Tin Việt Nam – 21/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/09/2017

Hòa hợp-Hòa giải: Liệu có thành?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Vấn đề “hòa hợp hòa giải dân tộc” lại được dấy lên qua sự kiện nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam từ chối lời mời của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Từ chối thư mời

“Hãy hòa hợp với người dân trong nước. Rồi chúng tôi sẽ về”. Đó là trả lời của Nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả của những tác phẩm gắn liền với cuộc chiến Việt Nam như “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nói với RFA khi được hỏi về thư mời của chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam gửi cho ông vừa qua.

Cụ thể Nhà văn Phan Nhật Nam nhận được thư điện tử của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, vào đầu tháng 9. Nội dung mời về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 10, tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.

Lời lẽ trong bức thư mời của Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong vai trò Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam được cho là thân tình với mong mỏi ‘vượt qua mọi xa cách, trở ngại để ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp và dù rằng có thể có những khó khăn, nhưng hãy vì “Dân Tộc” để vượt qua tất cả.

Tôi sống bảy mươi mấy năm. Tôi đi khắp thế giới, tôi thấy cho dù một đất nước nào có hoang dã cách mấy thì cũng không có chế độ nào giống như ở Việt Nam. Đâu phải là Đảng Cộng Sản nữa! Đó là một chế độ của côn đồ. Cứ lấy sách vở của Karl Marx, Lenin, Engels ra mà đọc. Chế độ Cộng sản không phải vậy
-Nhà văn Phan Nhật Nam 

Trong thư từ chối của mình, tự xưng là một “người lính-Viết văn”, Nhà văn Phan Nhật Nam cũng nêu rõ trên tinh thần vì dân tộc Việt, ông đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam điều chỉnh một cách thành thực danh xưng mà ông này cho là có tính miệt thị đối với người lính và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây; tức gọi “Ngụy quân-Ngụy quyền”. Ông Phan Nhật Nam nói rõ chính quyền Hà Nội cần chấm dứt các hình thức chống đối Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như cho sửa sang các phần mộ tại nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ông nhấn mạnh trong thư hồi đáp rằng Chính quyền Việt Nam cần thiết phải thương yêu 90 triệu người dân trong nước và hãy thành tâm hòa giải với họ trước thì ông tin rằng những người Việt hải ngoại như ông sẽ về mà không cần phải mời.

Nhà văn Phan Nhật Nam phát biểu với RFA về quan điểm của ông đối với chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” mà phía Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra:

“Cắt cổ người dân vô tội ở trong đồn công an, mà bảo rằng người ta tự vẫn. Rồi, Thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa: VNCH), người trẻ nhất cũng sáu mươi mấy tuổi, 70-80 tuổi, què chân, cụt tay, mù mắt…sống không ra dạng người; thế mà đả đảo Thương phế binh VNCH thì đả đảo cái gì? Người ta đi biểu tình cũng đánh. Các vụ dân oan. Vụ cá chết do Formosa gây ra, từ ngày mùng 6 tháng 4 năm ngoái cho đến nay mà bảo rằng môi trường đó là tốt…

Tôi sống bảy mươi mấy năm. Tôi đi khắp thế giới, tôi thấy cho dù một đất nước nào có hoang dã cách mấy thì cũng không có chế độ nào giống như ở Việt Nam. Đâu phải là Đảng Cộng Sản nữa! Đó là một chế độ của côn đồ. Cứ lấy sách vở của Karl Marx, Lenin, Engels ra mà đọc. Chế độ Cộng sản không phải vậy.

Tôi không thù hận và giận dỗi ai hết. Nhưng phải làm những điều cho hợp lý.”

Cần làm gì để “hòa hợp, hòa giải”?

Việc mời Nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam được cho là bước tiếp theo trong việc thực hiện đề nghị cũng của chính ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đưa ra hồi trung tuần tháng Giêng năm nay. Đó là sẽ mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về nước để “giao lưu với tinh thần hòa hợp dân tộc văn học”.

Qua đề nghị của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đương nhiệm, mà được cho là chưa từng có kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận xét với RFA rằng đây là một tín hiệu tốt vì trong lãnh vực nghệ thuật thì những nhà văn luôn hướng đến con người và nhân văn. Ông nói nếu như phía phát tín hiệu từ trong nước là thật tâm và thật tình thì người Việt ngoài nước cũng nên đáp ứng. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định để thực hiện đề nghị của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần có thời gian và phải tuân theo nguyên tắc chung là được tự do viết và tự do xuất bản tại Việt Nam.

Phải hoà giải với giới bất đồng chính kiến trong nước trước. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được

-TS. Phạm Chí Dũng

Liên quan đến chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc” của Nhà nước Việt Nam, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận đa số người Việt hải ngoại cùng lên tiếng Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy nhanh chóng thực hiện việc hòa giải với người dân trong nước, như cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, rằng:

“Hòa giải với dân chúng, hòa giải với đảng phái, hòa giải với tôn giáo, hòa giải với tất cả những người trong nước. Có hòa giải được rồi thì mới hòa hợp được với người dân trong nước, làm sao cho dân chúng tin thì lúc đó hãy nói chuyện với người Việt hải ngoại”.

