Tin Việt Nam – 11/09/2017
Nhà máy giấy Lee & Man lại gây ô nhiễm không khí
Nhiều gia đình ở thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang đang kêu cứu vì ô nhiễm nặng từ nhà máy giấy Lee & Man.
Đây là lần thứ hai trong năm nay nhà máy này bị tố cáo gây ô nhiễm. Báo mạng Môi Trường & Cuộc Sống dẫn lời ông Nguyễn Văn On, cư dân ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, có nhà ở cách nhà máy giấy khoảng 100 mét, cho biết hồi gần đây, từ lúc chiều tối đến rạng sáng, phía bên nhà máy giấy Lee & Man có 2 hoặc 3 cột khói màu trắng đục xuất hiện, cao khoảng 5 tới 10 mét, có mùi giống acid, rất khó chịu. Khi có gió thổi theo hướng từ nhà máy qua khu dân cư, thì khoảng 15-20 phút sau, làn da của các cư dân nơi đây có cảm giác khô và căng như có con gì châm chích.
Hồi tháng 3, Lee & Man thừa nhận kho chứa bùn và bể hiếu khí của nhà máy làm không khí trong khu vực có mùi hôi thối. Nhà máy đã cam kết lắp đặt hệ thống khử mùi trong tháng 4, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.
Nhà máy giấy của công ty Lee & Man Việt Nam, thuộc tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong, có kinh phí xây dựng 1.2 tỉ Mỹ kim và nằm cạnh sông Hậu. Nhà máy được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số năm nhà máy giấy lớn nhất thế giới. Sau vụ Formosa Hà Tĩnh, người dân Việt Nam lo thảm họa môi trường kế tiếp sẽ xảy ra do nhà máy giấy Lee & Man.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/nha-may-giay-lee-man-lai-gay-o-nhiem-khong-khi/
Đừng đi xa, hãy nhìn quanh mình
Tuấn Khanh
Những bức ảnh gợi nhớ thật nhiều về hàng cây cao và bóng mát đã chạy suốt trung tâm Saigon, mà đã bị đốn hạ cho một ước mơ bay cao bay xa về tuyến metro hiện đại Sài Gòn – Suối Tiên. Tôi bồi hồi tìm thấy lại những hình ảnh mà mình loanh quanh ở Sài Gòn vào những ngày đáng nhớ ấy, ngay khi được nhắc bằng những dòng tin cho hay việc hoàn thành được công trình này có lẽ còn xa, vì nợ cũ ngập ngụa mà tiền mới để thi công chẳng biết lấy đâu ra.
Metro nói đến ở đây, là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Dự án được khởi công từ tháng 8.2012, thời gian dự kiến hoàn thành lúc ban đầu là vào năm 2017. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, dự án chính thức ấn định lại thời gian đưa vào sử dụng, có thể là trong năm 2020.
Mà 2020 lại không dễ với tới, nhất là trong tình trạng kinh tế khó khăn, ngân sách cạn kiệt như lúc này.
Ngày ấy, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai cụ già đạp xe ra ngồi nhìn tiếng cưa máy gầm rú, hổn hển vật ngã những thớ cây khỏe mạnh. Các cụ im lặng nhưng ánh mắt buồn buồn. Dường như những ánh mắt buồn nhân loại đều như nhau khi phải mất đi điều gì đó, chấp nhận đánh đổi cho tên gọi phát triển, mà có nơi thứ nhận lại là niềm vui, có nơi thứ nhận lại là ngỡ ngàng.
Hàng cây bắt đầu bị hạ xuống vào những ngày hè năm 2014, với những hành động rầm rộ nhằm thuyết phục người Nhật nhanh chóng trao vốn ODA, nhưng cho đến nay metro trung tâm Saigon không có gì ngoài những phần che chắn im lìm chờ thêm tiền cứu nguy rót xuống. Những con đường mở tạm vẫn len lỏi qua lòng thành phố, như một cách tạm bợ đi qua đời sống này, không có chuông rung báo hồi kết thúc.
