Đọc báo Pháp – 12/09/2017
Tập Cận Bình : Lên đỉnh cao quyền lực, nỗi lo vẫn còn đó
Chỉ còn đúng sáu tuần nữa, ngày 18/10/2017, Trung Quốc khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ XIX. Sự kiện trọng đại này sẽ đánh dấu quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố thêm. Cánh cửa nhiệm kỳ hai cho chủ tịch Trung Quốc gần như chắc chắn, nhưng theo phân tích của Les Echos ngày 12/09/2017, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức kinh tế quan trọng.
Thâu tóm quyền lực
« Tập Cận Bình đăng quang trong hoài nghi » là tựa bài phân tích của nhật báo kinh tế Pháp. Theo nguyên tắc, đại hội đảng sẽ phải thay mới 5 trong số 7 thành viên ban lãnh đạo chóp bu – Thường Trực Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản- nhằm hỗ trợ cho chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Ban lãnh đạo mới sẽ gồm những ai ? Đâu là những thế cân bằng giữa các nhóm lợi ích chính trị khác nhau ? Liệu rằng nhân kỳ đại hội, ông Tập Cận Bình có đưa ra một gương mặt thay thế cho năm 2022 theo như thỏa thuận ngầm về giới hạn tuổi tác hay không ? Hay là ông sẽ đoạn tuyệt với thông lệ này và làm theo cách của Putin, như nhiều tin đồn đang lan truyền ?
Từ mấy tháng qua, cỗ máy vận động trong hậu trường đã chạy hết công suất. Để củng cố cho vị thế của mình, ngoài việc sắp đặt các đồng minh vào những vị trí chủ chốt từ cấp trung ương cho đến địa phương, Tập Cận Bình còn thâu tóm các đặc quyền lấn lướt quyền hạn của thủ tướng như kiểm soát anh ninh hay kinh tế.
Thẳng tay thanh trừng các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có từ thời Mao Trạch Đông đến giờ. Sự củng cố quyền lực còn thể hiện rõ qua hiện tượng sùng bái cá nhân, tăng cường kiểm soát đảng và trấn áp xã hội dân sự nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền như giới luật gia.
Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng thái độ cứng rắn đó phản ảnh phần nào một hình thức cuống sợ trên thượng tầng lãnh đạo ? Vì cố bám lấy quyền lực mà Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với nguyên tắc điều hành tập thể và « gây thù chuốc oán ».
Kinh tế : Quả bom nổ chậm
Song song đó, tình hình kinh tế phức tạp còn làm cho bối cảnh chính trị Trung Quốc thêm rối rắm. Quả thật kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng ở mức 6,9% cao hơn mức dự kiến ban đầu là 6,5%. Các nhà đầu tư cảm thấy được trấn an. Kinh tế Trung Quốc không giống như vào thời điểm xảy ra cơn bão chứng khoán 8/2015 hay như đầu năm 2016. Bắc Kinh đã cố gắng khoanh vùng các rủi ro tài chính và duy trì mức độ hoạt động cần thiết để bảo đảm việc làm và bình ổn xã hội.
Nhưng Les Echos cho rằng mô hình quản lý này không bền và tăng trưởng kinh tế chỉ ổn định do vòi cấp tín dụng vẫn còn rộng mở. Tổng nợ quốc gia bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình, chính phủ và địa phương tăng vọt gần gấp đôi ở mức 260% tổng sản phẩm nội địa (năm 2008 là 140%). Tháng 5/2017, lần đầu tiên kể từ năm 1989, cơ quan thẩm định tài chính Moody hạ điểm nợ quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó Bắc Kinh vật vã đối phó với nạn thất thoát dòng vốn. Các doanh nghiệp lớn và người giầu ồ ạt đầu tư ra nước ngoài với mục đích chuyển tiền ra ngoài lãnh thổ bất chấp những biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt kể từ năm 2016.
Từ những quan sát trên, Les Echos cho rằng một phương trình khó giải đang dành cho Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ sắp tới. Làm thế nào vừa phải giảm nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà không kềm hãm quá thô bạo đà tăng trưởng, dẫn đến thất nghiệp ồ ạt và bất ổn xã hội ?
