Tin khắp nơi – 04/09/2017
Mỹ cảnh báo phản ứng quân sự dữ dội’ với Bắc Hàn
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis nói bất kỳ mối đe dọa nào của Bắc Hàn đối với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ bị đáp trả với “một phản ứng quân sự dữ dội”.
Ông Mattis đưa ra các tuyên bố này sau cuộc họp an ninh quốc gia với Tổng thống Donald Trump về vụ thử hạt nhân bí mật gần đây nhất của Bắc Hàn.
Bình Nhưỡng nói họ đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch có thể được nạp vào một tên lửa tầm xa.
Bắc Hàn đã thách thức các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và áp lực quốc tế bằng việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể bay tới Mỹ.
Bắc Hàn nói thử bom nhiệt hạch ‘thành công’
Trump: ‘Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn’
Biển Đông: Mỹ có kế hoạch tăng cường tuần tra hàng hải
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói rằng Hoa Kỳ có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Bất cứ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ hay các vùng lãnh thổ – bao gồm cả Guam – hoặc các đồng minh của chúng ta, sẽ bị đáp trả với một phản ứng quân sự dữ dội, một phản ứng hiệu quả và mãnh liệt.”
Tuy nhiên, ông nói vẫn hy vọng cho việc phi hạt nhân hoá, “bởi vì chúng tôi không muốn hủy diệt toàn bộ một quốc gia, cụ thể là Bắc Hàn”.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào thứ Hai, 4/9 để thảo luận về một phản ứng quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng Mỹ có thể ngừng giao dịch với bất cứ quốc gia nào đang hợp tác với Bắc Hàn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41144626
Phi công Bỉ rơi khỏi trực thăng cùng đội dù?
Một phi công tại Bỉ đã rớt khỏi trực thăng lúc trình diễn nhảy dù ở Amay, gần Liege trong buổi khai trương tiểu đoàn bộ binh số 4.
Màn trình diễn gồm phần đưa ba quân nhân khác nhảy dù ra khỏi chiếc trực thăng ở độ cao vài trăm mét.
Lại rơi trực thăng huấn luyện
‘Cánh tà hỏng’ làm rơi máy bay Nga
Indonesia: Phi cơ quân đội rơi, 13 người thiệt mạng.
Nhưng một trong hai phi công không có dù cũng rơi ra ngoài và hiện bị coi là ‘mất tích’.
Sau khi người lái phụ giúp ba lính dù nhảy ra và quay về chỗ ngồi đã phát hiện ra phi công lái chính đã biến mất.
Người lái phụ đã nhanh chóng kiểm soát chiếc trực thăng Agusta A-109 và đáp xuống an toàn.
Hiện quân đội Bỉ đang tiếp tục tìm người này
Hiện chưa rõ nguyên nhân của việc phi công nọ rớt khỏi trực thăng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41153282
Vì sao tờ Cambodia Daily bị buộc phải đóng cửa?
Tờ nhật báo độc lập Cambodia Daily, một trong số ít những tờ báo độc lập ở Cambodia, vừa cảm ơn bạn đọc để rồi đóng cửa vào Thứ Hai 4/9 vì bị chính phủ Hun Sen giáng cho một hoá đơn thuế khổng lồ.
Tờ Cambodia Daily, được xuất bản bằng tiếng Anh và thường đăng các bài chỉ trích chính phủ, cho biết họ phải đóng cửa vì hóa đơn thuế lên tới 6,3 triệu USD.
Hôm Chủ nhật 3/9, lãnh tụ đối lập Kem Sokha bị công an Campuchia bắt vì tội “phản quốc”.
Ông bị cáo buộc đã thông đồng với một số người nước ngoài làm hại đất nước.
Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Trang nhất của số báo cuối cùng, được xuất bản hôm thứ Hai 4/9, có bài mang tựa đề “Dấn sâu vào con đường độc tài” (“Descent Into Outright Dictatorship”) trong bối cảnh Thủ tướng Hun Sen tấn công mạnh vào những cá nhân và tổ chức chỉ trích chính phủ, hãng tin Anh Reuters cho hay.
Vụ bắt giữ ông Kem Sokha là một trong số hàng loạt động thái chống lại các phe phái và tổ chức đối lập mà chính phủ của ông Hun Sen coi là quan trọng.
‘Vấn đề nhạy cảm’
“Chúng tôi đã là cái gai đối với Hun Sen trong suốt thời gian tờ báo hoạt động. Tờ báo này tự hào là tờ viết về những vấn đề nhức nhối nhất, ” Reuters dẫn lời bà Jodie DeJonge, tổng biên tập người Mỹ của tờ Cambodia Daily.
Hoạt động từ 1993, tờ Cambodia Daily chỉ phát hành vài ngàn bản mỗi ngày nhưng có tiếng là tờ báo đưa tin về những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, lãng phí, các vấn đề về môi trường và quyền đất đai.
Hồi tháng 8, ông Hun Sen, bản thân từng là một chỉ huy của Khmer Đỏ nhưng sau rời bỏ hàng ngũ, và đã nắm quyền hơn 30 năm, gọi nhân viên của tờ Cambodia Daily là “kẻ cắp” và nói nếu hóa đơn thuế này không được trả trong vòng 30 ngày, tờ báo này phải “cuốn gói và ra khỏi Campuchia”.
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Trong bản thông báo ra hôm Chủ Nhật 3/9 về việc đóng cửa, tờ báo này nói: “Rất có thể có bất đồng giữa cục thuế và những người chủ tờ báo Cambodia Daily về khoản thuế báo này còn nợ và thời điểm phải trả. Nếu theo một quá trình bình thường, những vấn đề bất đồng sẽ được giải quyết sau khi có kiểm toán và thỏa thuận riêng.
Thay vào đó, tờ Cambodia Daily bị nhắm vào với một khoản thuế khổng lồ, với những thông tin vu khống và không chính thức. “
Thủ tướng Hun Sen nói tờ báo này cũng phải trả thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác.
