Tin tức ngày – 11/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin tức ngày – 11/09/2017

Siêu bão Irma: Florida cứu hộ khẩn cấp

Các hoạt động cứu hộ diễn ra tại Florida trong lúc quy mô thiệt hại do bão Irma đang trở nên rõ ràng hơn.

Cơn bão đã suy yếu khi di chuyển lên vùng duyên hải phía tây của bang hồi đêm, nhưng Miami và các vùng đô thị khác đã bị bão tấn công và bị ngập lụt.

Sáu triệu ngôi nhà, chiếm 62% toàn bộ nhà ở tiểu bang, hiện không có điện.

Tại các đảo ở khu vực Florida Keys, giới chức cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Bão Irma đổ bộ vào bang Florida

Mỹ: Florida ‘thấp thỏm’ chờ đợi bão Irma đổ bộ

Các tường thuật trên truyền thông nói đã có ít nhất có bốn người thiệt mạng do bão.

Bão Irma tấn công vào Florida mạnh cấp bốn trong hôm Chủ Nhật, nhưng nay đã được hạ xuống thành bão nhiệt đới.

Bão đã tàn phá một vệt khắp các đảo ở vùng Caribbe, giết chết ít nhất 37 người tại đó.

Thống đốc Florida Rick Scott nói sẽ “mất một thời gian” mọi người mới có thể quay trở về nhà, trang mạng Miami Herald tường thuật.

Phát biểu khi có chuyến đi thị sát từ trên không ở khu vực Keys để khảo sát thiệt hại vào đầu giờ sáng thứ Hai, ông nói: “Các đường dây điện đang bị gián đoạn trên toàn tiểu bang. Chúng ta đang có những con phố không thể đi qua được, cho nên mọi người cần phải kiên nhẫn.”

Các đường dây điện bị gián đoạn 80% chỉ ở riêng tại Miami, và nhiều khu vực rộng lớn bị ngập lụt dẫu thành phố vẫn được coi là thoát hiểm so với những nơi khác.

Những hình ảnh thu được từ thiết bị bay không người lái tại Naples, thị trấn duyên hải ở Vịnh Mexico, cách Miami khoảng 200km về phía tây bắc cho thấy nhiều khu vực nhà cửa ở ngoại ô bị ngập chìm trong nước.

Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn một tuyên bố về thảm họa nghiêm trọng và một quỹ hỗ trợ khẩn cấp cấp liên bang dành cho Florida, và ông mô tả cơn bão là một “con quái vật to lớn”.

Sẽ cần có các ngân khoản để chăm sóc nạn nhân, dọn dẹp các đống đổ nát, phục hồi mạng điện và sửa chữa các ngôi nhà, các cơ sở kinh doanh.

Khoảng 6,3 triệu người ở bang này được yêu cầu đi sơ tán trước khi bão Irma tràn tới.

Hệ thống giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng; sân bay quốc tế Fort Lauderdale-Hollywood và sân bay quốc tế Miami đóng cửa trong hôm thứ Hai.

Có tin tức nói đã xảy ra nạn hôi của, và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng ở một số nơi như hạt Miami-Dade.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41228543

 

Nga tập trận Zapad-2017 làm láng giềng lo lắng

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga ở Belarus từ 14 đến 20/09 có thể chỉ là ‘màn khói’ để quân Nga xâm lăng lãnh thổ nước ông.

Chừng 13 nghìn quân Nga sẽ tham gia tập trận với tên gọi “Zapad” – Phía Tây, diễn ra cả trên bộ và trên Biển Baltic.

Tuy thế, theo phóng viên ngoại giao và quốc phòng của BBC, Jonathan Marcus thì giới quan sát từ Nato không chia sẻ quan ngại về một cuộc “xâm lăng toàn bộ” nhằm vào Ukraine.

Chuyên gia về Nga, Keir Giles, nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House ở London, thừa nhận đúng là “các cuộc tập trận trước của Nga nói ở tầm vóc này đã chuẩn bị cho quân đội có các chiến dịch như chống lại Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014”.

Lithuania lại nêu lo ngại về Nga

Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh

Nga-Thổ ‘không kích chung’

Nhưng ông Giles cũng nói, phần trên bộ của cuộc tập trận là nằm bên trong lãnh thổ Belarus, “chứ không phải ngay gần biên giới Ba Lan và Lithuania” nên đây là chỉ dấu Belarus muốn giảm thiểu mọi khả năng gây ra hiểu lầm.

Tuy thế, phóng viên BBC cho rằng cuộc tập trận Zapad-2017 tuần này vẫn khiến cho các nước láng giềng của Nga “phải chú tâm một cách lo lắng”.

Chú tâm lo lắng

Theo kênh TV24.pl của Ba Lan, dù tin chính thức của Quân đội Liên bang Nga nói chỉ có 12,7 nghìn quân tham gia tập trận, con số thực được huy động về phía Nga có thể lên tới 100 nghìn và có 700 đơn vị các binh chủng khác nhau tham gia.

Báo Anh, từ Financial Times trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, Linas Linkevicius nói các nước Baltic và Nato cần “chuẩn bị tốt hơn” khi Nga mở cuộc tập trận.

Zapad-2017 là cuộc tập trận liên binh chủng cấp chiến lược gồm quân Nga và Belarus, bắt đầu hôm 14/09 tại khu quân sự Kaliningrad, nằm bên bờ Baltic, giáp biên giới Ba Lan, để sau đó chuyển vào phần trên bộ ở Belarus.

Dự kiến cuộc diễn tập chỉ kéo dài một tuần nhưng nó thể được gia hạn, theo Jonathan Marcus.

Mỗi năm, Nga tổ chức tập trận ở một vùng địa lý, từ Tây (Zapad), sang Đông, Trung Tâm và Caucaus, theo lịch bốn năm lại quay vòng.

Nhưng lần này cuộc tập trận Phía Tây khiến các nước Đông Âu và Baltic thuộc Nato lo ngại hơn hồi năm 2013, khi Nga có cuộc diễn tập tương tự.

Lý do là vào năm 2014 Nga đã sáp nhập Crimea, lãnh thổ Ukraine ở Biển Đen bằng vũ lực.

Cuộc tập trận Zapad-2009 kết thúc bằng cuộc tấn công hạt nhân trên mô hình nhằm vào Warsaw, thủ đô Ba Lan.

Bốn năm sau, vẫn cuộc diễn tập cùng tên để quân Nga chuẩn bị cho một trận oanh kích giả tưởng bằng bom vào Stockholm của Thuỵ Điển.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41225272

 

LHQ nói có ‘thanh lọc sắc tộc’ ở Myanmar

Chiến dịch an ninh nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar “dường như là một ví dụ điển hình của thanh lọc sắc tộc,” người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Raad Al Hussein nói.

Ông Hussein kêu gọi Myanmar chấm dứt “hoạt động quân sự tàn bạo” ở bang Rakhine, phía Tây Myanmar.

Hơn 300.000 người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh kể từ khi bạo lực bùng phát ở bang này hồi cuối tháng 8/2017.

Quân đội Myanmar nói họ đang đáp trả những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Rohingya và phủ nhận tin rằng họ đang nhắm vào thường dân.

