Hỏi và Đáp: Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam
Quỳnh Vi
6-9-2017
Tại sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện được chính phủ Việt Nam và có thể đòi được một khoản tiền lớn? Liệu người Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Bình hay không? Bao giờ thì có kết quả vụ kiện?
Trong những tuần vừa qua, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình – một công dân Vương quốc Hà Lan gốc Việt Nam – đã nộp đơn kiện tại một tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) – yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường 1,25 tỷ đô la đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Đây là một vụ kiện xuất phát từ các điều khoản của hiệp định bảo hộ đầu tư song phương được ký kết giữa hai quốc gia Việt Nam – Hà Lan. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã sử dụng thủ tục của tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp giữa ông và chính phủ Việt Nam, kéo dài từ năm 2003 đến nay và hiện vẫn chưa kết thúc. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Bối cảnh của hồ sơ vụ án trước năm 2003 như thế nào?
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một công dân Hà Lan, nhưng sinh tại Sóc Trăng, Việt Nam năm 1947. Trong những năm đầu thập niên 1990, ông Bình từ nước ngoài về Việt Nam đầu tư vào một số dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có nhà máy sản xuất thực phẩm, công ty may mặc, và các dự án du lịch.
Theo ấn bản điện tử tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ, thì đến thời điểm năm 1992, ông Bình đã sở hữu hơn 2,5 triệu mét vuông đất và hơn 10 căn nhà tại phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 10/3/1994, chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan ký kết một hiệp định về bảo hộ đầu tư (investments protection treaty) có tên gọi là Hiệp định song phương khuyến khích, tương trợ, và bảo hộ tài sản đầu tư của công dân hai nước (Agreement on Encouragement and Reciprocal Protection of Investments between the Kingdom of the Netherlands – investment treaty).
Ngày 1/2/1995, hiệp định này chính thức có hiệu lực.
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam tại Việt Nam với hai tội danh, đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Từ ngày 7/12/1996 đến ngày 11/12/1996, ông Bình cùng năm người khác bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Viện Kiểm sát đề nghị mức án năm năm tù giam cho tội vi phạm quản lý đất đai và tám năm tù giam cho tội đưa hối lộ.
Ông Bình được tại ngoại hầu tra vào ngày 25/6/1998.
Ngày 4/5/1999, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông Bình xuống còn tổng cộng 11 năm cho cả hai tội danh. Tuy nhiên, ông Bình đã đào thoát khỏi Việt Nam và trở về Hà Lan trước khi bản án có hiệu lực.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, chính phủ Việt Nam – tại một khoảng thời điểm không được rõ sau đó – đã xóa bỏ bản án và ân xá (pardon) cho ông Bình.
Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại có thể khởi kiện chính phủ Việt Nam năm 2003?
Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thuê hãng luật Covington Burling tiến hành thủ tục kiện chính phủ Việt Nam dựa theo luật thương mại quốc tế. Trong đơn kiện, ông Bình yêu cầuchính phủ Việt Nam bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ cho những thiệt hại mà ông đã phải gánh chịu.
Ông Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam đã bắt giam và tịch thu tài sản ông đầu tư tại Việt Nam một cách trái phép. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư mà họ ký kết với Hà Lan năm 1994.
Dựa theo Điều 9, khoản 2 của Hiệp định, trong trường hợp công dân của một trong hai nước xảy ra tranh chấp với chính phủ nước kia liên quan đến tài sản mà họ mang đi đầu tư ở đấy, thì những công dân này có thể nộp đơn và yêu cầu một tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết.
Ngoài ra, cũng theo điều khoản nêu trên, Việt Nam và Hà Lan còn đồng ý rằng, tất cả tranh chấp giữa một trong hai chính phủ đối với tài sản đầu tư của công dân nước kia, đều sẽ được giải quyết bằng Luật Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc (United Nations Commission on International Trade Law – UNCITRAL Arbitration Rules) – tên gọi thông thường là Luật Trọng tài UNCITRAL.
Có phải ai cũng có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Trịnh Vĩnh Bình không?
Không.
Vì ông Bình kiện theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nên chỉ có hai đối tượng sau mới có thể khởi kiện:
- công dân Hà Lan có tài sản đầu tư ở Việt Nam (chính là ông Bình), và
- công dân Việt Nam có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng ông Bình là người Việt Nam. Ông ấy sinh ra ở Việt Nam, mang tên Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hà Lan. Điều đó có nghĩa là nếu thay ông Bình bằng một ông da trắng tóc vàng người Hà Lan thì bản chất vụ việc cũng không có gì thay đổi.
Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam theo Hiệp định này cũng như theo những hiệp định tương tự mà Việt Nam ký với các nước khác.
Cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này?
Khi ông Trịnh Vĩnh Bình sử dụng Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Việt Nam – Hà Lan làm cơ sở pháp lý cho vụ kiện của mình, thì hai bên đều bắt buộc phải chấp nhận quyền tài phán của Luật Trọng tài UNCITRAL.
Điều này có nghĩa là, thủ tục để khởi kiện dựa theo điều khoản của hiệp định này phải sử dụng thủ tục tố tụng của Luật Trọng tài UNCITRAL, chứ không bên nào có thể nộp đơn ở một tòa án dân sự của một quốc gia để khởi kiện. (Xem Điều 9 của Hiệp định song phương). Đồng thời, cũng không có bên nào được phép từ chối tham gia vào vụ việc nếu không đưa ra được cơ sở pháp lý cho hành vi đó.
Năm 2003, thông qua các luật sư của mình, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn tại Viện Trọng tài Phòng Thương mại Stockholm (Arbitration Institute of Stockholm Chamber of Commerce), Thụy Điển, yêu cầu cơ quan này thụ lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp về tài sản đầu tư giữa ông và chính phủ Việt Nam, cũng như đòi bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ.
Viện Trọng tài Stockholm là một trong số những tổ chức tư nhân có tư cách sáng lập hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) và tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) để giải quyết các tranh chấp dựa trên Luật Trọng tài UNCITRAL.
Một tòa trọng tài khác có các hoạt động trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế mà chúng ta hay nghe đến là Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở Hague, Hà Lan.
Trước và sau khi nguyên đơn tiến hành thủ tục sử dụng tòa trọng tài, các bên của một vụ kiện đều có thể thương thảo với nhau và chọn một tòa trọng tài theo ý để thụ lý hồ sơ.
Thủ tục tiến hành vụ kiện ra sao?
Thủ tục của tòa trọng tài (arbitration court) có thể đơn giản và ngắn gọn hơn các thủ tục tố tụng dân sự (civil court) đôi chút. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn pháp lý về tố tụng, chứng cứ, v.v. đều rất tương đồng với các thủ tục ở tòa án dân sự.
Các trọng tài viên (arbitrator) là những “quan tòa tư nhân” được hai bên đồng ý ký hợp đồng làm việc và trả phí. Đa số trọng tài viên đều có học vấn và kinh nghiệm rất phong phú, đặc biệt là về chuyên môn trong các lĩnh vực, ví dụ như luật thương mại và đầu tư quốc tế, nên chi phí cho họ thông thường cũng rất cao.
Ba trọng tài viên C. Mark Baker, Brigitte Stern, Kaj Hobér là những người đã được chọn để xét xử vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình tại Viện Trọng tài Stockholm.
Kết quả của vụ kiện năm 2003 ra sao?
Năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án (settlement agreement), trước khi các trọng tài viên chuẩn bị mang vụ kiện ra xét xử (Thỏa thuận 2006).
Đại diện cho ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm này là hãng luật King & Spalding, còn hãng Gide Loyrette Nouel đại diện cho chính phủ Việt Nam.
Ngày 14/3/2007, vụ tranh chấp về tài sản đầu tư ở Việt Nam giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam chính thức chấm dứt khi Thỏa thuận 2006 được Viện Trọng tài Stockholm phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực thi hành. Ông Bình cũng đồng ý đóng lại vụ kiện chính phủ Việt Nam dựa trên Luật trọng tài UNCITRAL.
Chi tiết về những điều khoản liên quan đến các thỏa thuận giữa ông Bình và chính phủ Việt Nam được hai bên đồng ý bảo mật (confidential settlement). Thế nên, có rất ít thông tin chính thức về những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận – ví dụ như thông tin về mức bồi thường (nếu có), thời gian thi hành các điều khoản, v.v. cho đến khi ông Trịnh Vĩnh Bình một lần nữa đưa chính phủ Việt Nam ra tòa vào năm 2017.
Đâu là cơ sở pháp lý để Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam năm 2017?
Vào cuối tháng 8/2017, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện chính phủ Việt Nam ở một tòa trọng tài quốc tế khác được nhanh chóng lan tỏa trong và ngoài nước.