“Khi họ không trả thuế và chúng tôi yêu cầu họ rời khỏi Cambodia, họ nói chúng tôi là chế độ độc tài,” ông Hunsen nói.
Hồi kết của tự do báo chí?
Cho tới thời gian gần đây, Campuchia có mức độ tự do báo chí tương đối cao so với các nước láng giềng như Việt Nam hay nước quân chủ Thái Lan.
“Khi tờ Cambodia Daily bị đóng cửa, điều đó có nghĩa tự do báo chí ở Cambodia đã hết,” ông Chhorn Chansy, biên tập tin tức người Campuchia của tờ này nói. Tờ Cambodia Daily có hơn 30 nhà báo, một nửa trong số đó là người nước ngoài.
Chính phủ Campuchia trước đây đã từng đe dọa đóng cửa các hãng truyền thông mà họ cho là đe dọa “ổn định” của nước này.
Ngoài tờ Cambodia Daily, các hãng truyền thông độc lập khác, trong đó có Radio Free Asia và Voice of America cũng được cho là từng bị chính phủ cáo buộc không theo nghĩa vụ trả thuế. Những hãng này thường xuyên đưa tin về những vấn đề làm xấu mặt chính phủ, như tham nhũng và nhân quyền.
Tháng trước 18 đài phát thanh cũng phải ngừng phát sóng và các đài phát thanh địa phương không được phép cho Châu Á Tự do (Radio Free Asia) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) thuê làn sóng và thời lượng.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói bộ này “hết sức quan ngại vì bầu không khí dân chủ đi xuống ở Campuchia” trong những tuần qua.
Nhưng chính phủ Campuchia phủ nhận tầm quan trọng của những vụ việc này và nói rằng những nhà báo chủ chốt vẫn có quyền tự do đáng kể ở nước này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41148252
Hoàng tử William và Kate ‘sắp có con thứ ba’
Hoàng tử William và Nữ công tước Catherine của xứ Cambridge, Anh Quốc, sẽ có em bé thứ ba, Điện Kensington vừa thông báo.
Nữ hoàng Anh và gia đình hai bên đều “rất vui mừng với tin này”.
Cũng giống như hai lần mang thai trước đây, nữ công tước Catherine, còn hay được gọi là Kate, năm nay 35 tuổi, đang bị ốm nghén nặng.
William, Công tước Cambridge, và Kate hiện có con trai George bốn tuổi và con gái Charlotte hai tuổi.
Nguyên tắc trang phục Hoàng gia Anh
Hoàng tế Philip sẽ ngưng các hoạt động giao tế
Theo bình luận của Peter Hunt, phóng viên BBC chuyên về hoàng gia Anh, em bé thứ ba này, dù là trai hay gái thì cũng sẽ không có cơ hội lên ngôi vua.
Hiện nay con trai cả của gia đình Công tước Cambridge, Hoàng tử George, sẽ là người nối ngôi báu.
Chính vì thế, việc sinh con thứ ba này “không có ý nghĩa gì về mặt hiến pháp” với nước Anh, theo ông Hunt.
Tuy thế, chuyện nhà Cambridge có ba con “sẽ thay đổi hình ảnh tương lai của Vương triều Anh” trong thế kỷ 21.
Tin vui này được công bố vào đúng dịp tưởng niệm 20 năm ngày qua đời của Công nương Diana, mẹ của Hoàng tử William.
Bà tử nạn tại Paris ngày 31/08/1997.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-41153582
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về Bắc Hàn
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 4/9 tổ chức phiên họp khẩn, một ngày sau khi Bắc Hàn tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, theo Reuters, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Lưu Kết Nhất, thúc giục Bắc Hàn “chấm dứt các hành động sai trái”.
Ông đồng thời kêu gọi tất cả các bên “nghiêm túc cân nhắc” đề xuất của Bắc Kinh về việc cùng ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.
Trong khi đó, đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ công bố một nghị quyết mới về Bắc Hàn trong tuần này và muốn đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an vào tuần tới.
Đại sứ Haley cũng thúc giục Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp mạnh nhất có thể nhằm chặn đứng Bắc Hàn tiến hành các bước đi tiếp theo trong chương trình hạt nhân của nước này.
Bà nói thêm rằng Washington tuần này sẽ thương thảo về nghị quyết mới, và cho rằng Bắc Hàn “đã tát vào mặt tất cả mọi người” bằng vụ thử hạt nhân.
Bắc Hàn hôm 3/9 tuyên bố đã phóng thử thành công bom nhiệt hạch có thể được gắn trên tên lửa tầm xa, khiến Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo phản ứng quân sự “rầm rộ” từ Mỹ nếu nước này hay các đồng minh của mình bị đe dọa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.
Còn đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia, kêu gọi Hội đồng Bảo an “ngay lập tức trở lại đối thoại và đàm phán”, đồng thời cảnh báo rằng “các giải pháp quân sự không thể giải quyết được vấn đề”.
Lần đầu tiên sau vụ thử nghiệm này, Tổng thống Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 4/9 đã điện đàm để bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, theo AP.
Một ngày trước đó, ông Trump viết trên Twitter: “Hàn Quốc đang thấy, như tôi từng nói với họ, rằng đối thoại mang tính xoa dịu với Bắc Hàn sẽ không hiệu quả. Họ [Bắc Hàn] chỉ hiểu đúng một điều!” ông Trump viết tiếp, nhưng không nói rõ điều đó là gì”.
Tổng thống Nga và Hàn Quốc hôm 4/9 cũng đã điện đàm, và cùng mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-dong-bao-an-hop-khan-ve-bac-han/4014506.html
Bắc Hàn ‘có thể phóng thêm tên lửa’
Hàn Quốc hôm 4/9 cho biết rằng nước này đã trao đổi với Mỹ về khả năng triển khai hàng không mẫu hạm và máy bay nem bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, sau khi có dấu hiệu cho thấy rằng Bắc Hàn có thể phóng thêm tên lửa sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu và cũng là lớn nhất.
