Tin Việt Nam – 06/09/2017
Vác súng đến nhà thờ Thọ Hóa đòi ‘đối thoại’?
Một nhóm đàn ông có trang bị súng và dùi cui đến giáo xứ Thọ Hoá hôm 4/9 đòi ‘đối thoại’ với linh mục Nguyễn Duy Tân vì vị này có “những lời lẽ phỉ báng Hồ Chí Minh và lật đổ chính quyền.”
Trao đổi với BBC hôm 6/9, Linh mục Nguyễn Duy Tân cho biết, tầm 10 giờ rưỡi sáng 4/9, một nhóm người đàn ông tự xưng là “người yêu nước”, đã kéo đến nhà thờ Thọ Hoà, ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Theo như lời linh mục Tân thì có khoảng 20 người đi trên một chiếc xe 52 chỗ.
“Họ vào trong khuôn viên nhà thờ, dùng loa thùng lớn tiếng yêu cầu tôi đối thoại. Tôi thấy họ bất lịch sự quá nên không chịu đối thoại.”
Nghệ An: Hội phụ nữ ‘phản đối linh mục Nam’
Giới linh mục vận động quốc tế về vụ Formosa
Linh mục Thái Hà bị cấm xuất cảnh
“Sau đó giáo dân xung quanh kéo đến đông hơn, họ phát hiện đám người này có súng và dùi cui, nên hai bên xảy ra cãi cọ xô xát. Lúc sau, chúng tôi kéo cổng nhà thờ lại thì một số bỏ chạy. Còn khoảng 13 người còn ở lại trong khuôn viên nhà thờ.
Họ vào trong khuôn viên nhà thờ, dùng loa thùng lớn tiếng yêu cầu tôi đối thoạiLinh mục Tân
“Có một người cầm súng khi bị giáo dân lục soát thì ném qua hàng rào nhà [một người dân] và bị giáo dân bắt quả tang và bị đánh rất đau. Họ sau đó viết bản tường trình, xin lỗi và hứa sẽ không quấy rối,” linh mục Tân kể lại.
“Người yêu nước”
Trong video quay trực tiếp tại vụ việc đăng tải trên Facebook, một số công an địa phương đã có mặt tại hiện trường, xem xét hung khí và sau đó áp giải 13 người này đi.
Trong các bản tường trình, 13 người này bị giáo dân bắt giữ đều nói họ là “người yêu nước” và “muốn đối thoại với linh mục Nguyễn Duy Tân về những lời lẽ phỉ báng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lật đổ chính quyền Đảng Cộng Sản”.
Linh mục Tân cho biết ông trước giờ luôn thừa nhận “Hồ Chí Minh là danh nhân thế giới” và chỉ là “trang báo nước ngoài nói Hồ Chí Minh là một trong những tên diệt chủng hàng đầu trên thế giới thôi! Tôi bảo họ có ý kiến gì thì đi kiện nhà báo nước ngoài ấy!”
Ông cũng cho biết trên trang cá nhân ông chưa giờ đề cập đến việc “lật đổ Đảng Cộng Sản.”
HRW: Các nhà hoạt động ‘không chốn dung thân’ ở VN
Linh mục Đặng Hữu Nam bác bỏ cáo buộc
Báo QĐND nói về ‘lợi dụng tôn giáo kích động’
“Đó chỉ là mong muốn trong suy nghĩ, tư tưởng của tôi, là phải giải tán Đảng Cộng Sản, nhưng trước giờ tôi chưa giờ viết ra hay nói ra trên mạng xã hội của mình cả.”
Khi được hỏi nếu có một cuộc đối thoại công khai, công bằng liệu ông sẽ đối thoại, linh mục Tân cho hay:
“Tôi luôn nhấc điện thoại trò chuyện với bất kỳ ai, chỉ những ai bất lịch sự thì tôi không tiếp.”
Ông cũng cho biết đây là lần thứ ba có người đến gây rối và đòi đối thoại.
Trong số nhóm người đàn ông có mặt tại nhà thờ hôm 4/9 có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, người đã từng đến nhà thờ Thọ Hoá yêu cầu đối thoại một lần nhưng linh mục từ chối.
