Tin khắp nơi – 03/09/2017
Trump đến thăm cư dân Texas, Louisiana
bị ảnh hưởng bởi bão Harvey
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy đã thực hiện chuyến thăm thứ hai của ông tới bang Texas trong vòng một tuần, để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những người dân Texas đang ứng phó với lũ lụt lớn tại thành phố Houston sau khi cơn bão Harvey ập vào cuối tuần trước. Đệ nhất phu nhân Melania tháp tùng ông Trump trong chuyến thăm này.
“Các bạn nhìn những khu phố này,” Tổng thống nói trước đám đông người dân tụ tập tại Nhà thờ Pearland ở Houston. “Mới hôm qua họ còn có nước và mà hôm nay đã sạch trơn… Các bạn có rất nhiều những người làm việc chăm chỉ.”
Ông Trump đến gặp gỡ cư dân và tình nguyện viên, điều mà ông không làm trong chuyến thăm đầu tiên đến khu vực này hôm thứ Ba, khi ông tập trung hoàn toàn vào phản ứng của chính phủ đối với cơn bão và bị chỉ trích vì không thể hiện sự thấu cảm nhiều hơn trong tình huống khủng hoảng.
Sau khi gặp gỡ Thống đốc Texas Greg Abbott và Thị trưởng Houston Sylvester Turner tại sân bay Houston, ông Trump tới thăm một trung tâm cứu trợ thiên tai. Khi Tổng thống từ từ đi khắp trung tâm, ông nói chuyện với những người dân tản cư, bắt tay họ, chụp hình với họ và trao những phần thức ăn.
Khi được hỏi nỗ lực hồi phục đang diễn ra như thế nào, ông Trump trả lời, “Tôi nghĩ rằng nó đang diễn ra rất tốt. Mọi thứ diễn tiến suôn sẻ. Tôi nghĩ mọi người đánh giá cao những gì đã được thực hiện.” Ông nói thêm, “Tình cảnh khó khăn vậy mà nỗ lực hồi phục thật tuyệt vời.”
Ông Trump cũng gặp gỡ các thành viên của phái đoàn quốc hội đại diện bang Texas, một ngày sau khi ông gửi một lá thư tới Quốc hội yêu cầu cấp gần 8 tỉ đôla ngân khoản cho các nỗ lực cứu trợ và hồi phục.
Hai vợ chồng Tổng thống sau đó ghé qua thành phố Lake Charles, bang Louisiana, nơi ông Trump sẽ gặp gỡ các nhân viên ứng cứu khẩn cấp và các thành viên phái đoàn quốc hội của bang. Họ bay trở về Washington vào tối thứ Bảy.
Cũng trong ngày thứ Bảy, Tổng thống nâng khoản tiền viện trợ liên bang góp phần chia sẻ chi phí cho các nỗ lực dọn dẹp sau bão, từ 75 lên đến 90 phần trăm viện trợ của liên bang để thu dọn những mảnh gãy đổ. Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo rằng 100 phần trăm chi phí cho các biện pháp bảo vệ khẩn cấp sẽ được viện trợ liên bang thanh toán.
Yều cầu của ông Trump đối với Quốc hội, được xem chỉ là gói cứu trợ Harvey đợt đầu, bao gồm 7,4 tỉ đôla ngân khoản cho quỹ cứu trợ thiên tai đang thu hẹp nhanh chóng của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho những việc như sửa chữa nhà, và 450 triệu đôla cho các khoản vay thiên tai cấp cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Quốc hội dự kiến sẽ nhanh chóng thông qua yêu cầu này.
Gần 450.000 hộ gia đình trong khu vực đã đăng ký xin hỗ trợ của FEMA, Nhà Trắng cho biết.
Bão Harvey ‘gây thiệt hại tới 180 tỷ đôla’
Thống đốc tiểu bang Texas Greg Abbott hôm 3/9 nói rằng thiệt hại do bão Harvey gây ra có thể từ 150 tỷ tới 180 tỷ đôla, vượt Katrina và Sandy.
Theo Reuters, Harvey hôm 25/8 trở thành cơn bão mạnh nhất ập vào Texas trong vòng 50 năm, và đã làm 47 người chết cũng như khiến hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ông Abbott, người kêu gọi chính phủ Mỹ viện trợ cho tiểu bang của ông, nói rằng thiệt hại từ Harvey sẽ vượt qua cả Katrina, cơn bão gây thiệt hại nặng nề ở New Orleans năm 2005, cũng như Sandy, vốn ảnh hưởng tới New York và khu vực đông bắc nước Mỹ năm 2012.
Trả lời kênh truyền hình Fox News, thống đốc Texas nói rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump yêu cầu quốc hội thông qua khoản ứng cứu ban đầu trị giá gần 8 tỷ đôla chỉ là một “khoản tiền chi trước”.
Houston vẫn chật vật hồi phục hôm 3/9 và chính quyền thành phố này buộc phải sơ tán hàng nghìn người sinh sống ở phía tây, những người bị ảnh hưởng bởi nước lụt dâng lên tại một hồ chứa nước.
Chính quyền cũng buộc phải cắt điện sáng sớm trong ngày để buộc một số người lưỡng lự, không muốn rời bỏ nhà cửa phải di dời.
Texas là nơi có nhiều người Việt sinh sống, và trong những ngày qua, nhiều người ở khắp nơi đã vận động đóng góp giúp đỡ đồng hương gặp nạn.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-harvey-gay-thiet-hai-toi-180-ty-dola/4013426.html
Bắc Hàn nói thử bom nhiệt hạch ‘thành công’
Bình Nhưỡng nói họ đã thử nghiệm bom nhiệt hạch thành công và bom này có thể được lắp vào một tên lửa.
Truyền hình nhà nước Bắc Hàn đưa hình ảnh dường như cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký lệnh thử hạt nhân.
Ngoại trưởng Nhật Bản trước đó nói Bắc Hàn đã thử hạn nhân lần thứ sáu.
