử vì mục tiêu hòa bình tại Bắc Triều Tiên, ngăn ngừa tham vọng hạt nhân quân sự của Bình Nhưỡng. Hoạt động tạm ngưng từ năm 2006, sau khi Bắc Triều Tiên bắt đầu thử vũ khí nguyên tử. Kể từ đó, chính sách của Liên Âu thiên về hướng siết chặt trừng phạt, theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh quan hệ căng thẳng gia tăng tại Đông Bắc Á, khả năng Liên Âu thúc đẩy các quốc gia trong khu vực đi theo con đường « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin » lại có bước phát triển mới, với việc thành lập cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (EEAS), vào cuối năm 2009.

Kể từ năm 2010 và 2011, Liên Âu và Trung Quốc bắt đầu các đối thoại cấp chiến lược về ngoại giao và quốc phòng. Kể từ năm 2013, Liên Âu và Nhật Bản khởi sự đàm phán về Thỏa Thuận Đối Tác Chiến Lược (SPA). Năm 2014, Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết một thỏa thuận cho phép Seoul tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Chính Sách An Ninh và Quốc Phòng Chung của khối (CSDP/The Common Security and Defence Policy). Đối với Bắc Triều Tiên, Liên Âu cũng có các cuộc đối thoại chính trị, được tổ chức hàng năm.

Vẫn có cơ chế cho các nước đối địch

Phân tích của chuyên gia Nicola Casarini khép lại với kết luận : Thỏa thuận Helsinki – được ký kết ngay vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1975 – cho thấy hợp tác là có thể được giữa các quốc gia đối địch sở hữu vũ khí hạt nhân. Vấn đề hiện nay là khu vực Đông Bắc Á cần phải có được một tổ chức hợp tác an ninh đa phương và mang tính khu vực, như kiểu Cơ Quan An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), để cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng và tái khôi phục sau khủng hoảng.

Hình ảnh chủ yếu là « dân sự » của Liên Âu, với « các thế mạnh an ninh mềm », khiến cho khối các nước châu Âu có thể được thừa nhận như là một nhân tố đóng góp quan trọng cho tương lai hòa bình của khu vực Đông Bắc Á. Riêng trong lĩnh vực hạt nhân, theo tác giả, thành công mới đây của Liên Hiệp Châu Âu trong việc đúc kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến Liên Âu có thể trở thành một đối tác hữu ích trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nếu các bên liên quan mong muốn.

Châu Âu, một xúc tác cho phối hợp Mỹ-Trung-Nga ?

Trở lại với cuộc vận động ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, điều đáng chú ý là bên cạnh tuyên bố cổ vũ cho quan điểm hợp tác đa phương của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần lễ vừa qua – là quan điểm của thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối hoàn toàn giải pháp quân sự của tổng thống Mỹ, ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Theo AP, hôm 18/09, trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Bild, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh chờ đợi các kết quả trừng phạt kinh tế, nhưng cũng cần phải có « những cách nhìn sáng tạo và biện pháp dũng cảm ». Cụ thể trong vấn đề Bắc Triều Tiên, « cần phải (giúp quốc gia này được) bảo đảm về an ninh bằng một cách khác, chứ không phải bằng bom hạt nhân ».

Trước đó, Chủ Nhật 17/09, theo hãng tin Nga RT, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngoại trưởng Đức đã hội kiến với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi). Nói chuyện với báo giới, ngoại trưởng Sigmar Gabriel kêu gọi bộ ba Mỹ, Trung, Nga phối hợp giải quyết khủng hoảng. Theo ông, nếu không có sự tham gia tích cực của ba quốc gia nói trên « thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải lớn lên trong một thế giới hết sức nguy hiểm ».

