Tin Việt Nam – 12/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/09/2017

Thêm một BOT phải xả trạm

Thêm một BOT ở tuyến tránh Biên Hoà trên Quốc lộ 1, huyện Trảng Bom, Đồng Nai phải xả trạm vào sáng thứ Ba 12 tháng 9.

Tin trong nước cho biết đã hai ngày qua, tài xế liên tục mua vé bằng tiền xu, tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng. Cho đến sáng ngày 12 tháng 9, sự việc xảy ra với cả hai chiều xe, làm cho giao thông khu vực này hỗn loạn. Một số tài xế cho biết họ đi quốc lộ không qua đường tránh Biên Hoà nhưng trong vé vẫn ghi là thu phí qua trạm.

Tin cho biết công ty cổ phần Đồng Thuận là đơn vị quản lý BOT tuyến tránh Biên Hoà. Từ khi trạm này hoạt động vào năm 2014 đến nay, nhiều tài xế đã phản ảnh mức thu phí qua trạm quá cao, từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng mỗi lượt.

Xin được nhắc lại, một tháng trước đây, BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, Quốc lộ 5 cũng xảy ra tình trạng tương tự, đó là tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm để phản đối sự bất hợp lý của dự án BOT. Cuối cùng BOT tuyến đường này phải xả trạm.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Another-not-has-to-be-released-09122017095250.html

 

‘Nhập khẩu giáo dục’ phải xét đến môi trường VN

Việt Nam không thể thất bại về giáo dục vì “sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn”, Tiến sĩ Jonathan London thuộc trường Đại học Leiden, Hà Lan, một nhà gia nghiên cứu về giáo dục Việt Nam nói với BBC.

Là một thành viên tham gia dự án Nghiên Cứu Cải Thiện Hệ Thống Giáo Dục Việt Nam (RISE), ông Jonathan London bình luận với Minh Thư của BBC hôm 5/9 về ý tưởng nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan, làm sao để cải cách giáo dục Việt Nam hiệu quả hơn, và “cơ hội vàng” cho giáo dục Việt Nam thay đổi.

Việt Nam và cải cách sách giáo khoa

Việt Nam: Học càng cao, càng thất nghiệp?

‘Nhập khẩu giáo dục’ Phần Lan có phù hợp với VN?

Bàn về ý tưởng Việt Nam “nhập khẩu giáo dục” từ Phần Lan sau chuyến đi thăm Phần Lan của Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ hồi cuối tháng 8/2017, TS Jonathan London nói Việt Nam nên nghiên cứu chính sách và phương pháp giáo dục của các quốc gia khác nhưng việc áp dụng “đòi hỏi những thay đổi để phù hợp với các đặc trưng riêng của môi trường giáo dục và xã hội Việt Nam.”

“Chắc chắn việc nghiên cứu các chính sách và phương pháp giảng dạy ở các nước, không chỉ Phần Lan, mà cả những nơi như Singapore, Israel, Mỹ, Hàn Quốc, là quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ chăm chăm “nhập khẩu giáo dục” mà không có sự cân nhắc những yếu tố khác có thể sẽ dẫn đến thất bại trong đổi mới giáo dục.”

Ở Phần Lan không có tình trạng dạy thêm. Phần Lan tạo ra một môi trường cho trẻ em tự tìm hiểu, và có những yếu tố trong xã hội Phần Lan khác hẳn với xã hội Việt NamTS Jonathan London

TS London cho rằng không thể giả định Việt Nam sẽ thành công nếu chỉ ‘nhập khẩu giáo dục’ từ Phần Lan vì môi trường ở Việt Nam phức tạp và khác hẳn với môi trường ở Phần Lan.

“Chẳng hạn, ở Phần Lan không có tình trạng dạy thêm. Phần Lan tạo ra một môi trường cho trẻ em tự tìm hiểu, và có những yếu tố trong xã hội Phần Lan khác hẳn với xã hội Việt Nam.”

“Điều đó có nghĩa là những thử nghiệm ở Phần Lan sẽ có một số giá trị nhất định nhưng và chúng ta phải xác định những giá trị đó ở đâu,” TS London bình luận.

“Phải nghiên cứu kỹ những gì chưa biết”

Một điều mà dường như Việt Nam chưa hiểu đủ, theo TS London, là nghiên cứu về giáo dục phải được tiến hành một cách kỹ càng và toàn diện.

TS London dẫn ví dụ việc Việt Nam hiện nay có chương trình nhập khẩu mô hình VNEN (mô hình cải tiến trường học nông thôn Việt Nam) có nguồn gốc từ Colombia nhưng được thực hiện ở nhiều nước. VNEN đang gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng theo TS London, “Dù là Phần Lan hay là VNEN, chúng ta phải xem xét cả hệ thống như thế nào, các bộ phận của hệ thống khác nhau như thế nào. Có làm như thế mới có thể đề cập đến các vấn đề trong ngành sư phạm một cách hiệu quả.”