Tính đến nay thì dự án này đã khiến chính quyền TPHCM công khai mắc nợ nhà thầu Nhật khoảng 1.339 tỷ đồng, một cách khó giải thích với nhân dân, nào là tiền phạt cho sự chậm trễ công trình, nào là khúc mắc chi tiêu cho dự án… Và nếu còn con số nào khác nữa, thì chắc chắn, nhân dân không được biết.
Có lúc chính quyền TP trách Trung Ương giam vốn ODA không cấp đủ cho dự án, còn có lúc thì Trung Ương trách TP tự động điều chỉnh tiền dự án tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm ban đầu mà không xin ý kiến thông qua theo quy trình. Người Nhật thì phiền trách về việc ngưng đọng công trình, và nhấn mạnh rằng dù tiền cho vay ODA đã đưa đủ và đúng hạn rồi.
Còn nhân dân dám trách ai? Họ chỉ biết trách cuộc đời và ông trời đã để đặt họ vào cuộc sống dưới những người lãnh đạo mà họ không mong ước. Những lời nói văn vẻ qua lại của các quan chức không bộc lộ gì rõ hơn lúc này, ngoài ý nghĩa đó là một hệ thống rách việc.
Tiền thì giao đủ, nhưng dự án không xong, nợ phát sinh ngất ngưỡng. Người dân mất cây xanh, mất tiện nghi sinh thái và nay phải phải còng lưng góp sức đóng thuế để trả góp nợ, giúp cho chính quyền. Nghề làm chủ đất nước của người dân Việt Nam sao mà nhọc nhằn quá đỗi.
Năm 2015, khi phản biện về dự án này, tôi từng bị công an mời lên làm việc về thái độ dám chống lại chủ trương lớn của thành phố. Và không phải chỉ có tôi. Nhiều bạn bè tôi cũng bị làm khó dễ. Thậm chí còn bị một đội ngũ cực hữu hãnh tiến gào thét vào mặt “mai mốt khi có metro thì đừng có đặt chân vào nhé”. Nghĩ cũng lạ. Khi ăn một cây kem, người ta còn muốn biết thành phần gì trong đó, thì tại sao một công trình hàng ngàn tỷ đồng, xáo động đời sống và bộ mặt của một thành phố triệu người, mà dân chúng không dễ thấy một bản vẽ hay mô hình trưng bày chi tiết để tham khảo. Nhưng nếu yêu cầu được biết thì có thể bị coi là kẻ phá bĩnh trong một ngày hội, mà dù không muốn vẫn phải mất tiền vé tham gia.
Lúc đó, với tư cách là một công dân của Saigon, tôi cùng bạn bè mình chỉ muốn yêu cầu được nhìn thấy một lộ trình hiện thực và khả thi cho việc đánh đổi.
Nhiều năm rồi, và cho đến hôm nay, tôi cũng vẫn đang ngồi chờ hiện thực ấy. Như bài hát của Trịnh Công Sơn “trong căn nhà nhỏ, mẹ vẫn ngồi chờ”, tôi và bạn bè mình cũng vẫn ngồi chờ mà chưa thấy nổi một bậc thang một metro. Còn chung quanh mình, các bậc tam cấp vào nhà của các quan chức, cơ ngơi của các đại gia bắt tay làm ăn với chính quyền thì lại ngày càng nhanh chóng vĩ đại vững chắc. Không chỉ metro, khắp nơi trên đất nước này, các dự án cho nhân dân vẫn miệt mài và mông lung bên cạnh những sự phát triển đối nghịch như vậy.