—-

(1) « Promoting Security Cooperation and Trust Building in Northeast Asia. The Role of the European Union », NXB Nuova Cultura, 2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170925-khung-hoang-hat-nhan-bac-trieu-tien-ngoai-giao-chau-au-co-the-dong-gop-gi

 

Catalunya đòi độc lập,

tiềm ẩn một tiền lệ nguy hiểm cho châu Âu

Anh Vũ

Gần đến ngày trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng Catalunya 01/10/2017, cuộc đọ sức giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha với phong trào đòi độc lập cho Catalunya càng thêm căng thẳng. Các nước châu Âu không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Tây Ban Nha? nhưng vẫn theo dõi với cái nhìn đầy lo ngại cuộc khủng hoảng có thể tạo thành tiền lệ tai hại làm dấy lên cơn sốt ly khai.

Nếu như phong trào đòi trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya, một vùng có 7,5 triệu dân và đóng góp 21% thu nhập quốc gia, đang là một thách thức lớn cho thể chế dân chủ và Hiến Pháp Tây Ban Nha thì câu hỏi « sau Catalunya sẽ đến lượt nơi nào ? » chắc hẳn lúc này đang nảy ra trong đầu của nhiều lãnh đạo ở châu Âu, nơi không ít quốc gia luôn phải đối mặt với nguy cơ trào lưu ly khai bùng lên trở lại nếu có cơ hội.

Chính quyền Madrid, những ngày qua đang huy động tổng lực các công cụ pháp lý để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Catalunya diễn ra. Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ 14 lãnh đạo vùng đòi ly khai, hàng triệu phiếu bầu cử cũng đã bị thu giữ, tăng cường triển khai lực lượng an ninh từ trung ương về Barcelona. Thế nhưng, không khí sôi sục đòi trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya vẫn ngày một dâng cao trên các đường phố của vùng đất ly khai này.

Vấn đề Catalunya đã trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên Hiệp Châu Âu. Từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, cố gắng tránh đưa ra lập trường cũng như đặt vấn đề về nền độc lập của Catalunya, Bruxelles chỉ lặp lại quan điểm mà cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Romano Prodi vào năm 2004 đã nói rõ rằng một Nhà nước ra đời từ ly khai trong lòng Liên Âu hiển nhiên sẽ không được coi là một bộ phận của Liên Hiệp.

Pháp, vốn có không ít nỗi lo về phong trào ly khai ở một số vùng, như xứ Basque hay đảo Corse, tỏ ra thận trọng về cuộc khủng hoảng của nước láng giềng phương nam. Paris kêu gọi một cách chung chung « tôn trọng khuôn khổ thể chế Tây Ban Nha » hay hành động « theo đúng Hiến Pháp Tây Ban Nha ».

Ông Jérémy Dodeigne, giáo sư Khoa chính trị Đại học Namur, Bỉ nhận định : « Cuộc khủng hoảng (Catalunya) đã quá sâu và sẽ là quá nguy hiểm cho Liên Âu nếu can dự vào vì rõ ràng lúc này đây là hồ sơ quá nhạy cảm ». Trong quá khứ gần đây, ngoại trừ Madrid thì hầu hết các thủ đô trong Liên hiệp Châu Âu đã thừa nhận nền độc lập của Kosovo sau hơn một thập kỷ giằng co giữa nhiều quốc gia trong cuộc khủng hoảng Balkan.

Chuyên gia chính trị qua hệ quốc tế Rumani, ông Dan Dungaciu cho rằng « thừa nhận Catalunya (độc lập) sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng cho Liên Hiệp Châu Âu », các phong trào ly khai có ở khắp nơi trong các nước thành viên Liên Âu sẽ thấy ở đó một tấm gương sử dụng công cụ dân chủ để đạt mục tiêu ly khai.

