Tân trưởng ban tôn giáo chính phủ sẽ ‘giúp’ VN trở lại CPC nhanh hơn?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tân trưởng ban tôn giáo chính phủ sẽ ‘giúp’ VN trở lại CPC nhanh hơn?

14/09/2017

 

Việc bổ nhiệm mới đây viên đại tá Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc, thuộc Tổng cục An ninh của Bộ Công an, làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ rất có thể là một sai lầm lớn của hai “bộ” – Bộ Chính trị và Bộ Nội vụ, kể cả Chính phủ.
Đại tá Vũ Chiến Thắng, thời còn làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: CA Nghệ An
Thời điểm xảy ra việc bổ nhiệm trên – tháng Chín năm 2017 – lại trùng khớp với những cuộc vận động ngày càng dứt khoát của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác đòi hỏi đưa chính quyền Việt Nam trở vào Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC).
Vào năm 2016, USCIRF đã công bố bản báo cáo mang tựa đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Đánh giá việc đưa vào 10 năm sau khi rút tên”.
11 năm trước, vào năm 2006, Việt Nam đã được người Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, sau đó Việt Nam còn được chấp thuận trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào năm 2007. Trong vài ba năm sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã “chung vui” cùng chế độ bằng những chiến dịch đầu cơ kinh hoàng, mang lại vô số tiền bạc cho lớp đại gia đầu cơ và giới quan chức tham nhũng chính sách. Nhưng đồng thời từ năm 2008 đến nay, chính quyền Việt Nam lại gia tăng đàn áp tôn giáo và bắt bớ người bất đồng chính kiến. Chỉ riêng hai năm 2011 và 2012 là “cao điểm”, số người bất đồng bị bắt hàng năm đã lên tới gần năm chục. Trong 8 tháng đầu năm 2017, số người bất đồng bị bắt đã lên đến con số 21.
Vào năm 2007, để vào được WTO, Việt Nam đã “điều chỉnh” một số nội dung liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng sau khi đã được thỏa mãn trong bàn tiệc WTO, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được Việt Nam ban hành trong thời gian gần đây đã trở lại lốt cũ, quá nặng về cơ chế “xin – cho” và không thiếu hàm ý đe dọa sẽ thẳng tay trấn áp các tổ chức tôn giáo không chịu xin phép “đảng và nhà nước”.
Cho tới nay, những tôn giáo bị chính quyền đàn áp mạnh nhất vẫn là Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở An Giang, Công giáo (đặc biệt ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Tin Lành (chủ yếu ở Tây Nguyên và Tây Bắc).
Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng. Nhiều dư luận cho rằng chính sách dỡ bỏ CPC của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là sai lầm.
Việt Nam đang củng cố những chứng minh cho sai lầm trên.
Tân Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng lại là người có kinh nghiệm và thâm niên là Cục trưởng An ninh Tây Bắc, chủ yếu là các đối sách trấn áp Công giáo và Tin Lành.
Việc bổ nhiệm ông Vũ Chiến Thắng cũng có thể đặc trưng cho “dây Nghệ An” trong công tác bố trí nhân sự của đảng cầm quyền.
Với nguồn gốc Nghệ An, Tân Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng dĩ nhiên có nhiều kinh nghiệm để đối phó với phong trào Công giáo phản đối Formosa nơi đây. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường tham mưu cho đảng những đối sách và biện pháp “chuyên biệt” và quyết liệt nhắm vào Công giáo Vinh và giáo dân Hà Tĩnh, càng khiến giới nhân quyền quốc tế nổi giận và đẩy nhanh hơn chính quyền Việt Nam vào lại Dasnh sách CPC.
Ngay sau vụ bổ nhiệm viên đại tá Vũ Chiến Thắng, làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, ngay cả một trang báo điện tử của chính quyền là Báo VnExpress cũng phải rút cái tít có vẻ mỉa mai: “Cục trưởng An ninh làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ”.
Xin mời quý vị xem Video: Kẻ ra tay đánh Đạo diễn phim Kong trong quán Bar XOXO tại Sài Gòn là ai?
              
Giới phản biện cũng cho rằng trong chuyện công an hóa tôn giáo, người có công đầu là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Kể từ tháng 2/2012, khi ông Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm tướng công an Phạm Dũng làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, tổ chức tôn giáo này đã bị công an hóa. Trước đó, 14 đời Trưởng ban Tôn giáo, từ ông Trần Xuân Bách cho đến ông Nguyễn Thái Bình, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh, không có người nào xuất thân từ công an.
Xu hướng công an hóa không chỉ thể hiện trong cơ chế “quản lý tôn giáo”, mà còn trở nên hết sức nổi bật tại đại hội 12 của đảng cầm quyền. Nhìn vào thành phần nhân sự Bộ Chính trị khóa XII, ngoài ủy viên Tô Lâm – Bộ trưởng công an đương nhiên được “cơ cấu”, còn nhiều gương mặt được “dân sự hóa” như Trần Đại Quang – chủ tịch nước, cựu bộ trưởng công an; Phạm Minh Chính – Trưởng ban Tổ chức trung ương, cựu thứ trưởng Bộ Công an, Trương Hòa Bình – Phó thủ tướng thường trực chính phủ, Thứ trưởng bộ Công an.
Thiền Lâm
(Cali Today News)