Chắc rồi mọi thứ sẽ đến thôi. Metro rồi sẽ có. Dân tộc này vẫn thường hay gượng được qua mọi khổ nạn và khủng hoảng. Những chiếc vé metro cho đoạn đường đời ấy, đắt đỏ hơn người dân được biết. Đắt hơn, vì trong đó có cả những niềm tin mỏi mòn cùng việc bị buộc phải im lặng. Nhưng cái giá đắt ấy, cũng thật cần thiết. Vì phải trả giá và đi qua, con người mới nhận biết đủ con đường, cũng như mình đã đi cùng với ai.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/do-not-look-too-far-look-around-09112017105232.html
Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN
Một nhóm chính trị gia Campuchia đến nhà tù gần biên giới Việt Nam để đòi thả lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị giam tại đây trong lúc Thủ tướng Hun Sen dọa giải tán đảng của ông này.
Theo AFP, ông Kem Sokha, 64 tuổi, lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia bị buộc tội lập mưu bí mật “với các chủ thể ngoại quốc” để lật đổ chính quyền và đã bị bắt.
Sáng hôm thứ Hai 11/09, chừng hơn 20 người thuộc phe đối lập Campuchia đã đến nhà tù ở Tboung Khmum, nơi ông Ke Sokha bị giam giữ để phản đối.
Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt
Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
Tại Phnom Penh, ông Hun Sen nói nếu đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia còn tiếp tục bảo vệ ông Kem Sokha thì họ “sẽ bị giải tán”.
Nhắm vào đối lập và báo chí
Hôm 03/09, ông Kem Sokha bị bắt tại tư gia ở thủ đô Phnom Penh.
Thủ tướng Hun Sen nói ông Kem Sokha bị buộc tội ‘làm phản’.
Ông Kem Sokha đã dẫn dắt đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia từ tháng 2.
Hồi tháng 8 vừa qua, báo tiếng Anh Cambodia Daily cũng phải đóng cửa sau khi bị giáng cho một hóa đơn truy thuế 6,3 triệu đô la.
Trước đó, Thủ tướng Hun Sen nói nếu khoản truy thu thuế này không được nộp, thì tòa báo “hãy đóng gói đồ đạc và rời đi”.
Ông cũng gọi các phóng viên báo này là “trộm cắp”.
Nhưng theo phóng viên BBC Kevin Ponniah từ Phnom Penh thì động thái chống lại tờ báo này – được nhiều người cho là có động cơ chính trị trước cuộc bầu cử mùa hè 2018 – khiến các nhà báo Campuchia lo ngại.
Cùng thời gian, các nhân viên Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) được lệnh rời khỏi Campuchia sau khi chính phủ ra một luật năm 2015 nhắm vào các tổ chức phi chính phủ.
NDI là tổ chức phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra những bất thường trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2013.
http://www.bbc.com/vietnamese/41230298
Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?
Trong khi phong trào diệt trừ tham nhũng đang được lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thúc đẩy, Tạp chí Cộng sản nói tới nhu cầu thiết lập ‘kỷ luật thép’.
Tuy thế, cũng có các ý kiến nói chỉ cần mọi đảng viên cộng sản tuân thủ pháp luật là đủ vì chính cơ chế ‘đối xử đặt biệt’ với họ mới là gốc rễ của nhiều vấn đề.
Bài viết hôm 02/09/2017 về công tác ‘xây dựng Đảng’ trên Tạp chí Cộng sản có nêu như sau:
“Xây dựng đạo đức không thể chỉ dựa vào tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên. Việc giáo dục, rèn luyện và thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong xây dựng Đảng chỉ có hiệu quả khi thiết lập được chế độ “kỷ luật thép” trong Đảng và hệ thống chính trị.
Việt Nam có cần tư duy lại để phát triển?
Khi Tổng Bí thư Đảng CS được dân mến
Việt Nam và hai bài học quá đắt
Xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ có vết máu?
Chế độ “kỷ luật thép” ấy được xây dựng trên cơ sở ý thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Đảng đối với dân tộc, nhân dân, vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi gánh vác các chức trách nhiệm vụ trong hệ thống quyền lực của Đảng và Nhà nước.
Chế độ “kỷ luật thép” của Đảng phải bảo đảm vừa răn đe, đề phòng, hạn chế sự vi phạm kỷ luật, vừa xử lý nghiêm khắc những hành vi, hiện tượng vi phạm đạo đức của Đảng.