“Những gì chúng ta chưa biết thì nên nghiên cứu một cách kỹ càng. Qua đó, mới có hy vọng xác định những gì là hiệu quả và chưa hiệu quả, vì sao, dưới những điều kiện nào.”

Việt Nam: Chiếc xe đò mang tên Đại học

Việt Nam ‘tiến bộ về sáng tạo’

Cơ hội vàng để ngành giáo dục thay đổi

Khi bàn về cải cách giáo dục ở Việt Nam, GS London nói đến khái niệm “buy in” trong tiếng Anh.

“Buy in có nghĩa là khi những bên tham gia vào một cải cách thực sự tin vào cái đó,” ông giải thích.

TS London cho rằng đối với dự án như VNEN, Việt Nam chưa có đủ những người thực sự tin vào mô hình cải cách này. Có thể một số người không tin do kinh nghiệm trực tiếp của họ, nhưng cũng có những người ở vào cuối thời gian làm việc trong ngành giáo dục và không muốn có một nền sư phạm mới.

VN dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học

Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Tuy nhiên, dù kết quả của mô hình VNEN như thế nào đi nữa, “rõ ràng Việt Nam cần có sư phạm mới, nội dung, chương trình và cách giảng dạy mới, (không có nghĩa là tất cả những gì đã làm đều không có giá trị),” ông bình luận.

“Rõ ràng những kỹ năng người Việt Nam cần trong cuộc sống hiện nay và tương lai khác hẳn so với tiêu chuẩn của những người đang quản lý giáo dục ngày hôm nay.”

Những kỹ năng người Việt Nam cần trong cuộc sống hiện nay và tương lai khác hẳn so với tiêu chuẩn của những người đang quản lý giáo dục ngày hôm nayTS Jonathan London

Ông cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội vàng để cải cách giáo dục, hứa hẹn có thể thay đổi thành công dựa trên những thế mạnh của mình.

“Thế mạnh của Việt Nam là sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn.

“Tôi có một ấn tượng là dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng những người vạch ra chính sách ở Việt Nam khá mở về vấn đề sư phạm và nghiên cứu, tìm hiểu về sư phạm mới tại các nước.

“Chắc chắn Việt Nam không thể bỏ qua và không thể thất bại trong giáo dục. Việt Nam có một cơ hội vàng cho ngành giáo dục để thay đổi.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41242894

 

Hai người Anh nhận án tù vì đưa lậu 12 người Việt vào Anh

Một cặp người Anh vừa bị kết án tù vì tìm cách đưa lậu 12 người Việt Nam vào Anh trên một chiếc xe tải chất đầy lốp xe.

Bà Katy Bethel và bạn đời là ông Aaron Harris ở quận Gillingham, hạt Kent, miền Đông Nam nước Anh, bị bắt giữ tại trạm kiểm soát xe qua đường hầm xuyên từ Anh sang châu Âu Eurotunnel hôm 4/7/2015.

Bốn người đàn ông, năm phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam được phát hiện đang trốn trong đống lốp xe sau khi một cảnh sát nhìn thấy có một cặp chân lộ ra.

Tại phiên xét xử tại Tòa án Hoàng gia Maidstone hôm 11/9, ông Harris nhận án tù 5 năm, còn bà Bethel nhận án 2 năm 9 tháng tù.

Dân Việt trả bao nhiêu để vào lậu nước Anh?

Anh quốc: Nô lệ hiện đại và buôn người ‘nhan nhản’

Lúc bị bắt năm 2015, bà Bethel, mẹ của 4 con, và đang mang thai 6 tháng, ngồi trên chiếc xe tải do ông Harris lái. Bà này nói bà không hề biết có người nhập cư ở trên xe.

Tại phiên tòa, bà Bethel nói bà và Harris đang đi ra biển chơi hôm đó. Họ lái xe đi tìm một bãi biển đẹp nhưng bị lạc nên đỗ xe bên đường và đi dạo. Bên khởi tố cáo buộc bà Bethel đã có lời khai “vớ vẩn”.

Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh

Chủ tiệm người Việt nói về ‘nô lệ hiện đại’

Theo các thông tin được báo cho bồi thẩm đoàn, trong bốn tiếng đồng hồ ở Pháp, hai người đã gửi và nhận 67 tin nhắn và cuộc gọi tới một số điện thoại không xác định.

Bà Bethel nói ông Harris, là cha của 2 trong số 4 người con của bà, đã dùng điện thoại của bà và bà không biết được nội dung các cuộc gọi và tin nhắn đó.

Bà đã khóc khi Thẩm phán Philip Statman tuyên bố bà nhận án tù.

Khi tuyên án hai người này, vị thẩm phán nói: “Rõ ràng là hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp vào Anh là một ngành kinh doanh lớn.

