Tin khắp nơi – 18/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/09/2017

TT Trump đến Florida thăm hỏi nạn nhân bão Irma

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm 14/9 đến bang Florida thăm hỏi một số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Irma. Tháp tùng ông Trump có Phó Tổng thống Mike Pence.

Nơi dừng chân đầu tiên của ông Trump là thành phố Fort Myers, sau đó ông sẽ đến thăm thành phố Naples. Đây là những khu vực nơi tâm bão Irma quét qua.

Ông Trump trước đó đã tuyên bố Florida là một khu vực thảm họa, bước đầu tiên để giúp giải ngân các quỹ cứu trợ của liên bang.

Ưu tiên hàng đầu là khôi phục mạng lưới điện cho 7 triệu dân trên khắp tiểu bang. Nhiều nơi vẫn chưa có điện và các công ty điện lực cho biết có thể phải mất hơn một tuần để khôi phục hoàn toàn hệ thống.

Nhà chức trách đang điều tra xem liệu tình trạng thiếu điện để chạy máy điều hòa có phải là nguyên nhân gây nên cái chết của 8 bệnh nhân tại nhà dưỡng lão ở thành phố Hollywood, bang Florida, hay không. Có ít nhất 25 ca tử vong liên quan đến bão Irma tại Florida, tính cả các ca tử vong ở nhà dưỡng lão.

Thống đốc Florida Rick Scott kêu gọi mở một cuộc điều tra hình sự, ông miêu tả tình hình này “không sao tưởng tượng được.”

Nhà dưỡng lão này hình như mất điện khi bão ập đến. Không rõ lý do tại sao các máy phát điện không hoạt động để giảm sức nóng trong tòa nhà.

Thống đốc Scott yêu cầu nhà chức trách kiểm tra các viện dưỡng lão khác. Theo Hiệp hội chăm sóc sức khoẻ Florida, trong số gần 700 nhà dưỡng lão trong tiểu bang, khoảng 150 nhà dưỡng lão vẫn mất điện vào sáng thứ Tư 13/9.

Bão Irma đã giết chết ít nhất 37 người ở vùng Caribe và tàn phá các hòn đảo trong khu vực, kể cả đảo Barbuda, tất cả các cư dân trên đảo này đều đã được sơ tán đến đảo Antigua.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-den-florida-tham-hoi-nan-nhan-bao-irma/4029267.html

 

Bắc Hàn bắn tên lửa bay qua Nhật Bản

Bắc Hàn vừa bắn một tên lửa đạn đạo bay qua phía bắc Nhật Bản, chính phủ hai nước Nam Hàn và Nhật Bản cho biết.

Tên lửa này nhiều khả năng đạt tới độ cao khoảng 770 km và bay xa khoảng 3.700 km, quân đội Nam Hàn cho biết.

Đảo Guam tại Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nơi Bắc Hàn tuyên bố có kế hoạch bắn tên lửa tới, cách Bình Nhưỡng khoảng 3.400 km do đó sẽ nằm trong phạm vi của tên lửa vừa bắn.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói Nhật Bản sẽ “không bao giờ khoan dung” cho các hành động nguy hiểm của Bắc Hàn.

“Nếu Bắc Hàn tiếp tục hành động theo lối này thì họ sẽ không có tương lai tươi sáng,” ông Abe nói trong một tuyên bố.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng lên án việc vụ phóng tên lửa, nhưng dành gánh nặng trách nhiệm phản hồi cho Trung Quốc và Nga, các đối tác kinh tế chính của Bắc Hàn.

“Trung Quốc cung cấp phần lớn dầu cho Bắc Hàn. Nga là nước sử dụng nhiều nhất lực lượng lao động cưỡng bức của Bắc Hàn,” ông nói.

Trung Quốc và Nga phải tỏ ra không khoan dung trước những vụ phóng tên lửa bừa bãi này bằng cách đưa ra hành động trực tiếp của mìnhRex Tillerson, Ngoại trưởng Hoa Kỳ

“Trung Quốc và Nga phải tỏ ra không khoan dung trước những vụ phóng tên lửa bừa bãi này bằng cách đưa ra hành động trực tiếp của mình”.

Trung Quốc lo sợ ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn

Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi ‘đau đớn nhất’

Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’

Bắc Hàn đang ‘cầu xin chiến tranh’

Vào tháng trước, Bắc Hàn bắn một tên lửa bay qua Nhật Bản trong vụ mà Tokyo gọi là “sự đe dọa chưa có tiền lệ”.

Giới chức Nam Hàn nói tên lửa bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Quân đội Nam Hàn nói vụ phóng tên lửa mới nhất được thực hiện tại Bình Nhưỡng ngay trước 7 giờ sáng giờ địa phương hôm thứ Sáu.

Tên lửa này bay cao và xa hơn đáng kể so với tên lửa Bắc Hàn bắn vào hôm 29/08, bay cao khoảng 550 km và xa khoảng 2,700 km.

Tại Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in đã tổ chức họp Hội đồng An ninh Quốc gia khẩn cấp, trong khi quân đội tiến hành cuộc diễn tập tên lửa đạn đạo của họ ở Biển Nhật Bản, theo hãng tin Yonhap.

Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp vào thứ Sáu tại New York theo yêu cầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41276337

 

Gallup: Đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự

đối với Triều Tiên

Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hôm 15/9, đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên nếu các nỗ lực ngoại giao và kinh tế thất bại. Thông tin được đưa ra giữa lúc căng thẳng ngày càng gia tăng vì chương trình vũ khí hạt nhân và các vụ phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.

Cuộc khảo sát với 1.022 người trưởng thành ở Mỹ hồi tuần trước cho thấy 58% nói họ sẽ ủng hộ hành động quân sự đối với Triều Tiên nếu trước đó Hoa Kỳ không thể đạt mục tiêu của mình bằng các biện pháp hòa bình hơn.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đó rất khác nhau xét về mặt đảng phải. Trong số những người theo đảng Cộng hòa, 82% ủng hộ hành động quân sự, so với 37% bên đảng Dân chủ. Trong số những người theo đường lối độc lập chính trị, 56% ủng hộ.