Không có gì ngạc nhiên, khi những người chủ trương đòi độc lập cho Catalunya đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo có tư tưởng ly khai ở không ít nơi trong châu Âu. Trong tuần qua, thủ tướng xứ Scotland Nicola Sturgeon đã lên tiếng kêu gọi tôn trọng « quyền tự quyết của nhân dân » Catalunya. Cho dù bà Sturgeon thừa nhận là chính đáng việc Tây Ban Nha chống lại Catalunya độc lập nhưng bà vẫn ủng hộ quyền được bày tỏ nguyện vọng một cách dân chủ của người dân xứ Catalunya. Chưa hết, đại diện của trào lưu dân tộc chủ nghĩa, một lãnh đạo của vùng Flamand tại Bỉ, ông Geert Bourgeois, mới đây cũng đánh tiếng ủng hộ những người ly khai Catalunya, đòi có « trung gian quốc tế » để giải quyết cuộc khủng hoảng cộng đồng hiện nay ở Tây Ban Nha.

Liên tục phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng từ cuộc nội chiến Ukraina, đến những nền dân chủ trệch hướng ở Ba lan hay Hungary rồi Brexit, châu Âu đang bị đặt trước một thách thức mới, đó là nguy cơ lây lan của trào lưu đòi độc lập đang diễn ra tại xứ Catalunya, ở Tây Ban Nha.

Ở đó đây trong Liên Âu, những mầm mống của phong trào ly khai xuất phát từ các hiềm khích cộng đồng do lịch sử để lại dù đã được giải quyết ổn thỏa hòa bình, đơn cử vài trường hợp như những người Flamand với cộng đồng Wallonie ở Bỉ, xứ Basque dính dáng tới cả Tây Ban Nha và Pháp, ở Anh Quốc thì có xứ Scotland, Bắc Ailen… có thể lại có đất để trỗi dậy nếu như Tây Ban Nha không giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng ở xứ Catalunya.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170925-catalunya-doi-doc-lap-tiem-an-mot-tien-le-nguy-hiem-cho-chau-au

 

Syria : Một tướng Nga thiệt mạng gần Deir Ezzor

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ngày càng căng thẳng. Bộ Quốc Phòng Nga, hôm qua 24/09, thông báo, một tướng lĩnh quân đội Nga bị thiệt mạng gần Deir Ezzor, phía đông Syria, trong một trận pháo kích của những kẻ khủng bố nhằm vào Trung tâm chỉ huy của quân đội Syria.

Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :

“Tướng Valery Asapov là sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Nga thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Syria kể từ khi Nga tiến hành can thiệp quân sự tại đất nước này, vào tháng 9/2015. Theo bộ Quốc Phòng Nga tại Matxcơva, vị tướng này bị tử thương do mảnh đạn trong một vụ nã pháo bất ngờ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vào trung tâm chỉ huy của quân đội Syria.

Các nguồn tin tại Damas cho biết thêm tướng Asapov đứng đầu một đoàn cố vấn Nga được triển khai ở Syria để giúp đỡ quân đội chính phủ. Khoảng 40 quân nhân Nga đã chết kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp vào nước này.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria thông báo đã có 3 binh sĩ Nga bị sát hại trong những cuộc giao tranh với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Deir Ezzor. Song những nguồn tin chính thức của Nga không xác nhận báo cáo này. Cái chết của tướng Asapov cho thấy sự kháng cự mãnh liệt của những kẻ thánh chiến Hồi giáo ở tả ngạn sông Euphrate, nơi nhiều binh đoàn quân đội chính phủ Syria đã đổ bộ vào tuần trước.

Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria khẳng định, những chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cố thủ tại những căn cứ cuối cùng của chúng quanh thành phố Deir Ezzor, nhất là trong khu vực Howeijet Sakr. Theo tổ chức có trụ sở tại Anh, quân đội Syria tiếp tục tiến quân với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170925-syria-mot-tuong-nga-thiet-mang-gan-deir-ezzor

 

Brexit : Luân Đôn và Bruxelles mở vòng đàm phán thứ tư

Thanh Hà

Sau ba lần bế tắc, cuộc đàm phán thứ tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh về Brexit, mở ra tại Bruxelles ngày 25/09/2017 đang mang lại một chút hy vọng : Tuần trước thủ tướng Theresa May đã đưa ra một số đề nghị cụ thể. Cả Anh Quốc lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều tỏ dấu hiệu hòa hoãn, tránh để đàm phán về Brexit lâm vào bế tắc.