Theo hãng tin Reuters, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết rung chấn tại Bắc Hàn ít nhất mạnh 10 lần so với vụ thử hạt nhân trước đây.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là “không thể nào chấp nhận được,” “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ,” ông nói thêm.
Tính toán ban đầu về kích cỡ vụ thử hạt nhân, dựa vào thông số rung chấn cho thấy bom này có đương lượng nổ khoảng 100 kiloton.
Bom nguyên tử Hoa Kỳ thả xuống Nagasaki vào tháng Tám năm 1945 làm hơn 70.000 người chết ngay lập tức có đương lượng nổ khoảng 20 kiloton.
Các nhà địa chấn học Mỹ trước đó cho hay rung chấn đo được ở mức 6,3 độ ở phía đông bắc nước này “có thể là đã có vụ nổ”.
Rung chấn đo được tại khu vực nơi Bắc Hàn từng tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trước đây.
Rung chấn được phát hiện vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un xuất hiện với ảnh chụp mô tả ông tới xem một loại bom nhiệt hạch mới.
Giới chức Nam Hàn cho biết rung chấn xảy ra ở Hạt Kilju, nơi có địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Hàn.
Giới lãnh đạo quân đội Nam Hàn đang đánh giá về vụ nổ và nhà chức trách quan ngại về biến động trên thị trường tài chính ở Nam Hàn.
Trump: ‘Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn’
Cơ quan Động đất Trung Quốc trước đó mô tả rung chấn này một “vụ nghi là vụ nổ” và cho biết họ đã phát hiện có rung chấn thứ hai, ngay sau lần đầu tiên, có cường độ 4,6.
Báo cáo sơ bộ của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) nói rung chấn ở mức 5,6 độ với độ sâu 10km nhưng sau đó điều chỉnh lại là 6,3 độ với độ sâu 0km.
Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân lần gần nhất vào tháng Chín năm 2016. Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ và áp lực quốc tế và phát triển vũ khí hạt nhân cũng như thử tên lửa có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.
Một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây đã gây ra lo ngại ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế.
Trong một bài báo hôm Chủ nhật, hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã thăm các nhà khoa học tại viện vũ khí hạt nhân và “hướng dẫn công việc chế tạo vũ khí hạt nhân”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41134345
Lãnh đạo Nga – Trung tìm cách đối phó Bắc Hàn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/9 đồng ý “xử lý phù hợp” cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn.
Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã viết rằng “hai nhà lãnh đạo đã đồng ý duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giữ liên lạc cũng như phối hợp chặt chẽ để xử lý tình hình mới”.
Ông Putin và Chủ tịch Tập gặp nhau bên lề một hội nghị thượng đỉnh của khối năm cường quốc mới nổi viết tắt là BRICS ở Trung Quốc.
Bắc Hàn trước đó tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch có thể sử dụng cho tên lửa đạn đạo mới, theo lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un.
Thông báo này đã vấp phải sự lên án của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Bắc Hàn vẫn tiếp tục thể hiện thái độ và hành động “thù nghịch và nguy hiểm đối với Mỹ”.
Sau đó, theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steve Mnuchin cho báo giới Mỹ biết rằng ông sẽ tập hợp một loạt các biện pháp trừng phạt mới mà nhiều khả năng sẽ cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Bắc Hàn trên toàn thế giới.
“Nếu các nước muốn làm ăn với Hoa Kỳ, họ rõ ràng sẽ phải hợp tác với các đồng minh của chúng tôi và các nước khác nhằm cắt đứt Bắc Hàn về mặt kinh tế”, ông Mnuchin nói trên kênh Fox News của Mỹ.
Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia bị cô lập nằm trên Bán đảo Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nga-trung-tim-cach-doi-pho-voi-bac-han/4013299.html
Tổng thống Trump: Bắc Hàn là quốc gia lưu manh
Tổng thống Mỹ hôm 3/9 viết trên Twitter rằng các lời nói cũng như các hành động của Bắc Hàn “rất thù nghịch và nguy hiểm đối với Hoa Kỳ”.
Đây là phản ứng đầu tiên của nguyên thủ Mỹ, sau khi Bình Nhưỡng trước đó trong ngày tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất.
Trong đoạn tweet thứ hai, ông Trump viết rằng “Bắc Hàn là một quốc gia lưu manh, đã trở thành một mối đe dọa và nỗi hổ thẹn lớn đối với Trung Quốc, vốn đã tìm cách giúp đỡ nhưng đạt được thành công ít ỏi”.
“Hàn Quốc đang thấy, như tôi từng nói với họ, rằng đối thoại mang tính xoa dịu với Bắc Hàn sẽ không hiệu quả. Họ [Bắc Hàn] chỉ hiểu đúng một điều!” ông Trump viết tiếp, nhưng không nói rõ điều đó là gì.
Nhà Trắng cho biết rằng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump “theo dõi chặt chẽ” tình hình và rằng tổng thống Mỹ sẽ triệu tập một phiên họp với các trợ lý vào cuối ngày 3/9.
Bắc Hàn đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất hôm 3/9 mà Bình Nhưỡng nói là một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa, đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa chính quyền bị cô lập này cùng Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Thông báo của Bình Nhưỡng được đưa ra vài giờ sau khi các cơ quan địa chấn quốc tế ghi nhận một trận động đất do con người gây ra gần địa điểm thử nghiệm của Bắc Hàn.
Theo Reuters, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc nói rằng vụ thử này mạnh gấp 10 lần so với mức chấn động ghi nhận được sau vụ thử hạt nhân lần cuối cùng một năm trước.
Hiện chưa có xác nhận độc lập đó là một thử bom nhiệt hạch, nhưng chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo không thể loại trừ khả năng đó.
Vụ thử là một thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vài giờ trước đó đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để thảo luận về sự “leo thang” cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực, và trước đó, từng thề sẽ ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa tới Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng, vốn tiến hành các chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thông báo trên truyền hình nhà nước rằng vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch theo lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un đã “hết sức thành công”.
Theo Bắc Hàn, quả bom được thiết kế để có thể lắp đặt trên một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới phát triển.