“Theo đánh giá của tôi, đây là một hình thức kinh doanh rất tinh vi. Tôi thấy rõ là có nhiều người khác cũng tham gia [vào đường dây này].”

Ngành kinh doanh lớn

Theo báo cáo mới ra hôm 11/9 của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, nhiều người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống ‘vương giả’ ở nước này.

Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.

Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.

Người Việt bị bắt ở trại cần sa Anh

Ông Daniel Silverstone, đồng tác giả của báo cáo trên mô tả về tuyến đường vào Anh của người Việt trong bài báo “Đưa lậu [vào Anh] để trồng cần sa: người nhập cư Việt Nam đang bị bóc lột ở Anh”, đăng trên trang The Conversation hôm 11/9:

“Những khu vực mới có đông người di cư từ Việt Nam gồm một số thôn ở các tỉnh miền Trung, khu vực nghèo hơn các tỉnh phía Bắc, như tỉnh Hải Phòng, nơi nhiều người nhập cư vào Anh trước đây. Chặng đường cho những người Việt Nam tìm cách vào Anh bất hợp pháp là rất tốn kém và có thể mất 30.000 bảng. Những người tìm cách vào Anh này không phải là những người nghèo nhất trong cộng đồng, nhưng phải vay nợ nhiều hay bán cơ sở kinh doanh của mình để lấy tiền đi.”

10 người VN trốn lậu vào Ba Lan

Bi hài nghề làm móng tay ở Anh

Ông Silverstone cũng nói về hai tuyến đường vào Anh chính. Một tuyến qua Nga, sau đó qua Đông Âu tới Pháp, ở Pháp một thời gian rồi sang Anh bất hợp Pháp qua phà biển trên xe tải. Tuyến thứ hai, tốn nhiều tiến hơn, là bay thẳng sang Ireland hay Hà Lan với thị thực hợp pháp, rồi đi phà sang Anh.

Những người Việt tìm cách vào Anh bất hợp pháp rất dễ bị các băng đảng tội phạm tổ chức các chuyến đi này lợi dụng. Khi đến Anh, nhiều người nhập cư Việt Nam chịu nợ nần chồng chất, bị cô lập và rất dễ tổn thương – họ thường bị bóc lột.

Hồi tháng 2/2017, 5 người Việt đã bị bắt khi cảnh sát Anh bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire, vùng Tây Nam nước Anh. Tổng giá trị của hàng ngàn cây cần sa được phát hiện ở trại này, từng là hầm trú ẩn hạt nhân do chính phủ Anh xây, lên tới hơn 1 triệu bảng Anh.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41239863

 

Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu

Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống ‘vương giả’ ở nước này, một báo cáo mới cho hay.

Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.

Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ “cao cấp” sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.

Anh quốc: Nô lệ hiện đại và buôn người ‘nhan nhản’

Người Việt và nạn ‘nô lệ hiện đại’ tại Anh

Chủ tiệm người Việt nói về ‘nô lệ hiện đại’

Còn những ai chọn dịch vụ “phổ thông” nộp từ 10 nghìn đến 20 nghìn bảng.

Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.

Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô ta trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả “không được như lời quảng cáo”.

Người phụ nữ này nói:

Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôiMột nạn nhân vào lậu nước Anh

“Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao.”

“Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải – nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào.”

“Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi.”

Kẽ hở thị thực

Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.

Bi hài nghề làm móng tay ở Anh

Người Việt bị bắt ở trại cần sa Anh

10 người VN trốn lậu vào Ba Lan

Đơn xin thị thực cho người Việt Nam vào Anh được xử lý ở Sứ quán Anh tại Bangkok.

“Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ,” báo cáo viết.

Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh.

Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.

Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.

Quản lý chặt nghề làm nail

Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.

Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.

Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất “khó khăn”.

“Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện,” báo cáo nói.

Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.

Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên “tinh vi hơn” và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt.

Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa.

“Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong những người Việt Nam,” báo cáo viết.

Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa “vì những công việc mà họ bị bắt phải làm.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41226337

 

Nông dân không thể tự mình tìm được thị trường

Tại một cuộc hội thảo được tổ chức sáng ngày 12 tháng Chín tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng nông dân không thể biết được nhu cầu của thị trường, mà việc đó là của ngành nông nghiệp.

Ông Nhân nói rằng các cơ quan nghiên cứu của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tìm ra thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, và ông hy vọng rằng nông dân của thành phố Hồ Chí Minh sẽ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho 30% thị trường miền Tây và Đông Nam bộ.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay diện tích dành cho nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh là 55%, nhưng ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 0,8% giá trị của tổng sản lượng của thành phố.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/farmer-and-market-09122017094743.html

 

Sẽ không tăng thuế trong năm nay

Các loại thuế, lệ phí sẽ không tăng trong năm nay.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho Bộ Tài chính được ghi trong nghị quyết của chính phủ sau phiên họp thường kỳ tháng 8 năm nay.

Lý do được chính phủ nêu ra là để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để có thể đạt tăng trưởng tổng sản lượng quốc dân ở mức 6,7% một năm.

Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Bộ Tài chính đề nghị tăng một loạt thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Đề xuất này đã gây nên một sự tranh cãi trên báo chí nhà nước cũng như mạng xã hội là tăng thuế như vậy có ảnh hưởng xấu đến đời sống của người nghèo hay không.

Ngoài ra các Bộ và ngành khác cũng được chỉ đạo thực hiện những biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế bao gồm cả việc ngành ngân hàng phải kiểm soát hệ thống tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đảm bảo giải ngân số vốn được giao, Bộ Công thương phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phòng chống thiên tai, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải phải xử lý nghiêm việc thực hiện các dự án thu phí đường bộ, được cho là có khuất tất, gây bất bình trong dân chúng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tax-no-increase-09122017092912.html

 

Độc quyền xuất bản sách giáo khoa:

“Một sai lầm hết sức tệ hại”

Sự độc quyền xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục bấy lâu nay đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận do những bất cập nó mang lại. Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần đề ra chủ trương thay đổi sự độc quyền này nhưng cho đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Báo Giáo Dục ngày 4/9 vừa qua đã đăng tải bài viết với tựa “Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay móc túi nhân dân”, trong đó tác giả một lần nữa nhắc đến vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa và đặt ra những câu hỏi liên quan đến doanh thu của nhà xuất bản Giáo Dục.

“Độc quyền là không tốt”

Nhà xuất bản Giáo dục thuộc sự quản lý của Nhà nước Việt Nam và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà xuất bản này được thành lập năm 1957 và hiện vẫn là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ biên soạn và in ấn sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến 12.

Cách đây hơn chục năm, tác giả Vũ Ngọc Tiến từng viết một bài về sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục, đăng trên web của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam VUSTA. Trong bài viết, tác giả nêu rõ một vấn đề đó là “quá trình đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa không có một tổng công trình sư đủ tài và đủ tâm để chỉ huy”.

Bài báo trích dẫn ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh, là đại biểu Quốc hội và một nhà ngoại giao kỳ cựu, nói rằng “Sách giáo khoa trở thành công nghiệp kinh doanh khổng lồ của ngành giáo dục, đẩy hàng chục triệu học sinh thành “máy đẻ tiền” cho họ”. Bài viết cũng kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe và thay đổi bởi vì “Sức dân đang vơi cạn vì Nhà xuất bản Giáo dục vẫn độc quyền in đi in lại và phát hành sách giáo khoa”.

Đến thời điểm tháng 9 năm 2017, hơn chục năm sau khi bài báo này được đăng tải, học sinh các cấp lại nô nức chuẩn bị vào năm học mới với hành trang là bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo Dục ban hành.

Chúng tôi trao đổi với Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ Công nghệ – Khoa học, hiện là Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức. Trước hết ông nhận định rằng trong bất cứ lĩnh vực gì sự độc tài vẫn là không tốt. Còn riêng với sách giáo khoa, ông cho rằng chỉ một nhà xuất bản thì lấy đâu ra sự cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng:

Nếu như sách giáo khoa chỉ do Bộ Giáo dục chỉ định Nhà xuất bản thì nó gây ra tình trạng không có sự cạnh tranh trong việc soạn ra sách giáo khoa. Về chương trình thì có thể thống nhất toàn quốc nhưng sách giáo khoa thì cần có nhiều bộ khác nhau. Và các bộ sách này in ở nhà xuất bản Giáo Dục hay nhà xuất bản nào cũng được. Như vậy mới tạo ra một không khí tốt để có được những bộ sách tốt. Lúc bấy giờ bản thân các nhóm làm sách cũng đã có sự cạnh tranh để sách của mình được các nhà trường họ mua.

“Nếu như sách giáo khoa chỉ do Bộ Giáo dục chỉ định Nhà xuất bản thì nó gây ra tình trạng không có sự cạnh tranh trong việc soạn ra sách giáo khoa”.

– GS. Chu Hảo

Theo lời Giáo sư Chu Hảo thì sự độc tài của nhà xuất bản Giáo Dục bắt nguồn từ luật giáo dục của Việt Nam. Theo đó thì từ năm 1998, Việt Nam đã đưa ra một điều khoản đó là giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục chịu trách nhiệm về chương trình và sách giáo khoa. Ông cho biết khi Bộ Giáo dục trình điều khoản này trước Quốc hội thì bản thân ông và những người khác đều không quá để ý đến hệ lụy của sự độc quyền này. Ông nói tiếp:

Sự độc tài đó xuất phát từ việc bộ trưởng Bộ giáo dục được chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình sách giáo khoa. Do đó Bộ Giáo dục hoàn toàn có quyền lập ra nhà xuất bản Giáo Dục đó để thực hiện sự độc quyền của Bộ trưởng.