Vì sao người Rohingya tràn qua biên giới Bangladesh?

Tình trạng bạo lực bắt đầu xảy ra hôm 25/8 khi dân quân Rohingya tấn công các đồn cảnh sát ở phía Bắc bang Rakhine và giết hại 12 cảnh sát.

Kể từ đó, người Rohingya bắt đầu chạy khỏi Myanmar. Họ nói quân đội Myanmar đánh trả bằng một chiến dịch tàn khốc, đốt làng và tấn công dân thường để đuổi họ đi.

Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có tổ quốc sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo. Từ lâu họ đã chịu sự đàn áp ở Myanmar, nơi mà họ bị cho là những người tỵ nạn trái phép.

Khủng hoảng Rohingya: Myanmar ‘đặt mìn dọc biên giới’

Myanmar: Hàng ngàn bỏ chạy đến biên giới Bangladesh

Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì?

Ông Zeid, Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nói chiến dịch [của cảnh sát Myanmar] hiện tại ở bang Rakhine “rõ ràng là quá mức.”

“Chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn tin và hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng an ninh và dân quân địa phương đốt làng của người Rohingya, và nhiều lời kể nhất quán về những vụ giết người ngoài luật, kể cả các vụ bắn vào người dân thường đang bỏ chạy,” ông nói.

“Tôi kêu gọi chính phủ [Myanmar] chấm dứt hoạt động quân sự tàn bạo đang diễn ra, chịu trách nhiệm về tất cả các vi phạm đã xảy ra và đảo ngược tình trạng ngược đãi trên diện rộng đối với người dân Rohingya,” ông nói.

Những nguồn tin mới nhất, đã có khoảng 313.000 người Rohingya bỏ chạy sang Bangladesh. Các cơ quan cứu trợ cho hay họ đang trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nơi tạm trú và trợ giúp y tế, và các nguồn cứu trợ hiện có là không đủ.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41226336

 

Bão Irma đổ bộ vào bang Florida

Tâm bão Irma đã đổ bộ vào Florida, Hoa Kỳ, làm hơn 2,5 triệu nhà ở tiểu bang này mất điện.

Bão Irma trước đó càn quét vùng biển Caribbean, làm ít nhất 28 người thiệt mạng.

Khoảng 6,3 triệu người ở Florida được khuyên hãy sơ tán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả cơn bão là “quái vật lớn” và nói ông sẽ sớm thăm tiểu bang.

Bão Irma đổ bộ vào đảo Marco lúc 15:36 giờ địa phương (19:35 GMT).

Bão nay đang đi về hướng khu vực Vịnh Tampa, nơi có dân số 3 triệu người. Vùng này lần cuối chịu bão là năm 1921.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41222820

 

Sẽ không còn xe chạy bằng xăng ở Trung Quốc?

Trung Quốc có thể sẽ cấm xe hơi chạy bằng xăng dầu trong tương lai.

Ông Tân Quốc Bân, Thứ trưởng Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin nói tại thành phố Thiên Tân rằng một biện pháp như vậy sẽ làm thay đổi tận gốc vấn đề môi trường và tạo nên sức bật cho sự phát triển của Trung Quốc.

Ông nói thêm là Bộ của ông đang nghiên cứu vấn đề này, nhưng chưa cho biết cụ thể là lúc nào thì Trung Quốc sẽ chính thức cấm xe chạy bằng xăng dầu.

Giới quan sát cho rằng quyết định của Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất Trung Quốc, sẽ làm thúc đẩy việc phát triển xe chạy bằng điện, và thay đổi nền sản xuất xe hơi trên thế giới.

Một chuyên gia về thị trường xe hơi thế giới nói rằng nếu Trung Quốc làm điều đó thì cả thế giới sẽ theo sau vì không ai muốn mất phần ở thị trường Trung Quốc. Theo Tổ chức các nhà chế tạo xe hơi thế giới thì số xe sản xuất và bán ở Trung Quốc vào năm 2016 là 28 triệu chiếc. Hầu hết các nhà chế tạo xe hơi lớn trên thế giới đều có mặt ở Trung Quốc.

Trước khi có tin Trung Quốc sẽ cấm xe chạy xăng dầu trong tương lai, Anh và Pháp cũng tuyên bố sẽ cấm xe chạy xăng dầu bắt đầu từ năm 2040.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cn-eyes-petrol-car-ban-boosting-electric-vehicles-09112017112627.html

 

Một nhà dân chủ Đài Loan

nhận tội âm mưu « lật đổ » chế độ Trung Quốc

Thanh Hà

Trong phiên xử ngày 11/09/2017 tại tỉnh Hồ Nam, nhà hoạt động người Đài Loan, Lý Minh Triết (Lee Ming Che) thú nhận đã viết và phổ biến trên internet nhiều bài vở với nội dung chỉ trích Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật lệ của Hoa Lục. Trung Quốc tố cáo công dân Đài Loan này « đe dọa an ninh quốc gia ».

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn nhiều đoạn video tường thuật phiên xử, trong đó, bị cáo nhìn nhận là thời gian bị cầm tù, ông có dịp xem truyền hình và « thấu hiểu hơn về tình hình Trung Quốc ». Những suy nghĩ và thông tin mà ông có được trong quá khứ về Đại Lục hoàn toàn « sai lệch ». Chính sai lầm đó khiến ông « vi phạm luật lệ của Trung Quốc ». Đương sự tuyên bố trước ống kính camera của tòa án là ông cảm thấy « tội lỗi » và thật sự « ân hận » về những gì đã làm.

Một số nhà quan sát độc lập cho rằng, lời thú tội nói trên của bị cáo là một kịch bản đã được biên soạn trước đúng theo giọng điệu « của Bắc Kinh » .

Ông Lý Minh Triết, 42 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ Đài Loan. Tháng 3/2017, ông đã mất tích trong đợt công tác tại Trung Quốc.

Theo Ân Xá Quốc Tế, trong một thời gian dài, nhà hoạt động Đài Loan này đã giúp đỡ nhiều tổ chức xã hội dân sự và các nhà đấu tranh vì dân chủ Trung Quốc. Hiệp Hội Nhân Quyền Đài Loan nói rõ hơn : ông Lý đã chia sẻ « kinh nghiệm đấu tranh vì dân chủ của Đài Loan » với các đối tác ở Hoa Lục.

Vợ và mẹ nhà dân chủ Đài Loan đã có mặt trong phiên xử ông Lý Minh Triết ở tình Hồ Nam hôm nay. Nhân vật này bị xử cùng với một « tòng phạm » người Trung Quốc, 37 tuổi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170911-mot-nha-dan-chu-dai-loan-nhan-toi-am-muu-%C2%AB-lat-do-%C2%BB-che-do-trung-quoc

 

Thủ tướng Hun Sen dọa giải tán đảng đối lập

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Hai, 11 tháng 9 lên tiếng đe dọa sẽ giải tán đảng đối lập – Đảng Cứu Quốc Campuchia, nếu đảng này tiếp tục hỗ trợ nhà lãnh đạo bị giam cầm Kem Sokha, người mới đây bị buộc tội phản quốc.