Reuters cho biết rằng vụ thử đã vấp phải sự lên án từ nhiều nước và các tổ chức. Tổng giám đốc IAEA, cơ quan kiểm soát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nói rằng đó là “hành động hết sức đáng tiếc”, “bất chấp các yêu cầu liên tục của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ trước “sự khiêu khích mới” này.
Trong khi đó, cả Hàn Quốc và Nhật tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm cô lập Bình Nhưỡng, kể cả bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bắc Hàn, lên án vụ thử hạt nhân và thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động “sai trái”.
Ông Trump trả lời về khả năng tấn công Bắc Hàn
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói “chúng ta hãy chờ xem”, khi được hỏi liệu Mỹ có tấn công Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất hay không.
Nhà lãnh đạo Mỹ này trả lời như vậy khi cùng phu nhân dự một thánh lễ tại một nhà thờ ở thủ đô Washington DC hôm 3/9.
Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng ông sẽ gặp Tướng Kelly [chánh văn phòng Nhà Trắng], Tướng Mattis [Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ] và các lãnh đạo quân sự Mỹ khác tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề Bắc Hàn, theo AP.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng chính quyền của ông “cân nhắc cắt đứt quan hệ thương mại với bất kỳ nước nào làm văn với Bắc Hàn”.
Tháng trước, việc Bình Nhưỡng tuyên bố cân nhắc tấn công Guam, một lãnh thổ thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương, đã làm leo thang căng thẳng tại khu vực, và khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã trong tư thế sẵn sàng, nếu Bắc Hàn hành động thiếu khôn ngoan.
Chính quyền của ông Kim Jong Un sau đó đã hoãn triển khai kế hoạch này, và ông Trump đã ca ngợi quyết định mà ông cho là “khôn ngoan” đó.
Cũng trên Twitter, hôm 3/9, Tổng thống Trump viết rằng các lời nói cũng như các hành động của Bắc Hàn “rất thù nghịch và nguy hiểm đối với Hoa Kỳ”.
Đây là phản ứng đầu tiên của nguyên thủ Mỹ, sau khi Bình Nhưỡng trước đó trong ngày tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất.
Trong đoạn tweet thứ hai, ông Trump viết rằng “Bắc Hàn là một quốc gia lưu manh, đã trở thành một mối đe dọa và nỗi hổ thẹn lớn đối với Trung Quốc, vốn đã tìm cách giúp đỡ nhưng đạt được thành công ít ỏi”.
“Hàn Quốc đang thấy, như tôi từng nói với họ, rằng đối thoại mang tính xoa dịu với Bắc Hàn sẽ không hiệu quả. Họ [Bắc Hàn] chỉ hiểu đúng một điều!” ông Trump viết tiếp, nhưng không nói rõ điều đó là gì.
Nhà Trắng cho biết rằng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump “theo dõi chặt chẽ” tình hình và rằng tổng thống Mỹ sẽ triệu tập một phiên họp với các trợ lý vào cuối ngày 3/9.
Bắc Hàn đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là mạnh nhất hôm 3/9 mà Bình Nhưỡng nói là một quả bom nhiệt hạch có thể dùng cho tên lửa tầm xa, đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa chính quyền bị cô lập này cùng Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Thông báo của Bình Nhưỡng được đưa ra vài giờ sau khi các cơ quan địa chấn quốc tế ghi nhận một trận động đất do con người gây ra gần địa điểm thử nghiệm của Bắc Hàn.
Theo Reuters, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc nói rằng vụ thử này mạnh gấp 10 lần so với mức chấn động ghi nhận được sau vụ thử hạt nhân lần cuối cùng một năm trước.
Hiện chưa có xác nhận độc lập đó là một thử bom nhiệt hạch, nhưng chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo không thể loại trừ khả năng đó.
Vụ thử là một thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vài giờ trước đó đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để thảo luận về sự “leo thang” cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực, và trước đó, từng thề sẽ ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa tới Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng, vốn tiến hành các chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thông báo trên truyền hình nhà nước rằng vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch theo lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un đã “hết sức thành công”.
Theo Bắc Hàn, quả bom được thiết kế để có thể lắp đặt trên một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới phát triển.
Reuters cho biết rằng vụ thử đã vấp phải sự lên án từ nhiều nước và các tổ chức. Tổng giám đốc IAEA, cơ quan kiểm soát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nói rằng đó là “hành động hết sức đáng tiếc”, “bất chấp các yêu cầu liên tục của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ trước “sự khiêu khích mới” này.
Trong khi đó, cả Hàn Quốc và Nhật tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm cô lập Bình Nhưỡng, kể cả bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bắc Hàn, lên án vụ thử hạt nhân và thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động “sai trái”.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-tra-loi-ve-kha-nang-tan-cong-bac-han/4013393.html
Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt
Tin cho hay một chính trị gia và lãnh đạo đối lập hàng đầu của Campuchia, ông Kem Sokha, đã bị bắt tại tư gia ở thủ đô Phnom Penh.
Hôm Chủ nhật 03/9/2017, truyền thông quốc tế dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Campuchia, ông Hun Sen, nói ông Kem Sokha đã bị buộc tội ‘làm phản’.
Ông Kem Sokha đã dẫn dắt đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia từ tháng Hai.
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Những kế hoạch bí mật là âm mưu giữa Kem Sokha, những người khác và những người nước ngoài nhằm gây phương hại cho Vương quốc CampuchiaTuyên bố của Chính phủ Campuchia
Campuchia: hai đảng chính ‘đều tuyên bố chiến thắng’
Ngay lập tức đã có phản ứng về diễn biến, trong đó chính phủ Úc nói rằng chính quyền Campuchia cần phải công khai về vụ việc.
Vụ bắt giữ ông Kem Sokha đánh dấu một bước leo thang mới trong một cuộc vận động nhắm vào giới chỉ trích, truyền thông độc lập và bất cứ một mối đe dọa tiềm năng nào đối với việc ông Hunsen cố nắm giữ quyền lực trước cuộc bầu cử năm sau, báo Úc, ABC.net nêu quan điểm.
