Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Câu chuyện Xuân Anh và những ‘hạt giống đỏ’
Trần Quốc Quân
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Warsaw
20-9-2017
Một trong những câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Xuân Anh. Nguồn: Clip VTC.
Mấy ngày nay báo chí và cộng đồng mạng dường như quên đi những bức xúc về y tế, về BOT giao thông và thậm chí cả hậu quả cơn bão số 10 để tập trung vào những sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng mà Bí thư Nguyễn Xuân Anh là nhân vật trung tâm.
Những năm gần đây, “hạt giống đỏ” Nguyễn Xuân Anh có tri thức, có sức trẻ với những tuyên bố mạnh mẽ đã nổi lên như một nhân tố mới trong đội ngũ kế cận vừa hồng vừa chuyên của Đảng.
Thế nhưng, do bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xác định có ‘sai phạm nghiêm trọng’ trong hai năm đầu đảm trách cương vị Bí thư thành ủy Đà Nẵng, có thể nói sự nghiệp chính trị của Nguyễn Xuân Anh kể như chấm dứt từ đây.
Lý do khiến cho Nguyễn Xuân Anh trong vòng 10 năm (2006-2016) tiến một lèo từ Trưởng ban Quốc tế của báo Thanh Niên lên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không nói ra thì ai cũng biết.
Nhưng điều làm cho dư luận không khỏi thắc mắc là tại sao Nguyễn Xuân Anh bị chính Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng mà thân phụ ông là Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị từng làm Chủ nhiệm trước khi nghỉ hưu, “sờ gáy”?
Bản thân Nguyễn Xuân Anh “sai phạm nghiêm trọng tới mức phải thi hành kỷ luật”, nhưng chắc hẳn phải có ai đó ở trên bật đèn xanh thì Nguyễn Xuân Anh mới bị điều tra và kết tội khẩn trương thế.
Ông Nguyễn Xuân Ảnh (bên phải), em trai ông Nguyễn Xuân Anh, hồi đầu năm 2016 trở thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở tuổi 33. Nguồn: Bộ GTVT
Cùng với nhiều “hạt giống đỏ” khác, Nguyễn Xuân Anh được bổ nhiệm quá nhanh vào các cương vị lãnh đạo đảng và chính quyền với kỳ vọng giao cho “trọng trách kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống để kế tục sự nghiệp của cha ông”.
Nhưng trải qua thực tế, thế hệ lãnh đạo trẻ này có thực sự là “điều hạnh phúc của dân tộc ta, của Đảng ta” như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh từng phát biểu không?
Từ năm 1945 đến thời thập niên 1980, hầu như con cháu các vị lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam không được cơ cấu vào bộ máy quyền lực cao cấp.
Giáo sư Đặng Xuân Kỳ nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI và VII, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một trường hợp hiếm hoi và ông hoàn toàn xứng đáng với cương vị đó.
Hồi thập niên 1990, ông Phan Diễn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư con của nhà cách mạng Phan Thanh, hay ông Nguyễn Khoa Điềm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương con của nhà cách mạng Nguyễn Hải Triều, đều có bề dày phấn đấu và được đánh giá là có năng lực thực sự.
Nhưng từ năm 2000 tới nay, bất chấp nguyên tắc tổ chức đề ra trong Điều lệ Đảng, nhiều “hạt giống đỏ” chưa trải qua đào tạo, thử thách được đảm trách quá nhanh và quá sức các cương vị lãnh đạo, để lại nhiều tai tiếng và hậu quả đáng tiếc.
Ngoài Nguyễn Xuân Anh vừa “ngã ngựa”, hãy thử điểm qua một vài “hạt giống đỏ” gần đây được gieo mầm “đúng quy trình” như thế nào.

Thăng tiến bằng đôi chân của ai?

Nông Quốc Tuấn, sinh năm 1963 từng là công nhân xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức, con trai nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.
Ông Tuấn được cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo từ Phó Bí thư thường trực Ban chấp hành Hội liên hiệp Thanh niên, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang để được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng tại Đại hội XI.
Năm 2012 ông lại được điều về đảm trách cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tại Đại hội XII ông Tuấn không được tái bầu cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hiện nay ông Nông Quốc Tuấn là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Nguồn: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976 là con trai cả nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Năm 2011, đang là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, tuy không được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhưng ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương.
Ngay sau đó ông được bố bổ nhiệm làm Thứ tưởng Bộ Xây dựng, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Tại Đại hội lần thứ XII, ông Nghị được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương.
Lê Trương Hải Hiếu, sinh năm 1981 là con trai ông Lê Thanh Hải nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2015, Lê Trương Hải Hiếu được cử giữ chức Chủ tịch Quận 12. Năm 2016, ông Hiếu được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố.
Ông Lê Trương Hải Hiếu (trái) không đủ phiếu bầu để vào Ban chấp hành hồi tháng 10/2015. Nguồn: Đảng bộ TPHCM
Tô Linh Hương, sinh năm 1988 là con gái ông Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Năm 2012, khi 24 tuổi, mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền được 3 năm, Tô Linh Hương được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Công ty Ðầu tư Xây dựng Vinaconex PVC có hơn 2 nghìn lao động, doanh số hàng năm đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng. Do áp lực của dư luận xã hội, chỉ 2 tháng sau Tô Linh Hương đã rời bỏ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty PVC.
Vũ Quang Hải, sinh năm 1986 là con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Năm 28 tuổi, Vũ Quang Hải được lãnh đạo Bộ Công Thương ký quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với lý do để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty có doanh số 4 tỷ USD/năm.
Con ông cháu cha tham gia chính trường thực ra không chỉ có ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ngay cả ở các nước phương tây việc này cũng khá phổ biến.
Tại Mỹ, các gia tộc Kennedy, Bush, McCain… nổi tiếng có nhiều chính trị gia thành công trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng khác với ở ta, con cháu các dòng họ này ngoài tài năng thật sự, họ kế thừa được truyền thống hoạt động chính trị chuyên nghiệp của gia đình và trên hết, họ được chọn lựa ra thông qua bầu cử dân chủ, minh bạch và công khai.
Có tài, có đức cứ mặc sức thăng tiến để cống hiến cho đất nước. Nhưng sự thăng tiến ấy không được tùy tiện “thăng hoa” do tác động từ quyền lực bên ngoài mà phải từ nỗ lực phấn đấu của bản thân theo đúng tiến trình quy định của pháp luật.