‘Đang điều tra xác minh’
BBC Tiếng Việt cũng đã tìm cách liên lạc với ông Nghĩa nhưng ông không phản hồi các câu hỏi của phóng viên.
Qua điện thoại, công an trực ban huyện Xuân Lộc, cho BBC từ Bangkok biết hôm 6/9 rằng:
“Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra xác minh, và chưa có kết quả vì còn phải xác minh một số đối tượng, mục đích động cơ.”
Khi được hỏi đối tượng điều tra là đối tượng nào, thì viên công an nói phải hỏi cơ quan điều tra trên tỉnh.
Khi BBC liên lạc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Phòng cảnh sát Điều tra Trật tự xã hội tỉnh Đồng Nai thì các công an trực ban đều từ chối cung cấp thông tin và nói “đài [BBC] cần có giấy mời” mới có thể cung cấp thông tin.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41175474
Thấy gì qua vụ côn đồ gây rối tại Giáo xứ Thọ Hòa?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Một nhóm khoảng 20 người cùng súng ngắn và roi điện đến Giáo xứ Thọ Hòa vào sáng ngày 4 tháng 9, đe dọa có biện pháp trừng phạt đối với Linh mục Chánh xứ giáo xứ này.
Xâm nhập Giáo xứ với vũ khí
Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 4 tháng 9, trên trang Facebook cá nhân, Linh mục Nguyễn Duy Tân, Chánh xứ Giáo xứ Thọ Hòa, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, thông báo một nhóm người đi trên chiếc xe khách 52 chỗ ngồi, mang theo súng ngắn, roi điện, bình xịch hơi cay. Nhóm người tự xưng là “giáo dân” tiến vào khuôn viên của nhà thờ, cầm loa yêu cầu gặp Linh mục Nguyễn Duy Tân và đe dọa “có biện pháp trừng phạt” đối với ông. Nhóm người này còn hành hung và đánh đập một giáo dân tên Thanh.
Trước sự hung hăng của nhóm người mà Linh mục Nguyễn Duy Tân khẳng định là dư luận viên, vị linh mục Chánh xứ cho khóa cổng nhà thờ, mời đại diện của Ban Hành Giáo đến và rung chuông để kêu gọi giáo dân cùng các giáo xứ lân cận đến hiệp thông và tiếp cứu.
Mình nhận ra anh Nguyễn Trọng Nghĩa trong nhóm Cờ Đỏ và nhiều dấu hiệu nữa, như an ninh ở xã luôn mời họ về xã để tìm cách giúp đỡ họ. An ninh ở huyện cũng vậy…Họ không chịu ghi số hiệu của súng bao nhiêu mà chỉ tìm cách mang hết chứng cớ và người về huyện thôi. Họ không có làm việc nhiệt tình. Mình quyết định không khởi tố. Cộng sản thì cùng phe với nhau nên mình khởi tố cũng chẳng ăn thua gì đâu
-Linh mục Nguyễn Duy Tân
Đến tầm 2 giờ chiều, Chủ tịch xã Xuân Thọ cùng rất đông công an của xã và huyện đến nhà thờ Thọ Hòa. Phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc, ông Nguyễn Thành Lợi lên tiếng khen ngợi Giáo xứ đã xử lý tình huống tốt. Đồng thời, ông Lợi cũng cho biết:
“Đối với nhóm người này, chúng tôi hoàn toàn không biết từ đâu đến. Tôi còn nghe được họ mang theo công cụ hỗ trợ, gồm súng và roi điện nên tôi gọi tình hình này là phức tạp. Thay mặt cho công an huyện, tôi sẽ mời tất cả những người này về đồn để làm rõ và xử lý như thế nào thì tôi sẽ báo lại cho Tòa giám mục, Giáo xứ và cả bà con giáo dân.”
Tuy nhiên đại diện của Ban Hành Giáo yêu cầu lập biên bản tại chỗ đối với 13 người trong nhóm đã bị giáo dân bắt giữ và phải cam kết sẽ không đến Giáo xứ Thọ Hòa gây rối về sau nữa. Trong bản tường trình của 13 người đến gây rối đều xác nhận do bức xúc trước phát ngôn của Linh mục Nguyễn Duy Tân đòi lật đổ Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam bằng việc tổ chức trưng cầu dân ý, cũng như có lời lẽ xúc phạm Hồ Chủ Tịch nên họ đến để trao đổi và đối thoại với Linh mục Nguyễn Duy Tân.
