Tin Biển Đông – 07/09/2017
Tập trận ở Biển Đông :
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Việt Nam
Ngày 06/09/2017, Bắc Kinh lại lên tiếng bác bỏ phản đối của Hà Nội về việc quân đội Trung Quốc tập trận tại khu vực Hoàng Sa, vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : « Chúng tôi hy vọng bên liên quan có thể nhìn nhận cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý », đồng thời khẳng định cuộc tập trận diễn ra trong « khu vực thuộc chủ quyền » của Trung Quốc.
Biển Đông : Indonesia và Nhật Bản thúc đẩy đối thoại phát triển hàng hải
Indonesia và Nhật Bản tăng cường đàm phán để phát triển hợp tác hàng hải tại một số vùng biển của Indonesia, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Thông tin được hai nước công bố trong một bản thông cáo chung ngày 06/09/2017 sau một cuộc họp tại Jakarta.
Chủ đề chính của cuộc họp giữa hai nước là phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá địa phương, trong đó có việc xây dựng các cảng và tầu chuyên chở và đánh bắt. Tuy nhiên, chủ đề hợp tác an ninh cũng nằm trong chương trình thảo luận. Trong bản thông cáo chung được trang mạng Nikkei trích dẫn, hai nước nhất trí « thành lập đội tầu tuần tra và tầu đa năng ».
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, bản thông cáo chung cho biết : « Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì và xúc tiến các vùng biển tự do, mở rộng và ổn định đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong vùng ». Hai bên thống nhất sáu vùng xa xôi nhất của Indonesia sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, nơi hải quân Indonesia đã bắt được nhiều tầu cá Trung Quốc xâm phạm vào năm 2016.
Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức Indonesia thuộc bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp, cho biết Nhật Bản sẽ tài trợ để phát triển một hệ thống radar giám sát bờ biển và một vệ tinh nhằm giúp ngư dân truyền thống Indonesia cải thiện năng lực. Công nghệ mới sẽ giúp Indonesia bảo vệ vùng biển khỏi nạn đánh bắt trộm nhờ khả năng phát hiện tốt hơn tầu cá nước ngoài, kể cả tầu của Trung Quốc.
Theo ông Poerwardi, thỏa thuận cuối cùng sẽ được tổng thống Widodo và thủ tướng Abe ký vào cuối năm 2017, bên lề Thượng Đỉnh Đông Á (gồm ASEAN và 8 nước), được tổ chức tại Manila vào tháng 11.
Các cuộc đàm phán về phát triển hàng hải chung được tăng cường từ chuyến công du Jakarta của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 01/2017. Nhật Bản và Indonesia tăng cường hợp tác kể từ khi Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện tại Biển Đông dưới thời tổng thống Donald Trump.
Biển Đông : Nhật-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Arun Jaitley và đồng nhiệm Nhật bản Itsunori Onodera, ngày 06/09/2017 đã tham dự nhiều cuộc họp trong khuôn khổ đối thoại thường niên giữa hai bộ tại Tokyo.
Theo trang IndiaTVNews, hai bên nhất trí hợp tác chặc chẽ trong lĩnh vực chế tạo quốc phòng, kể cả công nghệ lưỡng dụng. Bộ Quốc Phòng hai nước cũng đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật về hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh robot và phương tiện không người lái mặt đất (UGV). Ấn Độ có kế hoạch mua thủy phi cơ US-2 ShinMaywa của Nhật Bản để trang bị cho Hải Quân.
Trong một bản thông cáo ngày 06/09, New Delhi cho biết : « Các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và ý kiến nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác về mặt quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ « Đối Tác Chiến Lược Ấn Độ-Nhật Bản và Đối Tác Toàn Cầu » ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170907-bien-dong-trung-quoc-bac-bo-cao-buoc-tap-tran-cua-viet-nam
Việt Nam ủng hộ kế hoạch tuần tra biển Đông của Hoa Kỳ
Liên quan đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở biển Đông thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng hôm 7/9 nói rằng Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải hàng không phù hợp với luật quốc tế.