Các quan chức nói rằng hoạt động quanh các địa điểm phóng tên lửa cho thấy rằng Bắc Hàn có kế hoạch thực hiện thêm các vụ thử tên lửa.
Ông Hang Kyoung-soo, Thứ trưởng tạm quyền của Hàn Quốc phụ trách về chính sách quốc phòng, được Reuters trích lời nói trước một cuộc điều trần trước quốc hội hôm 4/9: “Chúng tôi tiếp tục thấy các dấu hiệu về khả năng phóng các tên lửa đạn đạo. Chúng tôi dự báo Bắc Hàn có thể phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.
Quân đội Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận có sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa không đối đất tầm xa hôm 4/9, sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn một ngày trước đó, theo Reuters.
Ngoài các cuộc diễn tập, theo ông Jang, Hàn Quốc cũng “sẽ hợp tác với Hoa Kỳ và mưu tìm việc triển khai các khí tài chiến lược như hàng không mẫu hạm và các máy bay ném bom chiến lược”.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết sẽ triển khai bốn bệ phóng còn lại của hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, sau khi chính phủ hoàn tất việc đánh giá về môi trường.
Bắc Hàn hôm 3/9 tuyên bố đã phóng thử thành công bom nhiệt hạch có thể được gắn trên tên lửa tầm xa, khiến Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo phản ứng quân sự “rầm rộ” từ Mỹ nếu nước này hay các đồng minh của mình bị đe dọa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.
Theo Reuters, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối ngày 4/9 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với quốc gia bị cô lập.
Ông Mattis cho biết rằng Tổng thống Donald Trump cũng đã yêu cầu được thông báo về tất cả các giải pháp quân sự hiện có.
https://www.voatiengviet.com/a/bac-han-co-the-phong-them-ten-lua/4014129.html
Nga chỉ trích phản ứng của Mỹ về Bắc Hàn
Moscow hôm 4/9 lên án phản ứng của Mỹ và đồng minh trước vụ thử hạt nhân mới và mạnh nhất của Bắc Hàn, và cảnh báo rằng bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng hết sức nguy hiểm.
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với các phóng viên tại một hội nghị thượng đỉnh của nhóm năm cường quốc mới nổi gọi tắt là BRICS ở Trung Quốc: “Thật rõ rằng trong tình thế hiện nay, bất kỳ bước đi vụng về nào cũng có thể dẫn tới sự bùng nổ, bùng nổ về mặt chính trị, bùng nổ về quân sự, và không chỉ dẫn tới một vụ nổ hạt nhân”.
Việc Bắc Hàn tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa đã khiến cả thế giới lên án, cũng như tuyên bố của Mỹ về phản ứng ứng quân sự “rầm rộ” nếu nước này và các đồng minh bị đe dọa.
Ông Ryabkov nói: “Không nên để cho tình hình leo thang. Những ai thông minh và mạnh hơn nên kiềm chế”.
Washington tuyên bố có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, chính quyền này cũng thảo luận việc mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc, vốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, viết tắt THAAD, mà cả Nga và Trung Quốc đều kịch liệt phản đối.
Ông Ryabkov cho rằng việc Washington tính tới chuyện trừng phạt là điều đáng tiếc, và rằng không nước nào có quyền có hành động đơn phương.
Quan chức ngoại giao Nga này nói thêm rằng sự trừng phạt Bắc Hàn trước đây đã tới giới hạn tác động, và rằng những biện pháp mới chỉ làm tổn hại tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng chứ không thể ảnh hưởng tới khả năng quân sự của nước này.
Nga và Trung Quốc là số ít các quốc gia có quan hệ kinh tế với quốc gia bị cô lập, và từng nhiều lần kêu gọi bình tĩnh xử lý cuộc khủng hoảng. Cả hai đều bày tỏ quan ngại về việc triển khai THAAD.
Theo Reuters, ông Ryabkov nói rằng “Moscow không coi Bắc Hàn là một mối đe dọa, ít nhất là đối với Nga”.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-chi-trich-phan-ung-cua-my-ve-bac-han/4014190.html
Bị dồn vào chân tường, đối lập Campuchia kêu cứu
Một nhân vật đối lập hàng đầu Campuchia hôm 4/9 kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế mở mắt để chứng kiến “nền dân chủ giả hiệu” của Campuchia cũng như gây thêm áp lực lên Thủ tướng Hun Sen, sau khi ông này ra lệnh bắt đối thủ chính Kem Sokha vì tội mưu phản.
Reuters dẫn lời bà Mu Sochua nói rằng phe đối lập đã làm hết sức mình, và sẽ không kêu gọi biểu tình vì phe này đặt niềm tin vào hình thức phản kháng bất bạo động.
Bà nói rằng giờ là lúc thế giới phải cứu giúp đất nước Campuchia, vốn mất nhiều thập kỷ để hồi phục sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ.
“Không có hòa bình thật sự. Luôn có nền dân chủ giả hiệu”, bà Mu Sochua, 63 tuổi, một trong ba người phó của ông Kem Sokha trong Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), nói.
Bà nói với Reuters: “Cộng đồng quốc tế sẵn lòng nhắm mắt làm ngơ. Giờ đây, mọi lằn ranh đỏ đã bị vượt qua”.
Lãnh đạo phe đối lập chính của Campuchia, ông Kem Sokha, đã bị bắt và bị cáo buộc “mưu phản” hôm 3/9, trong khi một tờ báo độc lập hàng đầu ở nước này bị buộc phải đóng cửa trong chiến dịch trấn pháp giới bất đồng của chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Ông Hun Sen nói rằng ông Kem Sokha đã lập mưu với Mỹ. Cáo buộc của Thủ tướng Campuchia cho thấy sự gia tăng các tuyên bố chống Mỹ, trong bối cảnh Campuchia chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ ông Ken Sokha và hành động nhắm vào truyền thông, đồng thời đặt nghi vấn về khả năng quốc gia Đông Nam Á này có thể tổ chức một cuộc bầu cử công bằng.