Kết quả thăm dò được đưa ra khi Triều Tiên lại phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản hôm 15/9.

Theo Gallup, kết quả thăm dò lần này cho thấy có sự thay đổi so với năm 2003, là lần gần đây nhất họ hỏi về sự ủng hộ của người Mỹ đối với hành động quân sự chống Triều Tiên. Khi đó, 47% nói ủng hộ. Phần lớn những người thuộc đảng Cộng hòa và độc lập chính trị là những người đã thay đổi.

https://www.voatiengviet.com/a/gallup-da-so-nguoi-my-ung-ho-hanh-dong-quan-su-doi-voi-trieu-tien/4030256.html

 

‘Khủng bố’ ở London: Anh phật ý vì Donald Trump

Thủ tướng Anh Theresa May bác bỏ lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau vụ nổ trên tàu điện ngầm London hôm thứ Sáu.

Trên Twitter, ông Trump mô tả các kẻ tấn công là “bọn khủng bố tồi” và là “những kẻ bệnh hoạn, loạn trí ở ngay trong tầm ngắm của cảnh sát London”.

Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May đáp trả:

“Không ích gì cho bất kỳ ai lại đồn đoán về cuộc điều tra đang diễn ra.”

Đã xảy ra một vụ nổ trên đường tàu điện ngầm District Line ở London sáng ngày 15/9, làm một số hành khách bị thương.

Chỉ huy phó lực lượng Cảnh sát Thành đô London ông Mark Rowley cho biết vụ nổ này do một thiết bị nổ tự chế được kích hoạt.

Mười tám người đã được đưa đi bệnh viện và hầu hết bị bỏng, Lực lượng Cứu thương London nói trong một thông báo.

Cảnh sát và nhân viên cứu thương được gọi đến ga Parsons Green ở Fulham, phía Tây Nam London vào lúc 08.20 giờ London.

Một số hình ảnh cho thấy có một chiếc xô màu trắng đựng trong túi siêu thị bốc cháy trong một toa tàu điện ngầm. Tuy nhiên, dường như không có thiệt hại lớn bên trong toa tàu điện ngầm.

Ga Parsons Green hiện đã được cảnh sát phong tỏa.

Thủ tướng Anh Theresa May viết trên Twitter: “Tôi nghĩ đến những người bị thương ở ga Parsons Green và các lực lượng cứu hộ đang xử lý vụ khủng bố này một cách dũng cảm.”

Ủy ban khẩn cấp của chính phủ Anh Cobra sẽ có cuộc họp vào lúc 13.00 giờ Anh.

Thị trưởng London ông Sadiq Khan đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và nói thành phố này “sẽ không bao giờ bị khủng bố làm sợ hãi hay đánh bại.”

‘Tấn công khủng bố’ ở Barcelona

Nhân chứng kể họ nhìn thấy ít nhất một hành khách đã bị thương ở mặt.

Những người khác nói họ thấy hành khách “hoảng hốt” khi thoát khỏi toa tàu này ở ga Parsons Green.

Lực lượng Cứu thương London cho biết họ đã cử một đội ứng phó tai họa tới hiện trường.

Hành khách Chris Wildish nói với BBC Radio 5 ông nhìn thấy một cái xô đặt trong túi siêu thị với “ngọn lửa nhỏ cháy trong đó” ngay cạnh cửa toa tàu.

Một nhân chứng khác có tên Luke nói “có một tiếng nổ lớn.”

“Nó xảy ra khi chúng tôi sắp dừng ở ga tàu điện ngầm nên mọi người tràn ra khỏi toa tàu. Có mùi cháy khét lẹt,” ông nói.

“Tôi thấy một vài người bị bỏng,” ông nói thêm, “mọi người đều xử sự đúng mực, mọi người ra khỏi tàu nhanh hết mức có thể và giúp đỡ lẫn nhau”.

London lại bị tấn công, bảy người chết

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41279041

 

London ứng phó với vụ ‘khủng bố’ ở ga tàu điện ngầm

Một số người bị thương hôm 15/9 sau khi các nhân chứng nói đã xảy ra một vụ nổ trên một chuyến tàu tuyến ngắn vào giờ cao điểm ở London. Còn cảnh sát nói họ coi đây là một vụ khủng bố.

Các hành khách trên một đoàn tàu đi vào thủ đô của Anh đã bỏ chạy khi lửa bao trùm lên một toa xe tại bến tàu điện ngầm Parsons Green ở West London vào lúc 8h20 phút sáng, giờ địa phương. Một số người bị bỏng hoặc bị những thương tích khác vì dẫm đạp lên nhau để thoát thân, theo lời các nhân chứng.

Dịch vụ cứu thương của London cho biết họ đã đưa 18 người vào bệnh viện, nhưng nói thêm dường như không ai ở trong tình trạng nguy kịch.

Neil Basu, điều phối viên quốc gia cấp cao về hoạt động của cảnh sát trong công tác chống khủng bố, tuyên bố đây là một vụ khủng bố. Thủ tướng Theresa May sẽ chủ trì một cuộc họp của ủy ban ứng phó khẩn cấp của Anh trong thời gian còn lại của ngày 15/9, văn phòng của bà cho hay.

Cảnh sát London cho biết trong một tuyên bố rằng: “Vẫn còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân gây ra đám cháy. Để biết điều này phải có điều tra, và hiện Sở Chỉ huy Chống Khủng bố của vùng thủ đô Anh đang tiến hành điều tra”.