Vẫn theo tờ báo này ông Kem Sokha đã được trông đợi là đối thủ thách thức chính của Thủ tướng Hun Sen.
Theo truyền thông quốc tế, chính phủ Campuchia tuyên bố họ có một video clip và bằng chứng khác chỉ cho thấy “những kế hoạch bí mật là âm mưu giữa Kem Sokha, những người khác và những người nước ngoài nhằm gây phương hại cho Vương quốc Campuchia”.
“Hành động của âm mưu bí mật này là một sự làm phản”, tuyên bố của chính phủ nói.
‘Diệt trừ hiểm họa?’
Ông Hun Sen, 65 tuổi, đã lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á trong hơn ba thập niên.
Cựu cán bộ của Khmer Đỏ đang trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở khu vực và đã đang có những lời lẽ ngày càng gay gắt với chính quyền Mỹ, vẫn theo tờ báo điện tử của Úc.
Kem Sokha, 64 tuổi, dẫn dắt đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP) từ khi người tiền nhiệm từ chức vào tháng Hai, nói rằng ông e ngại một kế hoạch của chính phủ đóng cửa đảng này.
Hunsen khá lắm, diệt trừ hiểm họa cho chính ông ấy trước kỳ bầu cử sắp tới. Việt Nam cũng có lợi trong vụ này.Linh Vũ, bạn đọc trên FB của BBC Việt ngữ
Các hình ảnh trên truyền thông ở Campuchia cho thấy ông Sokha bị dẫn đi với hai tay quặt ra đằng sau lưng.
Hôm Chủ nhật, trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, một số độc giả đã đưa ra bình luận của mình liên quan diễn biến.
Ý kiến của Linh Vũ viết:
“Hunsen khá lắm, diệt trừ hiểm họa cho chính ông ấy trước kỳ bầu cử sắp tới. Việt Nam cũng có lợi trong vụ này.”
Còn ý kiến khác của Jimmy Phạm Nguyễn viết:
“Tội âm mưu lật đổ chính phủ bất cứ ở chế độ nào cũng bị coi là tạo phản. Đừơng đừơng là một chủ tịch đảng cứu quốc mà âm mưu như vậy là không nên,” ý kiến gửi cho BBC Việt ngữ qua trang Facebook viết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41141070
UNICEF: 16 triệu trẻ em Nam Á
bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thảm khốc
Gần 16 triệu trẻ em đang “cần sự hỗ trợ cứu được sinh mạng khẩn cấp” do hậu quả của lũ lụt thảm khốc đã tàn phá khu vực Nam Á, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
“Trẻ em đã mất nhà cửa, trường học và thậm chí cả bạn bè và người thân của chúng,” Giám đốc UNICEF đặc trách Nam Á Jean Gough nói trong một thông cáo. Bà Gough nói tình hình có thể tồi tệ hơn khi những trận mưa gió mùa gây ngập lụt khu vực vẫn tiếp tục.
UNICEF cho biết lũ lụt gây tàn phá đã cướp đi sinh mạng của gần 1.300 người và ảnh hưởng tới hơn 45 triệu người kể từ giữa tháng 8.
Lũ lụt đã diễn ra suốt hai tháng qua ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh, gây lụt lội cho hàng trăm ngôi làng và buộc hàng chục ngàn người lánh nạn trong các trại cứu trợ.
Tổ chức cứu trợ này nói rằng hơn 8 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Bangladesh, trong đó có khoảng 3 triệu trẻ em. Gần 700.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy và gần 2.300 trường học chịu thiệt hại.
Lũ lụt ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu người ở Nepal, trong đó có khoảng 353,000 người đã bị buộc phải tản cư. Gần 2.000 trường học đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, ảnh hưởng đến việc giáo dục của gần 255.000 trẻ em.
Bốn bang ở Ấn Độ bị thiệt hại rộng khắp, ảnh hưởng đến hơn 31 triệu người, trong đó có gần 12,5 triệu trẻ em. Ước tính 805.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Việc giáo dục của gần một triệu học sinh bị gián đoạn sau khi lũ lụt làm hư hại khoảng 15.500 trường học.
Trong lúc các chuyên gia đánh giá thiệt hại ở Nam Á, họ nói càng lúc càng thấy rõ rằng các chính phủ Nam Á có sự chuẩn bị rất kém để ứng phó với những cơn mưa gió mùa hàng năm.
Chính phủ ở Ấn Độ, nơi lũ lụt ảnh hưởng nặng nề nhất, tập trung chủ yếu vào cứu trợ và ở một mức độ thấp hơn vào việc phòng ngừa và các hệ thống cảnh báo sớm.
Myanmar: Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine,
nhà cửa bị đốt
Khoảng 400 người đã chết vì bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar trong tuần qua, các quan chức quân đội cho biết, nói rằng phần lớn đều là người Hồi giáo nổi dậy.
Một trang Facebook của quân đội báo cáo con số này, nói rằng 370 người là những phần tử nổi dậy, và 29 người thiệt mạng là cảnh sát hoặc dân thường.
Tuy nhiên những người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã báo cáo những vụ tấn công vào làng mạc của họ làm một số người chết và buộc hàng ngàn người tháo chạy.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Bảy cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Năm ở làng Chein Khar Li thuộc thị xã Rathedaung cho thấy 700 căn nhà bị phá hủy. Tổ chức nhân quyền này nói 99 phần trăm ngôi làng bị phá hủy và những dấu hiệu thiệt hại trông giống như là hỏa hoạn, chẳng hạn như những vệt cháy lớn. “Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy,” Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói.
Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 38.000 người đã tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh, phần lớn là người Rohingya. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bangladesh nói với VOA rằng một số người Hindu, cũng là sắc dân thiểu số ở Myanmar, đã vượt qua biên giới.
Ông Robertson cho biết Phái bộ Tìm hiểu Thực tế của Liên Hiệp Quốc cần phải có “sự hợp tác đầy đủ” của chính phủ Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ của mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền ở Bang Rakhine và tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công cũng như đảm bảo sự giải trình trách nhiệm.