Bà Mu Sochua nói rằng đảng đối lập không kêu gọi cắt viện trợ hay hợp tác thương mại với Campuchia, nhưng theo bà, các nhà viện trợ cần phải nói rõ điều họ sẽ làm và thuyết phục ông Hun Sen rằng ông ta không có tính chính danh từ một cuộc bầu cử thiếu công bằng.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-campuchia-keu-cuu-vi-bi-don-vao-chan-tuong/4014364.html
Mỹ lên án ông Hun Sen, Trung Quốc hậu thuẫn
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhận được những lời hậu thuẫn của Trung Quốc hôm 4/9, sau khi nhà lãnh đạo Campuchia này bị Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu lên án vì bắt giữ đối thủ chính trị của mình trong chiến dịch trấn áp người bất đồng trước cuộc bầu cử năm sau.
Một ngày sau khi ông Kem Sokha bị bắt, một trong các người phó của ông kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế mở mắt để chứng kiến “nền dân chủ giả hiệu” của Campuchia, cũng như gây thêm áp lực lên Thủ tướng Hun Sen.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, khi được hỏi về vụ bắt giữ trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc “ủng hộ nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm bảo vệ ổn định và an ninh quốc gia”.
Theo Reuters, các chính trị gia đối lập, các tổ chức nhân quyền và truyền thông độc lập đều chịu sức ép lớn khi cuộc bầu cử cận kề, vốn có thể là thách thức lớn nhất trong chiến dịch duy trì quyền lực hơn ba thập kỷ của ông Hun Sen.
Là một trong các đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực, ông Hun Sen ngày càng phớt lờ chỉ trích của các nhà tài trợ phương Tây vì sự hỗ trợ của họ giờ không bằng thời kỳ đầu khi ông này mới nắm quyền.
“Chúng ta không thể cho phép người nước ngoài sử dụng người Khmer để giết người Khmer nữa”, ông Hun Sen nói hôm 4/9, nhắc tới nạn diệt chủng Khmer Đỏ đã hủy hoại Campuchia trong những năm 70.
Trong khi đó, ông Kem Sokha hôm 4/9 đã được gặp luật sư trong nhà tù gần biên giới với Việt Nam, cách thủ đô Phnom Penh vài giờ đồng hồ.
Con gái ông, cô Monovithya Kem, lặp lại một đoạn tweet của ông từng viết trước đó rằng “tôi có thể mất tự do, nhưng tự do không bao giờ chết ở Campuchia”.
https://www.voatiengviet.com/a/my-len-an-ong-hun-sen-nhung-trung-quoc-hau-thuan/4014451.html
Trước Đại Hội Đảng TQ, Ngoại Trưởng Vương Nghị Ca Ngợi
Biển Đông: Tập Cận Bình Chỉ Đánh Võ Mồm
BEIJING – Ngoại trưởng Vương Nghị lên tiếng tán tụng lãnh tụ Tập Cận Bình như là nhà khai phá ngoại giao với tư tưởng về quan hệ quốc tế vượt qua chủ thuyết của phương tây thực hành trong nhiều thế kỷ.
Dưới quyền lãnh đạo thuợng đỉnh của chủ tịch Tập, Trung Cộng trở thành xác quyết hơn trong chính sách ngoại giao, cụ thể là mở rộng hoạt động tại Biển Đông, cổ vũ kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở gọi là “Belt and Road” trong khi tìm kiếm vai trò trụ cột trong toàn cầu hoá. Trung Cộng cũng đã mở rộng sự hiện diện quân sự, đặt căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại Djibouti.
Trong 1 bài đăng báo Study Times, là cơ quan ngôn luận của ”Trường Đảng Trung Ương”, ông Vương viết: tư tưởng về ngoại giao của lãnh tụ Tập là la bàn trong các quan hệ quốc tế trong tình hình mới và là chỉ dấu “quyền lực mềm”.
Theo đánh giá của ngoại trưởng Vương, tư tưởng của chủ tịch Tập là canh tân và vượt lên 300 năm của chủ thuyết của phương tây về quan hệ quốc tế.
Ông Vương giải thích: ông Tập tìm kiếm bạn và đối tác, không tìm kiếm đồng minh, không có khuynh hướng của Chiến Tranh Lạnh, theo đó “Ai không là bạn là kẻ thù”.
Đại hội đảng CS cầm quyền họp mỗi 5 năm khai mạc ngày 18-10.
Giới phân tich tin rằng kỳ này Vương sẽ đuợc đại hội đảng cử thay thế Yang JIechi ở vai trò ủy viên ngoại giao tại HĐ nhà nước.
Góp phần giải mã vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6
Hôm qua, Chủ nhật, 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ sáu, với độ công phá chưa từng thấy. Việc chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H., tức bom nhiệt hạch – mà nhiều thông số cho thấy đây là sự thực – buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét nghiêm túc các lời đe dọa. Báo Libération, ngày 04/09, đặt ra sáu câu hỏi để giải mã các thách thức Bắc Triều Tiên.
Câu hỏi thứ nhất : Thực chất của mối đe dọa là gì ? Theo các chuyên gia, chỉ cần so sánh tần số các vụ thử là có thể thấy nguy cơ ngày càng lớn.
Kể từ đầu năm đến nay, chế độ Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử hỏa tiễn tầm trung và tầm xa, và bây giờ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Năm ngoái, cũng tương tự, hơn 20 vụ thử hỏa tiễn và hai vụ thử bom.