Các bức ảnh chụp bên trong đoàn tàu cho thấy một xô nhựa trắng bên trong một túi đựng hàng siêu thị. Có thể nhìn thấy lửa và những vật dường như là các dây điện.

https://www.voatiengviet.com/a/london-ung-pho-vu-khung-bo-o-ga-tau-dien-ngam/4030149.html

 

Harvard gây tranh cãi vì Chelsea Manning

Một cựu lãnh đạo CIA, Michael Morell, từ nhiệm khỏi vị trí nghiên cứu ở Đại học Harvard để phản đối việc mời Chelsea Manning.

Bà Chelsea Manning, quân nhân Mỹ chuyển giới, từng bị kết án 35 năm tù về tội tiết lộ bí mật quốc gia cho WikiLeaks.

Đầu năm nay, trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Barack Obama quyết định giảm phần lớn án tù cho bà.

Hôm 15/9, Đại học Harvard nói họ rút lại lời mời làm nghiên cứu với bà Chelsea Manning, 29 tuổi.

Mới hôm thứ Tư, Trường Chính phủ Kennedy của Harvard loan báo họ mời bà Manning làm nhà nghiên cứu thỉnh giảng.

Nhưng nay Harvard nói việc này là “sai lầm”, tuy rằng họ vẫn hoan nghênh bà đến trường nói chuyện.

Trong thư từ nhiệm, cựu giám đốc CIA Morell chỉ trích Trường Chính phủ Kennedy.

Ông Morell phục vụ 33 năm trong CIA, trong đó có ba năm làm phó giám đốc dưới chính phủ Obama.

Trong nhiều tháng của năm 2011, ông làm quyền giám đốc CIA, thay thế Leon Panetta khi ông này chuyển sang làm bộ trưởng quốc phòng.

Từ tháng 11/2012 đến tháng Ba 2013, ông cũng tạm quyền lãnh đạo CIA khi Tướng David Petraeus từ chức.

Ông nghỉ hưu năm 2013 và trở thành một nhà nghiên cứu tại Trường Chính phủ Kennedy.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41280540

 

Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc

Căng thẳng ngoại giao và sức ép từ Trung Quốc khiến cho tập đoàn siêu thị và bán lẻ Lotte quyết định bán các cơ sở của họ ở nước láng giềng khổng lồ.

Lotte đã chọn Goldman Sachs để quản lý việc bán các cơ sở của họ sau khi công ty Hàn Quốc này bị tẩy chay và cấm đoán tại Trung Quốc.

Căng thẳng Trung – Hàn đến từ cơn giận dữ của Bắc Kinh trước kế hoạch của Seoul triển khai dàn chống hỏa tiễn THAAD.

Trung Quốc phản đối THAAD ngay từ khi Hoa Kỳ có ý tưởng chuyển giao hệ thống phòng thủ này cho Hàn Quốc mà gần đây được Tổng thống Moon Jae-in đồng ý triển khai để ngăn ngừa Bắc Hàn.

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt sang Hàn Quốc

Lệnh cấm của TQ tổn thương du lịch Nam Hàn

Nam Hàn khiếu nại về Trung Quốc lên WTO

Ông Moon Jae-in đưa ra quyết định này sau khi Bắc Hàn thử bom H tại trong vụ thử nguyên tử lần thứ sáu.

Hôm 7/09/2017, xe chở các bộ phận của dàn THAAD được đưa tới Seongju, chừng 300 km về phía Nam của Seoul và bị một đám đông người phản đối bao vây.

Phòng cháy hay phòng hỏa tiễn?

Một số báo Trung Quốc trích giới quân sự đã nghỉ hưu nói rằng dàn THAAD có radar rất mạnh có thể ‘nhìn sâu’ vào lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn km.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ lại nói THAAD chỉ nhằm để đánh chặn hỏa tiễn từ Bắc Hàn.

Bắc Kinh đã tìm các lý do kỹ thuật như ‘vi phạm phòng cháy chữa cháy’ để trừng phạt cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc sau khi Lotte tại Hàn Quốc cho chính phủ lấy mặt bằng đặt dàn THAAD.

Hiện Lotte nói họ chưa quyết định sẽ bán hết các đại siêu thị hay chỉ bán các cửa hàng đơn lẻ tại Trung Quốc, theo phóng viên Eun-Young Jeong viết cho Dow Jones Newswires.

Trên thực tế không phải Lotte muốn ủng hộ cho THAAD mà chính phủ Hàn Quốc đã chọn ra một sân golf thuộc quyền quản lý của hãng này để làm địa điểm đặt dàn THAAD.

Quan chức sứ quán Bắc Hàn ở VN làm gì?

Phe tả Hàn Quốc: ‘Cần ngưng THAAD’

Mỹ triển khai hệ thống Thaad ở Nam Hàn

Kể từ cuối 2016 khi xung khắc Trung – Hàn nổ ra, Lotte đã báo thiệt hại 441,7 triệu USD.

Vẫn theo Dow Jones Newswires hôm 14/09/2017, hãng xe hơi Hàn Quốc, Hyundai cũng bị thua lỗ vì các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, khiến số xe bán ra của họ ở thị trường này giảm 28,8% từ một năm qua.

Trước đó, ngành du lịch Hàn Quốc cũng đã bị thiệt hại vì Trung Quốc cấm các tour đông người có tổ chức sang thăm Hàn Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-41272333

 

Trung Quốc, Canada, EU và các đối tác

thúc đẩy Hiệp định Paris

Khoảng 30 vị bộ trưởng phụ trách môi trường của các nước sẽ hợp tác cùng nhau thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong buổi hội thảo diễn ra ngày 16 tháng 9 do Trung Quốc, Canada, Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng.

Hội nghị diễn ra ở Montreal có sự góp mặt của hơn một nửa số thành viên khối các nước G20.

Hãng AFP cho biết Canada nói là sẽ không đi theo con đường của Hoa Kỳ đó là rút khỏi hiệp định, mà ngược lại sẽ cam kết tuân thủ mọi cam kết, và hi vọng sẽ đạt được mục tiêu hiệp định đề ra bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch.