Trung Quốc sợ dân biểu tình vì bụi phóng xạ
Hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo Pháp hôm nay. Les Echos cho hay « Bắc Kinh lo ngại tác động của vụ thử tên lửa lên chính trường nước này ».
Địa điểm thử tên lửa Punggye-Ri nằm cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 100km. Vụ thử tên lửa mới nhất có dư chấn mạnh tương đương với một trận động đất 6,3 độ Richter. Hơn 100 triệu dân Trung Quốc sống tại những tỉnh nằm dọc theo vùng biên giới Đông Bắc đất nước.
Ngay sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng khởi động hệ thống giám sát chất phóng xạ. Thứ Tư 06/09, Bắc Kinh đã trấn an dân chúng là không tìm thấy một dấu hiệu nhiễm phóng xạ bất thường nào trong không khí. « Chắc đó có lẽ là một quả bom sạch », như lời bình chế giễu của một cư dân mạng.
Theo Les Echos, sở dĩ chính quyền Trung Quốc tỏ ra lo lắng về bụi rơi phóng xạ đó là vì Bắc Kinh e sợ một thảm kịch môi trường có thể biến thành một làn sóng phản đối xã hội, vào lúc Đại hội đảng lần thứ XIX đang đến gần.
Moon Jae-In giữa hai gọng kềm Kim Jong Un và Donald Trump
Tại Hàn Quốc, Le Monde nhận thấy là « Chính sách mở rộng vòng tay của tổng thống Moon với Bình Nhưỡng đang bị cản trở ». Lãnh đạo Hàn Quốc giờ trong thế lưỡng nan. Làm thế nào duy trì chính sách “dang tay” với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn không tỏ ra nhún nhường ?
Một loạt vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên cùng với lời qua tiếng lại dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng đang làm cho hướng hành động của Seoul ngày càng hẹp dần. Vụ thử mới nhất buộc Seoul phải có phản ứng cho xúc tiến chương trình lắp đặt lá chắn tên lửa THAAD, và phải liên kết với các đồng minh gây áp lực mạnh mẽ lên Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chính quyền Seoul vẫn chưa muốn từ bỏ giải pháp cùng tồn tại hòa bình, do đó, tổng thống Moon không ngần ngại chỉ trích các tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump vốn dĩ cho rằng « lời lẽ hòa dịu không còn tác dụng » Một lời chỉ trích khiến Washington phật lòng.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỗi tác nhân một phần bánh
Trong khi Hoa Kỳ vật vã tìm hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga để áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Bắc Triều Tiên, La Croix trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : « Ai sẽ chặn được Kim Jong Un ?». Câu trả lời có lẽ là không ai hết. Bởi vì theo tóm tắt của nhật báo Công giáo, cả 6 quốc gia can dự chính đều mong muốn tận dụng hồ sơ Bắc Triều Tiên để phục vụ cho những lợi ích riêng của mình.
Đầu tiên hết là Bắc Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên từ lâu được xem như là một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung. Vũ khí hạt nhân là một sự bảo đảm cho sự sống còn của chế độ họ Kim trước sự hiện diện của 30 000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và nguy cơ thống nhất đất nước dưới sự kiểm soát của Seoul.
Bị phớt lờ và đánh giá thấp, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng giờ đi đến một điều hiển nhiên : Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, khả tín, có khả năng tự vệ trong trường hợp bị Hoa Kỳ tấn công. Sự « bảo đảm sống còn » này giờ đang làm cả thế giới run rẩy.
Về phần Hàn Quốc, thống nhất hai miền chỉ là một chuyện hão huyền. Anh em một nhà nhưng chẳng khác nào hai kẻ xa lạ. Cả hai phía thật ra chưa sẵn lòng hợp nhất, bởi vì miền Nam giầu có không có ý định chia sẻ tài sản với người anh em nghèo khổ. Một sự tái hợp có thể tốn của Seoul đến 2 000 tỷ đô la. Duy trì hiện trạng hiện nay lại rất thích hợp với Seoul. Ngoài việc đề nghị đàm phán, mọi cánh cửa khác hầu như vẫn khép chặt.