“Trong hòa bình xây dựng, dưới tác động của cơ chế thị trường, những cám dỗ lợi ích còn phức tạp, nguy hiểm hơn nên càng phải xây dựng và thực hiện chế độ “kỷ luật thép” của Đảng…”
‘Các sứ quân và bị khoai tây’
Trước đó không lâu, hồi giữa tháng 8/2017, nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản được báo chí Việt Nam trích lời khẳng định rằng “cuộc chiến chống tham nhũng được xem là đến hồi quyết liệt nhất”.
Ông Nhị Lê cũng nêu ra vấn đề phe nhóm, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có nguy cơ chứa chấp trong nội bộ “hàng trăm sứ quân – các nhóm lợi ích”.
Trích dẫn Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, ông Nhị Lê nói:
“…Khi các nhà chính trị liên kết với bọn tài phiệt tài chính thì nguy cơ sụp đổ của một nền chính trị, rất gần, thậm chí cận kề. Điều đó mới là đáng nói về tai họa tham nhũng, vào chính lúc này đây.
Nhìn rộng ra, nguy cơ Đảng bị phân rã, chia cắt, cát cứ là hết sức nguy hiểm. Trong Đảng mà nảy nòi nhiều “sứ quân” thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữaNhà báo Nhị Lê
“Tôi không thể hình dung ra được, trong Đảng lại xuất hiện bao nhiêu bè nhóm, đẳng cấp. Nói rộng ra, tôi không thể hình dung ra được một đất nước mà có tới cả hàng chục, thậm chí trăm ‘sứ quân’ – ‘nhóm lợi ích’.
“Cách đây 10 thế kỷ, trước thời kì Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân mà đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước rồi. Nguy hại hơn, ngay một số tổ chức Đảng đã bị biến thành “những bị khoai tây”. Các thành viên được tập hợp trong những “chiếc bị” này, mà điều này như tôi đã nói mấy năm trước, chỉ cần cắt cái đầu dây buộc chiếc bị đó ra thì bị khoai tây sẽ bị văng tung tóe, mỗi củ mỗi nơi.”
“Nhìn rộng ra, nguy cơ Đảng bị phân rã, chia cắt, cát cứ là hết sức nguy hiểm. Trong Đảng mà nảy nòi nhiều “sứ quân” thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữa; và khi đó, vai trò lãnh đạo, trọng trách lịch sử của Đảng sẽ bị tổn thương và đe dọa nghiêm trọng,” ông Nhị Lê được trích dẫn trên VTCNews (15/08/2017).
Không chỉ nói đến nguy cơ với Đảng cầm quyền, ông Nhị Lê còn nói về “tính chính danh, chính pháp của Đảng” bị đe dọa nếu không chống được tham nhũng.
Chống tham nhũng là ‘tự ta đánh ta’?
Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn
Ý kiến mạng xã hội
Cùng lúc, chủ đề này cũng được nhiều bạn đọc trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt quan tâm.
Có ý kiến, như của bạn có nick là ‘Nguyen Vinh’ tỏ ý tin tưởng vào sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng:
“Ông Trọng, ông Vượng, ông Chính đang xây dựng Cơ Chế để kiểm soát Tham Nhũng. Tôi tin các ông ấy sẽ tạo ra được một cơ chế như vậy.”
Nhưng cũng có ý kiến hoài nghi.
Chẳng hạn bạn có nick là Thanh Ngochi viết:
“Kỷ luật thép’ của đảng…thôi chẳng cần đâu, tốn tiền của dân, chỉ cần các đảng viên tuân thủ hiến pháp và luật pháp là đủ rồi.”
Còn bạn Phạm Khuê thì viết:
“Bày trò ra cho tốn công vô ích. Đã có bộ luật thì ai cũng phải chấp hành đi. Không phải bộ luật chỉ để cai trị dân và chừa cán bộ Đảng viên ra đâu. Thế Đảng bỏ khẩu hiệu ‘Sống theo pháp luật’ rồi sao?”