Trong khi đó EU nói rằng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực thi hiệp định và cho biết đã có kế hoạch cụ thể nhằm giảm lượng khí thải của cả khối xuống 40% vào năm 2030.

Trung Quốc thì hứa hẹn sẽ đưa ra các giải pháp giao thông vận tải tân tiến để giảm lượng khí thải. Bắc Kinh bấy lâu nay lên kế hoạch cấm các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel bắt đầu từ năm 2040.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/canada-china-eu-and-partners-push-forward-on-paris-climate-accord-09152017094913.html

 

HĐBA dự kiến họp

sau khi Triều Tiên lại bắn tên lửa qua Nhật Bản

Triều Tiên phóng tên lửa thứ hai qua Nhật Bản, bay xa vào Thái Bình Dương hôm 15/9, theo lời các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản. Vụ này làm trầm trọng thêm căng thẳng sau vụ Bình Nhưỡng mới đây thử quả bom hạt nhân thứ sáu và mạnh nhất của họ.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến họp trong cùng ngày để thảo luận về vụ phóng sau khi có đề nghị của Hoa Kỳ và Nhật Bản, các nhà ngoại giao cho hay.

Tên lửa đã bay qua Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản và rơi xuống một điểm ở Thái Bình Dương cách đó khoảng 2.000 km về phía đông, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói với các phóng viên.

Tên lửa đạt độ cao khoảng 770 km và bay trong khoảng 19 phút, vượt qua quãng đường khoảng 3.700 km, theo giới quân đội Hàn Quốc – bay đủ xa để đến Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương. Triều Tiên từng có lời đe dọa đối với Guam trước đây.

Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ đã phát hiện ra một tên lửa đạn đạo tầm trung riêng rẽ ngay sau khi nó rời bệ phóng, nhưng tên lửa đó không đe dọa đến Bắc Mỹ hoặc Guam, nằm cách Triều Tiên khoảng 3.400 km.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nhắc lại các cam kết của Washington đối với việc bảo vệ các đồng minh của mình. Ngoại trưởng Rex Tillerson kêu gọi phải có “các biện pháp mới” đối với Triều Tiên và nói rằng “việc tiếp tục có những hành động khiêu khích chỉ càng cho Triều Tiên bị cô lập ngoại giao và kinh tế hơn nữa”

https://www.voatiengviet.com/a/hdba-du-kien-hop-sau-khi-trieu-tien-lai-ban-ten-lua-qua-nhat-ban/4030209.html

 

Vụ Nga-Trump:

Đồng minh của ông Trump sắp ra điều trần

Ông Roger Stone, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Donald Trump, ngày 14/9 tuyên bố nhận lời điều trần trong một phiên họp kín tại Ủy ban Tình báo Hạ viện trong cuộc điều tra về việc Nga có thể can thiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

“Tất cả 20 thành viên của ủy ban sẽ có mặt trong buổi điều trần,” ông Stone, một cố vấn không chính thức của Tổng thống Trump, nói trong một tuyên bố.

Cuộc điều trần sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 9.

Ông Stone nói ông đã yêu cầu được điều trần công khai, mở rộng để được hoàn toàn minh bạch. Nhưng vì đây là một buổi điều trần kín, ông đã yêu cầu công bố ngay tức khắc văn bản để tránh những ngộ nhận lầm lẫn về lời khai chứng của ông.

“Tôi rất mong đến ngày điều trần và tôi cũng muốn nói lại cho đúng một số tuyên bố của các thành viên ủy không đúng về những hoạt động của tôi trong năm 2016,” ông Stone nói.

Uỷ ban của Hạ viện là một trong những uỷ ban chính của quốc hội điều tra về những cáo buộc là Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và điều tra xem có những ai làm việc cho ông Trump thông đồng với Moscow hay không.

Nga phủ nhận bất cứ nỗ lực nào, và ông Trump cũng bác bỏ bất cứ những cuộc thảo luận nào về thông đồng.

Trước đây trong năm truyền thông loan tin là ông Stone nằm trong số những người làm việc cho ông Trump mà việc thông tin và giao dịch tài chánh đã được FBI điều tra và những người khác trong khuôn khổ một cuộc điều tra rộng lớn hơn.

Vào lúc đó ông Stone phủ nhận là không có tiếp xúc hay thông đồng với người Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-nga-trump-dong-minh-ong-trum-sap-ra-dieu-tran/4029471.html

 

Doanh nghiệp châu Á tìm giải pháp bài trừ nô lệ mới

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Á Thái Bình Dương đang cân nhắc một khuyến nghị bảo vệ công nhân nhập cư trước nạn nô lệ mới và đảm bảo là các nguồn cung cấp nhân lực cho các công ty là đàng hoàng, hợp pháp, theo công bố của đại sứ Australia phụ trách bài trừ tệ nạn chuyển lậu và buôn người.

Một ý kiến được đưa ra là thành lập một trang mạng khu vực đánh giá các công ty tuyển dụng nhân công—điều vốn đã được thực hiện tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski cho biết. Một ý kiến khác đề nghị lập thành một số điện thoại chung như một đường dây nóng trong vùng, tương tự như công ty áo quần thể thao Adidas đang cung cấp cho công nhân các xưởng của công ty tại Trung Quốc và những nơi khác.

Ông Goledzinowski đưa ra những ý kiến này tại diễn đàn Bali Process của các giới chức và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bali Process cũng nhằm đảm bảo là khâu cung cấp vật liệu cho các công ty không vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức về tuyển mộ công nhân.

Tại cuộc họp ở Perth, Australia, các đại biểu tham dự diễn đàn nhất trí sẽ đệ trình những khuyến nghị rõ ràng cho các chính phủ trong năm tới.