HRW cho biết những người Rohingya tị nạn gần đây tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh nói với tổ chức này rằng quân đội và cảnh sát Myanmar đã đốt nhà của họ và thực hiện những vụ tấn công vũ trang nhắm vào dân làng. Tổ chức này nói nhiều người tị nạn Rohingya có “những vết thương do đạn và mảnh bom.”
Các nguồn tin ở Bangladesh nói với Ban Tiếng Bangla của VOA rằng tới 60.000 người đã vượt qua biên giới trong những ngày gần đây.
Myanmar xem người Rohingya là di dân từ Bangladesh, và không phải là một trong nhiều nhóm sắc dân thiểu số của đất nước. Người Rohingya bị từ chối quốc tịch, ngay cả khi họ có thể chứng minh rằng gia đình họ đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.
Bạo lực giáo phái giữa người Phật giáo và Hồi giáo thường xuyên bùng lên suốt hơn một thập kỷ qua. Cho tới những vụ tấn công vào tháng trước, tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi những phần tử nổi dậy tấn công một số đồn cảnh sát, đưa tới một cuộc đàn áp quân sự, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Bangladesh.
Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Rohingya và hạn chế cho nhà báo và những người nước ngoài khác tiếp cận Rakhine; nhưng đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính phủ dự định thực thi các khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Quốc để cải thiện tình hình và chấm dứt bạo lực.
Nga triệu tập nhà ngoại giao Mỹ
phản đối kế hoạch khám xét cơ sở ngoại giao
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy triệu tập một nhà ngoại giao Mỹ tới Moscow để chính thức phản đối việc Mỹ dự định sẽ khám xét cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập ông Anthony F. Godfrey, phó trưởng sứ bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow về kế hoạch “khám xét bất hợp pháp” nhắm vào một tòa nhà ngoại giao của Nga ở Washington, dự kiến đóng cửa vào ngày thứ Bảy.
Phía Nga gọi vụ khám xét được hoạch định này là “hành động hung hăng chưa từng thấy” và nói rằng chính quyền Mỹ có thể nhân cơ hội này để “gài tang chứng” trong khu nhà của Nga.
Khu nhà này ở Washington là một trong ba cơ sở bị ra lệnh đóng cửa trong khi Mỹ và Nga đã trả đũa ngoại giao qua lại trong mấy tháng qua. Hai tòa nhà ngoại giao khác bị ra lệnh đóng cửa là ở San Francisco và New York.
Ông Godfrey bị triệu tập một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc FBI dự định khám xét lãnh sự quán của họ ở San Francisco, sau khi ra lệnh đóng cửa cơ sở này hôm thứ Năm.
Mỹ chưa nói liệu họ có ý định khám xét một trong hai tòa nhà này hay không.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết vụ khám xét sẽ “tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các công dân Nga”.
Bà Zakharova nói trong một phát biểu hôm thứ Sáu, “các đặc vụ Mỹ định vào ngày 2 tháng 9 sẽ thực hiện một vụ khám xét lãnh sự quán tại San Francisco bao gồm các căn hộ của nhân viên đang sống trong tòa nhà và có quyền miễn trừ ngoại giao.”
Trong khi đó, hãng tin AP loan tin nhân viên cứu hỏa đã được gọi đến địa điểm tòa lãnh sự, nhưng không được cho vào, sau khi người ta nhìn thấy khói đen bốc lên từ ống khói. Nhân viên cứu hỏa xác định rằng ngọn lửa được giới hạn trong một lò sưởi ở đâu đó trong tòa nhà.
Người phát ngôn Sở cứu hỏa San Francisco, Mindy Talmadge, nói với các phóng viên rằng bà không biết những người bên trong tòa nhà đang đốt thứ gì trong ngày mà nhiệt độ ngoài trời là khoảng 35 độ C.
Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, khói bốc ra là từ nỗ lực “bảo quản tòa nhà” vào thời điểm mà các quan chức đang chuẩn bị rời đi.
Quyết định đóng cửa tòa nhà ở San Francisco được đưa ra để đáp trả đòi hỏi của Moscow rằng Washington phải cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình ở Nga.
“Trong tinh thần đối đẳng mà người Nga khơi ra, chúng tôi đang yêu cầu chính quyền Nga phải đóng cửa Tổng lãnh sự quán của họ tại San Francisco, một tòa nhà biệt sứ phụ cận tại Washington, D.C., và một tòa nhà lãnh sự phụ cận tại Thành phố New York,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một thông cáo hôm thứ Năm, nói thêm rằng hạn chót đóng cửa là ngày 2 tháng 9.
Tư pháp Mỹ :
Không có bằng chứng về việc Obama cho nghe lén Trump
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 02/09/2017 xác nhận không có bằng chứng cho thấy cựu tổng thống Barack Obama đã cho nghe lén ông Donald Trump tại tòa tháp Trump (Trump Tower) trong chiến dịch vận động tranh cử.
Cục Điều Tra Liên Bang FBI và Cơ Quan An Ninh Nội Địa, trực thuộc bộ Tư Pháp, hôm qua, đã đệ trình một báo cáo khẳng định «không tìm thấy một dấu vết nào liên quan đến các cuộc nghe lén» như ông Donald Trump từng mô tả.
Xác nhận này được đưa ra nhằm đáp trả yêu cầu điều tra vụ việc của American Oversight, một tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát hoạt động của chính phủ nhân danh luật về tự do thông tin.
Nhà Trắng đã nhanh chóng phản ứng về kết luận trên, cho rằng: «Chẳng có gì là mới ».
Về phần mình, ông Austin Evers, giám đốc điều hành American Oversight, tuyên bố : «FBI và bộ Tư Pháp giờ đang đứng về phía cựu giám đốc FBI Comey». Ông này còn xác nhận là bộ Tư Pháp trước đó «đã có khẳng định bằng văn bản là tổng thống Trump đã nói dối» về hồ sơ này.