Một số nhân sĩ trí thức trong nước cũng đồng quan điểm như thế, như Nhà báo độc lập-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, yêu cầu việc làm cần thiết nhất của nhà cầm quyền Hà Nội là:

Phải hoà giải với giới bất đồng chính kiến trong nước trước. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được?”

Những người Việt trong và ngoài nước mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ không rõ bao giờ Đảng và Nhà nước Việt Nam lắng nghe cũng như thể hiện thiện chí “hòa hợp hòa giải dân tộc” theo tinh thần thật tâm và thật tình như nhận định của Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-right-time-for-reconciliation-ha-09202017155612.html

 

Điều tra ‘mua bán nhà công sản’ ở Đà Nẵng

Bộ Công an yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phối hợp điều tra mua bán nhà công sản từ năm 2006 đến nay, truyền thông Việt Nam cho hay.

Cơ quan An ninh điều tra (A92) thuộc Bộ Công an đang điều tra những sai phạm trong việc thực hiện chín dự án mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước tại Đà Nẵng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo VnExpress, ông Thơ được Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu “cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà đất, thuộc đất sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay; cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến chín dự án, mua, thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.

Bàn tròn thứ Năm: về ‘Chiến dịch kỷ luật’ của Đảng trước Hội nghị TƯ6

Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Báo này cũng cho hay Bộ Công an “sẽ cử tổ công tác ba người do Phó Cục trưởng Cù Gia Quảng dẫn đầu, vào xử lý vụ việc.”

‘Thiếu gương mẫu’

Danh sách 9 dự án nêu trên do báo InfoNet của Bộ Thông tin – Truyền thông công khai gồm: Công viên An Đồn, Khu đô thị Harbuor Ville của công ty Đầu tư Mega, Khu đất tại đường 2/9 – Phan Thành Tài đường quy hoạch, Dự án Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, Khu dịch vụ du lịch nhà hàng – cà phê – bar và bến du thuyền nằm trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông, Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của công ty IVC.

Đáng lưu ý, trong danh sách 31 nhà, đất công sản bị điều tra có ba căn nhà ở địa chỉ 45, 47 và 49 Nguyễn Thái Học mà theo báo Tuổi Trẻ hôm 19/9, “gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng nhà 43 và hai ngôi nhà liền kề số 45 và 47. Nhưng rất “khéo léo”, số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà.”

“Tuy hai mà một, tuy một mà hai, nhìn bề ngoài chỉ còn thấy một số nhà: 43. Và ngôi nhà ấy bao gồm cả nhà 45 nối thông bên cạnh,” báo này viết.

Tuổi Trẻ cũng đăng lại lời phát biểu của ông Xuân Anh tại cuộc họp báo ngày 31/12/2015: “Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!”.

Báo Thanh Niên tường thuật, Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng “chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền 3.434 tỷ đồng.”

Trước đó, văn bản của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ghi: “Ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.”

Cùng thời điểm, VnEconomy đưa tin Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà và kết quả thanh tra “phải báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 31/3/2018.”

Báo này cho hay: “Hiện tại ở Sơn Trà, có ba dự án đã đầu tư, một đang triển khai, ba dự án đã triển khai một phần sau đó tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai.”

Hồi tháng Ba, truyền thông Việt Nam và mạng xã hội xôn xao tin có 40 biệt thự xây không phép trong khu tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô hơn 100 phòng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Dự án của Công ty Cổ phần biển Tiên Sa nằm trong khu vực rừng cấm Sơn Trà. Đây là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được kiểm đếm và Thủ tướng đã có quyết định quy hoạch tổng thể kế hoạch đến năm 2025 sẽ trở thành công viên quốc gia.

Ở thời điểm đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi ‘tâm thư’ đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 “để tránh các hệ lụy về sau”.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, nói với BBC: “Những kiến nghị nêu trong thư có sức nặng ở chỗ nó đến từ chính người đang trực tiếp làm du lịch ở Đà Nẵng, phản ánh tầm nhìn trong việc giải bài toán giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chọn đứng về xu hướng của thế giới là ưu tiên các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong tinh thần phát triển bền vững. Thư cũng đã được gửi đến đúng địa chỉ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì chính ông có phần liên đới trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra ở Sơn Trà hôm nay.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41343866

 

Lùm xùm chuyện cổ phần hóa hãng phim Việt Nam

Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, mặc dù Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam khẳng định việc này diễn ra “đúng thủ tục, trình tự pháp luật”.

Ông Vũ Đức Đam chỉ đạo tại một cuộc họp chiều 21/9.