Với Hoa Kỳ, một mặt cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên cho thấy rõ thất bại cay đắng của « chính sách kiên nhẫn » có từ thời Obama, tạo thuận lợi cho Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mặt khác, đó lại là cơ hội để Washington bán vũ khí cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện của lính Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại châu Á. Trên thực tế, mối họa Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ « kềm giữ » mối nguy hiểm thật sự là Trung Quốc.
Thế còn Nhật Bản thì sao ? Trước hết, mối nguy Bắc Triều Tiên cho phép chính quyền Shinzo Abe có thể lách điều khoản cấm Nhật Bẩn có một đội quân « tấn công » theo quy định trong hiệp ước quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 1951. Viện dẫn mối nguy Bắc Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, thủ tướng Nhật Bản có thể mua hàng tỷ trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Ông Shinzo Abe còn lợi dụng hồ sơ này để biện minh cho chương trình cải cách Hiến Pháp hiếu hòa muốn đất nước có một quân đội « bình thường ».
Liên quan đến Trung Quốc, La Croix nhắc lại không nên trông đợi nhiều vào cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Bắc Kinh không bao giờ bỏ rơi Bình Nhưỡng trên phương diện kinh tế lẫn ngoại giao. Bắc Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Trung Quốc được xem như là một quốc gia đệm đối phó với sự hiện diện của lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Do đó, đối với Bắc Kinh, giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên là qua bàn đàm phán, và mọi ý định dùng vũ lực là điều không thể chấp nhận.
Cuối cùng, nước Nga muốn gì trong cuộc khủng hoảng này ? Theo La Croix, Matxcơva cũng như Seoul chỉ muốn duy trì hiện trạng. Vốn cũng đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây do sự can dự của Nga vào Ukraina, Bắc Triều Tiên là quốc gia trung chuyển để Nga xuất khẩu nguyên nhiên liệu sang Hàn Quốc.
Trừng phạt không có hiệu quả với chế độ Kim Jong Un
Như vậy với những lợi ích riêng của từng quốc gia, phải chăng các biện pháp trừng phạt mới sẽ chẳng có hiệu quả ? Trả lời phỏng vấn La Croix, bà Sylvie Matelly, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp khẳng định là « không ».
Đối với những quốc gia đưa ra sáng kiến, lệnh trừng phạt được cho là có hiệu quả vì chúng cho phép tránh được một cuộc can thiệp quân sự đắt đỏ (…) Do đó theo quan điểm của bà Matelly, những biện pháp trừng phạt kinh tế hầu như chẳng có tác động nào lên tầng lớp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cũng như lên thủ đô Bình Nhưỡng, do điều kiện sống đã được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn có thể đả kích cộng đồng quốc tế, mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Trừng phạt Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đơn độc ?
Trong bối cảnh khủng hoảng Bắc Triều Tiên rơi vào bế tắc, báo Le Monde có đăng bài nhận định của cựu bộ trưởng Pháp Pierre Lellouche cho rằng, « Hoa Kỳ đơn độc đối mặt với Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ».
Từ 25 năm nay, Bắc Triều Tiên đã liên tục phát triển chương trình hạt nhân. Có ý kiến cho rằng, vũ khí nguyên tử là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong Un. Trường hợp Sadam Hussein năm 2003, Kadhafi năm 2012, càng củng cố luận điểm này.
Tác giả đặt câu hỏi : Nếu giả thuyết này sai thì sao ? Ví dụ Bình Nhưỡng không coi vũ khí nguyên tử là phương tiện phòng vệ, răn đe mà là để tấn công, thay đổi nguyên trạng, đánh chiếm Hàn Quốc để thống nhất bán đảo Triều tiên, chấm dứt sự hiện diện của Mỹ không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, tại Nhật Bản, mà cả trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì sao ?
Bởi vì cho đến lúc này, không một ai ở phương Tây, cũng như tại Trung Quốc và Nga, có thể biết được ý định của Kim Jong Un. Không ai biết ông ta nghĩ gì, muốn gì. Giải pháp bảo đảm sự tồn tại của chế độ, đi kèm với việc trợ kinh tế, đánh đổi lấy việc từ bỏ hạt nhân, cũng thất bại. Vậy phải chăng nên coi Bắc Triều Tiên là siêu cường hạt nhân ? Nếu vậy thì nguy cơ chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ rất lớn.