Ông Kem Sokha bị bắt vào ngày 3/9 và bị buộc tội phản quốc, âm mưu chống lại chính phủ với sự trợ giúp của Mỹ.

Hãng AFP cho biết hôm 11/9, hàng chục thành viên phe đối lập đã tới nhà tù nơi giam giữ ông Kem Sokha để phản đối việc bắt giữ lãnh đạo của họ.

Phát biểu trong một sự kiện công khai ở Phnom Penh, ông Hun Sen đã gọi ông Kem Sokha là kẻ phản bội và cảnh báo rằng nếu phe đối lập còn tiếp tục bao che và bảo vệ kẻ phản bội này, thì điều này có nghĩa là cả đảng của ông cũng là kẻ phản bội. Ông nhấn mạnh rằng Campuchia không cần những kẻ phản bội trong tiến trình dân chủ của mình nữa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodian-pm-threatens-to-dissolve-opposition-party-09112017103837.html

 

LHQ sắp bỏ phiếu về lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Hàn

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc dự định bỏ phiếu trong ngày 11 tháng 9 về một lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân gần đây của nước này.

Hãng tin Reuters trích nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết lệnh trừng phạt mới sẽ được giảm nhẹ hơn so với bản thảo trước đó, tuy nhiên hiện vẫn không rõ liệu Trung Quốc và Nga có ủng hộ nghị quyết này không.

Bản thảo cấm vận ban đầu được Mỹ đưa ra kêu gọi cấm vận dầu lửa với Bắc Hàn, ngưng xuất khẩu các mặt hàng dệt then chốt của nước này và lệnh cấm về tài chính cũng như đi ra nước ngoài đối với lãnh tụ Băc Hàn Kim Jong-Un.

Tuy nhiên Hoa Kỳ sau đó đã đưa ra một bản nghị quyết khác nhẹ nhàng hơn dường như để thuyết phục Nga và Trung Quốc đồng ý. Bản nghị quyết mới không còn đưa ông Kim Jong-Un vào danh sách đen và cũng nới lỏng cấm vận dầu lửa đối với nước này. Lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng dệt tuy vậy vẫn được giữ nguyên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11 tháng 9 nói rằng các biện pháp hòa bình và ngoại giao là cần thiết để thực hiện giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn hôm 11 tháng 9 cũng lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ sẽ phải trả giá vì đã dẫn đầu những nỗ lực tìm kiếm cấm vận đối với Bắc Hàn.

Hãng tin KCNA của Bắc Hàn dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói rằng Hoa Kỳ đang phát điên tìm cách gây ảnh hưởng lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vì vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn. Bắc Hàn gọi vụ thử này là những biện pháp phòng vệ chính đáng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói rằng nếu Hoa Kỳ cuối cùng vẫn tìm cách có được một nghị quyết mà nước này gọi là bất hợp pháp đối với Bắc Hàn thì nước này sẽ đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả giá cho việc này.

Đại diện Bắc Hàn cho biết nước này hiện đã làm được vũ khí hạt nhân siêu mạnh được dùng như biện pháp nhằm ngăn chặn các bước đi thu nghịch và đe dọa hạt nhân của Mỹ, phá tan mối nuy về một cuộc chiến hạt nhân đang treo lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-security-council-to-vote-on-nk-09112017103504.html

 

Quân khủng bố IS tại Marawi,Philippines

gửi “tín hiệu” đầu hàng

Một số phiến quân Hồi giáo có liên quan đến Nhà nước Hồi giáo  (IS) bao vây thành phố Marawi, miền Nam Philippines vừa gửi “tín hiệu” sửa soạn đầu hàng sau 3 tháng rưỡi chống cự.

Hãng thông tấn Reuters hôm 11 tháng 9 dẫn nguồn tin từ quân đội Philippines cho biết như vậy.

Quân đội Philippines đã dùng loa kêu gọi khoảng 50 đến 60 chiến binh còn bám trụ trong thành phố Marawi nên đầu hàng, buông súng, thay bỏ bộ đồ đen mà họ mặc và đi đến nơi được chỉ định.

Phát ngôn nhân của quân đội Phi, Đại tá Romeo Brawner nói trong một buổi họp báo rằng ông hy vọng các tay súng IS sẽ đầu hàng trong một vài ngày tới.

Lời kêu gọi đầu hàng được đưa ra sau nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte để nối lại kênh đàm phán với các chiến binh IS qua vai trò trung gian của cựu thị trưởng Marawi, ông Omar Solitario Ali.

Hôm thứ Bảy vừa qua, Tổng thống Duterte cũng lên tiếng bác bỏ khả năng cho phép quân nổi dậy trốn chạy để đổi lấy việc phóng thích hàng chục con tin mà nhóm này đang cầm giữ.

Quân đội Phi cho biết đã có 147 binh sĩ và 45 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với phiến quân IS tại Marawi, tính đến thời điểm cuối tuần rồi và có khoảng 655 chiến binh bị tiêu diệt.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-says-some-rebels-ready-to-surrender-as-troops-advance-in-marawi-09112017092627.html

 

Hoa Kỳ tưởng niệm vụ 11/9

Ông Donald Trump, lần đầu tiên trên cương vị tổng thống, đã dự lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc tấn công khủng bố 11/9 năm 2001.

Tổng thống Hoa Kỳ đánh dấu tưởng nhiệm 16 năm xảy ra vụ khủng bố tồi tệ nhất trên đất Mỹ trong một buổi lễ tại Nhà Trắng, với một phút mặc niệm vào lúc 8 giờ 40 phút sáng, thời điểm một chiếc máy bay chở khách đầu tiên bị những kẻ khủng bố al-Qaida cướp và cho đâm vào tòa tháp ở Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York. 23 phút sau đó, một chiếc máy bay thứ hai bay vào tòa tháp còn lại, và ngay sau đó hai tòa nhà chọc trời khổng lồ này đã sụp đổ hoàn toàn trong khói lửa.

Tại thành phố New York, tên của các nạn nhân đã được xướng lên sau khi thực hiện một phút mặc niệm.

Trong một tuyên bố ra ngày 11/9, đánh dấu 16 năm ngày xảy ra các vụ khủng bố trên khắp nước Mỹ làm hàng nghìn người chết, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng “chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ đánh bại được nước Mỹ”.

Nhà ngoại giao hàng đầu này nói thêm: “Hôm nay chúng ta tưởng nhớ những nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001 và tôn vinh các anh hùng đã cứu sống nhiều người vào ngày hôm đó, thậm chí họ phải hy sinh của mạng sống mình.”

Ông Tillerson nói tiếp: “Sự can đảm của họ cho đến hôm nay vẫn là một tấm gương anh dũng về người Mỹ khi đối mặt với cái ác. Mặc dù đất nước chúng bị tổn thương vào ngày hôm đó, hôm nay chúng ta nhắc nhở thế giới rằng khủng bố sẽ không bao giờ đánh bại được Hoa Kỳ.”