Trước đó, hôm 20/9, Thứ trưởng Văn hóa Huỳnh Vĩnh Ái tuyên bố nhiều tờ báo tại Việt Nam thời gian qua “đưa tin chưa chính xác” khi nói Bộ này làm thất thoát tài sản khi giá trị của Hãng là hơn 2000 tỷ nhưng chỉ định giá hơn 90 tỷ.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam (VFS) “được làm đúng thủ tục, trình tự pháp luật của nhà nước”.

VN: Quân đội làm kinh tế là ‘nhiệm vụ chính trị’

Thủ tướng VN: ‘Đất đai là tâm điểm tham nhũng’

Tổng công ty vận tải thủy Vivaso đã hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017

Nhưng không ít cán bộ, nghệ sĩ hãng phim đã công khai phản đối.

Quá rẻ?

Sáng 21/9, tiếp xúc báo chí, đạo diễn Quốc Tuấn tuyên bố: “Chưa có cuộc cổ phần hóa nào lại đẫm nước mắt và nhục nhã như cuộc cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam.”

“Một miếng đất 5.000m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, chưa kể 7.000 m2 ở Cổ Loa, rồi đạo cụ, máy quay phim… mà định giá 19,7 tỷ đồng, không bằng một căn biệt thự Vinhomes,” đạo diễn Quốc Tuấn cáo buộc.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật Hãng phim truyện Việt Nam, thì nói Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa đã “đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hoá – Bộ VHTT&DL”.

Ông Thanh Vân nói Tổng công ty Vận tải Thủy với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi VFS trở thành Công ty cổ phần.

Trên trang web Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Việc giám sát Vivaso có làm đúng cam kết hay không thì có 02 thành viên của Bộ VHTTDL nằm trong Ban Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thực hiện và có trách nhiệm báo cáo Bộ.”

Đến chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.

“Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất cả phải minh bạch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp này.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41348880

 

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

‘là ví dụ dễ thấy về nhà thầu TQ’

Báo Nhật nói đường sắt Cát Linh – Hà Đông “là ví dụ mới nhất của dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề”.

Việc hoãn chạy thử liên động toàn hệ thống đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông được truyền thông Việt Nam cho hay là vì Trung Quốc chưa giải ngân khoản vay 250 triệu đôla.

Nikkei Asian Review tường thuật, lẽ ra đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy thử vào cuối tháng Chín nhưng nay “giới chức Việt Nam nói rằng các hạng mục thi công dự án này không thể tiếp tục cho đến khi Trung Quốc giải ngân khoản tiền trên vốn được cam kết từ năm ngoái.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy dài trên 13 km với 12 nhà ga, khởi đầu từ nhà ga Cát Linh được xây dựng trên phố Hào Nam và ga cuối là nhà ga Hà Đông. Chủ đầu tư của dự án này là Cục Đường Sắt Việt Nam và nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc theo vốn đầu tư ODA.

Chạy thử tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào tháng 10/2017

VN-TQ bàn về hợp tác song phương

Theo Nikkei Asian Review, việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao này được lập dự án từ năm 2008 đến năm 2013 với chi phí 552 triệu đôla Mỹ với 419 triệu đôla trong số đó vay của Trung Quốc.

Nhưng sau khi khởi công năm 2011, số vốn đã đội lên đến 868 triệu đôla năm 2016 với 250 triệu đôla từ hiệp định bổ sung thêm vốn.

Việc giải ngân khoản này lẽ ra được tiến hành hồi tháng Ba, nhưng đã bị trì hoãn do “các thủ tục phức tạp” tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

‘Mất lòng tin’

Tờ báo Nhật cũng ghi nhận: “Việc hoãn chạy thử là vấn đề mới nhất của dự án gây tranh cãi vốn để xảy ra nhiều tai nạn, thương vong cho người qua đường.”

“Vật liệu kém chất lượng, việc lắp đặt bị lỗi và công nhân không được đào tạo gây ra mối quan ngại về an toàn.”

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị xem là ví dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề. Khảo sát cho thấy hầu hết các dự án này đều bị quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức. Điển hình là sân vận động quốc gia Mỹ Đình với mức đầu tư 69 triệu đôla; việc mở rộng khu phức hợp thép trị giá 360 triệu đôla ở tỉnh Thái Nguyên; nhà máy sắt thép 264 triệu đôla ở tỉnh Lào Cai; một dự án bauxite trị giá 1,4 tỷ đô la ở Tây Nguyên…

Việc để xảy ra sai sót, thiết bị quá cũ, gây tai nạn tại các dự án này đã trở nên phổ biến, gây mất lòng tin về các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều dự án đang được tái thẩm định lại.