Một chuyên gia giáo dục khác là Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ với RFA rằng bản thân ông và đồng nghiệp đều không bằng lòng với cơ chế xuất bản sách giáo khoa độc quyền này và đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu sửa đổi. Ông đánh giá những “tai hại” cơ chế này sinh ra là do lợi ích nhóm trong việc xuất bản sách:

Mỗi lần như vậy đều tốn rất nhiều cho ngân quỹ và các phân khúc không được chuẩn bị và thực hiện một cách nghiêm túc. Cho nên sách giáo khoa trong những năm qua mắc rất nhiều lỗi, trong đó có những lỗi nặng nề vì người ta không giao cho những người có đủ trình độ cần thiết mà lại giao cho một nhóm lợi ích. Tôi cho rằng đây là chủ trương và hành động vì quyền lợi của một nhóm mà coi thường quyền lợi của người dân.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết nhiều cá nhân và tổ chức đã từng lên tiếng yêu cầu có nhiều bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo dục đã hứa sẽ xem xét. Tuy nhiên ông cho rằng, do quyền lực của nhóm lợi ích cao hơn cả quyền lực của Bộ nên đến bây giờ vẫn chưa có sự thay đổi nào:

Tôi nghĩ tốt hơn hết bộ nên xóa bỏ bổn phận của mình về sách giáo khoa và làm chuyện khác như kiểm tra giáo dục hay đưa ra những đường hướng hay những chuyện của một chính quyền. Chứ chuyện làm sách không phải chuyện của bộ. Đó là chuyện của nhà sách. Bộ chỉ có nhà xuất bản Giáo Dục thì phải để cho người ta độc lập chứ không thể đặt dưới quyền chỉ huy của ông thứ trưởng được. Đó là sự sai lầm hết sức tệ hại. Đó là cái quái thai của cả một thời gian dài bốn mươi mấy năm. Đã đến lúc phải ngưng. Đó là lời yêu cầu khẩn thiết của tôi!

Chúng tôi cũng trao đổi với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện là giáo viên đang giảng dạy tại Hà Nội. Dưới cái nhìn của một người giáo viên, thầy Khoa mong muốn Nhà nước đấu thầu xuất bản sách một cách công minh để ban hành những cuốn sách vừa chất lượng mà giá thành lại phù hợp với túi tiền của phụ huynh:

Nếu nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nhưng lại làm cho giá thành cao thì rõ ràng gây thiệt hại cho dân. Tuy nhiên có đơn vị nào đấu thầu với giá rẻ hơn hay chưa thì chúng tôi cũng không nắm được.

Chờ đến bao giờ?

Cũng trong bài viết in trên báo Giáo dục mà chúng tôi đề cập bên trên, tác giả cũng nói đến vấn đề mỗi năm Bộ Giáo dục chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành sách khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ, gây tốn kém tài chính cho phụ huynh.

Tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành dự thảo theo đó nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện theo chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa để khuyến khích các nhà xuất bản soạn sách. Tuy nhiên, sách phải đạt các tiêu chuẩn bộ đề ra trong đó có những đường lối, quan điểm của Đảng.

Tuy nhiên giáo sư Chu Hảo nhận định rằng chủ trương thì cứ đưa ra thôi, nhưng sẽ không sớm được đưa vào thực hiện. Ông đưa ra lý do:

Thực sự không khuyến khích các nhóm giáo dục và khoa học khác nhau đưa ra các phương án về sách giáo khoa khác nhau mà tất cả đều phải thông qua một quy định rất chặt chẽ đó là thông qua Bộ Giáo dục. Theo tôi nghĩ nếu không sửa từ luật, nếu không có sự phân tích, phản bác một cách quyết liệt hơn nữa của xã hội và các nhà giáo dục thì để kéo dài tình trạng này là rất không nên.


“Bộ chỉ có nhà xuất bản Giáo Dục thì phải để cho người ta độc lập chứ không thể đặt dưới quyền chỉ huy của ông thứ trưởng được.” 

– Gs. Nguyến Đăng Hưng

Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lại nghĩ rằng việc thay đổi sẽ sớm diễn ra, do những áp lực của dư luận hiện nay là quá lớn:

Ai cũng bức xúc hết trơn vì nó hoàn toàn vô lý và đi ngược quyền lợi của người dân. Nên tạo điều kiện cho việc xuất bản tự do. Nếu ban đầu chưa được thì nên kết hợp với các nhà xuất bản tư nhân để đưa ra các cuốn sách và thị trường sẽ quyết định sách nào sẽ xác định sách nào trường tồn và sách nào bị loại.

Theo quan điểm của ông thì đây là một cơ chế mà bất cứ quốc gia nào cũng cần đến, kể cả một đất nước Cộng sản như Việt Nam. Ông phân tích rằng những cuốn sách là nền tảng của ngành giáo dục mà lại đặt dưới tay một nhóm người thì giáo dục sẽ bị ngưng trệ và đi lạc đường.