“Chúng tôi hy vọng thành viên tham dự sẽ đưa ra những khuyến nghị để làm thế nào quản trị tốt hơn việc tuyển mộ công nhân nhập cư và bảo vệ họ,” ông Goledzinowski nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 13/9. Ông cho biết những biện pháp cũng nhắm tới việc “quản lý minh bạch chuỗi cung cấp để các doanh nghiệp không những chỉ chịu trách nhiệm đối với những gì xảy ra tại công ty của họ, mà còn chịu trách nhiệm về những người họ mua bán giao dịch.”

Công nhân nhập cư thường giao dịch với những người tuyển mộ không rõ nguồn gốc, bị thu phí cao và bị giữ hộ chiếu khi đến nơi làm việc, ông Goledzinowski nói.

Những khuyến nghị sẽ bao gồm các vấn đề về đạo đức làm việc, những tiêu chuẩn minh bạch và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân và những người lên tiếng tố cáo. Một số được xếp hạng là những tiêu chuẩn tối thiểu, và một số khác được xem như là những mục tiêu có nhiều tham vọng.

Bali Process bắt đầu vào năm 2002 và bao gồm đại diện của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Afghanistan, Triều Tiên và các quốc gia tại Đông Nam Á.

https://www.voatiengviet.com/a/doanh-nghiep-chau-a-tim-giai-phap-bai-tru-no-le-moi/4029348.html

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.200 tỉ đô la

tài trợ cho chính phủ

Ngày 14/9, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.200 tỉ đô la để tài trợ cho hầu hết các hoạt động của chính phủ trong năm tài chánh bắt đầu vào ngày 1 tháng 10, tuy biết rằng Thượng viện sẽ không đồng ý với nhiều khoản gây tranh cãi và buộc phải có một quá trình thương thuyết có thể kéo dài đến cuối năm.

Dự luật cấp cho Bộ Quốc phòng 658,1 tỉ đô la và 44,3 tỉ đô la cho Bộ An ninh Nội địa, trong đó có khoảng 1,6 tỉ đô la để xây các hàng rào dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, cùng những khoản khác.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-thong-qua-du-luat-1200-ti-do-la-tai-tro-cho-chinh-phu/4029317.html

 

Tổng thống Trump: ‘sắp đạt được thỏa thuận DACA’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho hay ông đã tiến “khá gần” đến một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Quốc hội về vấn đề người nhập cư đã đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ, và khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm một giải pháp quy mô để bảo đảm an ninh biên giới.”

Ông Trump lên tiếng hôm 14/9, sau khi viết trên Twitter rằng ông không đi đến thỏa thuận với lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Thượng viện về chương trình Hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ, còn gọi tắt là DACA, chương trình mà chính phủ của ông đã hủy bỏ hồi tuần trước.

Ông Trump nói với các phóng viên:

“Chúng tôi đang bàn về một kế hoạch, với điều kiện phải có một chương trình quy mô để kiểm soát biên giới. Chúng tôi cũng ra sức làm việc để tìm một kế hoạch cho DACA. Người dân muốn biết điều gì đang xảy ra, chúng ta có 800.000 người trẻ tuổi nhập cư, mà lỗi không phải do họ, do đó chúng tôi đang thảo kế hoạch này. Hãy chờ xem kế hoạch này hoạt động ra sao, nhưng chúng ta phải liên kết vấn đề an ninh biên giới với kế hoạch này. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra.”

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, và Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay sau cuộc gặp với ông Trump tối thứ Tư 13/9 họ đồng ý nhanh chóng đưa ra kế hoạch bảo vệ 800.000 đương đơn theo chương trình DACA, do cựu Tổng thống Obama thiết lập để bảo vệ những người nhập cư này không bị trục xuất.

Sáng thứ Năm 14/9, hai nhà lập pháp này đã ra tuyên bố chung xác nhận những lời bình luận của ông Trump về vấn đề này “phù hợp với thoả thuận đạt được tối qua” tuy nhiên nhấn mạnh rằng chưa đạt được thỏa thuận chung cuộc nào.

Tuyên bố nói: “Chúng tôi đồng ý rằng Tổng thống sẽ ủng hộ việc đưa các biện pháp bảo vệ DACA thành luật, và khuyến khích Hạ viện và Thượng viện hành động. Những gì còn lại cần được thương lượng là các chi tiết về an ninh biên giới, với mục đích chung là hoàn thiện tất cả các chi tiết trong thời hạn sớm nhất có thể.”

Ông Trump nói: “Tối qua chúng tôi đã gặp ông Schumer và bà Pelosi và cả nhóm, tôi nghĩ chúng tôi khá gần một thỏa thuận, nhưng chúng ta phải có một kế hoạch quy mô đểvề an ninh biên giới.”

Ông Trump nói rằng ông tin cả hai nhà lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa, lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, “có cùng quan điểm” về một thỏa thuận liên quan đến DACA và an ninh biên giới.

Trước đây, khi hủy bỏ chương trình DACA, ông Trump cho Quốc hội 6 tháng để đưa ra một giải pháp lâu dài.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-sap-dat-duoc-thoa-thuan-daca/4029286.html

 

Nga tập trận để ngăn chặn cách mạng màu

Hôm thứ Năm 14/9, Nga và đồng minh Belarus đã khởi động một cuộc tập trận quân sự kéo dài một tuần khiến các thành viên NATO quanh khu vực và Hoa Kỳ đang lo lắng, nhưng thực chất cuộc tập trận này cho thấy một trong những mối lo sợ lớn của Moscow.

Ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận mang tên “Zapad”, còn gọi là “phía Tây” đã bắt đầu, bộ này thông báo rằng các đơn vị xe tăng của Nga đã nhận “cảnh báo” và di chuyển tới Belarus để tập trận. Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết lệnh cảnh báo cũng áp dụng cho các đơn vị không quân đóng tại Nga và các đơn vị này đã sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận.