Bày trò ra cho tốn công vô ích. Đã có bộ luật thì ai cũng phải chấp hành đi. Không phải bộ luật chỉ để cai trị dân và chừa cán bộ Đảng viên ra đâu. Thế Đảng bỏ khẩu hiệu ‘Sống theo pháp luật’ rồi sao?Ý kiến trên Facebook của BBC Tiếng Việt
Ý kiến của Nguyễn Nhương thì nhắc lại một thời kỳ trước:
“Chỉ có cách là thành lập các ‘tổ công tác đặc biệt’ như thời Cải cách văn hóa của Mao hay ‘đội cải cách ruộng đất 1954’ của Việt Nam là cứ đi tới làng nào phố nào nghe nhân dân tố tay nào tham nhũng hay ức hiếp nhân dân thì ‘băm ngay’, không cần xét xử. Có vậy mới là ‘kỷ luật thép'”
Còn bạn ‘Thang Viet Nguyen’ thì đặt câu hỏi: “Cách chức cũ, cho về hưu lĩnh lương chức mới. Học tập tấm gương….từ thời đại rực rỡ đến thời đại huy hoàng?”
Được biết hôm 11/09/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, qua lời Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, sẽ cho ý kiến về bảy dự án luật trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Các vụ xử ‘đại án’ hiện vẫn đang diễn ra ở Việt Nam, với tin mới nhất cho hay bốn lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có mặt tại phiên xét xử Đại án OceanBank ngày 11/9, theo sau triệu tập của tòa để giải trình việc cầm tiền “chăm sóc” từ OceanBank, lên tới hàng tỷ VND.
Tuy nhiên, một bị cáo chính, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, bác bỏ luôn “lời khai một chiều của phía bị cáo” và nói ông “không nhận đồng nào”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41225273
Lãnh đạo Lọc dầu Dung Quất bác việc ‘nhận tiền’
Bốn lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có mặt tại phiên xét xử Đại án OceanBank ngày 11/9, theo sau triệu tập của tòa để giải trình việc cầm tiền “chăm sóc” từ OceanBank.
BSR là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Bốn lãnh đạo của BSR đến tòa ngày 11/9 gồm: ông Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch HĐQT), ông Đinh Văn Ngọc (Cựu Tổng giám đốc), ông Vũ Mạnh Tùng (Phó Tổng giám đốc BSR), ông Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng).
Theo tường thuật từ tòa của truyền thông Việt Nam, những người này phủ nhận việc cầm tiền “chăm sóc” từ OceanBank và cho rằng đó chỉ là lời khai một phía, là bịa đặt.
Trước đó, ngày 9/9, bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên TGĐ OceanBank khai đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp chi tiền lãi ngoài cho 4 người này với tổng số tiền lên đến 19 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘giám sát kém’
Khởi tố cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình
Theo InfoNet, nói tại tòa hôm 11/9, ông Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng BSR, nói BSR từng gửi tiền tại OceanBank rất nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau, lần cao nhất số tiền gửi lên đến 1.100 tỷ đồng.
“Ngoài lãi suất ghi trong hợp đồng, BSR không nhận thêm đồng nào, tôi chắc chắn điều đó. Lời khai của bà Thu chỉ là lời khai một chiều,” ông Phạm Xuân Quang nói.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cũng khẳng định: “Đấy là lời khai 1 chiều của phía bị cáo, tôi không nhận đồng nào”.
Bà Nguyễn Minh Thu khai đã 7-8 lần đưa tiền từ 300-500 triệu đồng cho ông Đinh Văn Ngọc, cựu TGĐ BSR giai đoạn 2012-2015.