Hồi tháng Hai, báo chí trong nước trích thuật Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan tới tuyến đường sắt này. Ông nói “ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, làm gia tăng ô nhiễm”. Nguyên nhân chậm tiến độ khiến ảnh hưởng đến giảm ùn tắc giao thông Hà Nội được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là do “quản lý đầu tư bằng hình thức thầu trọn gói còn thiếu kinh nghiệm; giai đoạn đầu quản lý dự án còn rất hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội khó khăn; vốn đầu tư thay đổi…”

Nikkei Asian Review cũng nhận định Hà Nội đang bị mắc kẹt với các dự án tưởng là ‘rẻ’ nhưng đội vốn.

Sự thèm khát vốn thúc đẩy một số nhà đầu tư trong nước phớt lờ quan ngại của công chúng để tiếp tay cho các đối tác Trung Quốc.

Tháng trước, Geleximco, một công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam, và đối tác Trung Quốc Sunshine Kaidi, đề xuất đầu tư sân bay quốc tế Long Thành trị giá nhiều tỷ đôla. Các công ty này hứa hẹn hoàn thành dự án trong vòng ba đến 5 năm “với mức chi phí thấp nhất có thể được”.

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu quan ngại về an ninh quốc gia sau khi hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, cùng với website của Vietnam Airlines từng bị tin tặc Trung Quốc tấn công năm ngoái.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41343867

 

Ấn Độ đang đóng tàu tuần tra cho Việt Nam

Ấn Độ đang đóng 12 tàu cao tốc cho Việt Nam trị giá khoảng 100 triệu đô la. Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết thông tin này tại tọa đàm Việt Nam Ấn Độ diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 21 tháng 9.

Ông Harish cho biết vào năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới Việt Nam, hai bên đã ký kết thỏa thuận về việc cung cấp các tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Thủ tướng Modi đồng thời cũng công bố khoản vay 500 triệu đô la cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có những đàm phán để Việt Nam có thể mua tên lửa Brahmos, là một loại tên lửa siêu thanh do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất.

Việt Nam và Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược từ năm 2007. Về quan hệ quốc phòng, vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn, định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến năm 2020.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt nam nói rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ông Harish cũng nhìn nhận Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Đây là chính sách nhằm tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ở khu vực Đông Á.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-and-china-prepare-for-trump-s-first-visit-09212017091738.html/india-build-patrol-boats-for-vietnam-09212017092612.html

 

Chuyện gì thực sự đang xảy ra ở Đà Nẵng?

Nguyễn Anh Tuấn

Chuyện bằng cấp, chuyện quản lý đô thị và đất đai, chuyện sắp xếp nhân sự, chuyện nguyên tắc đảng đều không phải là tình tiết chính trong câu chuyện chính trường đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó cũng chẳng phải là lý do để Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, bởi những sai phạm được liệt kê thật bình thường, và có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào. Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, Trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính.

Tuy nhiên, câu hỏi là, lý do nào dẫn đến tình trạng so kè nghiêm trọng như trên? Đặt câu chuyện vào một bối cảnh rộng lớn hơn, có thể kể ra 3 nguyên nhân.

Đầu tiên là quy trình thăng tiến truyền thống bị xô ngã. Những thế hệ lãnh đạo trước đây của thành phố đều thăng tiến tuần tự từ thấp đến cao qua một thời gian dài. Ở mỗi nấc thang trong hệ thống quyền lực, cá nhân lãnh đạo có đủ thời gian xây dựng và củng cố mạng lưới cánh hẩu của riêng mình. Ngay cả khi giữa những người lãnh đạo thăng tiến tuần tự này có xung khắc với nhau đi chăng nữa, họ cũng dễ thỏa hiệp với nhau hơn vì qua một thời gian dài công tác cùng nhau, lợi ích của các bên đã đan xen tới mức chẳng ai muốn nghĩ tới việc sống mái. Ở Đà Nẵng, có thể xem Đức Thơ là đại diện của kiểu lãnh đạo tuần tự nhi tiến này, trong khi Xuân Anh lại hiện lên khá rõ mà một người được ‘ấn’ vào chiếc ghế lãnh đạo cao nhất ở thành phố. Mâu thuẫn giữa phe mới nổi và cựu trào là không thể tránh khỏi.

