Tin Biển Đông – 11/09/2017
Biển Đông :
Indonesia thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
Mặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia cũng đang có những hành động kiên quyết hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Đó là nội dung một bài báo được đăng trên trang mạng tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 11/09/2017.
Trong suốt nhiều thập niên, chính sách chính thức của Jakarta vẫn là Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khác với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thế nhưng, giữa Indonesia và Trung Quốc đã từng xảy ra 3 vụ đụng độ trên biển vào năm 2016, trong đó có vụ chiến hạm Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên của tàu này. Những vụ đó xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Nguyên nhân là vì, đối với Bắc Kinh, hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển, điều mà Jakarta vẫn cực lực bác bỏ. Indonesia cũng phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của nước này vào khu vực “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vạch ra để khẳng định chủ quyền.
Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Jakarta đã đặt lại tên vùng biển phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Đây là khu vực có hoạt động khai thác dầu của Indonesia. Bắc Kinh đã ngay lập tức đã phản ứng, cho rằng hành động nói trên của Inodnesia là “hoàn toàn vô nghĩa”. Nhưng theo giới quan sát, việc đặt tên Biển Bắc Natuna chính là nhằm bác bỏ yêu sách “ đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Ngoài việc đặt tên Biển Bắc Natuna, từ năm ngoái, Indonesia cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên trên quần đảo Natuna và dự kiến triển khai các chiến hạm đến khu vực này. Chính quyền Jakarta dự trù mở rộng hải cảng trên đảo chính của Natuna để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn, đồng thời nối dài thêm phi đạo tại căn cứ không quân tại đây để các phi cơ lớn hơn có thể sử dụng.
Như nhận định của chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Indonesia coi như đã trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông và theo ông “công nhận thực tế này càng sớm thì càng tốt”.
Giáo sư Frega Ferdinand Wenas Inkiriwang, Đại học Quốc phòng Indonesia, cũng cho rằng với việc đặt tên Biển Bắc Natuna, Indonesia đã gián tiếp trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chuyên gia Aaron Connelly, Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney, thì lại cho rằng việc đặt tên nói trên chưa thật sự biến Indonesia thành một quốc gia tranh chấp ở vùng biển này.
Nhưng rõ ràng mặc dù Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất cũng như là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Indoniesia, Jakarta không ngần ngại thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì họ tìm cách kiểm soát một vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và nguồn cá, và cũng vì đây là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.
Thái độ kiên quyết của Indonesia trái ngược với thái độ có phần nào hòa hoãn, nhất là của Philippines, trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170911-bien-dong-indonesia-thach-thuc-yeu-sach-chu-quyen-cua-trung-quoc
Việt Nam bắn tên lửa, diễn tập trên biển:
Tín hiệu cho Trung Quốc?
Việt Nam tiến hành một đợt huấn luyện trên biển với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát cơ động, ít ngày sau vụ phóng thử tên lửa Israel, dẫn tới nhận định rằng Hà Nội đang tìm cách phát tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh “đe dọa hành động quân sự nếu Hà Nội tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính ở Trường Sa”.
Báo chí trong nước hôm 9/9 đã đưa tin về đợt diễn tập đối phó với một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển khu vực Đông Bắc ở tỉnh Quảng Ninh.
Đoạn video ngắn lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh lực lượng công an tham gia bơi dưới biển giữa những tiếng súng nổ liên tiếp, tàu bè cháy cũng như cảnh người dân được đưa tới nơi an toàn.
Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam thường phải đối mặt với bão lũ nên cần phải có chiến lược ứng phó khẩn cấp tốt để đối phó.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này còn cho rằng những kỹ năng “ứng cứu thường dân từ tàu thuyền có thể được áp dụng trong tình thế chiến đấu”.
Ít ngày trước cuộc thao dượt này, truyền thông nhà nước cũng đưa tin và đăng hình ảnh về việc Việt Nam bắn thử tên lửa phòng không có tên gọi Spyder nhập từ Israel.
Giáo sư Thayer nói rằng hai sự kiện trên cho thấy “xu hướng ngày càng minh bạch hóa” về an ninh và quốc phòng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu này nhận định thêm về “tầm quan trọng của các diễn biến này”:
“Trước hết, chúng là một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tín hiệu rằng khả năng phòng vệ của Việt Nam đang gia tăng. Thời điểm của vụ thử tên lửa Spyder khá quan trọng vì nó diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hành động quân sự với với Việt Nam nếu [Hà Nội] tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư chính [ở Trường Sa]”.
Trước hết, chúng là một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tín hiệu rằng khả năng phòng vệ của Việt Nam đang gia tăng. Thời điểm của vụ thử tên lửa Spyder khá quan trọng vì nó diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hành động quân sự với với Việt Nam nếu [Hà Nội] tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư chính [ở Trường Sa].
Giáo sư Carl Thayer nhận định.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ thử tên lửa mua của Israel “có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc”.
Ông Thayer cũng nói thêm rằng bản tin về việc diễn tập trên biển sau đó cũng quan trọng không kém vì nó giúp “trấn an dân thường rằng Việt Nam có thể đối phó với các thảm họa và sự cố lớn”.
“Ngoài ra, nó cũng phát tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với tình thế xảy ra ra thương vong lớn, và có một lực lượng phòng vệ dân sự được huấn luyện kỹ càng và hiệu quả”, giáo sư Thayer nói.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, và Việt Nam tuyên bố sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp” của mình bằng đường lối ôn hòa.