Tuyên bố của Nga hôm thứ Năm 14/9 đưa ra cùng với lời trấn an mà Moscow lặp lại trong nhiều tuần qua rằng cuộc tập trận này chỉ “hoàn toàn có tính chất tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác.” Kịch bản của Nga cho cuộc tập trận này là một cuộc xâm lược do ba nước có tên tưởng tượng là Veishnoriya, Lubeniya và Vesbasriya thực hiện nhằm tách Belarus ra khỏi Nga. Các nhà quan sát NATO và các nước khác nhận ra 3 quốc gia mà Nga dùng tên tưởng tượng đó là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Các thành viên trong liên minh NATO càng thêm lo ngại vì có khác biệt lớn giữa các số liệu chính thức về số binh sĩ tham gia cuộc tập trận do Nga đưa ra – 12.700 binh sĩ và 680 trang thiết bị quân sự, bao gồm 138 xe tăng – với con số do các nước phương Tây ước lượng dựa trên việc điều binh trên thực tế khoảng từ 70.000 đến hơn 100.000 binh sĩ tham gia.

Các cuộc tập trận Zapad trước đây được thực hiện vào năm 2009 và 2013, là việc phô trương lực lượng mà Tổng thống Putin đã điều chuyển thành một một lực lượng quân sự hiệu quả, mà từ đó đến nay Nga đã triển khai sang Syria và Ukraina.

Các quan chức quân sự phương Tây bày tỏ mối quan ngại rằng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga sẽ được tận dụng như là một “con ngựa thành Trojan”, cho phép Moscow để lại Belarus một số binh sĩ và trang thiết bị sau khi triển khai cuộc tập trận.

Nguồn: Washington Post và TASS

https://www.voatiengviet.com/a/nga-tap-tran-de-ngan-cach-mang-mau/4030532.html

 

Các nước vùng TBD rà soát tàu Triều Tiên giả dạng

Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đang rà soát các hồ sơ vận tải để tìm các tàu có mối liên hệ với Triều Tiên sau khi Fiji tuyên bố đã xác định được 20 tàu treo cờ giả mạo mà nước này nghi là được chế độ Bình Nhưỡng dùng để né tránh các lệnh trừng phạt của LHQ.

Fiji, cùng với Interpol và cơ quan điều tiết vận tải cấp khu vực đặt ở Singapore có tên Tokyo MoU, đang điều tra các tàu đó xem có liên hệ gì với Triều Tiên, một phát ngôn viên của Cơ quan An toàn Hàng hải của Fiji (MSAF) cho Reuters biết hôm 15/9.

18 thành viên của Diễn đàn Các Quốc đảo Thái Bình Dương trong tháng này đã đồng ý tiến hành kiểm toán tất cả các tàu đăng ký tại Thái Bình Dương để tìm kiếm xem có bất kỳ liên hệ nào với Triều Tiên không.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Gerry Brownlee nói rằng các quốc gia Thái Bình Dương, kể cả nước ông, lo ngại rằng Triều Tiên đang sử dụng các tàu vận tải treo cờ giả mạo như một cách để buôn bán hàng hóa bất chấp các lệnh trừng phạt.

Động thái này diễn ra khi LHQ hôm 11/9 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, bao gồm thắt chặt giám sát các tàu ngoài biển khơi. Các nhà chức trách giờ đây sẽ được phép kiểm tra các tàu bị tình nghi để tìm hàng hoá bị cấm với sự cho phép của quốc gia mà tàu treo cờ.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-nuoc-vung-tbd-ra-soat-tau-trieu-tien-gia-dang/4030298.html

 

Ấn-Nhật gia tăng hợp tác an ninh – quốc phòng

Trọng Thành

Hôm qua, 14/09/2017, trong ngày cuối cùng của chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết một bản tuyên bố chung, nhằm siết chặt hợp tác nhiều mặt, trong đó đặc biệt là thúc đẩy các quan hệ an ninh, quốc phòng.

Báo chí Ấn Độ cho biết, trong bản tuyên bố chung, vấn đề tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng được đặt lên vị trí số một. Lãnh đạo hai nước chủ trương thúc đẩy nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tuần duyên, tác chiến trên biển, bao gồm tàu chống ngầm.

Việc chuẩn bị chuyển giao thủy phi cơ tuần tra US-2 của Nhật Bản cho Ấn Độ là một biểu tượng của quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này. New Delhi và Tokyo cũng dự kiến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, dân sự-quân sự.

Tuyên bố song phương Ấn – Nhật có mục tiêu chính là nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ hòa bình tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific region), trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các tranh chấp được giải quyết bằng thương lượng, trong đó ASEAN được coi là đối tác hàng đầu.

Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (bao gồm vùng biển nhiệt đới tây và trung Thái Bình Dương, vùng biển bắc Ấn Độ Dương, và các vùng biển khác nối liền hai vùng biển nói trên) trở thành trọng tâm trong hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong vài năm trở lại đây. Hợp tác tại khu vực này là trọng tâm trong hai “Chiến lược Hướng Đông” của New Delhi và “chiến lược vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” của Tokyo.

Hành Lang Tăng Trưởng Á-Phi (Asia-Africa Growth Corridor), mà Nhật Bản và Ấn Độ khởi sự từ đầu mùa hè năm nay, được coi là một trong các phương tiện để đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường (OBOR), mà Bắc Kinh đang cổ vũ.

Cuộc thượng đỉnh thường niên Ấn-Nhật năm nay diễn ra chỉ ít ngày sau cuộc đối đầu quân sự kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng ngã ba biên giới Doklam, tạm lắng hồi cuối tháng 8.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170915-an-nhat-gia-tang-hop-tac-an-ninh-de-doi-trong-voi-trung-quoc

 

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh

lên án chủ trương da trắng thượng đẳng

Tú Anh

Một nghị quyết lên án những người kỳ thị màu da tự cho « da trắng thượng đẳng » đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành ngày 14/09/2017. Một tháng sau vụ bạo động tại Charlottesville, với cái chết của một phụ nữ chống kỳ thị và những lời tuyên bố lập lờ không lên án thủ phạm, chủ nhân Nhà Trắng buộc phải thay đổi lập trường 180° trước làn sóng phản đối từ công luận cho đến nghị trường.