Vừa rồi báo chí cho biết Việt Nam đang nghiên cứu nhập khẩu mô hình giáo dục Phần Lan. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng điều cốt lõi của mô hình giáo dục này là sự tự do lựa chọn sách và chương trình học của học sinh và giáo viên mà Việt Nam nên học hỏi.

Cần nói thêm là rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp,… không có mô hình một nhà xuất bản in sách giáo khoa cho cả nước. Thay vào đó có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân in sách, gửi cho các sở giáo dục và các sở sẽ quyết định cuốn sách nào phù hợp với học sinh của họ.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dictatorship-in-textbooks-a-huge-mistake-09122017104353.html

 

Vì sao công tác chống tham nhũng không hiệu quả?

Trong cuộc thảo luận của Ủy ban này vào ngày 6 tháng 9 năm 2017, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của Ủy ban tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam phát biểu rằng “Có quá nhiều cơ quan chống tham nhũng, nhưng không có hiệu quả.”

Lý do của việc chống tham nhũng không thành công qua nhận xét của những nhà kinh tế và các luật gia như thế nào?

Tính chất dây chuyền của tham nhũng

Nhìn qua những vụ án tham nhũng được báo chí nêu ra thời gian qua và đánh giá một cách khái quát nhất về vấn đề chống tham nhũng, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định ông ghi nhận nỗ lực và ý chí của chính phủ trong công tác chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “không thể chờ đợi hay mong rằng điều này có thể giải quyết một cách rốt ráo được.”

“Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, có tính chất lâu đời và đặc biệt có tính chất dây chuyền mắc xích. Vấn đề tham nhũng không phải chỉ ở ban, bộ, ngành nào mà nó có thể lan toả ra trong rất nhiều những ban ngành đơn vị trong hệ thống hành chính của Việt Nam. Cho nên chống tham nhũng không phải là một vấn đề dễ giải quyết.”

Trong một lần trả lời RFA, nguyên Đại Biểu Quốc Hội ông Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm của ông đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước Việt Nam là sẽ không đạt hiệu quả với lý do:

“Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực.”

Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực. – Ông Lê Văn Cuông

Chính ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của Ủy ban tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam được báo trong nước trích dẫn lời phát biểu tại cuộc thảo luận của Ủy ban, trong năm nay chỉ mới có 25 người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị kiểm điểm về trách nhiệm của họ trong các vụ tham nhũng. Ông Kim cho rằng như thế là không đúng vì thực tế nạn tham nhũng trong nước đang phản biện lại bằng thực tế khác.

Thật vậy, báo chí trong nước cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17 tháng 4 tại Hà Nội, là truy tố, xét xử dứt điểm 12 án tham nhũng. Tất cả đều được gọi là “đại án”.

Trong 12 đại án đó, hơn một nửa là những vụ án liên quan đến ngân hàng, có thể kể tên như Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín…

Đặc biệt, đại án Ngân hàng OceanBank và Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN hay vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng với những bị cáo phần lớn là quan chức cấp cao của nhà nước hoặc từng là Uỷ viên Bộ chính trị, Đại biểu Quốc hội…

Đưa ra nhận định về những đại án tham nhũng phần lớn là những vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trước hết Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đó là do “xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội khép kín, độ mở về tính minh bạch rất có giới hạn.”

“Cái đó là cái vấn đề mà có lẽ chúng ta thấy đó là một thực thể về thể chế Việt Nam, là độ mở của nó còn rất giới hạn.”

Kê khai tài sản: Chưa phải là cách

Gần đây, Thanh tra Chính phủ liên tục đưa ra những quyết định yêu cầu tiến hành thanh tra nguồn gốc tài sản của một số các quan chức cấp cao như gia đình ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái, khối tài sản của bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa do bị nghi vấn là bất minh…

Tuy rằng những khối tài sản này khi được báo chí khơi gợi đã vô hình trung cho thấy có rất nhiều vấn đề không minh bạch trong việc kê khai tài sản. Thế nhưng ngược lại, làm cho công tác chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và quyết tâm thực hiện có vẻ như ngày càng quyết liệt và ‘minh bạch’ hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu không cho rằng thanh tra nguồn gốc và yêu cầu kê khai tài sản là một biện pháp hữu hiệu của công tác phòng chống tham nhũng, mà phải đi kèm với những cái khác nữa.

“Những cái đó là những vấn đề như hình sự hoá tham nhũng, có những cách xử lý nghiêm ngặc tội tham nhũng, và nó phải là sự cải tổ toàn diện nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc bắt kê khai tài sản tôi nghĩ là nó sẽ không đi đến đâu.”

Ông nói thêm nếu có thì chỉ là một phần nào làm cho các quan chức có liên quan cảm thấy nhục chí để có thể tiếp tục.

Chỉ thị 15?

Vào tháng 3 năm ngoái, có một sự việc được nhiều người quan tâm, đó là thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận “Công an không được trinh sát Đảng viên, vì vướng chỉ thị 15”.