“Ngày hôm nay cũng đánh dấu một thảm kịch khi bốn người Mỹ, trong đó có hai đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao Mỹ, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố tại thành phố Benghazi, Libya. Họ sẽ luôn luôn ở mãi trong trái tim của chúng ta,” tuyên bố viết tiếp.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Xin gửi lời tri ân và cùng cầu nguyện cùng thân nhân những người đã mất vì khủng bố. Chúng tôi cam kết ngăn chặn những kẻ cực đoan có âm mưu, kích hoạt và thực hiện các cuộc tấn công vào những người dân vô tội.”

https://www.voatiengviet.com/a/4023737.html

 

Irma suy yếu, chiến dịch cứu hộ bắt đầu

Cơn bão mạnh Irma sáng 11/9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn thổi gió mạnh, gây mưa to và triều cường ở Florida.

Cơn bão, vốn được dự báo là một trong những trận mạnh nhất trong vòng một thế kỷ đổ bộ vào Mỹ, đã làm ít nhất 5 người chết và khiến gần 6 triệu người rơi vào cảnh mất điện cũng như làm ngập lụt một số vùng.

Irma đang tiến vào Tallahassee, thủ phủ của Florida, và dự kiến sẽ di chuyển tới tiểu bang Georgia và Alabama, gây mưa to và gió lớn, theo kênh truyền hình ABC News.

Còn Reuters dẫn lời Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia cho biết rằng Irma hiện giờ có sức gió khoảng 110 km một giờ, tức giảm một nửa so với hôm 10/9 khi nó đánh vào chuỗi đảo Florida Keys.

Văn phòng cảnh sát trưởng ở Jacksonville, bờ đông bắc của Florida, sáng 11/9 cho biết đang tiến hành nỗ lực cứu hộ trong nước sâu tới thắt lưng, và kêu gọi mọi người tránh các con đường không an toàn.

Trong khi đó, cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia đã phát cảnh báo về khả năng lũ quét ở thành phố này.

Trong khi các quan chức và người dân bắt đầu đánh giá thiệt hại do cơn bão gây ra khắp Florida, Thống đốc Rick Scott cho biết rằng ông sẽ tới Florida Keys cuối ngày 11/9, nơi Irma đổ bộ đầu tiên ở Mỹ.

Nói trên chương trình “Today” của kênh NBC, ông Scott nói rằng ông “nghe nói có thiệt hại đáng kể” vì đó là nơi “mắt bão” đổ bộ.

Miami, thành phố lớn nhất của Florida, không gánh chịu thiệt hại nặng nề như dự báo, nhưng nơi đây vẫn chịu tác động của Irma và công tác dọn dẹp cây và đường dây điện đổ đã bắt đầu.

Trước khi ập vào Florida, Irma tuần trước đã làm thiệt mạng ít nhất 28 người ở khu vực Caribbe.

https://www.voatiengviet.com/a/irma-suy-yeu-va-chien-dich-cuu-ho-bat-dau/4023608.html

 

Irma, cơn bão ‘nữ thần chiến tranh’

Cơn bão Irma đang hoành hành ở Mỹ có nghĩa là “nữ thần chiến tranh” theo từ tiếng Đức cổ “Irmin”.

Còn trong tiếng Anh, Irma có nghĩa là “giới quý tộc” và được đặt cho nhiều người cả trong đời thật lẫn trong truyện hư cấu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/9 đã gọi cơn bão Irma là “quái vật lớn”.

Cơn bão này đã khiến hàng chục người thiệt mạng ở Caribbe và tính tới tối 10/9 theo giờ địa phương, ít nhất một người chết ở Florida, theo Reuters.

Mỗi khi tới mùa mưa bão, theo Newsweek, nhiều người Mỹ lại đặt câu hỏi các cơn bão được đặt tên như thế nào.

Kể từ năm 1950, bão được đặt các tên dễ nhớ, thay vì các con số. Trung tâm Dự báo báo Quốc gia Mỹ (NHC) viết: “Kinh nghiệm cho thấy rằng việc sử dụng các tên ngắn, đặc biệt, trong văn bản cũng như trong trao đổi bằng lời, nhanh chóng hơn và ít bị lỗi hơn là phương pháp nhận dạng sử dụng kinh độ và vĩ độ như trước”.

NHC còn nói rằng “những điều đó còn đặc biệt quan trọng khi trao đổi các thông tin chi tiết về bão giữa hàng trăm các trạm khí tượng, các căn cứ duyên hải và tàu bè trên biển ở khắp nơi”.

Trung tâm dự báo này còn cho biết rằng việc sử dụng tên cho các cơn bão cũng giúp dễ phân biệt khi nhiều cơn bão cùng xảy ra một lúc.

Thoạt đầu, tất cả các cơn bão đều có tên của nữ giới, nhưng năm 1979, tên của nam giới cũng được đưa vào danh sách gọi tên các cơn bão ở Đại Tây Dương và Vịnh Mexico.

Nhưng không phải bất cứ tên nào cũng được lựa chọn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đặt ra một tiến trình chọn tên một cách chặt chẽ, bao gồm cả việc sử dụng theo thứ tự chữ cái, và theo từng khu vực.

Các cơn bão tác động tới Hoa Kỳ thuộc bão gây ảnh hưởng tới “Biển Caribbe, Vịnh Mexico và Đại Tây Dương”.

Sau Irma sẽ là bão Jose. Nếu có thêm các cơn bão trong năm 2017, chúng sẽ có tên theo thứ tự sau: Katia, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rina, Sean, Tammy, Vince, và Whitney. Danh sách năm 2017 sẽ được sử dụng lại vào năm 2023 và cứ mỗi sáu năm sau đó.

https://www.voatiengviet.com/a/ten-con-bao-irma-co-nghia-la-nu-than-chien-tranh/4022918.html

 

Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng thảm họa ở Florida

Ông Donald Trump hôm 10/9 tuyên bố tình trạng thảm họa lớn ở Florida cũng như ra lệnh trợ giúp từ cấp liên bang để giúp tiểu bang đang bị tác động bởi trận bão mạnh Irma.

Theo Reuters, quyết định này sẽ cho phép khoản ngân quỹ liên bang được sử dụng để hỗ trợ công tác ứng cứu và phục hồi ở Florida.

Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc cư dân và các doanh nghiệp có thể xin trợ cấp về nhà tạm và sửa chữa nhà cửa, cũng như các khoản vay để chi trả cho việc khôi phục mất mát về tài sản không có bảo hiểm, cùng với các chương trình hỗ trợ khác.

Ngoài ra, chính phủ liên bang sẽ hoàn trả cho các địa hạt liên quan tới các biện pháp bảo vệ khẩn cấp như sơ tán hay chi phí duy trì trung tâm lánh nạn, cũng như chi phí dọn dẹp các đống đổ nát do bão Irma gây ra.

Cùng ngày 10/9, ông Trump gọi cơn bão mạnh này là “quái vật lớn” đồng thời cho biết rằng ông muốn tới Florida sớm nhất có thể, cũng như ca ngợi nỗ lực bảo vệ người dân của nhiều lực lượng.

Phát biểu trước các phóng viên ở Nhà Trắng, ông nói rằng thiệt hại từ cơn bão sẽ “rất lớn”.

“Nhưng lúc này, chúng ta lo lắng cho sinh mạng [của người dân], chứ không phải thiệt hại vật chất”, Tổng thống Trump nói sau khi trở về từ Trại David, nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở Maryland, ngoại ô thủ đô Washington DC, nơi ông đã theo dõi cơn bão và họp bàn với nội các.