Lý do thứ hai là mâu thuẫn về lợi ích. Trong thể chế song trùng đảng-chính quyền ở nước ta, chuyện Bí thư và Chủ tịch không ưa nhau là hết sức tự nhiên và bình thường, như một rừng hai hổ. Tuy nhiên, 10-15 năm qua, trong khi hai cơ cấu đảng và chính quyền đều ngày một phình to ra, xung đột giữa chúng có vẻ chưa quá căng thẳng khi mà miếng bánh lợi ích cũng lớn lên tương ứng, đi liền với việc gia tăng nợ công và khai thác kiệt cùng tài nguyên khoáng sản. Ở mỗi tỉnh thành, dù phe Bí thư hay phe Chủ tịch đều không thể chiếm trọn miếng bánh, song mỗi phe đều khá hài lòng với phần bánh trong tay mình có vẻ đang lớn hơn qua từng năm. Tuy nhiên, dễ thấy là miếng bánh lợi ích không thể phình to mãi, nếu không muốn nói là đang có dấu hiệu nhỏ xuống rõ rệt, nhất là từ sau Đại Hội XII, khi mà nợ công đã chạm mức báo động và tài nguyên thì đã cạn kiệt. Thế thì, một khi quy mô bộ máy không giảm tương ứng với tốc độ nhỏ đi của chiếc bánh, mâu thuẫn sẽ tăng. Nhìn dưới góc độ này, Đà Nẵng chỉ đang kể tiếp câu chuyện của Yên Bái, dù không vang tiếng súng, song chẳng hề kém phần gay cấn. [Và quan trọng là, không phải chỉ mỗi Đà Nẵng, hãy chờ xem]

Nguyên nhân thứ ba, và cũng là điều khiến xung đột ở Đà Nẵng vượt ra ngoài biên giới địa phương, là màu sắc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) của nó. Đoạn đường Thành ủy tới UBND chỉ vài trăm mét nhưng lắm khi đôi bên phải bay vòng Ba Đình trước khi có thể tương tác được với nhau. Chiến tranh ủy nhiệm hay nổ ra ở những nơi xuất hiện chân không quyền lực, hoặc nơi mà thế lực nắm quyền ngồi chưa vững chiếc ghế quyền uy, nên bên ngoài hoặc bên trên dễ dàng can thiệp. Đà Nẵng hậu Bá Thanh là một nơi như vậy, vì dù rằng còn nhiều tranh cãi xung quanh di sản của ông, khó có thể phủ nhận suốt 20 năm đứng đầu thành phố của mình, ông Thanh chưa hề có một kế hoạch nghiêm túc về việc lựa chọn và xây dựng nhân vật số 2 thay thế ông, nhất là khi chuyến ‘Bắc du’ của ông có vẻ không nằm trong dự liệu.

Tóm lại, vấn đề xung đột chính trị ở Đà Nẵng vừa có tính thời cuộc, vừa có tính cơ cấu thuộc về bản chất thể chế hiện hành. Một kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể giải quyết được tính thời cuộc của vấn đề, song nguyên nhân mang tính cơ cấu đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn thế gắn với cải cách thể chế.

* Bài Viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-happening-in-danang-09212017095129.html

 

VN và TQ chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Trump

Cả Việt Nam và Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sang hai nước vào tháng 11 tới đây.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đang chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Trump.

Bà Hằng cho biết tại cuộc gặp  Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ở Mỹ vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã khẳng định sẽ thăm Việt Nam và dự hội nghị APEC 2017 ở Việt Nam. Có nhiều khả năng, nhân chuyến thăm Việt Nam và dự thượng đỉnh ASEAN ở Philippines, Tổng thống Mỹ cũng sẽ đến thăm Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam dưới thời của Tổng thống Trump đã có những khởi đầu tốt. Vào khoảng giữa tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Hoa Kỳ.

Nhân chuyến thăm Mỹ vào tháng năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các công ty Việt Nam đã ký các hợp đồng mua bán với các công ty Mỹ trị giá hàng tỷ đô la. Tại chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước cũng cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện. Việt Nam cũng đồng ý cho tàu sân bay của Mỹ đến cảng Cam Ranh của Việt Nam vào năm tới.

Tại New York, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence rằng hai nước cần có những sự chuẩn bị tốt trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump.

Tân Hoa Xã trích lời ông Vương Nghị nói hai bên nên chuẩn bị tốt cho chuyến thăm để đảm bảo sự thành công của chuyến thăm để có thể đạt được những thành quả vững chắc và tạo điều kiện cho triển vọng tốt về mối quan hệ song phương mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng nói các trao đổi gần đây giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có nghĩa là một sự chuyển giao suôn sẻ và một khởi đầu tốt cho mối quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Trump.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng thời gian gần đây sau khi Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại. Mỹ cũng nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh phải gây sức ép lên Bắc Hàn về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Donald Trump cũng đã tiếp tục thực hiện tuần tra trên biển Đông, thực hiện chương trình Tự do hàng hải Fonops được bắt đầu dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Tàu hải quân của Mỹ từ đầu năm tới giờ đã ba lần đi qua các đảo mà Trung Quốc cho cải tạo và xây lấp ở Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-and-china-prepare-for-trump-s-first-visit-09212017091738.html

 

Thanh tra trách nhiệm Bộ trưởng Y tế

Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra trách nhiệm Bộ trưởng Y tế về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định 43 và quản lý đầu tư xây dựng theo đề án 125 của 2 bệnh viện trọng điểm, là bệnh viện Nhi đồng Tp. HCM và bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng.