Ngày 1/9 vừa qua Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đang lên kế hoạch tăng cường các đợt tuần tra trên biển Đông bao gồm các hoạt động tự do hàng hải FONOP từ hai đến ba lần trong vài tháng tới.
Khi được báo chí hỏi về những phản bác của Trung Quốc đưa ra hôm 6/9 liên quan đến việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa, bà Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam vẫn nhất quán rằng đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 6/9 vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết đã tiêu hủy gần 1.500 ấn phẩm thể hiện sai địa giới hành chính của Việt Nam, chủ yếu là thể hiện sai hoặc thiếu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết hầu hết các ấn phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, được in bằng các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Trung, Nhật, Pháp, Việt,…
Chi cục Hải quan Đà Nẵng còn tiết lộ rằng khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam đã mang theo nhiều bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc và bị thu giữ, tuy nhiên không nói rõ khách từ nước nào.
Việt Nam bắn thử tên lửa
sau khi Trung Quốc tập trận trên biển Đông
Việt Nam bất ngờ bắn thử tên lửa phòng không mới nhập từ Israel, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Trích nguồn tin từ Quân Đội Nhân Dân, các báo trong nước đồng loạt đăng tin và hình ảnh các loại tên lửa “phòng không hiện đại Spyder” được thử nghiệm với đạn thật trong khuôn khổ cuộc diễn tập của các lực lượng phòng không Việt Nam diễn ra hôm 5/9.
Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lập tức bác bỏ cáo buộc của Việt Nam.
“Trong bối cảnh Trung Quốc đang có các hoạt động gây căng thẳng đó mà họ đã công khai các nội dung họ đã làm thì việc các nước khác cũng có tiến hành các hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ của mình là điều dễ hiểu,” theo tiến sỹ Trần Công Trục, từng là trưởng ban biên giới chính phủ. “Đây có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc.”
Việt Nam tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder từ Israel vào giữa tháng 7, theo Blog Quốc phòng thì mục tiêu là để tăng cường khả năng phòng vệ trên không. Spyder được thiết kế với tính năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng 1 lúc và khả năng triệt hạ các loại máy bay, kể cả phản lực cơ chiến đấu, máy bay trực thăng, và máy bay không người lái.
Spyder được coi là tên lửa phòng không “hiện đại đầu tiên” mà Việt Nam đặt mua cách đây nhiều tháng.
Việt Nam đặt mua 3 tổ hợp tên lửa phòng không Spyder tầm gần cực hiện đại của Israel cùng với nhiều loại đạn và tên lửa như Python, theo Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).
Đây mới chỉ là hợp đồng mua sắm giai đoạn 1 mang tính thử nghiệm, theo nhận định của Soha. Sau đó có thể Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa Spyder hơn.
Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước hàng đầu thế giới tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong mấy năm gần đây. Theo SIPRI, năm ngoái Việt Nam chi tới 5 tỷ USD để tăng cường khả năng quân sự. Đây là một mức tăng vô cùng đáng kể trong chi tiêu quân sự, cao hơn 90% so với năm 2010.
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng, theo tiến sỹ Trục, là do tình hình căng thẳng từ Trung Quốc đã đe dọa an ninh quốc phòng của các nước trong khu vực.
“Việc các nước phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách tăng thêm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng là một điều hợp lý,” theo tiến sỹ Trục. “Mặc dù đó là điều không ai muốn làm. Việt Nam càng không muốn làm bởi vì Việt Nam đang phải đầu tư rất nhiều cho sự phát triển kinh tế nhưng buộc lòng phải làm trong bối cảnh này.”
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc được cho là tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua kể từ sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 4/2014.
Vào tháng 7, Việt Nam đã phải ngừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong khu vực biển có tranh chấp với Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh. Trước đó một tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc đã bỏ dở chuyến thăm tới Hà Nội và các cuộc giao lưu quân đội giữa 2 nước đã được lên lịch bị hủy bỏ.