Ông cho biết rằng đường di chuyển của cơn bão hiện ở duyên hải phía tây của Florida, và điều đó đồng nghĩa với chuyện nó gây ra ít thiệt hại hơn so với dự báo, nhưng nói rằng năm tới sáu giờ nữa sẽ mang tính sống còn.

Reuters dẫn lời ông Trump nói rằng “tôi hy vọng sẽ không có nhiều người trên đường di chuyển [của bão]” và rằng “không ai lại muốn trên đường di chuyển [của Irma]”.

Trước đó, Tổng thống Trump đã trao đổi với thống đốc các tiểu bang Alabama, Georgia, South Carolina và Tennessee nhằm tìm cách đối phó với cơn bão.

Reuters dẫn thông cáo của Nhà Trắng đưa tin rằng ông Trump đã thường xuyên trao đổi với hai đảng viên Đảng Cộng Hòa là Thống đốc Florida Rick Scott và Thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Florida Marco Rubio, và hôm 10/9 đã trao đổi với thượng nghị sĩ thuộc phe Dân chủ, ông Ben Nelson.

Ông Trump cũng đã ra cảnh báo thảm họa đối với Puerto Rico, một lãnh thổ thuộc Mỹ, hôm 10/9, và mở rộng cứu trợ liên bang tới Virgin Islands cũng thuộc Mỹ để đối phó với hệ quả mà Irma để lại.

Ông Brock Long, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp, nói trên chương trình “This Week” của kênh ABC rằng cả hai hòn đảo trên đã mất điện trên diện rộng. Nhưng chiến dịch cứu nạn phải đình lại, đợi cho một cơn bão khác là Jose qua đi.

Ông Long nói: “Tôi đã có trao đổi tốt đẹp với Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa. Chúng tôi cùng nhau làm việc. Họ thừa nhận những gì cần phải làm để trao cho tôi quyền hành xử lý tình hình”.

Thống đốc Florida Scott cũng nói trên kênh ABC rằng ông đã thảo luận với ông Trump sáng 10/9: “Ông ấy đã đề xuất giúp đỡ mọi nguồn lực hiện có từ chính phủ liên bang”.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-ban-bo-tinh-trang-tham-hoa-o-florida/4022895.html

 

Hiểm họa nguyên tử và dân tộc chủ nghĩa tại châu Á

Thụy My

Nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khi trả lời phỏng vấn của Le Monde số ra ngày 11/09/2017, đã nhận định có hai khu vực trên thế giới phải đối phó với hiểm họa nguyên tử, đó là châu Âu và châu Á. Tuy nhiên tình hình tại châu Á là nguy hiểm nhất.

Thưa ông, có nên nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc nguyên tử hay không ? Như vậy đây sẽ là nước thứ 9 – sau năm nước đã được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) công nhận là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc – cùng với Israel, Ấn Độ, Pakistan ?

Vụ thử nguyên tử lần thứ sáu hôm 3/9 và các hỏa tiễn được bắn đi trước đó, là những tiến bộ quan trọng của Bắc Triều Tiên, và nhìn chung, đây là một bước ngoặt. Bình Nhưỡng nay đã chế tạo được hỏa tiễn liên lục địa, và nắm được công nghệ nguyên tử – có thể là bom H cho dù chưa khẳng định được về vụ nổ có sức mạnh 150.000 tấn này. Dưới thời Kim Jong Un, các chương trình này đã được đẩy nhanh, tuy cần nhắc lại rằng đó là công nghệ của thập niên 50, và Bắc Triều Tiên đã mất nửa thế kỷ mới đạt được !

Câu hỏi đặt ra là thái độ của Bình Nhưỡng phía sau chương trình nguyên tử, có thể là họ đang say men chiến thắng. Một quân nhân Mỹ tại khu phi quân sự chia đôi hai nước Triều Tiên, từng nhận xét về những người lính phía bắc sau vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006: « Sáng nay, họ có vẻ oai vệ hơn… »

Trường hợp của Bình Nhưỡng chứng tỏ hai quy luật. Thứ nhất, một quốc gia cảm thấy bị đe dọa và không có được một sự bảo đảm an ninh chắc chắn, sẽ làm mọi cách để sở hữu vũ khí nguyên tử. Thứ hai, khi một quốc gia quyết tâm vượt qua một cái ngưỡng nào đó, thì rốt cuộc cũng sẽ vượt được. Chỉ có hai ngoại lệ : đó là thay đổi chế độ chính trị như trường hợp Nam Phi và Brazil, hay một hành động quân sự : Irak, nếu không có cuộc chiến năm 1991, chắc là sẽ có được bom nguyên tử vào cuối thập niên. Nhưng việc nhìn nhận năng lực nguyên tử không có nghĩa là công nhận.

Đọc thêm: Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima

Còn có thể chận đứng được Bình Nhưỡng hay không ?

Từ nhiều năm qua, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là không thể đảo ngược. Đây là vấn đề cốt tử của chế độ, hơn nữa đã được ghi vào Hiến pháp. Trước hết, đó là phương tiện để tự vệ, để bảo đảm sự tồn tại : đối với Bình Nhưỡng, « mối đe dọa » Mỹ được định nghĩa là đe dọa hạt nhân.

Vũ khí nguyên tử cũng mang lại cho Bắc Triều Tiên vị thế về mặt chính trị. Bình Nhưỡng nay tự cho là đã đứng vào hàng ngũ hiếm hoi các Nhà nước nguyên tử, sánh vai với Washington. Chương trình này cũng mang lại niềm tự hào dân tộc, năng lực răn đe là ưu thế của một chế độ tự cho là bảo vệ nhân dân…Như vậy nếu tin rằng sẽ tiến đến hủy bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì chỉ là ảo tưởng. Nhưng niềm tin này cần được bênh vực, và đối với Seoul cũng như Tokyo, không thể đòi hỏi ít hơn.

Thế thì phải đáp trả như thế nào ?

Cần nhìn nhận thực tế ấy trong chính sách răn đe, bắt đầu là với Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, bảo vệ cũng là một cách đáp trả, ví dụ hệ thống lá chắn ở California và Alaska. Tiếp theo, cần phải duy trì, áp dụng toàn diện các biện pháp trừng phạt – nhất là phía Trung Quốc. Lợi ích của chúng là khiến cuộc sống ở Bắc Triều Tiên thêm khó khăn, vì nước này chưa thể tự cung tự cấp hoàn toàn, đồng thời chứng tỏ hậu quả của việc phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Nếu không trừng phạt, Bắc Triều Tiên sẽ còn đẩy nhanh hơn để đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó là đánh trả. Mỹ có những chương trình phá hoại, kể cả bằng tin học, để chống lại Bình Nhưỡng, cho dù đến nay chưa có kết quả.