Chính vì thế cựu bộ trưởng Pháp cho rằng giảm căng thẳng là giải pháp duy nhất và đây là vai trò của Liên Hiệp Quốc và ngoại giao. Nếu Hoa Kỳ vẫn nghĩ là vẫn còn có khả năng buộc các nước ở Liên Hiệp Quốc nghe theo thì họ sẽ đơn độc tại tại Hội Đồng Bảo An trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và các trừng phạt mà Washington đưa ra sẽ thất bại.
Trung Quốc không có lợi ích gì nghe theo Hoa Kỳ và nếu phải lựa chọn thì Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một Bắc Triều Tiên cộng sản hơn là một Hàn Quốc đồng minh của Mỹ tiến sát gần biên giới Trung Quốc. Còn Nga hiện đang « cay đắng » vì bị Mỹ và phương Tây trừng phạt thì không hề muốn giúp đỡ Hoa Kỳ.
Nếu nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên vừa được thông qua tại Hội Đồng Bảo An lại vẫn không hiệu quả thì điều này càng khuyến khích Kim Jong Un đi xa hơn trong chương trình hạt nhân, và nguy cơ xẩy ra một cuộc xung đột ngày càng lớn. Do vậy, Mỹ và Trung Quốc cần khẩn trương ký một thỏa thuận chung để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó bao gồm cả việc « đền bù » cho Bắc Triều Tiên.
Trang nhất các báo Pháp : Biểu tình chống cải cách luật lao động
Chương trình cải cách luật lao động thông qua bằng sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 này. Nghiệp đoàn CGT hôm nay xuống đường phản đối dự thảo luật.
Trên trang nhất, Le Monde nhận định : « Luật lao động, phép thử xã hội đầu tiên cho chính phủ». Le Figaro chạy tít : « Luật Lao động : Cuộc thử lửa ». Đây là lần đầu tiên tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối đầu với một cuộc biểu tình của giới công đoàn.
Về phần mình, Libération nhận thấy, để « đối phó với đường phố », bộ máy điều hành liên tiếp thông báo nhiều chương trình cải cách khác, nhằm làm nản lòng phe đối lập. Libération đặt câu hỏi liệu chiến lược này của chính phủ có là một cuộc đánh cược mạo hiểm hay không ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170912-tap-can-binh-dang-quang-tren-noi-ngo-vuc
Tin đọc nhanh
(AFP)– Trung Quốc : Án chung thân cho kẻ lừa đảo 900.000 người . Tòa án Trung Quốc hôm nay 12/09/2017 đã kết án tù chung thân hai lãnh đạo Ezubao (e Tô Bảo), một công ty cho vay tiền trên mạng, vì đã lừa đảo đến 900.000 người, tổng cộng 7 tỉ euro qua việc lầy tiền người trước trả cho người sau. Hai mươi bốn bị cáo khác bị lãnh án từ 3 đến 15 năm tù. Đây là vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất tại Trung Quốc từ trước đến nay.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc họp bàn về khủng hoảng Miến Điện. Hội Đồng Bảo An sẽ họp vào ngày mai 13/09/2017 để bàn về vấn đề bạo lực nhắm vào sắc dân Rohingya ở Miến Điện. Cuộc khủng hoảng đã khiến ít nhất 300.000 người Hồi Giáo thiểu số Rohingya phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Trong bối cảnh quốc tế lo ngại về số phận người Rohingya ở Miến Điện, Anh Quốc và Thụy Điển hôm qua đã đề nghị Hội Đồng Bảo An khẩn cấp nhóm họp tìm giải pháp.
(AFP) – Một thị trưởng ở Bị bị sát hại dã man. Ông Alfred Gadenne, 71 tuổi, thị trưởng thành phố Mouscron ở gần biên giới Pháp tối qua 11/09/2017 đã bị cắt cổ chết tại nghĩa địa ở trước nhà, gây xúc động lớn cho dư luận Bỉ. Một nghi can đã bị bắt giữ. Theo kênh truyền hình địa phương Notélé, thanh niên 18 tuổi này có thể hành động để trả thù cho người cha là nhân viên tòa thị chính đã bị sa thải và tự sát chết năm 2015.