Quyết định do Thanh tra Chính phủ công bố vào sáng 21 tháng 9 tại Bộ Y tế. Thời hạn cho việc thanh tra không quá 70 ngày.

Danh sách các đơn vị khác có tên trong quyết định thanh tra gồm Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Hà nội, Đại học Y dược TP. HCM, Đại học Y dược Cần Thơ và Sở Y tế TP.HCM.

Tại buổi công bố quyết định, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế ghi nhận ý kiến của đoàn thanh tra và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ những hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của đoàn.

Theo tin trong nước cho biết, Bộ Y tế đã thực hiện xây dựng 5 bệnh viện trọng điểm với tổng kinh phí là 20 ngàn tỉ đồng, gồm 3 bệnh viện ở TP.HCM và 2 bệnh viện ở tỉnh Hà Nam.

Bộ Y Tế Việt Nam trong thời gian qua bị nhiều chỉ trích trong công tác quản lý chuyên ngành. Bản thân bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị công luận cho là có những khuất tất trong vấn đề nhân sự ngành y tế, tài sản cá nhân…

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minister-of-health-to-be-investigated-09212017104226.html

Nợ công VN chiếm 61% GDP

Tính đến hết năm 2015 Chính phủ Việt Nam mắc nợ trị giá là gần 94,3 tỉ đô la Mỹ. Trong số nợ này có 39,6 tỉ là vay của nước ngoài, phần còn lại là vay trong nước.

Đây là thông tin được Bộ Tài Chính Việt Nam thông báo trong bảng tin về nợ công và được truyền thông loan đi ngày 21 tháng 9.

Cũng trong bảng tin đưa ra thì số nợ nước ngoài cả của chính phủ lẫn doanh nghiệp là gần 81 tỉ đô la Mỹ, trong đó phần của Chính phủ là 39,6 tỉ.

Như vậy theo tờ báo chuyên về kinh tế là Vn Economy của Việt Nam thì số nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 chiếm 61% tổng sản lượng nội địa, tăng 3% so với năm trước đó.

Trong số nợ nước ngoài, số nợ được chính phủ Việt Nam bảo lãnh là 21 tỉ đô la. Bộ Tài Chánh cũng đã tỏ ý lo ngại về số nợ nước ngoài mà chính phủ bảo lãnh này, chiếm đến 11,1 % tổng sản lượng nội địa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-public-debt-up-date-09212017090847.html

 

Vụ Nguyễn Xuân Anh:

‘Hàng trăm người chức quyền từng học ở SCUPS’

Viễn Đông

Người sáng lập một trường đại học ở Mỹ, hiện là tâm điểm trong “cơn bão chính trị” của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đã lên tiếng “bảo vệ danh dự” và cho biết “từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp bằng ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Donald Hecht, hiện còn là chủ tịch của California Southern University (CSU), nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi”, “nhất là hàng trăm cựu sinh viên đang sống ở Việt Nam”.

Chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi.

Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Trong thông báo gây “chấn động” dư luận hôm 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng một trong các vi phạm của ông Anh là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm”.

Theo báo Tuổi Trẻ, bí thư trẻ tuổi này từng học và lấy bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh của trường Humber College, Canada, từ năm 1995 tới 1998, rồi sau đó từ tháng 3/2001 đến 9/2002, ông học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh rồi từ tháng 3/2005 đến 12/2006, ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại trường của Mỹ là Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], trường chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận bằng.

Ông Hecht xác nhận với VOA Việt Ngữ về chuyện bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh:

“Chúng tôi có thể khẳng định rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh học tại SCUPS và nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006. Bằng của ông ấy và của các sinh viên Việt Nam khác đã được chứng thực bởi cơ quan chức năng của California và Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco. Ông ấy học một khóa liên kết giữa SCUPS và Đại học Bách khoa”.

Ph.D thường phải mất 4 hay 5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành vì nó thiên về nghiên cứu; trong khi DBA theo hướng thực hành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về quản lý và kinh doanh, nên một người có kinh nghiệm có thể hoàn thành sớm hơn.

Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Về bằng DBA do trường này cấp, đang gây tranh cãi ở Việt Nam, ông Hecht nói rằng mất “3 năm” và “dưới 30 nghìn đôla” để hoàn tất và lấy được bằng này. Ông cũng nói thêm rằng “không nên nhầm lẫn giữa DBA và Ph.D [bằng tiếng sĩ được nhiều trường cấp]”.

Ông nói tiếp: “Ph.D thường phải mất 4 hay 5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành vì nó thiên về nghiên cứu; trong khi DBA theo hướng thực hành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về quản lý và kinh doanh, nên một người có kinh nghiệm có thể hoàn thành sớm hơn”.

Tiến sĩ Hecht cho biết rằng tới nay, các chương trình của CSU “100% học trên mạng”. “Tuy nhiên, đối với các chương trình quốc tế, chúng tôi còn hướng dẫn trong lớp cho sinh viên. Chúng tôi cử các giáo sư Mỹ sang Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia hướng dẫn cho sinh viên”, ông nói thêm.