Và việc thương lượng nữa, sẽ giúp tranh thủ được thời gian, mà thời gian thì rất quý giá. Đó là những gì đã thực hiện qua hiệp định nguyên tử Iran 2015: cho đóng băng khoảng hơn một chục năm, với hy vọng từ đây đến lúc đó chế độ sẽ có những thay đổi. Có thể đề nghị Bình Nhưỡng chậm bớt một số hoạt động nguyên tử hay đạn đạo, đổi lấy việc Mỹ giới hạn các hoạt động quân sự. Ý tưởng này được ủng hộ nhiều, cho dù cũng không ổn lắm khi đánh đồng một chương trình hạt nhân bất hợp pháp với các hoạt động quân sự hợp pháp.

Can thiệp quân sự phải chăng là phương án ít rủi ro nhất – như đồng nghiệp Valérie Niquet đã đề nghị – nếu Seoul và Tokyo coi việc thương lượng là biểu hiện cho sự thiếu quyết đoán của đồng minh Mỹ ?

Không, rủi ro rất lớn, hơn nữa những nước bị ảnh hưởng đầu tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phản đối. Dưới thời Barack Obama, Mỹ đã tăng cường bảo đảm an ninh cho hai nước này. Còn Donald Trump đã gây ngạc nhiên lớn khi nhanh chóng trấn an người Nhật trong chuyến thăm Washington của ông Shinzo Abe hồi tháng Hai. Tôi không nhìn thấy sự quan ngại nơi Nhật, mà ngược lại, một cuộc tranh luận : sự bảo đảm của Mỹ sẽ phải tiến triển như thế nào ? Cần có thêm nhiều lá chắn tên lửa, hay nên bố trí vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc ?

Đọc thêm: Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Giải pháp quân sự ít rủi ro nhất ?

Bình Nhưỡng cũng đe dọa cả châu Âu ?

Tất cả chúng ta nay đều liên quan không khác gì người Mỹ, với những hỏa tiễn liên lục địa mà tầm bắn đã vượt quá 10.000 km. Đó không phải là mối đe dọa trực tiếp, nhưng nếu có xung đột tại bán đảo Triều Tiên thì chúng ta vẫn liên quan, vì Pháp là một trong những nước đứng ra bảo đảm việc ngưng bắn năm 1953. Với năng lực răn đe của Pháp, đó là vấn đề chiến lược thứ ba cần phải tính đến, ngoài Nga và Trung Quốc.

Cũng có thể nghĩ tới hệ thống phòng vệ tên lửa. Nhưng tôi không cho rằng đây là lời đáp hữu hiệu của châu Âu hay NATO trước những hỏa tiễn liên lục địa từ châu Á : phí tổn sẽ rất khủng khiếp, còn hiệu quả thì không chắc chắn.

Ông cho rằng có nguy cơ chạy đua vũ khí nguyên tử không ?

Cần phải giám sát mọi mưu toan phát triển công nghệ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Việc kiểm soát đã hiệu quả hơn so với cách đây 15 năm, nhưng đừng quên năm 2007 người ta đã phát hiện một lò phản ứng nguyên tử Bắc Triều Tiên tại Syria, sau đó Israel đã phá hủy lò này…

Có nghĩa là, trừ trường hợp bất ngờ, tôi cho rằng việc phổ biến hạt nhân ngày nay không còn là vấn đề chính. Với Bắc Triều Tiên, bây giờ là khả năng răn đe. Chương trình của Iran thì đã đóng băng, và tôi không biết Nhà nước nào vừa có ý định lẫn khả năng vượt qua ngưỡng cửa nguyên tử. Đây là sự thực, chừng nào mà Iran vẫn còn trong vòng kiểm soát và Seoul, Tokyo hay Riyad vẫn tin tưởng vào việc bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

Nhưng châu Á vẫn đang chạy đua về nguyên tử ?

Lục địa này đã phát triển nguyên tử từ 20 năm qua. Có sáu nước ở châu lục sở hữu vũ khí hạt nhân : Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Nga, Hoa Kỳ. Hiện nay có hai lãnh địa nguyên tử lớn trên thế giới : châu Âu, vì thái độ khiêu khích của Nga; và châu Á, nơi mà số vũ khí đang tăng lên tối đa. Những nước sở hữu vũ khí nguyên tử lo mở rộng tầm bắn hỏa tiễn, đa dạng hóa cách thức phóng, và quan tâm đến năng lực tàu ngầm.

Cũng chính tại châu Á mà tình hình hiện nay nguy hiểm nhất. Nói một cách nào đó, Đệ nhị Thế chiến vẫn chưa kết thúc : số lãnh thổ tranh chấp từ thập niên 40 vẫn tồn tại. Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều không công nhận sự hiện diện hợp pháp của đối thủ. Chưa kể bất đồng giữa các láng giềng : Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…Chúng ta đang sống trong một thế giới của « chủ nghĩa dân tộc nguyên tử ». Vũ khí hạt nhân, hơn bao giờ hết là chìa khóa của tương quan lực lượng quốc tế.

Phải chăng đây là một đòn mới đánh vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT ?

Không, vì Bắc Triều Tiên đã loan báo rút khỏi NPT từ năm 2003. Cú đòn thực sự đánh vào Hiệp ước này, là cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc hôm 7/7, về hiệp ước cấm toàn bộ vũ khí nguyên tử. Đó là sự chia rẽ : các tổ chức và quốc gia bực tức trước công cuộc giải trừ hạt nhân không có tiến triển gì đã đứng sang một phía khác, đòi hỏi giải trừ thông qua các công cụ mới. Tuy vậy, liệu có thể tin rằng một hiệp ước cấm đoán sẽ gây được tác động nào đó lên Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga ? Trên thực tế, những người chủ trương « hủy bỏ » vũ khí nguyên tử đã thua cuộc.

Năm quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể có cùng một tiếng nói ? Tại sao lại không có được sự đồng thuận về Bắc Triều Tiên, như đối với Iran ?

Sự đồng thuận của năm nước này về vấn đề hạt nhân là khá mong manh. Đã có những nỗ lực thực sự trong thương lượng với Bắc Triều Tiên, tương tự như với Iran, nhưng hai tình huống rất khác nhau. Quyết tâm của Bình Nhưỡng có thể đã bị đánh giá thấp. Hơn nữa, giữa một nước có tham vọng hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, muốn trở thành nhân tố hàng đầu trong khu vực ; và một nước đóng cửa với bên ngoài, ít lệ thuộc với thế giới, thì đòn bẩy kinh tế rất khác nhau. Iran cũng luôn tuyên bố muốn ở trong khuôn khổ hợp pháp. Những ai ấp ủ hy vọng làm được những gì như với Iran chỉ là ảo mộng.

Phải chăng hiện nay nguy cơ sử dụng đến vũ khí nguyên tử đã cao hơn ?

Không. Tôi phản đối giả thiết thảm họa hạt nhân. Tất cả các Nhà nước nguyên tử đều nhằm răn đe chứ không phải « sử dụng », kể cả Nga, Pakistan hay…Bắc Triều Tiên. Đã hẳn là có nguy cơ một sự khiêu khích biến thành một cuộc khủng hoảng, và thực hiện răn đe trong thế kỷ 21 khó khăn hơn nhiều so với thế kỷ 20. Nhưng điều rất đáng chú ý là vũ khí nguyên tử chưa hề được sử dụng kể từ năm 1945 đến nay, ngược với dự đoán của nhiều nhà phân tích. Còn về khủng bố nguyên tử, đó là một nguy cơ bị thổi phồng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170911-hiem-hoa-nguyen-tu-va-dan-toc-chu-nghia-tai-chau-a

 

Anh Quốc : Nghị viện bỏ phiếu dự luật

để hủy các điều luật châu Âu

Anh Vũ

Hôm nay 11/09/2017, Quốc Hội Anh bỏ phiếu về dự luật của chính phủ cho phép điều chỉnh và hủy bỏ các bộ luật cũ liên quan tới hệ thống luật pháp của châu Âu.