Ông Ngọc nói: “Tôi là cán bộ nhà nước nên xác nhận chịu trách nhiệm lời nói của mình, đề nghị HĐXX xem xét bà Thu về tội danh vu cáo theo Điều 22 Bộ luật hình sự. Một lần nữa tôi xin khẳng định lại cá nhân tôi không nhận một đồng nào từ OceanBank.”
Xác định lại tội danh
Vụ xử sơ thẩm lần hai về vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) diễn ra từ ngày 28/8.
Phiên tòa lần thứ nhất diễn ra hồi cuối tháng 2/2017 phải tạm hoãn để điều tra bổ sung một số vấn đề và xác định lại tội danh.
Trong quá trình điều tra bổ sung, Bộ Công an đã khởi tố thêm 4 bị can trong đó có Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam); Hứa Thị Phấn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ).
Ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) bị truy tố về các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank, bị truy tố về 3 tội danh, gồm “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan đến vụ án, ngày 01/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt, khám xét đối với ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41223230
Dân chặn xe vào cảng do ô nhiễm
Từ 8h sáng ngày 11/9, hàng chục người dân tại xã Tân Phước và Phước Hòa huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã dùng đá, thân cây để chặn các phương tiện ra vào cảng Đức Hạnh.
Lý do được người dân cho biết là do họ bức xúc vì con đường vào cảng bị phá nát, gây ô nhiễm mà vẫn chưa được giải quyết.
Đến khoảng 10h sáng cùng ngày, chính quyền địa phương đã thuyết phục được người dân gỡ bỏ những vật cản.
Theo người dân thì họ phản ánh tình trạng đường bị phá hủy suốt từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, chủ cảng đã từng hứa với dân sẽ làm đường bê tông từ năm 1999, 3 năm sau khi cảng được đưa vào hoạt động. Họ nói muốn gặp ông chủ cảng để giải quyết nhưng ông này luôn né tránh.
Ông Nguyễn Văn Thắm, chủ tịch UBND huyện Tân Thành nói với báo chí rằng hiện huyện này đang tìm cách giải quyết tốt nhất và xin ý kiến từ tỉnh.
Quốc hội lo ngại
trưởng các đặc khu kinh tế có quá nhiều quyền hành
Ba đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được Chính phủ đề xuất chỉ có trưởng đặc khu điều hành mà không có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào ngày 11 tháng 9, lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt hay còn gọi đặc khu kinh tế và dự án Luật này sẽ áp dụng đối với 3 đặc khu kinh tế vừa nêu.
Chính phủ đề nghị mỗi đặc khu sẽ chỉ có một trưởng đặc khu điều hành và quản lý toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế, xã hội của đặc khu; đồng thời có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc cho trưởng đặc khu.
Tại buổi lấy ý kiến lần đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 11 tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định đại diện cho nhiều nhân viên của cơ quan đưa ra ý kiến quyền hành của một trưởng đặc khu như thế do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, mà không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp thì dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
Dự án luật đặc khu kinh tế sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017.
Dân mạng chia rẽ về trường nhận tiền của Quỹ Phượng Hoàng
Vài ngày qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tranh cãi gay gắt về việc một quỹ của con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng góp tiền xây dựng một ngôi trường miền núi.
Ngôi trường liên quan đến cuộc tranh cãi là trường tiểu học Lũng Luông ở tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 kilomet về phía bắc.
Trường đã khai trương đầu tháng 9 năm ngoái. Trước khi được xây dựng, nơi được gọi là trường thực tế chỉ có 4 cái lán “ọp ẹp” cho học sinh và giáo viên, theo báo chí trong nước.
Báo chí hồi mùa thua năm ngoái cho hay, trường Lũng Luông mới là kết quả của nỗ lực vận động đóng góp từ thiện do những nhân vật nổi tiếng thực hiện. Đóng vai trò chủ chốt là giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu nhà báo truyền hình Trần Đăng Tuấn.
Tin cho hay trường mới trông như một “bông hoa nổi bật giữa núi rừng”, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em. Khi đó, tin không nói rõ ai là nhà tài trợ chính cho khoản tiền 6 tỷ đồng xây trường.