Chương trình hạt nhân tăng tốc, sẽ còn « những bất ngờ »
Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, được khởi sự ngay từ cuối những năm 1950, nhưng đang được tiến hành gấp rút dưới thời Kim Jong Un. Lãnh đạo trẻ này, ngay khi lên nắm quyền năm 2011, đã tuyên bố đẩy nhanh các vụ thử. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Nhớ lại lời hứa hẹn của Kim Jong Un hồi đầu năm, là Bắc Triều Tiên đang ở giai đoạn trước khi bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM). Lúc đó, tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tung ra một thông điệp trên Twitter : « Điều đó sẽ không xảy ra » (xem thêm : Diễn viên hài mở triển lãm ‘‘Thư viện twitter’’ của tổng thống Trump).
Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, lãnh đạo đời thứ ba nhà Kim đã cho bắn thử hai hỏa tiễn, có tầm xa gần 10.000 km, có thể tấn công một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Và cách đây ít hôm, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa vượt qua không phận Nhật Bản, như để chứng minh là quốc gia này hoàn toàn có khả năng sử dụng tên lửa ở góc bắn thấp, một khi chiến tranh nổ ra.
Nhà nghiên cứu Young Keun Chang, chuyên gia không gian Đại học Korea Aerospace, Seoul, ngạc nhiên về tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên. Sau một loạt thất bại năm 2016, Bình Nhưỡng đã hoàn thiện được các động cơ tên lửa, đưa vào sử dụng hệ thống nhiên liệu rắn, và phát triển các bệ phóng di động. Theo chuyên gia Boris Toucas viện tư vấn Mỹ CSIS (Center for Strategic and International Studies), rất có thể sẽ còn có « những điều gây bất ngờ khác ».
Dù sao, trong hiện tại, theo chuyên gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chưa làm chủ được giai đoạn hỏa tiễn quay trở lại bầu khí quyển trong môi trường hàng ngàn độ C và công nghệ thu nhỏ đầu đạt hạt nhân.
Đe dọa nhãn tiền khi bom nhiệt hạch dễ thu nhỏ
Sức công phá của trái bom nhiệt hạch vừa được thử hôm qua là vấn đề thứ hai được đặt ra. Rất có thể đây là vụ thử bom H. lần thứ nhất, bởi chưa có bằng chứng nào khẳng định vụ thử hồi tháng Giêng năm ngoái là bom nhiệt hạch.
Tổ chức NORSA của Na Uy, nêu khả năng vụ thử vừa qua tương đương 120 kilotonne (tức 120 nghìn tấn thuốc nổ TNT), gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Sức công phá của bom nhiệt hạch khủng khiếp hơn nhiều. Trái bom nhiệt hạch đầu tiên của Pháp ước tính 26.000 kilotonne.
Điều đáng sợ là, về lý thuyết, bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn, do chiếm ít thể tích hơn, có thể dễ dàng được thu nhỏ hơn.
Mục tiêu và cách hành xử của Kim Jong Un ?
Libération đặt câu hỏi : Đằng sau nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là gì ?
Tờ báo nhấn mạnh đến quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dùng vũ khí này như một «phương tiện tốt nhất » để bảo vệ sự sống còn của chế độ độc tài. Kim Jong Un không tin tưởng vào phương Tây, và đã có dịp rút ra được các bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài Kadhafi ở Libya và Saddam Hussein, ở Irak.
Đọc thêm : Chuyên gia Pháp: Bắc Triều Tiên hành động “hợp lý”
Theo chuyên gia Hajime Izumi, thuộc một trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên, Đại học Shizuoka, Nhật Bản, với « thành công » của vụ thử này, kể từ giờ trở đi chế độ Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng thương lượng trên thế mạnh. Tham vọng của lãnh đạo Bình Nhưỡng là, nếu không chính thức được thừa nhận là một cường quốc nguyên tử, ít nhất cũng đạt được một thỏa thuận hòa bình (với Hoa Kỳ – người viết).
Chuyên gia Boris Toucas của CSIS dự đoán Kim Jong Un sẽ còn cho bắn thêm một hỏa tiễn nữa, sát gần lãnh thổ của một quốc gia khác để thách thức Washington và Tokyo, buộc Mỹ Nhật phải bắn chặn, và nhân đó mà lên án đối phương leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, chuyên gia viện tư vấn Mỹ cũng lưu ý là « cho đến nay, chưa bao giờ Kim Jong Un » có những hành xử « vượt qua lằn ranh đỏ ».
Đảo lộn thế cân bằng khu vực ?
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là : Liệu vụ thử bom hạt nhân hôm qua có làm « đảo lộn thế cân bằng vốn đã mong manh của khu vực » ? Libération trả lời là có.
Chuyên gia Pháp Valérie Niquet giải thích : Hành động này là « một tín hiệu trực tiếp gửi đến toàn khu vực, cho thấy Hoa Kỳ bất lực ». Hàng loạt trừng phạt và áp lực tỏ ra không còn hiệu quả, Washington ngày càng khó khăn trong việc đảm nhiệm vị trí của một người bảo đảm an ninh toàn cầu, trước một « Trung Quốc bá quyền » và « nước Nga không nhân nhượng ».
Đọc thêm : Bắc Triều Tiên: Vì sao trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vô hiệu ?
Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng lộ rõ thế yếu, với hàng loạt « thông điệp huênh hoang » trên Twitter, và « chính sách xoay như chong chóng », thì chính quyền Hàn Quốc « gần như » bị hạ nhục. Các đề nghị đối thoại của tổng thống Moon Jae In « không nhận được bất cứ hồi đáp nào » từ Bình Nhưỡng.
Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta ngày càng nói nhiều hơn đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Tình hình có tệ hơn không ?
Libération nhắc lại những thời điểm chiến tranh tưởng như cận kề mà bán đảo Triều Tiên từng trải qua gần đây. Ví dụ như năm 2010, từng được coi là « năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên », kết thúc năm 1953. Mở đầu với vụ tàu chiến Cheonan bị bắn chìm, rất có thể do tàu ngầm Bắc Triều Tiên.