Khi đó, dư luận trong nước đặt ra câu hỏi liệu những cán bộ cấp cao là Đảng viên có tránh được quyết định bị điều tra tham nhũng hay không?

Đài RFA nêu vấn đề này với Luật sư Trần Quốc Thuận và được ông chia sẻ:

“Trước đây người ta nói nhiều đến việc chống tham nhũng khó khăn, nên từ chính phủ chuyển công tác chống tham nhũng sang cho Đảng, và trưởng ban chống tham nhũng bây giờ là Tổng Bí thư và các ban của Đảng. Đó cũng là 1 cách người ta cho rằng làm như vậy sẽ không bị vướng chỉ thị 15 của Bộ Chính trị.”

Tuy nhiên cũng chính ông cho biết trong nhiều năm công tác, ông chưa từng nghe hoặc tận mắt nhìn thấy chỉ thị đó.

“Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó.”

Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó. – LS Trần Quốc Thuận

Phản biện lại ý kiến trên, Bác sĩ, nhà bất đồng chính kiến Đinh Đức Long, từng là một Đảng viên, so sánh chỉ thị 15 với hình ảnh của một chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những Đảng viên có thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện nào về mặt pháp lý để làm được cả.”

“Với chỉ thị này, người tham nhũng được bảo vệ tuyệt đối, vì đa số người tham nhũng là Đảng viên có chức có quyền. Và chỉ thị 15 đã bảo vệ cho họ. Công an là lực lượng chuyên chính rất là mạnh hiện nay mà không đụng vào được thì làm sao quân đội, nhân dân chúng tôi đụng vào được?”

Cần phải làm gì?

Với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tham nhũng là một hiện tượng toàn cầu, không lệ thuộc vào thể chế chính trị hay lịch sử quốc gia. Vấn đề này đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Chính vì vậy, theo ông, điều cần thiết mà nhà nước Việt Nam cần thực hiện để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, không phải là điều tra tài sản, mà là tập trung vào môi trường pháp luật.

“Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt.”

Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt. – TS Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không thể là dừng lại ở vấn đề pháp lý, mà quan trọng là đời sống con người phải được nâng cao. Vì theo ông, “khi con người ta ở trong một môi trường quá khó khăn, tham nhũng sẽ tự sinh sôi nảy nở”.

Vào ngày 31 tháng 7,  phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, kiêm Trưởng ban chống tham nhũng, khi nói về những vụ án tham nhũng trong nước đã phát biểu rằng “Lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”. Điều ông Nguyễn Phú Trọng nói tới là quyết tâm mà ông muốn thực hiện, nhưng không ít người nghĩ rằng quyết tâm thôi chưa hẳn đã đủ, như Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi: “Diệt trừ tham nhũng đầu tiên là nền tảng pháp lý phải được cải thiện, phải đưa ra những biện pháp và có những sự xử lý nghiêm ngặt.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Thy-anti-corruption-work-does-not-work-09112017124408.html

 

Việt Nam vay tiền xây đô thị đại học ‘tầm cỡ quốc tế’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý tái khởi động dự án xây dựng đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội “tầm cỡ khu vực và quốc tế” với việc sẽ ban hành qui chế đặc biệt cho dự án đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam, mà ĐHQG Hà Nội sẽ là “nòng cốt.”

Truyền thông Việt Nam loan tin vào sáng 12/9 rằng khi thăm cơ sở trường tại khu Hòa Lạc, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhiều kiến nghị nhằm xây dựng cơ sở này xứng “tầm khu vực và quốc tế.”

Báo VietnamNet trích lời ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói rằng: “Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể xây dựng một ĐHQG rộng, đẹp, xứng tầm đẳng cấp quốc tế.”

Báo này cũng cho biết rằng Thủ tướng đồng ý chủ trương quy hoạch lại khu đô thị ĐHQG Hà Nội, trong đó bổ sung vốn đầu tư để giải phóng mặt bằng cho khu đô thị đại học; vay 200 triệu đôla vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng các công trình thiết yếu; vay vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản để xây dựng dự án đại học Việt Nhật.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, cựu hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Thông tin nói rằng quyết định này cũng có thể làm nhiều trường không vui, trong đó có các trường tư:

“Nếu xét đến tính cạnh tranh thì đương nhiên nhiều người sẽ không vui.”

Tương tự như vậy, giáo sư – tiến sĩ Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia nói rằng ông e ngại quyết định này có thể gây nên sự bất bình đẳng giữa các trường đại học trong nước:

“Tôi nghĩ rằng cũng không nhất thiết phải làm như vậy vì sẽ gây ra chuyện bất bình đẳng giữa các trường đại học.”