Theo đó, ông Bình đã nộp đơn tại Tòa Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce – International Arbitration Court) có trụ sở tại Paris, Pháp, và cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, cũng như yêu cầu được bồi thường 1,25 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2003, ông Bình đã dựa vào điều khoản của Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Việt Nam. Nhưng đối với vụ việc năm 2017, ông đã dùng chính Thỏa thuận 2006 làm cơ sở pháp lý cho đơn kiện của mình.
Ở đây, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cáo buộc phía chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận 2006 mà không thi hành toàn bộ nghĩa vụ chiếu theo đó, nên bắt buộc ông phải nộp đơn kiện.
Cũng như bất kỳ một bản hợp đồng dân sự nào, hai phía của Thỏa thuận 2006 đã tình nguyện ký kết và đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi một bên cho rằng phía bên kia đã vi phạm hợp đồng thì họ có thể khởi kiện để đòi bồi thường hoặc yêu cầu tòa án ra lệnh thực thi hợp đồng.
Tại sao ở vụ kiện thứ hai này một toà trọng tài ở Paris lại có thẩm quyền giải quyết?
Vì các luật sư của ông Bình trong vụ kiện năm 2017 đã mở hồ sơ tại Tòa Trọng tài ICC, nên chúng ta có thể dùng điều luật của chính tổ chức tài phán này để suy luận về thẩm quyền thụ lý hồ sơ của toà.
Theo luật của Tòa Trọng tài ICC thì hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) của họ chỉ giải quyết những tranh chấp nào mà các bên liên quan đã thiết lập điều khoản về việc sử dụng Tòa ICC làm tòa trọng tài (arbitration court) và đưa vào hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ từ trước đó. Thông tin này thường nằm trong điều khoản đồng ý sử dụng tòa trọng tài làm phương pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp – arbitration clause – của nhiều hợp đồng, thỏa thuận dân sự.
Nếu bản hợp đồng hoặc thỏa thuận trước đó của hai bên không có điều khoản này, thì cả hai đều phải đồng ý (consent) với việc sử dụng Tòa Trọng tài ICC khi tranh chấp xảy ra.
Do Tòa Trọng tài ICC đã thụ lý hồ sơ của ông Trịnh Vĩnh Bình và mở phiên tòa xét xử vào ngày 21/8/2017, chúng ta có thể nhận định rằng hoặc Thỏa thuận 2006 có ghi rõ điều khoản đồng ý sử dụng Tòa ICC để giải quyết tranh chấp, hoặc chính phủ Việt Nam đã đồng ý dùng tổ chức tài phán này sau khi đơn kiện được nộp.
Tuy nhiên, khả năng Thoả thuận 2006 có ghi rõ điều khoản này là cao hơn, vì lý do án phí.
Án phí của Tòa ICC là khá cao (gần 700 nghìn đô-la nếu chỉ sử dụng một trọng tài viên và 1,78 triệu đô-la nếu sử dụng hội đồng trọng tài với ba thẩm phán cho một hồ sơ yêu cầu 1,25 tỷ đô-la tiền bồi thường như của ông Bình), và cả hai phe đều phải tự ứng ra trước một nửa.
Án phí của Tòa trọng tài ICC tỉ lệ thuận với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu. Yêu cầu càng nhiều tiền bồi thường, án phí sẽ càng cao.
Thế nên, có lẽ lập luận thiên về phía Thỏa thuận 2006 đã có sẵn điều khoản này có phần nhỉnh hơn, vì khó mà thuyết phục một bên đồng ý trả một số tiền án phí lớn như vậy sau khi đơn kiện đã được nộp, trong khi họ có thể thương thảo để sử dụng một tòa trọng tài khác.
Khi nào Toà ICC Paris mới ra phán quyết?
Sau một tuần tổ chức xét xử, hội đồng trọng tài của Tòa ICC đã kết thúc phần nghe thẩm vào cuối tháng 8/2017. Nếu không xảy ra tình huống đặc biệt – ví dụ như hội đồng này yêu cầu thêm thời gian xử lý – thì trong vòng tối đa sáu tháng, một phán quyết sẽ được công bố.
Chúng ta có thể dự đoán được kết quả vụ việc hay không?
Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam toàn thắng trong tất cả các vụ kiện theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Theo thống kê của Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD), từ năm 2003-2013, ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình thì còn có ba hồ sơ khác đã khởi kiện chính phủ Việt Nam dựa theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Chính phủ Việt Nam là bên thắng cuộc của cả ba vụ kiện này, RECOFI v. Viet Nam năm 2013, Dialasie v. Viet Nam năm 2011, và McKenzie v. Viet Nam năm 2010.