Linh mục Chánh xứ không khởi tố
Linh mục Nguyễn Duy Tân khẳng định ông bị nhóm người này vu khống vì ông chỉ đề nghị cần phải giải tán Đảng Cộng Sản trong một ý kiến cá nhân, được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, liên quan đến hiến kế cho thành phố Sài Gòn hết kẹt xe. Linh mục Nguyễn Duy Tân nói với RFA rằng nếu ông vi phạm pháp luật thì chính quyền xử lý theo pháp luật chứ không phải bởi nhóm người này và mặc dù nhóm người đã xâm nhập vào Giáo xứ với vũ khí sát thương nhưng Linh mục Nguyễn Duy Tân sẽ không yêu cầu chính quyền huyện khởi tố vụ án, vì:
“Mình nhận ra anh Nguyễn Trọng Nghĩa trong nhóm Cờ Đỏ và nhiều dấu hiệu nữa, như an ninh ở xã luôn mời họ về xã để tìm cách giúp đỡ họ. An ninh ở huyện cũng vậy, họ không chịu làm việc ngay tại đó. Họ không chịu lấy súng ra đếm bao nhiêu viên đạn để ghi vào biên bản. Họ không chịu lập biên bản luôn. Họ không chịu ghi số hiệu của súng bao nhiêu mà chỉ tìm cách mang hết chứng cớ và người về huyện thôi. Họ không có làm việc nhiệt tình. Mình quyết định không khởi tố. Cộng sản thì cùng phe với nhau nên mình khởi tố cũng chẳng ăn thua gì đâu.”
Trong khi đó, một số cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ đối với chủ tài khoản Facebook Phan Hùng đã đăng tải công khai một nội dung trấn an nhóm người đến gây rối tại Giáo xứ Thọ Hòa rằng khẩu súng bị giáo dân giữ làm tang vật có giấy phép sử dụng và công an sẽ có cách giải quyết. Phan Hùng là người từng tham gia vào vụ đánh đập 3 phụ nữ tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, hồi đầu tháng 5 năm nay, vì cho rằng 3 phụ nữ này là “phản động”.
Kể từ khi vụ việc xảy ra tại Giáo xứ Thọ Hòa, Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng xã hội mấy ngày qua đồng loạt chia sẻ họ đang nôn nóng chờ đợi thông báo của chính quyền huyện Xuân Lộc về xử lý vụ việc xảy ra tại Giáo xứ Thọ Hòa vào ngày 4 tháng 9 ra sao. Và các cư dân mạng mà chúng tôi tiếp xúc bảo rằng dù Linh mục Chánh xứ Giáo xứ Thọ Hòa không yêu cầu khởi tố nhưng trách nhiệm của chính quyền huyện Xuân Lộc phải khởi tố vụ án hình sự vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã xảy ra.
Chúng tôi đặt vấn đề với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, liên quan nếu khởi tố vụ án và được Luật sư Hậu cho biết nhóm người này có thể bị xét xử theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam, về tội “gây rối trật tự công cộng” và trong trường hợp vật chứng là khẩu súng mà có giấy phép sử dụng thì:
Một người có thể sử dụng vũ khí mà không đúng nhiệm vụ của mình thì trong luật có một tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng tấn công người khác, bởi vì quyền con người là bất khả xâm phạm về mặt thân thể. Hiến pháp đã nói rất rõ điều đó. Vì vậy, tất cả những việc đó đều phải xử lý theo quy định của pháp luật
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
“Mỗi người sử dụng vũ khí theo Luật về quân trang, quân dụng và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì tất cả thuộc về các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy phép sử dụng và khi họ thực hiện nhiệm vụ thì phải có một công vụ. Những người thực hiện công vụ của mình đều phải được công khai. Cho nên có thể một người sử dụng vũ khí mà không đúng nhiệm vụ của mình thì trong luật có một tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng tấn công người khác, bởi vì quyền con người là bất khả xâm phạm về mặt thân thể. Hiến pháp đã nói rất rõ điều đó. Vì vậy, tất cả những việc đó đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.”