Được đặt tên là « Đạo luật rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu », dự luật trên nhằm hủy bỏ luật có tên gọi « European Communities Act », được thông qua năm 1972, thời điểm  Vương Quốc Anh gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đạo luật 1972 đặt các quyền của Cộng đồng chung Châu Âu lên cao hơn quyền của Anh Quốc. Theo luật Cộng đồng Châu Âu thì nước Anh phải tuân thủ 12 nghìn quy định của châu Âu.

Nay nước Anh đang trên đường chia tay hẳn với Liên Hiệp Châu Âu, trên lý thuyết là cuối tháng 3/2019. Vì thế cần phải có một hệ thống luật mới để nước Anh không còn bị ràng buộc bởi những quy định chung của cộng đồng Châu Âu.

Dự luật được bỏ phiếu vào chiều tối nay sẽ cho phép văn kiện luật được xem xét chi tiết tại Hạ Viện. Dù sao thì việc bỏ phiếu lần đầu cũng là một trong những mốc quan trọng trong tiến trình thực thi Brexit.

Tuy nhiên, việc thông qua dự luật cũng không phải dễ dàng. Ngay từ khi thảo luận, đã có nhiều dân biểu của các đảng phái khác nhau phản đối, cho rằng chính phủ đã áp đặt nội dung soạn thảo dự luật.

Cho đến giờ, Brexit vẫn là vấn đề gây chia rẽ sâu sắcngười dân Anh Quốc. Trong khi chính phủ Anh đang khẩn trương tiến hành từng bước thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu, hôm thức Bảy vừa qua, tại Luân Đôn, hàng nghìn người đã xuống đường kêu gọi chính phủ « từ bỏ Brexit ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170911-anh-quoc-nghi-vien-bo-phieu-du-luat-de-huy-cac-dieu-luat-chau-au

 

Pháp : Tổng thống Macron đến các đảo bị bão Irma

Thanh Hà

Vào lúc bão Irma chưa buông tha bang Florida của Mỹ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiều ngày 11/09/2017 lên đường đến đảo Saint – Martin và Saint – Bathélemy, gặp gỡ các nạn nhân của trận bão “mạnh chưa từng có” tại một vùng lãnh thổ Pháp. Trong khi đó, chính phủ bị chỉ trích bỏ rơi nạn nhân thiên tai.

Bộ Trưởng Giáo Dục, Jean-Michel Banquer và Y tế Agnès Buzyn tháp tùng tổng thống. Trên mạng Twitter cá nhân, ông Macron thông báo sẽ “gặp gỡ các nạn nhân bão lụt ở Saint Martin vào ngày mai, Thứ Ba”. Trận bão cấp 5 Irma thổi qua hai đảo Saint – Martin và Saint – Bathélemy trong vùng biển Caribê vào tuần trước đã làm gần 30 người thiệt mạng, hơn 80 % cơ sở hạ tầng tại đảo Saint – Martin bị tàn phá. Điện nước bị cúp từ nhiều ngày qua. Cơ quan điện lực EDF dự phóng phải mất nhiều tuần lễ hệ thống cung cấp mới được  khắc phục. 70 % bệnh viện ở Saint – Martin bị hư hại. Các giới chức địa phương nhấn mạnh công cuộc tái thiết là một công trình dài hơi.

Chính phủ Pháp đã lập tức huy động nhân viên cứu hộ, lương thực, nước uống và thuốc men đến hiện trường. Nhiều vụ hôi của đã xảy ra trong những ngày đầu sau trận bão, nhưng theo lời bộ trưởng đặc trách các vùng lãnh thổ Hải ngoại của Pháp, bà Annick Gérardin, lực lượng an ninh đã tái lập trật tự công cộng trên đảo này.

Trong lúc thiệt hại vật chất do bão Irma gây ra được ước tính lên tới 1,2 tỷ euro, tại Paris, chính phủ đang bị chỉ trích “thiếu một sự chuẩn bị trước khi xảy ra thiên tai” và chậm trễ trong việc cứu hộ. Một số đại biểu Quốc Hội đòi chất vấn chính phủ từ các khâu chuẩn bị đối phó với bão đến các biện pháp cứu hộ khẩn cấp. Phía chính phủ bác bỏ các cáo buộc bỏ rơi nạn nhân bão lụt, hay chậm trễ tiếp liệu cho hai đảo Saint – Martin và Saint – Bathélemy, nhất là trong chỉ vài ngày sau bão Irma, đến lượt bão José được dự báo sẽ ập tới. Nhưng rất may là là José đã tha cho hai đảo này.

http://vi.rfi.fr/phap/20170911-bao-irma-tong-thong-macron-chuan-bi-thi-sat-tinh-hinh-tai-cac-dao-bi-nan-ok

 

Cựu tổng thống Gruzia Saakachvili trở về Ukraina

Thanh Phương

Hôm qua, 10/09/2017, cựu tổng thống Gruzia, Mikheil Saakachvili, đã từ Ba Lan vượt qua được biên giới để trở về Ukraina, nơi mà ông muốn tham gia tranh cử với tư cách nhà đối lập với tổng thống Petro Porochenko.

Sau khi làm tổng thống Gruzia trong 10 năm, ông Saakachvili đã nhập quốc tịch Ukraina vào năm 2015 và được bổ nhiệm làm thống đốc vùng Odessa. Nhưng năm sau đó, ông Saakachvili đã từ chức thống đốc và từ đó quan hệ giữa cựu tổng thống Gruzia với chính quyền Kiev xấu đi, đến mức vào tháng 7 vừa qua tổng thống Porochenko đã tước quốc tịch Ukraina của ông, trong khi ông cũng đã bị mất quốc tịch Gruzia.

Từ biên giới Ba Lan-Ukraina, thông tín viên RFI Sébastien Gobert gởi về bài tường trình :

” Với những tiếng reo hò và những khẩu hiệu đầy hứng khởi, hàng trăm người ủng hộ ông đã tràn vào trạm biên phòng, lao vào áp đảo đội lính biên phòng và kéo người hùng của họ đi.

Cuộc trở về của Mikheil Saakachvili giống như trong phim và như vậy là ông trở thành nhà đối lập chủ chốt chống lại tổng thống Petro Porochenko. Ông tuyên bố : “Tôi không hiểu tại sao, nhưng có vẻ như là Porochenko sợ tôi hơn là sợ Putin”. Nhưng đảng của Saakachvili hiện chỉ mới được 2% ý định bỏ phiếu.