Theo thông báo của Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump « vui mừng » ký ban hành một nghị quyết « lên án những người chủ trương da trắng thượng đẳng, tổ chức Ku Klux Klan, những nhóm tân phát-xít và những nhóm chủ trương hận thù sắc tộc ».

Nghị quyết, được toàn thể Lưỡng Viện Quốc Hội biểu quyết với 100% phiếu thuận, được soạn ra để đặc biệt lên án một cách chính thức các hành động bạo lực tại Charlottesville hồi tháng 8. Trong vòng hai ngày, thành phố của bang Virginia này là nơi xung đột giữa một bên là thành viên của tổ chức KKK và nhóm chủ trương da trắng thượng đẳng, còn bên kia là những người chống kỳ thị sắc tộc. Một cảm tình viên của phong trào kỳ thị đã lái xe đâm vào đám đông, giết chết một phụ nữ biểu tình tên Heather Hayer và gây thương tích cho 19 người khác.

Phản ứng nước đôi của tổng thống Donald Trump vài hôm sau đó đã làm dân Mỹ bất bình, kể cả trong đảng Cộng Hoà. Tuy chỉ trích chủ trương « da trắng thượng đẳng », ông không dứt khóat ủng hộ phong trào chống kỳ thị, mà lại cho rằng « trong hai phe, phe nào cũng có người tốt kẻ xấu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170915-tong-thong-my-ky-sac-lenh-len-an-chu-truong-da-trang-thuong-dang

 

Ân Xá Quốc Tế

cáo buộc quân đội Miến Điện sát hại người Rohingya

Căn cứ trên hình ảnh vệ tinh, tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Amnesty International ngày 15/09/2017 tố cáo quân đội Miến Điện “đốt sạch, phá sạch” nhiều ngôi làng của người Rohingya theo đạo Hồi, bang Rakhine.

Theo Ân Xá Quốc Tế, « hơn 80 địa điểm cư trú của người Rohingya đã bị đốt cháy kể từ ngày 25/08/2017, trong khuôn khổ của một kế hoạch đã được tính toán từ trước ». Trả lời đài RFI Pháp ngữ, bà Nina Walsh, một đại diện của Amnesty International cho biết cụ thể :

« Quân đội bao vây nhiều ngôi làng, xả súng bắn vào những người muốn chạy trốn trong một sự hoảng loạn hoàn toàn. Kế tới, lính xông vào từng nhà, cướp của, trước khi phóng hỏa, thiêu hủy những ngôi nhà đó. Điều đáng quan ngại hơn cả là dường như quân đội Miến Điện cố tình nhắm vào cộng đồng người Rohingya. Kế hoạch này đã có sẵn từ trước, bởi vì trong rất nhiều các trường hợp, trưởng làng khi nhận được thông tin, tập hợp dân làng để thông báo là quân đội vào làng, đốt nhà của dân cư.

Ngoài ra, qua ảnh vệ tinh chúng tôi cũng phát hiện là chỉ có những khu nhà ở của người Rohingya bị tàn phá, còn những khu vực người Miến Điện cư ngụ thì vẫn bình yên. Chúng tôi ghi nhận 86 vụ đốt phá nhà ở của người Rohingya kể từ ngày 25/08/2017, nhưng trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều.

Do bị mây che khuất, qua ảnh vệ tinh không thể phát hiện được tất cả các đám cháy. Đừng quên là tại Miến Điện hiện đang là mùa mưa và ảnh vệ tinh không nhận diện được các đám cháy quá nhỏ. Có khả năng là có những ngôi làng đã hoàn toàn bị tiêu hủy, đốt phá, nhưng chúng ta không phát hiện được tất cả ».

Nghị Viện Châu Âu hôm qua đã ra nghị quyết yêu cầu chính quyền Miến Điện « ngừng ngay lập tức » các hành động đàn áp và đe dọa tước giải thưởng nhân quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Còn ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong chuyến công du Anh, tuyên bố : Việc quân đội Miến Điện truy bức người Rohingya hiện nay là « không thể chấp nhận được ».

Trả lời AFP, thượng nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell, từng là bạn và đồng minh lâu năm của bà Suu Kyi, cho biết là nhà lãnh đạo Miến Điện đã đồng ý kêu gọi quốc tế « trợ giúp nhân đạo trực tiếp và gia tăng cho khu vực này, đặc biệt thông qua Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170915-an-xa-quoc-te-cao-buoc-quan-doi-mien-dien-tan-sat-nguoi-rohingya

Vũ khí : Hàng giá rẻ khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á

Mai Vân

Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, cho đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục ngàn khẩu súng trường mà Bắc Kinh « biếu không » cho Manila.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ? Ngày 30/08/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích sự kiện này dưới dạng hỏi đáp.

Sức hút của vũ khí Trung Quốc : Giá rẻ

Trong bài « Các thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại Đông Nam Á – China’s Arms Sales to Southeast Asia » giáo sư Thayer trước hết giải thích lý do vì sao vũ khí của Trung Quốc lại thu hút khách hàng :

GS Thayer : Vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường ; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí.

Trong một số trường hợp như đối với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, thì Hoa Kỳ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác. Điều đó đã mở cửa cho Trung Quốc bán vũ khí của họ.

Tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc ? Tính toán chiến lược của các nước này như thế nào ? Nhất là trong trường hợp của Indonesia, tại sao Jakarta lại xích lại gần Bắc Kinh mặc dù theo truyền thống họ rất nghi kỵ Trung Quốc ?