Bạo lực xã hội leo thang
Dư luận trong và ngoài nước quả quyết tình trạng bạo lực xã hội tại Việt Nam ngày càng leo thang do chính quyền không những dung túng mà còn sử dụng côn đồ để cai trị người dân. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch từng đưa ra nhận định nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng côn đồ để đánh đập những người có tiếng nói đối lập với chính quyền.
Sau khi vụ việc 3 phụ nữ bị côn đồ hành hung dã man tại quận 2 hồi đầu tháng 5 năm 2017, nhiều người lên tiếng yêu cầu Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án để củng cố niềm tin của dân chúng được sống trong một xã hội bình yên và thượng tôn pháp luật. Nhưng, vụ việc này đã bị cho “chìm xuồng’ và chưa kịp lắng dịu thì một nhóm côn đồ đông hơn đã đột kích vào Giáo xứ Thọ Hòa cùng vũ khí sát thương như một bằng chứng rõ ràng chính quyền đang thách thức người dân qua sự lộng hành mà dân chúng gọi là “côn đồ trị”.
Và không ít người dân trong nước cho rằng dù “công an trị” hay “côn đồ trị” cũng không dập tắt được tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam, mà trái lại đã phơi bày trước thế giới sự cai trị bằng bạo quyền của Đảng Cộng Sản lãnh đạo, như lời chia sẻ của cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định với RFA rằng “Thật sự tôi thấy thất vọng cho một xã hội được nói là có pháp luật như thế này.”
Đề nghị điều tra việc kích động ở trạm thu phí quốc lộ 5
Đơn vị được giao thu phí tại trạm quốc lộ 5 đã báo cáo các cơ quan an ninh Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên để điều tra việc một số cá nhân gây rối, kích động khi dùng tiền lẻ qua trạm.
Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam Vidifi, ngày 27/8, một tài xế đã dùng tiền lẻ để trả phí khi đi qua trạm số 1, quốc lộ 5 sau đó ghi hình lại và đưa lên mạng xã hội. Một số đối tượng nhân sự việc này đã kêu gọi kích động tiêu cực về trạm thu phí trên mạng xã hội.
Báo cáo của công ty này cũng nói rõ vào ngày 4/9 khoảng 30 xe ô tô sử dụng tiền mệnh giá thấp đi qua trạm sau đó lại quay đầu đi hướng ngược lại và tiếp tục dùng tiền lẻ để trả phí nhằm gây ách tắc giao thông. Các xe này thậm chí còn dàn hàng ngang, tạo tình huống tai nạn xe giả để người dân hiếu kỳ ra xem.
Lãnh đạo Vidifi cho biết đã báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành liên quan để có ý kiến chỉ đạo.
Chủ tịch Trần Đại Quang đón khách Ai Cập
Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, nhà lãnh đạo đầu tiên của Ai Cập tới Việt Nam, cùng Chủ tịch chủ nhà Trần Đại Quang, đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hôm 6/9, trong chuyến thăm hai ngày của ông al-Sisi tới Hà Nội.
Việt Nam và Ai Cập hôm thứ Tư đồng ý tăng gấp ba lần mức thương mại song phương, lên 1 tỷ đô la.
Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ nhì của Việt Nam tại châu Phi, tuy có phần suy giảm trong những năm gần đây.
Năm ngoái, thương mại song phương đạt gần 320 triệu đô la, giảm so với mức gần 400 triệu hồi 2014.
Chuyến đến Việt Nam của ông al-Sisi, nguyên là tướng quân đội, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang muốn kêu gọi đầu tư quốc tế từ các đồng minh mới tại châu Phi và Trung Đông.