Thông tín viên đài RFI Laxmi Lota từ Bruxelles cho biết thêm về những nhượng bộ của đôi bên :

“Vòng đàm phán cuối cùng hồi tháng 8/2017 đã kết thúc mà không mang lại được một tiến bộ cụ thể nào. Từ đó tới nay, đôi bên cùng đã suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định gặp lại nhau. Thứ Sáu tuần trước, trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michel Barnier, đã hoan nghênh tinh thần xây dựng của thủ tướng Anh.

Thật vậy trong bài diễn văn đọc tại thành phố Florencia, Ý, bà Theresa May đã tìm cách trấn an các đối tác châu Âu khi đưa ra những cam kết liên quan đến khoản tiền mà Luân Đôn sẽ phải chi trả khi ra khỏi Liên Hiệp. Ngay cả nghị viên châu Âu, ông Guy Verhofstadt, người có lập trường khắt khe nhất đối với Luân Đôn cũng tỏ ra hài lòng với phát biểu của thủ tướng Anh. Ông cho rằng, “đề nghị của chính quyền Anh có phần thực tế hơn”.

Liên Hiệp Châu Âu cũng tiến thêm một bước chấp nhận đề nghị của Anh Quốc liên quan đến việc ly dị nhẹ nhàng, có nghĩa là Bruxelles đồng ý về thời hạn 2 năm để đôi bên cùng thích nghi với Brexit. Trong khoảng thời gian đó, Anh Quốc tiếp tục tham gia vào thị trường chung của châu Âu như bình thường. Trưởng đoàn đàm phán Bruxelles, ông Barnier cho rằng, nếu như đây là nguyện vọng của Liên Hiệp Châu Âu thì yêu cầu đó có thể được xem xét”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170925-brexit-vong-dam-phan-thu-tu-giua-luan-don-va-bruxelles

 

Bầu Thượng Viện : Thất bại đầu tiên của tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nếm mùi thất bại bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông Macron chỉ đạt được 27 ghế tại Thượng Viện.

Hôm qua, hơn 76 300 đại cử tri Pháp được kêu gọi bầu mới 171 trong tổng số 348 ghế thượng nghị sĩ. Với hơn 1 990 ứng viên tranh cử, các kết quả sáng nay cho thấy đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR đã về đầu, củng cố thêm đa số tại Thượng Viện. Như vậy, với thắng lợi này của đảng LR, Gerard Larcher, chủ tịch Thượng Viện mãn nhiệm vẫn có thể giữ nguyên chức vụ.

Về phần đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Macron, đây là thất bại bầu cử đầu tiên. Có đa số ở Quốc Hội, nhưng LREM chỉ có được 27 ghế, quá xa với con số mong ước là 50 ghế nghị sĩ.

Trên đường phố, các cuộc tuần hành phản đối sắc lệnh cải cách Luật Lao Động vẫn tiếp diễn. Hôm nay, 25/09/2017, đến lượt các nghiệp đoàn tài xế xe tải biểu tình với những « hành động mạnh mẽ » như rào chặn các địa điểm chiến lược, nhất là những kho bãi nhiên liệu.

http://vi.rfi.fr/phap/20170925-bau-thuong-vien-that-bai-bau-cu-dau-tien-cua-tong-thong-phap

 

Bầu cử Đức : Chiến thắng không trọn vẹn

của thủ tướng Merkel

Thanh Hà

Thủ tướng Angela Merkel tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư. Nhưng niềm vui không trọn vẹn : Lần đầu tiên từ sau chế độ Đức Quốc Xã sụp đổ, đảng cực hữu của Đức vào được Quốc Hội. Tỷ lệ ủng hộ Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo – CDU của bà không được như mong đợi. Thách thức lớn nhất đối với bà Merkel là tìm kiếm liên minh để thành lập chính phủ.

