Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt
Vào lúc chính quyền Cam Bốt và thủ tướng Hun Sen càng lúc càng không ngần ngại lên tiếng đả kích Hoa Kỳ một cách dữ dội hơn, giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp của việc tiền bạc của Trung Quốc ngày càng đổ vào xứ Chùa Tháp nhiều hơn, trong những công trình được dễ dàng trông thấy, trong lúc viện trợ của Mỹ dù quan trọng nhưng lại không thấy đâu.
Sứ quán Mỹ tại Cam Bốt đăng trên trang web hình một con cá trích đỏ “red herring”, ngụ ý phản đối cáo buộc ủng hộ tạo phản chính quyền Hun Sen. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. |
Trong một bài phân tích ngày 13/09/2017, hãng tin Anh Reuters ghi nhận sự cố mới nhất trong quan hệ Mỹ-Cam Bốt, với việc Phnom Penh tố cáo sứ quán Mỹ tại Cam Bốt là đã âm mưu tạo phản cùng với một lãnh đạo đối lập bị chính quyền Hun Sen bắt giam.
Bị cáo buộc, đại sứ quán Mỹ đã cho công bố trên trang web của mình hình một con cá trích đỏ, tiếng Anh là “red herring”, một từ ngữ hàm nghĩa hành động đánh lạc hướng dư luận.
Tiếp theo đó, từ thứ Hai 11/09, đã xuất hiện một số bài viết cụ thể, cho thấy rõ là viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Cam Bốt đã giúp nước này bảo vệ được đền đài và rừng cây của mình.
Các bài viết cũng cố nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa viện trợ từ Hoa Kỳ và viện trợ từ Trung Quốc, một khoản hỗ trợ mạnh mẽ đã góp phần giúp cho thủ tướng Hun Sen dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích ông về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông là Kem Sokha.
Theo hãng Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.
Các số liệu mới nhất về viện trợ cho phát triển tại Cam Bốt cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho Cam Bốt cho năm 2016 – gần gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch thậm chí còn cao hơn trong lãnh vực đầu tư. Trung Quốc đã cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Cam Bốt vào năm 2016, trong lúc đầu tư Mỹ chỉ khoảng hơn 3%.
Trái với Trung Quốc, viện trợ của Mỹ hướng nhiều hơn vào các dự án xã hội và cố gắng xây dựng một nền dân chủ – điều mà Hun Sen, nắm quyền tại Cam Bốt từ hơn 30 năm nay không hề mong muốn chút nào.
Một chi tiết cụ thể phản ánh thái độ coi thường Mỹ của chính quyền Phnom Penh : Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt ông Phay Siphan đã xác định với Reuters rằng « Nhận viện trợ Mỹ không có nghĩa là người Mỹ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của họ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ ». Cùng lúc nhân vật này đã khen ngợi Bắc Kinh : « Trung Quốc luôn ủng hộ chúng tôi trong tăng trưởng kinh tế và họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi ».
Nhân một chuyến viếng thăm Cam Bốt gần đây, Vương Gia Thụy, phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, một lãnh đạo có vai vế tại Bắc Kinh, đã khẳng định rằng : « Để đảm bảo an ninh cho Cam Bốt, Trung Quốc sẽ hợp tác với Cam Bốt trong mọi tình huống ».
Theo Reuters, trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh không phải là hoàn toàn vô vị lợi. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dựa vào Cam Bốt trong các cuộc họp của khu vực Đông Nam Á để đáp lại các chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Còn ngay tại Cam Bốt, quân đội Trung Quốc cũng đã giành được được một chỗ đứng chiến lược.
Tóm lại, ảnh hưởng Trung Quốc đối với Cam Bốt gia tăng nhờ chi viện to lớn, đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ. Tương lai được cho là còn tệ hại hơn đối với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump lại muốn cắt giảm 70% hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cam Bốt kể từ năm 2018.
Trọng Nghĩa
(RFI)