Khi được VOA Việt Ngữ hỏi rằng trường có được các cơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chất lượng trong giai đoạn 2002 – 2007, tức thời gian ông Anh nhận bằng, ông Hecht nói rằng “trường chúng tôi được thành lập năm 1978 và trường với tên gọi khi ấy là Southern California University for Professional Studies (SCUPS)” và đã “được thông qua cho phép cấp bằng bởi California Bureau for Private Postsecondary Education (BPPE)”, một cơ quan đảm trách việc giám sát các trường đại học và cao đẳng tư ở California, theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt.

Theo tìm hiểu thông tin trên trang web của BPPE, cơ quan này “chịu trách nhiệm chung về việc bảo vệ người tiêu dùng và các sinh viên trước nguy cơ lừa đảo”. Tin cho hay rằng những cơ quan giáo dục được cơ quan này công nhận vẫn cần được công nhận về năng lực và tín nhiệm bởi các cơ quan cấp quốc gia và cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

SCUPS cũng được Bộ Giáo dục Việt Nam chấp thuận cấp bằng ở Việt Nam với chữ ký của hai thứ trưởng khi chúng tôi liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình được chấp thuận này đã giúp hàng trăm người học thuộc nhóm chức quyền ở Việt Nam thời đó đạt mục tiêu học vấn là có được giáo dục kiểu Mỹ hợp lệ.

Tiến sĩ Donald Hecht nói.

Ông Hecht nói tiếp: “Năm 2010, trường được Ủy ban Cấp chứng nhận Giáo dục Từ xa (DEAC), một cơ quan cấp giấy chứng nhận cấp quốc gia công nhận và chính thức đổi tên từ SCUPS sang California Southern University để phân biệt giữa giai đoạn không được thừa nhận trước đó và tình trạng được công nhận chất lượng hiện thời”. Ông nói thêm rằng năm 2015 trường cũng đã được công nhận chất lượng bởi WASC, một tổ chức cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

“SCUPS đã cung cấp các chương trình học từ xa ở Việt Nam, Trung Quốc và châu Á những năm 90. Vào thời gian đó, trường không được cấp chứng chỉ chất lượng nhưng được thông qua bởi BPPE”, Chủ tịch Hecht nói.

“SCUPS cũng được Bộ Giáo dục [và Đào tạo] Việt Nam chấp thuận cấp bằng ở Việt Nam với chữ ký của hai thứ trưởng khi chúng tôi liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình được chấp thuận này đã giúp hàng trăm người học thuộc nhóm chức quyền ở Việt Nam thời đó đạt mục tiêu học vấn là có được giáo dục kiểu Mỹ hợp lệ. Chúng tôi tin rằng chúng tôi nằm trong số các trường đầu tiên của Mỹ được cho phép liên kết với một trường hàng đầu tại Việt Nam”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác nhận thông tin này.

Ông Hecht nói tiếp: “Trong khi chúng tôi đã được chấp nhận ở hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, vốn có cùng một hệ thống chính trị tương tự như Việt Nam, chúng tôi tin rằng thật là không công bằng khi một số chương trình và trường quốc tế không được cấp chứng nhận chất lượng hay không được công nhận ở cấp vùng [tại Mỹ] lại được chấp nhận ở Việt Nam, trong khi California Southern University thì không”.

VOA Việt Ngữ cũng đã liên hệ với trường cao đẳng cộng đồng Humber College, Canada, nơi ông Nguyễn Xuân Anh được cho là học cử nhân Quản trị Kinh doanh, nhưng không nhận được hồi đáp.

Tìm hiểu trên trang web của trường về khóa quản trị kinh doanh, VOA tiếng Việt thấy có một khóa cấp chứng chỉ, không cấp bằng cử nhân.

Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận.

Ngoài việc đưa tin về những sai phạm khác liên quan tới ông Anh, như “sử dụng chiếc ô tô do doanh nghiệp tặng” hay “sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp”, báo chí trong nước “xoáy” nhiều vào chuyện bằng cấp, vốn từng nhiều lần gây “sóng gió” cho một số quan chức cao cấp khác trong đảng.

VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với ông Nguyễn Xuân Anh để hỏi ông những thông tin liên quan.

Viết trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết: “Chuyện bằng cấp, chuyện quản lý đô thị và đất đai, chuyện sắp xếp nhân sự, chuyện nguyên tắc đảng đều không phải là tình tiết chính trong câu chuyện chính trường đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó cũng chẳng phải là lý do để Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, bởi những sai phạm được liệt kê thật bình thường, và có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào”.

Cư dân Đà Nẵng này bình luận tiếp: “Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, Trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính…”

https://www.voatiengviet.com/a/dai-hoc-my-len-tieng-doi-danh-du-trong-vu-sai-pham-cua-ong-nguyen-xuan-anh/4038562.html

 

Người giàu sụ Việt Nam tiêu tiền vào đâu?