Reuters nhắc lại vào ngày 04/03/2017, tổng thống Donald Trump đã tung ra một tràng tweet cáo buộc « ông Obama đã nghe lén Trump Tower ngay trước khi thắng lợi» của ông Trump. Bất chấp việc thiếu các bằng chứng, Nhà Trắng trong nhiều tuần liền vẫn bám chặt vào giả thuyết này, đồng thời thúc đẩy ông Devin Nunes, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện mở điều tra.
Không những điều tra của ông David Nunes chưa đi đến đâu, mà bản thân ông cũng bị cáo buộc phát tán thông tin bí mật trái phép. Tòa tháp Tower Trump, một trong số dinh cơ riêng của ông Donald Trump, từng được sử dụng như là «tổng hành dinh» trong suốt cuộc vận động tranh cử năm 2016.
Iran sắp hoàn thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa
Tư lệnh đặc trách về hệ thống phòng không Iran, tướng Farzad Esmaili ngày 03/09/2017 thông báo “toàn bộ hệ thống đã hoàn tất và đang trong tiến trình thử nghiệm”. Bavar – 373 có khả năng chận tên lửa tương tự như S-300 của Nga. Giới phân tích lo ngại, tuyên bố nói trên càng làm dấy lên nghi kỵ của Washington với Teheran.
Đài truyền hình Nhà nước Iran trích dẫn lời tướng Esmaili cho biết, hệ thống phòng thủ bắn chận tên lửa Bavar -373 hoàn toàn do công nghệ Iran chế tạo và sẽ được cung cấp cho quân đội trước tháng 03/2018. Teheran dự trù sử dụng lá chắn chống tên lửa đời mới này song song với hệ thống phòng thủ vốn đã có, thuộc lớp S-300 do Nga cung cấp.
Theo AFP, Iran bắt đầu triển khai dự án Bavar -373 vào năm 2010 khi Nga, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, tạm hoãn hợp đồng đã được ký kết ba năm trước đó với Teheran.
Sau tháng 07/2015 khi Iran đạt được thỏa thuật với 6 cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân dân sự, Matxcơva đã cho phép xuất khẩu trở lại tên lửa chống tên lửa S-300.
Tin Iran sắp trang bị hệ thống phòng thủ mới được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Teheran và Washington gia tăng. Để trả đũa chính quyền Trump tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran, Quốc Hội Iran giữa tháng 8/2017 đồng ý tăng ngân sách phát triển các chương trình đạn đạo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170903-iran-sap-hoan-thanh-he-thong-phong-thu-chong-ten-lua
Quân đội Syria kiểm soát
trục đường chiến lược Damas – Aleppo
Hôm qua, 02/09/2017, quân đội Syria và các đồng minh đã đánh đuổi được các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi phần lớn lãnh thổ tình Hama, ở miền trung. Thắng lợi này cho phép quân đội Syria kiểm soát được hoàn toàn trục đường chiến lược nối liền thủ đô Damas với thành phố Aleppo ở phía tây bắc.
Paul Khalifeh, thông tín viên trong khu vực cho biết thêm thông tin :
«Thành phố Akeyrbat, nằm trên sa mạc ở phía đông tỉnh Hama vốn là cứ địa chủ chốt của quân thánh chiến trong vùng miền trung Syria. Khoảng 1500 chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – đã cố thủ ở đây, khống chế con đường chiến lược Ithriya, trục lộ duy nhất nối liền Damas với Aleppo.
Hôm qua, quân đội Syria và các đồng minh, với sự hỗ trợ của trực thăng và chiến đấu cơ Nga, đã chiếm được nơi đây.
Sau thất bại này, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo không còn có sự hiện diện đáng kể tại tỉnh Hama ở miền trung nữa. Từ ba năm qua, Daech đã chiếm giữ phía đông tỉnh này.
Khi chiếm lại được Hama, quân đội Syria có thể bảo đảm an toàn cho phía sau các đơn vị đang tham gia vào một chiến dịch lớn, tấn công tỉnh Deir Ezzor, ở phía đông. Theo bộ Quốc Phòng Nga, cánh quân tiền phương của các đơn vị này, từ thành phố Sokhna, đã tiến được vào tỉnh Deir Ezzor.
Như vậy, ở miền trung Syria, chỉ còn mỗi một ổ quân thánh chiến rộng khoảng 2000 cây số và hoàn toàn bị bao vây».
Mỹ : Donald Trump sắp quyết định
về số phận của 800 ngàn « dreamer »
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ra quyết định về quy chế định cư của khoảng 800 ngàn người, thường được gọi là dreamer – người mộng mơ, khao khát có được tương lai tốt đẹp hơn. Đó là những người, lúc trước 16 tuổi, đã cùng với cha mẹ, nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh cấp cho họ quy chế định cư gần như hợp pháp. Trong lúc vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump chống lại sắc lệnh đó. Thứ Ba, 05/09, nguyên thủ Mỹ sẽ có quyết định về hồ sơ này.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình:
«Liệu giấc mơ Mỹ có bỏ rơi những người mộng mơ? Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau. Hôm thứ Sáu (01/09), ông tuyên bố là Hoa Kỳ yêu quý những người này. Mặc dù vậy, liệu ông có tước đoạt giấc mơ của họ hay không bằng cách hủy bỏ sắc lệnh của Obama; văn bản đã cho phép 800 ngàn người trẻ tuổi cải thiện số phận của mình vì được quyền làm việc hợp pháp, nếu họ chấp nhận ra khỏi bóng tối và đăng ký định cư.
Việc chống đối lại quyết định bãi bỏ sắc lệnh của Obama rất mạnh mẽ và sự phản đối này không phải chỉ vì đó là những nhân vật tiến bộ, rộng lòng nhân ái. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn, như Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, General Motors, ủng hộ những người đó vì lý do tài chính: họ cho rằng việc trục xuất những người mộng mơ sẽ làm cho tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ mất đi 500 tỷ đô la. Chủ tịch Hạ Viện, dân biểu Cộng Hòa Paul Ryan muốn duy trì nguyên trạng và cho rằng hồ sơ này phải do Quốc Hội, chứ không phải tổng thống, quyết định.
Chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa Jeb Bush cũng có cùng quan điểm. Tuy nhiên, một số tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát đã định ra thời hạn cho Nhà Trắng: Nếu đến ngày 05/09, sắc lệnh của Obama không bị hủy bỏ, thì họ sẽ kiện lên các tòa án tính chính đáng của văn bản này».
Đức bác bỏ đề nghị
phong tỏa tài sản của những người ủng hộ giáo sĩ Gulen
Quan hệ giữa Berlin và Ankara thêm căng thẳng. Theo tiết lộ của tạp chí Đức Der Spiegel, số ra hôm qua, 02/09/2017, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm nay, đã chuyển cho Đức danh sách những người mà Ankara muốn phong tỏa tài sản vì họ đã ủng hộ giáo sĩ đối lập Fethullah Gülen.
Hiện đang số lưu vong tại Mỹ, giáo sĩ Gulen bị cáo cuộc đứng đằng sau vụ đảo chính hụt hồi giữa tháng Bẩy năm 2016.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình:
«Berlin nhận được rất nhiều thư từ của Ankara trong những tháng vừa qua. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên chuyển tới Đức các danh sách những người hoặc các tổ chức, bị nghi ngờ đã ủng hộ cuộc đảo chính hụt hồi tháng Bẩy 2016. Mục đích của Ankara là những người này bị khởi tố tại Đức và sau đó, bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cơ quan chức năng Đức cũng thường xuyên bác bỏ và cho rằng các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ không có cơ sở. Trong một số trường hợp, những người có tên trong danh sách đã được báo động và được khuyên không nên sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tầm ngắm của Ankara có đảng Lao Động Kurdistan PKK và cả giáo sĩ hiện sống lưu vong Fethullah Gulen. Người này bị cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính hụt hồi năm 2016.
Theo tạp chí Der Spiegel, vào mùa xuân vừa qua, chính quyền Ankara đã đề nghị Berlin phong tỏa tài sản của các tổ chức và những thành viên thuộc phong trào của Gulen. Danh sách này có tên của 80 người và các tổ chức.
Vào cuối tháng Sáu, Berlin đã bác bỏ đòi hỏi này và cho rằng không có một động cơ chính đáng nào có thể dẫn đến việc các cơ quan chức năng Đức phải ra tay can thiệp.
Việc Berlin liên tục từ chối các đòi hỏi đã làm Ankara tức giận và cáo buộc Đức bảo vệ những kẻ mà Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là những tên tội phạm hoặc khủng bố».
Tranh luận truyền hình Angela Merkel – Martin Schulz
Vào lúc quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục căng thẳng, và có nhiều dấu hiệu cho thấy Ankara đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, tối nay thủ tướng Đức Angela Merkel và Martin Schulz sẽ có cuộc tranh luận trên đài truyền hình.
Cuộc tranh luận tay đôi duy nhất chỉ kéo dài trong vòng một tiếng rưỡi và được 4 kênh truyền hình lớn của Đức phát sóng trực tiếp vào giờ cao điểm. Dự kiến sẽ có khoảng 20 triệu người (khoảng 1/3 lượng cử tri) theo dõi cuộc tranh luận này.
Các cuộc thăm dò liên tiếp gần đây cho thấy phe bảo thủ của bà Angela Merkel dẫn đầu khá xa so với các đối thủ đảng Xã Hội – Dân Chủ, đôi khi đến gần 17 điểm.
Theo đánh giá của AFP, uy tín của thủ tướng Đức trong dân chúng vẫn còn cao. Trong suốt 12 năm dưới quyền lãnh đạo của bà Merkel, nước Đức có tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử.
Trong bối cảnh các trào lưu dân túy trỗi dậy, dư luận Đức vẫn cảm thấy an tâm về những kinh nghiệm điều hành đất nước của thủ tướng Đức hiện nay.
Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bầu không khí ảm đạm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 03/09/2017 khai mạc thượng đỉnh nhóm BRICS tại Hạ Môn, Trung Quốc. Cuộc họp quy tụ lãnh đạo năm nền kinh tế mới trỗi dậy, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi, kéo dài đến ngày 05/09. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật:
«Chỉ còn có 7 tuần nữa là diễn ra đại hội Đảng quan trọng để có được một nhiệm kỳ mới, Tập Cận Bình sẽ không để vuột mất niềm vui đảm nhiệm thêm một chức danh mới ưa thích: đó là nghiễm nhiên trở thành chủ nhân một nước Trung Quốc hùng mạnh, tông đồ của toàn cầu hóa.
Lãnh đạo 5 nước họp tại Hạ Môn đại diện cho 40% dân số toàn cầu và chiếm đến 50% tăng trưởng thế giới, với hai đầu tàu là Ấn Độ và Trung Quốc.
Và cũng vì thế mà mọi cặp mắt giờ đây sẽ đổ dồn về hai nguyên thủ đó. Liệu rằng thủ tướng Ấn Độ Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột biên giới đã đầu độc quan hệ song phương trong hai tháng vừa qua ?
Một câu hỏi khác: Năm nước này sẽ thông qua những biện pháp nào để tái thúc đẩy nền kinh tế của mình? Brazil vô vọng tìm kiếm các nhà đầu tư, Nam Phi đang bị suy thoái, Nga hụt hơi vì lệnh cấm vận của quốc tế, trong khi mà cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc cũng không có được tăng trưởng ngoạn mục.
Do đó, thượng đỉnh tại Hạ Môn lần này phải mở ra những hướng phát triển mới, nhất là cho các doanh nghiệp của Trung Quốc».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170903-thuong-dinh-brics-khai-mac-trong-bau-khong-khi-am-dam
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis:
muốn vẽ lại biên giới với Ukraine
Kiev, Ukraine. (Reuters) – Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nhận xét Nga đang đe dọa châu Âu, cho biết ông ủng hộ việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Bộ Trưởng Mattis nói chính phủ Tổng Thống Donald Trump không ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea vào đất nước họ. Từ 10 năm nay, ông Mattis là lãnh đạo Ngũ Giác Đài đầu tiên đến thăm quốc gia thuộc Liên Bang Sô Viết cũ. Tại buổi họp báo chung với Tổng Thống Poroshenko, ông Mattis chỉ trích hành động quân sự của Nga ở Ukraine, cho biết sự hiện diện của ông ở Kiev gởi đi thông điệp cho Điện Kremlin, rằng Hoa Kỳ luôn cam kết với chủ quyền của Ukraine.