Theo kết quả gần như chính thức trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đức ngày 24/09/2017, Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Merkel thuộc khuynh hướng bảo thủ về đầu với 33,5 % và đây là tỷ lệ tệ hại nhất của đảng này từ năm 1949. Về thứ nhì là đảng Xã Hội Dân Chủ, với khoảng từ 20 đến 21 %. Nhưng công luận Đức bàng hoàng với thành tích vượt bực của đảng dân tộc chủ nghĩa AfD cực hữu. Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, một đảng phái chính trị có tinh thần bài ngoại và dân tộc chủ nghĩa có mặt tại Quốc Hội, vì được 13 % cử tri ủng hộ.

Từ Berlin, đặc phái viên đài RFI Anissa el Jabri cho biết về không khí căng thẳng tại trụ sở của hai đảng lớn là CDU và Xã Hội Dân Chủ -SPD, thuộc cánh tả :

Một vài tiếng reo hò và tiếng vỗ tay, nhưng không nhiều. Những khuôn mặt đăm chiêu, căng thẳng. Hiếm ai chịu giãi bày tâm sự. Khi nhận trả lời, thì họ tỏ ra vô cùng lo lắng. Một thành viên của CDU cho biết : ‘Tình hình rất nghiêm trọng, không ai có thể nghĩ là đảng CDU lại bị trừng phạt nặng như vậy qua lá phiếu và đáng quan ngại hơn cả là số phiếu mà đảng AfD đã dành được. Không một đảng phái chính trị nào đủ sức thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho AfD’.

Đảng CDU không thể liên kết với đảng Xã Hội Dân Chủ SPD. Tại trụ sở của SPD, không một ai lên tiếng về việc đảng này quay trở lại hàng ngũ đối lập. Tuy nhiên một cảm tình viên của đảng này Sebastian Haass không tuyệt vọng. Anh cho rằng, tất cả các đảng phái chính trị ở Đức đều có khả năng đối thoại với nhau và hãy chờ xem quyết định cuối cùng của đảng SPD.

Ở đây tất cả mọi người đều ý thức được là sẽ rất khó để thủ tướng Merkel đàm phán với các đảng phái chính trị khác, hầu lập một chính phủ liên minh, bởi vì sau kết quả bầu cử tối hôm qua, bà Angela Merkel đang trong thế yếu. Hơn bao giờ hết thủ tướng Merkel trở thành mục tiêu tấn công của đảng cực hữu. Đảng này đang trong giai đoạn hưng phấn sau thành công ngoài mong đợi trong cuộc bầu cử lần này“.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170925-bau-cu-duc-chien-thang-khong-tron-ven-cua-thu-tuong-merkel

 

Miến Điện: Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo

Duy Anh

Lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm qua 24/09, trên tài khoản Facebook của mình đã thông báo phát hiện một hố chôn tập thể của 28 tín đồ Ấn giáo và cáo buộc những “kẻ khủng bố” người Rohingya đã thực hiện cuộc thảm sát.

Theo AFP, phát ngôn viên của chính quyền dân sự Miến Điện Zaw Htay cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc thảm sát “dựa trên những nhân chứng sống sót tị nạn tại Bangladesh”.

Hố chôn tập thể này được phát hiện gần làng Kha Maung Seik, tại vùng Maungdaw thuộc bang Rakhine, tây bắc Miến Điện, nơi bùng phát cuộc đàn áp của quân đội đối với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo Rohingya cách đây vài tuần, khiến khoảng 430000 người phải tị nạn ở Bangladesh.

Lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw cho biết, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo.

Đây là lần đầu tiên một hố chôn tập thể được tìm thấy ở Miến Điện kể từ khi bạo lực diễn ra.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170925-mien-dien-phat-hien-ho-chon-tap-the-cua-28-nguoi-hindou-giao