Một phán quyết của tòa trọng tài (arbitral award) như Tòa ICC sẽ có giá trị chung thẩm, và có thể được thi hành tại 157 quốc gia đã ký kết và thông qua Công ước New York về thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài (The Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards – New York Arbitration Convention).
Trừ một số trường hợp đặc biệt có mâu thuẫn với luật pháp của nước được yêu cầu thi hành phán quyết, đại bộ phận các nước tham gia Công ước New York sẽ tiến hành thủ tục thi hành bản án.
Điều duy nhất bên thua cuộc có thể làm – nếu không đồng ý với phán quyết – là nộp đơn lên một tòa án quốc gia để yêu cầu bác bỏ phán quyết trọng tài (set aside arbitral award). Đó cũng là những gì mà nguyên đơn RECOFI đã làm trong tranh chấp với chính phủ Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, một tòa án Thụy Sĩ đã bác đơn yêu cầu của RECOFI và giữ nguyên phán quyết trọng tài.
Trở lại hồ sơ của vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình năm 2017. Vì lý do bảo mật, công chúng hầu như không có bất kỳ thông tin gì về các đơn kiện, đơn phúc đáp hay về diễn biến của phiên xử cuối tháng 8/2017 tại Tòa Trọng tài ICC.
Vậy nên, sẽ rất khó để phán đoán ai thắng ai thua lúc này khi không đủ dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận. Ngay cả khi phán quyết được đưa ra, chúng ta rất có thể chỉ được biết bên nào là bên thắng cuộc mà không thể biết được số tiền bồi thường chính xác nếu có yêu cầu giữ kín thông tin đó.
Tuy nhiên, trong vụ án đang chờ phán quyết năm 2017, ông Trịnh Vĩnh Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam vi phạm Thỏa thuận 2006 và không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà họ đã ký, gây ra tổn thất cho ông. Đây là một vụ án vi phạm hợp đồng, và vấn đề pháp lý liên quan có thể sẽ đơn giản hơn ba hồ sơ của các vụ việc về bảo hộ đầu tư nêu trên rất nhiều. Thế nên, tình hình có lẽ lạc quan hơn một chút đối với phe ông Trịnh Vĩnh Bình.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, án phí của vụ kiện này có thể lên đến 1,78 triệu Mỹ kim, và mỗi bên đều phải nộp trước một nửa để tòa thụ lý. Bên thua cuộc có thể sẽ phải chịu toàn bộ án phí cho bên thắng cuộc.
Một suy đoán hợp lý là, sẽ không có cá nhân nào bỏ ra một khoản án phí lớn như vậy (chưa kể chi phí cho luật sư), nếu không nghĩ rằng mình nắm hơn 50% khả năng thắng kiện. Cũng như, không ai lại đòi mức bồi thường cao như thế để phải trả một số tiền án phí tương xứng nếu họ không có cơ sở pháp lý vững chắc cho con số 1,25 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, trước khi Toà Trọng tài ra phán quyết, hai bên vẫn có thể thoả thuận với nhau ngoài toà và yêu cầu toà công nhận thoả thuận đó. Ngoài ra, như mọi vụ kiện dân sự khác, ông Bình hoàn toàn có thể rút đơn tuỳ ý.
Tóm tắt:
. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã khởi kiện chính phủ Việt Nam tới hai lần: lần một năm 2003 để đòi bồi thường vì những thiệt hại mà ông chịu trong thời gian đầu tư ở Việt Nam, đến 2006 hai bên đã có thoả thuận bồi thường; lần hai năm 2017 ông kiện vì chính phủ Việt Nam không thực hiện đầy đủ thoả thuận bồi thường năm 2006.
. Cơ sở để ông Bình kiện là Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và Hà Lan.
. Ông Bình kiện được vì ông ấy là công dân Hà Lan đầu tư ở Việt Nam. Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam được, mà chỉ có thể khởi kiện chính phủ Hà Lan nếu có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
. Cơ quan giải quyết cả hai vụ kiện này là các toà trọng tài thương mại quốc tế ở Thuỵ Điển và Pháp.
. Toà Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trong vòng sáu tháng kể từ cuối tháng 8/2017, trừ khi có vấn đề khác phát sinh.
Tài liệu tham khảo:
baotiengdan.com/2017/09/06/hoi-va-dap-vu-trinh.