Tạp chí Forbes mới đây nói rằng người giàu Việt Nam đang tiêu tiền vào du lịch nước ngoài, chữa bệnh nước ngoài và xài hàng hóa nước ngoài. Bên cạnh đó việc mua nhà ở nước ngoài cũng đang trên đà tiến. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng chi tiêu “vào nước ngoài” như vậy đẩy ngược chiều tăng trưởng kinh tế và mở rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

“Ở Việt Nam có một số người giàu lên rất nhanh,” Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam cho biết. “Họ giàu lên một cách quá dễ dàng và không phải kinh doanh gì. Cho nên số người đó có khả năng chi tiêu rất lớn và họ cũng sẵn sàng chi tiêu.” Các con số mà tạp chí Forbes đưa ra về các chi tiêu nước ngoài, mua nhà ở Hoa Kỳ theo ông Doanh, “là những con số tuy có thể cần được xác minh thêm, nhưng là những có số từ các nguồn khác nhau có sự trùng hợp, cho nên có một khả năng tin cậy nhất định.”

Một lượng tiền lớn của người giàu Việt Nam đang được đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. “Mua nhà ở Mỹ, ở Australia, ở New Zealand — là những khoản chi rất lớn,” theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, “để họ còn chuẩn bị ra nước ngoài định cư.”

Các lãnh vực “nước ngoài” khác mà người giàu Việt Nam đang tiêu tiền vào được tạp chí Forbes liệt kê còn có du lịch nước ngoài. Du khách Việt Nam có thể dễ dàng du lịch đến các nước trong khu vực với những chuyến bay đường ngắn, giá vé rẻ đang rất thịnh hành; họ lại được miễn visa du lịch vào các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, khối có dân số 630 triệu người.

Báo Vietnam Net dẫn số liệu thống kê trong nước nói rằng số người Việt Nam đi du lịch Nhật Bản đạt đến 230,000 lượt người từ năm 2012 đến 2016, và ước tính đến năm 2021 sẽ có khoảng 7,5 triệu người du lịch nước ngoài.

Về nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở nước ngoài, theo Forbes, người giàu Việt Nam dần chuyển nhu cầu về chăm sóc sức khỏe từ dịch vụ, dược phẩm, mỹ phẩm rẻ tiền, không tên tuổi sang các loại đắt tiền mang thương hiệu nổi tiếng. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá rằng thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam tăng mạnh trong năm nay. Còn hãng nghiên cứu thị trường Neilson thì nói rằng chăm sóc sức khỏe là quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.

“Chi cho du lịch khoảng hơn 6 tỉ đôla, khoản chữa bệnh khoảng 3 tỉ đôla, và mua nhà ở Hoa Kỳ khoảng 3 tỉ đôla, tổng cộng lại khoảng 12 tỉ đôla,” theo nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Xài hàng Nhật, theo phân tích của Forbes, thì người tiêu dùng Việt Nam nói họ thường tránh mua hàng Trung Quốc vì hàng hóa nhập từ nước có lịch sử “ức hiếp chính trị” Việt Nam này có chất lượng kém. Xe máy, đồ điện tử và hàng tiêu dùng của Nhật luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Gần đây mỹ phẩm và nhiều loại hàng tiêu dùng của Hàn Quốc cũng đang mở rộng thị phần ở Việt Nam.

iPhone của Apple và Galaxy Note của Samsung bán rất chạy ở Việt Nam vì nhu cầu máy điện thoại cầm tay tiếp tục tăng mạnh. Những chiếc điện thoại cầm tay đắt tiền này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa là “đồ trang sức.” Điện thoại Oppo của Trung Quốc chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích: “Dĩ nhiên là các chi tiêu nước ngoài đó không đóng góp gì được cho tăng trưởng GDP ở trong nước. Vì tăng trưởng GDP trong nước là phải tạo ra công ăn việc làm, và tạo ra giá trị gia tăng.”

Về mặt xã hội, theo Tiến sĩ Doanh thì xu hướng chi tiêu nước ngoài này càng đào sâu hố phân cách giàu nghèo: “Điều đó nói lên sự chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam rất đậm nét, vượt quá dự đoán của các nhà kinh tế. Người nghèo thì vẫn rất nghèo, người ta thấy những cảnh như qua thiên tai bão tố mới đây.”

Nhóm tư vấn Boston Consulting Group của Mỹ ước tính sự giàu có lên tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam. Nhóm này ước tính đến năm 2020, một phần ba dân số của Việt Nam sẽ ở vào tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn, có nghĩa là mức thu nhập bình quân của một người trong nhóm này tối thiểu là 714 đôla một tháng.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-giau-viet-nam-tieu-tien-vao-dau/4037171.html