Sau một thời gian vắng bóng khiến các báo quốc tế nêu ra câu hỏi về sức khoẻ của ông, nay Chủ tịch Trần Đại Quang, người cũng mang hàm Đại tướng Công an, đã xuất hiện liên tiếp trên truyền thông Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41180539
Việt Nam và Ai Cập sẽ nâng kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD
Việt Nam và Ai Cập khẳng định quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 1 tỷ USD trong thời gian tới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh, như viễn thông, công nghệ thông tin, cảng biển, đóng tàu, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản.
Đó là kết quả buổi hội đàm giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El Sisi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội vào hôm 6/9, nhân chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng thống Sisi. Đây được cho là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo Ai Cập.
Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Sisi nói với báo giói rằng tại buổi hội đàm hai bên đã thảo luận về cách thức để tăng cường quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, bởi với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ai Cập vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi, mặc dù kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia có dấu hiệu đi xuống trong những năm gần đây, giảm từ 395 triệu USD vào năm 2014 xuống 316 triệu USD vào năm ngoái.
Hà Nội trả lời vụ ‘Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam’
Chính quyền trong nước hôm 6/9 đã lên tiếng phản hồi về thông tin Bình Nhưỡng “chuyển hướng đưa than sang Việt Nam”, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc và nhiều khả năng đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ.
Trả lời VOA tiếng Việt liên quan tới báo cáo của Liên Hiệp Quốc [LHQ] về việc Bắc Hàn “xuất than sang các nước thành viên [LHQ] khác là Malaysia và Việt Nam”, sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi tháng Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371”.
Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua ngày 5/8, theo đó cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla.
Trung Quốc sau đó đã ngưng nhập than của Bắc Hàn, và hãng tin Kyodo của Nhật dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất than sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla kể từ tháng Hai năm nay.
Phúc trình do một nhóm chuyên gia đại diện cho các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an thực hiện nhận định rằng việc “thực thi lỏng lẻo” các biện pháp trừng phạt hiện thời, cũng như “các kỹ thuật ‘lách’” của Bình Nhưỡng đã làm tổn hại tới các mục tiêu của LHQ là buộc Bắc Hàn phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong email gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, VOA tiếng Việt cũng đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam hiện có duy trì quan hệ thương mại với Bắc Hàn hay có gửi viện trợ cho Bắc Hàn trong vòng hai năm qua hay không.
Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng, đầu năm nay, “tại trụ sở Ủy Ban Liên lạc Văn hóa Đối ngoại Triều Tiên, Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc”.
Bản tin ngắn viết tiếp: “Với số lượng phân bón trên, hy vọng Nông trường Mi Cốc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và tăng sản lượng nông nghiệp năm 2017, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước vốn được các vị lãnh đạo dày công gây dựng và vu đắp”.
Trong năm 2015, ông Hùng đã “thăm Trường Đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng và trao tặng Bộ môn tiếng Việt, Khoa ngôn ngữ Dân tộc của trường 3 bộ máy vi tính và 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12”.
Cũng theo trang web của cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng, “năm 1996, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi nay là 17 triệu USD” và “từ đó tới nay hai nước hầu như không buôn bán với nhau”.
Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng “12 nghìn tấn gạo”.
Hai ngày sau khi Bắc Hàn thực hiện vụ thử hạt nhân lớn hôm 2/9, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng Hoa Kỳ “sẽ xem xét mọi quốc gia làm ăn với Bắc Hàn và coi đó là việc viện trợ các kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của họ [Bắc Hàn]”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “Hoa Kỳ đang cân nhắc cắt đứt mọi quan hệ thương mại với bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Bắc Hàn”.
Về vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng hôm 3/9 nói rằng hành động của Bình Nhưỡng đã “vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Bà cũng tuyên bố rằng “Việt Nam là phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới”.
Theo giới quan sát, Bắc Hàn từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Hàn Quốc tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-phan-hoi-vu-bac-han-xuat-than-sang-viet-nam/4017190.html
Đà Nẵng quyết tiến hành dự án du lịch ở Sơn Trà
Chính quyền Đà Nẵng thể hiện quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà, tuy nhiên đồng ý giảm bớt quy mô xây dựng để đảm bảo an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học của nơi này trước sức phản kháng mạnh mẽ của dư luận.