Tranh cãi dường như đã nổi lên sau khi hôm 9/9 vừa rồi, trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng đăng một bức ảnh về việc khai trương trường Lũng Luông. Chú thích ảnh ghi “Ngày này 1 năm về trước của Phoenix Foundation – Quỹ Phượng Hoàng”.
Trong ảnh, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và giáo sư Ngô Bảo Châu cùng hai người khác gỡ tấm băng che một tấm biển màu đồng. Một phần nội dung tấm biển cho hay nhà tài trợ chính cho trường Tiểu học Lũng Luông là “Quỹ Phượng Hoàng, TP. Hồ Chí Minh”.
Quỹ Phượng Hoàng được thành lập tháng 5/2011, và một phần sứ mệnh của quỹ là “hỗ trợ địa phương trùng tu hoặc xây dựng những trường học xuống cấp hoặc thiếu kém”, theo trang Facebook của quỹ, với hình đại diện là ảnh chụp trường Lũng Luông từ trên cao.
Sau khi bức ảnh xuất hiện, nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Ông Hoàng Dũng ở TP. HCM, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết: “Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác 1 đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại dăm vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không?”
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết: “Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân”.
Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.
Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu Đầu bày tỏ ông có cái nhìn “đơn giản” về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.
Ông viết thêm về những người có vai trò chính: “Ba người làm việc này bao gồm cô [Nguyễn Thanh] Phượng là người cho tiền, anh [Trần Đăng] Tuấn là người quản lý, anh [kiến trúc sư Hoàng Thúc] Hào thiết kế và thi công. Tôi chỉ có công mời ba người kia đi ăn tối”.
Vị giáo sư toán – người đã được chính phủ Việt Nam thời ông Dũng làm thủ tướng vinh danh sau khi đoạt một giải quốc tế lớn về toán học – tỏ ý phiền lòng vì sự việc theo cách nhìn của ông “đơn giản là tốt” song đã trở thành “chuyện để ầm ĩ soi mói”.
Kết thúc ý kiến trên trang cá nhân, giáo sư Châu dùng cụm từ “những chuyện thị phi lăng nhăng kia” để nói đến những tranh cãi đã diễn ra.
Đã có nghìn 12 nghìn lượt like (thích) và rất nhiều ý kiến ủng hộ cho việc làm của vị giáo sư, thể hiện trực tiếp trong trang của ông hoặc trên trang của những người sử dụng Facebook có nhiều ảnh hưởng khác ở Việt Nam.
Một status (ý kiến bày tỏ tâm trạng) của nữ nhà báo Bạch Hoàn nói cô ủng hộ và kính trọng giáo sư Châu liên quan đến trường Lũng Luông nhận được hơn 9 nghìn lượt like và các phản ứng khác.
VOA cố gắng liên lạc với các ông Ngô Bảo Châu, Trần Đăng Tuấn và Quỹ Phượng Hoàng để lắng nghe ý kiến trực tiếp nhưng không nhận được hồi âm.
Một tiến sỹ thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam nói với VOA những phản ứng trái chiều nhau về khoản tài trợ của Quỹ Phượng Hoàng cho các hoạt động thiện nguyện là “trường hợp rất thú vị”.
Đề nghị không nêu tên, vị tiến sĩ nói rằng bản thân vị này cũng chưa thể quyết định nên đứng về bên ủng hộ hay bên phản đối. Vị này nhận định những trường hợp tương tự sẽ còn xảy ra ở Việt Nam trong tương lai.
Theo tiến sĩ, về mặt đạo đức, ở mức độ nhất định, có thể so sánh trường hợp Quỹ Phượng Hoàng với việc các công ty thuốc lá tài trợ cho các dự án nghiên cứu ung thư hoặc các chiến dịch vận động về sức khỏe. Từ đó, mỗi người tự đưa ra quyết định có hay không ủng hộ những nguồn tiền bị xem là “không sạch” dùng cho các dự án từ thiện.