Theo Bộ Trưởng Mattis, dù Nga liên tục bác bỏ mọi cáo buộc, Hoa Kỳ tin rằng Moscow đang tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực. Tham vọng của Moscow là muốn làm suy yếu các nước châu Âu, và khuấy động sự căng thẳng trên cựu lục địa này.
Khi được phóng viên hỏi thêm về vũ khí sát thương, ông Mattis từ chối trả lời chi tiết, chỉ nói đó là loại vũ khí phòng thủ, giúp Ukraine có thể ngăn chặn các đợt tấn công của kẻ thù. Ông Mattis trích dẫn một số thỏa thuận mà Nga ký kết sau khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ vào năm 1991, gồm thỏa thuận Minsk, ký vào năm 2015, trong đó phác thảo lộ trình nhằm giảm xung đột giữa Ukraine với phe ly khai, giết chết hơn 10,000 người. (Nguyên Trân)
http://www.sbtn.tv/bo-truong-quoc-phong-james-mattis-moscow-muon-ve-lai-bien-gioi-voi-ukraine/
Xe chở 300 tay súng và thân nhân ISIS
bị kẹt lại Syria vì các đợt không kích của Hoa Kỳ
Syria. (Reuters)- Hôm Thứ Năm 31/08, Hoa Kỳ đã không kích đoàn xe chở 300 tay súng phiến quân Nhà nước Hồi Giáo và gia đình đang tìm cách rời khỏi khu vực biên giới Lebanon-Syria theo thoả thuận trước đó của Hezbollah.
Thoả thuận này cho phép họ di chuyển đến một thị trấn ở miền đông Syria mà Phiến quân Nhà nước Hồi Giáo kiểm soát, gần biên giới Iraq. Thoả ước này đã làm Iraq và Hoa Kỳ nổi giận, và Hoa Kỳ đã mở đợt không kích ngay trong ngày thứ Tư để chận đường của đoàn xe.
New York Times dẫn lời Ryan Dillon, phát ngôn viên liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu nói rằng Hoa Kỳ đang theo dõi diễn biến cho thấy các tay súng Phiến quân Nhà nước Hồi Giáo đang trên đường tháo lui. Đoàn xe buýt bị kẹt lại nhiều tiếng đồng hồ tại một đồn kiểm soát, đã quay sang hướng bắc để đến một địa điểm đang do lực lượng của chính phủ Syria kiểm soát, trong khi tiếp tục thương lượng tìm cách đưa họ đến một địa điểm ở hướng đông do ISIS kiểm soát.
Sáng sớm thứ Tư, ISIS cũng đã trao cho Hezbollah thi thể của một thành viên Vệ binh Cách mạng Iraq theo thoả thuận. Tổ chức Hezbollah của Lebanon cho hay đã tiếp nhận thi thể của Mohsen Hojaji và cho thử DNA trước khi trao cho Iran. Hezbollah còn tiết lộ các địa điểm chôn giấu thi thể của các binh sĩ Lebanon bị bắt hồi năm 2014 để đổi lấy con đường di chuyển an toàn băng qua lãnh thổ hiện do quân đội Assad kiểm soát, để tiến vào khu vực đang do ISIS chiếm đóng ở gần biên giới Iraq. (Nguyên Trân)
Nấm mốc là mối nguy cho sức khoẻ hậu bão Harvey
Greg Ingram looks around his water-damaged home after floodwaters from Tropical Storm Harvey drenched the city Thursday, Aug. 31, 2017, in Houston. (AP Photo/Gregory Bull)
Houston, Texas. (Reuters) – Sự tàn phá từ bão Harvey đặt ra nhiều mối đe dọa cho cuộc sống và sức khoẻ của hàng triệu cư dân Texas, không chỉ tại trung tâm tạm trú, mà còn tại nhà sau khi nước ngập rút đi. Ngay lúc này, tâm trí của hàng triệu người chỉ nghĩ đến thiệt hại và tiền bạc, nên quên đi một điều sẽ trở thành mối bận tâm to lớn, đó là nấm mốc. Khí hậu nóng ẩm hiện nay ở Texas là điều kiện hoàn hảo để nấm mốc phát triển, và chúng có thể xuất hiện rất nhanh sau cơn bão.
Tiến Sĩ Y Khoa Sumita Khatri là đồng giám đốc Trung Tâm Suyễn tại Cleveland Clinic, nói rằng nấm mốc có thể phát triển chỉ trong vài ngày. Nếu cư dân Texas không không chủ động tiêu diệt nấm mốc ngay từ khi bước chân vào nhà, sức khỏe của họ sẽ gặp nguy cơ. Nấm mốc có thể làm người bị dị ứng cảm thấy khó thở, làm người bị hen suyễn lên cơn nghiêm trọng, và làm người khỏe mạnh bị viêm họng hoặc viêm phổi.
Theo Tiến Sĩ Khatri, những người bị mắc bệnh kinh niên về đường hô hấp nên quan tâm tới sức khỏe cá nhân, không nên hít thở bầu không khí có bào tử nấm mốc. Nếu vấn đề về nấm mốc không được giải quyết, hệ hô hấp của họ sẽ bị phá hoại và không bao giờ được chữa lành.
Theo CBS News, nấm mốc phát triển sau cơn bão là điều rất phổ biến. Nghiên cứu cho thấy nấm mốc phát triển rất nhanh ở New Orleans sau cơn bão Katrina, thậm chí ở những nơi chỉ bị ngập sơ cũng mọc đầy nấm mốc. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/nam-moc-la-moi-nguy-cho-suc-khoe-hau-bao-harvey/