Một nhà bất đồng chính kiến ở Đà Nẵng nói ông phản đối việc xây dựng ở Sơn Trà bất kể là ở quy mô nào, và bán đảo Sơn Trà nên được giữ nguyên trạng.
Báo chí trong nước đưa tin, trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 5/9, chính quyền Đà Nẵng đưa ra đề xuất năm điểm về cách xử lý đối với các khu du lịch ở Sơn Trà trước những ý kiến không đồng tình trong thời gian qua.
Theo báo cáo của chính quyền Đà Nẵng, thì thành phố này vẫn muốn phát triển Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia theo hướng du lịch sinh thái, thể thao và nghỉ dưỡng cao cấp. Lý do mà chính quyền Đà Nẵng đưa ra là vì dự án đó “phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam”, “góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương” và được nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép với phương châm “bảo tồn đi đôi với phát triển”.
Bán đảo Sơn Trà được cho là có vị trị trọng yếu về an ninh quốc phòng và nơi đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật đặc hữu, trong đó có loài voọc chà vá. Chính quyền Đà Nẵng đồng ý rằng phát triển du lịch tại Sơn Trà phải đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Để đảm bảo các mục tiêu này, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng đã đưa ra một số đề xuất, trong đó nổi bật là chỉ cho xây dựng từ độ cao 100 mét trở xuống và các công trình được xây dựng chỉ phục vụ mục đích lưu trú chứ không cho phép cư trú.
Ngoài ra Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu chỉ cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện để đảm bảo an ninh- quốc phòng. Các dự án đã hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động được Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cho phép giữ lại.
Xét trên các tiêu chí này thì trong số 18 dự án đã được Ủy ban nhân dân Đà Nẵng cấp phép xây dựng ở Sơn Trà đến thời điểm cuối năm 2012, có 6 dự án không phù hợp, 10 dự án cần phải cắt giảm quy mô và hai dự án được kiến nghị cho giữ nguyên, theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tuy nhiên, không rõ 6 dự án không phù hợp sẽ được xử lý như thế nào.
Trao đổi với VOA, blogger Huỳnh Ngọc Chênh ở Đà Nẵng, nói ông “phản đối hoàn toàn mọi công trình xây dựng ở Sơn Trà dù là 100 mét trở xuống”.
“Chỉ xây ở 100 mét trở xuống cũng làm hỏng Sơn Trà. Sơn Trà phải giữ cho nguyên vẹn. Ngoài đoạn đường bên giới được khai thác du lịch thì không cho xây dựng gì thêm. Giữa thành phố có một ngọn núi đẹp như vậy, một khu rừng đẹp như vậy thì cần phải giữ,” ông Chênh nói.
“Sơn Trà đúng nghĩa là để ngắm. Nếu xây dựng trên thì sẽ làm mất đi sự hấp dẫn đối với du khách,” ông nói thêm.
Ông Chênh nói rằng những người dân ở Đà Nẵng mà ông quen biết và tiếp xúc “hầu hết đều nói phải giữ Sơn Trà cho nguyên vẹn và phải dọn hết các công trình”.
Nhà hoạt động này nói rằng việc xây dựng trên bán đảo Sơn Trà là “của các nhóm lợi ích có thế lực rất mạnh” khiến cho Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng đá qua đá lại – không ai dám ‘đụng đến’.
“Chắc chắn một điều là các công ty hoạt động về địa ốc ở Việt Nam phần đông đều là các nhóm lợi ích, đều có vốn hoặc có sự đỡ đầu của ông này ông khác,” ông Chênh nói, “Các công ty mua được đất, lấy được dự án ở Sơn Trà chắc chắn phải có thế lực đỡ đầu.”
“Các dự án ở Sơn Trà là do từ thời ông Nguyễn Bá Thanh để lại. Chính quyền mới của Đà Nẵng mới lên không dám đụng đến các nhóm lợi ích.”
Ông Chênh cho biết chính ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, là người vận động để cho phép xây dựng đến độ cao 200 mét ở Sơn Trà, để “bán được nhiều đất” và thu được nhiều tiền.
https://www.voatiengviet.com/a/da-nang-quyet-tien-hanh-du-an-du-lich-o-son-tra/4016147.html