Năm 1994, tổng thống Mỹ Clinton từng định không kích địa điểm hạt nhân Yongbyon của chế độ Bình Nhưỡng, nơi làm giàu nhiên liệu Uranium. Năm 1968, một đội biệt kích Bắc Triều Tiên mưu sát tổng thống Park Chung Hee…
Chiến tranh rốt cuộc đã không xảy ra. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên hiện giờ là rất khác.
Vai trò bí ẩn của Bắc Kinh
Libération kết thúc bài phân tích với nhận định về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nói chung.
Chính quyền Kim Jong Un chọn ngày thử bom đúng vào hôm khai mạc thượng đỉnh khối BRICS, do Trung Quốc chủ trì. Hội nghị của các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy chiếm tới 40% GDP toàn cầu, lẽ ra là một dịp để tăng thêm gấp bội vầng hào quang cho ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong Un « phá hoại » một sự kiện quan trọng của Trung Quốc. Hồi tháng 2/2013, tức một tháng trước khi Tập Cận Bình chính thức nhậm chức chủ tịch nước, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, vào đúng dịp Tết nguyên đán. Vào thời điểm đó, cho dù toàn khu vực biên giới rung chuyển, Bắc Kinh cũng chỉ phản ứng một cách chiếu lệ.
Đọc thêm : Trung Quốc : 3 quan điểm đối phó với Bắc Triều Tiên
Trên thực tế, đồng minh số một của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên đang ở trong một thế ứng xử nước đôi. Không đứng hoàn toàn về phía người anh em cứng đầu, nhưng Bắc Kinh cũng không thực sự chủ trương các biện pháp khiến Bắc Triều Tiên phải khuất phục.
Tình trạng bất ổn gia tăng ở phía bên kia biên giới đông bắc, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, đang buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ. Hồi tháng 2, Trung Quốc đình chỉ nhập than, và đầu tháng 8, thông qua loạt trừng phạt mới. Nhưng nhìn chung, nhiều chuyên gia phỏng đoán dường như Trung Quốc đã « mất các kênh » gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170904-gop-phan-giai-ma-vu-bac-trieu-tien-thu-hat-nhan-lan-thu-6
Thử bom nguyên tử : Kim Jong Un “vỗ mặt” Tập Cận Bình ?
Chỉ vài giờ trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, ngày 03/09/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã cho nổ quả bom hạt nhân thứ sáu của mình. Hào quang quốc tế mà lẽ ra ông Tập Cận Bình được hưởng nhờ vai trò chủ nhà cuộc họp lãnh đạo năm nước năng động nhất hành tinh đã lập tức bị dư chấn của vụ thử bom làm lu mờ. Theo giới quan sát, việc chọn thời điểm thử bom không phải là ngẫu nhiên, và đây không phải là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ngang nhiên thách thức Tập Cận Bình. Câu hỏi đặt ra là để làm gì ?
Phải nói là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chờ đợi rất nhiều từ hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, tập hợp về thành phố Hạ Môn (Xiamen), miền đông nam Trung Quốc, lãnh đạo 4 thành viên còn lại trong khối là Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, các nước cùng với Trung Quốc được cho là đại diện cho sức vươn lên của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Ông Tập Cận Bình hy vọng là sự kiện này, được báo chí quốc tế loan báo rộng rãi, sẽ cho phép phô trương uy lực của Trung Quốc, điểm tô thêm cho uy tín bản thân ông, vài tuần lễ trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà ông muốn tranh thủ để củng cố thêm quyền lực.
Thế nhưng, theo ghi nhận của nhật báo Mỹ New York Times, số đề ngày hôm nay 04/09, ngay sau khi Bình Nhưỡng loan báo vụ thử bom hạt nhân, thông tin về vụ nổ đã lan tỏa trên thế giới, làm cho tin tức về cuộc họp của khối BRICS mờ nhạt ngay lập tức, gây chấn động ngay tại Trung Quốc và khơi dậy nỗi lo ngại về nguy cơ ô nhiễm hạt nhân tại miền đông bắc nước này.
Đối với nhật báo Mỹ The New York Times, trong số đề ngày hôm nay 04/09, rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang cố gắng tạo ra sự bối rối tối đa cho Trung Quốc và đây không phải là lần đầu tiên mà ông Kim Jong Un chọn đúng thời điểm một sự kiện quan trọng tại Trung Quốc để khiêu khích bằng cách phô trương vũ khí của mình. Vào tháng Năm vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã phóng tên lửa đạn đạo vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, tập hợp nhiều lãnh đạo thế giới ở Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, sự trùng hợp giữa các vụ thử vũ khí của Bắc Triều Tiên với các sự kiện trọng đại do ông Tập Cận Bình công khai chủ trì không phải là ngẫu nhiên, mà là nhằm cho thấy là bản thân ông Kim Jong Un, lãnh đạo quốc gia láng giềng nhỏ bé, bị cho là côn đồ, hoàn toàn có thể làm giảm uy quyền và uy tín của ông Tập Cận Bình trong tư cách chủ tịch Trung Quốc.
Một số chuyên gia, trả lời The New York Times, còn khẳng định rằng vụ thử bom hạt nhân mới nhất có thể nhằm gây áp lực trên ông Tập Cận Bình chứ không phải là trên tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Peter Hayes, giám đốc của Viện Nautilus, một nhóm nghiên cứu chuyên về Bắc Triều Tiên : « Kim Jong Un biết rõ là Tập Cận Bình có khả năng thực sự ảnh hưởng đến tính toán ở Washington… Ông ta đang gây sức ép lên Trung Quốc để Bắc Kinh nói với Trump: “Hãy đàm phán với Kim Jong Un”. »
Theo chuyên gia này, điều mà ông Kim Jong Un mong muốn nhất là nói chuyện được với Washington, với hy vọng đạt được một thỏa thuận cắt giảm quân số Mỹ tại Hàn Quốc và để yên cho Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Và trong tính toán của ông Kim Jong Un, Trung Quốc đủ sức thúc đẩy cho cuộc đàm phán đó xảy ra.