Là một dân biểu Quốc Hội theo xu hướng cải tổ, ông Mustafa Nayyem hôm qua đã tháp tùng Mikheil Saakachvili. Đối với ông, đây không còn là chuyện cá nhân nữa. Dân biểu Nayyem nói : “Nếu chúng ta không phản ứng bây giờ, chính quyền sẽ cảm thấy được tự do đàn áp mọi công dân, mọi nhà đối lập, bất cứ ai dám bày tỏ chính kiến.”

Chính quyền Kiev đã bị một vố đau vì đã đối phó vụ này bằng nhiều mánh khóe và dối trá. Họ đã dọa những người tổ chức vụ “đột kích” đồn biên phòng là sẽ truy tố họ, nhưng chưa biết sẽ xử lý ông Saakachvili như thế nào. Nhân vật này đã được đón tiếp nồng nhiệt ở miền Tây Ukraina và sắp tới đây sẽ đến Kiev. Và càng tiến đến gần thủ đô Ukraina thì căng thẳng càng leo thang.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170911-cuu-tong-thong-gruzia-saakachvili-tro-ve-ukraina

 

Bão Irma tiếp tục tấn công vào miền Trung Florida

Tampa, Florida. (Reuters) – Trung Tâm Bão Quốc Gia cho biết, dù được giảm xuống một cấp, bão Irma vẫn đủ sức mạnh để tàn phá khu vực Gulf Coast của tiểu bang Florida vào hôm Chủ Nhật 10 tháng 9.

Với những trận cuồng phong uốn cong hàng trăm thân cây trên đường, Irma mang tới những trận mưa như trút nước, rung chuyển những tòa nhà chọc trời ở Miami giữa lúc nước lụt bắt đầu tràn lên, khiến hơn 2.6 triệu ngôi nhà và văn phòng thương mại toàn tiểu bang bị mất điện. Bầu trời tối sầm khi sóng biển đập ầm ầm vào con đê ở Miami. Trên đại lộ Brickell nước ngập tới bụng người lớn,  có vài người liều lĩnh bơi dọc theo hàng cây. Những tòa nhà cao tầng hoang vu không một bóng người, nhưng vẫn còn đứng vững như những hòn đảo giữa dòng nước cuồn cuộn. Vào lúc 10 giờ đêm qua, tính theo giờ địa phương, tâm bão vào tới thành phố Miami và trút tất cả sự giận dữ xuống thành phố này. Trung Tâm cảnh báo bão Irma vô cùng nguy hiểm, như một con quái vật điên rồ bứng các gốc cây lên rồi ném vào đường dây điện. Tất cả mái nhà đều bị tốc ngói. Từng đợt sóng đánh vào bờ cao tới 16 feet (5 mét). Trung Tâm dự báo miền Nam tiểu bang Florida cũng sẽ nhìn thấy lốc xoáy, và trong trường hợp này, thiệt hại sẽ tăng gấp đôi. Theo Cơ Quan Quản Lý Khẩn Cấp tiểu bang Florida, trước ngày hôm nay khoảng 6.5 triệu người, tương đương 1/ 3 dân số tiểu bang, nhận lệnh di tản bắt buộc. Hiện nay có 170,000 người đang ẩn náu tại 650 trung tâm tạm trú.

Sáng 11/9 – cũng là ngày toàn nước Mỹ tưởng niệm các cuộc tấn công khủng bố 11/9 lần thứ 16 – bão Irma tiến vào miền Trung tiểu bang Florida, tàn phá khu vực đông dân cư tại đây. Theo miêu tả của Trung Tâm, sau khi hiện diện tại nơi này, bão Irma mang tới cuồng phong và dông tố ở mức độ cao nhất, xé toạc mái nhà, bẻ gãy cây cối, giật đứt dây điện, khiến hàng triệu cư dân địa phương phải sống trong bóng tối. Nước lũ bắt đầu dâng lên thật nhanh và nhấn chìm toàn bộ khu vực này trong biển nước. Trung Tâm Bão Quốc Gia cho biết bão Irma được xác nhận là một trong những cơn bão hung dữ nhất của Đại Tây Dương, có mặt tại bờ biển Florida từ ngày hôm qua, và gieo rắc cảnh tàn phá chưa từng thấy trên đường đi của nó. Sau khi tiến sâu vào trong đất liền, bão Irma giảm dần cường độ, mất bớt sức mạnh, và được hạ xuống cấp độ một vào lúc 2 giờ sáng nay, tính theo giờ địa phương. Đến 5 giờ sáng, khi cách thành phố Tampa khoảng 60 dặm, bão Irma chuyển sang hướng tây bắc đồng thời vận tốc gió cũng đột ngột tăng lên 75 dặm/ giờ (120 cây số/ giờ). Trung Tâm Bão Quốc Gia cho biết một khu vực rộng lớn của bờ biển miền Đông và miền Tây Florida có thể đối mặt tới nguy cơ bị ngập lụt, sau khi nước biển dâng cao hơn vạch tiêu chuẩn. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/bao-irma-tiep-tuc-tan-cong-vao-mien-trung-florida/

 

Đảng Cộng Hòa có thể mất quyền kiểm soát hạ viện

vì chương trình DACA

Washington DC. (CBS) – Trong chương trình 60 Phút của CBS News, Steve Bannon -cựu chiến lược gia trưởng của Tổng Thống Trump- dự đoán cuộc chiến về số phận của 800,000 di dân, được mang vào Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn vị thành niên, đang nằm dưới sự bảo vệ của  chương trình DACA, có thể khiến đảng Cộng Hòa bị mất quyền kiểm soát Hạ Viện trong cuộc bầu cử sang năm.

Ông Bannon là người có quan điểm cực hữu về nhập cư, khí hậu và thương mại, giúp hình thành ban tranh cử của ông Trump, và làm việc tại Tòa Bạch Ốc trong vài tháng đầu tiên. Trong tháng 8, ông Bannon bị tổng thống sa thải trước áp lực phải chấm dứt các cuộc chiến phe phái bên trong Tòa Bạch Ốc.

Thứ Ba tuần trước, tổng thống Trump thông báo chấm dứt DACA cho phép di dân bất hợp pháp vượt biên vào Hoa Kỳ khi còn nhỏ, được sống và làm việc ở nước Mỹ. Ông Bannon tuyên bố ủng hộ quyết định của tổng thống, nhưng lo sợ rằng nội chiến bên trong đảng Cộng Hòa vì DACA sẽ làm đảng Cộng Hòa thất thế. Tổng thống Trump cho Quốc Hội 6 tháng để đưa ra một giải pháp thay thế, nói rằng nếu các nhà lập pháp không thống nhất ý kiến, ông sẽ xem lại vấn đề này.

Nội bộ đảng Cộng Hòa lủng củng vì nhiều ý kiến trái ngược và chia rẽ. Một số tin rằng 800,000 người này là di dân bất hợp pháp, đang giành lấy công việc của người Mỹ. Trong khi một số khác nhận xét họ có đóng góp cho đất nước và xứng đáng được sự khoan dung. Theo ông Bannon, tranh cãi về DACA trước cuộc bầu cử sơ bộ năm 2018 là không khôn ngoan. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/dang-cong-hoa-co-the-mat-quyen-kiem-soat-ha-vien-vi-chuong-trinh-daca/