Chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chính quyền Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

LS. TS Hoàng Ngọc Giao

2-9-2017
Lược đồ vị trí tập trận của Trung Quốc từ 29.8 – 4.9. Ảnh: Báo Thanh Niên
Quốc khánh 2/9/2017 – Trung Quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý.
Năm 2014 – Dàn khoan 981
Ngày 1/5/2014 TQ đưa dàn khoan 981 vào vùng Đặc quyền kinh tế/ thềm lục địa của Việt Nam.
Nhân dân phẫn nộ. Nhiều người dân xuống đường phản đối. Nhiều cuộc xuống đường đã bị ngăn chặn, Một số người đã bị hành hung. Nhiều người đã bị bắt lên xe bus đưa về đồn công an.
Năm 2014, chính quyền Việt Nam đã làm gì?
Việt Nam đã triệu Đại biện sứ quán Trung Quốc lên trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ.
Ngày 12 tháng 5, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng lãnh sự Trung Quốc Sài Văn Duệ đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự và nhiều lượt máy bay trinh sát, quân sự hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 11 tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.
Ngày 13 đến 15 tháng 5, thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh để “trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước….
Ngày 15 tháng 5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc
Ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện “Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông”.
Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Năm 2017 – Quốc khánh Việt Nam – Trung quốc đưa quân vào tập trận bắn đạn thật (28/8 – 4/9/2017) tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng 75 hải lý, cấm tầu bè của ta trong một vùng biển hơn 11000 Km2.
Năm 2017, chính quyền Việt Nam đã làm gì?
31/8/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Lập trường của VN là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp VN và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Như vậy, sau 03 ngày Trung quốc mang quân vào nổ súng trong Vùng Biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng Việt Nam mới chỉ tuyên bố là ‘hết sức quan ngại’, là ‘mọi hoạt động của nước ngoài… cần phải tuân thủ LPQT’, và ‘đề nghị TQ chấm dứt và không lặp lại hành động này'(!)
Tuyên bố như vậy, quá yếu ớt, nếu như không nói là với tâm thức sợ hãi ! Giặc vào nhà, nhưng vẫn đề nghị giặc đừng làm thế, nên tôn trọng pháp luật!
Đành rằng Việt Nam phải nỗ lực để không để xẩy ra chiến tranh. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, không thể giữ hòa bình bằng cách chấp nhận cho ngoại bang xâm lăng bờ cõi, biển đảo mà cha ông chúng ta đã bảo toàn bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ ! Chưa đủ sức đối đầu với kẻ xâm lược bằng vũ lực, Việt Nam vẫn có thể đối đầu với Trung Quốc bằng pháp lý, bằng đấu tranh ngoại giao để bảo vệ bờ cõi biển đảo!
Nếu như trong những ngày tới Chính quyền Việt Nam không có những hành động đấu tranh ngoại giao trực diện với Trung Quốc, cũng như trên các diễn đàn quốc tế, và đặc biệt là tại Liên Hợp quốc – thì có thể thấy rõ sự yếu đuối, sợ hãi của Chính quyền lần này được thể hiện rõ nét hơn rất nhiều so với sự kiện Dàn khoan 981 năm 2014.
Đánh giá hành vi của Trung Quốc từ năm 2014
Theo dòng sự kiện từ năm 2014 đến nay, không khó khăn để thấy rằng hành động của Trung Quốc ngày càng lấn tới cả về mặt không gian trên biển (xâm chiếm trọn Biển Đông và các đảo Hoàng Sa và Trường Sa) cũng như cường độ và tính chất hành vi xâm lấn (tuyên bố cấm đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, đưa dàn khoan ở các vùng biển Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam; quân sự hóa các đảo/bãi đá thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; dùng các loại tầu săn đuổi, đánh chìm tầu cá của ngư dân Việt nam; ngăn cấm, buộc Chính quyền Việt Nam chấm dứt hợp tác với các nước khác thăm dò khai thác dầu khí trên Thềm lục địa Việt Nam; và lần này, tập trận bắn đạn thật ngay trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Việt Nam). Đặc biệt nghiêm trọng, trong tháng 8/2017, Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật, diễn tập đổ bộ tại vùng biển quần đảo Lôi Châu, phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, theo hướng về phía Tây, sát với biện giới Việt Nam, với sự tham gia của đầy đủ hải, lục, không quân. Trên mặt trận truyền thông, không ít những phát biểu của tướng lĩnh/chính khách Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng đánh thắng Việt Nam trong thời gian ngắn, hù dọa/răn đe cho rằng Việt Nam lôi kéo Hoa Kỳ và các nước khác để chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ngay từ năm 2014 – dư luận công chúng đã mong muốn Chính quyền Việt Nam phải có hành động pháp lý chống lại những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính phủ Việt Nam cũng đã từng tuyên bố để ngỏ khả năng khởi kiện Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines đã đi trước Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Các kết luận trong Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế – là rất có lợi cho Việt Nam để tham chiếu nếu khởi kiện Trung quốc. Không hiểu vì lý do gì, Chính quyền Việt Nam cho đến nay dường như bỏ qua việc khởi kiện Trung Quốc!
Phải chăng, vì thế mà Chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhún nhường, không dám đối đầu trực diện về mặt pháp lý và ngoại giao với Trung Quốc?
Mong sao, Chính quyền Việt Nam ngộ ra một thực tế là: Việt Nam càng lùi bước, Trung Quốc càng lấn tới ! Nếu Việt Nam tiếp tục nhượng bộ, Trung Quốc sẽ chiếm trọn Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa ! Dân tộc Việt Nam sẽ không còn cơ hội mưu sinh trên các vùng biển, đảo mà bao thế hệ kể từ Chính quyền Triều đình Nhà Nguyễn đã gây dựng và bảo vệ!
Năm 2017, chính quyền Việt Nam nên làm gì?
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc KHÔNG DÙNG VŨ LỰC TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ theo quy định của Hiến Chương Liên Hợp Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm nghiêm trong các quy định về Vùng ĐQKT Việt Nam theo Công Ước LHQ năm 1982 về Luật Biển.
Chính quyền Việt Nam cần tiến hành ngay một số hành động như sau:
– Công hàm gửi cho phía Trung Quốc, phản đối hành động tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam;
– Công hàm gửi cho ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, tố cáo hành vi Trung Quốc dùng vũ lực tại Vùng ĐQKT của Việt Nam;
– Công hàm gửi Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, phản đối và yêu cầu ban hành Nghị quyết lên án hành vi của Trung Quốc dùng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực chống lại CHXHCN Việt Nam. Cho dù Trung Quốc, thành viên thường trực của HĐBA LHQ sẽ dùng quyền phủ quyết (veto), Nghị quyết có thể không ban hành được, nhưng công luận quốc tế sẽ lên án hành vi này của Trung Quốc.
– Công hàm gửi tới ASEAN, EU chính thức thông báo quan điểm của Việt Nam phản đối hành vi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong Vùng ĐQKT của Việt Nam.
Đồng thời, Chính quyền Việt Nam cần khẩn trương tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế thích hợp.
Cuối cùng, xin đặc biệt lưu ý Chính quyền Việt Nam về nhận định có tính lịch sử của cố Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill: “Một dân tộc mà né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì rồi dân tộc ấy sẽ phải lãnh đủ cả hai thứ, cả chiến tranh và sự nhục nhã”!