GS Thayer : Nếu điểm lại các thương vụ mua vũ khí của Indonesia và Thái Lan trong 10 năm qua, ta sẽ thấy là việc mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Trong giai đoạn 2005- 2009 chẳng hạn, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc. Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí (Trung Quốc) để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.

Indonesia cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc

Hoa Kỳ đã và vẫn đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C. Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay của họ. Ngoài ra Jakarta còn mua radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, hỏa tiễn chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm…

Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí mà họ có.

Về Thái Lan, trong năm qua, nước này đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như hỏa tiễn chống tàu. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Cam Bốt năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không. Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.

Miến Điện cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân ( giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)

Có khả năng Singapore cũng đi theo con đường mua vũ khí Trung Quốc như các láng giềng hay không ?

GS Thayer : Không có tài liệu chính thức nào về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Singapore trong giai đoạn 2006-2016. Nhìn lại phía Mỹ thì những vụ bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Singapore đã được thật sự mở rộng bao gồm những loại chiến đấu cơ F-15SG, trực thăng Seahawk và tên lửa không đối không. Và việc này tạo ra cả một hệ thống hậu cần kèm theo, từ việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho đến nâng cấp công nghệ. Với di sản lịch sử như thế thì Singapore khó mà mà quay sang ồ ạt mua vũ khí củaTrung Quốc.

Chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ

Nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí như thế nào cho khu vực ?

GS Thayer : Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á : Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste. Ngoại trừ trường hợp Malaysia, Trung Quốc có ít triển vọng bán được nhiều tại Cam Bốt, Lào và Timor Leste vì các lý do về ngân sách.

Bắc Kinh sắp có thể tranh thủ thời cơ Duterte thân thiết với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines. Đây sẽ là một thị trường mới nhưng là có hạn chế vì Hiến Pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, mặc dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, nhưng Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung cấp mới như Hàn Quốc và Ý.

Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, và Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt.

Hoa Kỳ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mỹ vừa bước vào thị trường Việt Nam với việc cung cấp một chiếc tàu lớp Hamilton, với triển vọng bán được thêm nữa. Hoa Kỳ đã gợi đến khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất.

Điểm mấu chốt : Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Việc vũ khí Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau tại Đông Nam Á sẽ có hệ quả ra sao đối với an ninh khu vực ?

GS Thayer : Các nước Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa. Sẽ có một sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề giám sát hải phận và không phận. Còn các nước như Miến Điện và Thái Lan cũng sẽ củng cố lực lượng trên bộ của họ.

Vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ bán cho khu vực sẽ tăng cường khả năng tự vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.

Việc du nhập các hệ thống vũ khí mới luôn đặt ra câu hỏi về những gì có thể xảy ra khi có khủng hoảng, liệu những hệ thống đó có được quản lý đúng đắn hay là lại bị sử dụng ngay lập tức để gây ra tàn phá ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170915-vu-khi-hang-gia-re-khac-cua-trung-quoc-dang-tran-vao-dong-nam-a

 

Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng,

dù không muốn chế độ này sụp đổ

Thanh Phương

Ngay cả trước khi Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản Bắc Kinh đã tỏ thái độ cứng rắn hơn với đồng minh Bình Nhưỡng. Theo báo chí quốc tế, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã được lệnh ngưng mở tài khoản mới cho các cá nhân và công ty, tổ chức Bắc Triều Tiên. Biện pháp này như vậy là mạnh hơn cả các biện pháp trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An vừa thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn cố không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ hay nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc. Chủ trương của Bắc Kinh vẫn là kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán, kêu gọi Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung để có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng thử hạt nhân và tên lửa.

Nhưng việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm vũ khí, lại đúng vào lúc sắp diễn ra những sự kiện lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 khiến Bắc Kinh càng khó xử với đồng minh bất trị này. Trong khi đó thì Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Trung Quốc cả trên vấn đề Bắc Triều Tiên lẫn thương mại.

Trong một bài viết đăng ngày 15/09/2017, trang mạng Quartz cho biết là, trước thái độ khiêu khích quốc tế của Bình Nhưỡng, trong giới học giả Trung Quốc ngày càng có nhiều người yêu cầu Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là vì vụ thử hạt nhân mới đây khiến Bắc Kinh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ ở vùng biên giới giữa hai nước. Họ kêu gọi Trung Quốc phải thi hành những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như cấm các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các công ty Bắc Triều Tiên.

Chính chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đề ra chính sách về Bắc Triều Tiên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm các ngân hàng mở tài khoản mới cho người Bắc Triều Tiên cho thấy là lãnh đạo họ Tập dường như nay đã hết kiên nhẫn với Kim Jong Un.

Hơn nữa, đối với chính quyền Donald Trump, Bắc Triều Tiên và mậu dịch song phương là hai vấn đề gắn liền nhau. Khi bỏ phiếu thuận cho các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hy vọng sẽ giải tỏa được áp lực của Hoa Kỳ trên vấn đề trao đổi thương mại, mà Trung Quốc vẫn bị cáo buộc là có những lạm dụng.

Như lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông, Bắc Kinh muốn “dạy cho Bắc Triều Tiên một bài học, nhưng không nặng đến mức làm sụp đổ chế độ này”. Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, cũng cho rằng Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên ăn đòn đau, nhưng đồng thời vẫn mở ngỏ cho Bình Nhưỡng trở lại bàn thương lượng.

Nhưng theo ông, đây là một chính sách đầy rủi ro, bởi vì nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích quốc tế, Bắc Kinh sẽ lâm vào thế kẹt. Hoa Kỳ lại còn có lý do để buộc Trung Quốc phải chấp nhận một lệnh cấm vận dầu hỏa “toàn diện và ngay lập tức”, một biện pháp có thể đe dọa đến sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170915-bac-kinh-cung-ran-hon-voi-binh-nhuong-du-khong-muon-che-do-nay-sup-do