(AFP) – Châu Âu chi 120 triệu euro phát triển mạng lưới wifi miễn phí. Liện Hiệp Châu Âu hôm nay thông báo sẽ chi 120 triệu euro để lắp đặt bắt đầu từ năm 2018 hàng chục ngàn cột thu phát sóng wifi miễn phí trên khắp châu Âu, ở những nơi công cộng như các công viên, bệnh viện hay thư viện. Chương trình này đã được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker giới thiệu cách đây một năm. Mục tiêu là cấp cho 6000-8000 thành phố, làng mạc ở các nước thành viên Liên Hiệp số tiền 20.000 euros để chính quyền từng thành phố, làng tự tiến hành lắp wifi.
AFP-Na Uy- Liên minh cánh hữu thắng cử sát sao. Nữ thủ tướng Erma Solberg tiếp tục lãnh đạo chính phủ quốc gia được xem là « hạnh phúc » nhất thế giới thêm một kỳ 4 năm. Trong cuộc bầu cử quốc hội Na Uy ngày 11/09/2017, trước một phe đối lập được củng cố, bốn đảng bảo thủ chiến thắng khít khao, được 89 ghế trên tổng số 169. Tỷ lệ thất nghiệp 4% , dầu hỏa dồi dào, nhưng nhiệm kỳ hai của bà Erma Solberg sẽ gặp nhiều bất trắc vì cánh hữu bị phân hóa nghiêm trọng. Theo giới phân tích, các đảng cánh trung khó có thể chung sống với phe cực hữu trong cùng một liên minh.
(AFP & Reuters) – Apple trình làng model hạng sang nhân 10 năm iPhone ra đời. Apple hôm nay 12/09/2017 ra mắt kiểu iPhone mới sang trọng, trong buổi giới thiệu rất được chờ đợi, mười năm sau khi khai sinh sản phẩm hàng đầu của tập đoàn, đã làm nên một cuộc cách mạng về điện thoại di động, bán được 1,2 tỉ chiếc. Chiếc iPhone X (đọc là iPhone 10) sử dụng nhiều công nghệ mới : 3D, màn hình OLED, mở khóa bằng kỹ thuật nhận diện khuôn mặt, được cho là có giá bán tối thiểu 1.000 đô la. Bên cạnh đó Apple cũng tung ra iPhone 8 và iPhone 8 plus, một kiểu AppleTV mới, và phiên bản 3 của Apple Watch.
(Reuters) – Mỹ : Tòa án tối cao giữ nguyên sắc lệnh của tổng thống Donald Trump. Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm qua quyết định giữ nguyên sắc lệnh của tổng thống Donald Trump về việc cấm người dân các nước Hồi Giáo Syria, Lybia, Iran, Soudan, Somalia và Yémen nhập cảnh vào Mỹ. Liên quan đến Quy chế hoãn trục xuất trẻ em nhập cư không giấy tờ (DACA) của tổng thống Obama, Giáo Hoàng Phanxicô nói hy vọng tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét lại quyết định chấm dứt chương trình của người tiền nhiệm Obama cho phép 800 ngàn người trẻ tuổi định cư gần như hợp pháp tại Hoa Kỳ.
(AFP & Reuters) – Irak đang giữ 1.400 vợ con quân thánh chiến nước ngoài. Chính quyền Irak đang giữ 1.400 người là vợ con quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại một trại ở Mosul, gồm 14 quốc tịch khác nhau. Đa số đến từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á, nhưng có cả công dân một số nước châu Âu. Họ đã cùng với chồng đến trình diện các chiến binh Kurdistan ở Tal Afar, sau đó phụ nữ và trẻ em được giao cho lực lượng Irak, còn đàn ông bị giữ lại vì nghi ngờ là quân thánh chiến. Chính quyền Irak đang tìm kiếm một nơi trú ẩn chắc chắn cho 1.400 người này, đồng thời thương lượng với đại sứ quán các nước liên quan để cho hồi hương. Trong khi chờ đợi, họ bị cấm ra khỏi trại tập trung.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan hôm nay 12/09/2017 thông báo như trên và cho biết thêm là Ankara đã trả cho Matxcơva một khoản tiền đặt cọc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định cả ông và tổng thống Nga Putin đều quyết tâm thực hiện hợp đồng này. Số tiền mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện chưa được hai bên tiết lộ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170912-clone-tin-doc-nhanh