Một câu hỏi khác được đặt ra ông Tập Cận Bình sẽ phản ứng ra sao trước hành vi có thể nói khiêu khích của Kim Jong Un. Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên phải trả giá cho hành động coi thường Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại lớn.
Tuy nhiên, khả năng chủ tịch Trung Quốc đổi thái độ được cho là không nhiều vì lẽ, như The New York Times nhận định, một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân ít nguy hiểm đối với Trung Quốc hơn là việc chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170904-thu-bom-nguyen-tu-kim-jong-un-vo-mat-tap-can-binh
Thủ tướng Đức muốn
Liên Hiệp Châu Âu không kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ
Một sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm của Berlin trong hồ sơ Ankara gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc tranh luận tay đôi trên đài truyền hình ba tuần trước bầu cử Quốc Hội Đức, thủ tướng Merkel bất ngờ tuyên bố muốn chấm dứt đàm phán về thủ tục cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu.
Tối ngày 03/09/2017, trong cuộc tranh luận duy nhất trên đài truyền hình với đối lãnh đạo đảng đối lập ông Martin Schulz, thủ tướng Angela Merkel cho biết bà sẽ thảo luận với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu để cùng tìm ra đồng thuận ngưng đàm phán về thủ tục kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Berlin và Ankara xấu đi đáng kể từ đầu năm tới nay. Hiện có tới 12 công dân Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Bruxelles liên tục chỉ trích tổng thống Erdogan đàn áp mọi tiếng nói đối lập, nhất là sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.
Theo giới quan sát, lập trường của bà Merkel gây bất ngờ. Thủ tướng Đức đã đưa ra cùng một quan điểm so với ông Martin Schulz, lãnh đạo đảng đối lập Xã Hội Dân Chủ.
Vào ngày 24/09/2017 cử tri Đức được kêu gọi bầu lại Quốc Hội. Theo các cuộc thăm dò dư luận, bà Merkel, người đứng đầu đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có khuynh hướng bảo thủ, đang dẫn đầu. Sau 12 năm giữ chức vụ thủ tướng, Angela Merkel được cho là có rất nhiều triển vọng tiếp tục lãnh đạo nước Đức thêm một nhiệm kỳ thứ tư.
Giới phân tích bình luận : trong cuộc tranh luận tay đôi tối hôm qua, đối thủ của bà Merkel, nguyên chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Martin Schulz, đã “không đảo ngược được thế cờ”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170904-thu-tuong-duc-muon-lien-hiep-chau-au-khong-ket-nap-tho-nhi-ky
Miến Điện :
87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh
Sau 10 ngày bạo động tại miền tây Miến Điện, số lượng người Hồi Giáo Rohingya sang Bangladesh tiếp tục tăng nhanh. Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox’s Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Naypyidaw và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyu.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, bạo động bùng lên tại bang Rakhin, miền tây Miến Điện từ hôm 25/08/2017, khoảng 30 đồn cảnh sát bị lực lượng nổi dậy ARSA tấn công nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Lực lượng quân đội Miến Điện trả đũa : 400 người thiệt mạng, hầu hết là người Rohingya ; hàng chục ngàn người phải sơ tán. Theo thẩm định Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 20.000 người kẹt tại biên giới giữa Miến Điện – Bangladesh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bạo động nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện dẫn tới một “cuộc khủng hoảng nhân đạo“.
Vào hôm nay, người trên thực tế đang nắm quyền tại Miến Điện là bà Aung San Suu Kyu, cùng với tướng Min Aung Hlang, lãnh đạo quân đội Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi để tìm một ngõ thoát trên hồ sơ nhậy cảm này.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 người Pakistan, Malala Yousafzai, qua mạng Twitter chỉ trích khôi nguyên Hòa Bình Miến Điện năm 1991, Aung San Suu Kyu, làm ngơ trước thảm cảnh của người Rohingya trên xứ bà.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170904-87000-nguoi-ti-nan-rohingya-mien-dien-tran-qua-bangladesh
Thượng đỉnh BRICS : Đóng góp khiêm tốn của Trung Quốc
Khai mạc thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy tại Hạ Môn (Xiamen), chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đẩy mạnh tự do mậu dịch và thông báo đầu tư thêm 80 triệu đô la cho các chương trình hợp tác của nhóm BRICS. Giới quan sát coi đây là một sự đóng góp quá nhỏ so với kế hoạch Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21.
Theo hãng tin Reuters, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên 04/09/2017 tại Hạ Môn với nguyên thủ bốn nước còn lại gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đóng góp 500 triệu nhân dân tệ, tương đương với 76,4 triệu đô la vào kế hoạch hợp tác kinh tế và kỹ thuật của khối BRICS. Ngoài ra Trung Quốc sẽ tài trợ 4 triệu đô la cho dự án thành lập Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB).
Khoản đầu tư trên 80 triệu đô la này, không thấm vào đâu so với con số 124 tỷ đô la đã được lãnh đạo Trung Quốc thông báo hồi tháng 5/2017, nhân thượng đỉnh Bắc Kinh, quy tụ 29 nước tham gia sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường“.
Trong diễn văn gần 45 phút ngày hôm qua 03/09/2017, ông Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh tự do mậu dịch. Bắc Kinh quan niệm, một nền kinh tế mở rộng là chìa khóa đem lại thịnh vượng chung. Trung Quốc đưa ra lập trường như trên vào lúc tại Mỹ đang xét lại các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đối tác thương mại chính. Tổng thống Trump đắc cử với khẩu hiệu “America First” và Nhà Trắng thiên về một chính sách bảo hộ.