Báo VNExpress trích lời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói rằng cái vướng của Đại học Quốc gia Hà Nội là cần thay đổi quy hoạch khu Hòa Lạc cho phù hợp với tình hình mới: “việc cấp bách nhất là đầu tư giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp chưa đầu tư xây dựng thì bị tái lấn chiếm.”

Ông Nhạ nói: “Tôi cũng thống nhất cần có cơ chế đặc biệt cho Đại học Quốc gia như cơ chế dành cho khu công nghệ cao Hòa Lạc.”.

Ông Phúc được báo chí trích lời nói: “Tôi và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội ý và quyết tâm xây dựng một khu đô thị đại học mà Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt.” Sau đó, “trường nào muốn gia nhập Đại học Quốc gia thì sẽ được chào đón,” ông Phúc nói tiếp.

Ông Phúc còn nói thêm: “Trường sẽ là đơn vị đi đầu với chất lượng đào tạo, gắn với cách mạng công nghệ 4.0.”

Vì nền giáo dục Việt Nam còn thấp kém, các cơ sở đào tạo đại học trong nước có thể “chấp nhận” việc tập trung xây một đô thị đại học có tầm quốc tế như đề xuất, tiến sĩ Trần Thị Hồng nói:

“Đối với một nước nghèo như nước mình thì thôi đành phải chấp nhận cơ chế đặc thù này, vì nếu đầu tư dàn trải rất khó có thể có một đại học nào đó mà ngang tầm thế giới.”

Tiến sĩ Trần Thị Hồng còn chia sẻ rằng nếu tập trung đầu tư vào một trường nào đó để làm đầu tàu kéo các trường khác phát triển thì đó cũng là một xu hướng hợp lý.

Cụ thể hơn, giáo sư Phạm Duy Hiển nói rằng Việt Nam cần tập trung phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đó dạy và học một cách bài bản, thay vì tập trung phát triển giáo dục chạy theo quy mô và thành tích:

“Vấn đề là làm thế nào để sinh viên học thật sự và thầy giáo quyết tâm dạy – dạy một cách bài bản chứ không phải lớt phớt – theo hướng tập trung mang lại hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho đất nước, chứ không phải chạy theo thành tích, khoe khoang với nước này, nước khác.”

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu công nghiệp Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003.

Mục tiêu chính của dự án là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án mới được đầu tư 1.700 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-vay-tien-xay-do-thi-dai-hoc-tam-co-quoc-te/4025452.html

 

Dropfoods ở Việt Nam phát hành tiền ảo mở rộng kinh doanh

Hãng Dropfoods hôm 12/9 nói họ sẽ phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng, gọi tắt là ICO, hôm 21/9 để thu hút vốn 9 triệu đôla. Dropfoods là hãng quản lý các máy bán hàng tự động lớn nhất Việt Nam.

ICO là một thủ tục không theo khuôn khổ pháp lý, theo đó một công ty khởi nghiệp thu hút vốn bằng cách phát hành tiền ảo dưới dạng các thiết bị bảo mật hình đồng xu, tương tự như các cổ phiếu của các công ty bán ra thông qua thủ tục IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Những nhà đầu tư mua tiền xu ảo hy vọng rằng công ty khởi nghiệp sẽ tăng trưởng và thành công, như vậy, giá trị tiền ảo cũng sẽ tăng.

Trong cuộc ICO sắp tới, Dropfoods sẽ phát hành tiền ảo của chính công ty, có tên là Dropcoins, chỉ dành cho những nhà đầu tư đã được thẩm định.

Đồng Dropcoins có thể quy đổi ra tiền mặt là đồng Việt Nam tại các máy bán hàng của Dropfoods, hay dùng để mua hàng tại các máy đó cũng như thông qua ứng dụng Dropfoods trên điện thoại thông minh.

Số lượng các đồng xu này có hạn, vì thế Dropfoods kỳ vọng theo thời gian chúng sẽ được nhiều người lùng mua và tăng giá trị, với nhiều giao dịch diễn ra trên nền tảng của họ.

Với số tiền thu được từ cuộc ICO, Dropfoods sẽ lắp đặt thêm 1.000 máy bán hàng tự động mới.

Khách hàng có thể mua đồ ăn thức uống từ các máy bán hàng qua ứng dụng Dropfoods. Họ cũng có thể sử dụng ứng dụng đó để nạp tiền vào tài khoản di động, trả hóa đơn điện nước và chuyển tiền cho người thân, bạn bè.

Dropfoods hoạt động ở hơn 40 địa điểm ở Việt Nam và đứng sau công ty là Sugar Ventures, một hãng đầu tư vốn mạo hiểm có cổ đông ở Nhật Bản, Nam Phi và Singapore.

Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang xem xét vấn đề tiền ảo, với ý định lập ra khuôn khổ pháp lý về vấn đề này vào năm sau.

(theo Straits Times, Techinasia)

https://www.voatiengviet.com/a/dropfoods-o-viet-nam-phat-hanh-tien-ao-mo-rong-kinh-doanh/4025283.html