Trong cương vị chủ nhà, lãnh đạo Trung Quốc có ý định mở rộng nhóm BRICS đến nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy khác. Thái Lan, Mêhicô, Ai Cập … được mời đến Hạ Môn với tư cách quan sát viên. Trong lúc tổng thống Trump đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch NAFTA với hai đối tác Bắc Mỹ là Canada và Mêhicô, ông Tập Cận Bình tiếp đón trọng thể tổng thống Mêhicô Enrique Pena Nieto với hai hồ sơ chính là thương mại và đầu tư.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170904-okthuong-dinh-brics-dong-gop-khiem-ton-cua-bac-kinh
Hàn Quốc tập trận bắn tên lửa
trả đũa vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân
Theo thông báo của bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, hôm nay, 04/09/2017, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắn tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa, với giả định tấn công vào khu vực phía đông bắc Bắc Triều Tiên, nơi mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch, ngày hôm qua.
Cuộc tập trận chỉ do quân đội Hàn Quốc tiến hành. Các hoạt động luyện tập khác với quân đội Mỹ cũng đang được chuẩn bị.
Đồng thời, Seoul thông báo sẽ tạm thời cho triển khai thêm 4 hệ thống bắn chặn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, tổng thống Moon Jae In, vốn ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, lần này, cũng cho rằng cần phải có những đáp trả về quân sự trước các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias gửi về bài tường trình :
« Hàn Quốc biểu dương sức mạnh qua việc giả định một cuộc tấn công cơ sở thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, với việc bắn tên lửa đạn đạo và cho các oanh tạc cơ xuất kích.
Thế nhưng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhắc lại rằng ông vẫn tìm kiếm một giải pháp đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Tại Seoul, người ta không nhận thấy sự hoảng sợ vì người dân Hàn Quốc đã quen với các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Nghệ sĩ Cho Ji Eun nói : Tôi không lo ngại. Điều làm tôi lo ngại không phải là quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên, mà là mối quan hệ với những cường quốc khác ở xung quanh bán đảo Triều Tiên. Từ 10 năm nay, hồ sơ Bắc Triều Tiên đã được thảo luận với những nước khác, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, trong khi bản thân người dân Triều Tiên lại không được tham khảo và đây thực sự là có vấn đề. Chúng tôi không thực sự cảm thấy bị Bắc Triều Tiên đe dọa.
Ngược lại, người dân Hàn Quốc ngày càng cảm thấy căng thẳng trước những tuyên bố gay gắt của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Hoa Kỳ, thông qua các tweet, lúc thì nói đối thoại, lúc thì nói tấn công quân sự. Chính thái độ khó lường của Mỹ, đồng minh lớn của Hàn Quốc, gây ra nhiều lo lắng ».
Cam Bốt :
Kế hoạch gởi trả người Thượng về Việt Nam bị tố cáo
Theo nhật báo Anh Ngữ The Cambodia Daily, số ra hôm nay, 04/09/2017, gần như toàn bộ số 36 người Thượng ở Phnom Penh sẽ bị đưa trở về Việt Nam, bất chấp việc Liên Hiệp Quốc đang cố gắng tìm cách chuyển số người xin tỵ nạn này đến một nước thứ ba. Thông tin này đã được một viên chức Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xin giấu tên, tiết lộ trong một e mail gởi đến các nhà báo vào tuần qua.
Theo The Cambodia Daily, nội dung bức e-mail cho biết là cơ quan Liên Hiệp Quốc đã nhận được một bức thư từ thứ trưởng bộ Nội Vụ Cam Bốt, Ouk Kim Lek, thông báo việc 29 người trên số 36 người Thượng ở thủ đô Phnom Penh sẽ bị trục xuất.
Viên chức Liên Hiệp Quốc khẳng định là theo chuẩn mực quốc tế, thì 29 người đó “phải được công nhận là người tị nạn”. Theo viên chức này, “Khi bác bỏ đơn xin tị nạn của họ, Cam Bốt sẽ có thể trả họ về (Việt Nam) với lý do là họ không phải người tị nạn, và đó là một đánh giá sai lầm cho mọi trường hợp.“
Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, hôm thứ Sáu, 01/09, đã tố cáo chính quyền Phnom Penh tuân theo yêu cầu của Việt Nam. Đối với ông: “Quyết định này làm cho tiếng tăm của Cam Bốt như một nước tôn trọng quyền người tị nạn bị phá hủy.”
Ông Robertson thúc giục cộng đồng quốc tế lên tiếng buộc Phnom Penh phải xét lại quyết định trục xuất, vì người Thượng có thể bị nguy hiểm, bị đàn áp về chính trị, tôn giáo, một khi bị đưa trở về Việt Nam.
Theo viên chức Liên Hiệp Quốc nói trên, Phủ Cao Ủy Tị Nạn đã đề nghị “một giải pháp khác”, là đưa những người có lý do xác thực để xin tị nạn, sang một nước thứ 3, nhưng chính quyền Cam Bốt trả lời là vấn đề đã được giải quyết.
Theo viên chức này thì Phủ Cao Ủy Tị Nạn đang tìm cách đưa 7 người còn lại sang một nước thứ ba “càng sớm càng tốt.”
Nhật báo Cam Bốt nhắc lại rằng đây không phải lần đầu tiên mà chính quyền Cam Bốt trục xuất người Thượng về Việt Nam một cách thẳng tay, hay với giải thích là họ tự nguyện trở về.
Đợt cuối cùng người Thượng chạy sang Cam Bốt là vào năm 2014. Hơn 200 người hoặc là đã bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, hoặc là “tự nguyện hồi hương” với sự giúp đỡ của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc vẫn đang chờ đợi tại Phnom Penh.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170904-cam-bot-ke-hoach-goi-tra-nguoi-thuong-ve-viet-nam-bi-to-cao